Viên tổng đốc Lưỡng Quảng Diệp Danh Thám, tự phụ với chức vụ cao cả, do thiên tử sắc phong và bổ nhiệm, không chịu tiếp một sứ thần ngoại quốc, nếu không theo đúng nghi lễ bái kiến. Cả hai bên, không bên nào nhượng bộ, giữ vững lập trường, bên nào cũng vì quốc thể.
Cảnh thái bình rất bấp bênh, được lúc nào hay lúc đó, người dân còn được yên ổn, thừa dịp tổ chức yến tiệc ăn chơi trong khi triều đình nhộn nhịp sửa soạn lễ khánh trúc. Tất cả mọi người và bất cứ ở đâu chỉ trông thấy hiện tại không nghĩ đến ngày mai.
Đối với bà Từ Hy, lễ này, bề ngoài là mừng sinh nhật của con bà, bà còn ẩn ý lợi dụng ngày đó để thực hiện một xảo kế, bà đã xếp đặt từ lâu nay có dịp đem ra thực hiện. Suốt cả mùa đông bà đã cố chờ một dịp thuận tiện, lòng phải dối lòng, tự quên đi. Tuy cả ngày cặm cụi đọc sách và các công văn, tài liệu, bà vẫn không quên ý nghĩ cất nhắc Nhung Lữ lên một địa vị khả quan.
Một hôm trước ngày khánh lễ, bà bắt gặp Mai, vẽ mặt tư lự, bà beo má nàng, nói:
- Con tưởng ta quên lời hứa với con ư?
Bà nhìn thẳng vào hai mắt Mai, người bà gọi là con, nàng hiểu lời bà nói.
Từ Hy có những động lực tư tưởng thầm kín khác. Bà rất quan tâm những biến cố trọng đại trong nước, lo lắng suy nghĩ, nhiều khi bà thức suốt đêm tìm phương thức để đối phó với tình thế. Chính Cung thân vương cũng không ngờ tưởng. Tuy vậy bà vẫn không quên dục vọng thầm kín. Vì thế, trong một đêm bà nửa thức, nửa ngủ trong vòng tay ông vua, bà nói sảng:
- Chà, tôi suýt quên.
- Quên gì, hả "Tâm can" của trẫm?
Đêm hôm đó, ông vua rất sung sướng, vui vẻ, vì ông đã thõa mãn được tình dục, không đến nỗi bất lực như mọi lần.
Từ Hy nói, giọng còn ngái ngủ:
- Chúa thượng cũng biết, viên chưởng quản ngự lâm quân là anh em họ với thần thiếp.
- Trẫm biết và cũng nghe thấy nói.
- Đã lâu, thần thiếp có hứa với Muyanga, chú ruột của thần thiếp, lời hứa đó, thần thiếp chưa thực hiện được.
- Sao vậy? Ái khanh hứa gì?
- Nếu hoàng thượng cho phép mời hắn đến dự yến, nhân ngày sinh nhật thế tử, như thế thần thiếp không còn băn khoăn.
Ông vua nói lộ vẻ ngạc nhiên, thấy khó nghĩ quá. Một viên quản, nếu cho mời viên quản ngự lâm quân dự yến thì bọn hoàng thân hạng dưới và vợ con họ ghen tức, vì bọn này không được dự.
Từ Hy hiểu rõ ý nghĩ của ông vua, nàng nói:
- Bọn người đê tiện thế nào chẳng ghen tức, nhưng dù có ghen tức, mặc kệ họ, đây là lệnh của chúa thượng.
Một lát sau, nàng từ từ lui ra xa ông vua, ngáp, nói thấy người mệt mỏi.
Đột nhiên, nàng rên gừ gừ như đau răng. Nàng bịa chuyện ỏe họe với ông vua, sự thực hàm răng nàng trắng nỏn chẳng đau đớn gì hết. Nàng định xuống giường xỏ chân vào đôi giày vóc, mồm nói:
- Tối mai chúa thượng đừng cho gọi thiếp, thiếp không muốn nói với người thái giám đến gọi thiếp không đến.
Ông vua nghe lời nàng, thấy cử chỉ hờn dỗi, ông ngại quá, ông biết tính nàng khó bảo lắm, khi không đã không bằng lòng việc gì, không ai nói nổi, ông xem ý tứ nàng không yêu ông, nên ông cần phải mua chuộc lấy lòng. Tuy vậy, ông cũng chưa chịu ngay, để nàng đi. Hai đêm liền, ông không cho gọi nàng đến, vì nếu cho gọi mà nàng không đến càng thêm bẽ, bọn cận vệ đàm tiếu. Nàng đã biết tính ông vua này, biết những nhược điểm của ông, vì đã nhiều lần ông cho người đem đến những phẩm vật để lấy lòng dụ cho nàng đến. Ông cũng nhớ vì ông từ chối không chiều theo ý nàng, nên nàng giận. Đã có một lần, ông phải sai một tên thái giám về mạn Nam để tìm mỏ con chim hồng hoàng (mỏ con chim này giống như ngà voi) một loại chim rất hiếm, người ta chỉ thấy có ở vùng Mã Lai hay Nam Dương quần đảo. Từ Hy muốn cứ thứ ngà đó để làm đồ trang sức, chỉ có các vua chúa mới có thứ ngà đó để bọc vào đai áo. Lúc đầu ông vua từ chối không sao tìm được thứ ngà đó, vì sợ nếu chiều theo ý nàng, các bà hoàng bà chúa ghen tức. Nàng đã dằn dỗi trong bao nhiêu tuần, rốt cuộc ông vua phải chiều theo ý muốn của nàng.
Ông vua than phiền với tên thái giám:
- Ta thật không muốn bị ràng buộc vào một người đàn bà, khó tính, khó nết như nàng.
An Đắc Hải tỏ vẻ cung kính, đồng ý với ông vua, hắn nói:
-Tâu chúa thượng đúng vậy, tất cả chúng con, ai cũng mến lệnh bà...trừ ra có vài người thù nghịch với lệnh bà.
Ông vua đã nhượng bộ nàng lần ấy, bây giờ ông cũng phải chiều theo ý nàng. Chiều hôm trước ngày đại yến, ông cho gọi Từ Hy đến, nàng trang điểm rất đẹp, rất vui vẻ như để tỏ lòng cảm tạ. Cũng chiều hôm đó, Nhung Lữ nhận được thiếp mời của hoàng gia đến dự yến ngày sinh nhật thái tử.
Hôm đại lễ, một ngày mát mẻ, trời quang đãng, buổi sáng lúc Từ Hy thức dậy đã nghe tiếng ầm ĩ ở ngoài đường phố trong kinh thành. Nhà nào cũng đốt pháo, tiếng pháo nổ đì đoành, lẫn tiếng chuông, tiếng trống, tiếng kèn. Tất cả các tỉnh, làng mạc trong nước, nơi nào cũng tưng bừng, nhộn nhịp. Hôm đó Từ Hy dậy rất sớm, bà có vẻ bận rộn hơn mọi ngày, đối với mọi người bà rất nhã nhặn, vui vẻ từ con a hoàn đến bà quý tộc trong hoàng phái. Khi bà sửa soạn xong, người ta ẵm thế tử đến, mặc chiếc áo đỏ tươi, đầu đội mũ miện theo phẩm trật. Bà ẵm con trên tay, trong lòng sung sướng, vinh hạnh. Bà hôn hít con, lẩm bẩm nói khẽ vào tai con: Ngày hôm nay, mẹ sung sướng nhất đời.
Thế tử nhoẻn cười, nước mắt chảy vòng quanh. Nàng không sợ gì hết cả tà thần, ác quỷ, ghen tức với bà. Trên trời, dưới đất, không có một người nào, một thế lực nào, hữu hình hay vô hình có thể làm hại được mẹ con bà. Địa vị, số phận, bảo trì mẹ con bà như một tấm mộc.
Giờ đã điểm, bà ẵm thế tử, gọi tất cả thể nữ, a hoàn đi tháp tùng, ra giữa cấm thành, đến điện Thái Hòa, đức vua ngự ở đó để tiếp nhận các cống phẩm. Nơi tôn nghiêm đó, diện tích rộng 350 thước trên 700 thước, một cung điện lớn nhất ở hoàng thành, hai bên có tả vu, hữu vu, sàn lát đá cẩm thạch. Thềm có năm bực, hai bên có rồng bằng đá chầu nên gọi là sân rồng. Mái điện lợp bằng ngói sứ, lấp lánh dưới ánh nắng. Không có một cọng cỏ, một chút rêu nào, vì lúc xưa khi xây cất, người ta có trộn một thứ độc dược vào vữa, nó có tác dụng diệt hết sâu bọ ngọn gió đưa lại.
Điện Thái Hòa, một nơi tôn nghiêm nên không một người đàn bà nào đến được, Từ Hy cũng không được vào. Nàng chỉ đứng nhìn mái ngói vàng rực, các khung cửa chạm trổ, những tấm bình phong sơn son thiếp vàng. Một ngôi điện nhỏ hơn ở kế cận.
Hoàng thượng ngự trên ngai rồng. Cung thân vương ẵm thế tử đứng bên cạnh ngai. Hoàng thượng tiếp nhận những cống phẩm của các thuộc quốc triều cống, sai thái giám đem dâng lên Tây cung thái hậu. Từ Hy nhìn các phẩm vật đẹp long sòng nội tất cả những món đồ cống hiến, nàng không thấy có một món đồ nào thật đẹp xứng cho con.
Một ngày không đủ nhận các đồ cống hiến, khi mặt trời lặn còn những món quà biếu của hoàng tộc và những quan liêu trung và hạ cấp. Khi trăng lên là lúc mở đại yến. Hoàng thượng, Đông cung, Tây cung đi trước theo sau là văn võ bá quan. Hoàng thượng ngồi riêng một bàn, chiếc bàn bên có Đông cung thái tử ngồi trên lòng hoàng thúc. Cung thân vương và hoàng thượng không rời mắt nhìn thế tử, tỏ vẻ vui mừng, sung sướng. Thế tử có hai mắt to giống thân mẫu, nhìn những chiếc đèn lồng có những quả gù rung rinh, lấp lánh, vương nhi lấy tay chỉ trỏ, cười, vỗ tay, thích lắm. Thế tử mặc chiếc áo vóc vàng thêu những con rồng nhỏ màu đỏ; chân đi đôi hài bằng nhung, trên đầu đội chiếc mũ vóc đỏ, gắn lông công, cổ đeo một sợi dây vàng. Bà Từ Hy đeo chiếc dây này cho con từ khi mới lọt lòng, bà tin chiếc dây đó bảo vệ được con bà, nó trừ tà, ếm quỷ. Mọi người nhìn vương nhi tấm tắc khen thầm, không ai dám nói to, sợ vía van.
Duy chỉ có một mình Nựu Cô Lộc Thị, bà Đông cung thái hậu, nhìn thằng nhỏ, bà buồn rười rượi, lộ trên nét mặt.
Theo phép lịch sự, hoàng thượng mời bà Đông cung dùng món gì, bà lắc đầu từ chối, nói không muốn ăn vì không thấy đói. Khi Từ Hy nói với bà, bà làm thinh như không nghe thấy. Có ai dám trách ông vua sao lại yêu thương bà Từ Hy hơn, vì bà đẹp hơn, thông minh hơn, dáng điệu yêu kiều hơn. Bà Từ An như con mèo ốm, hai tay gầy còm, đeo những chiếc nhẫn lớn hơn ngón tay, mặt loắt choắt, xanh xao, da dẻ nhăn nheo. Tuy bà Từ An lạnh nhạt khủng khỉnh, bà Từ Hy vẫn thản nhiên như không, mọi người ai cũng khen ngợi bà Từ Hy, trí lự quảng đại.
Xung quanh những chiếc bàn thấp hơn, có đến hàng ngàn thực khách, ngồi trên những chiếc đệm vóc đỏ, bọn thái giám, quần áo đủ màu sắc, đi đi, lại lại, hầu bàn. Ở đầu phòng có các mệnh phụ, phu nhân, vợ các thân vương, các vị quan trong triều, những hàng quí tộc, phía bên này có người thiếu nữ Mai, ngồi bên tay mặt bà Từ Hy, bà vẫn thường quay lại, cười nói với nàng. Cả hai người biết chỗ Nhung Lữ ngồi, ở một chiếc bàn, cách xa. Mọi người không khỏi ngạc nhiên thấy viên quản ngự lâm quân được mời vào đây dự tiệc. Có người lấy tay che nến hỏi nhỏ một tên thái giám đi ngang qua, người thái giám trả lời:
- Đó là anh em thúc bá với Tây cung thái hậu, đến dự tiệc theo lệnh mời của thái hậu.
Không ai dám hỏi gì thêm nữa. Trong lúc yến tiệc, bọn nhạc công hoàng gia gẩy đàn thổi sáo, đánh trống, còn bọn phường tuồng diễn những vở tuồng, để cho người nào thích coi thì coi.
Thế tử mỏi, ngủ, viên chưởng quản thái giám ẵm thái tử giao cho vú nuôi, những cây nến đã gần hết, bốc khói, bữa tiệc sắp cáo chung.
Cung thân vương truyền:
- Đem trà mời các vị quý tộc.
Bọn thái giám bưng khay trà đến mời các vị trong hàng quý tộc, viên quản ngự lâm quân không ở trong hàng quý tộc nên không được mời. Không một việc gì qua mắt được bà Từ Hy, bà biết hết nhưng vờ thản nhiên như không. Bà giơ bàn tay đeo đầy nhẫn, ngoắc tên thái giám Lý Liên Anh, tên này vội vàng chạy đến.
- Bưng chén nước trà này của ta. đem lại mời người anh họ ta.
Bà nói dõng dạc, rõ ràng. Bà lấy chiếc nắp sứ đậy trên chén trà, giao cho tên thái giám đem đi. Vinh dự, sung sướng được làm cận vệ thân tín cho bà Tây cung, Lý Liên Anh trịnh trọng bưng chén nước trà đến, Nhung Lữ đứng dậy, hai tay đỡ lấy. Hắn đặt chén nước xuống bàn quay mặt về bà Tây cung thái hậu, xá chín lần để cảm tạ khang ân.
Mọi người đang trò chuyện, ngửng lại, quay nhìn, bà Từ Hy làm như không để ý. Bà chỉ liếc mắt nhìn Mai nét mặt tươi cười. Viên chưởng quản thái giám ra hiệu cho bọn nhạc công tiếp tục, trong khi các viên thái giám bưng đồ nước lên.
Trăng đã lên cao, đêm đã khuya, mọi người chờ thiên tử cho lệnh giải tán. Thiên tử vẫn ngồi yên, một lúc sau ông vỗ tay, viên thái giám ra hiệu bọn nhạc công ngừng lại.
Từ Hy quay lại hỏi Cung thân vương:
- Bây giờ còn gì nữa hả?
-Thưa, tôi cũng không rõ.
Trong phòng tiệc phẳng lặng, tất cả mọi người quay nhìn ra phía cửa.
Hoàng thượng nghiêng người về phía Từ Hy nói:
- Quý phi nhìn coi về phía cổng cái.
Từ Hy nhìn ra phía cửa thấy sáu người thái giám khệ nệ khênh một chiếc mâm đúc bằng vàng khối, ở trên có một trái đào khổng lồ, nửa trái mạ vàng, nửa trái sơn đỏ. Trái đào biểu dương sự sống lâu, trường thọ.
Vua truyền cho Cung thân vương:
- Báo cho hiền mẫu của thế tử, món quà riêng của trẫm.
Cung thân vương đứng dậy nói lớn:
- Tặng phẩm của thiên tử cho hiền mẫu Đông cung thái tử.
Tất cả cử tọa đứng dậy, nghiêng đầu. Bọn thái giám khênh chiếc mâm trên có trái đào, đến trước mặt Từ Hy.
Thiên tử nói:
- Giơ hai tay đón lấy trái đào.
Từ Hy đặt mấy ngón tay trên trái đào khổng lồ, trái đào mở ra làm hai ở trong có một đôi giày bằng vóc hồng thêu những bông hoa nhỏ bằng kim tuyến, cẩn các thứ ngọc đủ màu sắc. Những gót cao đóng ở giữa đế, gắn toàn hạt trai hồng Ấn Độ che kín vóc bọc ở ngoài.
Từ Hy ngửng hai con mắt sáng ngời nhìn thiên tử.
- Tâu bệ hạ, thứ này ban cho thần thiếp?
- Phải, quà riêng mừng quí phi.
Một món quà, hàm súc một ý tứ táo bạo, tượng trưng cho tình nhục dục, sự sủng ái của ông vua đối với một người phi đa tình biết chiều chuộng theo thị hiếu.
Mấy hôm sau ngày khánh lễ, những bá cáo về tình thế nguy kịch ở miền Nam tới tấp bay về kinh thành. Chưa lần nào tin tức lại bi quan như lần này.
Viên tổng đốc Lưỡng Quảng có ý chờ cho hết hội hè đình đám, yến tiệc mới gửi biểu chương, nhưng ông không thể giấu giếm che đậy những nguy cơ ngày một gia tăng. Ông gửi hỏa tốc những công văn thượng khẩn lên kinh, báo cáo tên hồng mao Lord Elgin đang đe dọa nặng nề thành phố Quảng Đông, có nhiều tàu chiến mới cập bến ở Hà Khẩu, với một dân số khoảng sáu ngàn người. Quân đội hoàng gia không đủ sức chống cự. Không những thế, ngay ở trong tỉnh đầy rẫy quân phiến loạn, tự xưng là quân Gia Tô giáo. Người cầm đầu bọn thảo khấu này tên là Hùng, một tên điên khùng, tự khoác một sứ mệnh thiêng liêng do một vị thần ngoại quốc tên là Jésus sai xuống lật đổ Thanh triều.
Cung thân vương là người đầu tiên nhận được báo cáo, ông không dám đệ trình lên hoàng thượng. Từ hôm dự đại yến mừng Đông cung thái tử, hoàng thượng luôn luôn ở trong phòng không ra ngoài. Vì ăn uống quá độ, hút nhiều á phiện cho đỡ đau nhức, ông nằm liệt vị trên giường mặt mũi lơ láo, như dại, như ngây, như người mất trí. Cung thân vương nghĩ bàn luận với vua lúc này vô ích, nên ông cho người thông báo Từ Hy và xin được hội kiến gấp.
Từ Hy đến hoàng gia thư viện, ngồi sau tấm bình phong. Đi cùng với Cung thân vương có viên cơ mật đại thần Tải Thản, thân vương Đoan Hoa và thân vương Túc Thuận, người em nhỏ nhất của thiên tử. Bọn thái giám đi xa cũng nghe được bản tường thuật của viên tổng đốc Lưỡng Quảng, do Cung thân vương đọc.
Tải Thảm lẩm bẩm:
"Nguy quá... Chí nguỵ.. Chí nguỵ.."
Nhìn thấy con người thô lỗ, to lớn. Cổ rụt, vai u, Từ Hy nghĩ người như thế sao có thể là cha đẻ của thiếu nữ Mai, hình vóc thanh tao, kiều diễm.
Thân vương Túc Thuận giọng the thé như huýt sáo:
-... Nguy quá...
Cung thân vương nói:
- Tình thế nguy ngập, mình phải tính nước cờ sẽ đi, như thế này, viên chỉ huy hồng mao Lord Elgin sẽ chiếm tỉnh Quảng Đông, yêu sách triều đình phải được tiếp kiến.
Từ Hy đập tay lên bàn, nói lớn:
- Không khi nào.
Cung thân vương, giọng rất buồn, nói:
- Tâu lệnh bà, tôi xin mạn phép trình bày, mình chưa đủ sức, đủ lực để từ khước những yêu sách của quân thù quá mạnh.
Từ Hy vặn lại:
- Dùng lực không được thì dùng chước. Hứa hẹn nữa rồi mình trì hoãn không thi hành lời hứa, đã sao?
Cung thân vương phát biểu:
- Làm sao mình có thể hứa hẹn suông mãi được?
Viên cơ mật đại thần Tải Thản bước lại gần, nói:
- Cách đây hai năm, chúng ta đã đánh bại họ một lần khi tên hồng mao Saymour đột nhập vào Quảng Đông. Chắc ai cũng còn nhớ trận đó chúng ta toàn thắng. Chúng ta treo thưởng 30 lạng bạc một chiếc đầu hồng mao. Viên tổng đốc cho đem những thủ cấp đó bêu khắp phố phường. Chúng ta cho phóng hỏa kho đụn của tụi nó. Quân hồng mao cuốn cờ, xéo đi hết.
Thân vương Túc Thuận tán thưởng:
- Đúng...đúng...
Cung thân vương phản kháng, tuy còn ít tuổi không thể chống đối ra mặt, song ông cũng cố trình bày vì lỡ lầm một chút, hậu quả không thể lường được.
- Tuy quân hồng mao có rút lui nhưng không ít lâu sau họ kéo đại binh đến. Vả lại lúc này quân Pháp muốn cướp các nước chư hầu của Thanh triều ở bán đảo Đông Dương, họ liên kết với quân hồng mao chống mình. Quân Pháp lấy cớ, mình ngược đãi và hành quyết một viên cố đạo Pháp ở Quảng Tây. Người ta nói viên Lord Elgin nhận được chỉ thị của nữ hoàng yêu sách mình phải tiếp sứ thần của họ vào triều bệ kiến.
Từ Hy vẫn giữ vững lập trường, bà không thay đổi ý kiến, vì nể Cung thân vương, bà nhỏ nhẹ nói:
- Thân vương trình bày cũng hữu lý song tôi vẫn chưa hết hoài nghi. Chắc chắn người chị em tôi, nữ hoàng phương Tây không biết bọn thuộc hạ lợi dụng danh nghĩa của bà để đặt những yêu sách phi lý. Việc đó đã xảy đến khi mình trục xuất quân ngoại quốc.
Cung thân vương vẫn kiên trì, cố giải thích:
- Thưa lệnh bà, có lẽ lý do nổi loạn duy nhất là cuộc nổi loạn người Ấn Độ, tôi đã có lần trình bày lên lệnh bà cách đây vài tháng. Lệnh bà cũng đã rõ toàn thể Ấn Độ đã bị người Anh chiếm đoạt. Nhân vì có cuộc nổi dậy của người Ấn, một số kiều dân Anh và vợ con bị sát hại, người Anh dùng chính sách bạo tàn, thẳng tay đàn áp. Họ đã dẹp được cuộc nổi dậy ở Ấn Độ, bây giờ họ rảnh tay để tiếp tục chinh phục nước ta. Tôi sợ họ có ý thống trị nước mình như Ấn Độ. Ai có thể biết được lòng tham vô đáy của con người. Một dân tộc ở quần đảo bao giờ cũng thèm thuồng đất đai để mở rộng biên cương, bành trướng thế lực. Nếu chúng ta lùi bước, toàn thể nước ta sẽ bị lôi cuốn, đè bẹp. Vậy chúng ta phải giữ gìn lãnh thổ với giá nào.
Từ Hy nói lại để xác nhận:
- Phải, bất cứ giá nào.
Tuy nhiên bà không quan niệm sự nguy biến, tưởng chừng mọi việc sẽ được xong xuôi. Bà không tỏ vẻ quan tâm, bà nói:
- Dù sao Quảng Đông cách đây xa hàng vạn dặm, thành trì ta ở đây kiên cố, ta nghĩ cũng không nên quá bi quan. Vả lại, lúc này thiên tử khiếm an, không nên làm ngài buồn phiền. Chúng ta cũng sắp rời kinh thành, về mùa nóng đi thừa lương. Tạm đình chỉ các quyết nghị cho đến khi từ Viên Minh hồi loan. Ra chỉ thị cho viên tổng đốc Lưỡng Quảng thông báo cho quân hồng mao biết để còn làm tờ phúc trình về kinh, chuyển đạt các nguyện vọng của họ để hoàng thượng xét duyệt. Khi chúng ta nhận được phúc trình, chúng ta trả lời hiện nay thánh thể vi hòa, phải chờ đến mùa mát, thiên tử bình phục để ngài quyết định.
Viên cơ mật thốt kêu lên:
- Tuyệt diệu, tuyệt diệu.
Thân vương Đoan Hoa tán thưởng:
- Ý kiến đó thần diệu.
Thân vương Túc Thuận gật đầu lia lịa tỏ vẻ cảm phục.
Cung thân vương đứng yên, thở dài.
Từ Hy không muốn nghe tiếng thở dài não nuột, tuyên bố cuộc hội thảo bế mạc.
Ở hoàng gia thư viện đi ra, Từ Hy đến thẳng cung thái tử, ở đó trong bốn tiếng đồng hồ chơi với con. Bà đứng nhìn thằng nhỏ ngủ, khi thức dậy. Bà đặt ngồi trên lòng rồi bà đặt con xuống đất, thằng nhỏ nắm hai bàn tay bà, tập đi. Nhìn con, trong lòng sung sướng, hớn hở như thêm nghị lực tin tưởng vào một ngày mai sáng lạng. Lòng yêu con không sao kể xiết, đối với bà, thằng nhỏ là cả một kho tàng, tâm hồn đó, lẽ sống của bà. Bà ôm chặt con trong lòng, tiết rằng không thể ôm con trong người như khi nó còn nằm trong bụng.
Từ Hy trở về từ cung sau mấy tiếng đồng hồ chơi với con, lòng thấy khoan khoái, hớn hở, bà lại ngồi đọc, nghiên cứu những văn mật, biểu chương ở các nơi gởi về. Bà xem xét, cân nhắc, suy nghĩ, rồi gởi thảo quyết nghị, ký tên nhân danh hoàng đế.
Trước sang hè, bà cho tổ chức lễ thành hôn em gái. Bà chọn đệ nhất hoàng đệ, tên là Chuân, hiệu Ý Huân. Bà có cho mời thân vương Chuân vào tiếp kiến ở tư cung để có dịp nhận xét về tư cách và vóc dáng. Bà thấy hắn thân hình xấu xí, đầu to, nhưng tính nết thật thà, hiền lành, không có cao vọng, nhận lời ngay rất hân hạnh được kết duyên với em gái bà. Cuộc hôn lễ được cữ hành trước cuộc đi thừa lương. Hôn lễ được tổ chức giản dị vì hoàng thượng khiếm an. Chỉ có Từ Hy biết ngày nào giờ nào, cử hành lễ đón dâu đưa về dinh của thân vương Chuân ở ngoài cấm thành.
Ở Viên Minh, tuy mùa hè rất đẹp trời, trong sáng, hây hẩy mát suốt ngày, song một chuỗi ngày buồn tẻ, vì đức vua đang thọ bệnh, nên mọi cuộc du hí bị đình chỉ, không có ca nhạc, diễn tuồng, ca kịch. Những ngày nắng ráo tiếp tục trôi qua, Từ Hy vì thể diện, không đi chơi thuyền trên hồ sen. Bà sống biệt lập, không dám nói đến, nhắc đến hay có một đặc ân nào đối với Nhung Lữ, vì sau đại yến, có những lời bàn tán, xầm xì lan tràn, bốc lên như những ngọn lửa ngùn ngụt cháy trong rừng thông. Ai ai cũng nói, cũng biết bà với Nhung Lữ xưa kia đã yêu nhau, đính hôn. Tuy ở một địa cao sang, thế lực vững vàng, không sợ bị thương tổn đến danh phẩm, tuy vậy bà cũng cần phải đề phòng, e ngại sợ có hại cho bà, con bà. Bà tuy còn rất trẻ, tính lại đa tình, song bà rất kín đáo, biết kìm hãm dục vọng, hiểu được thái độ rất lịch sự, uy nghi.
Trở về kinh thành vào đầu thu. Năm đó, ngày lễ cúng thần nông, về "Cơm mới" làm rất giản dị, không rườm rà như mọi năm. Được mấy tháng yên ổn, Từ Hy tự hào cho chính sách hòa hoãn rất hay, tránh được nạn can qua với quân ngoại lai. Viên tổng đốc Lưỡng Quảng báo cáo những tin tức rất lạc quan. Quân bạch chủng rất hung hăng nóng lòng chờ đợi, song không có hành động gì, L.E ở hương cảng đập chân, đập cẳng, tỏ vẻ nóng ruột.
Từ Hy vẻ mặt tự đắc, tuyên bố:
- Các người coi ta nói có sai đâu, nữ vương Tây phương là bạn đồng hành với ta.
Duy có bệnh tình ông vua không thấy thuyên giảm làm bà buồn. Thực ra, bà chẳng yêu đương hay thương tiếc con người "Bệnh hoạn" đã mất hết tinh thần, trí não, không còn biết gì, nằm liệt giường trải vóc vàng. Bà chỉ sợ hắn chết, sẽ xảy ra nhiều chuyện rắc rối trong việc kế vị, thái tử còn nhỏ quá, tất phải lựa chọn một nhiếp chính vương. Sự lựa chọn, bầu lên một nhiếp chính là đầu mối cho những sự tranh giành, xung đột ghê gớm.
Lẽ tất nhiên, muốn bảo toàn địa vị cho bà và con bà, bất cứ với một giá nào cũng phải tự đảm nhiệm chức vụ đó. Bà phải chiếm được ngai vàng để truyền cho con sau này. Những tộc đảng Mãn Châu, có quyền thế, sẽ gây nhiều áp lực. Người ta, rất có thể, truất phế thái tử để lập một người khác lên thay thế. Lý Liên Anh cho bà hay có nhiều âm mưu manh nha đột khởi. Bà chỉ vững lòng tin tưởng ở sự trung thành tuyệt đối của Cung thân vương và viên chưởng quản thái giám, hai người này thực lòng có cảm tình với vua, với bà. Bà để ý thấy viên chưởng quản thái giám thực tình, trong lòng băn khoăn thấy ông vua gầy còm, ốm yếu, bệnh hoạn, hắn thường đứng chầu bên long sàng, ông nằm ngay như khúc gỗ, không nhúc nhích, nói năng gì. Có nhiều đêm, trong khi mọi người đã ngủ yên, viên chưởng quản thái giám đến gọi bà, vua muốn có người ngồi bên. Bà đến ngồi cạnh ông, trong gian phòng âm u, lờ mờ sáng, leo lắt mấy ngọn đèn dầu. Bà nắm chặt hai bàn tay ông, lạnh ngắt, cứng đờ, như không còn sinh khí, nét mặt bà cố lấy vẻ tươi tỉnh, dịu dàng để trấn an ông, Viên chưởng quản thái giám rất khâm phục lòng chung thủy, tính hiền hòa của bà, nên đối với bà hắn tỏ vẻ rất trung thành, kính ngưỡng như đối với vua. Hắn vào làm thái giám ở cung vua từ năm 12 tuổi, chính cha đẻ hắn đã tự tay thiến cho hắn, hắn hết lòng phục vụ ông "Chủ" quân vương. Hắn có tính xấu, táy máy, thấy cái gì thích ý là ăn cắp, hắn đã lấy của "Chủ" rất nhiều thứ trong các cung điện bao la ở cấm thành. Ai cũng biết hắn có rất nhiều châu báu, vàng bạc tàng trữ. Hắn cũng rất hung dữ, bạo tàn lấy dây thắt cổ hay lấy dao đâm người một nhát chết liền. Tuy vậy, trong trái tim "Cô đơn" có mấy lớp mỡ dày đặc ẩn tàng một cảm tình thiết tha, sâu đậm đối với ông vua. Khi hắn thấy ông vua gần đất xa trời, hắn đem lòng ngưỡng mộ đó đến một người đàn bà trẻ đẹp, khỏe mạnh, người mà ông vua yêu quý trên hết thảy mọi thứ ở trần thế, ông yêu người đó đến khi ông tắt thở.
Thật không ai có thể ngờ tưởng sẽ có một tin dữ dội đến như tiếng sét đánh ngang trời vào đầu mùa đông. Ngày hôm đó cũng như mọi ngày, trời u ám, tuyết rơi, gió lạnh. Ở ngoài đường phố, mọi việc buôn bán, sinh hoạt hằng ngày đình lại, trong hoàng cung dường như không có sinh khí, không thiết triều, mọi quyết định đều đình hoãn.