Định nghĩa
Loét dạ dày tá tràng (viêm loét dạ dày) là bệnh gì?
Loét dạ dày tá tràng, hay còn gọi là viêm loét dạ dày, là tổn thương gây loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Những tổn thương này xảy ra khi màng lót của dạ dày, tá tràng bị thủng và mô bên dưới bị lộ ra. Vết loét ở dạ dày xảy ra nhiều gấp 4 lần ở tá tràng.
Những ai thường mắc phải loét dạ dày tá tràng (viêm loét dạ dày)?
Loét dạ dày tá tràng là bệnh rất phổ biến, được chẩn đoán ở mọi độ tuổi nhưng thường xảy ra ở người già hơn. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh loét dạ dày tá tràng (viêm loét dạ dày) là gì?
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm loét dạ dày là cảm giác đau âm ỉ hoặc bỏng rát. Cơn đau thường ở khu vực giữa rốn và xương ức của bạn và có những đặc điểm như:
- Xảy ra khi dạ dày của bạn trống rỗng, chẳng hạn như giữa các bữa ăn hoặc ban đêm;
- Sẽ tạm ngưng nếu bạn ăn hoặc nếu dùng thuốc kháng axit;
- Có thể kéo dài vài phút cho đến vài giờ;
- Đến và đi trong một vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng.
Những triệu chứng ít gặp hơn có thể bao gồm:
- Đầy hơi;
- Ợ;
- Cảm thấy khó chịu ở dạ dày;
- Kém ăn;
- Nôn;
- Giảm cân.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có thể trở nặng nếu không được điều trị. Bạn liên lạc với bác sĩ nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào như trên.
Bạn nên gặp bác sĩ ngay nếu:
- Cảm thấy yếu lả người hoặc ngất xỉu;
- Khó thở;
- Dung dịch nôn có máu hoặc trông như bã cà phê;
- Phân có lẫn máu hoặc màu đen;
- Cơn đau đến đột ngột và không bớt.
Những dấu hiệu này cho thấy loét dạ dày tá tràng đã gây ra một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh loét dạ dày tá tràng (viêm loét dạ dày) là gì?
Những nguyên nhân thường gây ra viêm loét dạ dày:
- Nhiễm trùng Helicobacter Pylori ở dạ dày;
- Thuốc chống đông máu Aspirin hay thuốc kháng viêm không chất kích thích NSAIDs như ibuprofen;
- Hội chứng Zollinger-Ellison (tình trạng bài tiết axit quá nhiều, phá hủy màng lót dạ dày);
- Có khối u trong dạ dày, tá tràng hoặc lá lách.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh loét dạ dày tá tràng (viêm loét dạ dày) ?
Bạn sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh loét dạ dày tá tràng nếu bạn:
- Hút thuốc: hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị loét dạ dày tá tràng ở những người bị nhiễm khuẩn H. pylori;
- Uống rượu: rượu có thể gây kích ứng và mòn màng nhầy của dạ dày và tăng lượng axit mà dạ dầy sinh ra.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh loét dạ dày tá tràng (viêm loét dạ dày)?
Mục tiêu của điều trị viêm loét dạ dày là chữa lành vết loét từ đó giúp loại trừ triệu chứng tái phát và tránh các biến chứng. Sau khi điều trị, thường bệnh nhân sẽ thấy tình trạng được cải thiện trong vòng 2 tuần. Việc tái phát có thể diễn ra nếu những nguy cơ gây bệnh dai dẳng.
Các giải pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây loét.
Bác sĩ có thể kê toa cho bạn những loại thuốc dùng để giảm axit trong dạ dày như antacids, thuốc đối kháng thụ thể histamin H2 như ranitidine, famotidine hoặc các thuốc ức chế bơm proton như omeprazole. Sucralfate là một loại thuốc khác có thể hình thành lớp màng bảo vệ ở vết loét giúp nó lành lại. Những thuốc kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton hoặc bismuth có thể dùng trong điều trị nhiễm khuẩn H. pylori.
Nếu nguyên nhân gây ra loét dạ dày tá tràng là do sử dụng thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID), bác sĩ có thể khuyên bạn:
- Ngưng sử dụng chúng;
- Giảm liều lượng;
- Dùng thuốc ức chế bơm proton hoăc thuốc kháng thụ thể histamin;
- Đổi sang sử dụng các loại thuốc khác không gây loét dạ dày tá tràng.
Nếu thuốc không có tác dụng hoặc những biến chứng nghiêm trọng xảy ra, bạn có thể cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, hiện nay phẫu thuật không được áp dụng nhiều.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh loét dạ dày tá tràng (viêm loét dạ dày)?
Để chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám lâm sàng. Sau đó bác sĩ có thể tiến hành một số xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm máu: để kiểm tra bệnh thiếu máu;
- Xét nghiệm phân: để kiểm tra xem trong phân bạn có lẫn máu không;
- Thủ thuật nội soi (EGD): ở thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống dài có gắn camera từ miệng xuống dạ dày để kiểm tra niêm mạc của thực quản, dạ dày và phần đầu ruột non;
- Thụt Bari chụp x quang đại tràng: bác sĩ sẽ chụp X-quang sau khi bạn được uống một chất cản quang gọi là bari.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh loét dạ dày tá tràng (viêm loét dạ dày)?
Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:
- Tránh những thứ làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng như Aspirin, NSAID, hút thuốc, uống rượu;
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị tiêu chảy;
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn nôn ra máu hoặc dịch nhầy màu cà phê;
- Gặp bác sĩ nếu bạn đi ngoài phân có máu hoặc màu đen;
- Gọi bác sĩ nếu bạn yếu trong người hay xanh xao;
- Nếu việc điều trị không giúp cải thiện cơn đau, hãy nói cho bác sĩ biết;
- Ngoài ra, hãy thiết lập một chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe với nhiều rau quả và ngũ cốc, đồng thời chú ý kiểm sóat stress để tránh làm các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Mời bạn xem thêm: Bệnh đau dạ dày nên ăn gì tốt, đau bao tử kiêng ăn thực phẩm nào
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.