Túi phình mạch máu não là bệnh lý mạch máu đặc biệt nằm trong não. Thành động mạch chỗ túi phình bị mỏng, chứa đầy máu và có nguy cơ vỡ, gây xuất huyết nội sọ bất cứ lúc nào. Túi phình mạch máu não là một bệnh nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu vỡ đột ngột. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các túi phình nhỏ khi chưa vỡ hầu như không có biểu hiện một triệu chứng nào.
Tìm hiểu chung
Túi phình mạch máu não là bệnh gì?
Bệnh túi phình mạch máu não là bệnh lý mà mạch máu phình to trong não trông giống như một quả mọng treo trên thân cây. Bệnh làm cho mạch não bị rò rỉ hoặc vỡ gây xuất huyết não. Thông thường,túi phình mạch máu não thường vỡ ở vị trí động mạch não giữa hoặc màng não.
Bệnh túi phình mạch máu não có thể đe dọa tính mạng. Động mạch não bị vỡ là một tình huống khẩn cấp có thể dẫn đến đột quỵ, tổn thương não, thậm chí tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.
Theo Quỹ hỗ trợ bệnh túi phình mạch máu não, không phải tất cả mạch phình sẽ vỡ.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh túi phình mạch máu não?
Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh túi phình mạch máu não, các triệu chứng của từng giai đoạn khá khác nhau.
Túi phình vỡ
Đột ngột đau đầu dữ dội là triệu chứng quan trọng nhất. Tình trạng này thường được mô tả như là “đau đầu kinh khủng nhất” mà bệnh nhân phải chịu đựng.
Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh túi phình mạch máu não vỡ bao gồm:
- Đột ngột đau đầu dữ dội;
- Buồn nôn và nôn;
- Cổ cứng;
- Nhìn mờ hoặc nhìn đôi;
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Co giật;
- Sụp mi;
- Mất ý thức;
- Lẫn lộn.
Túi phình “rò rỉ”
Trong một số trường hợp, túi phình có thể bị rò rỉ một lượng nhỏ máu nên chỉ có thể gây ra:
– Đột ngột đau đầu dữ dội;
– Tình trạng vỡ túi phình luôn nặng hơn sau khi bị rò rỉ.
Túi phình chưa vỡ
Túi phình chưa vỡ nếu nhỏ có thể không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, túi phình chưa vỡ lớn có thể đè ép vào các mô não và dây thần kinh gây ra:
– Đau ở trên và phía sau mắt;
– Giãn đồng tử;
– Thay đổi thị lực hoặc nhìn đôi;
– Tê, yếu hoặc liệt một bên mặt;
– Sụp mi.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh túi phình mạch máu não?
Bệnh túi phình mạch máu não hình thành do thành động mạch mỏng thường xảy ra ở ngã ba hay chỗ chia của động mạch vì những phần mạch máu này yếu hơn. Túi phình có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trong não nhưng hay gặp nhất ở động mạch vùng nền não.
Những nguyên nhân có thể gây khởi phát vỡ túi phình bao gồm:
- Tập thể dục quá sức;
- Dùng cà phê hoặc soda;
- Co thắt ruột;
- Giận dữ;
- Ngạc nhiên;
- Quan hệ tình dục.
Vài túi phình hình thành trong suốt đời người một số di truyền và một số do chấn thương não.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh túi phình mạch máu não?
Một số yếu tố nguy cơ phổ biến có thể làm tăng bệnh này, bao gồm:
- Bệnh sử gia đình: những người có tiền sử gia đình bị bệnh túi phình mạch máu não có nhiều khả năng bị bệnh hơn so với những người không có;
- Bệnh túi phình: những người đã từng có túi phình trước đây nhiều khả năng xuất hiện thêm túi phình khác;
- Giới tính: nữ giới có nhiều khả năng bị bệnh túi phình mạch máu não hoặc xuất huyết dưới màng nhện hơn;
- Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng bị xuất huyết dưới màng nhện hơn người da trắng;
- Huyết áp cao: nguy cơ xuất huyết dưới nhện lớn hơn ở những người có tiền sử cao huyết áp;
- Thuốc lá: ngoài việc là một nguyên nhân gây ra huyết áp cao, hút thuốc lá có thể làm tăng đáng kể nguy cơ vỡ túi phình.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh túi phình mạch máu não?
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ một số xét nghiệm sau:
- Chụp cắt lớp vi tính(CT scan): có thể giúp xác định nơi chảy máu trong não. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có túi phình bị vỡ gây xuất huyết dưới màng nhện có thể sử dụng cách chọc dò tủy sống;
- Chụp cắt lớp vi tính mạch máu (CTA scan): là phương pháp chính xác để đánh giá mạch máu hơn so với chụp cắt lớp vi tính chuẩn. Xét nghiệm này kết hợp chụp CT scan, kỹ thuật máy tính đặc biệt và chất tương phản tiêm vào máu để tạo ra hình ảnh của các mạch máu;
- Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA): tương tự như chụp cắt lớp vi tính mạch máu, chụp cộng hưởng từ mạch máu sử dụng từ trường và năng lượng sóng vô tuyến để cung cấp hình ảnh các mạch máu bên trong cơ thể. Giống với chụp cắt lớp vi tính mạch máu và chụp động mạch não, chất cản từ thường được sử dụng trong chụp cộng hưởng từ mạch máu để làm cho các mạch máu hiện lên rõ ràng hơn;
- Chụp mạch não: trong thủ thuật này, ống thông được đưa vào qua mạch máu ở bẹn hoặc cánh tay và di chuyển lên vào trong não. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào các động mạch não. Như với các phương tiện trên, thuốc cản quang cho phép nhìn thấy rõ trên X-quang mọi vấn đề trong các động mạch, bao gồm cả túi phình. Mặc dù thử nghiệm này là xâm lấn và mang nhiều rủi ro hơn so với các xét nghiệm trên nhưng lại là cách tốt nhất để xác định vị trí các phình mạch nhỏ hơn 5mm.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh túi phình mạch máu não?
Điều trị bệnh túi phình mạch máu não tùy thuộc vào kích thước, vị trí và mức độ nghiêm trọng của túi phình đã vỡ hay rò rỉ chưa.
Do nguy cơ vỡ các túi phình nhỏ hơn 10 mm và phẫu thuật túi phình thường nguy hiểm nên bác sĩ có thể tiếp tục theo dõi tình trạng chứ không phẫu thuật ngay. Nếu túi phình vỡ, lớn, gây đau hay gây ra các triệu chứng khác, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh túi phình mạch máu não?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Bỏ hút thuốc;
- Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít chất béo;
- Tập thể dục thường xuyên nhưng không quá sức;
- Theo dõi huyết áp cao hoặc cholesterol cao.
Bệnh lý túi phình mạch máu não không phải là bệnh thường gặp trong dân số. Cơ chế gây bệnh và yếu tố nguy cơ đến nay vẫn chưa được hiểu biết rõ, do đó bệnh hầu như không có cách phòng tránh. Tùy theo vị trí, kích thước và tình trạng vỡ hay chưa vỡ mà các bác sĩ chuyên khoa có cách điều trị khác nhau. Hiện nay, can thiệp nội mạch trên các túi phình mạch máu não chưa vỡ là một lựa chọn điều trị ít xâm lấn và khá hiệu quả. Các chuyên gia sẽ đưa một dụng cụ nhỏ theo đường mạch máu ngoại biên đến chỗ túi phình và bít túi phình đó lại. Nếu túi phình vỡ hoặc ở vị trí khó can thiệp, có thể bệnh nhân sẽ được phẫu thuật mở sọ. Đây là bệnh lý cần sự chẩn đoán và điều trị chuyên khoa sâu, nếu có bất cứ nghi ngờ hoặc thắc mắc, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh để hiểu rõ thêm về bệnh.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.