Từ Điển Triệu Chứng Và Chẩn Đoán Bệnh

Thuyên tắc ối

Tìm hiểu chung

Thuyên tắc ối là bệnh gì?

Bệnh thuyên tắc ối là tình trạng trong đó nước ối, tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh vụn khác xâm nhập vào máu của mẹ qua đường nhau thai ở tử cung và gây ra phản ứng giống dị ứng. Phản ứng này làm suy tim phổi cấp và xuất huyết nghiêm trọng (rối loạn đông máu).

Triệu chứng thường gặp

Hôn mêNhững dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thuyên tắc ối là gì?

Bệnh thuyên tắc ối diễn ra đột ngột và nhanh chóng. Triệu chứng của giai đoạn đầu thuyên tắc ối thường là ngưng tim và suy hô hấp nhanh chóng. Ngưng tim xảy ra khi tim ngừng làm việc khiến bạn bị mất ý thức và ngừng thở. Suy hô hấp nhanh chóng xảy ra khi phổi không thể cung cấp đủ oxy cho máu hoặc loại bỏ đủ carbon dioxide từ máu. Điều này làm cho bạn rất khó khăn để thở.

Dấu hiệu và triệu chứng khác của thuyên tắc ối có thể bao gồm:

– Khó thở đột ngột;

– Nhiều dịch trong phổi (phù phổi);

– Tụt huyết áp đột ngột;

– Suy tim nặng mất khả năng bơm máu hiệu quả (trụy tim mạch);

– Các tình trạng đe dọa sự sống như rối loạn đông máu (đông máu nội mạch lan tỏa);

– Thay đổi trạng thái tâm thần như là lo lắng;

– Ớn lạnh;

– Nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp;

– Suy thai như là nhịp tim chậm;

– Co giật;

– Hôn mê;

– Nhịp tim thai bất thường;

– Chảy máu từ tử cung, vết mổ hoặc nơi tiêm tĩnh mạch (IV).

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra “bệnh thuyên tắc ối”?

Thuyên tắc ối xảy ra khi nước ối hoặc các phần của thai vào máu của mẹ bầu. Nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được rõ. Nguyên nhân khác gây ra bệnh có thể là do tổn thường trong hàng rào nhau thai từ chấn thương.

Khi tổn thương này xảy ra, hệ thống miễn dịch phản ứng bằng cách tạo ra các chất gây viêm, kích hoạt đông máu bất thường ở phổi và mạch máu dẫn đến rối loạn đông máu nghiêm trọng, như đông máu nội mạch lan tỏa.

Tuy nhiên, bệnh thuyên tắc ối rất hiếm và thông thường có một ít nước ối đi vào máu mẹ bầu trong lúc sinh mà không gây ra vấn đề gì. Các chuyên gia vẫn chưa hiểu lý do tại sao trong một số trường hợp lại dẫn đến thuyên tắc ối.

 

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh thuyên tắc ối?

Thuyên tắc ối là tình trạng khá hiếm và xảy ra từ 2-8 trên 100.000 ca sinh và chiếm từ 7,5% đến 10% các trường hợp tử vong ở mẹ bầu. Thuyên tắc ối chỉ xảy ra ở phụ nữ. Bệnh không liên quan đến chủng tộc, nhưng một nghiên cứu cho rằng người da đen có nguy cơ gấp đôi bị thuyên tắc ối.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể bao gồm:

  • Mẹ bầu tuổi cao: nếu bạn sinh con khi trên 35 tuổi thì sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối;
  • Bất thường nhau thai: nếu có cấu trúc phát triển bất thường trong tử cung khi mang thai, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối. Các bất thường có thể bao gồm nhau tiền đoạn một phần hay toàn phần hoặc nhau thai bong ra bên trong tử cung trước khi sinh (nhau bong non). Những bất thường này có thể phá vỡ rào cản vật lý giữa bạn và bé;
  • Tiền sản giật: nếu bạn mắc tiền sản giật – huyết áp cao và protein nhiều trong nước tiểu sau tuần 20 – sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối;
  • Mổ lấy thai: việc dùng kẹp hoặc giác hút lấy thai có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối. Các thủ thuật này có thể phá vỡ hàng rào vật lý giữa bạn và bé. Tuy nhiên, các chuyên gia không chắc rằng mổ lấy thai có làm tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối hay không.
  • Đa ối: là tình trạng có quá nhiều nước ối quanh thai nhi, làm bạn có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

 

Điều trị hiệu quả  

 

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh thuyên tắc ối?

Bác sĩ sẽ dựa vào khám tổng quát để chẩn đoán bệnh thuyên tắc ối. Việc chẩn đoán thường được thực hiện sau khi loại trừ các bệnh khác. Một số xét nghiệm sẽ được thực hiện bao gồm:

– Xét nghiệm máu, gồm đông máu, men tim, điện giải và nhóm máu, cũng như công thức máu;

– Điện tâm đồ để đánh giá nhịp tim;

– Oxy mao mạch để kiểm tra lượng oxy trong máu;

– Chụp X-quang để tìm kiếm dịch xung quanh tim;

– Siêu âm tim để đánh giá chức năng tim.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh thuyên tắc ối?

Phương pháp điều trị bệnh khẩn cấp bao gồm:

  • Đặt catheter: bác sĩ sẽ đặt ống catheter vào một trong các động mạch để theo dõi huyết áp. Bác sĩ cũng đặt ống vào tĩnh mạch ở ngực (ống thông tĩnh mạch trung tâm) để cung cấp dịch truyền, thuốc hoặc máu;
  • Cung cấp oxy: bác sĩ có thể đặt ống thở vào khí quản để giúp bạn thở dễ dàng hơn;
  • Sử dụng thuốc: bác sĩ có thể dùng các loại thuốc để cải thiện và hỗ trợ chức năng tim. Các thuốc khác có thể được sử dụng để làm giảm áp lực gây ra bởi chất lỏng đi vào tim và phổi;
  • Truyền máu: nếu bị chảy nhiều máu, bạn cần phải được truyền máu và dịch thay thế.

Trong trường hợp bạn bị bệnh thuyên tắc ối trước khi sinh em bé, bác sĩ sẽ điều trị với mục tiêu đảm bảo đưa thai nhi ra ngoài an toàn càng sớm càng tốt. Lúc này, bạn cần được mổ lấy thai khẩn cấp.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thuyên tắc ối?

Bệnh thuyên tắc ối không thể ngăn chặn được và các bác sĩ gặp khó khăn khi dự đoán khi nào bệnh sẽ xảy ra. Nếu bạn đã từng bị bệnh thuyên tắc ối và có kế hoạch sinh thêm, hãy nói chuyện với bác sĩ sản khoa. Bác sĩ sẽ thảo luận về những nguy cơ của thai kỳ trước và theo dõi sát nếu bạn mang thai lần nữa.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.