Từ Điển Triệu Chứng Và Chẩn Đoán Bệnh

Tiểu đêm

Tìm hiểu chung

Tiểu đêm là bệnh gì?

Tiểu đêm hay đa niệu về đêm, là một thuật ngữ y khoa chỉ việc đi tiểu quá mức vào ban đêm. Trong suốt thời gian ngủ, cơ thể bạn tạo ra ít nước tiểu và cô đặc hơn, do đó hầu hết mọi người không cần phải thức dậy vào ban đêm để đi tiểu và có thể ngủ liên tục trong vòng 6-8 giờ.

Nếu bạn cần phải thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu, bạn có thể bị mắc chứng đi tiểu quá mức vào ban đêm. Ngoài việc làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, tiểu đêm còn có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đêm là gì?

Thông thường, bạn có thể ngủ từ 6-8 tiếng trong đêm mà không phải thức dậy để đi tiểu. Những người bị tiểu đêm thức dậy nhiều hơn một lần trong đêm để đi tiểu, điều này có thể gây ra sự gián đoạn trong chu kỳ giấc ngủ bình thường.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đêm?

Nguyên nhân gây tiểu đêm rất đa dạng, từ việc lựa chọn lối sống cá nhân đến các bệnh lý y khoa. Tiểu đêm phổ biến nhất ở người lớn tuổi, nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Một loạt các bệnh lý có thể gây ra tiểu đêm. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của tiểu đêm là bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) hay nhiễm trùng bàng quang. Các bệnh nhiễm trùng gây ra cảm giác nóng rát thường xuyên và đi tiểu trong cả ngày, điều trị thường phải dùng kháng sinh. Các bệnh lý khác có thể gây tiểu đêm bao gồm:

  • Viêm hoặc phì đại tuyến tiền liệt;
  • Sa bàng quang;
  • Hội chứng bàng quang hoạt động quá mức (OAB);
  • Khối u trong bàng quang, tuyến tiền liệt hoặc vùng chậu;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Lo âu;
  • Nhiễm trùng thận;
  • Phù nề hoặc sưng cẳng chân;
  • Rối loạn thần kinh, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng (MS), bệnh Parkinson hoặc chèn ép tủy sống.

Tiểu đêm cũng thường gặp ở những người bị suy cơ quan, điển hình là suy tim hay suy gan và những người bị bệnh tiểu đường.

Mang thai: tiểu đêm có thể là một dấu hiệu cho thấy có thai, có thể xuất hiện ở đầu thai kỳ, xuất hiện nhiều hơn ở giai đoạn sau này, khi tử cung ép lên bàng quang.

Ngưng thở khi ngủ: tiểu đêm có thể là một triệu chứng của bệnh ngưng thở khi ngủ, xảy ra ngay cả khi bàng quang không căng đầy. Khi bạn đã kiểm soát được tình trạng ngưng thở khi ngủ thì bệnh tiểu đêm thường tự biến mất.

Thuốc: một số thuốc có thể gây tiểu đêm do tác dụng phụ, đặc biệt là các thuốc lợi tiểu, được dùng để điều trị cao huyết áp. Bạn nên khám bác sĩ ngay nếu bạn mất khả năng đi tiểu hoặc không thể kiểm soát vấn đề tiểu tiện.

Lối sống: một nguyên nhân phổ biến của tiểu đêm là uống quá nhiều nước. Rượu và đồ uống có chứa cafein là các chất lợi tiểu, khiến cơ thể sản xuất ra nhiều nước tiểu. Tiêu thụ rượu hoặc đồ uống có chứa caffeine quá mức có thể khiến bạn tỉnh giấc và đi tiểu vào ban đêm. Một số người khác tiểu đêm là do có thói quen thức dậy vào ban đêm để đi tiểu.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh tiểu đêm?

Tiểu đêm là tình trạng rất phổ biến và có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đêm?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đêm, chẳng hạn như:

  • Tuổi. Những người già có xu hướng bị tiểu đêm;
  • Tuần hoàn. Suy tim sung huyết – dịch phù trong các mô vào ban ngày do tình trạng suy tim có thể làm tăng thời gian đi tiểu ban đêm;
  • Môi trường/Độc tính. Nhiễm độc thủy ngân (bệnh Amalgam);
  • Hormone. Cường tuyến cận giáp;
  • Tình trạng sức khỏe của các cơ quan. Tuyến tiền liệt to, bệnh tiểu đường tuýp II;
  • Hô hấp. Bệnh ngưng thở khi ngủ (OSA);
  • Các khối u lành tính. U xơ tử cung có thể làm tăng tần số đi tiểu và tiểu gấp;
  • Các khối u ác tính. Ung thư tuyến tiền liệt.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh tiểu đêm?

Việc chẩn đoán nguyên nhân gây ra tiểu đêm có thể gặp khó khăn. Bạn cần ghi chép trong vài ngày những gì bạn uống và số lượng bao nhiêu, cùng với mức độ đi tiểu thường xuyên.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ cần một số thông tin như sau:

  • Tiểu đêm bắt đầu khi nào?
  • Bạn phải thức dậy bao nhiều lần để đi tiểu?
  • Cơ thể bạn có tạo ra ít nước tiểu hơn trước đây hay không?
  • Bạn có gặp tai nạn hoặc làm ướt giường không?
  • Có điều gì làm cho tình trạng này nghiêm trọng hơn không?
  • Bạn có bất cứ triệu chứng nào khác không?
  • Những thuốc bạn đang dùng?
  • Bạn có tiền sử mắc các vấn đề về bàng quang hoặc bệnh tiểu đường không?

Bác sĩ cũng có thể phải làm các xét nghiệm như:

  • Kiểm tra lượng đường trong máu (để xem bạn có bị bệnh tiểu đường hay không);
  • Xét nghiệm urê máu;
  • Cấy nước tiểu;
  • Nghiệm pháp cho nhịn uống nước;
  • Kiểm tra bằng hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh tiểu đêm?

Nếu tình trạng tiểu đêm là do thuốc thì bạn nên dùng thuốc sớm hơn vào ban ngày.

Điều trị tiểu đêm đôi khi có thể bao gồm thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng acetylcholin, giúp giảm bớt các triệu chứng do bàng quang hoạt động quá mức hoặc desmopressin làm thận sản xuất ít nước tiểu hơn.

Tiểu đêm có thể là một triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như tiểu đường hay nhiễm trùng tiểu, các bệnh lý này có thể nghiêm trọng thêm hoặc lây lan nếu không được điều trị. Tiểu đêm do bệnh lý thường sẽ hết khi bệnh lý đó được điều trị thành công.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tiểu đêm?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh tiểu đêm nếu áp dụng các biện pháp sau:

Không uống quá nhiều nước khi đi ngủ có thể giúp bạn không phải đi tiểu vào ban đêm. Tránh thức uống có chứa cồn và cafein cũng có thể giảm bớt triệu chứng hoặc đi tiểu trước khi bạn đi ngủ. Một số dược phẩm có tác dụng như chất lợi tiểu, ví dụ như chocolate, thức ăn cay và chất làm ngọt nhân tạo. Các bài tập Kegel có thể giúp tăng cường cơ bắp vùng chậu và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.

Hãy chú ý đến những gì làm trầm trọng thêm các triệu chứng, từ đó bạn có thể thử thay đổi các thói quen cho phù hợp. Bạn có thể áp dụng phương pháp ghi chép nhật ký về những gì mình uống và uống khi nào.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.