Thoát vị rốn là tình trạng một phần ruột chui vào khe hở giữa các cơ thành bụng tại rốn và nằm sát bên dưới da. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ sơ sinh, khi mà cơ thành bụng chưa phát triển đủ để bịt kín ống dây rốn. Triệu chứng bệnh có thể dễ dàng nhận biết khi có một khối u mềm nhô lên tại rốn khi trẻ khóc, rặn và biến mất khi trẻ nằm im. Ngoài trẻ nhỏ, người lớn cũng có thể bị thoát vị rốn, đặc biệt khi họ kèm theo các bệnh lý làm tăng áp lực ổ bụng như tràn dịch ổ bụng, mang thai nhiều lần, sẹo cũ phẫu thuật vùng giữa bụng…
Tìm hiểu chung
Thoát vị rốn là tình trạng gì?
Thoát vị rốn xảy ra khi một phần ruột nhô ra qua lỗ rốn khi tăng áp lực trong ổ bụng. Thoát vị rốn rất thường gặp và thường vô hại, phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn. Ở trẻ sơ sinh, thoát vị rốn dễ nhận thấy khi trẻ khóc vì lúc này rốn của em bé sẽ nhô ra.
Thoát vị rốn xuất hiện như một khối u không đau ở trong hoặc gần rốn.
Nó có thể to hơn khi cười, ho, khóc hoặc đi vệ sinh và xẹp lại khi thư giãn hoặc nằm xuống. Trong nhiều trường hợp, thoát vị rốn lặn vào trong bụng và được các cơ thành bụng bịt kín lại trước ngày sinh nhật đầu tiên của trẻ. Thoát vị rốn cũng có thể xuất hiện ở người lớn. Nếu không điều trị, thoát vị có thể trầm trọng hơn theo thời gian.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng thoát vị rốn là gì?
Thoát vị rốn tạo ra một khối u mềm hoặc phình gần rốn. Nếu trẻ bị thoát vị rốn, bạn có thể nhận thấy chỗ phình khi trẻ khóc, ho hoặc co mình. Chỗ phình có thể biến mất khi bé thư giãn hoặc nằm ngửa.
Thoát vị rốn ở trẻ em thường không đau. Người lớn cũng có thể bị thoát vị rốn. Triệu chứng ở người lớn và trẻ em là như nhau, đó là một khối u lồi sưng hoặc phồng lên gần khu vực rốn gây đau. Thoát vị rốn xuất hiện ở tuổi trưởng thành thường gây khó chịu ở bụng.
Bạn hoặc trẻ có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn hoặc trẻ nằm trong những trường hợp sau đây:
- Bé có dấu hiệu đau đớn;
- Bé bắt đầu nôn mửa;
- U thoát vị trở nên sưng hoặc đổi màu.
Nếu bạn hoặc trẻ có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng thoát vị rốn?
Trong khi mang thai, dây rốn đi qua một lỗ nhỏ trong các cơ bụng của bé. Các cơ chỉ đóng lại sau khi sinh. Nếu các cơ thành bụng không khép hoàn toàn ở đường giữa bụng thì có thể gây thoát vị rốn khi sinh hoặc sau này trong cuộc sống. Thoát vị rốn có thể phát triển khi các mô mỡ hoặc một phần của ruột xuyên qua một khu vực gần rốn.
Ở người lớn, tăng áp lực ổ bụng có thể gây thoát vị rốn. Nguyên nhân bao gồm:
- Béo phì;
- Mang thai nhiều lần;
- Dịch nhiều trong khoang bụng (cổ trướng);
- Phẫu thuật ổ bụng;
- Thẩm phân phúc mạc.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải tình trạng thoát vị rốn?
Thoát vị rốn có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng thoát vị rốn?
Thoát vị rốn phổ biến nhất ở trẻ – đặc biệt là trẻ sinh non và có trọng lượng thấp. Trẻ da đen có nguy cơ thoát vị rốn cao hơn một chút. Không có sự khác biệt về tỉ lệ mắc bệnh giữa bé trai và bé gái.
Đối với người lớn, các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Phụ nữ;
- Béo phì;
- Mang thai thường xuyên;
- Đa thai (sinh đôi, sinh ba, v.v);
- Có dịch trong ổ bụng;
- Phẫu thuật dạ dày;
- Ho nặng, dai dẳng;
- Phải gồng mình trong khi di chuyển hoặc nâng vật nặng.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tình trạng thoát vị rốn?
Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe để xác định xem nếu trẻ sơ sinh hoặc người lớn có bị thoát vị rốn cũng như xem thoát vị có thể được đặt trở lại hay không. Họ cũng sẽ kiểm tra xem dây rốn có bị mắc kẹt trong các cơ bụng không, đây là một biến chứng nghiêm trọng bởi vì phần bị mắc kẹt trong ruột có thể bị hoại tử do thiếu máu.
Bác sĩ có thể chụp X-quang hoặc siêu âm vùng dạ dày để đảm bảo không có biến chứng, xét nghiệm máu để tìm bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nếu ruột bị chặn hoặc mắc kẹt.
Những phương pháp nào dùng để điều trị tình trạng thoát vị rốn?
Hầu hết trường hợp thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh đều tự khỏi khi trẻ lên 1 hoặc 2 tuổi. Bác sĩ thậm chí có thể đẩy phần phình trở lại vào bụng khi khám. Tuy nhiên, bạn đừng tự thử trên bé hoặc bản thân. Một số người cho rằng có thể chữa thoát vị bằng cách ấn nhẹ một đồng xu xuống chỗ lồi để cố định, điều này không những không đúng mà còn làm tăng nguy cơ gây nhiễm trùng.
Đối với trẻ em, phẫu thuật thường được áp dụng cho các trường hợp:
- Trẻ thấy đau;
- Phần u phình có đường kính lớn hơn 1,5 cm;
- Phình lớn và không giảm kích thước trong hai năm đầu sau sinh;
- Không biến mất khi trẻ đã lên 4 tuổi;
- Bị mắc kẹt hoặc tắc ruột;
- Lượng máu cung cấp đến ruột bị ảnh hưởng.
Đối với người lớn, bác sĩ thường khuyến cáo phẫu thuật để tránh các biến chứng, đặc biệt là nếu tình trạng thoát vị rốn nghiêm trọng hoặc gây đau đớn.
Trong khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở rốn và đẩy các mô đệm thoát vị trở lại khoang bụng và khâu kín vùng hở ở thành bụng. Ở người lớn, bác sĩ phẫu thuật thường sử dụng lưới để giúp củng cố thành bụng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tình trạng thoát vị rốn?
Bạn sẽ có thể kiểm soát tình trạng này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Nếu bạn đang thừa cân, hãy giảm cân ngay;
- Đừng cố gắng nâng vật nặng quá mức.
Thoát vị tại rốn là vị trí thoát vị thường gặp sau thoát vị bẹn. Bệnh có thể tự hết ở trẻ nhỏ khi các cơ thành bụng phát triển và bọc kín lỗ thoát vị. Tuy nhiên, nếu thoát vị rốn gặp ở người lớn, để điều trị khỏi bệnh thì bạn phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ may lại vùng cơ bụng bị yếu hoặc gia cố phần thành bụng bị yếu bằng một tấm lưới sinh học. Khi bị thoát vị rốn, bạn đừng quá lo lắng vì các phẫu thuật này khá đơn giản và có khả năng ngừa bệnh tái phát cao.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.