Chị Sen cúi mình dưới gánh nước nặng trĩu, lách cửa bước vào những bước khó nhọc và chậm chạp. Cái đòn gánh cong xuống và rên rỉ trên vai, nước trong thùng sánh tóe ra mỗi bước đi. Chị cố hết sức lên khỏi mấy bậc thềm, đặt gánh nước trên đất, rồi lấy vạt áo lau mồ hôi rỏ giọt trên trán.
- Trời chiều rồi mà chị còn gánh nước cơ à?
Chị Sen thong thả một lát rồi mới trả lời:
- Con phải gánh nước nữa cho ông tắm chứ đã thôi đâu. Từ sáng đến giờ hơn mười gánh nước rồi.
Tôi ái ngại nhìn chị. Sông ở xa, từ nhà ra đến sông phải đi một quãng đường dài. Bà Cả hà tiện không chịu mua một trinh một gánh nước của người ngoài chợ chở vào bán, bà bắt chị Sen phải gánh suốt ngày. Tôi trông chị mà thương hại; người chị bé nhỏ da sạm nắng. Chân tay đã bị những công việc nặng nhọc làm thành xấu xí và cằn cỗi.
Tôi sắp nói với chị một câu an ủi, thì bỗng có tiếng the thé, - tiếng bà Cả - ở trên nhà đưa xuống:
- Không đi mà gánh nước cho ông tắm đi còn đứng đấy mà chầu chuyện. Gần tối rồi còn gì nữa.
Tôi ngoảnh lại thấy bà Cả đứng ở trên thềm, mặt cau có và giận dữ. Chị Sen sợ hãi, lẳng lặng tra đòn gánh vào quang, đi ra cửa. Tôi nghe thấy chị khẽ thở dài.
Chị đi rồi, tôi cũng quay về, sau lưng mang nặng cái nhìn của bà Cả; chắc bà ta không bằng lòng tôi chút nào, nhưng vì tôi là con cháu nên bà không dám nói đấy thôi.
Chúng tôi, và tất cả mọi người trong họ không ai ưa gì bà Cả, mà còn ghét nữa. Không biết trong cái ghét ấy có lẫn chút ganh tị không, vì bà Cả giàu lắm, - nhưng hễ nói đến tên bà mọi người ai cũng bĩu môi khinh bỉ. Hai vợ chồng ông Cả trước kia cũng nghèo hèn. Sau nhờ cho vay lãi, lãi rất nặng mà trở nên giàu có. Nhưng bà kiệt ác lắm. Một tay bà Cả đã tịch ký không biết bao nhiêu ruộng nương của người ở trong vùng. Những người vay nợ, bà bắt phải biếu xén, nên trong nhà bà lúc nào cũng có gà vịt, gạo hay chân giò. Nhưng hai ông bà hà tiện không dám ăn gà vịt, đem bán ở chợ còn chân giò phơi khô để dành. Bữa cơm chỉ có một ít vừng rang thật mặn, một ít thịt kho rim và một đĩa rau. Hai ông bà thường kêu rằng khó ở, luôn luôn không ăn được. Chị Sen biết nhiều về những bữa cơm ấy vì chị phải ăn cơm với muối là thường. Nhiều khi sang chơi, tôi thấy chị ngồi trước mâm cơm chỉ có đĩa không, với bát nước mắm. Chị ăn uể oải và thong thả như người không ăn được, tuy chị đói. Chị bảo rằng, cơm với muối khó ăn lắm, nuốt vào nó nghẹn ở cổ.
Chị Sen là con một người làng có nợ ông bà Cả. Nghe đâu thầy chị vì chạy cái Nhiêu, phải lên lạy van bà Cả vay ba chục. Ngày mùa đã trả được một nửa và ít lãi, còn một nửa chưa trả được, phải đem chị Sen gán làm đứa ở không công. Nhưng mẹ chị Sen nói mãi, bà Cả rộng lượng hẹn một năm cho hai áo cánh, một cái áo nâu dài và hai cái quần sồi. Mẹ chị Sen cám ơn lòng tử tế cao cả của người chủ nợ. Bà dặn con ở lại hầu hạ ông bà Cả chu đáo, rồi về.
Từ đấy chị Sen quán xuyến hết cả công việc trong nhà. Nào gánh nước, bổ củi, làm cơm, đầu tắt mặt tối suốt ngày, mà vẫn bị mắng chửi. Vì bà Cả là người to tiếng và lắm điều lắm. Không lúc nào hàng xóm không nghe tiếng bà the thé và rít lên, chửi chó, mắng mèo, hay bới móc chị Sen. Vô phúc cho chị mà hé răng nói lại. Tức thì bà Cả nhảy lên, hai hàm răng nghiến vào nhau, thét:
- Cái con chết băm chết vằm kia! Mày ăn hại cơm của bà mà không làm việc cho bà à! Bố mày định ăn không ăn hỏng của bà, thì bà mới phải nuôi báo cô mày chứ!
Chị Sen lẩm bẩm: "Thầy con chưa lo được trả bà chứ có phải định quịt nợ đâu mà bà chửi", nhưng chỉ lẩm bẩm trong miệng thôi, chứ không dám nói.
Những lúc ấy, các người hàng xóm nghe tiếng bà, lại thì thầm bảo nhau: "Gớm ác nghiệt thế chả trách được không có con. Trời nào cho con những người như thế", và họ thấy hể hả trong lòng như một sự báo thù. Ông bà Cả không có con. Đó là sự phiền muộn nhất. Hai ông bà bây giờ đã có tuổi, không còn mong mỏi gì nữa. Trước kia bà Cả đã chạy thầy chạy thuốc chán, lễ hết đền kia phủ nọ để cầu lấy mụn con; nhưng ông càng ngày càng yếu mà bà thì cứ cằn cỗi héo hắt lại như mấy cây khô, chẳng sinh nở gì cả. Người trong họ ghét bà thường bảo: "Không biết kiệt như thế rồi giữ của để cho ai?" Những lời thị phi ấy đến tai bà Cả, có lẽ khiến cho bà tức tím ruột gan. Bà càng ghét họ hàng, và không ưa con cháu đến chơi, tuy chúng tôi đến, bà không dám ghét ra mặt. Bà đối với chúng tôi vẫn ngọt nhạt, vẫn dịu dàng. Thấy chúng tôi ăn mặc rách rưới, bà hay hỏi kháy:
- "Sao mẹ không may quần áo lành cho các cháu mặc, để rách rưới thế này?", và quay lại bảo chồng: "Ăn tiêu lắm vào rồi để con tồi tệ thế kia!" Rồi bà đem ra những thức của người ta biếu phân phát cho chúng tôi mỗi đứa một vài cái kẹo, còn nhiều khi phải vứt đi vì không ăn được.
o0o
Chị Sen ở với bà Cả được ngót một năm. Bữa hôm ấy, thấy tiếng bà Cả quát tháo đã lâu, tôi chạy sang. Chị Sen đang cúi đầu vào đống rơm khóc. Tôi hỏi tại sao, chị nức nở đáp:
- Tôi lỡ tay đánh vỡ một cái chén, bà ấy đánh tôi đau quá.
Chị Sen thâm tím cả mình mẩy, một vết roi ấy qua môi làm rướm máu. Chị vừa xoa bóp vừa than thở:
- Bởi thầy u tôi mắc nợ nên tôi mới phải chịu khổ thế này.
- Thế chị xin về có được không?
Chị Sen sẽ lắc đầu thở dài, không nói. Có lẽ chị nghĩ đến món nợ còn thiếu, nếu chưa trả được nhà cửa sẽ bị tịch ký.
Cách đó ít lâu, mẹ chị Sen hay lên vào hầu chuyện bà Cả. Người ta nói chị Sen sắp xin về đi lấy chồng. Nhưng hễ có ai hỏi là bà Cả trả lời:
- Cái đồ cơm toi ấy thì ai lấy mà chồng với con.
Rồi chúng tôi thấy chị Sen càng phải chửi và phải đòn hơn trước. Hơi một tí là bà Cả nhắc đến món tiền nợ để nhiếc móc chị, nói nay đuổi đi, mai đuổi đi, không nuôi chị "cái con trương xác chỉ hay ăn" ấy nữa. Chúng tôi thấy chị khóc luôn; sang lúc nào cũng thấy chị mắt đỏ hoe, hay đang lấy muối và nước nóng đắp vào những vết thương bởi roi ông Cả.
Đầu tháng tám, tôi thấy thày chị Sen lên hầu bà Cả lễ mễ mang một cái bu, trong có hai con gà và một con vịt; u chị Sen thì mang một nải chuối và một buồng cau nói là lấy ở vườn nhà.
Gặp ở ngõ, người vú già của tôi hỏi:
- Hai bác đi đâu mà nhiều lễ vật thế?
Thầy u chị Sen đáp:
- Chúng tôi lên xin cho con cháu nó về để lấy chồng.
Tôi chạy sang xem. Hai thầy u chị Sen hầu chuyện rất lâu ông bà Cả; chị Sen ngồi cắn rơm ở thềm nhà dưới, bên cạnh cái bu gà vịt. Mấy cái quần áo cũ vá rách chị đã gói ghém trong cái khăn vuông, cùng với cái lược con ba xu, một cái gương tròn nhỏ và một hộp sáp cô Ba, đó là tất cả những thứ chị có.
Đến quá trưa, thầy u chị Sen đưa chị sang chào bà tôi. Chị ôm cái gói con bên nách, vẫn mặc cái áo nâu vá hàng ngày, mà khói bếp và mồ hôi đã làm đen đi từng chỗ. Tôi nhận thấy thầy u chị vẻ mặt không được tươi như lúc đến; bấy giờ hai tay bỏ không, - lễ vật chắc đã được bà Cả nhận cho rồi - bộ dạng buồn rầu và thất vọng.
Bà tôi chúc mừng chị Sen vài câu lấy lệ, rồi hỏi:
- Bà Cả cho được bao nhiêu làm vốn?
U chị Sen đáp:
- Bẩm, chẳng được đồng nào cả. Nhà con phải vật nài mãi mà bà Cả mới thôi không đòi lãi tháng này.
Thầy chị Sen nói thêm:
- Bây giờ còn chạy tiền lo cho cháu, có đâu mà trả được. Bà tôi lại hỏi:
- Thế còn quần áo mới của nó đâu?
- Bẩm, bà Cả không cho, bảo rằng chưa ở được đúng một năm.
Giọng u chị Sen tấm tức, rồi nghẹn ngào trong nước mắt. Còn chị Sen từ nãy vẫn cứ lặng yên đứng ở góc nhà, tay ôm chặt cái gói quần áo cũ. Một lát sau, chị lẳng lặng theo thầy u đi ra, dáng đi chậm chạp và khó nhọc, như còn đang gánh gánh nước ở trên vai.
Mãi hai năm sau tôi lại mới được thấy chị Sen. Hôm ấy, thầy u chị lại lễ mễ buồng chuối và cái bu gà lên tết ông bà Cả, vì món nợ chưa trả hết. Chị Sen đi theo sau, nhưng lần này tay chị bồng đứa con trai, đứa con của chị.
Ba người vào lúc ông bà Cả đang ăn cơm.
Thầy chị Sen để bu gà và buồng chuối xuống đất, chắp tay vái:
- Lạy ông bà ạ.
Chị Sen nấp sau bố mẹ, cũng cất tiếng khẽ chào theo. Bà Cả buông đũa, gật đầu đáp lại "tôi không dám"; rồi bảo vợ chồng bác Nhiêu:
- Hai bác ngồi chơi.
Trông thấy chị Sen đứng lẩn vào xó tối, bà Cả hỏi:
- Chị Sen đây à?
Tiếng "vâng" sẽ của chị bị câu nói của bác Nhiêu lấp đi:
- Bẩm vâng. Cháu nó xin lên chào ông bà đấy ạ.
- Có con rồi kia à? Mau nhỉ. Nào, đem cháu lại đây tôi xem nào...
Chị Sen rụt rè, sợ hãi, bế con lại gần. Bà Cả giơ tay đón đứa bé, vừa hỏi:
- Nó lên mấy?
- Bẩm, cháu mới được mười bốn tháng ạ.
Bà Cả xốc đứa bé trên tay rồi nhìn ông Cả, bảo: "Này, thằng bé nặng quá". Bà quay mặt đứa bé lại, nhìn nó và "tặc âu" với nó mấy tiếng. Rồi bỗng bà vòng tay ghì chặt đứa bé vào cái sườn cằn cỗi của bà, khiến tấm áo lụa căng thẳng trên ngực lép và đôi vú héo hon. Đứa bé sợ khóc thét lên, ngửa cổ ra đằng sau. Bà Cả dỗ:
- Ngoan ngoan bà cho cái này.
Bà gắp một miếng đậu trong mâm đưa lên miệng đứa bé. Nhưng nó càng khóc già và giẫy giụa để nhoài ra với mẹ. Chị Sen lại gần:
- Thưa bà để con bế.
Bà Cả ngẩn ngơ nâng đứa bé trả lại mẹ.
Tôi thấy trong mắt bà sáng lên một tia sáng thèm muốn và ao ước. Bà còn nói với:
- Đứa bé trông kháu khỉnh quá nhỉ.
Chị Sen sung sướng thẹn đỏ mặt, ẵm con lên tay hôn hít, chị nhìn đứa bé với tất cả tình âu yếm và tự kiêu của người mẹ, rồi thưa:
- Bẩm, cháu nó năm ngoái bị sài, cứ quặt quẹo mãi; đến bây giờ mới đỡ.
Bà chép miệng nói khéo:
- Nhà thì túng, một đồng, một chữ không có, mà cứ phải lo thuốc cho con thật đến khổ.
Nhưng bà Cả hình như không nghe thấy gì nữa. Mắt bà đờ ra như đang theo đuổi một ước vọng xa xôi; bà đang nghĩ rằng không bao giờ bà được biết những nỗi lo sợ ấy, bởi không bao giờ bà được bồng đứa con trên tay, được nâng niu ấp ủ một cái mầm sống trong lòng. Không bao giờ... Giá bà đánh đổi tất cả của cải để lấy đứa con!
Tôi thấy người bà rung động, một tiếng thở dài sẽ thoát ra môi rồi đôi mắt ráo của bà bỗng mờ đi như ướt lệ. Bà lặng nhìn đứa bé đang rúc bú đôi vú căng sữa trong yếm mẹ.
Lúc ấy u chị Sen xin phép về, bà Cả nhất định không lấy lễ; bác Nhiêu sợ quá, khẩn khoản vật nài mãi, bà cũng không nghe, bắt phải mang về, và ôn tồn nói bà có lễ nhiều rồi, không cần lấy của hai vợ chồng nghèo bác nữa. Rồi muốn tỏ cho bác biết rằng không phải bà giận, bà Cả mở tủ lấy hai đồng bạc mới đưa cho chị Sen, bảo:
- Đây, tôi cho chị cầm về may áo cho con mặc. Rồi đến Tết bế nó lên chơi nhé!
Chị Sen e lệ đút hai đồng bạc vào ruột tượng; chị cảm động quá không cám ơn bà Cả được.
Một lát sau, hai vợ chồng bác Nhiêu hớn hở xách bu gà và buồng chuối ra về, chị Sen vui vẻ theo sau, vừa đi vừa mừng con rối rít.