Bọn họ bốn người ngồi đợi bạn đi làm về để ăn cơm sáng. Có lẽ họ cùng đói cả, vì đều yên lặng, đều uể oải chẳng ai chuyện trò với ai. Một người làu nhàu nói một mình:
- Làm gì mà giờ chưa về?
Rồi quay sang hỏi người bên cạnh đương nằm khểnh, vắt chân chữ ngũ, chăm chú dùng móng ngón tay trỏ và ngón tay cái làm nhíp nhổ râu.
- Trường, thằng Việt nó có dặn mày nó không ăn cơm nhà không?
Trường nhăn mặt xuýt xoa, vì đã lơ đãng bấm phải da cằm. Người hỏi thấy vậy nhún vai ngồi im. Một lát, chàng lại cằn nhằn nói một mình:
- Lại lão giáo nữa!
Một hồi chuông giòn giã. Một người thở hổn hển dắt xe đạp đi vào, rồi vừa nhắc xe đặt lên cái giá gỗ, vừa cười nói:
- Xin lỗi các anh. Tôi về hơi muộn vì gặp thằng cha khó chịu quá, nó cứ vật nài đặt xong cho nó cái hòm "ắc qui" để nó đi Đồ Sơn nghỉ mát ngay trưa hôm nay.
- Hừ! ắc qui với chẳng ắc qui! Mười hai rưỡi rồi còn gì? Người ta làm lụng đầu tắt mặt tối, tháng tháng kiếm được mươi mười hai đồng bạc. Đã thế, đến bữa cơm còn chưa được ăn!
- Việt đấy chứ moa thì hết giờ rồi moa cóc lắp nữa, phỏng đã làm gì moa tốt! Tội gì lại chịu đói cào ruột ra để lắp hòm điện cho nó đi nghỉ mát, đi nghỉ mát với gái.
Việt cười xòa:
- Thôi "bạc đồng" cả các anh!... Thì đã giao hẹn cứ đợi đến đúng mười hai giờ là cùng kia mà, sao các anh còn...
Trường ngắt lời Việt, cất tiếng gọi:
- Ve! Có cho người ta ăn không?
- Xong rồi đây!
Một người con gái bưng mâm cơm ra, đặt lên phản. Nàng y phục nửa thôn quê, nửa thành thị: cái quần vải thâm, cái áo dài vải đồng lầm cài kín tà, để chừa lại khuy cổ và khuy vai, cái khăn nhung vấn lẳn vành, mái tóc rẽ hơi lệch như muốn theo kiểu mới, nhưng còn nhút nhát, rụt rè, chưa dám quả quyết.
Nhẩm đếm trong mâm có năm cái bát và năm đôi đũa. San, người thợ nguội ở một xưởng chữa ô tô, hất hàm hỏi:
- Thế nào, Ve, ông giáo bữa sáng nay lại không cùng ăn?
- Mời các bác xơi cơm thôi, hôm nay dễ ông ấy đi ăn cơm khách, vì mãi giờ vẫn chưa thấy về. Với lại ông ấy đã dặn hễ đến bữa mà ông ấy chưa về thì đừng đợi cơm, đừng để phần để phiếc gì hết.
Không nghĩ ngợi, không do dự, năm người ngồi xuống ăn liền. Họ vẫn chẳng ưa gì ông giáo Thanh mà họ cho là không vào cảnh lao động với họ: một người kiêu ngạo, ít nói, vui buồn không để lộ ra ngoài mặt, một người đã nhiều phen phê bình lời bông đùa, cợt nhả của họ bằng sự yên lặng trang nghiêm. Có lần cáu tiết, bọn họ đã bảo bác Cả, mẹ Ve, dọn riêng ra cho ông ta ăn một mình. Nhưng bác Cả vẫn cố tìm lời khôn khéo nói với họ để tránh sự tổn phí thêm mâm thêm bát.
Bọn họ đã theo nghề mà phân biệt giai cấp, nhưng nếu họ biết rõ tình cảnh của Thanh thì họ sẽ thấy cũng chẳng hơn gì tình cảnh họ: dăm bộ bàn ghế nát, một cái bảng đen trong gian nhà lá trống trải, đó là khí cụ để xoay kế sinh nhai. Còn khách hàng: vài ba chục cậu trò nhỏ từ sáu đến mười hai tuổi từ lớp đồng ấu đến lớp sơ đẳng và toàn là con các nhà bình dân buôn bán ở ngoại ô, nghĩa là không sẵn tiền và nhiều khi túng bấn nữa. Vì thế học phí chẳng lấy gì được trả sòng phẳng luôn luôn, và món tiền thầy giáo kiếm được hàng tháng chẳng mấy khi quá số mười lăm đồng. Trừ tiền thuê lớp học và các khoản chi phí khác, khéo lắm còn hơn chục bạc để ăn tiêu.
- Ve!
- Cái gì nữa thế?
- Lấy thêm cơm, mau!
Trên mâm, đĩa đậu phụ om tương, đĩa rau muống sào tóp mỡ đĩa đu đủ xanh om mắm tôm, đã sạch sẽ như lau. Ai nấy ăn ngốn ngấu, vội vàng, không trò chuyện, không ngừng gắp, không ngừng nhai. Người ta chỉ nghe thấy tiếng hai hàm răng chạm nhau côm cốp, tiếng thìa đũa đụng mâm lách cách và tiếng húp canh sụp soạp.
Ăn no, ai nấy trở nên vui vẻ, và những câu chuyện khôi hài nghịch ngợm, những câu pha trò thô tục, nhạt nhẽo kế tiếp nhau, chen đua nhau không ngớt, dù Ve có đứng gần đấy cũng mặc. Họ đã quen coi Ve là một người để sai khiến, một người nấu cơm cho họ ăn, thế thôi. Còn cái tuổi mười tám của Ve, họ không hề nghĩ đến bao giờ. Thấy Ve bỏ chạy, họ cho là một sự rất thường hoặc để xuống bếp làm lụng, hoặc để đi mua thức gì cần dùng, chứ không một lần nào họ tưởng rằng những lời lỗ mãng, những câu bẩn thỉu của họ đã làm Ve bẽn lẽn xấu hổ và đã đuổi Ve đi.
Là vì Ve xấu số, chẳng có nhan sắc như nhiều cô gái khác, hơn nữa, chẳng có một chút duyên lộ duyên thầm của một cô con gái đến thì. Sự trang sức của Ve,- vì Ve mới bắt đầu chăm chỉ trang sức - càng phô rõ những điểm xấu của Ve ra. Cái mặt kỳ cọ bóng loáng, hai hàm răng xỉa thuốc đen láy, chỉ làm cho cặp môi thêm thâm, thêm cong. Đôi lông mày nhổ tỉa hình bán nguyệt càng thanh bao nhiêu thì hai con mắt lồi càng thô bấy nhiêu, hai con mắt đục và ướt như lúc nào cũng ám khói bếp. Một cái sẹo trắng nằm dài ở mi bên phải khiến thoạt nhìn Ve là người ta để ý đến mắt Ve ngay. Có lẽ Ve cũng biết thế, nên vẫn hết sức chữa cho cái sẹo mờ đi: trước Ve đã bôi nghệ, nhưng thấy màu nghệ vàng khè không giống màu da, nàng lại thôi. Mãi sau nàng mới nghĩ ra được cách dùng màu chì nhạt. Từ đấy trong túi áo lót mình của Ve bao giờ cũng có mẩu bút chì và cái gương tròn nhỏ.
Chính cái sẹo ấy đã đặt tên cho Ve. Thực ra Ve không có tên riêng. Khi Ve ra đời, mẹ Ve chỉ gọi Ve là cái Riêm con, và cái Riêm, chị Ve, đã nghiễm nhiên thành cái Riêm nhớn.
Năm bảy tuổi, Ve đau mắt nặng. Khỏi bệnh, còn lại cái sẹo ở mi bên phải. Từ đó, mẹ nàng khi mắng nàng thường chỉ kêu nàng là cái Ve, rồi chẳng bao lâu ai ai cũng theo thế mà gọi nàng.
- Ve!
- Các bác bảo gì?
Ve đã nhanh nhẹn ở trong nhà chạy ra. Khoát trỏ mâm:
- Bưng đi, Ve!
Rồi trong khi người con gái thu dọn các đĩa bát rếch, chàng cười bảo Trường:
- Mày ạ, ban nãy tao ở nhà máy về gặp con bé chỉ độ mười bảy tuổi đầu thôi. Kháu quá, mà tình quá! Tao nháy nó, nó tủm tỉm.
- ồ thú nhỉ!
San cười phì cả ngụm nước vừa uống:
- Mày tin gì nó! Nó làm như nó đẹp giai lắm, các cô con gái Hà Nội ai cũng phải lòng nó.
- Mày thì đẹp! Hôm nọ ghẹo con hàng chuối nó mắng vào mặt cho, còn không biết thân!
Ve bưng mâm bát, đĩa xuống nhà, trong lòng buồn rầu man mác. Năm nay nàng đã mười tám tuổi rồi, mà chưa một lần nào được ai nháy hay bị ai chòng ghẹo. Nàng không hiểu sao người ta lại nháy nhau, lại chòng ghẹo nhau được và làm như thế có ích gì. Nàng chỉ biết khi một người đàn ông, như ông giáo Thanh chẳng hạn, nói với nàng những câu dịu dàng, đứng đắn, khác với những lời cục cằn của mấy bác thợ ăn cơm trọ nhà nàng thì nàng thấy tim nàng đập mạnh và nàng cảm động quá, chỉ muốn ứa nước mắt. Nhưng nàng cũng mới gặp có một ông giáo Thanh đối đãi với nàng như thế. Giá ông ấy có nháy nàng hay chòng ghẹo nàng, thì nàng xin thề với nàng rằng nàng chẳng dám tủm tỉm mà cũng chẳng dám mắng vào mặt ông ấy.
- Ve, mày không đi rửa bát, còn ngồi thừ ra đấy mà nghĩ ngợi gì thế?
Nghe tiếng mẹ cự, Ve thở dài đứng dậy cắp rổ bát đĩa thong thả ra ao.
Mặt trời giữa trưa xiên thẳng ánh sáng xuống làn nước màu xanh vàng. Ve trùm vạt áo sau lên đầu để che mắt cho khỏi nắng và đỡ chói, ngồi cầu ao lấy búi rơm thong thả cọ từng cái bát, cái đĩa. Đàn cá nhỏ xúm xít bơi lại gần đớp những hạt cơm rơi, mặt nước lấm tấm, lấp loáng trông như có những hạt mưa đương dồn dập đổ xuống. Ve lấy tay khỏa mạnh, tức thì bóng nàng tan ra với đàn cá nhép tản mát lan đi. Nàng lò mò cúi xuống nhìn: mặt nước dần dần lắng lại, bóng cái sẹo ở mi mắt lờ mờ thành hình. Ve rửa tay thực kỹ, kéo vạt áo lau cho khô, rồi móc túi lấy ra cái gương con và mẩu bút chì để tô.
Giữa lúc ấy có tiếng gọi:
- Ve! Mày chết gí ở ngoài ấy à?
Ve bỏ vội gương và bút chì vào túi, cắp rổ bát đĩa đứng dậy, trong lòng căm tức nghĩ thầm: "Người nào cũng vậy, động nói với mình là rủa mắng! Khó chịu quá!"
Nàng cau có hỏi mẹ:
- Cái gì mà bu làm ầm lên thế?
- Con giời đánh, mày có sắp sửa đi chợ không, còn dềnh dàng mãi.
- Thì cũng phải rửa xong bát đĩa đã chứ!
- Câm ngay, con đĩ dại! Đây này, cầm hào bạc ra chợ mua cho tao năm bìa đậu với lại hai xu cải, một trinh hành hoa. Bữa sáng còn rau muống, còn cá kho đấy, chiều dọn ra, như thế là tươm rồi.
- Có mua thêm thịt kho cho ông giáo ăn không?
Bác Cả nguýt dài, mắng con:
- Rõ khéo lôi thôi, tao bảo mua thức gì thì cứ mua thức ấy có được không?
Ve bĩu môi đáp lại:
- Thì người ta giả hơn tiền, cũng phải cho người ta ăn tươm tất hơn một tí chứ.
Bác Cả gí ngón tay vào trán con, hai hàm răng rít lại, thì thầm:
- Thổi cơm trọ như mày thì có khi phải bán nhà mà bù. Sáu đồng bạc một tháng, mày tưởng to lắm đấy à?
- Chẳng to lắm thì cũng to hơn phần mọi người khác, họ chỉ giả bu có bốn đồng thôi.
- Nhưng đằng này người ta vừa ăn vừa trọ. Thôi, mày im ngay, đừng làm tao lộn tiết lên nữa, mà tao phang cái chày này vào mặt bây giờ.
Bác Cả đứng im vài giây rồi cười chua chát, nói tiếp:
- Dễ thường con bé này nó phải lòng nhà thày giáo chắc! Chả thế mà hôm nào nó cũng săn sóc riêng đến bữa cơm của thày ta.
Ve vùng vằng bỏ ra đi.
II
Ve đương ngồi ở bếp thái hành để muối dưa, bỗng nghe tiếng guốc lộp cộp sau lưng: nàng biết rằng đó là ông giáo Thanh, vì chỉ có mình nàng với ông giáo ở nhà. Mẹ nàng ra chợ, còn năm người ăn cơm trọ, xong bữa sáng, đã kéo nhau đi cả.
Ve cố thản nhiên chăm chỉ làm việc, như không để ý đến mọi sự xảy ra chung quanh mình.
- Cô Ve!
Không lần nào nghe hai tiếng "cô Ve" mà cô gái xấu xí không nóng bừng mặt. Cách xưng hô ấy, Ve cho chỉ để tặng riêng những người lịch sự, xinh đẹp trong các gia đình cao sang hay giàu có. Còn đối với nàng, đó chỉ có thể là một sự mỉa mai cay độc. Vì thế, buổi đầu Thanh gọi nàng là cô, nàng căm tức tưởng như bị chế nhạo. Nhưng lâu dần nàng cũng quen tai, tuy vẫn còn hơi bẽn lẽn một chút, bẽn lẽn sung sướng.
- Cô Ve!
- Dạ.
Ve từ từ đứng dậy, dáng điệu giữ gìn khoan thai, yểu điệu, nhất là cố ý nhìn thẳng để Thanh chỉ trông thấy một nửa mặt không có cái sẹo dài ở mí mắt.
- Cô Ve làm ơn đun hộ tôi ấm nước sôi nhé?
- Thưa ông, vâng.
- Đây, ấm đây, cô Ve.
Ve đỡ lấy cái ấm đồng ở tay Thanh, ra vại múc nước, bắc lên bếp kiềng nhóm lửa. Rồi nàng lại ra ngồi thái hành, lòng bâng khuâng cảm động: "Người ta có học hành chữ nghĩa vẫn hơn. Ăn nói ôn tồn quá. Chả bù với năm bác kia nhất là bác Trường, với bác San, động nói là gắt, bảo làm việc gì thì như sai đầy tớ vậy. Rõ nhắng quá! Ai là đầy tớ họ mới được chứ?"
Một lát sau, Ve xách ấm nước lên nhà, nói se sẽ:
- Thưa ông, nước sôi được rồi đây ạ.
Thanh đương mải chấm bài học trò ở cái hòm lớn đặt trên giường và dùng làm bàn. Ve phải nhắc một lần nữa, chàng mới nghe thấy và quay lại tươi cười nói:
- Cám ơn cô nhé. Cô để đấy cho tôi.
Ve cúi đầu, thỏ thẻ:
- Thưa thầy, thầy pha nước hay để làm gì?
- Tôi pha nước đấy, cô ạ.
- Thế con đi súc ấm nhé?
- Được, cô để mặc tôi.
Nhưng Ve đã nhanh nhẹn ra bàn nước mở cái giỏ làm bằng tre ghép, màu sơn quang dầu đã mờ sạm và trên đậy nắp vải nâu cũ, rách, để lòi cả bông nhồi ra. Nàng kéo lên một cái ấm Thanh Trì vòi thiếc cáu đầy cặn chè nụ, và mở vung ghé mắt nhòm, lẩm bẩm:
- Gớm! Tệ quá! Uống cạn chẳng để phần người ta lấy một giọt.
Tiếng "người ta" dùng để chỉ ông giáo Thanh mà Ve buột miệng thốt ra, nàng nghe như có chiều thân mật quá. Vì thế nàng đưa mắt liếc trộm xem Thanh có nghe rõ không. Thấy Thanh vẫn cặm cụi chấm bài, nàng mới yên tâm.
- Thưa thầy, con súc ấm tra chè mới nhé?
Thanh vẫn không ngửng lên, đáp:
- Cám ơn cô, thế thì còn nói gì nữa. Nhưng hình như chè hãy còn tốt đấy mà, bỏ sợ phí, cô Ve ạ.
Ve bóp mấy hạt chè bã:
- Thưa thầy, còn tốt đâu! Bã nát nhẽo ra rồi!
Ve dềnh dàng để được ở gần Thanh lâu thêm một lát nữa. Trong lúc nhà vắng đứng nói chuyện với Thanh, nàng coi như một việc thầm kín, vụng trộm, một việc có lỗi. ý nghĩ ấy làm Ve sung sướng, chân tay luống cuống. Nàng tra chè mới rồi rót nước vào ấm.
- Thưa thầy, con để đây, thầy chờ một lát cho ngấm đã rồi hãy uống.
- Được, cám ơn cô, cô cứ để đấy cho tôi. Nhưng này cô Ve, sao cô cứ xưng con với tôi thế? Tôi chỉ hơn cô độ hai, ba tuổi là cùng, cô xưng con với tôi như thế e không tiện.
Ve yên lặng đứng ngây người nhìn Thanh, và ngẫm nghĩ: "Thế nghĩa là gì? Đó là câu đùa bỡn trêu ghẹo, hay là lời đứng đắn tự nhiên?". Nhưng thấy Thanh vẫn cúi đầu chữa bài học trò, Ve liền rón rén lảng xuống bếp. Một lát sau, nàng lại lên nhà, rót chén nước chè nụ đầy bưng đến để bên cạnh ông giáo và lễ phép nói:
- Thưa thầy, nước chè ngấm, vừa uống rồi đấy ạ
Thanh ngửng đầu lên tươi cười đáp.
- Cám ơn cô nhé.
Ve giật mình vì vô tình nàng đã xây về phía Thanh nửa mặt có cái sẹo ở mí mắt. Nàng cúi vội đầu xuống rồi ngoảnh trông nghiêng.
- Ve!
Ve chạy biến vào trong bếp. Tiếng bác Cả réo từ ngoài đường réo vào:
- Ve! Con chết đâm ra đây tao bảo.
Ve sợ hãi bước lại gần, hỏi:
- Cái gì thế, bu?
- Cái gì à? Lại còn cái gì à, con quạ mổ?
Ve ngượng quá, đưa mắt nhìn Thanh, và thầm mong rằng Thanh mải chấm bài, không nghe thấy lời rủa mắng của mẹ.
- Thì tao hãy hỏi mày: mày mua na để làm gì, hử? Tiền đâu mà mua na, hử con ranh kia? Mày ăn bớt tiền chợ để ăn quà, phải không con đĩ?
Trong khi người mẹ nói một thôi một hồi, Ve chỉ đứng lặng, mặt tái đi nhìn quanh mình như để tìm cầu cứu. Bác Cả thét càng to:
- Con nỡm! Sao tao hỏi, mày cứ đứng ỳ thần xác ra như con câm thế kia?
Ve cáu tiết trả lời buông sõng:
- Làm gì có tiền mà mua? Ai mua? Rõ bu chỉ lôi thôi.
Bác Cả đặt phịch cái rổ thức ăn xuống đất, ngón tay trỏ sỉa sói vào mặt con:
- à, lại còn gái đĩ già mồm à? Tao đi qua hàng chị Thẽn, chị ấy bảo mày mua bốn xu hai quả na, rồi gửi chị ấy, chị ấy nhờ tao mang về cho mày đây này, còn cãi nữa thôi, con chết tiệt, con chết băm?
Ve cuống quít cãi liều:
- Ô hay, bu mới hay nhỉ! Có để cho ông giáo ông ấy chấm bài không?
Nghe nói đến mình, Thanh ngửng đầu nhìn: Chàng đã mục kích nhiều lần cái cảnh náo nhiệt giữa hai mẹ con bác Cả, nên những tiếng chửi rủa nhiếc móc tục tằn, chàng coi thường rồi, không lấy làm chướng tai, như buổi mới đến ở trọ nữa.
- Hay sao, mày bảo tao hay sao, con kia? Tao hãy hỏi mày: tiền đâu mày mua na?
Thấy Thanh nhìn mình, Ve vớ ngay lấy chàng như người sắp chết đuối với lấy mảnh ván trôi.
- Ông giáo đấy chứ...
- Ông giáo sao?
- Mua cho ông giáo đấy chứ!
Thanh thoáng hiểu tình cảnh một cô gái đi chợ ăn quà vụng mẹ. Chàng liền nghĩ cách cứu vớt:
- à, cô Ve, tôi nhờ cô mua na cho tôi, cô đã mua chưa?
Ve toan nói: "Đấy bu coi", nhưng nàng cảm động quá, chỉ ứa nước mắt, nghẹn ngào đứng im. Nàng không hiểu sao ông lại bênh vực nàng như thế, và bênh vực nàng như thế, ông ta có định ý gì không. Xưa nay có ai thèm thương hại nàng bao giờ đâu. Nàng ra chợ mất cắp, người ta cười chế nhạo nàng. Nàng bị mẹ mắng chửi, đánh đập, mấy người ăn cơm trọ khúc khích cười lấy làm thích chí như ngồi coi hát chèo. Thậm chí có khi nàng ngã sây sứt cả chân tay, mà những người qua đường cũng vỗ tay reo cười được. Không bao giờ, thực không bao giờ nàng được nếm chút tình trắc ẩn nó an ủi, vỗ về, xoa dịu lòng con người trong những giờ đau đớn.
Ve lại thuộc hạng người nhiều tình cảm. Thực là một tấm lòng yếu đuối, một tâm hồn ủy mị, chứa trong một hình thể cục mịch, một cốt cách thô sơ. Vì thế, Ve càng nhận thấy rõ rệt và cảm thấy thấm thía những sự đối đãi tai ngược và bất công của người đời. Nàng không sao thân mật được, như mẹ nàng, với cái hoàn cảnh nàng đương sống và đã sống gần hai chục năm nay, và có lẽ nàng còn sống mãi mãi cho đến khi già, khi chết.
- Thế nào, na của tôi đâu, cô Ve?
Sợ mẹ trông thấy sự cảm động của mình biểu lộ ra bằng hai dòng nước mắt, nàng bỏ chạy xuống bếp. Thanh mỉm cười thầm, cho là nàng ngượng với mình, vì có cái nết thứ tư của "cô con gái bảy nghề". Còn bác Cả thì vẫn chưa hết thét, tuy bác đã biết con bác không có tội.
- Ve! Con bé thế này thì thật. Sao ông giáo hỏi lại bỏ chạy, hử, con đĩ? Đấy, thầy tính nó hư đủ nết như thế, thì tôi không gào không thét làm sao được cơ chứ. Mua có hai quả na cho thầy cũng còn bỏ quên được mới nghe.
Vừa nói, bác Cả vừa cầm hai quả na còn cả lá, gượng nhẹ đặt vào khay nước.
- Thầy xơi ngay được đấy. Na đầu mùa chín tới ngon lắm.
- Cám ơn bà, bà cứ để đấy cho tôi.
- Thôi thầy ở nhà nhé. Tôi lại phải ra chợ. Đã mua bán xong đâu. Tôi chủ định về cho con bé một trận.
Dứt lời bác Cả vừa cười, vừa cắp rổ đứng dậy. Thanh tưởng nên hỏi một câu cho có chuyện, nhân tiện để làm thân với bà chủ nhà:
- à, bác đã được tin bác giai bao giờ về chưa?
- Về gì đây! Có về thì cũng gần Tết. Nghe đâu nhà tôi nó đã lấy vợ lẽ ở mỏ rồi thì phải.
Nói câu ấy, bác Cả không có giọng ghen tuông tức tối, như nói đến một việc thường xảy ra, và xảy ra một cách rất tự nhiên. Thanh toan hỏi một câu nữa, thì bác Cả đã ra khỏi cửa rồi. Chàng lại cúi xuống chấm bài.
Bỗng nghe lách cách động chén, chàng quay ra nhìn thấy Ve, liền mỉm cười nói:
- Na của cô đấy, mời cô cứ tự do xơi đi, bà Cả ra chợ rồi, cô không còn sợ hãi gì nữa.
- Không... tôi... mua...
Ve muốn nói: "Tôi mua biếu thầy", nhưng hổ thẹn, ngập ngừng, không dám nói dứt câu. Thanh tưởng nàng xấu hổ định chữa thẹn mà không tìm được câu ổn thỏa. Chàng đỡ lời:
- Cái đó là sự thường. Ai chả có lúc ăn quà? Vả lại ăn hoa quả tốt lắm, tôi nói ăn hoa quả chín, vì ăn hoa quả xanh rất độc rất dễ sinh bệnh, cô chớ có ăn hoa quả xanh vào.
Ve uất ức về nỗi oan của mình, mà không thể bộc bạch được.
Ban nãy, ra chợ, thấy có mớ na đầu mùa vừa chín tới, nàng nghĩ thầm: "Ông giáo Thanh rất thích na, ta mua cho ông hai quả". Nàng vẫn có cái vốn riêng hơn hai đồng bạc, góp nhặt lâu ngày bằng tiền mừng tuổi Tết, và các khoản ăn bớt tiền chợ cùng là tiền thưởng, tiền thuê vặt vãnh. Nàng bỏ ra bốn xu chọn mua hai quả na to nhất mẹt. Nhưng vừa trả tiền xong thì nàng nhận ngay ra điều này: "Làm thế nào đưa na cho thầy giáo được? Chẳng nhẽ mình biếu thầy ấy! Hay nói mua hộ thầy ấy? Nhưng thầy ấy có nhờ mình mua đâu? Mà nhỡ gặp lúc thầy ấy túng quá không có bốn xu giả lại mình thì thầy ấy ngượng chết."
Đương phân vân nghĩ ngợi thì thoáng thấy bóng mẹ ở đằng xa, nàng vội gửi tạm nhà hàng hai quả na, hẹn chốc nữa ra lấy.
Về nhà làm lụng và trong khi ngồi chờ ấm nước sôi, nàng chợt tìm ra được một cách rất tự nhiên, rất giản dị, là nói với ông giáo Thanh rằng có người gửi biếu. Ông ấy có hỏi ai biếu thì mình nói không biết, thế là xong.
Nàng mừng thầm, thấp thỏm đợi mẹ về chợ để ra lấy na. Chẳng ngờ đã xảy ra lôi thôi.
- Kìa cô xơi na đi chứ, chẳng ruồi nó bâu, nó đẻ trứng vào thì rồi nó sẽ nở ở trong ruột ấy.
- Gớm! Thầy chỉ...
Thanh mỉm cười:
- Hay cô muốn biếu ân nhân một nửa đấy?
Ve sung sướng choáng váng cả người, nói rất mau:
- Vâng mời thầy xơi, na ngon lắm, mời thầy xơi.
Ve bưng khay na đặt bên cạnh Thanh, nhắc lại một lần nữa:
- Mời thầy xơi.
- Ai lại thế! Cô ăn đi.
- Không, con cốt mua mời thầy xơi.
Thanh cho đó là một câu nói khéo, hoặc một câu nói để che đậy cái nết xấu hay ăn quà vặt.
- Vâng thì ăn. Nhưng hết bao nhiêu tiền rồi tôi giả cô đấy.
Và chàng nghĩ thầm: "Thế nào cô ả cũng ăn lãi được một, hai xu." Nhưng Ve chạy vụt xuống bếp, nói giọng nũng nịu:
- Không, con chả dám lấy tiền của thầy đâu.
III
Sáng hôm ấy, trước giờ đi dạy học, Thanh nhăn nhó bưng bát cháo nóng lên gần miệng húp một thìa rồi lại đặt bát xuống thở dài và rên se sẽ. Bác Cả cắp rổ ra chợ đứng lại hỏi thăm một câu lấy lệ:
- Thế nào ông giáo, hôm nay ông đỡ sốt rồi chứ?
- Cám ơn bà, tôi đã khá.
Thanh trả lời thế cho xong chuyện, vì biết bác Cả cũng chẳng lưu tâm cũng chẳng săn sóc gì đến mình. Thực ra, bệnh sốt của chàng từ chiều hôm trước đã tăng quá mau.
Chàng bỗng bỏ giở bát cháo, đứng dậy lấy mũ trắng đội. Nhưng đầu gối run lẩy bẩy chỉ chực khu�u.
Chàng tức tối vứt mũ xuống giường, ngồi suy nghĩ, và rút chiếc đồng hồ vỏ sắt ở túi áo ra xem giờ. Rồi lắc đầu phàn nàn:
- Giời ơi! Khổ thân tôi chưa!
Giữa lúc ấy, Ve xách ấm nước chè nụ từ dưới bếp đi lên để bỏ vào giỏ. Lần đầu tiên, nàng nghe thấy ông giáo kêu khổ, người mà nàng tưởng không phút nào không vui vẻ, sung sướng, lúc làm việc cũng như lúc nhàn rỗi, vì nàng thường liếc mắt ngắm trộm ông giáo và thấy nụ cười luôn luôn nở trên cặp môi tươi, dù khi ông ta cặm cụi ngồi chấm bài học trò, hay gặp ngày nghỉ, ông ta chắp hai tay sau lưng, lững thững đi bách bộ bên rặng ổi bờ ao.
Thương hại, nàng hỏi:
- Thưa, ông mệt lắm?
Thanh quay lại ngơ ngác nhìn. Ve thoáng trông thấy đôi mắt đỏ ngầu, và bộ mặt xanh tái.
- Giời ơi! Thầy sao thế kia?
- Không, tôi có sao đâu.
Thanh với mũ, cắp cặp, cố gượng đi. Nhưng, lần được đến cửa, chàng thấy chóng mặt, phải vội víu lấy cánh cửa để khỏi ngã. Ve kinh hãi chạy lại. Nàng không dám đỡ, chỉ áy náy đứng nhìn.
- Thưa ông, dễ ông không đi dạy học được... Phải nghỉ...
- Không sao...
Thanh lại cố gượng đi. Nhưng lần này chàng ngã khu�u xuống ngưỡng cửa. Không kịp suy nghĩ, giữ gìn, Ve đưa tay ra nâng Thanh đứng dậy, rồi thong thả dắt chàng lại giường.
- Đấy, thầy coi, thầy... không đi được.
Nghe lời nói cảm động và hơi thở mau, Thanh ngước mắt nhìn, mỉm cười cám ơn.
- Cô cũng ốm đấy à?- Thưa thầy... không.
Ve bẽn lẽn cúi đầu. Nàng xấu hổ. Thực ra nàng cũng nhận thấy mặt tai và chân tay nàng nóng rực lên. Lần đầu nàng được nâng đỡ một người đàn ông trẻ tuổi, và người đàn ông ấy lại là ông giáo Thanh, người mà nàng vẫn kính trọng, mến yêu thầm kín. Nàng sung sướng để thân thể Thanh uể oải đè nặng lên cánh tay nàng, và hơi thở hổn hển của Thanh nàng tưởng như lướt qua gáy và ngực nàng. Tim nàng hồi hộp đập mạnh, miệng, lưỡi nàng khô rát và tiếng nàng run run;
- Ông... ngồi xuống... Con đi... rót nước... ông xơi nhé?
Nàng bưng lại đưa cho Thanh một chén nước trà khói ngát bốc lên. Thanh mỉm cười:
- Cám ơn cô... Không bao giờ tôi sốt nặng như lần này.
- Có lẽ ông bị cảm thử... Hôm qua nóng bức quá... Ông nghỉ thôi.
Thanh nằm vật ra giường vừa thở vừa đáp:
- Không... thể được, cô ạ... Mấy chục học trò... đương đợi.
Suy nghĩ một lát, Thanh lại nói:
- Giá anh Nghĩa anh ấy dạy hộ một buổi...
- Anh Nghĩa nào thế, thầy?... Cô phải anh Nghĩa con ông lang Đạo không?
- Phải đấy.
- Thế thì được rồi, thầy để con đến bảo anh ấy dạy giúp thầy.
Ve toan chạy đi ngay. Thanh gọi giật lại, nói để đợi viết thư đã. Rồi vừa viết chàng vừa nói:
- Cô Ve này, tôi đã bảo cô đừng xưng con với tôi, sao cô không nghe.
Ve đứng im lặng đưa tay lên kéo mái tóc: mấy hôm trước, khăn sổ, nàng soi gương vấn lại. Ngẫu nhiên nàng ngắm thấy mái tóc xõa gần mắt không những làm cho khuôn mặt nàng bớt rộng mà lại loáng thoáng che được cả cái sẹo ở mi bên phải. Từ đó nàng vẫn có ý kéo thấp mái tóc xuống.
- Nếu cô còn xưng con với tôi, thì... từ rầy tôi không dám nhờ cô một việc gì nữa.
Bắt đầu ngay lúc ấy, bệnh Thanh tăng gấp. Rồi trong luôn ba hôm, chàng sốt mê man, chẳng biết gì.
Hôm nay, chàng như thức một giấc ngủ liên miên đầy chiêm bao, đầy mộng mị. Chàng đưa tay lên trán gạt mồ hôi, nghĩ thầm: "Giời ơi! Mình ngủ say quá? Nhớ mới buổi sáng viết thư cho anh Nghĩa dạy học giúp. Thế là mất hai buổi rồi. Chẳng biết học trò có kêu ca gì không?"
Cái buồng hẹp và tối như làm cho Thanh bứt rứt khó thở. Chàng toan đứng dậy chống cánh phên cửa sổ trông ra ao cho sáng, và thoáng hơn một chút. Nhưng vừa sẽ trở mình, chàng thấy gân cốt đau đớn, và đầu nặng như gắn chặt xuống gối. Chàng cố sức ngồi dậy mà không sao nhúc nhích được chân tay: "Chết chửa! bệnh mình nặng đến thế kia à?"
Chàng định thần nhìn kỹ cái hòm ở chân giường, và bát thuốc cạn đặt trên mặt hòm. Thốt nhiên một giấc mộng dần dần nối tiếp hiện ra trong trí nhớ:
"Chàng ốm li bì, nằm thiêm thiếp, chập chờn nửa tỉnh nửa mê. Trong buồng, mọi vật lờ mờ, và dưới sức nặng buổi trưa, không khí nóng như than hồng bên lò sưởi
"Bỗng một cơn gió mát thổi qua. Hương thơm ngào ngạt đầy phòng. Rồi một nàng tiên yểu điệu, nhẹ nhàng bước vào, một nàng tiên với bộ y phục trắng và trong.
"Thanh mỉm cười nghĩ thầm: "Ta chiêm bao rồi. Chứ thời nay làm gì còn tiên". Nhưng kinh dị xiết bao! Nàng tiên đặt tay mát rợi lên trán chàng. Cái cảm giác mát ấy nhắc chàng biết rằng chàng thức. Chàng sợ hãi, kêu ú ớ rồi ngất đi.
"Lúc tỉnh dậy, chàng vẫn thấy nàng tiên đứng bên giường. Nàng thì thầm nói với chàng những lời dịu dàng êm ái rồi đỡ đầu chàng, đưa bát thuốc đến tận miệng cho chàng uống. Từ lúc đó, luôn luôn nàng tiên hiện đến thăm chàng. Có khi nửa đêm nàng cũng đến đưa tay xoa trán chàng, lắng tai nghe ngóng vài phút, rồi khi thấy chàng ngủ yên lại biến đi ngay... Kỳ thực, Thanh vẫn thức, nhưng chàng vờ lim dim cặp mắt làm như ngủ say để được ngắm nghía nàng tiên trong khi nàng bất ý..."
Ôn lại giấc chiêm bao, Thanh tưởng như nằm chiêm bao một lần nữa và muốn liên miên kéo dài mãi những cảm giác êm đềm trong giấc mộng đẹp. Một tiếng động khẽ ở cửa buồng. Có ai rón rén bước lại gần giường. Chàng nằm im chờ đợi. Một bàn tay mát đặt lên trán chàng. Chàng tưởng ngửi thấy hương thơm và se sẽ như nói mê: "Nàng tiên đã đến." Chàng sung sướng ngước mắt nhìn lên, và chỉ thấy Ve đầu tóc rối bù, quần áo lếch thếch. Chàng thở dài, thất vọng, chán nản.
Ve vui mừng hỏi:
- Thưa ông đã tỉnh?
Thanh cáu kỉnh nghĩ thầm; "Ngủ dậy thì tất là phải tỉnh, rõ hỏi lẩn thẩn!?" Nhưng Ve nói tiếp:
- Mấy hôm nay, ông sốt nặng quá, nói mê sảng luôn mồm.
- Mấy hôm nay?
- Vâng, ba hôm nay.
Thanh lo lắng tự nhủ "Ba hôm! Thế mà mình tưởng một nửa buổi". Vơ vẩn chàng nghĩ đến truyện thần tiên: "Mình mộng gặp tiên có khác vì ở tiên giới có lẽ một ngày dài gấp ba ở nhân gian".
Thầy Thanh nằm im, Ve đã bỏ xuống bếp. Một lát nàng bưng bát thuốc đến bên Thanh.
- Thưa ông, thuốc tôi hãm vừa uống, xin mời ông xơi ngay chẳng nguội.
Thanh mỉm cười mỏi mệt và thì thào câu cám ơn. Rồi chàng cố ngồi dậy, nhưng không sao cử động được chân tay. Ve phải cúi nâng đầu chàng lên chàng mới uống được thuốc. Trong lúc sốt sắng trông nom người ốm, Ve chẳng kịp nghĩ đến giữ gìn và hổ thẹn.
Đầu Thanh nóng bừng đặt vào trong cánh tay và cái ngực béo mát của Ve. Cảm giác êm đềm ấy làm cho trí Thanh liên miên nhớ tới giấc mộng ôn lại giở chừng. Và Thanh mơ màng tưởng tượng ra một cách rõ rệt, với những màu, những nét tươi sáng dịu dàng, cái dung nhan kiều diễm, cái dáng điệu tiên nga của người đương âu yếm nâng niu chàng. Mắt chàng như được trông thấy hai bàn tay trắng nõn, mềm mại, nhẹ nhàng đỡ hai bên tay chàng để đặt đầu chàng xuống gối.
- Ve!
Lần thứ hai giấc mộng đứt. Ve lẩm bẩm:
- Làm gì mà gọi ầm lên thế không biết?
- Ve! Con chết tiệt, mày có đi dọn cơm không? Gần tối rồi, còn gì.
Ve thì thầm bảo Thanh:
- Ông nằm nghỉ. Lát nữa tôi bưng cháo vào ông xơi nhé.
Rồi Ve tất cả chạy ra ngoài. Tiếng bác Cả lọt vào tai Thanh:
- Con bé thế thì thôi. Rúc cổ xó nào hết ngày hết buổi.
Tiếng Ve đáp khẽ, Thanh không nghe rõ, nhưng bác Cả vẫn oang oang:
- Rồi hỏi thầy ta xem quê quán thầy ta ở đâu, hay thầy ta có bà con nào ở Hà Nội không để nhắn đến mà đưa thầy ta về. Nhỡ thầy ta chết ra đấy, thì sao?
- Ô hay! Bu nói khẽ chứ!
*
* *
Đêm khuya, Thanh thét lên một tiếng trong giấc chiêm bao dữ dội. Chàng vừa mơ thấy chàng chết. Họ hàng thân thích không ai. Bên giường, nàng tiên đứng khóc, nước mắt rỏ lên mặt chàng. Bỗng bác Cả hung tợn bước vào lớn tiếng thét:
- Khiêng vứt xác thầy ta ra đường kia.
Thanh sợ hãi níu lấy vạt áo nàng tiên và tỉnh dậy.
Bên ngoài, mưa gió, sấm chớp. Trong buồng ai vừa thoáng hiện ra lại vụt biến đi.
Và Thanh sung sướng tưởng tới nàng tiên xinh đẹp.
IV
Trong nhà ai nấy ngủ yên. Một mình Thanh vẫn còn trằn trọc trên giường.
Mỗi lần chàng trở mình, cái dát nứa lại kêu răng rắc giữa khoảng tĩnh mịch đêm trường.
Tiếng muỗi bay ngoài màn, tiếng dế rúc quanh hiên càng làm cho chàng cảm thấy rõ rệt tinh thần tỉnh táo của một người khó ngủ. Chàng lẩm bẩm: "Thôi, phải rồi, vì ban nãy ta uống một cốc chè tầu pha đường!"
ý nghĩ ấy khiến Thanh mơ màng như trông thấy Ve hiện ra, hai tay bưng cốc nước tỏa khói thơm.
Cảm động hãy còn man mác trong lòng chàng. Chàng sẽ cảm động hơn nữa nếu chàng biết vì cốc nước chè tàu ấy mà Ve đã bị mẹ cốp bươu đầu. Buổi chiều ăn cơm xong, chàng ngồi vơ vẩn nói một mình: "Ước gì được một chén chè tầu đường mà uống, thì sung sướng quá!" chẳng ngờ câu ấy đã lọt tai Ve. Nàng cho rằng người mới ốm dậy, ăn uống được những thứ mình thèm thì chóng lại sức lắm. Tức khắc, chẳng cần suy nghĩ, nàng chạy ngay ra hiệu tạp hóa mua hai xu trà liên tâm và một xu đường phèn, rồi về cặm cụi đến nỗi quên cả rửa bát, và vì thế đã bị đòn.
Từ cốc nước trà, Thanh liên miên nghĩ tới những sự chú ý săn sóc của Ve trong hơn tuần lễ chàng đau yếu. Mấy hôm đầu, chàng sốt nặng nên mê man chẳng biết gì, và vẫn tưởng mộng thấy có người con gái ngày đêm chăm nom thuốc thang cho mình.
Thanh càng yên trí rằng đó là một giấc mơ, khi qua mấy ngày mê sảng, chàng tỉnh táo nhận xét được mọi việc xảy ra quanh mình: mộng tàn, và người con gái xinh đẹp kia cũng biến mất.
Chàng có biết đâu rằng từ hôm thấy bệnh chàng đã bớt và chàng đã ngồi dậy được, Ve tị hiềm không dám bạ lúc nào cũng bước chân tới buồng chàng nữa, trừ ra ngày dăm, sáu lần bưng cơm, cháo, thuốc và nước vào. Những lúc ấy, Ve se sẽ đặt khay cơm hay chén nước xuống mặt hòm dùng làm bàn, yên lặng đứng ngắm qua Thanh vài giây, rồi lại rón rén đi ra liền. Họa hoằn lắm nàng mới dám hỏi thăm một câu: "Thưa ông hôm nay ông đã đỡ nhiều chưa?"
Một hôm, Thanh bảo Ve:
- Cô làm ơn hỏi ông lang hộ tôi xem hết bao nhiêu tiền tất cả để tôi giả, rồi thôi cô đừng lấy thuốc cho tôi nữa.
Ve bùi ngùi nhìn Thanh:
- Ông còn yếu lắm nên uống thêm vài chén nữa cho khỏe.
- Tôi chỉ còn hơi mệt thôi, nghỉ vài hôm nữa sẽ khỏi hẳn. Với lại tốn lắm. Tiền đâu!... Dễ tôi uống đến bốn, năm chén rồi đấy nhỉ?
- Vâng, năm chén.
- Đấy, cô coi, năm chén, ít ra cũng hết đồng rưỡi.
Ve cố giữ một tiếng thở dài, lặng lẽ bước ra ngoài, và buồn rầu nghĩ thầm: "Ta có hơn hai đồng bạc, giá làm thế nào giả được tiền thuốc cho thầy ấy! ". Chẳng tìm được cách ổn thỏa, Ve đành đem tiền Thanh giao cho sang trả ông lang Đạo. Và nàng ngao ngán tiếc những ngày ba buổi được bưng thuốc vào buồng.
Về phần Thanh, chàng cũng cảm thấy trơ trọi hơn trước.
Chàng là người từ thuở bé không từng được gần tình âu yếm và hưởng những sự vui thú của tuổi trẻ thơ. Chàng ra đời được một năm thì mẹ chết, cha chàng vào Nam kiếm ăn, nhờ người em gái ở một tỉnh nhỏ nuôi nấng con hộ. Người cô nhiều con, cố nhiên chẳng săn sóc yêu thương đến cháu.
Chín mười năm sau kiếm được một cái vốn dăm trăm cha chàng lại quay ra Bắc làm ăn, và đưa theo ra một người vợ "Sài Gòn", người mẹ kế của Thanh mà Thanh không sao yêu được dù chàng sợ hãi cha đến đâu mặc lòng.
Hồi đó, Thanh đương học lớp nhì. Hai năm sau, chàng đậu bằng tiểu học. Muốn tránh xa người mẹ kế ác nghiệt, Thanh xin ra Hà Nội kiếm việc làm và nhân tiện học thêm. Bắt đầu từ tuổi mười bốn, Thanh đã theo đủ các nghề, nghề chạy giấy, bán hàng, phát vé xe ô tô cho tới ngày nay đạt được cái hy vọng to tát nhất trong đời: mở một trường học nhỏ ở vùng ngoại ô Hà Nội.
Đằng đẵng hai mươi năm trời, không một lúc nào chàng được ai yêu mến, thương xót. Chàng ao ước rằng bọn học trò nhỏ sẽ coi chàng như một người anh cả. Nhưng sự chăm chỉ nghiêm ngặt của ông thầy trong giờ học đã cắt đứt tình yêu mến của lũ trẻ thơ.
Lần đầu, Thanh nhớ lại rõ ràng cái đời đã sống, cái đời khô héo, buồn tẻ không một kỷ niệm êm đềm, không một người nào để ý đến một cách hơi thân thiết.
Thốt nhiên, Thanh nghĩ đến Ve, và chàng mỉm cười tự thương thân: "Ngày nay, có mỗi một người lưu ý đến đời mình. Nhưng người ấy lại là cô Ve!". Chàng cho đó là một sự mỉa mai độc địa và chàng tự nhủ thầm: "Ta chỉ đáng được người hèn hạ, xấu xí như Ve săn sóc tới mà thôi!".
ý tưởng ấy vừa thành hình đã bị xóa nhòa ngay. Chàng như nghe có tiếng trong thâm tâm trách nhiếc: "Hèn hạ! Sao lại hèn hạ được? ở đời chỉ có một sự hèn hạ, sự hèn hạ của tâm hồn. Ngoài ra không có cái gì hèn hạ cả. Vả lại, mình thì cao quý với ai?".
Chàng cảm thấy dần dần rằng chàng tự khinh bỉ, tự thương hại chàng. Rồi chàng cố bình tĩnh ôn lại những cử chỉ cảm động của Ve đối với chàng, đối với một người xa cửa xa nhà giữa lúc ốm đau.
Thanh nhớ một đêm tỉnh giấc mơ, chàng thấy Ve đứng ngay bên giường. Nghe tiếng kêu ú ớ, nàng đã vội chạy vào, rồi thấy chàng nằm yên, nàng lại rón rén bước ra. Một đêm có khi đến ba, bốn lượt nàng vào buồng như thế. Và Thanh tuy thức, vẫn vờ ngủ say không biết gì.
Có lần chàng quên bẵng đi và buột miệng hỏi:
- Cái gì thế, cô Ve?
Ve bẽn lẽn, xấu hổ vừa hấp tấp bước ra vừa ấp úng đáp:
- Thưa ông... không
Từ đó, Ve sinh ra sợ hãi, giữ gìn, đến cửa buồng chỉ thò đầu vào nhìn, rồi khi nghe thấy yên lặng lại quay đi.
"Một người tốt như thế, một người mà trong những giấc mộng ta lẫn với nàng tiên xinh đẹp, thì người ấy không thể hèn hạ được".
Chàng băn khoăn nghĩ ngợi. Tiếng gà gáy nửa đêm càng làm cho chàng thêm sốt ruột, thêm khó chịu. Chàng liền ra ngoài màn và chống cái phên cửa sổ lên.
Cùng một luồng gió nhẹ, một luồng ánh trăng vàng lọt vào phòng và chênh chếch in hàng chấn song tre lên chiếu.
Cảnh ấy đã quen mắt Thanh lắm nhưng chàng tưởng được ngắm lần đầu với những cảm giác mới mẻ lạ lùng. Từ dãy cây ổi lấp lánh như bạc, cái ao con, mặt nước thỉnh thoảng khẽ rung động giãn ra như nhách một nụ cười, cho chí cái mái tranh, cái giậu chuồng gà nửa sáng, nửa tối, vũng nước bùn loang loáng tựa tấm gương tròn, mọi vật đều như nhuộm một thi vị thần tiên.
Thanh sung sướng mắt chớp mau tưởng đứng trước một cảnh mộng. Rồi chẳng kịp suy nghĩ rằng mình mới ốm khỏi phải kiêng gặp lạnh, chàng khoác vội cái áo lương mở cửa đi ra vườn sau.
Bên gốc ổi lả ngọn xuống mặt nước ao, một cái chõng như ân cần mời mọc. Nhưng vừa ghé ngồi, Thanh giật mình vội đứng dậy: chỗ ấy ai vừa ngồi vì còn âm ấm hơi người.
Thanh thì thầm tự nhủ: "Chắc ai vừa ra đấy, thấy ta nên bỏ chạy. Ai? Lại còn có thể ai được nữa?".
Như đáp lại câu hỏi thầm kín của chàng, vụt hiện in lên nền lá tre lờ mờ, cái bóng đen, cái bóng yểu điệu thướt tha của một tấm thân mềm mại và đều đặn cân đối, Thanh chỉ kịp thốt một tiếng gọi: "Cô Ve!", cái bóng đã chạy biến vào trong nhà.
Thanh trở về phòng nằm mơ mộng cho mãi tới khi trời sáng rõ. Một ý tưởng đã chiếm cả lấy tâm hồn chàng. Chàng lẩm bẩm luôn miệng như người mê: "Nghĩ cho cùng thì Ve chả xấu...".
*
* *
Mấy hôm sau, như sợ vơ vẩn điều gì, Thanh dọn đi ở trọ nơi khác. Nhưng cái bóng đen một đêm trăng sẽ không bao giờ rời chàng, và trong tim chàng sẽ in sâu mãi mãi cái kỷ niệm một sự dịu dàng âu yếm, sự dịu dàng âu yếm độc nhất trong đời chàng.
Thu 1936Rút từ tập truyện ngắn Cái Ve.
Nxb Đời nay, Hà Nội, 1944.