Truyện ngắn Khái Hưng

Biển

Từ hôm tôi vào Sầm Sơn, sáng nào trời cũng mưa rả rích. Buổi trưa tạnh ráo thì mây lại u ám, và về chiều gió đông nam nổi lên thổi mạnh, làm thời tiết trở lạnh như vào khoảng cuối thu. Tôi buồn rầu nghĩ đến cảnh nghỉ hè trên Sapa. Vào đây mục đích là để tắm biển, để phơi nắng thế mà đã năm sáu hôm nay tôi chỉ khoác áo ngủ dài ra ngoài pull'over đứng vẩn vơ tựa hiên nhìn đường vắng. Chán nản quá đến nỗi sách cũng không đọc được. Rồi sinh ra cáu kỉnh, gắt gỏng ngầm ngấm trong lòng. Tiếng học chữ Hán và quốc ngữ của lũ trẻ ở phía sau nhà càng làm tôi thêm khó chịu, bực tức!

Nhưng sáng nay, lòng tôi vui thích. Nhớ lại tính nết tôi mấy hôm trước, tôi thấy tôi vô lý. Tiếng học chữ Hán vẫn bay sang, lanh lảnh như tiếng tụng kinh của một chú tiểu tốt giọng, đều đều như tiếng niệm phật của các tín nữ lên chùa, và quen quen, thân mật như tự ngàn xưa sống lại. Cả một thời ký vãng của tôi cũng sống lại, cái thời thơ ấu học chữ Nho. Tôi tưởng như chính tôi đương ê a đọc đi đọc lại mãi một câu: "I a phận từ tử hiến i a... i a phận từ tử hiến i a...". Giọng đường trong khiến tôi nhớ tới một bậc đàn anh người xứ Thanh. Ngày xưa không gì thú cho tôi bằng nghe anh đọc thơ và bình văn tuy tôi chẳng hiểu chi hết. Bất giác bắt chước giọng anh, tôi ngâm nga đọc hai câu thơ của anh mà cái trí nhớ thời tám chín tuổi vẫn còn giữ vẹn toàn, tươi mát như rau nguồn vừa mới hái:

Thuấn hà nhân dã ngã tư tề,

Lạc thiện tâm tùy báo hiểu kê...

Các bạn có hiểu tại sao tôi vui thế không, tại sao hôm nay tôi sung sướng thế không? Mặt trời cuối xuân đã mọc trên từng không xanh ngắt và trong lòng tôi sáng tươi.

Tôi ra bãi biển, mặc sơ sài có một cái áo sát, một cái quần đùi ngắn. ở đó cố nhiên tôi chỉ gặp toàn những dân chài lưới, người nghỉ mát độc nhất là tôi. Nhưng không vì vắng người tắm biển mà bãi biển kém vẻ hoạt động, dù đây không còn là cái hoạt động thanh lịch, xinh xẻo, cái hoạt động phô bày, dàn xếp từ các nơi thành thị đem về như người ta phô bày, dàn xếp một cảnh hoạt động giả dối ở trên sân khấu nhà hát. Đây là cái hoạt động thiên nhiên, mộc mạc và hùng vĩ.

Ven làn nước có phần êm lặng so với những buổi chiều huyên náo mấy hôm trước, từng hàng người lực lưỡng kéo lưới. Những tấm thân cường tráng, nổi từng bắp thịt rắn chắc và rám tía cùng ưỡn ra, ngả về phía sau. Những bộ đùi mập mạp cứng như thép cùng duỗi thẳng để nhịp nhàng giẫm chân xuống cát và từ từ lùi lại, từ từ quá đến nỗi ta sẽ tưởng vẫn đứng y nguyên một chỗ, nếu thỉnh thoảng người cuối hàng không tháo dây móc ra để lộn lên đầu hàng, rồi lại lặng lẽ lạnh lùng, không suy nghĩ, ưỡn mình ngả về phía sau giẫm chân từ từ kéo. ánh nắng vàng dịu, trong mát, mong manh, mịn màng như lọc qua mấy đợt mây xanh, vẽ dài những hình rung động lên cát ướt.

Một cái lưới kéo vào bờ. Yên lặng đứt quãng, yên lặng mà tiếng sóng biển ầm ĩ, đều đều càng làm tăng lên. Một cái mảng từ đâu chở đến vừa vụt hiện ra để hứng lấy từng sải lưới. Đàn trẻ mót cá tua tủa chạy lại, xôn xao cười nói, mỗi đứa tay cầm một cái vợt nhỏ. Một người đánh cá cởi trần quần nâu bện lên tới háng, giơ ra một cái que nứa và dữ tợn dọa nạt: "Chúng mày mà lại gần thì chết đòn bây giờ!". Bọn kia như không thèm nghe, lội cả xuống nước, quây quần lấy cái mảng, đứng sát vào hai bên thành lưới đã kéo gần tới đây. Tiếng que nứa mỏng vun vút trong không, hay đen đét lên đầu, lên mình lũ trẻ nhốn nháo. Những con cá lớn, trắng, sáng loáng như bạc từ dưới nước tự ném mình lên trên không để lại rơi xuống khoảng lưới vẫn đương kéo vào. Những con cá nhỏ, đầu nhọn thân dài và dẹp mắc trong mắt lưới bị người ta dứt mạnh vứt vào cái lồ đặt trên mảng, nếu không bị một thằng bé con nhanh nhẹn, nhẹ nhàng hắt vào trong vợt của nó.

Chỉ dăm phút, cá đã bỏ hết vào lồ đầy tới hai phần ba. Trộn lộn, lúc nhúc, nào cá thu phơn phớt màu xanh, nào cá chim lấp lánh màu bạc và biết bao nhiêu các thứ cá nhỏ giống nhau mà chỉ dân vùng biển mới có thể phân biệt và thuộc tên. Lẫn vào đó những con mực râu dài, những con cua với đôi khuyên tròn như cặp mắt vẽ trên mai, những con tôm vàng đầu to, uốn mình nhảy tanh tách.

Năm, sáu chị buôn cá xúm lại, vây chặt lấy cái lồ đã khiêng lên bãi. Câu nói thách, câu mặc cả, lời cãi nhau, mắng nhau. Một người đàn bà lôi lấy lồ, một người đàn ông kéo giật lại. Nhưng rồi mua bán cũng xong ngay, và mấy người đàn bà vội vàng cùng nhau chia phần đổ vào thúng, thoăn thoắt gánh đi.

Yên lặng lại trở về trong bầu không khí vẫn sáng dịu. Và những cái bóng yên lặng của những người kéo lưới vẫn nằm dài trên làn cát ướt. Lũ trẻ đã biến đâu mất cả. Ngoài bọn dân chài chỉ còn lại ở dưới bóng rợp cái mảng kê trên nạng, hai đứa bé mà tôi trông thấy ngay từ lúc mới ra bãi biển. Một thằng ngồi bó gối, một thằng nằm sấp, cả hai cùng chăm chú nhìn vào một khoảng đất ở trước mặt, và cùng có vẻ suy nghĩ, tìm tòi.

Tôi lại gần thì đó hai vị tiểu tiên đương ham mải một ván cờ "hoa thị"; những quân cờ là những mẩu que nứa cắm xuống cát. Tôi đứng nhìn qua một lượt, xem xét thế trận của hai bên quân que để nguyên và quân que bẻ gẫy, rồi tôi mỉm cười tuyên bố: "Hòa thôi!". Cả hai đứa trẻ cùng ngửng lên. Một đứa đăm đăm nhìn tôi và chào: "Thầy! Năm nay thầy ra nghỉ mát sớm!". Tôi nghĩ thầm: "Nghĩa là năm ngoái nó đã gặp mình". Tôi hỏi:

- Thế nào? Hòa thôi chứ, em? Hai bên bằng quân mà tướng lại cùng bị vây...

Thằng kia cười đáp:

- Vâng, hòa. Hòa thôi, Tuất ạ. Đánh ván khác nhé?

Tuất lạnh lùng:

- Thôi, chả đánh nữa! Đánh với mày buồn chết, ván nào cũng hòa.

Rồi nó đứng dậy đi bên cạnh tôi.

- Thưa thầy, thầy ở Hà Nội?

- ừ, sao em biết?

Tôi mỉm cười đáp. Tuất rất tự nhiên trả lời:

- Thưa thầy, con tưởng những người Bắc vào đây toàn là người Hà Nội cả.

- Vậy em đã biết Hà Nội chưa?

Tôi tưởng hỏi đùa, và tôi ngạc nhiên khi nghe Tuất đáp lại:

- Thưa thầy đã.

Nó ngước nhìn tôi, nhìn rất lâu như để tìm cái hình ảnh Hà Nội in trong đôi con ngươi của một người Hà Nội mới đem vào. Lần đầu tôi nhận thấy cặp mắt sáng và trong, cặp mắt hơi xếch lên thái dương nhưng không vì thế mà dữ tợn, không vì thế mà mất vẻ ngây thơ dịu dàng, nhân hậu. Cặp mắt của anh đồ Thanh, của anh "đồ Râu" (vì anh có bộ râu rất đen và đẹp), tác giả hai câu thơ trên kia. Cặp mắt của một người chở phà mà tôi đã gặp năm kia ở một bến đò qua sông Mã trên một con đường hẻo lánh. Hôm ấy ngắm người trai trẻ vạm vỡ tuấn tú và trang nghiêm, không hiểu sao tôi nghĩ ngay tới chú đình trưởng Lưu Bang, nhưng hôm nay nhìn thằng bé xinh xẻo với cũng cặp mắt trong sáng và hơi xếch ấy, tôi lại tưởng tới vua Lê Lợi, thời còn hàn vi, ẩn náu ở một bến đò nào đó bên dòng sông Mã nước chảy phăng phăng ra biển khơi.

Sau một phút im lặng đi cạnh tôi, Tuất hỏi:

- Thầy có biết phố nhà Thương không?

Tôi hỏi lại:

- Có phải phố Phủ Doãn không?

Tuất nhìn tôi, ngẫm nghĩ:

- Dạ, có lẽ phải đó. Con không sao nhớ được cái tên ấy, con chỉ gọi là phố nhà Thương, ở ngay sau nhà thương, rẽ ra phố Tràng Tiền, thẳng lên phố Bônbe có hiệu Gôđa. Con đã vào hiệu Gôđa rồi, to lắm, đẹp lắm...

Tôi mỉm cười ngắt lời nó:

- Vậy ra em đã ở Hà Nội?

- Dạ.

Rồi Tuất kể cho tôi nghe tất cả câu chuyện đời nó.

Mẹ Tuất chết rồi. Cả cậu Tuất nữa. Tôi không rõ tại sao cậu Tuất lại có một địa vị quan trọng trong đời Tuất và trong câu chuyện của Tuất. Tôi cũng không hỏi kỹ để biết duyên cớ. Trước tôi vẫn tưởng "cậu" là người sinh ra thằng bé, tuy tôi cũng hơi lạ một điều về cách xưng hô của nó: mẹ với cậu. Nhưng không, không phải cậu là cha Tuất, cậu chính là em mẹ Tuất, Tuất nói thêm cho tôi biết thế. "Còn cha Tuất?" Câu hỏi ấy chỉ chực thốt ra, nhưng vẫn bị giữ lại. Tôi như sợ làm buồn hoặc phật lòng thằng bé, vì một thiên tiểu thuyết gia đình vừa phác ra trong trí tưởng tượng của tôi. Tôi thấy thằng bé mồ côi mẹ, rồi cha nó lấy vợ kế, một người vợ đảm đang và cay nghiệt, và nhiều lời như một số đàn bà tôi thường gặp ở Sầm Sơn. Nhưng trong mấy năm sau khi mất mẹ, thằng bé còn được cậu bênh vực, che chở, chống cự lại người mẹ kế dữ tợn. Rồi người cậu cũng mất. Từ đó thằng bé bỗng thấy mình trơ trọi trong cái gia đình không yêu mến. Tôi cúi nhìn Tuất như để đọc thiên tiểu thuyết của tôi in trong gương mắt ngây thơ, nhưng thằng bé vẫn vui vẻ kể tiếp câu chuyện của nó.

Nó đến ở với bà An Lợi. Bà ta yêu nó lắm. Còn ai không yêu được một thằng bé con kháu khỉnh như nó? Trừ có là dì ghẻ nó. Thế rồi gần hết hè bà ta hỏi nó có muốn theo ra Hà Nội không.

Ra Hà Nội? Tuất chưa từng bao giờ nghĩ tới. Nhưng bắt đầu từ hôm ấy nó nghĩ tới. Nó không thể tưởng tượng được Hà Nội như thế nào. Song nó chắc ở đó có nhiều, rất nhiều nhà gạch vừa to vừa cao, và rất nhiều ô tô vừa đẹp vừa nhanh. Còn người ở Hà Nội thì chắc như tất cả những "thầy", những "cô" vào Sầm Sơn nghỉ mát. Hình ảnh cái thành phố lớn lao, đẹp đẽ ngày đêm hiện ra trong khối óc mười lăm tuổi, hiện ra lờ mờ, xa xăm như hình ảnh thiên đường và địa ngục hiện ra trong óc một người đàn bà tin đạo. Thực ra nó yêu Hà Nội như người ta yêu thiên đường, nhưng nó cũng sợ Hà Nội như người ta sợ địa ngục.

Một hôm nó bảo bà An Lợi:

- Thưa bà, chắc Hà Nội đông người lắm?

Bà kia mỉm cười:

- Đông lắm. Đông như một tổ kiến vậy.

- Thưa bà, nhà cao dễ đến chục từng?

- Không, chỉ hai, ba từng thôi, nhưng mà to và nhiều lắm.

- Còn xe ô tô?

- ồ! Xe ô tô ư! Đường đi như mắc cửi.

Thằng bé nghĩ ngợi, lo lắng. Về Hà Nội, nó làm thế nào để tránh được ô tô, để khỏi bị đè chết?

Nhưng hôm bà An Lợi sửa soạn ra về nó bỗng quả quyết bằng lòng đi theo hầu. Giọng thằng bé đến đây cất cao lên:

- Thưa thầy quả thực Hà Nội đẹp. Mà có nhiều cái đẹp quá. Hôm mới ra, mỗi lần bà chủ sai con đi đâu có việc gì, lúc về thể nào con cũng bị cốp, vì con đi lâu quá, gặp cái gì con cũng đứng lại xem. Gặp người nào đẹp, ăn mặc hay hay con cũng đứng lại ngắm nghía. Có người thấy con nhìn cũng nhìn lại con, rồi bật lên cười to, làm con xấu hổ cắm đầu chạy. Một hôm bà chủ sai con mua một lạng cà phê ở hiệu Gô đa, con đi mất hết cả buổi sáng. Về, bà con tát cho hai cái nên thân, nhưng mà con cũng hả. Trời ơi, đẹp quá thầy ạ... Thế rồi con cũng quen dần đi. Về sau, con không lạ nữa, bà chủ sai con đi đâu con đi một mạch, chẳng nhìn trước, nhìn sau, bên phải, bên trái nữa.

Thấy Tuất ngừng lại, tôi hỏi:

- Nhưng nay sao em không ở với bà An Lợi?

Thằng bé buồn rầu kể cho tôi nghe đoạn cuối câu chuyện:

Bà An Lợi yêu nó lắm, vì nó ngoan ngoãn nết na. Nhưng không hiểu sao một hôm nó chợt thấy nhớ nhà, nhớ núi Sầm Sơn, nhớ biển Sầm Sơn, nhớ bãi cát Sầm Sơn, nhớ lũ trẻ nô đùa và nhớ cả thầy đồ dạy chữ Hán. Có lẽ lòng háo hức thích Hà Nội đã nhạt. Cái thành phố tráng lệ không còn sức hấp dẫn đối với khối óc ham muốn, không còn đủ mãnh lực để đè át cái tình nhớ quê hương vẫn âm thầm, ẩn náu trong lòng thằng bé con vùng biển.

- Thưa thầy, Tuất kể, suốt một tháng, đêm nào con cũng tưởng đương ở nhà, đương chạy nhảy hay đánh cờ ở ngoài bãi với bạn bè. Bên tai con, tiếng sóng biển réo ầm ầm. Nhưng giật mình tỉnh dậy, con vẫn thấy con nằm ở trên gác nhà bà chủ con. ở dưới đường, đèn điện sáng như ban ngày mà xe ô tô thì chạy rầm rập qua trước cổng nhà thương. Con bưng mặt ngồi khóc, khóc mãi cho tới lúc mệt quá lại ngủ thiếp đi. Mấy hôm đầu, con còn khóc to, nhưng bà chủ con mắng và đánh nữa, nên về sau con chỉ khóc thầm nhét vạt áo vào miệng cho bà chủ khỏi nghe thấy tiếng. Mà người con mỗi ngày một gầy đi. Con gầy quá cơ, thầy ạ. Thầy tính hằng hai, ba ngày liền ăn mỗi bữa một miếng cơm, có khi nhịn đói và chỉ uống nước lã thì làm gì mà không gầy không sút đi. Bà chủ con thương con lắm, cứ hỏi con tại sao con hay buồn hay khóc. Trước con còn giấu quanh; về sau con liền thú thực với bà chủ con rằng con nhớ nhà. Bà chủ con dỗ con: "Rồi lâu quên đi". Nhưng con không quên, thầy ạ. Bà chủ con lại mắng con; "Đã lớn rồi mà còn nhớ nhà!"

Đến đây, tôi ngắt lời Tuất và hỏi:

- Nhưng em nhớ ai? Em đã bảo mẹ em chết rồi, và cả cậu em cũng chết rồi kia mà.

- Thưa thầy, con nhớ nhà. Nhớ biển, nhớ núi, nhớ... nhớ hết cả mọi thứ. Với lại chính vì má con với cậu con nữa. Má con cứ luôn luôn bảo con; "Tuất ơi! Về đi thôi, về đi thôi. ở đây làm gì, đây không phải nhà mày!" Cả cậu con nữa, cậu con cứ đuổi con "ồi ồi".

- Mẹ em? Cậu em? Tưởng mẹ em và cậu em đều mất rồi kia mà?

- Dạ, má con và cậu con chết rồi. Con nói con nằm chiêm bao đấy chứ. Một tuần lễ trước hôm được về nhà, đêm nào con cũng nằm chiêm bao thấy má con và cậu con hiện lên đuổi con về. Hôm sau cùng má con gắt và mắng con: "Sao tao dạy bảo mày không nghe lời tao, hở Tuất?" Con lên kêu van với bà chủ con. Bà chủ con thấy con gầy rạc, mặt mũi hốc hác, xanh xao thì sợ con chết nên bằng lòng cho phép con về. Nhưng bảo con hãy chờ vài hôm để bà tìm người đưa con vào Sầm Sơn. Con nói liều: "Thưa bà con nhớ đường, bà cứ để con vào một mình". Thế là bà chủ trả tiền công con, lại cho con hai đồng tiền tầu. Chiều hôm ấy con về tới Thanh Hóa, rồi đi bộ vào Sầm Sơn liền. Mãi khuya con mới về tới nhà. Nhân đêm hôm ấy có trăng, con đi thẳng ra bãi biển, và con ngồi xuống cát, con khóc, khóc mãi...

Tuất ngừng hẳn, yên lặng đi bên cạnh tôi. Bỗng một lát sau nó vơ vẩn nhìn lên đường hỏi:

- Thưa thầy, nghe nói tiền tầu nay tăng giá. Năm ngoái con lấy vé mất có một đồng mười ba xu.

Tôi lơ đãng trả lời thằng bé:

- Bây giờ vẫn thế.

Và tôi nghĩ thầm:

"Hay nó còn nhớ tiếc Hà Nội và nghĩ đến món tiền mua vé xe lửa đấy chăng?"

Rút từ tập truyện ngắn Cái Ve. 

Nxb Đời nay, Hà Nội, 1944.