1
Mài luyện ý chí để hành vi ra vẻ cao thượng, thoát li thế tục, sống khác người, tự cho mình là hơn người, oán thán bài bác người khác[1], đó chỉ là thái độ khinh thế ngạo vật của kẻ sĩ sống trong hang trong núi khinh đời, muốn cho hình hài khô đét [vì khổ hạnh] rồi gieo mình xuống vực để tự sát[2].
Bàn về nhân nghĩa, trung tín, thành thực, cung kính, kiệm phác, từ nhượng, đó chỉ là hành vi tu thân của kẻ sĩ học giả ở thời thái bình muốn ngồi một chỗ hoặc đi nơi này nơi khác để dạy người[3].
Bàn việc lập công lớn để được cái danh lớn, chế định lễ nghi giữa vua tôi, kiểu chính danh phận giữa người trên kẻ dưới, đó là hành vi cai trị quốc gia của kẻ sĩ tại triều đình muốn tôn quân, làm cho nước phú cường, lập sự nghiệp, thôn tính các nước khác[4].
Lại chốn đồng cỏ và chằm, sống nơi hoang dã, câu cá, nhàn cư, đó là hành vi của kẻ sĩ giang hồ vô vi, trốn đời, tìm cái vui trong nhàn tản[5].
Hít thở thật sâu và chậm, tống không khí độc ra, hít không khí trong sạch vô, treo mình lên như con gấu, duỗi mình ra như con chim để được sống lâu, đó chỉ là hành vi của kẻ sĩ đạo dẫn luyện khí, nuôi dưỡng thân thể, như ông Bành Tổ[6].
Không mài luyện ý chí mà hành vi tự nhiên cao thượng, không nghĩ tới nhân nghĩa mà tự nhiên vẫn là sửa mình (tu thân), không lập công mà thiên hạ tự nhiên bình trị, không ẩn cư ở chỗ sông biển mà vẫn nhàn tản, không đạo dẫn luyện khí mà vẫn thọ, quên hết mà vẫn có đủ, điềm tỉnh đến cực điểm, mà bao nhiêu cái tốt đẹp ở đời đều tụ cả nơi mình, như vậy mới là đạt được chính đạo của trời đất, mĩ đức của thánh nhân.
2
Cho nên[7] bảo: “Điềm đạm, tịch mịch, hư vô, vô vi, đó là căn bản của trời đất, bản chất của đạo đức”. Lại bảo: “Thánh nhân an tĩnh, an tĩnh thì quân bình và thoải mái; quân bình và thoải mái thì điềm đạm, điềm đạm thì không ưu tư, hoạn nạn, tà khí [ảnh hưởng xấu ở ngoài] không xâm nhập vào mình được, nhờ vậy mà đức được toàn vẹn, tinh thần không bị thương tổn”.
Cho nên bảo: “Thánh nhân sống theo luật tự nhiên và chết là biến hoá, khi tĩnh thì tịch mịch như khí âm, khi động thì vận hành như khí dương, không gây phúc cũng không gây hoạ, có cảm xúc rồi mới có phản ứng, có bị bức bách rồi mới phản động, bất đắc dĩ mới đứng dậy, bỏ trí tuệ, kĩ xảo mà thuận theo tự nhiên. Vì vậy mà không bị tai hoạ của trời, không bị hệ luỵ của vật, không bị lời bài bác của người, không bị sự trách phạt của quỉ thần. Sống thì như bồng bềnh [với đời], chết thì như nghỉ ngơi. Không tư lự, không dự tính, sáng đấy mà không chói lọi, có đức tín đấy mà không nhất định phải đúng hẹn; khi ngủ thì không mộng mị, tỉnh dậy thì không ưu sầu, tinh thần trong sạch, tâm hồn không mệt mỏi. Nhờ hư vô điềm đạm mà hợp với đức trời [đức tự nhiên].
Cho nên bảo: “Vui và buồn làm hại cho đức; mừng và giận làm hại cho đạo; yêu và ghét làm mất cái đức. Cho nên lòng không vui buồn là đạt được chí đức, tinh thần thuần nhất bất biến là đạt được chí tĩnh, không chống đối ai là đạt được chí hư, không tiếp xúc với vật là điềm đạm cùng cực, không có gì không thuận lòng là đạt được sự tinh tuý cùng cực”.
Cho nên bảo: “Làm việc khó nhọc mà không nghỉ thì thân thể mệt mỏi, dùng tinh lực hoài thì lao tổn, lao tổn thì khô kiệt. Cũng như nước kia, không hỗn tạp thì trong trẻo, không động thì phẳng lặng, nhưng nếu úng tắc tù hãm thì cũng hết trong. Nước tượng trưng cho cái đức của trời”. Cho nên bảo: “Thuần tuý mà không tạp, tĩnh mà nguyên chất thì không biến động, đạm bạc mà vô vi, khi động thì theo sự vận chuyển của trời [luật tự nhiên], đó là phép di dưỡng thần khí”.
Ai có những bảo kiếm chế tạo ở nước Ngô, nước Việt thì cất chúng vào trong bao, không dám dùng đến, vì chúng rất quí. Mà tinh thần con người (còn quí hơn nữa) có thể đi khắp bốn phương, không đâu không tới, trên thì lên tới trời, dưới thì bao quát trời đất, nuôi khắp vạn vật mà không có hình tượng nào cả, có thể bảo nó ngang với Thượng Đế. Cái đạo thuần hoà chất phác là giữ thần khí đừng để mất nó, như vậy Đạo và thần khí sẽ là một, là một thì thông mà hợp với thiên lí.
Tục ngữ có câu: “Hạng thường nhân trọng của cải, kẻ sĩ liêm khiết trọng danh, bậc hiền sĩ trọng chí tiết, thánh nhân trọng tinh thần”. Cho nên chất phác là giữ được tinh thần không tạp, thuần khiết là giữ cho tinh thần không hao tổn. Bậc chân nhân hiểu được lẽ chất phác và thuần khiết.
°
(Chương này và chương sau có nhiều điểm giống nhau nên sẽ có nhận định chung ở cuối chương sau)
Chú thích:
[1] Có sách dịch là: phát biểu những lời lẽ cao xa, buồn hận rằng mình không gặp thời.
[2] Tức hạng Bá Di, Thúc Tề.
[3] Tức bọn theo Khổng, theo Mặc.
[4] Tức bọn Án Anh, Quản Trọng.
[5] Tức bọn ẩn sĩ mà thí dụ điển hình là Đào Tiềm sau này.
[6] Tức môn phái theo Đạo giáo khá đông đời Tần và đầu Hán.
[7] Tôi dịch sát chữ cố trong nguyên văn. Nhưng tôi nghĩ rằng chữ cố thời đó dùng để đánh dấu đầu đoạn nhiều hơn là để trỏ cái quả của của một cái nhân như từ ngữ cho nên của ta.