Kim Thánh Thán, một nhà phê bình đời Minh theo chủ nghĩa ấn tượng cho rằng Trung Hoa có sáu bộ hay nhất (tài tử thư): 1- Trang tử, 2- Li Tao (của Khuất Nguyên), 3- Sử kí (của Tư Mã Thiên), 4- Tập thơ luật (của Đỗ Phủ)[1], 5- Thuỷ hử (của Thị Nại Am), 6- Tây Sương kí (của Vương Thực Phủ).
Kim chắc có lí do để đặt Trang tử đứng đầu lục tài tử, nhưng ai cũng phải nhận Trang Chu vừa là một triết gia vừa là một nghệ sĩ, và văn tài của ông đôi khi được người ta trọng hơn học thuyết của ông nữa.
Như chương trên chúng ta nhận thấy, tư tưởng trong Ngoại và Tạp thiên hợp với tư tưởng của Lão nhiều hơn là với tư tưởng của Trang, vậy mà hai thiên đó sắp chung với Nội thiên của Trang, chứ không cho vào một cuốn riêng, có lẽ nguyên do chính là bút pháp, xét chung giống với Nội thiên. Trong số các tác phẩm lớn của các triết gia thời Tiên Tần, Liệt tử và Trang tử có một bút pháp đặc biệt, khác với giọng văn nghiêm trang đạo mạo của Khổng Mạnh, giọng văn cô đọng, đối nhau, như cách ngôn của Lão tử, và giọng văn rườm rà, lặp đi lặp lại, nhiều nhiệt tình như tuyên truyền của Mặc tử.
Bài 1 chương XXVII (Ngụ ngôn) đã vạch cho ta thấy bút pháp chung của cả ba thiên Nội, Ngoại, Tạp trong Trang tử:
“Trong cuốn này, ngụ ngôn chiếm chín phần mười – trọng ngôn chiếm bảy phần mười trong chín phần mười đó – một phần mười còn lại là những chi ngôn, tuỳ cơ ứng biến, mỗi ngày một khác, nhưng vẫn là hợp lí tự nhiên.
Ngụ ngôn chiếm chín phần mười là mượn việc hay người ngoài để luận (…).
Trọng ngôn chiếm bảy phần mười (của ngụ ngôn) vì muốn ngăn những lời tranh biện của thiên hạ, nên phải dẫn lời của bậc tiền bối. Nhưng nếu chỉ là những người lớn tuổi mà không có học thức cao để cho người sau tin thì cũng không gọi là tiền bối được. Không có học thức để người khác tin thì không phát huy được hết cái đạo làm người, như vậy là hạng người cổ hủ”.[2]
Như vậy thì danh từ ngụ ngôn dùng trong bài đó có nghĩa rộng hơn nghĩa ngày nay. Nó gồm:
a) Những truyện hoàn toàn tưởng tượng mà nhân vật hoặc là cây cỏ, súc vật, thần linh, như truyện con giếc xin Trang tử một đấu nước trong bài XXVI.2, truyện con cú kêu lên một tiếng lớn doạ con uyên sồ vì sợ nó tranh mồi của mình trong bài XVII.6;
b) Những truyện về danh nhân nhưng chỉ có tên là đúng còn hành vi, ngôn ngữ do tác giả tưởng tượng ra như Khổng tử, Nhan Hồi trong bài IV.1, Lỗ Ai Công và Trọng Ni trong bài V.4;
c) Những chuyện có thực nhưng tác giả sửa đi ít nhiều cho hợp với chủ trương của mình, như những bài chép truyện Khổng tử bị tai nạn giữa hai nước Trần và Thái, chẳng hạn bài XXVIII.12: Khổng tử quả bị vậy mà vẫn vui, nhưng Tử Lộ và Tử Cống đều là những môn sinh giỏi của ông, không khi nào lại chê thầy là vô liêm sỉ;
d) Những cố sự hoặc những lời nói của danh nhân, hoàn toàn có thực.
Ba loại b, c, và d đều viện dẫn những người thực hoặc truyện thực để lời của mình hoá ra “nặng cân” (trọng ngôn) hơn mà người đọc tin hơn.
Còn “chi ngôn” chỉ là những lời nghị luận, giảng giải mà không dùng ngụ ngôn hay trọng ngôn.
Ngày nay chúng ta chỉ dùng những truyện, hoặc là tưởng tượng hẳn mà ta gọi là ngụ ngôn (loại a), hoặc là không tưởng tượng chút nào mà ta gọi là cố sự (loại d) chứ không sửa đổi một sự kiện lịch sử hay đặt vào miệng cổ nhân những lời của chính mình – như vậy là thiếu trung thực – nhưng thời Chiến Quốc cách đó hình như phổ biến.
Đó là đặc điểm nổi bật nhất trong bút pháp Trang tử.
Đặc điểm thứ nhì là sức tưởng tượng của Trang rất mạnh mẽ, phong phú.
Ngay từ đầu bộ ông đã tưởng tượng truyện con cá côn biến thành con chim bằng “lưng rộng không biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời… khi dời xuống biển Nam, nó đập nước tung toé lên ba ngàn dặm rồi nương gió lốc cuốn lên cao chín vạn dặm”; rồi tới một con rùa thiêng mùa xuân của nó dài năm trăm năm, mùa thu dài năm trăm năm, tới cây “xuân” mùa xuân dài tới tám ngàn năm, mùa thu cũng dài tám ngàn năm. Ông dùng những vật cực lớn, cực thọ để so sánh với những vật rất nhỏ, như con cút chỉ bay cao được vài nhẫn, và rất yểu như cây nấm chỉ sống được một buổi sáng để sau cùng kết luận rằng dù lớn nhỏ khác nhau như vậy mà các loài đó điều “tiêu dao” như nhau cả, không ao ước được như loài khác, chỉ có loài người là không hiểu lẽ đó, buồn vì đời mình ngắn ngủi, muốn được như ông Bành Tổ nhưng ông Bành Tổ chỉ sống được có bảy trăm năm, so với rùa thiêng và cây “xuân” có thấm gì đâu.
Hình ảnh thật mới mẽ, mà tư tưởng cao thâm, khoáng đạt.
Gần trọn chương V kể truyện những kẻ tàn tật, gù lưng, không môi, cụt một giò, cụt ngón chân, hoặc xấu như quỉ, mà đức lại rất cao, được rất nhiều nhiều người theo học, thiếu nữ nào trông thấy cũng mê, để chứng tỏ rằng hễ có đức cảm hoá được người khác thì người ta quên hình dáng ghê tởm của mình đi, vậy tinh thần mới quan trọng chứ không phải thể chất, dong mạo.
Nội thiên đầy những hình ảnh như vậy, không sao kể hết, tôi chỉ xin dẫn thêm một đoạn tuyệt diệu tả tiếng gió đầu chương Tề vật luận:
“Đất thở thì thành gió. Gió không thổi thì thôi, đã thổi thì cả vạn hang lỗ đều gào thét lên. Anh có nghe gió hú bao giờ chưa? Trên rừng núi cao ghê gớm có những cây lớn chu vi được cả trăm gang tay, thân cây có hang có lỗ, như lỗ mũi, lỗ tai hoặc miệng người; lại có những lỗ (vuông) như lỗ đục trong các đà ngang, hoặc lỗ mắt cáo; có lỗ như miệng cối, như ao sâu, như vũng cạn. Gió thổi thì những lỗ ấy phát ra những tiếng khác nhau, có khi như tiếng nước chảy ào ào, có khi như tiếng tên bay vút vút; có khi như tiếng thú gầm, như tiếng thở nhẹ; có khi như tiếng người mắng mỏ, khóc lóc, than thở; có khi như tiếng chim ríu rít, như tiếng người đi trước hô, người đi sau đáp. Gió hiu hiu thổi thì nghe du dương; gió lớn nổi lên thì nghe ào ào. Gió lớn ngừng rồi, các hang lỗ lại im lặng, mà anh có thấy cành lá lúc đó chỉ hơi lay động không?”.
Tôi chưa thấy một bài văn tả gió nào có thể so sánh được với đoạn trên. Có lẽ vì không có nhà nào nảy ra cái ý tả “tiếng sáo – tức âm nhạc – của đất” đó: Âu Dương Tu chỉ tả mùa thu[3], mà Tourgueniev chỉ tả tiếng gió trong rừng thôi[4].
Trang tử đã ghi cho ta trên một chục tiếng gió : ào ào, vun vút, gầm, thở nhẹ, mắng mỏ, khóc lóc, than thở, ríu rít... nhưng ông biết ngôn ngữ loài người không sao đủ để tả hết được, nên ông cho ta tưởng tượng thêm: có cả vạn hang lỗ trên rừng núi, mặt đất, to nhỏ khác nhau, sâu nông khác nhau, hình thể khác nhau, và gió thổi vào mỗi hang mỗi lỗ là tạo nên một thanh âm khác.
Nghệ thuật ông hàm súc mà hùng vĩ.
Điểm thứ ba: văn của Trang đột ngột, biến hoá không sao lường được.
Bài đầu chương I, chẳng rào đón gì cả, ông kể ngay truyện con cá côn biến thành chim bằng; chúng ta chưa hiểu truyện đó có ý nghĩa gì thì ông tả hơi nước từ đất bốc lên, tả màu trời xanh thăm thẳm; rồi ông đột ngột nói đến việc đổ một chén nước xuống một chỗ lõm trong sân, để sau trở về truyện con chim bằng. Tới đây ta mới hiểu được ý ông: lớp không khí mà không dày thì không đỡ được con chim bằng cũng như nước không sâu không đỡ được chiếc thuyền lớn.
Từ con chim bằng tới con chim cưu, ông nhảy qua truyện đi xa, rồi truyện cây nấm, con ve sầu với cây “xuân”, con rùa thiêng. Liên miên hết truyện nọ đến truyện kia, hết truyện loài vật đến truyện người: truyện ông Vinh tử, ông Liệt tử, gần như đầu Ngô mình Sở, biến hoá vô cùng, mãi tới khi hết bài, phải suy nghĩ mới thấy sự liên lạc mong manh, tế nhị giữa các truyện đó, và mới hiểu được ý của bài: muốn “tiêu dao” thì cứ theo thiên tính, bản năng của mình, đừng tuỳ thuộc một cái gì, quên mình đi, siêu thoát ra ngoài thế vật.
Khi hiểu được ý Trang rồi thì ta thấy như tác giả chương XXXIII (Thiên hạ) đã nói: hư hư, thực thực, kì ảo, thú vị.
Điểm thứ tư: Trang tử rất lanh trí, thường bịa ra những truyện có tính cách hoạt kê để đáp lại đối phương, chứ ít khi lí luận, chính vì vậy mà Tư Mã Thiên bảo “những kẻ túc học thời đó cũng không cải ông được”. Ông nửa đùa nửa thực thì còn bắt bẽ ông cách nào?
Tinh thần hoạt kê đó chúng ta thấy trong bài 5 chương I: Huệ Thi chê học thuyết của Trang rộng lớn mà không dùng được, như cây “xư” cao lớn mà chẳng ai thèm đốn. Ông đáp: Cây xư vì vô dụng nên không bị đốn mà được hưởng hết tuổi đời. Nhưng nó có thực vô dụng không hay người ta không biết dùng nó? Sao không “trồng nó ở chỗ hư vô tịch mịch, trong cánh đồng mênh mông để những kẻ nhàn rỗi, thơ thẩn dạo chung quanh, thảnh thơi ngủ dưới bóng mát của nó?”.
Lại như bài II.5, muốn chê tinh thần cố chấp, ông dùng ngụ ngôn con khỉ chủ cho sáng ba trái lật, chiều bốn trái thì không chịu mà lại tỏ vẻ mừng khi được phát sáng bốn trái, chiều ba trái.
Đó là tôi chỉ mới dẫn vài thí dụ trong Nội thiên, nếu kể cả những cố sự về Trang trong Ngoại thiên và Tạp thiên thì còn nhiều bài hoạt kê hơn, có khi cay độc nữa, như bài XXXII.6, 13. Nhưng đó thuộc về Ngoại thiên và Tạp thiên rồi.
Xét chung bút pháp trong hai thiên này kém xa bút pháp trong Nội thiên, và không có chương nào vừa nghị luận, và tỉ dụ, đã kì ảo mà lại thú vị như hai chương Tiêu dao và Tề vật luận được. Nhưng cũng có những chương như Thu Thuỷ, Sơn mộc… mà cổ nhân rất thích và cũng dùng nhiều ngụ ngôn.
Chương Thu thuỷ tuy không phát huy thêm được gì nhưng đã suy diễn đúng tư tưởng của Trang, văn sáng sủa, mạch lạc, dễ đọc, vui.
Ba chương Thiên địa (XII), Thiên đạo (XIII), Thiên vận (XIV) cũng có nhiều bài thú như bài XII.9, dùng một ngụ ngôn để diễn cái ý đạo của cổ nhân không thể truyền lại được, mà sách chỉ là cặn bã của cổ nhân; bài XII.1 dùng một cố sự để chê cơ giới vì nó sinh ra cơ tâm.
Nhất là bài XIV.1 có giọng siêu dật, đưa ra một loạt câu hỏi, khiến ta nhớ tới bài Thiên vấn của Khuất Nguyên hỏi trời một trăm bảy mươi hai câu; tác giả XIV.1 chỉ hỏi trên một chục câu về vũ trụ thôi:
“Trời có vận chuyển không? Đất có đứng im không? Mặt trời mặt trăng có tranh chỗ với nhau không? Ai làm chủ tể cái đó? Ai duy trì cái đó? Ai vô sự mà đẩy cái đó khiến nó chạy? Hoặc giả có một cái máy bí mật bất đắc dĩ chạy hoài không? Hay là vũ trụ tự nhiên vận chuyển mà không tự ngừng được chăng? Mưa là do mây chăng? Hay mây là do mưa? Ai làm mưa đổ? Ai vô sự mà cao hứng gây ra cái đó? Gió nổi ở phương Bắc, khi thổi qua Tây, khi thổi qua Đông, có lúc lại xoáy ốc mà cuốn lên cao. Ai hô hấp mà thành như vậy? Ai vô sự mà hướng gió về phía này phía khác và làm nó ngừng?”.
Một bài nữa lí thú về ý nghĩa và tài tưởng tượng:
“…Nhà vua có biết con ốc sên không?... Trên sừng bên trái của nó có một nước tên là Xúc, trên sừng bên phải của nó có một nước tên là Man. Hai nước đó tranh đoạt đất của nhau hoài, số tử thương tới mấy vạn, khi quân một nước bại tẩu thì quân nước kia truy kích mười lăm ngày sau mới về”.
So với vũ trụ vô biên này, một quốc gia dù lớn như Nga hay Mĩ, cũng chỉ như nước Xúc hay nước Man chứ khác gì? Hai tên Xúc và Man đó cũng có ý nghĩa lắm: Xúc có nghĩa là đụng chạm, tượng trưng cho một dân tộc xâm lăng, Man có nghĩa là man di.
Ngoài ra còn những bài như:
XIII.9: diễn cái ý kẻ biết thì không nói, kẻ nói thì không biết, mà sách chỉ là cặn bã của cổ nhân.
XIV.4: so sánh pháp độ đời xưa với con chó rơm, dùng xong rồi thì liệng đi; vậy mọi truyền thống đều vô thường.
XX.8: mà các chính khách thời nào cũng nên nhớ: con ve hưởng bóng mát mà không ngờ rằng con bọ ngựa đương rình nó; con bọ ngựa mãi rình con ve mà không ngờ rằng con chim khách cũng định vồ nó; còn con chim khách bị Trang tử nhắm bắn mà không hay. Vật nào cũng mưu hại lẫn nhau. Đúng là hình ảnh các nước chư hầu thời Trang tử và các cường quốc ngày nay.
Những bài đó và nhiều bài khác nữa đều dùng bút pháp của Trang, tức thể ngụ ngôn để diễn những ý thâm trầm, hàm súc, khi thì hoạt kê, khi thì có thi vị. Đó là phần cống hiến đáng kể nhất của Ngoại và Tạp thiên; còn về triết thuyết, thì như trong phần III và IV chúng ta sẽ thấy, không có gì mới mẻ, đặc sắc lắm.
Có hai bài nội dung và bút pháp khác hẳn các bài kia, như ở đâu lạc vào bộ Trang tử, tức bài XXXIII (Thiên hạ) mà tôi giới thiệu ở trên và sẽ còn nhắc lại trong chương sau nữa; với bài XII.14 mà tôi xin trích dẫn lại đây đoạn cuối:
“Ba người cùng đi mà có một người mê hoặc thì có thể đi tới chốn được vì số người mê hoặc ít hơn số người sáng suốt. Nếu hai người mê hoặc thì mệt nhọc mà không sao tới chốn được, vì số người mê hoặc nhiều hơn số người sáng suốt. Ngày nay cả thiên hạ mê hoặc, tôi có muốn tìm đúng đường đi thì cũng không thể được. Buồn thật (…) Biết rằng không thể được mà cứ miễn cưỡng tìm cho được, cũng lại là mê hoặc nữa. Không bằng bỏ mặc mà không tìm gì cả, không tìm gì cả thì ai là người cùng lo buồn với tôi?”.
Thật là “thốn tâm thiên cổ”. Ai đó? Sao mà tiếng than ai oán như vậy, khiến cho trên hai ngàn năm sau, người đọc cũng phải xúc động!
Tấm huy chương nào cũng có mặt trái.
Vì văn của Trang tử đột ngột, biến hoá bất thường, không dùng phép chuyển, bố cục lỏng lẻo, thú thì có thú đấy, nhưng quả nhiều khi khó hiểu. Tôi lấy thí dụ bài đầu chương Tiêu dao du. Không thể đọc một lần mà hiểu ngay được. Mà sau khi đọc vài ba lần, hiểu được đại ý rồi, vẫn còn thấy vài chỗ còn tối nghĩa, tìm các sách chú giải thì mỗi nhà giảng một khác.
Chẳng hạn câu nói về con chim bằng: “… khứ dĩ lục nguyệt tức giả dã”. Tôi theo Hoàng Cẩm Hoành, Liou Kia hway và Thành Huyền Anh (do Tiền Mục dẫn trong Trang tử toản tiên) mà dịch là: “nó xuống biển
Đúng hay sai ở đây cũng không quan trọng vì truyện con chim bằng đó chỉ là tưởng tượng.
Rồi kế đó là đoạn: “Dã mả dã, trần ai dã, sinh vật chi dĩ tức tương xuy dã. Thiên chi thương thương, kì chính sắc dã? Kì viễn nhi vô sở chí cực dã? Kì thị hạ dã, diệc nhược thị tắc dĩ hĩ”.
Dịch nghĩa từng chữ: “Ngựa hoang vậy, bụi cát vậy, sinh vật dùng hơi thở mà thổi nhau vậy. Màu xanh xanh của trời kia, phải là bản sắc không? Hay là xa mà không tới chỗ cùng cực chăng? Ở trên nhìn xuống, cũng như vậy mà thôi”.
Ngựa hoang là cái gì đây? Sao đương nói về con chim bằng lại nhảy qua con ngựa hoang, cùng cát bụi, rồi tới màu xanh của trời ? Mỗi nhà giải thích một khác. Trong bản dịch (phần II) tôi đã theo Vương Phu Chi, cho rằng Trang tử muốn nói: Sở dĩ chim bằng bay cao được vì có hơi nước – những hơi nước này bay lên, coi tựa như những con ngựa hoang – bụi cát cùng hơi thở của các sinh vật đỡ nó ở dưới, và một lớp không khí dày ở trên và ở dưới. Chính lớp không khí dày đó làm cho màu trời hoá xanh, vì ở trên cao nhìn xuống thì cũng thấy màu xanh đó.
Hiểu như vậy rất có lí, mà đoạn đó mới có liên lạc với đoạn sau; nhưng đó chỉ là một lối suy diễn, có thực đúng với tư tưởng của Trang không thì chỉ có Trang mới biết được.
Thí dụ tôi mới dẫn còn tương đối dễ hiểu, mà có hiểu sai thì cũng chẳng hại gì đến đại ý cả bài, giá có bỏ hẳn đi, cũng được nữa. Còn nhiều chỗ mù mịt hơn nhiều, không sao mò ra được manh mối, tìm các chú giải thì không ai giống ai, không có lối giảng nào làm cho tôi thoả mãn cả; có nhà lại làm thinh, họ cho là sáng sủa quá rồi chẳng cần giảng chăng?
Tôi không muốn dẫn thêm ít thí dụ nữa, ngại rườm, nhưng trong phần dịch các thiên, tôi đã ghi những chỗ tối nghĩa, độc giả sẽ thấy lời tôi mới nói không phải là quá.
Tôi nghiệm thấy văn của Trang mà lại tương đối dễ hiểu hơn văn của một số người đời sau trong Ngoại và Tạp thiên. Ngay trong Nội thiên, một vài bài tôi ngờ rằng không phải của Trang như bài IV.1 văn cũng rất tối.
Phải có đọc Trang tử rồi, chúng ta mới thấy những tác phẩm của Khổng phái, như Tứ thư, sáng sủa biết bao. Nhất là bộ Mạnh tử trong như nước suối vậy.
Thói không dùng phép chuyển, có phải là thói chung của thời Chiến Quốc (trừ vài ngoại lệ như Mạnh tử) không? Ngay Tư Mã Thiên đời Hán cũng coi thường phép chuyển, như trong bài Bá Di, Thúc Tề, mà chúng tôi đã giới thiệu tại phần I – Sử kí. Hình như cổ nhân cứ diễn hết ý này đến ý khác, nếu ý dồi dào, tân kì và có liên lạc với nhau thì cách đó làm cho văn vừa gọn, vừa đột ngột, có cái thú riêng. Nếu tài kém, ý tầm thường, không khéo sắp đặt thì khổ cho người đọc. Từ đời Đường trở đi, nhờ có luật làm thơ: phá, thừa, thực, luận, kết, nên văn sĩ (thường cũng là thi sĩ) rất chú trọng tới phép chuyển cùng bố cục mà cổ văn đạt tới một nghệ thuật rất cao. Rất nhiều đoản văn (người Trung Hoa gọi là tiểu phẩm) đời Đường, Tống, Thanh mặc dù không có cái hùng khí, cái hơi dài như Trang tử hay Sử kí, không cuồn cuộn, man mác, nhưng thật là những viên ngọc không vết, vừa đẹp, vừa sáng.
Tôi đã lạc ra ngoài đề rồi, xin trở lại những nhược điểm trong văn Trang tử.
Ngụ ngôn của Trang tử thường rất hay, nhưng phép dùng “trọng ngôn” của ông đã đi ngược lại mục đích của ông muốn đạt. Thí dụ trong bài V.1, Trang tử cho Khổng Tử nói với Thường Quí:
“Sống chết là việc lớn mà ông ấy (một người cụt chân tên là Vương Đài) coi thường, trời đất có sập ông ấy cũng không bị huỷ diệt; ông ấy xét kĩ cái chân thực, không bị cái giả tạo làm mê hoặc; ông ấy biết rằng vạn vật đều biến hoá, nên giữ được cái căn bản chân chính. (…) Xét chỗ dị biệt của vạn vật thì lá gan và trái mật khác nhau cũng như nước Sở và nước Việt; mà xét chỗ giống nhau thì vạn vật chỉ là một. Biết được cái lẽ ấy thì không để ý đến sự nhận thức của tai mắt nữa mà tâm linh ngao du ở chỗ hài hoà của vũ trụ. Đã thấy vạn vật là một thì không thấy cái gì mất nữa. Cho nên Vương Đài cho mình mất một chân cũng như mất một cục đất vậy thôi”.
Ý đó chính là của Trang tử, khoáng đạt mà có phần đúng. Không phải đặt vào miệng của Khổng Tử mà có giá trị hơn; trái lại người hiểu biết Khổng Tử sẽ nhận ngay ra là truyện bịa, rồi coi thường.
Huống hồ bài đó cho Khổng Tử là khoáng đạt, tới bài thứ ba cũng chương đó, lại cho Khổng Tử là “nông nổi”, khiến Lão tử phải chê là “không hiểu biết sống với chết chỉ là một, cái khả và cái bất khả thì cũng như nhau”.
Qua bài sau, bài 4, Khổng Tử lại trở thành một bậc đạt Đạo như Trang, thấu được lẽ tử sinh, đắc thất: Khổng Tử nói với vua Ai công nước Lỗ:
“Tử sinh, đắc thất, cùng đạt, giàu nghèo, hiền ngu, chê khen, đói khát, nóng lạnh, đó là những biến hoá của sự vật, sự chuyển vận của luật trời, như ngày rồi đến đêm, mà không ai biết gốc ở đâu. Ai đạt được lẽ ấy, thì tâm thần không bị hỗn loạn, ngày đêm giữ được cái khí thuần hoà, ung dung, vui vẻ như khí xuân mà thích ứng với mọi sự biến hoá”.
Sao mà mâu thuẫn như vậy! Ngoại và Tạp thiên còn tệ hơn nữa. “Trọng ngôn” được dùng một cách bừa bãi, như bôi xanh bôi đỏ lên mặt các người thời trước, từ Nghiêu, Thuấn tới Khổng Tử, Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Ngư, Bá Di, Thúc Tề, vân vân… gây ra hai cái hại:
- người nào không hiểu Nho, Lão, không thuộc sử Trung Hoa thì không nên đọc Trang tử.
- những tư tưởng của Trang dù sâu sắc mà diễn theo thể “trọng ngôn” đó hoá ra những “lộng ngôn” như chỉ muốn cho ta đọc rồi cười chơi vậy thôi.
Ngay đến ngụ ngôn tôi nghĩ cũng nên dùng vừa phải, không phải bài nào cũng hay cả.
Chẳng hạn bài VII.7, Trang tử cho vua Nam Hải tên là Mau lẹ, vua Bắc Hải tên là Thình lình thấy ai cũng có bảy lỗ để nghe, ăn, và thở mà vua Trung Ương là Hỗn độn không có một lỗ nào cả, bèn đục cho Hỗn độn có đủ lỗ, hậu quả là Hỗn độn chết.
Trang muốn khuyên ta rằng cái gì do thiên nhiên tạo ra cũng hoàn hảo rồi, đừng xuẩn động sửa chữa thiên nhiên; chỉ tai hại thôi (bất dĩ nhân hại thiên). Nhưng dùng thể ngụ ngôn ở đây, tôi chẳng thấy có gì lợi hơn là cứ dùng sự thực làm chứng cứ như tác giả bài IX.1:
“Ngựa có móng để dẫm lên sương tuyết, có lông để chống gió lạnh. Chúng ăn cỏ, uống nước, co giò lên nhảy nhót. Đó là chân tính của chúng. Chúng chẳng cần gì đến đài cao chuồng rộng đâu.
Một hôm Bá Lạc bảo: “Tôi khéo nuôi ngựa”, rồi đốt, hớt lông chúng, gọt và đánh dấu móng chúng, dùng dây cương cột chúng, làm chuồng có sàn cho chúng ở. Mười con có hai ba con chết. Ông bắt chúng chịu đói chịu khát, phải chạy nước kiệu, phải phi, dùng cái ách bắt chúng đứng yên thành hàng, dùng hàm thiếc khớp mõm chúng, và ngựa chết già nửa”.
Hoặc vắn tắt hơn nữa như tác giả bài VIII.2: đừng nối dài chân vịt, cắt ngắn chân hạc mà chúng sẽ đau khổ. Có người bảo vì sống vào thời loạn, Trang không dám nói thẳng mà phải dùng ngụ ngôn. Nói như vậy là không biết đọc Trang: nhiều ngụ ngôn của ông còn cay độc hơn lời nói thẳng nữa như khi ông đáp Nguỵ Văn Hầu. Vả lại như tôi đã nói, thời đó ngôn luận rất tự do. Mạnh tử còn dám chửi thẳng vào mặt các vua chúa kia mà!
Sau cùng Trang tử còn một nhược điểm nữa là dùng rất nhiều “cổ ngữ cổ chế” như La Miễn Đạo đã nhận thấy, thành thử dù thông cổ học thì cũng phải có một vài bản chú giải kĩ lưỡng mới có thể hiểu được.
Từ trước tới nay có cả trăm nhà chú giải Trang tử. Bản chú giải đầu tiên còn lưu truyền đến nay là của Hướng Tú. Hướng Tú theo huyền học, tức cái học u áo của Đạo gia (thờ Hoàng, Lão) rất thịnh hành đời Lục triều, nên chú giải theo huyền học, và có người đã trách ông không chú giải Trang và trái lại dùng Trang để chú giải cho ông.
Lỗi đó không phải chỉ riêng ông mắc phải; đời sau cũng rất nhiều người đem sở học của mình ra chú giải Trang: người học Nho như Lâm Hi Dật đời Tống thì đem tư tưởng Khổng Mạnh ra chú giải Trang; người theo Phật thì đem thuyết của Phật ra chú giải, như Thành Huyền Anh đời Đường. Họ toàn là xuyên tạc cả.
Nhưng cũng có những bản gọi là tập giải, nghĩa là soạn giả tham khảo một số bản chú giải của ngưởi trước rồi lựa chọn, châm chước chớ không theo một khuynh hướng nào. Khi nào có vài cách chú giải khác nhau, không biết lựa ra sao thì họ ghi cả lại; trái lại nếu lựa được một cách thì họ cho biết xuất xứ. Các bản chú giải gần đây hầu hết đều theo phương pháp đó.
Tôi kiếm được những bản dưới đây:
1. Trang tử giải của Vương Phu Chi - Quảng Văn thư cục – không đề năm;
2. Trang tử toản tiên của Tiền Mục - Đông
3. Trang tử bạch thoại cú giải của Diệp Ngọc Lân – Hoa Liên xuất bản xã - không đề năm;
4. Tân dịch Trang tử độc bản của Hoàng Cẩm Hoành – Tam Dân thư cục – 1974;
5. L’œuvre complète de Tchouang - tseu của Liou Kia hway - Collection Unesco – Gallimard – 1969.
Tôi dùng cả năm bản đó, nhiều nhất là bản 2 – 4 – 5. Ba bản này với bản 1 đều in hoặc dịch đủ cả 33 chương, riêng bản 3 của Diệp Ngọc Lân chỉ tuyển 20 chương: trọn 7 chương Nội thiên, 8 chương Nội thiên và 5 chương Tạp thiên.
Ai cũng nhận rằng Trang tử thật khó đọc. Ở đoạn trên tôi đã đưa ra hai điều khó:
- phải hiểu Khổng, Lão và cổ sử, cổ ngữ Trung Quốc,
- phải suy nghĩ nhiều để tìm mạch lạc trong văn.
Còn thêm bốn điều khó này nữa:
- phải tạm bỏ tinh thần lí luận của ta đi, rán dùng trực giác để tìm hiểu Trang, như Trang khuyên khi tìm hiểu đạo,
- phải bỏ thành kiến của ta đi, dùng ngay lời của Trang mà giảng Trang,
- phải “bất cầu thậm giải” như Đào Tiềm nói (trong Ngũ liểu tiên sinh truyện), nghĩa là đừng thâm cứu chi tiết, chỉ cốt nắm vững đại ý thôi; chẳng hạn muốn tìm hiểu quan niện của Trang về sinh tử, ta chỉ cần nhớ rằng Trang đã “tề vật”, “tề sinh tử” thì tất coi sinh cũng như tử, tử cũng như sinh, còn sống thì hưởng hết tuổi trời, lúc nào chết thì cứ thản nhiên chấp nhận; vậy nếu trong Ngoại, Tạp thiên, ngay cả trong Nội thiên nữa, có chỗ nào khen chết là sướng, chê sống là khổ, ta có thể gạt bỏ đi, vì đó không phải là chủ trương của Trang; có thể trong một hoàn cảnh nào đó, vì một lí do nào đó Trang phải nói thế; huống hồ không phải bài nào trong Nội thiên cũng đáng tin cả, đừng nói chi tới Ngoại và Tạp thiên.
- quan trọng nhất là phải nhận định đâu là chân, đâu là nguỵ trong mấy trăm bài của toàn bộ, chứ không phải chỉ nhận định tổng quát từng chương mà thôi.
Công việc này rất khó như chương trên đã nói. Trong tất cả các tác phẩm lớn về triết học thời Tiên Tần, không có bộ nào như Trang tử, hỗn tạp cả về nội dung lẫn hình thức. Tôi chỉ tin ba chương đầu Nội thiên: Tiêu dao du, Tề vật luận, Dưỡng sinh chủ là hoàn toàn của Trang, chương Ứng đế vương cũng có nhiều phần chắc là của Trang, còn ba chương Nhân thế gian, Đức sung phù, Đại tôn sư, chỉ đáng tin già nửa thôi.
Tuy nhiên, vì không có chứng cứ gì chắc chắc, và cũng vì bảy chương đó tư tưởng liên lạc thành một hệ thống, nên hầu hết các học giả tạm coi cả Nội thiên là của Trang.
Trong chương sau, xét học thuyết của Trang tôi cũng dùng cả bảy chương đó, chỉ trừ vài ba bài trong Nhân gian thế, Đức sung phù và Đại tôn sư.
Còn Ngoại và Tạp thiên, tôi sẽ cho toàn là của người đời sau hết, tôi sẽ phân tích riêng.
Có lẽ như vậy là giản dị hoá vấn đề quá, nhưng tôi nghĩ không còn cách nào khác hợp lí hơn.
Chú thích:
[1] Theo một số sách khác của Trung Quốc thì thứ tư là Tam Quốc chí thay vì Đỗ Phủ (BT). [BT: người biên tập là Nguyễn Q. Thắng – Goldfish]
[2] Đoạn này có người hiểu khác. Xin coi phần IV chương XXVII.
[3] Bài Thu thanh phú.
[4] Trong tập Hồi kí của một người đi săn trong Tourgueniev của tôi (Nguyễn Hiến Lê) Nxb Văn học, 1994 (BT).