Một mặt tổ chức mấy đoàn cứu trợ, chữa bệnh cho dân; mặt khác Đỗ Hoàng báo động về tỉnh nhờ chi viện phương tiện cấp cứu. Nhưng chi viện chưa kịp tới thì ngay sáng hôm đó dịch đã lan tới sát thị xã.
Không chậm trễ, Đỗ Hoàng cùng với gần một chục thuộc cấp đã đi ngay về một xã giáp với thị xã, xã Đơn Hóa. Nơi đây chỉ trong vòng vài giờ đã có gần chục người ngã bệnh và bốn năm người đã chết mà chưa kịp uống giọt thuốc nào! Bức bách quá, đích thân Hoàng phải xăn tay áo tham gia nhóm cấp cứu. Anh ra lệnh tập trung hết người mắc bệnh về một sân trường học, cho học trò nghỉ học. Rồi kêu gọi những ai rành nghề thuốc trong xã, hễ biết thuốc gì có thể trị được dịch tả thì ra tay cứu giúp các nạn nhân.
Đến giữa trưa thì thuộc cấp báo cáo số người tử vong đã lên trên hai chục và còn nhiều người đang kêu la, oằn oại. Trong số người đang hấp hối được khiêng về trường học có một cô gái trẻ, mà vừa thoạt nhìn qua Đỗ Hoàng đã giật mình, bởi cách phục sức của cô ta không giống với người trong làng. Tuy nhiên, do cứu bệnh cấp bách nên Hoàng chỉ lưu ý thoáng qua thôi, rồi sau đó cùng lao về cứu chữa cho hơn chục ca bệnh khác nữa. Cho đến chiều tối hôm đó thì cơn dịch có phần giảm bớt, khi có đoàn chi viện về tới. Họ đem theo nhiều thuốc men và tận tình cứu chữa...
Cũng đến lúc đó thì Đỗ Hoàng đã mệt phờ người. Anh bất kể sạch dơ, cứ nằm lăn ra đất mà nghỉ. Bỗng anh nghe một tiếng rên nhỏ gần đó. Nhìn sang, Hoàng thấy có một người đang cố bò lê ở sân cỏ, cách chỗ các nạn nhân kia khá xa.
- Một cô gái!
Đỗ Hoàng ngẩng lên nhìn kỹ và anh kêu lên lần nữa:
- Cô ta.
Thì ra cô gái đang bò lê kia chính là cô gái anh nhìn thấy thuộc cấp khiêng về cấp cứu lúc chiều.
- Cô…
Hoàng kêu khẽ, vừa lúc cô gái ngoảnh lại nhìn và rồi ngã lăn ra cỏ, bất động. Đỗ Hoàng hốt hoảng, đích thân anh không ngại hiểm nguy, đã bế xốc cô nàng lên, rồi đi nhanh đến chỗ toán cấp cứu đang làm việc. Sau khi khám và chẩn mạch, các nhân viên y tế kết luận rằng:
- Cô gái này bị khá nặng, nhưng lúc chiều đã cho uống thuốc cầm tả, nên đã qua cơn nguy kịch. Bây giờ ngất đi có lẽ do mất nước nhiều, nếu cho chuyền nước và thêm chất bổ dưỡng vào thì chắc là không sao.
Họ nói rõ như thế rồi thôi, bởi lúc đó còn nhiều người nữa cần cấp cứu nên đâu ai lo cụ thể cho cô gái này. Đỗ Hoàng chạnh lòng khi thấy cô gái nằm cô quẫn như chờ chết... Rồi bỗng anh nảy ra một ý, liền gọi hai thuộc cấp thân tín:
- Hai cậu tìm cách đưa cô bệnh nhân này về nhà ta. Cho ở ngoài nhà kho và mướn giùm ta một người giỏi chăm sóc bệnh tới trông nom giùm. Chỉ cần nấu cháo loãng và pha nước muối đường cho uống, chớ khỏi thuốc men gì khác.
Hai người kia ngại bị lây bệnh, nhưng chủ bảo chẳng lẽ không nghe, nên họ đành miễn cưỡng khiêng cô ta đi. Dọc đường, có người hỏi khiêng đi đâu, họ bảo khiêng đi chôn! Buổi tối khi về nhà, Đỗ Hoàng hầu như quên hẳn cô gái bị bệnh. Anh sửa soạn đi nghỉ thì bà người làm lên báo:
- Khách của quan đã khoẻ rồi.
Hoàng ngạc nhiên:
- Khách nào?
Bà Hai nhắc kỹ:
- Có cô gái được hai lính lệ khiêng về, nói là khách của quan, bảo tôi chăm sóc. Tôi đã làm theo lời và bây giờ cô ấy đã tỉnh lại. Cô ấy muốn từ giã ra đi, tôi nói phải đợi ý của quan đã.
Lúc này Hoàng mới chợt nhớ ra, anh bảo:
- Bà Hai dẫn cô ta lên đây coi.
Bà già Hai ái ngại:
- Cô vừa qua cơn bệnh, dễ lây truyền. E rằng…
Đỗ Hoàng gạt ngang:
- Tôi cứu người cả ngày nay, nếu lây thì đã lây rồi!
Khi cô gái được dẫn lên thì đã sụp xuống trước mặt anh, giọng yếu ớt:
- Dạ, xin đội ơn ngài. Nếu không có ngài ra tay cứu thì tiện dân này đã chết trong đám dịch bệnh rồi. Xin ngài nhận cho ba lạy!
Nói xong nàng ta lạy liền ba lạy, trước khi Hoàng xua tay.
- Không cần đâu! Tôi cứu mọi người mà, vậy cô dưỡng cho hết hẳn đi rồi cứ tự nhiên mà ra về.
Nhưng cô nàng lại oà khóc, khiến Hoàng ngạc nhiên:
- Tại sao cô khóc?
Nàng không ngại, nói thật:
- Cha mẹ tôi đã chết hết trong nạn dịch. Anh chị em cũng chẳng còn ai. Vậy tôi biết về đâu? Thà chết còn hơn...
Cô nàng nói xong bất thần lao đầu vào cột nhà. Đỗ Hoàng hốt hoảng:
- Kìa cô! Chuyện gì cũng giải quyết được mà...
Sau đó Hoàng quyết định:
- Thôi được rồi, sẵn nhà tôi không có người, vậy cô có thể ở lại đây.
Cô nàng mừng quá sụp xuống lạy lia lịa, khiến Hoàng phải đỡ dậy và gọi bà già Hai lại dặn:
- Bà cho cô gái này ở riêng trong ngôi nhà phía sau. Từ nay cô ấy được hưởng trợ cấp làm việc như bà và vài người nữa.
Lúc cô nàng bước đi gần chục bước, Hoàng mới chợt nhớ ra chưa biết tên cô ta:
- Cô chưa cho tôi biết tên?
- Tôi là Anh Đào.
Cơn dịch bệnh rồi cũng qua đi. Ngày hôm sau, hầu như dịch tả đã bị chặn đứng. Thống kê có trên một trăm người dân bị chết. Có những nhà chết cả, không còn ai.
Không khí tang thương rồi cũng qua đi. Quan huyện Đỗ Hoàng nhờ tận tình cứu dân nên được mọi người ca tụng không tiếc lời. Vì nhờ thế nên đã có gần chục người tới giúp việc không công cho Đỗ Hoàng. Anh cố từ chối nhưng họ không nghe. Và cũng chính vì nhà có quá đông người giúp việc nên Hoàng quên bẵng cô Anh Đào đang có mặt trong số người bị nạn. Một hôm, nhân rảnh rỗi, Đỗ Hoàng đi bách bộ trong sân nhà, anh còn đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì gặp bà già Hai, bà lễ phép thưa:
- Bẩm quan huyện, già này có ý muốn thưa, nhưng sợ ngài quở trách...
Đỗ Hoàng vui vẻ:
- Bà Hai cứ nói, tôi nghe.
Bà ngập ngừng một lúc mới dám nói thẳng ý mình:
- Thấy quan huyện tháng ngày sống cô đơn không ai chăm sóc, tôi muốn khuyên ngài nên tìm một người…
Đỗ Hoàng cười ngất:
- Tưởng chuyện gì, khỏi lo bà Hai ơi! Tôi sợ có vợ rồi những kẻ xấu lại đi luồn cửa sau đút lót cho phu nhân, khiến tôi khó làm việc!
Nói xong anh đi ngay, như không muốn nghe chuyện ấy. Anh không để ý phía sau lưng mình, nép trong cánh cửa một ngôi nhà, có một cô gái dõi mắt nhìn theo.
Thú tiêu khiển duy nhất của vị quan huyện trẻ tuổi sau những giờ ở công đường là vẽ tranh. Anh thường lên khu đồi cách nhà không xa vào buổi sáng sớm. Nơi đây cảnh quang xinh đẹp, u nhã, hầu như tách biệt với phố thị, rất tiện cho Đỗ Hoàng thả hồn vào việc sáng tác mà không sợ bất cứ ai quấy nhiễu.
Vốn thích vẽ phong cảnh và hoa, nên bức tranh hôm nay Hoàng cũng theo lệ đó. Anh vẽ một khóm hoa mua, một loài hoa hoang dại của núi rừng nhưng rất đẹp, trên khóm hoa có con chim sâu đang hút nhụy. Là một tay nghiệp dư, nhưng những nét vẽ của Đỗ Hoàng luôn thanh thoát, bay bướm, tài hoa... Chỉ một giờ sau là sắc màu hiện trên khung vải. Anh khá hài lòng với hoa và con chim đơn độc. Chỉ một con thôi thay vì vẽ có đôi như nhiều người vẫn thích. Có lẽ nó hợp với tâm hồn anh hơn.
- Hoa đẹp, trời trong, mà sao chỉ có một cánh chim cô đơn thế kia.
Đỗ Hoàng giật mình nhìn lại sau lưng, nơi vừa phát ra tiếng nói. Tuy nhiên chẳng thấy một ai. Nghĩ là có ai đó phá mình, nên Hoàng lên tiếng:
- Nếu có vị nào nhã ý chỉ giáo thì xin cho gặp mặt!
Im lặng. Bốn bề thanh vắng, không một biểu hiện gì là có sự hiện diện của ai đó.
- Chắc mình nghe lầm...
Hoàng cố nén thắc mắc, anh lại cầm lòng cố vẽ tiếp. Nhưng ngay lúc ấy anh thoáng thấy phía trước mặt, nơi xa xa tầm mắt một chút, ẩn hiện sau gốc thông già một bóng áo hồng. Một cô gái! Phải chăng nàng ta là người cất tiếng lúc nãy! Đỗ Hoàng nhanh chân bước về phía đó. Anh cố đi nhanh thì bóng người đó càng nhanh hơn. Thoáng chốc đã chẳng còn thấy đâu.
Đứng ngẩn ngơ một lúc, Đỗ Hoàng lững thững đi trở lại. Anh vô cùng kinh ngạc khi thấy trên bức tranh của mình ai đó đã vẽ thêm một con chim nữa, dấu sơn còn ướt.
- Ai vừa đến đây?
Vẫn chẳng có ai đáp.
- Ai cố tình trêu phá thì xin hãy ra đây, chớ không nên làm hư tác phẩm của người khác!
Chợt một mùi hương quyến rũ phả từ phía sau tới, rồi một tiếng cười trong trẻo:
- Muôn vàn ân hận vì đã mạo phạm. Xin ngài tha thứ cho. Chỉ vì quá say mê hội họa, thích thú với nét vẽ của ngài và cũng bức xúc cảnh cô độc của con chim...
Trước mặt Đỗ Hoàng xuất hiện một giai nhân áo hồng. Có nét giống như người vừa ẩn hiện ở gốc thông già. Mà dường như cũng giống... người nào đó mà anh đã từng biết?
Bỗng cô gái quỳ xuống trước mặt Đỗ Hoàng, giọng rất thành khẩn:
- Tiện nữ quá hồ đồ, đã quấy phá làm hư tác phẩm của ngài, xin tha tội...
Hoàng vội xua tay:
- Không hề gì! Không sao cả. Tôi cũng tập vẽ cho vui thôi chớ nào phải tác phẩm đáng giá gì đâu. Xin cô nương đừng làm vậy.
Hoàng đưa tay định đỡ cô nàng lên thì nàng đã nhanh hơn, đứng bật dậy và lùi ra xa, như sợ bị chạm vào cơ thể.
- Xin lỗi, suýt nữa tôi đã mạo phạm…
Cô nàng e thẹn:
- Chưa được tha lỗi nên ngượng quá… Thôi, lần sau sẽ không dám phá nữa!
Nói chưa dứt lời, nàng đã vội chạy đi và cũng nhanh như lúc đến, thoạt cái đã chẳng còn trông thấy đâu. Không hề thất vọng, Hoàng gọi với theo:
- Cô nương! Cô...
Nhưng bóng nàng đã khuất dưới chân đồi. Bấy giờ Hoàng mới tự hỏi:
- Con gái xứ này mà có người đẹp và phong cách như vậy sao?
Thắc mắc đó của Hoàng là đúng. Bởi đây là một huyện vùng xa, phần đông quần áo còn chưa đủ mặc, làm sao có những xiêm y lụa là như cô gái? Đỗ Hoàng lưu lại trên đồi đến quá trưa, bỏ cả buổi cơm. Anh có ý đợi gặp lại người đẹp. Cũng chẳng hiểu tại sao. Đây có lẽ là lần đầu tiên Hoàng để ý đến nhan sắc. Điều mà đã từ lâu hầu như anh không hề quan tâm. Tại nàng ta đẹp, hay tại nàng ta đến quấy phá mình?
Đến xế chiều thì Hoàng mới lững thững về nhà. Khi người giúp việc dọn cơm, anh cũng không buồn ăn, hồn phách như để tận đâu đâu... Chợt có người thưa:
- Dạ, mời ngài dùng cơm kẻo thức ăn nguội.
Nghe giọng nói, Đỗ Hoàng như bị kim châm, anh giật thót người quay lại.
Một cô gái ăn mặc giản dị đang khúm núm cúi đầu chờ hầu cơm.
- Cô nương là... là…
Hoàng biết mình không thể nhìn lầm. Bởi trước mặt mình lúc này chính là cô gái áo hồng ban sáng. Dù giờ đây cô ta ăn mặc giản dị hơn.
- Cô… cô là…
Anh lặp lại câu hỏi lần nữa, khiến cô gái luýnh quýnh thấy rõ:
- Dạ thưa ông, con là người làm trong nhà này, phục vụ ở nhà bếp lâu nay. Con là Anh Đào, người đã được cứu sống năm rồi. Nay vì cô hầu bàn hằng ngày của ngài bệnh phải nghỉ bất ngờ, nên con được bà Hai bảo lên làm thay. Chưa quen công việc, nên nếu có gì sơ sót mong ngài tha thứ cho...
Đỗ Hoàng cứ nhìn sững cô ta, khiến cô càng ngượng và lúng túng, vân vê tà áo mãi. Hoàng chợt thở phào:
- Cô nương ngồi xuống đi. Tôi muốn cảm ơn về con chim vẽ thêm. Nó đẹp và sinh động hơn nhiều so với nét vẽ của tôi.
Anh Đào ngơ ngác:
- Quan quận nói gì con không hiểu?
Đỗ Hoàng vẫn hồ hởi nói:
- Thảo nào ban sáng tôi cứ ngờ ngợ. Chỉ vì cả năm nay không gặp lại cô. Mà sao cô giấu tài mình như thế, cô vẽ còn hay hơn tôi nữa.
Anh Đào còn lúng túng hơn:
- Thưa ngài, Anh Đào hàm ơn cứu mạng của ngài nên cam phận làm tôi làm tớ để trả ơn. Chớ có tài cán gì…
Hoàng cứ cho là cô ta không muốn lộ tung tích, nên tiện tay lấy ra bức tranh vẽ buổi sáng, đưa trước mặt nàng, cười hỏi:
- Cô nhìn xem, con chim cô vẽ thêm vào có phải sinh động hơn con chim kia không?
Anh Đào thật thà:
- Con xin ông chủ, con đâu có biết gì! Từ sáng đến giờ con làm việc sau bếp như thường ngày mà.
Lúc ấy bà già Hai bước lên, bà lễ phép thưa:
- Dạ thưa ngài, quả đúng là Anh Đào từ sáng đến giờ chỉ ở dưới bếp, không rời nửa bước.
Đỗ Hoàng không thể tin:
- Không lẽ có chuyện người giống người như vậy sao? Không thể...
Anh quay sang hỏi bà Hai:
- Bà có thấy cô Đào này mặc bộ đồ màu hồng bao giờ chưa?
Bà già cười móm mém:
- Nó chỉ có hai bộ quần áo thay đổi, làm gì có quần là áo lụa như người ta!
- Bộ đó bằng lụa màu hồng, tuy đơn sơ nhưng đẹp và sang!
Bà Hai quả quyết:
- Chắc chắn là không phải rồi, thưa ngài!
Anh Đào cũng lo sợ nói:
- Thưa ngài, nếu sáng nay có ai làm gì đó để ngài phiền lòng thì chắc chắn không phải là con rồi...
Nghe nàng cứ xưng là con mãi Đỗ Hoàng phát bực mình:
- Tôi có già lắm đâu mà cứ xưng con mãi thế!
Bà Hai phải đỡ lời:
- Nó còn nhỏ dại, nó sợ oai ngài nên không dám xưng hô khác. Xin ngài cho phép nó...
Bà quay sang Anh Đào:
- Quan đã nói vậy rồi thì con đổi cách xưng hô đi!
- Dạ... dạ...
Hoàng nói nhanh:
- Gọi tôi là anh. Tôi không thích là quan là ngài gì cả!
Anh Đào hốt hoảng:
- Dạ... dạ... bẩm ngài... bẩm... bẩm anh...
Nghe câu nói líu lưỡi của nàng, Đỗ Hoàng phát cười:
- Anh là anh chớ sao anh rồi ngài?
- Dạ... em xin lỗi!
Nghe nàng xưng em, Đỗ Hoàng thích thú:
- Như vậy phải được không? Từ nay không được kêu là ngài nữa nhé!
Anh nói xong đứng lên đi về phòng riêng mà trên miệng vẫn còn giữ nụ cười...
Suốt chiều hôm đó, Hoàng hầu như đứng ngồi không yên. Anh cứ bị hình ảnh hai cô gái ám ảnh mãi. Tại sao có sự giống nhau đến lạ lùng vậy? Và tại sao nàng Anh Đào này không phải là nàng áo hồng trên đồi.
Cứ thắc mắc như thế nên đêm hôm đó Đỗ Hoàng không tài nào ngủ được. Đến sáng hôm sau, khi vào công đường, nhiều người nhìn là biết ngay quan quận không được khỏe.
Hoàng gọi một người am tường cư dân địa phương để hỏi:
- Ở quanh đây có con gái nhà ai mà xinh đẹp không?
Người được hỏi hiểu lầm là quan huyện chọn vợ, nên thành thật đáp:
- Dạ, đây là vùng quê nghèo, dân tình lam lũ nên đâu có con gái nào đẹp. May ra thì ở chợ tỉnh.
- Vậy từ đây ra tỉnh bao xa? Có khi nào con gái tỉnh về đây chơi không?
- Dạ ít khi lắm. Bởi vùng này không có nơi vui chơi, du lịch, nên các cô không thích tới.
- Cụ thể là trong mấy ngày nay, có cô nào đẹp qua đây không?
Người nọ ngạc nhiên:
- Ủa, sao ngài lại quan tâm điều đó?
Đỗ Hoàng nói chữa:
- Không... ta có chút việc cần điều tra, nên...
Nghe nói tới điều tra, gã nọ đáp:
- Dạ, không thấy cô nào.
Đỗ Hoàng cho anh ta ra rồi kêu một người khác vào hỏi. Và cũng như vậy, người này cũng quả quyết:
- Không có cô gái nào về huyện của mình đâu. Mùa này ở đây nóng quá, nên có đi ngoạn cảnh thì các cô ngoài thị xã cũng chọn vùng mát mẻ hơn.
Không dò hỏi được gì, Đỗ Hoàng quyết định tự mình đi điều tra. Anh mượn cớ đi thị sát tình hình, một mình cải trang làm thường dân, đi rảo khắp một vòng chợ khu thị xã nhỏ này, chỉ đi chưa đầy nửa giờ là giáp vòng. Quả đúng như họ nói, con gái ở đây hầu hết là thôn nữ, đâu có ai như vóc dáng người anh đã gặp.
Thất vọng, Hoàng quay trở về công đường. Nhưng vừa tới cửa thì anh đổi ý, rẽ về phía chân đồi ngày hôm qua. Tuy không mang theo giá vẽ, nhưng Hoàng cũng lang thang trên đồi khá lâu, lại ngồi dựa lưng vào gốc cổ thụ như đợi chờ. Đến chiều, anh phải về trong thất vọng, tiếc nuối. Tối hôm đó anh lại bỏ bữa cơm dọn sẵn. Anh Đào được bà Hai phân công lo cơm nước và dọn dẹp phòng của Hoàng, cô lo lắng hỏi ý bà Hai:
- Ông chủ lại bỏ cơm, phải làm sao đây? Mà hình như ông chủ có tâm sự gì đó?
Bà Hai tỏ ra rành chuyện:
- Ông ấy đang tìm cô áo hồng nào đó.
Anh Đào vô tư.
- Chắc là cô ấy đẹp lắm!
Bà Hai kề sát tai nói khẽ:
- Tui nghe ngài nói cô nào đó giống như… cô vậy đó!
Anh Đào hốt hoảng:
- Con mà ra gì, ai lại giống chứ...
Bà Hai có lẽ đang nghĩ tới điều gì đó, nên cứ nhìn Anh Đào rồi gật đầu hài lòng. Còn cô gái thì cứ vô tư, lo đi hâm nóng đồ ăn, chờ ông chủ xuống ăn cơm.
Sự chờ đợi cũng có giới hạn, mà đêm thì đã dần khuya. Ông chủ nhịn ăn như thế này, chẳng phải là lỗi của người hầu sao? Anh Đào lo lắng, nên khi vừa hâm nóng thức ăn, cô dọn vào chiếc mâm và quyết định mang lên tận phòng Đỗ Hoàng.
Cửa phòng đã đóng nhưng đèn bên trong còn sáng. Vừa định gọi cửa thì bỗng Anh Đào nghe có tiếng nói chuyện từ trong vọng ra, nghe rõ mồn một. Giọng của Hoàng:
- Cô nương? Quả trời không phụ lòng ta. Sự chờ đợi của ta đã không uổng công.
Anh Đào khựng lại, không dám nghe lén. Nhưng bỗng cô nghe một giọng con gái cất lên:
- Chờ thật không?
Anh Đào giật mình tự hỏi:
- Ai ở trong đó?
Lúc ấy lại có tiếng của Hoàng:
- Tôi đã chờ cô nương gần cả tuần lễ rồi. Tôi cảm ơn về việc vẽ thêm con chim và muốn được tạ ơn!
Tiếng nàng cười trong trẻo, rồi giọng ngọt ngào:
- Bây giờ quan huyện định trả ơn bằng gì đây?
- Tùy cô thôi. Ờ mà nè, cửa phòng tôi đóng, sao cô nương lại vào được?
- Đóng là đóng với người ăn người làm trong nhà, chớ còn em thì ngăn được sao?
- Kìa, cô...
Anh Đào đỏ mặt ngại ngùng khi nghĩ tới bên trong Đỗ Hoàng và cô gái nào đó đang ôm nhau. Cô muốn bỏ chạy, nhưng chẳng hiểu tại sao đôi chân như chôn chặt nơi đó. Bên trong lại có tiếng của cô gái:
- Anh không phải lo, đằng này không làm gì đâu mà sợ! Ai mà chẳng biết ông quan huyện trẻ tuổi, tài cao, mà đến nay vẫn chưa hề biết đến phụ nữ!
- Cô... cô…
Chợt giọng nàng nghiêm túc:
- Không dám làm phiền ngài nữa. Bây giờ là mục đích chính của em đến đây. Đúng là để trả ơn...
Đỗ Hoàng mừng rỡ:
- Vậy thì…
Anh Đào ở bên ngoài nghe một tiếng ngã đổ, rồi thì tiếng thảng thốt của Hoàng:
- Cô! Sao cô nương lại...
Hình như cô gái đã phóng ra ngoài cửa sổ! Cô ta nói vọng vào:
- Thiếp thú thật, thiếp là... hồn ma! Thiếp không có khả năng đền đáp ơn nghĩa gì với ai. Chỉ có điều...
Hoàng hốt hoảng:
- Cô nương! Xin cô.
Bỗng nhiên cánh cửa phòng mở tung ra. Anh Đào hốt hoảng định bước lui, nhưng không còn kịp nữa. Cô vừa kịp nhìn thấy Đỗ Hoàng lao ra cửa sổ, rồi mắc kẹt ở đó, treo lơ lửng nửa trong nửa ngoài.
Anh Đào không kịp suy nghĩ, cô đặt mâm cơm xuống rồi lao tới chụp đôi chân ông chủ, cố sức ghì lại. Cuối cùng cô cũng giữ được Hoàng không ngã. Nhưng khi kéo được Hoàng vào trong thì cũng là lúc cả cô và Hoàng đều ngã chồng lên nhau. Vô tình cô bị Hoàng đè lên người. Chỉ kịp đỏ mặt xấu hổ thì cả cô và ông chủ cũng đã ngất lịm...
Đỗ Hoàng cứ mê sảng, vừa tĩnh giấc là cất tiếng gọi to:
- Hồng Đàol Hồng Đào!
Chẳng ai biết ông chủ mình gọi ai, chỉ có Anh Đào là biết, nhưng từ sau khi cô tỉnh lại thì cô biến đi đâu mất dạng.
Các thầy thuốc giỏi nhất được rước về để trị bệnh cho quan huyện trẻ tuổi. Thuốc đủ loại, trị đủ kiểu, nhưng đã qua ba ngày rồi mà bệnh tình của Đỗ Hoàng vẫn không thuyên giảm.
Đến hết ngày thứ ba thì bỗng bà già Hai nói:
- Sáng nay có một người lạ tới và bảo muốn trị dứt bệnh cho quan huyện thì phải khiêng ngài lên đồi, đặt ở đó một mình.
Chẳng ai dám nghe lời nói kỳ cục đó. Có người còn nói:
- Đang bệnh nặng như vậy mà đưa lên đó gặp gió thì chết sớm!
Tuy nhiên bà Hai lại quả quyết:
- Người đó nói rằng, nếu không làm theo thì đến nửa đêm, lúc trăng lên thì quan huyện sẽ hồn lìa khỏi xác.
Cuối cùng mọi người cũng phải làm theo. Khi Đỗ Hoàng được khiêng lên đồi, bà Hai dặn:
- Hãy để cho quan huyện một mình.
Mọi người lo lắng rút lui. Chỉ còn bà Hai ở lại sau cùng. Bà lấy trong túi áo ra một mảnh giấy nhỏ mà ai đó đã dặn bà phải đến lúc đó mới đọc.
Chỉ có mấy chữ khó hiểu: ' Âm dương cách trở nhưng hòa hợp không khó!''
Bà Hai chẳng hiểu gì, đang còn đứng lóng ngóng thì chợt có một cơn gió lốc mạnh thổi tới, xô ngã bà già, rồi như có người đẩy, cả thân thể bà ta lăn nhẹ nhàng xuống chân đồi. Khi dừng lại thì bà Hai không sao cả, bà đứng dậy định đi trở lên đồi chăm sóc cho chủ thì chân nhấc mãi không được:
- Kỳ quá…
Bà cố thử nhấc chân mấy lượt nữa đều không thành công, nên ngầm hiểu rằng mình không được phép trở lên đồi.
Trời tối dần...
Trên đồi, Đỗ Hoàng tỉnh lại. Anh vừa ngồi dậy thì chợt nghe tiếng nói phía sau:
- Thân thể của ngài đã đè lên trên thân trong trắng của người ta, sao còn chưa biết chuộc lỗi.
Hoàng nhìn thấy sau lưng mình là cô áo hồng hôm trước thì vui mừng khôn xiết:
- Cô nương!
- Không phải là ta. Mà là người ngài đã xúc phạm. Người ấy mới chính là nợ duyên của ngài.
Đỗ Hoàng chưa hiểu gì thì bỗng có một người con gái khác từ phía triền đồi bên kia đang tiến lại gần.
- Anh Đào!
Cô gái đang đi tới đó chính là Anh Đào, người hầu bấy lâu...
Lúc này có dịp nhìn hai người, Đỗ Hoàng càng kinh ngạc hơn, bởi họ giống nhau như hai giọt nước!
- Như thế này là sao?
Nàng áo hồng nghiêm giọng:
- Ta là hồn, còn đó là xác! Hồn và xác kết hợp lại thì là duyên kiếp của ngài!
Thoáng chốc thì cả thân xác cô áo hồng vụt bay lên, nhập vào Anh Đào. Như một tia chớp, nên khi Đỗ Hoàng kịp nhận ra thì anh chỉ còn thấy trước mặt mình một Anh Đào đang đứng lặng người.
Đến một lúc sau, nàng mới cất tiếng:
- Em là Anh Đào, bây giờ mới là người thật của em. Vừa qua, đó là vong hồn của em...
Đỗ Hoàng yên lặng nghe nàng kể:
- Ngày nạn dịch xảy ra thì em là một trong những nạn nhân. Em đã chết, nhưng do có duyên nợ với anh, nên khi được anh chạm vào cơ thể thì vong hồn em không bay đi, cứ vất vưởng mãi nơi đây. Mấy ngày em mê man là lúc hồn em đi khiếu kiện về sự chết oan của mình. Thấy cả nhà em đều lâm vào cảnh chết thảm, mà duyên nợ với anh chưa được thực hiện, nên ở cõi âm người ta cho em trở về. Hôm ở đồi thông, chính em đã thử lòng anh, sau đó thấy anh thật dạ, nên hôm nay người ta mới chính thức cho em trở về.
Đỗ Hoàng còn chưa tin, anh ngắm nhìn kỹ lại Anh Đào, tuy thân xác đó không khác chút gì, nhưng cách đi đứng, nói chuyện thì lại hoàn toàn khác với cô áo hồng. Vừa lúc đó, bỗng Anh Đào ôm mặt khóc nức nở. Hỏi thì nàng thưa:
- Thiếp bây giờ hoàn toàn lệ thuộc vào chàng. Nếu chàng từ chối thì thiếp chỉ còn cách... trở lại cõi âm mà thôi!
Đỗ Hoàng không kiềm chế được, anh ôm chầm lấy nàng nói:
- Ai nói anh từ chối…
Thế là sau đó chưa đầy mười ngày, một đám cưới linh đình diễn ra. Người ta chỉ biết vị quan huyện độc thân lấy cô người hầu, chớ hoàn toàn không biết về mối tình âm dương của họ...