Tổng tập truyện ma của Người Khăn Trắng

BẠCH LIÊN HOA - Phần I

Ở phía đông thị trấn nhà vùng ngoại ô thành phố, có một ngôi chùa bỏ hoang đã khá lâu. Nghe nói ngày xưa chùa cũng khá đông khách thập phương tới lui, nhưng từ khi xảy ra một tai nạn chết người trong chùa thì chùa lâm vào cảnh hoang vắng. Sư trụ trì chẳng hiểu lý do gì đã bỏ đi mất, rồi sau đó là các tăng ni khác cũng rời chùa.

Từ ấy, chùa Phước Duyên chẳng còn duyên nữa. Việc xảy ra đã hơn mười năm mà chẳng thấy ai tới trùng tu để cho hoạt động lại. Do vậy mà một đồn mười, mười đồn trăm, đến nay mỗi khi nghe nhắc tới chùa thì người chung quanh đều lắc đầu ngao ngán:

- Đừng bao giờ bước tới đó, chùa nhiều sư sãi mà còn ở không được, huống hồ gì chúng ta...

Vậy mà có một người không hề sợ. Đó là một anh học trò nghèo từ tỉnh xa tới, do bức bách chỗ trọ học, nên anh ta chẳng cần hỏi thăm ai, đã một mình xách giỏ quần áo tới đó, dọn dẹp một phòng nhỏ phía sau chùa rồi ngủ nghỉ ở đó luôn. Với anh ta thì tìm được một nơi như thế đã là quý lắm rồi!

Sẵn bếp núc, lu vại nhà chùa còn nguyên vẹn, anh chàng học trò nghèo tên Trần Lưu này tận dụng. Còn chăn màn thì anh ta còn trẻ nên không cần thiết lắm, mà hình như lũ muỗi mòng cũng chừa anh ta ra, giúp anh ta ngon giấc đã hai đêm liền. Qua đêm thứ ba, do trời hơi oi bức, nên anh chàng Lưu lần ra phía sau chùa để tìm chút hơi gió mát. Và anh ta phát hiện phía sau ấy là một nghĩa địa cây cối mọc um tùm.

- Nghĩa địa cũng bỏ hoang, tốt đấy, mình sẽ không ai bị quấy rầy!

Vốn tính liều mạng, lại đang cảnh nghèo, nên Lưu không nghĩ ngợi lo sợ gì, anh cứ ra ngồi trên các ngôi mộ đá mà hóng gió. Với Lưu như thế đã là phong lưu lắm rồi! May mắn, đêm đó lại là một đêm trăng rất sáng. Bởi vậy, Lưu ước ao phải chi có đem theo sách thì anh có thể ngồi đó mà học bài thì thú vị biết mấy!

Gió mát, trăng thanh, quên đây là nghĩa địa, Lưu ngồi một lúc rồi ngả lưng trên mộ đá như muốn tìm một giấc ngủ. Mà quả anh ta ngủ thật. Có lẽ do suốt ngày bận rộn việc học, nên sau khi nằm chưa được bao lâu thì Lưu đã đi vào giấc ngủ, chẳng khác gì đang nằm trong nệm ấm chăn êm!

Lưu nằm ngủ chẳng biết bao lâu... cho đến lúc anh nghe như có người gọi mình và rồi lay chân anh nữa.

Choàng mắt dậy Lưu giật mình khi thấy trước mặt là một cô gái thật đẹp, đang quắc mắt nhìn và tru tréo:

- Sao vô cớ chiếm nhà người ta vậy?

Vía của Lưu lúc đó còn đang lơ mơ thì cô nàng lại tiếp tục xỉa xói chanh chua:

- Nếu không mau rời đi thì chớ trách người ta mạnh tay đó!

Lưu có muốn ngồi dậy cũng không tài nào ngồi được, bởi mình anh nặng như đeo chì. Anh cố nói, nhưng miệng của anh không thốt nên lời được.

- Lì lợm quá, chớ có trách nhé!

Vừa dứt lời thì nàng ta vung mạnh chân đá một phát!

Lưu cảm giác như thân thể mình bị tung lên cao. Anh chưa kịp phản ứng gì thì đã nghe phịch một cái. Dụi mắt nhìn lại thì lúc ấy anh đang ở trong gian phòng nhỏ sau chùa!

- Sao... sao... thế này?

Vừa hoàn hồn thì chợt nhìn thấy ai đó đang ngồi sẵn trong phòng. Do không có đèn, chỉ nhờ vào ánh trăng rọi vào từ ô cửa sổ, nên Lưu chỉ thấy lờ mờ người kia. Tuy nhiên, anh đã nhận ra ngay:

- Cô… cô còn muốn gì nữa!

Thì ra người đang ngồi đó chính là cô gái vừa đá cho Lưu một phát ở ngoài nghĩa địa. Cô nàng bấy giờ không còn hung hăng như lúc nãy nữa, mà lại nhẹ giọng:

- Em xin lỗi, vừa rồi em có hơi quá.

Lưu gắt lên:

- Mạnh tay quá đi chớ hơi gì! Làm mấy cái xương sườn của người ta gãy đến nơi rồi.

Cô gái phát lên tiếng cười trong trẻo:

- Không ngờ nam tử hán mà cũng biết giá họa cho người khác nữa! Đâu, xương gãy mấy cái, đằng này bồi thường cho!

Cô nàng cười nói rất tự nhiên, như đã quen thân với Lưu từ bao giờ. Khiến cho anh chàng phải lúng túng:

- Cô là...

- Là người quen! Đã từng gặp nhau tức là quen phải không? Vậy lúc nãy tôi và anh vừa gặp nhau, lại còn…

Nói tới đó nàng lại cười khúc khích, vô tư như trẻ con!

Lưu đánh bạo nghiêm giọng hỏi:

- Cô nương nhà ở gần đây?

Nàng gật:

- Rất gần!

- Sao lúc nãy trước khi đá tôi, cô nói nhà mình ở... nghĩa địa đó?

Nàng cũng không vừa:

- Thế tại sao anh lấy mồ mả làm nhà?

Lưu bật cười. Nhờ vậy hai người gần nhau hơn, thân thiết một cách tự nhiên. Nàng bảo:

- Anh không sợ sao dám ở đây?

Lưu cười to:

- Bị đá bay cả trăm thước mà còn không sợ

- Vậy có Ma chẳng hạn?

Lưu nhìn kỹ nàng, đùa:

- Được gặp ma cỡ như cô nương đây thì cũng nên gặp lắm.

Nàng nghiêm giọng:

- Đó là anh nói đó nhé? Nam tử hán đã nói là giữ lời, một khi gặp ma thật thì đừng có trách!

Lưu cười ha hả:

- Nếu đã sợ thì không vào đây trú ngụ! Cô nương có biết cái đáng sợ nhất của lũ học trò nghèo chúng tôi là gì không? Chính là không có nơi ở trọ, không có cơm ăn no để học hành. Chớ còn ma thì chẳng qua cũng là con người. Cũng có tâm hồn, cũng có tình yêu thương...

Những câu nói của Lưu chẳng ngờ lại được cô nàng đặc biệt quan tâm, lắng nghe rất kỹ, để rồi sau cùng có vẻ cảm động:

- Đúng là học trò, có học nó khác hơn người bình thường. Em đã không lầm khi theo anh vào đây.

Lạ một điều là Lưu không hề hỏi thêm về nhân thân của nàng ta. Anh chỉ chú ý tới những bước đi nhẹ nhàng, hơi thở thơm tho của nàng ta. Cho đến khi nàng tự nói ra tên mình:

- Đúng là người vô tâm, đến tên của người ta cũng không cần hỏi. Em tên là Huệ Hương, người ta còn quen gọi em là Huệ Nương nữa.

- Chào Huệ Nương. Còn tôi là Trần Lưu. Học trò nghèo từ Thẩm Dương tới.

Nàng lại cười:

- Khỏi giới thiệu thêm cũng biết là nghèo rồi. Nghèo đến nỗi không có chiếc ghế mời khách!

Lúc này Lưu mới nhớ ra, anh lúng túng:

- Đúng là không có ghế. Mà thật ra, ngay chủ nhà cũng còn phải đứng...

Nàng ngồi xuống giường một cách tự nhiên:

- Ngồi trên giường có vẻ... bà chủ hơn!

Lưu không ngờ nàng dám nói đùa cỡ đó, nên cũng đâm ra bạo dạn hơn, anh nói:

- Kẻ nghèo này mơ đến vợ con còn chưa dám, nói gì có thật.

Bất chợt nàng bảo:

- Bây giờ có thật rồi đây.

Rồi nhanh như cắt, nàng nhào tới ôm chầm lấy Trần Lưu, khiến anh chàng ngượng đỏ mặt:

- Cô… cô…

Nàng có vẻ giận:

- Cứ cô này cô nọ hoài, gọi người ta một tiếng em không được sao?

- Tôi... tôi...

Lại bất ngờ hơn khi nàng đặt nhanh một nụ hôn lên môi của Lưu, suýt nữa anh chàng đã ngộp thở!

- Cô à mà... em. Em...

Nàng buông tay ra, cười phá lên:

- Như vậy có phải được không!

Lưu còn đang chưa hết lúng túng thì nàng rất tự nhiên rúc đầu vào ngực anh. Giọng rất tha thiết:

- Hãy cho em một chỗ dựa. Em cần lắm...

Lưu không cưỡng lại được, anh vòng tay ôm nàng, nhưng còn nhớ hoàn cảnh của mình, nên nói:

- Dựa vào người thì được, chớ dựa để mong sự chở che, giúp đỡ thì e... em sẽ thất vọng. Bởi anh....

Nàng chặn ngang lời:

- Biết rồi, nói mãi. Học trò nghèo thì vẫn có cái hay của học trò chớ. Người ta cần tình chớ ai đòi tiền bạc, danh vọng gì ở anh đâu mà sợ!

Đêm đã khuya lắm. Trong phòng lại không có đèn, nên việc hai người ôm nhau dẫu có người đứng gần vài thước cũng không thể nhìn thấy. Và phải chăng hoàn cảnh ấy đã khiến hai người bạo dạn hơn, liều lĩnh hơn? Bởi vậy chỉ một lát sau thì chuyện gì đến đã đến...

Một lúc sau, Lưu hỏi nhà nàng ở đâu thì nàng chỉ tay về phía xóm trên, nói ngắn gọn:

- Cách đây không xa.

Lưu lần đầu được biết thế nào là tình ái, cho nên sau khi lên đỉnh non tiên, anh cảm thấy người rã rời, đê mê và cứ muốn nhắm mắt ngủ một giấc. Mà anh ta ngủ thật, ngủ ngon lành, trong lúc nàng nằm bên cạnh còn mở mắt, tỉnh táo.

Nếu Lưu còn thức chắc sẽ ngạc nhiên lắm, bởi nàng đứng lên và thoắt cái đã không còn thấy bóng đâu.

Qua hai đêm không thấy nàng trở lại, Lưu đứng ngồi không yên.

Mỗi lần đem sách ra học, vừa dán mắt vào trang sách thì y như là thấy hình ảnh nàng hiện lên! Biết như thế là không tốt cho một học trò đang ôn thi, nhưng Lưu chẳng còn biết phải làm sao?

Đêm nào Lưu cũng chờ đến khuya trong phòng. Chờ mòn mỏi anh lại đi ra ngoài nghĩa trang, tới ngồi đúng ngôi mộ hôm trước. Nhưng chẳng thấy bóng dáng nàng ở đâu.

Không lạ gì trai tân mà gặp được gái trẻ dâng hiến cho, rồi đột ngột biến mất như thế, Lưu thầm nghĩ: Hay là đêm hôm đó mình vội quá chăng? Nàng lỡ không kiềm chế được nên giờ đây thẹn và không dám gặp mặt mình?

Nghĩ đủ cách mà vẫn không tự lý giải được sự biệt tăm của nàng, cuối cùng Lưu lại giống như hôm trước, nằm dài trên mộ và thiếp đi...

Trong giấc mơ, thay vì gặp nàng, Lưu lại gặp một ông lão râu tóc bạc phơ, nhìn anh rồi nghiêm giọng nói:

- Sắp gặp nạn rồi đó, sao còn nằm nhởn nhơ thế kia?

Lưu cau mày nhìn ông ta và gắt lên:

- Sao ông vô duyên vậy! Có để cho người ta nghỉ ngơi không...

Ông lão ngửa mắt lên nói như rên:

- Có mấy ai không u mê trong chốn tình trường đâu! Tôi cảnh báo mà cậu không nghe thì sau đừng có hỏi?

Ông ta nói tới đó thì móc trong tay áo ra một chiếc lá màu xanh, đưa cho Lưu:

- Nếu không nghe ta thì cũng phải giữ vật này. Nó còn thì cậu còn, nó mất cậu sẽ mất theo.

Nói dứt lời ông bước đi ngay. Lúc này Lưu mới nhìn kỹ chiếc lá, và hơi ngạc nhiên khi thấy trên mặt lá viết chi chít những chữ gì đó đọc không được. Lại nhảm nhí nữa!

Thuận tay Lưu tính vứt chiếc lá đi, nhưng khi ném ra vô tình nó lại bay ngược và chui tọt vào trong túi áo của anh. Lưu không hề hay biết việc đó. Mãi đến khi ông già đi khuất rồi Lưu mới nói một mình mà như phân trần:

- Ông già cũng kỳ, mới gặp mặt mình đã nói điều xúi quẩy rồi!

Lưu lại ngả lưng xuống định ngủ tiếp, nhưng lạ quá ngôi mộ mà anh vừa ngả lưng là một ngôi mộ đất, chớ không phải mộ đá như trước đây!

- Kỳ vậy?

Lưu phải tìm một lúc thì mới thấy ngôi mộ cũ, nó cách đó khá xa.

Tìm hoài cũng không gặp ông lão...