Xuyến hỏi: “Ly với Lam giận nhau à? Sao không thấy nói năng chi với nhau vậy?” Tôi khịt mũi: “Giận dỗi gì. Từ xưa đến nay thế rồi”. Xuyến ghé sát tai tôi nói nhỏ: “Hình như Lam để ý Ly” – “Hổng có đâu!” Tôi giãy nảy, cố làm mặt vui: “Có người đẹp bên cạnh mắc gì để ý ai, anh Lam hén” – “Là ai?” – “Là nói chung” – “Sao lại không?” Lam vênh mặt nhìn tôi chòng chọc như chọc tức. Tôi chữa ngượng: “Tui không biết ông sao. Chứ tui thì nhất định thế rồi”.
Xuyến đưa tôi cục kẹo me: “Hồi này thấy Ly không được bình thường. Có cần gỡ rối tơ lòng thòng không?” – “Chi đâu. Chuyện gia đình”. Xuyến nhìn tôi chờ đợi. Tôi thấy tủi thân: “Ba mẹ Ly đòi chia tay. Cũng không biết là lâu chưa nữa”. Xuyến không nói chỉ vuốt vai tôi nhè nhẹ. Im lặng một lúc, Xuyến khuyên: “Nhưng đừng để ảnh hưởng đến học tập. Đợt kiểm tra vừa rồi điểm không cao phải không?: Tôi gật đầu, ứa nước mắt.
Buổi trưa tôi ghé nhà Thục. Nó vừa gội dầu xong, quấn một cái khăn lông bự xự trên đầu làm khuôn mặt trở nên bé xíu. Nó rú lên: “Đi đâu lạc vô đây đấy?” Tôi ngồi phịch xuống ghế: “Kiếm mày chớ đi đâu”. Tôi kéo nó ngồi xuống, kể lể mọi chuyện không đầu không đuôi, nước mắt dầm dề.
Thục nhướng cao mày: “Từ từ đã. Ba mẹ mày chia tay lâu chưa?” – “Tao không biết. Chỉ mới đọc được bản nháp. Nhưng tao không hỏi” – “Đồ ngốc. Mày phải hỏi cho ra lẽ để còn nước còn tát chứ. Bộ mày không biết con cái là chất hàn gắn vĩ đại nhất trong hạnh phúc gia đình à?” Tôi thật thà lắc đầu. Thục nhìn tôi thương hại: “Rõ nhà quê. Về hỏi cặn kẽ đi rồi tao quân sư quạt mo tiếp cho” – “Tao ngại. Tao không thích” – “Dẹp cái tự ái của mày đi. Hay muốn tao giúp” – “Thôi để tao. Ít ra nghe mày nói tao cũng thủng ra được một ít”.
Tôi đạp xe về. Nhưng rõ ràng tôi không thể nào dũng cảm như Thục được. Tôi đoán nhà có khách lạ. Một chiếc Cub dựng ở góc sân, con Mực ra nằm chắn ngang cửa, mõm ghếch lên chân, mắt nheo nheo vẻ suy nghĩ. Tôi hỏi: “Ai đó?” Nó nhoành miệng ra cuời, rít ư ử trong cổ họng.
Tôi vô phòng khách ngạc nhiên khi thấy Lam ngồi trên divan, chúi đầu vào tập tranh của tôi (mà có lẽ mẹ đã mang ra khoe, như thói quen cố hữu mỗi khi bạn tôi đến nhà mà không có tôi ở nhà). Tôi đằng hắng: “Tới lâu chưa vậy?” Lam trả lời không hề giật mình như đã biết tôi về từ nãy, chỉ có điều không thèm ra chào: “Đủ để nhận thấy đó phải là những bức tranh không tồi”. Tôi phổng mũi: “Tất nhiên rồi”. Tôi loay hoay đề nghị: “Ngồi chơi hén. Ly đi kiếm cái gì ăn” – “Thôi khỏi – Nó khoát tay vẻ người lớn – Tới chút thôi mà”. Nó nghiêng nghiêng cái đầu: “Ly đã nhận được tin của Trúc chưa?” – “Có. Nó bảo còn nhỏ nên dễ hòa nhập với cuộc sống ở Mỹ. Chỉ có điều nhớ Việt Nam lắm”. Nó buột miệng: “Nhớ Ly thì có” – “Chớ sao nữa – Tôi tấn công lại – Giống anh Lam nhớ chị gì đó ở ngoài Bắc đó”. Nó gãi đầu loạt xoạt: “Tầm bậy. Đó là nhớ bạn bè nói chung” – “Thì đây cũng bạn bè chớ bộ”.
Hai đứa tự nhiên nín thinh. Một lát Lam e dè: “Ly đang có chuyện buồn phải không? – “Sao biết?” – “Thì đoán” – “Xạo. Con Xuyến nói cho anh biết chớ gì?” – “Không có tại Lam thấy Ly học kém đi, vô lớp ít nói chuyện hẳn. Đến cô chủ nhiệm cũng phải bảo Lam đến hỏi xem Ly có cần giúp gì không?” “Bộ hồi giờ trong lớp tui nhiều chuyện lắm à?” – Tôi hỏi giỡn không ngờ nó đáp tỉnh rụi: “Cũng gần thế. Nhất là cái hồi cãi nhau với Lam”. Tôi cáu kỉnh: “Tại ngồi gần ông tui mới đáng ghét vậy”. Nó vội quẳng cho tôi một cái phao an ủi: “Đâu có, dễ thương chớ. Vui hơn giờ nhiều” – “Xạo” – “Thật. Kiếm người để tranh luận ngang ngửa khó lắm. Nhất là người khi khí thông minh” – “Thôi đừng cho tui đi tàu bay giấy, té lộn cổ giờ” – “Thì có người đỡ lo gì” – “Ai?” – “Cứ biết là có người đỡ đi”. Nhìn mặt nó hài hước tôi phát bật cười. Thấy nhẹ nhõm hẳn.
“Nè nói thật đi. Ly không sao chớ?” – “Buổi trưa hổng có sao. Tối mới có” – “Vậy thôi về”. Lam nhỏm dậy. Tôi sợ mình lại đùa quá trớn nên cầu hòa: “Đùa thôi, ngồi chơi chút đã. Tự ba mẹ Ly đòi chia tay”. Tôi nói nhanh và trơn tru gần như không có cảm giác vì nó được lặp đi lặp lại trong đầu, trên miệng quá nhiều lần.
“Họ có hỏi ý kiến của Ly không?” – “Chưa thấy” – “Vậy là chưa có gì nghiêm trọng đâu”. Nó cầm tay tôi siết nhè nhẹ. Cái siết tay làm tôi bình tĩnh khủng khiếp.
Trường tổ chức thi đá banh. Trận khai mạc lớp tôi đấu với 10A5. Xuyến kéo tôi đi bằng được, mặc kệ lớp học thêm có ba đứa chiều nay chỉ còn lại một với ông giáo già dạy Pháp văn lọm khọm.
Mới hơn một giờ tụi nó đã dến đầy sân banh, quây thành từng tốp dưới bóng cây lớn. Vừa nhác thấy tôi Nguyệt voi réo: “Ly, Ly. Lớp mình đang thiếu cầu thủ dự bị, bồ tóc ngắn vô thế một chỗ nha?” – “Ừa. OK liền”. Cả bọn cười lao nhao. Nhìn tôi thân thiện. Kể từ hôm biết ba mẹ tôi sắp chia tay, bọn nó lúc nào cũng tìm kiếm cách để cho tôi vui, hoặc an ủi bằng những câu nói tưởng như rất vu vơ. Ôi các bạn của tôi!
Một đứa hỏi nhóng lên: “Ai làm trung phong?” – “Thằng Lam. Nghe bảo nó chì lắm!” Tôi chép miệng. Không biết ông tướng có làm gì được không chớ công tử thường chạy hai ba bước là mệt phờ râu, lết còn chưa nổi chớ đòi chạy theo banh.
Trời nắng như đổ lửa. Bóng cây không che đủ chỗ tôi ngồi, nắng táp vào mặt bỏng rát.
Ra quân. Tôi không ngờ Lam mặc bộ đồ đá banh lại ra dáng thể thao đến thế. Chân dài, nó chạy rất nhanh. Mới đây mà đã thoắt biến tận cầu môn của đối thủ. Tụi con gái xầm xì “Thằng Lam đẹp trai thiệt” giúi đầu vào nhau cười và hét to khi bóng vào chân Lam “Lam, Lam cố lên. Cố lên. Vô đi Lam”. Tôi tưởng như Lam đang là vị cứu tinh của trận đấu, mặc dù nó chưa sút vô được trái nào.
Trống và các thùng sắt thiếc đập vào nhau ầm ầm. Giọng thằng Tuấn bên A3 cất lên ồm ồm: “Các anh có ý kiến thế nào về trận đấu? Quá tuyệt vời, quá tuyệt vời phải không thưa các bạn? Hiện nay bóng đang ở trong chân của tuyển thủ A1 Nguyễn Hoàng Lam”. Bọn con gái vỗ tay ầm ĩ. “Vâng, Lam là một cầu thủ bảnh bao, đẹp mã, hiện anh đang hết sức phấn khích vì có bao nhiêu holigan nữ ủng hộ cho anh. Banh vẫn đang ở trong chân Lam từ từ tiến vào vòng 16m50. Anh đã qua một… hai… ba… hậu vệ đối phương. Thật hồi hộp. có vào không? Trời ơi thằng khỉ! Qua trái, qua trái một chút. Vô… vô… vô”. Cả sân banh nhảy dựng lên, rộn rã “Ua… ua…” – “Thưa các bạn, trận đấu lại được tiếp tục sau khi thủ môn Phương kều vô lưới chụp banh. Nhiệt độ trên sân là 32o cộng với 5,5o C quá nhiệt tình của các ủng hộ viên. Nhiều holigan đã bắt đầu than mệt và khát nước… Chúng tôi đang truyền hình trực tiếp trận đá banh giữa hai đội tuyển…”
Dầu tôi nhức như búa bổ. Mắt hoa lên mòng mòng. Có khi tôi bị cảm nắng mất rồi.
Trời bỗng nhiên sụp xuống và mưa rất nhanh. Càng ngày càng to. Trắng xóa sân cỏ. Trận đấu bỏ dở khi tỉ số 1-0 vẫn nghiêng về lớp tôi.
Tôi đứng mé ngoài hiên, mưa táp vô lạnh buốt, kéo theo từng đợt rùng mình dợn da gà. Lam ở đâu chạy tới, ướt nhẹp từ chân lên đầu giúi vào tay tôi trái bắp nướng nóng hổi: “Ăn đi cho ấm” – “Ở đâu vậy?” – “Ngoài cổng”. Lam nháy mắt rồi hớt hải: “Ly lạnh?” – “Hình như không. Chỉ chóng mặt…” Trái bắp tuột khỏi tay. Tôi thấy những hình tròn xanh đỏ chạy vòng vòng, tiếng lao xao và tôi bước hụt xuống một cái hố đen ngòm. Tôi không biết gì nữa cả.
Tôi giật nảy mình, chỉ được bàn tay ấm sực của ai đó và chậm chạp mở mắt. Tay của Lam đang nằm trong tay tôi, mặt nó đầy lo lắng. Mẹ tôi và chị Lương đứng bên cạnh ướt nhòe mắt. Tôi nhìn quanh quất: “Đâu vậy?” – “Nhà Ly chớ đâu?” – “À. Ngoài kia ngớt mưa chưa?” Tôi từ từ nhớ lại mọi chuyện. “Tạnh rồi. Mưa chút xíu à”. Tôi lại nhìn chăm chú từng gương mặt: Mẹ, chị Lương, Lam, Xuyến, Phan, Nhật… đầy đủ cả, đang ướt mem vì mưa. Nhưng vẫn còn thiếu một gương mặt rất đỗi thân yêu và hiền từ. Ba! Ba!
Tôi yêu cầu: “mẹ, mẹ kêu ba về với Út nghen mẹ!” – “Ờ, ờ - mẹ bối rối – Được rồi, mẹ sẽ kêu… Giờ con ráng nhắm mắt ngủ chút xíu đi”. Tôi gượng gạo cảm ơn tất cả. Quay mặt vô tường, nước mắt tôi lặng lẽ chảy dài dưới gối làm tôi vô cùng khó khăn khi kìm tiếng nấc.
Mẹ vẫn nghĩ rằng tôi chưa biết gì cả.