Bữa cơm cuối cùng đầy đủ thế là lâu rồi. Bây giờ chỉ có ba mẹ con trong căn nhà rộng. Ba thỉnh thoảng mới ghé về nhà, cho tôi quà xong lại đi ngay. Vội vàng như sợ không kịp thời gian. Chú Biên lại đứng ngoài cửa bấm còi tin tin, lại hỏi câu hỏi muôn năm cũ: “Bé vui khỏe chứ bé?” mà không để ý mặt tôi đang xị ra.
Có con gì ướt nhẹp bò lên chân. Tôi giựt thột. A, Mực! Tội nghiệp mày, bị bỏ đói à? Nào đi theo tao. Tao sẽ ráng kiếm cho mày một chút gì đó lót bụng nha. Rồi đợi mẹ về tụi mình sẽ đánh chén no nê.
Tôi mở tủ lạnh, lục chạn chén bát. Trống rỗng. Tôi đưa tay lên nóc tủ lạnh lấy một hộp thiếc bự nhất. Hà, hy vọng trong này còn nhiều bánh bích quy, món ăn khoái khẩu ngoài sức tưởng tượng của con Mực. Hôm nay thứ bảy mày sẽ được xơi một bữa ra trò Mực ạ.
Một tờ giấy gấp tư từ nóc tủ bay xuống đất. Tôi lượm lên, thấy vẫn còn luộm nhuộm vết mỡ, một vài chỗ phủ bụi mờ mờ. Tôi giở ra đọc, lướt qua những dòng chữ gạch xóa nhằng nhịt. Tôi nghĩ mình đã hoa mắt nên mở tủ uống một cốc nước lạnh rồi mới định thần đọc lại. Không tôi không lầm. Đây chính là bản nháp đơn xin ly hôn của ba mẹ tôi. Với một lý do vô cùng đơn giản: Không hợp nhau.
Tôi ngồi bẹt xuống đất. Hộp bánh hộp bánh tuột khỏi tay bung nắp, bánh đổ tung tóe. Tôi nhìn như nuốt chửng tờ giấy, hoàn toàn không để ý đến con Mực đang hết nhìn tôi lại nhìn đống bánh, dãi dớt lòng thòng. Đau đớn và thất vọng, mắt tôi bỏng rát. Ba mẹ đã lừa dối tôi. Chị Lương đã nói dối tôi. Tôi có còn là con nhóc nữa đâu. Tôi đã lớn rồi, tôi đã hiểu nhiều điều rồi, sao còn giấu tôi.
Con Mực áp mặt nóng hổi vào má tôi. Tôi cay đắng: “Chỉ có mỗi mày là hiểu tao. Ai cũng cho tao là một con ngốc. Họ coi thường tao”. Tôi chậm chạp dọn dẹp mọi thứ, chậm chạp khép cửa và chậm chạp chui vô giường. Tôi không muốn gặp mặt mẹ, ít nhất là trong lúc này.
Đồng hồ điểm chín tiếng. Tôi dỏng tai nghe tiếng mở cửa, tiếng con Mực rên ư ử và tiếng thì thào thẽ thọt của chị Lương. Tôi nghe thấy tất cả nhưng không muốn trở dậy.
Mẹ nhẹ nhàng đi vào phòng, khẽ mở mùng và nhìn tôi hồi lâu. Mẹ tưởng tôi đã ngủ nên chỉ hôn nhẹ vô trán tôi và âu yếm: “ Tội nghiệp con của mẹ lần nào ngủ cũng quên tắt đèn”. Mẹ tấn kỹ mùng rồi bỏ ra. Tôi vùi đầu vào gối. Không nín được, tôi bật khóc.
Tôi dậy rất sớm, rón rén ra mở cửa. Chị Lương và mẹ vẫn không hay biết. Hôm nay tôi lại trở thành cậu bé gái. Tôi đánh cái quần jean, áo tắng phong phanh, túi xách tòng teng trên vai. Tôi trèo lên xe lang thang qua các phố.
Đường phố vắng tanh. Trời ửng hồng, lơ lửng mảnh trăng khuyết đêm qua bỏ quên bạc thếch trên đỉnh đầu. Cây cối sau mọt đêm ngủ dài trở nên bóng mướt. Một người đàn bà ôm giỏ ngồi trên ghế đợi xe lam, nhìn tôi tò mò, mặt tôi hốc hác vì thiếu ngủ, đuỗn ra phờ phạc.
Cô giám thị đứng sững trước mặt: “Hôm nay em ăn mặc lạ thế?” Tôi nghẹn giọng: “Dạ nhà em có chuyện”. Cô nhìn tôi từ đầu đến chân rồi từ chân lên đầu như nhìn người hành tinh lạ, giọng thông cảm: “Thôi được lần này tôi tha – và e hèm – Hừm, lầm sau bất cứ lý do gì cũng không được chấp thuận. Nghe chưa?”
Lớp ồn ào tiếng cười nói. Phan túm tay tôi, rối rít chỉ lên bảng: “Bé trai thấy gì không?” (Phan học chung cấp hai với tôi và là người duy nhất kéo lê cái biệt hiệu khốn khổ của tôi từ đó đến giờ). Trên bảng dán một tờ giấy trắng vẽ nguệch ngoạc người đàn bà và người đàn ông nắm tay nhau, ở giữa có quả tim xẹo xọ bằng mực đen: “Biết cái gì không? Đố vui của SV’96 đó. Cho bà một phút suy nghĩ”. Luận đứng chống tay chờ đợi. Tôi trả lời như một cái máy: “Hạnh phúc gia đình”. Phan cười hềnh hệch: “Hổng dám đâu bé trai. Là Lam và Như Oanh đi dạo trong công viên chiều chủ nhật đó!” Lớp nháo nhào phản ứng. Như Oanh cúi gằm mặt không phản ứng.
Tôi quay mặt đi. Tôi thấy mấy trò ghép đôi này thật nhảm nhí, ngớ ngẩn. Tôi lại sực nhớ có một lúc ba mẹ tôi đã thật sự hạnh phúc như tấm hình đó.
Lớp bỗng lộn xộn. Lam chạy huỳnh huỵch lên bảng giật tờ giấy xé tan. Nó hằm hằm như muốn ăn tươi nuốt sống thằng Phan. Nó đang há mồm lắp bắp: “Tao chỉ đùa. Thiệt mà…” Bọn con gái ầm ĩ đẩy Lam ra. Mặt nó vẫn nặng trịch. Tôi nói với Lam: “Có thiệt người ta mới làm dữ vậy. Chớ mắc gì…” Nó trừng mắt nhìn tôi tóc dựng đứng rồi đột nhiên xuôi xị, lủi thủi về chỗ.
Tôi muốn khóc.
Tôi không nghe thấy tiếng giảng bài. Tôi ngồi lẩn thẩn nghĩ lại hồi còn bé. Tôi vẽ chân dung ba, chân dung mẹ, chân dung chị Lương và tôi bằng màu nước mà nếu không đọc phụ đề thì không nhận ra ai được. Ba lồng tất cả trong một khung kiếng rồi trịnh trọng treo ở phòng khách. Mỗi ngày đi qua tôi lại nhìn lên đó, lại đem mình so sánh với Trúc và thấy sướng nhất vẫn là tôi. Một thời gian sau bức tranh bị gỡ ra để treo một tấm tranh phong cảnh to đẹp của nước ngoài.
Bức tranh gia đình của tôi bây giờ ở đâu nhỉ?
“Ly, Ly”. Bức tranh ấy đâu nhỉ? “Không, tôi không biết”. Tôi lẩm bẩm. “Ly sao vậy? Đứng lên chào cô kìa”. Tôi uể oải đứng dậy, sực nhớ sau nhiều lần chuyển nhà bức tranh đã bị bỏ quên ở đâu đó trong một góc tối ẩm mốc.
Tôi nằm xoài ra áp má vào mặt bàn mát lạnh. Nguyệt voi ghé bên cạnh bảo: “Bữa qua coi tivi đài Sông Bé không? Phim “Người nơi biên giới” hay hé – Nó thất vọng – Không coi à? Uổng. Nguyệt mê Lê Minh dễ sợ”. Xong thỏ thẻ: “Tối qua tụi nó thấy Lam chở Như Oanh đi chơi. Ghê chưa?” Tôi bảo tôi không thấy gì ghê cả. Nhưng khi nhìn xuống chỗ Lam, tôi nhồn nhột.
Tôi muốn khóc.
Lam nhận ra tôi đang ngó nó. Nhưng lúc này tôi đã không còn thấy Lam nữa, ngoài mảng tường vẽ hình cái lá sau lưng nó. Lam đi lên, thọc tay trong túi, nghênh ngáo rút bịch ô mai cho tôi và phân trần: “Tối qua Như Oanh không có xe phải nhờ Lam chở đi học. Hai đứa học thêm chung lớp”. Chẳng có gì để nói cả nhưng tôi cũng bảo: “Thế à?” Lam phật ý: “Thế đây!” – “Vậy cũng tốt. Lâu lâu làm việc thiện hén”. Chưa nghe xong hết câu Lam cau mặt bỏ đi.
Ba mẹ hay cãi nhau về một cô gái trẻ nào đó mà không muốn cho tôi biết. Cãi nhau rất lịch sự và nhỏ nhẹ nhưng cuối cùng là chia tay. Tại sao tôi không hề biết, không nhận ra chuyện ấy từ sớm? Tôi thật ngốc ngếch. Giá như mỗi người nhường một ít, chắc khác.
Nhưng họ đang đòi chia tay.
Tôi cúi gằm mặt. Tôi khóc.