Người đàn ông dừng lại bên bờ nước, vẩy tay cười nhìn bóng dáng bé bỏng của đứa cháu nội, tay bở ngở chiếc cần câu, e dè ngồi bên bố đang chèo chiếc xuồng độc mộc đi tìm chổ câu cá. Ðã nhiều năm vào mỗi mùa hè, cha con ông vẫn thường tìm lên vùng biên hồ này một đôi tuần như nơi nghĩ mát hàng năm. Năm nay là lần đầu tiên đứa cháu nội vừa lên sáu của ông được “go fishing up North”. Ông vui hơn vì có thêm đứa cháu nhỏ chuyện trò và hình như mỗi năm ông càng xao xuyến hơn với những buổi chiều trên biên hồ. Trong ráng chiều đỏ ối rười rượi cơn gió bát ngát đi về, mặt trời im lìm khuất bóng lặng lẽ mà bồn chồn như vết tàn phai của ý nghĩ lao lung về một khung trời mộng cũ, mang mang châu thổ vang vọng triều dâng.
Chiếc xuồng đã chèo xa khuất tầm nhìn mà đâu đó còn vọng lại tiếng cười lãng đãng bay trong chiều bát ngát vương trên mặt hồ bập bềnh hoa súng như những nụ đèn chờ thắp hoàng hôn. Hoa súng vàng điểm xuyết lên từng từng thảm xanh lục bình tự tại nổi trôi vào ngút đuối mắt nhìn. Màu lam tím của hoa bèo níu sa xuống mây chiều rồi lan xa vào vô tưởng chân trời giờ đây như tràn ngập tiếng reo cười, âm vọng thanh xuân. Phải chăng là tiếng cười trẻ thơ của đứa cháu vừa câu được con cá đầu tiên trong đời hay chính tiếng mình buổi thanh xuân trên quê hương một thuở lớn lên…
Giòng nước bạc giòng sông trôi theo dõị
Cuối chân trời hình bóng một chân mâỵ
Ðời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lạị
Giữa hư vô em giữ nhé chừng nàỵ..
(Bùi Giáng)
Tìm xưa châu thổ. Xốn xang lòng ông hình ảnh con tàu chập chùng đêm Cửu Long văng vẳng điệu buồn phương Nam trải trang lời kinh sấm giảng ru ấm hồn người. Nhắm mắt lại, trải hồn ra, để thấy mình nằm trên khoang đò dõi mắt về phố bến huyền hoặc ánh đèn. Trên dòng Tiền Giang, tàu chạy qua Bắc Mỹ Tho, thành phố nửa đêm về sáng đẹp lạ lùng. Hay theo chuyến tàu sớm khởi hành từ Kinh Ông Chưởng để về Long Xuyên cho kịp phiên chợ. Thuyền đò san sát trên bến sông. Hãy vào một quán chợ kêu ly xây chừng, lòng sảng khoái mồi điếu thuốc đầu ngày.Hay dẫn đoàn tàu từ Phong Phú về, hung hãn phóng nhanh cho kịp buổi nhậu. Thành phố Cần Thơ vừa lên đèn, bến Ninh Kiều quyến rũ như cô gái Nha Mân ngồi hong mái tóc dài thoang thoảng hương chanh.
Dòng kinh chảy sâu vào trong bao la của trời đất hình như đã mang đủ chiều dài cho gió thênh thang. Tàu chạy hết ngày vào tới đêm. Chạy hết chiều dài của dòng kinh để thấy mình nhỏ nhoi giữa trời khuya mênh mông. Bỏ lại sau lưng bến đò An Long, hắt hiu ngọn đèn vàng, buồn như lòng cô chủ quán đã tàn xuân. Con tàu vẫn chạỵ Giữa vàm sông rộng, tiếng máy trầm đều ngái ngủ. Tàu ghé qua Vàm Láng, quán nửa khuya thao thức ánh đèn rọi xuống mặt sông lao xao. Xa xa ngọn tháp cao nhà thờ trên Cù Lao Giêng chênh vênh mơ hồ trong ánh trăng. Tàu chạy sâu hút vào nửa đêm về sáng. Con lộ giới nghiêm im vắng trải dài qua Cái Dầu nằm say ngủ dưới ánh đèn đường vàng vọt. Mờ ảo trong ánh sáng đầu ngày, chuyến tàu chợ sớm từ Tân Châu về Châu Ðốc xao xác tiếng người …
Từ bến bắc Cao Lãnh lên tàu theo con nước xuôi về Chợ Mới, chưa hết phiền hà vì sự chật chội nóng nực của hơn nửa ngày xe đo, lòng chợt mát rượi như vừa được uống miếng nước mưa giữa buổi trưa hè. Cái cù lao nhỏ nhoi mà ân cần như ốc đảo giữa sa mạc. Rừng cây xanh bao kín cù lao chỉ chừa khoảng trống vừa đủ cho con kinh nhỏ theo vào. Dòng nước trong và êm tưởng chừng như chỉ những giọt nước hiền mới được phép quây quần. Ngay khoảng trống đó là cánh cửa vô hình, ranh giới giữa cuồng nộ và yên bình. Bên trong, khung cảnh mở ra đẹp như một vùng chiêm bao. Hàng cây hai bên con đường nước châu đầu trò chuyện, cành lá đan vào nhau làm những miếng nắng phải len lỏi mãi mới sa xuống được mặt nước mát. Tàu trôi dưới vòm câỵ Tâm hồn nhẹ nhàng tưởng như đang chậm bước trong một giáo đường thênh thang. Những ngôi nhà nền đắp cao mái ngói đài các ẩn hiện sau những lùm điên điển lấm tấm hoa vàng. Nối liền mỗi nhà với con kinh là mương nước rộng, xuồng lớn có thể chèo vào tận đến đầu hiên nhà.
Cao Lãnh. Chữ nghĩa người xưa giờ sao nghe đắng caỵ Ước mơ lớn lao của ông Tổng Ðốc, lãnh mệnh Chúa phái vào sâu trong đất Nam Ky giữa vùng nước thấp mênh mông tràm đước để mở mang bờ cõi, đã thể hiện qua những địa danh đẹp như Mỹ An, Mỹ Phước, Phước Xuyên... Có lẽ giữa cảnh trời nước mênh mông nhớ người còn ở lại đất Thần Kinh, ông quan trẻ trong giây phút lãng mạng đã lấy tên vợ Vĩnh Tế để gọi một dòng kinh mới. Và lạ chưa, có một buổi chiều gió Tịnh Biên rợp vàng trí nhớ, rượu uống ngà ngà say, đứng bên dòng Vĩnh Tế dõi mắt về phương xa nhớ thương ngày cuối biển. Dòng nước cưu mang nỗi lòng Thất Sơn, Hồng Ngự chảy qua vùng đất Giang Thành qua miệt Hà Tiên rồi đổ vào biển rộng. Ðứng đó bên bờ kinh nhỏ sao nghe lòng mình xôn xao tiếng sóng.
Ngược hướng Tịnh Biên, bóng mây không che được dáng núi Thất Sơn, kiêu bạc quàng vai dãi lụa sầu châu thổ. Giòng nước lung lay soi bóng người, bóng thời gian lẩn khuất không trôi. Ông quan trẻ lãnh mệnh Vua đi mở nước, từ hơn trăm năm trước từ giã đất Thần Kinh tìm đến miền ba-sông-bảy-núi xa vời đất khách. Người đã đến từ một cuối biển Ðông xa hay phải lặn lội qua đôi lần sông mênh mông sau trước? Ðỉnh núi nào người xưa đã đứng vọng một tiền đồ rồi mường tượng tới giòng kinh nối biển? Giòng sông đào như dải ruột mềm trang trãi tấm lòng quân tử vua tôi, man mác nghĩa phu thệ Thoại Hà, giòng sông đào vua ban cho tên gọi, đầm đìa nỗi lòng Vĩnh Tế, đã cưu mang từng giọt phù sa nặng lòng châu thổ đến tận bờ nước Hà Tiên.
Con người trên những dòng sông. Truyền kiếp. Núi biển chia lìa từ thuở khói sóng hồng hoang mơ hồ thanh sử. Những dòng sông chẳng hề gặp nhau, lận đận gian nan như đường chỉ tay in hằn số phận. Những dòng sông cắt chia nhiều nhánh cho nước nguồn bơ vơ biển lớn. Những dòng sông cố gắng giải thông lời nguyền khắt khe buổi đầu dựng nước. Dòng sông chảy ngang chia cắt lòng người, đầm đìa giọt mồ hôi từ đá sỏi nghìn xưa. Con người nổi trôi theo định mệnh u hoài của dòng sông muôn đời gắng công nối liền biển núi. Người xưa. Cơ đồ. Mệnh nước. Một thuở biên cương. Trăm năm sau, cõi giang biên âu sầu muối mặt, bơ phờ cơn gió tai ương. Ta đã đôi lần từ biển đến, lòng lú lấp phiền hà rồi say khướt biếng lười đâu đó cuối giòng để bây giờ, hồn nặng vàm sông bến nước, đứng bên giòng kinh biên giới, tần ngần về một nửa ngày sông. Và cả một đời mình. Phải chăng chỉ để tròn một bước chân vô ích mà lòng thì vẫn quằn nặng ưu tư giấc mộng không thành?
Ðôi khi muốn quay về, ngồi yên dưới hiên nhà…
(TCS)
Người đàn ông trở về lều nhóm lửa pha cho mình ly trà nóng. Buổi chiều biên hồ êm ả như ru. Bầy vịt trời nô đùa trên mặt hồ làm đong đưa những cánh hoa súng như từng miếng nắng nhỏ lung linh rồi soải cánh theo nhau bay về phía ráng chiều lướt thướt những sợi mây hồng. Nơi nào là quê-nhà cho một kiếp thiên di khi vùng nước sẽ đóng thành băng khi mùa đông tới? Ông đã nổi trôi đắm chìm trên giòng sông đời mình. Làm thân tàu trôi xa khỏi vịnh biển êm đềm, lênh đênh trên khắp cùng sông biển quê hương, để rồi sống cuộc lưu cư suốt kiếp đời còn lại mà lòng thì mãi nhớ về giòng sông nhỏ quê nhà.
Ba mươi hai năm. Giòng nước sông Thu Bồn một cuối tháng Ba đã đẩy đời người trôi tuốt khơi xa, vào cuộc truân chuyên. Xa rồi đêm trăng Thuận Tình mờ mờ cát vàng Xuyên Thọ. Vùng đầm sông nối biển, trộn nước nguồn Ô Lâu-Thu Bồn-Ðế Võng với nước biển Ðông là dấu mốc oan khiên mặn xát hồn lưu xứ. Nhìn bầy lục bình giạt trôi trên mặt hồ bát ngát, lòng chợt bồn chồn câu hát cũ, quay về, yên ổn, hiên nhà. Tiếng vịt gọi bầy lãng đãng gần xa, âm vọng mơ hồ một bến bờ để dừng đôi cánh mỏi. Tiếng reo cười của đứa cháu nội rõ dần theo bóng dáng chiếc xuồng đang lách qua từng mảng lục bình chèo về phía lều nơi bếp lữa đang bập bùng. Quê nhà. Ra đi. Trở về. Cữu Long. Mississippi. Ông cười với cháu nội khi đở xâu cá trên tay đứa bé. Bếp lữa đầu sông Mississippi sẽ nấu chín con cá đầu tiên cháu ông câu được. Ông vui lòng nhủ thầm.