Tìm Lại Cái Tôi Đã Mất

Quả Cân Vui Vẻ Đối Xử Tốt Với Bản Thân: Buông Tha Bản Thân

| CHẤM DỨT TRÒ CHƠI TỰ GIÀY VÒ BẢN THÂN

Một lần, mấy người bạn thân chúng tôi tụ tập trong quán bar, một cậu bạn hẹn vợ 12 giờ sẽ có mặt ở nhà, nào ngờ uống quá hăng, chẳng mấy chốc đã đến 2 giờ đêm.

Bỗng nhiên, cậu ấy nhớ ra chuyện đã hứa với vợ, liền vội vàng về nhà. Cậu ấy về đến nhà, ấn chuông mãi cũng không có người mở cửa, điện thoại bàn cũng không có người nghe.

Cậu ấy cuống lên, từ trước tới nay cậu ấy rất nghe lời vợ, bảy năm kết hôn, rất ít khi về nhà muộn như thế này. Cậu ấy nghĩ nhất định là vợ giận mình.

Cậu ấy khóc lóc nhắn tin cho vợ: “Vợ à, anh sai rồi, hãy tha lỗi cho anh, anh xin lỗi em.” “Vợ à, sau này anh sẽ nghe lời em, buổi tối em bảo anh về nhà lúc mấy giờ anh sẽ về lúc ấy, mở cửa cho anh đi…” Chờ mãi vợ vẫn không mở cửa, cũng không có phản ứng gì. Cậu ấy nghĩ lần này thì xong rồi, xem ra vợ giận mình thật.

Cậu ấy tự giày vò bản thân ở cửa đến lúc trời gần sáng, vợ mới ra mở cửa. Vợ nhìn thấy cậu ấy thê thảm quỳ trước cửa, liền hỏi: “Anh làm sao vậy? Về nhà lúc mấy giờ? Em tưởng anh không về nên đi ngủ trước.”

Nếu một lúc nào đó, chúng ta không nhận được câu trả lời chính xác, rõ ràng của đối phương thì sẽ bắt đầu căn cứ vào cách hiểu của mình, kịch tính hóa ý đồ và hành vi của đối phương ở trong đầu mình. Giống như người bạn của tôi, khi không nhận được thái độ rõ ràng của vợ với việc mình về nhà muộn, suy nghĩ của anh ta bắt đầu luẩn quẩn tìm kiếm câu trả lời trong kinh nghiệm sống chung của hai vợ chồng trước đây, kịch tính hóa mọi chuyện, cuối cùng khiến bản thân trở nên vô cùng thê thảm. Những lúc như thế, nhất định chúng ta không thể tưởng tượng được tư tưởng của mình đang cười thầm. Nó đắc chí vì nó chỉ phun ra mấy cái bong bóng tư tưởng mà đã có thể ảnh hưởng tới chúng ta lớn đến vậy.

Qua chuyện này, không khó để nhận ra, từ khoảnh khắc đau khổ và phiền não bắt đầu, sự việc đã trở thành trò chơi độc diễn cho chính chúng ta làm chủ trò. Chúng ta dùng tư tưởng của mình, viết ra tình tiết có thể giày vò bản thân, tạo ra hình tượng vô tội, đáng thương, bi thảm cho mình. Nếu đã là đau khổ và phiền não, vậy thì vì sao chúng ta vẫn phải tiếp tục? Vì sao không thể chấm dứt nó? Thực ra, đau khổ và phiền não cũng đang thỏa mãn nhu cầu nào đó của chúng ta.

Căn nguyên của đau khổ nằm ở chỗ chúng ta cố chấp hưởng thụ niềm vui giả tạo. Chúng ta luôn hi vọng thông qua tư tưởng của mình kịch tính hóa sự việc, bù đắp sơ suất của bản thân hoặc chứng minh bản thân là đúng. Sở dĩ chúng ta không thể thoát khỏi đau khổ và phiền muộn chính là bởi vì chúng ta đang tìm kiếm niềm vui giả tạo có thể mua vui cho mình.

Tư tưởng tạo ra tình thế khốn cùng cho chúng ta không dễ bị phát hiện như sự vật bên ngoài tạo ra đau khổ cho chúng ta. Ví dụ, khi bị kim châm, chúng ta biết cái kim mang lại cảm giác đau khổ cho chúng ta, nhưng chúng ta lại không dễ dàng nhìn thấy tư tưởng nào tạo ra thế khốn cùng cho chúng ta. Thế là chúng ta coi những sự vật liên quan là căn nguyên của mọi khổ đau, vì thế khi chúng ta đau khổ, lúc nào cũng hi vọng bản thân có thể thay đổi sự vậy bên ngoài chứ không nhìn rõ xem bên trong mình đã có những thay đổi nào.

Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta hãy cố “không thấy quan tài không rơi lệ”, “không nhìn thấy thỏ không thả đại bàng”, kiên quyết cự tuyệt việc bị tư tưởng dắt mũi, để bộ não chấm dứt việc không ngừng kịch tính hóa mọi chuyện. Chúng ta phải siết chặt sợi dây cương của tư tưởng, nhìn rõ sự thật lúc ấy, tránh được tình thế khốn cùng mà tư tưởng tạo ra cho chúng ta, tránh giày vò bản thân trong đau khổ.

| KHÔNG LÀM CHIẾC THÙNG TÍCH TRỮ RÁC

Câu lạc bộ thể thao mà Thi, cô bạn tôi tham gia, có một người rất đáng ghét. Sở dĩ mọi người ghét anh ta như vậy là bởi vì phần lớn các cô gái trong câu lạc bộ đều từng bị anh ta quấy rối. Anh ta cũng đã từng định ra tay với Thi, mặc dù không thành công nhưng chuyện này khiến Thi không thể yên lòng.

Một hôm, trong lúc trò chuyện, Thi có nhắc tới anh chàng này, hi vọng mọi người nghĩ cách giúp cô ấy trừng phạt hắn.

Lúc ấy, mọi người đều thỏa sức phát huy trí tưởng tượng của mình, thi nhau hiến kế cho Thi. Có người nói làm xước xe của hắn; có người nói in số điện thoại của hắn lên danh thiếp, viết thêm “cung cấp dịch vụ đặc biệt”, sau đó phát khắp mọi ngõ ngách; có người nói tung ảnh của hắn lên mạng xã hội; còn có người nói gửi cho hắn một gói quà, bên trong đặt máy hẹn giờ dọa hắn. Mọi người mỗi người một câu, thật đúng là không thiếu cách nào.

Tôi nói: “Đây đâu phải là trừng phạt hắn? Chính là trừng phạt chính chúng ta. Chúng ta vì muốn thay đổi hắn mà tốn nhiều tinh thần và sức lực như vậy, sau đó vẫn cứ là lo lắng khiếp sợ. Đây chính là tự làm khổ mình. Chúng ta làm bất cứ việc gì với hắn đều không có ý nghĩa gì cả. Đối với loại người như thế, cách trừng phạt tốt nhất chính là mặc kệ hắn”.

Hầu như ai trong số chúng ta cũng từng gặp phải những chuyện khiến bản thân phải suy nghĩ không yên. Ví dụ, cấp trên vì không muốn mất chức mà đổ mọi tội lỗi lên đầu bạn, bạn trở thành bia đỡ đạn thay cho anh ta; công việc ngoài xã hội của bạn vô cùng vất vả, còn phải chăm sóc con cái, nhưng chồng lại ngoại tình; bạn dặn bạn bè hết lần này đến lần khác giữ bí mật giúp mình, nhưng chẳng bao lâu bạn phát hiện tất cả người thân quen đều biết bí mật này…

Kể từ khoảnh khắc bắt đầu xảy ra, những chuyện này đã ghim chặt trong tim chúng ta, khiến chúng ta không thể quên được. Đến tận hôm nay, nỗi oán hận ấy vẫn không hề vơi đi. Thực ra, nỗi đau đớn, sự tổn thương đã kết thúc từ khi nó bắt đầu. Hôm nay, chúng ta vẫn đau khổ và oán hận, là bởi vì chúng ta đang dùng tư tưởng của mình để kịch tính hóa những chuyện ấy một cách không ngừng nghỉ, khiến chúng như tấn bi kịch cứ diễn đi diễn lại trong đầu chúng ta, không những thế còn kéo dài từ tập này sang tập khác.

Chúng ta không ý thức được rằng những thứ gửi gắm trong tim cần tồn tại bằng cách không ngừng hao tổn sức lực của trái tim chúng ta. Chính là chúng ta chứ không phải ai khác, không ngừng tiếp sức cho chúng, để chúng giày vò bản thân, trừng phạt bản thân. Chúng ta tiêu hao rất nhiều sức lực của mình vào những chuyện vô nghĩa này.

Chúng ta gánh những nỗi đau khổ này rất nhiều năm rồi nhưng lại không hiểu vì sao không thể đặt xuống. Điều này giống như chúng ta vác một cái túi rất nặng, khổ sở bước lên phía trước, mệt tới mức đầm đìa mồ hôi, hai chân mềm nhũn, hai vai đau nhức, thở chẳng ra hơi. Chúng ta gào thét: “Không được rồi, tôi sắp chết vì mệt rồi, đau quá!” nhưng lại không ý thức được rằng chỉ cần vứt cái túi ấy đi là sẽ được giải thoát, càng không ý thức được rằng, là bản thân chúng ta cứ đòi vác cái túi ấy. Bởi vì trừ phi bản thân chúng ta mong muốn, nếu không, không ai có thể đặt cái túi ấy lên vai chúng ta.

Hãy hỏi bản thân, mang theo những đau đớn ấy đến tận hôm nay, chúng ta đã thay đổi được điều gì? Chúng ta không thay đổi gì cả. Khi chúng ta nghiêm túc nhìn nhận những việc mình cố chấp làm, sẽ phát hiện bản thân không biết mình muốn kết quả như thế nào. Thực ra, không hề có kết quả, chỉ là chúng ta đang làm khó bản thân, chỉ là đang lãng phí năng lượng của mình. Những đau khổ này khiến chúng ta biến thành một người thích kêu than. Ngoài điều đó ra, chúng ta không có bất kì thay đổi nào.

Mặc dù, chúng ta canh cánh trong lòng những chuyện đã qua, nhưng những người đã từng nảy sinh xung đột với chúng ta, có lẽ đã quên sạch những chuyện này rồi.

Cách đây không lâu, tôi gặp một người bạn rất thân hồi cấp ba. Cậu ấy nhắc tới một lần tranh cãi kịch liệt giữa hai chúng tôi. Hai thằng đều đã ra tay rất mạnh, cậu ấy đã xé rách rất nhiều sách vở của tôi, còn tôi thì cào xước mũi cậu ấy. Vì lần tranh cãi ấy, suốt một tháng sau chúng tôi không nhìn mặt nhau.

Tôi chỉ có chút ấn tượng mơ hồ về lần tranh cãi mà cậu ấy miêu tả. Nếu cậu ấy không nhắc thì tôi cũng quên khuấy. Nhưng cậu ấy lại nhớ rất rõ.

Vì sao chúng ta cảm thấy có một số chuyện ở ngay trước mắt còn người khác lại không có chút ấn tượng nào? Điều đó chỉ có thể chứng minh, chúng ta đang dùng toàn bộ sức lực của mình để bảo vệ nó.

Sở dĩ chúng ta cảm thấy phiền não và đau khổ là bởi vì sai sót của người khác bị chúng ta nhặt được, lời người khác buột miệng nói ra bị chúng ta nghe thấy, hành vi vô tình của người khác bị chúng ta nhìn thấy, suy nghĩ của người khác bị chúng ta phát hiện ra. Chúng ta muốn tìm chút gì đó trong đống đồ thu thập được, nào ngờ không những trắng tay mà còn trở thành trạm xử lí rác thải. Chúng ta không thể xử lí được hết đống rác này, chúng lên men trong lòng chúng ta, đồng thời mượn năng lượng của chúng ta để tạo ra đau khổ và phiền não, hao tổn cuộc đời của chúng ta.

Chúng ta mong muốn tìm thấy thứ có giá trị với mình từ trong những thứ người khác bỏ đi. Làm như vậy chắc chắn sẽ uổng công vô ích. Hãy buông tha bản thân, đừng ép bản thân đi khắp nơi thu thập những đống rác rất khó xử lí ấy. Lòng chúng ta không nên là nơi tích trữ rác thải mà nên là nơi tích trữ niềm vui. Khi không gian sống của chúng ta bị rác chiếm cứ, niềm vui sẽ không còn chỗ dung thân nữa.

| KHÔNG GIEO RẮC THÀNH KIẾN CHÍNH LÀ ĐANG THU HOẠCH NIỀM VUI

Cô giáo vì muốn tìm hiểu mức độ đoàn kết của học sinh trong lớp nên đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ.

Cô yêu cầu mỗi học sinh lấy một tờ giấy trắng, sau đó viết ra tên những bạn mình không thích trong vòng một phút với tốc độ nhanh nhất. Có thể viết tên một người, cũng có thể viết tên rất nhiều người.

Trong một phút, có học sinh chỉ nghĩ ra tên của một bạn, có em thậm chí không viết được tên một bạn nào, nhưng có một số em có thể một phút viết ra tên mười mấy bạn.

Sau khi thu lại những tờ giấy đó, thông qua thống kê, cô giáo phát hiện, những người viết ra nhiều tên nhất chính là những người không được bạn bè yêu quý, còn những người không viết ra tên hoặc chỉ viết rất ít bạn cũng chính là những bạn học sinh rất ít bị người khác ghét.

Khi chúng ta có thành kiến với người khác thì sẽ đưa ra một vài thông tin thiếu thiện cảm về họ. Sau khi những thông tin này đến tai người khác, những thành kiến chúng ta tạo ra sẽ tác dụng ngược lại với chúng ta, thế là chúng ta cũng không được người khác đón nhận.

Trong cuộc sống này, rất nhiều việc tốt xấu và thị phi thực chất đều từ tư tưởng của chúng ta mà ra. Chúng ta lôi sự vật ra khỏi tim mình, dán lên chúng những cái nhãn cảm xúc không thích, đau khổ, đáng ghét, đồng thời qua đó tìm kiếm cảm giác bản thân ưu việt hơn người khác hoặc muốn tốt cho người khác. Những cái nhãn này chỉ là giải thích phiến diện của tư tưởng của chúng ta về sự vật, còn sự thật không hoàn toàn là như vậy. Con người hay sự vật trong cuộc sống không nhằm vào bất kì người nào trong số chúng ta, cũng sẽ không thay đổi vì bất kì người nào.

Bất kì thành kiến nào của chúng ta cũng có thể trở thành mầm mống đau khổ mà sau này chúng ta phải chịu đựng, đều có thể trở thành món nợ chúng ta phải thanh toán cho đau khổ. Bất kì một cách nhìn phiến diện nào về thế giới này đều có thể trở thành con hổ dữ chắn đường chúng ta tiến tới thành công. Thành kiến khiến chúng ta khó mà thoát khỏi đau khổ, lãng phí sức lực một cách vô ích.

Ví dụ, chúng ta không thích ăn sô cô la, cảm thấy ăn sô cô la không có tác hại này thì có tác hại kia, nhưng con chúng ta rất thích ăn sô cô la. Thế là chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để cằn nhằn, la mắng con, cấm con không được ăn sô cô la. Con bắt đầu ghét chúng ta, chúng ta và con đều vì thế mà không vui.

Nếu chúng ta phát hiện người mà mình rất ghét rất thân thiết với một người bạn thân của chúng ta, vậy thì khi gặp gỡ người bạn kia, chúng ta cũng sẽ vì thành kiến của mình mà cảm thấy có chút không vui.

Khi tất cả những điều này xảy ra, thành kiến mà chúng ta gieo xuống bắt đầu phát tác. Con đường theo đuổi niềm vui của chúng ta bị nó chắn ngang, nhưng chúng ta lại cho rằng đó là chướng ngại vật người khác đổ lên người chúng ta mà không ý thức được rằng chính những thành kiến của bản thân đã dồn bản thân đến chỗ khốn cùng.

Chúng ta có thể nhìn thấy sự thật rằng những người không tạo ra thị phi có thể vui vẻ ăn sô cô la, có thể vui vẻ chung sống với những người mà chúng ta ghét. Còn vì sao chúng ta không thể? Nguyên nhân chắc chắn là ở chính chúng ta.

| NGOẢNH ĐẦU NHÌN LẠI, CHẤP NHẬN SỰ THỰC

Có một nhà tâm lí học đã tiến hành một thí nghiệm khá thú vị. Ông yêu cầu những tình nguyện viên, vào tối chủ nhật, viết tất cả những chuyện phiền muộn của tuần tiếp theo vào một tờ giấy, sau đó bỏ vào “thùng phiền muộn”.

Đến chủ nhật của tuần thứ ba, ông mở cái thùng ấy trước mặt các tình nguyện viên, cùng các thành viên đối chiếu từng nỗi “phiền muộn”. Kết quả là có 90% chuyện phiền muộn không trở thành sự thực.

Tiếp theo, ông lại yêu cầu mọi người bỏ những tờ giấy chứa 10% muộn phiền có thật còn lại vào thùng, đợi ba tuần sau, mọi người đến tìm hướng giải quyết. Đến ngày cùng gặp gỡ để giải quyết vấn đề, mọi người phát hiện những nỗi phiền muộn ấy không còn là phiền muộn nữa.

Theo thống kê, thông thường những chuyện mà con người lo lắng, có 92% không xảy ra, còn lại 8% là con người có thể ứng phó dễ dàng. Vì thế mới nói, phần lớn phiền muộn chỉ xảy ra trong đầu chúng ta chứ không thật sự xảy ra trong hiện thực.

Những chuyện mà chúng ta phiền muộn, cho dù thật sự xảy ra thì cũng sẽ không gây ra ảnh hưởng quá lớn với chúng ta. Sở dĩ tôi có thể đưa ra kết luận như vậy là có căn cứ. Nếu không tin, hãy cùng ngoảnh đầu nhìn lại quá trình trưởng thành của mình.

Hồi cấp hai, bạn chăm chỉ học hành, tràn đầy tự tin rằng mình sẽ đỗ trường cấp ba trọng điểm. Kết quả, bạn đau khổ vì mình chỉ có thể thi vào một trường cấp ba bình thường. Mấy năm sau, lúc thi đại học bạn lại một lần nữa thất bại, chỉ có thể đỗ vào trường cao đẳng bình thường. Liệu bạn còn nhớ rõ dáng vẻ khổ sở, thất thần của mình lúc đó?

Lúc học đại học, bạn bắt đầu yêu, dành trọn cả tấm chân tình cho người con gái của mình. Nhưng sau khi tốt nghiệp, đường ai nấy đi, cô ấy quay về thành phố của mình. Bạn có còn nhớ nỗi đau khổ khi ấy?

Vừa bước chân vào xã hội, bạn tự tin và tràn đầy hoài bão, không ngờ tìm một công việc lại khó khăn như vậy. Mức lương của công việc đầu tiên thấp tới mức đáng thương, trong lòng bạn trào dâng nỗi tuyệt vọng.

Thoắt cái đã năm năm trôi qua, rồi mười năm trôi qua. Hôm nay, bạn đã có gia đình của mình, có vợ đẹp, con khôn, công việc tốt, đãi ngộ hậu hĩnh. Liệu bạn còn có thể nhớ tới nỗi tuyệt vọng trong tình cảm và sự nghiệp khi ấy không? Tôi nghĩ rất nhiều người khi nhớ lại còn cảm thấy nỗi đau khổ và phiền muộn khi ấy thật nực cười.

Khi chúng ta phiền muộn vì chuyện trước mắt, đừng quên ngoảnh đầu nhìn lại. Đã từng có rất nhiều phiền muộn vây quanh chúng ta, nhưng những phiền muộn ấy đều đã qua đi rồi. Hôm nay chúng ta vẫn sống rất tốt. Nỗi phiền muộn của ngày hôm nay cũng sẽ trở thành quá khứ vào ngày mai. Khi tâm trạng tiêu cực tới, chúng ta thường đánh giá cao tính bền bỉ của nó, khuếch đại sức công phá của nó. Chúng ta thường cho rằng những đau khổ này sẽ khiến chúng ta không qua được hôm nay, không sống được đến ngày mai, cả đời chúng ta cũng không thể chịu đựng được. Trên thực tế, chúng ta sẽ không đắm chìm trong nỗi đau khổ như thế mãi. Ngoảnh đầu nhìn lại những đau khổ đã qua, rồi lại nhìn bản thân mình ngày hôm nay, những suy nghĩ trước đây của chúng ta, chẳng phải đều tan thành mây khói rồi sao?

Hãy thông qua diễn biến tâm lí khi tìm đồ vật để tìm hiểu bản thân mình khiến một chuyện trở thành phiền muộn như thế nào. Khi chúng ta phát hiện bị mất một món quà sinh nhật, càng không tìm thấy món đồ ấy, chúng ta càng có thể nghĩ tới điểm tốt của nó. Trong nháy mắt, chúng ta sẽ phát hiện ra bao nhiêu giá trị của món đồ ấy. Ví dụ, nó là món quà mà một người rất quan trọng đã tặng; nó đã ở bên cạnh mình rất nhiều năm rồi; nó rất quý giá, món đồ đó được chế tác với số lượng rất ít, rất có giá trị sưu tầm; nó có ý nghĩa kỉ niệm đặc biệt… Những ý nghĩ này khiến chúng ta hao tâm tổn sức, đi khắp nơi tìm kiếm nó. Chúng ta càng không tìm thấy thì càng không thể từ bỏ nó. Nhưng cuối cùng khi tìm thấy nó rồi thì lại vứt nó sang một bên, nửa năm không thèm nhìn đến một lần. Những giá trị và ý nghĩa mà chúng ta đã nghĩ ra khi khổ sở tìm kiếm nó, đến giờ không còn chút nào cả.

Quá nhiều phiền muộn và đau khổ đều là do chúng ta cố chấp với một vài suy nghĩ, không thể đối mặt với hiện thực. Khi chúng ta cố chấp với những suy nghĩ ấy, chính là đang dùng sức mạnh của mình tạo ra đau khổ dày vò bản thân. Từ bỏ những tư tưởng mà chúng ta cố chấp, đau khổ sẽ tan biến. Đau khổ là cách làm ngu ngốc mà chúng ta dùng tư tưởng của chính mình để trừng phạt mình.

Nếu có một chuyện khiến chúng ta ăn không ngon ngủ không yên, chiếm cứ phần lớn thời gian và tinh lực của chúng ta, đó nhất định là do chúng ta tự đưa chuyện ấy vào tâm trí, tự dằn vặt, suy nghĩ và tự làm khó bản thân. Lúc ấy, việc chúng ta nên làm chỉ là hành động. Hãy một lần duy nhất đối mặt, tập trung toàn bộ sức lực, trải nghiệm cho hết chuyện đó, chúng ta mới có thể khiến những phiền muộn ấy tan biến trong đầu, mới có thể khiến sợ hãi và lo lắng không còn chốn dung thân. Một cách làm khác là vứt những chuyện ấy sang một bên, không bận tâm, nếu không người thổi bùng ngọn lửa huênh hoang của chúng chính là bản thân chúng ta.

Hãy nhớ, chúng ta không mất đi cái gì cả, thứ tan vỡ chỉ là những cái bong bóng mà tư tưởng đã tạo ra, mất mát chỉ xảy ra trong đầu chúng ta.