Quang Ngọc đi trước dẫn đường, rẽ cương lượn qua cửa Tây, tức cửa chính phủ Từ Sơn.
Lê Báo cho ngựa chạy ngang hàng và hỏi:
- Sao đại huynh lại cho ngựa chạy về phía này?
Nhưng Quang Ngọc không trả lời, im lặng cho ngựa phi thật nhanh mãi khi tới chỗ ngã ba mới kìm cương nhảy xuống đất. Nhị Nương cũng nhanh nhẹn nhảy ngoắt theo xuống, hỏi:
- Đại huynh dừng lại làm gì vậy?
- Hiền muội không biết đây là ngã ba ư?
Thấy ở bên đường có một người bắt ếch giơ cao bó đuốc nứa đứng nhìn. Quang Ngọc gọi lại bảo soi ánh lửa xuống đường xem. Chàng chau mày chép miệng lẩm bẩm nói:
- Thế thì lạ quá nhỉ? Cả hai ngã cùng có vết móng ngựa...Hay họ đến một lối mà đi một lối...Cũng vô lý, vì xét kỹ thì vết chân ngựa đều đi tản ra hai phía.
Lê Báo thấy Quang Ngọc loay hoay tìm đường thì cười bảo:
- Sao hiền huynh không hỏi ngay tên bắt ếch xem họ chạy đường nào?
Người bắt ếch ngơ ngác:
- Thưa ai cơ?
Nhưng Quang Ngọc đã theo ý Lê Báo và lớn tiếng hỏi:
- Tên kia, vừa giờ có một bọn qua đây. Vậy họ chạy về ngã nào?
Người bắt ếch chỉ con đường Kim Lũ:
- Có hơn mười người cưỡi ngựa đi về ngã này.
- Đã bao lâu?
- Họ đi chưa xa đâu. Nhưng các ông làm gì mà cưỡi ngựa đi chơi khuya thế? Những ông ban nãy cũng vậy, làm ếch của tôi sợ trốn biệt.
Phạm Thái chú mục nhìn thẳng vào mặt người bắt ếch thấp thoáng dưới ánh lửa. Thì thầm chàng bảo Nhị Nương:
- Thằng này không phải làm nghề bắt ếch đâu, trông dữ tợn lắm, mà ngôn ngữ, cử chỉ của nó có vẻ bướng bỉnh, tuy nó cố làm ra vẻ rù rờ, ngớ ngẩn, sợ hãi:
Có lẽ Quang Ngọc cũng cùng một ý nghĩ, nên chàng vặn.
- Anh nói láo....
Chàng ngừng bặt, rồi nhảy phắt lên mình ngựa vẫy mọi người theo đường Phù Lưu, Đình Bảng thẳng tiến. Lê Báo hỏi:
- Sao người ta nói ngã kia, hiền huynh lại đi ngã này?
Quang Ngọc cười đáp:
- Thế thì hiền đệ thật thà quá. Hiền đệ phải biết ban chiều khi viên phân suất rầm rộ dẫn quân đi, thế nào bọn kia chẳng rõ. Nhất họ lại đã rắp định đêm nay đến phủ cướp hoàng phi thì họ càng phải xem xét binh thế trong phủ lắm. Thế mà họ còn đi cùng một đường với quan quân, thì hoạ chăng họ không óc mà ngu huynh thì chắc rằng họ có óc. Đó là một lẽ. Lẽ nữa là trước đây một lát ở trong phủ có đánh nhau. Vậy thì tên bắt ếch kia, nếu là một tên bắt ếch, sao còn đủ can đảm ở lại đây bắt ếch. Nó đứng ngay chỗ ngã ba, há không phải chỉ cốt để trỏ đường láo cho quan quân đuổi theo. Nó có ngờ đâu quân đuổi theo lại chính là bọn ta, nghĩa là bao giờ cũng không ngoan hơn quan quân.
Chàng thích chí cười ha hả. Mọi người cũng cất tiếng cười theo. Lê Báo hỏi:
- Còn vết chân ngựa sao lại có ở cả hai ngã đường?
- Điều ấy thì phỏng khó gì. Cho ngựa phi về đường kia, rồi khi trở lại thì rẽ xuống ruộng. Hiền đệ không thấy ruộng khô à?
Bọn kỵ sĩ vượt qua làng Đình Bảng, Quang Ngọc kìm cương lại bảo mọi người:
- Bây giờ cho ngựa đi bước một, vì đây gần đến nơi rồi.
Phạm Thái kinh ngạc hỏi:
- Sao đại huynh biết?
Quang Ngọc cười:
- Làm một ông tướng phải biết địa thế khắp vùng mình hoạt động. Ta xét ra gần đây có hai nơi hiểm trở, nếu ban ngày cũng ít người lai vãng: một là rừng Sặt ở mạn Tràng Liệt, hai lá rừng Bát Đế ở sau làng Đình Bảng. Rừng Sặt ở gần đương Thọ Khê, chắc họ không đến. Còn rừng Bát Đế thì họ có thể giấu người trong đó được. Thực là một nơi thâm u. Nguyên cùng vua chúa đời Lý đến nghỉ mát, bỏ hoang lâu ngày cây cối mọc ùm tùm thành rừng. Lại thêm có hào chung quanh khiến khó ai tìm được lối vào, chắc thế nào bọn kia chẳng có thuyền chờ sẳn trước cửa đền Lý Bát Đế!
Mọi người đều phục tài xét đoán của Quang Ngọc. Nhưng Lê Báo cười thầm, chỉ mong Quang Ngọc đoán sai để sau này chế riễu chơi. Quang Ngọc lại nói:
- Còn một điều ngu huynh nghĩ mãi không ra. Là bọn kia cướp hoàng phi làm gì? Hay là lũ trung thần nhà Lê đến cứu bà? Phải chờ khi nào gặp nhau mới biết rõ được.
Bấy giờ chỉ còn cách đến Lý Bát Đế độ vài trăm bước, Phạm Thái bàn buộc ngựa một nơi, rồi đi bộ lại đền. Chàng nói:
- Ngày theo Nguyễn Đoàn, ngu đệ cũng đã nhiều lần trốn ở đó.Quả thực là một nơi bí hiểm nhưng ngu đệ thuộc đường lối trong rừng như đường lối chùa Tiêu Sơn, vậy xin đến dọ thám trước đã, rồi hãy kéo đại quân đến sau.
Lê Báo cười:
- Đại quân có tất cả bốn người.
Nhị Nương khảng khái nói:
- Bốn người này lại không địch nổi một trăm quân ư? Vậy thì Phạm hiền đệ cứ đi trước xem binh thế họ ra sao, rồi về báo, dẫu họ đông đến đâu ta cũng không sợ.
Phạm Thái tuân lời đi thẳng. Biết chắc thế nào bên địch cũng có quân canh trên con đường tới rừng, chàng rẽ xuống ruộng đi vòng về phía sau đền rồi quay lên mạn Nam. Chàng biết ở đó có một quãng hào vừa hẹp vừa nông, nước chưa tới thắt lưng.
Đến đó Phạm Thái cởi quần áo lội qua để vào rừng. Trời rét, nước giá buốt, nhưng chàng chẳng coi vào đâu. Cái thân chiến sĩ phiêu lưu đã từng xông pha tên đạn, đã từng làm quen với cái chết giữa đám can qua, có quản gì một dòng nước lạnh.
Tới rừng, chàng se sẽ mặc lại quần áo vào, rồi cúi lom khom, tay cầm kiếm, rón rén đi quanh bờ hào một vòng để dò xem trong rừng có ánh lửa không. Khi đến mạn Bắc khu rừng, và nghe có tiếng sột soạt răng rắc như tiếng bàn chân đi lên đám cành lá khô, chàng vội nằm rạp xuống, vì chàng sợ ở trong rừng nhìn ra, bên địch sẽ thấy bóng chàng thấp thoáng in trên nền trời.
"Đích là họ núp ở đây rồi, vì rõ ràng có tiếng nhiều người nói chuyện. Trần đại huynh thực đoán việc như thần", Phạm Thái vừa nghĩ vậy, vừa men bờ hào, vòng sang phía đông rừng.
Bỗng chàng mừng quýnh, suýt buột miệng kêu lên. Một chiếc thuyền buộc ở gốc cây si cỗi, dưới đám lá rườm rà phủ xuống che lấp.
Chàng bước vào thuyền cầm bơi chèo nhẹ nhàng chở sang bờ bên kia rồi hấp tấp về chổ cũ báo tin cho anh em biết. Tức thì cả bọn kéo đến thuyền bơi sang bên rừng. Vừa bước chân lên đất thì một bọn đông ẩn sau khóm cây xồ ra ai nấy tay cầm khi giới. Một người hỏi:
- Các ngươi đến đây tìm cái chết, phải không?
Chẳng nói chẳng rằng anh em Quang Ngọc xông vào múa kiếm đánh liền. Bên địch, có ai thét:
- Khoan! Đánh nhau phải có cớ. Vậy vì cớ gì chúng ta đâm chém nhau?
Lê Báo hùng hổ cầm thanh kiếm dài vẫn đứng giữ miếng. Nghe bọn kia hỏi, chàng liền trả lời:
- Chẳng vì cớ gì hết.
Người kia cười, ôn tồn nói:
- Xin tiểu tướng đừng vội giận. Ta hỏi thế là vì trước ta vẫn tưởng chư tướng là quân trong phủ đi đuổi bắt chúng ta. Nhưng thiết tưởng đội binh trong phủ khi nào lùng biết mà đến đây. Mà dù có đến đây nữa cũng chẳng có đủ can đảm dám lội qua hào để vào tới rừng. Vậy ta hỏi, sao chư tướng lại lần mò theo chúng ta?
Lê Báo nóng nẩy thét:
- Vì bọn ngươi cướp bà hoàng phi đem đi, ta hãy hỏi: Có phải các người định đem bà giải nộp để lĩnh thưởng chăng?
Người kia mắng:
- Đồ hỗn xược! Nếu ta không thương ngươi còn nhỏ dại, thì ta đã thí cho một mũi kiếm.
Lê Báo nổi thịnh nộ xông vào đánh, Quang Ngọc phải lôi bạn mà bảo rằng:
- Sao hiền đệ hấp tấp thế?
Rồi chàng nói với bên địch?
- Tôi xem ra các ông đều là tay khảng khái có dõng cảm. Chắc không phải là bọn cướp tầm thường. Vậy sao chúng ta không đem lễ nhượng ra đôi đãi nhau, dù vì việc nghĩa phải đánh nhau đi nữa.
Một người bên địch đáp lại:
- Ừ, ông này biết điều đấy, chớ như cái ông kia thì hung hăng quá. Các ông phải biết, đánh nhau thì chúng tôi cũng vui lòng đánh nhau với các ông. Nhưng bên các ông có bốn người mà bên chúng tôi những hơn hai chục, chẳng lẽ lấy nhiều lấn ít, e không tiện.
Lê Báo thét:
- Anh em ta không sợ nhiều đâu. Đánh thì đánh ngay, không cần phải trì hoãn.
Người kia giọng chế nhạo:
- Hãy khoan! Can gì mà vội thế? Đến sáng cũng không muộn kia mà..Bây giờ các ông đã đến đây, chúng tôi hãy xin lấy địa vị chủ nhân mời các ông lại đằng nhà xơi chén rượu với chúng tôi cho vui...
Thấy anh em Quang Ngọc do dự, người kia cười:
- Các ông đừng ngại, chúng tôi không coi các ông như bọn tù binh vô giá trị đâu.
Lê Báo hầm hầm nổi giận.
- À bọn này láo, dám bảo chúng ta là tù binh.
Người kia giọng bình tĩnh ôn tồn:
- Gớm! Ông này sao mà nóng như Trương Phi thế?
Phạm Thái từ nãy vẫn đứng im. Chàng bỗng thủng thỉnh tiến đến gần bên địch, dõng dạc nói:
- Các ông đã lấy lễ độ chủ nhân mà đón tiếp chúng tôi lẽ nào chúng tôi lại không lấy lễ độ tân khách mà nhận lời. Vậy thanh kiếm của tôi đây xin gửi các ông (vừa nói chàng vừa tháo kiếm đưa cho bọn kia). Sau khi cùng nhau hội ẩm, mà chúng tôi cần phải đấu gươm, thì lại xin các ông trả kiếm tôi. Còn như nếu các ông không phải là tay hảo hán mà nhất định đoạt thanh kiếm của tôi, thì lúc đó ta hãy nói chuyện. Xin các ông dẫn đường cho chúng tôi theo về nhà, chẳng trời sáng thì lỡ mất cả công việc của chúng tôi.
Cảm động vì khí phách anh hùng, vì sự thành thực và nhã nhặn của Phạm Thái, bên địch lễ phép đưa anh em chàng tới một nếp nhà tranh làm ở giữa mấy khóm cây đầy lá che kín mít tứ phía, sau khi đã đi quanh co trong rừng rậm.
Vừa bước chân vào trong nhà, Nhị Nương khinh hoảng kêu:
- Trời ơi! Bà hoàng phi!
Quả thực, trên một cái ổ rươm giải chiếu, bên ngọn đền dầu ánh sáng lờ mờ, hoàng phi đương ngồi hơ hai bàn tay trên than hồng đựng trong cái nồi đất. Bà ngước mắt đăm đăm nhìn mấy người lạ mặt có vẻ lo lắng.
- Ai đấy?...nghe tiếng hình như quen quen.
- Em đây mà! Em Nhị Nương mà bà không nhận ra sao? (Trong khi trốn tránh, hoàng phi thường xưng chị với Nhị Nương, và gọi Nhị Nương bằng em).
Hoàng phi mừng quýnh, đứng dậy ôm lấy Nhị Nương vừa khóc nức nở vừa kể lể:
- Em Nhị Nương ơi...Chị đã tưởng không bao giờ còn nhìn thấy mặt em nữa...
Nhị Nương thuật lại cho bà nghe công việc xếp đặt từ hôm trước để tối nay đến phủ phá ngục cứu bà ra, ngờ đâu khi đến nơi thì được tin một bọn đã cướp bà đem đi...
Một người đứng gần đấy cười có vẻ tự phụ nói riễu:
- Hừ! Trâu chậm uống nước đục!
Hoàng phi trỏ người ấy bảo Nhị Nương:
- Đây là Đào Phùng, người làng Phù Lưu. Chính Đào quân đã họp anh em cứu chị. Ơn ấy không bao giờ chị dám quên.
Đào Phùng đáp:
- Tâu lệnh bà, nhà kẻ hạ thần đời đời ơn thánh đến, nay kẻ hạ thần dẫu chết cũng chưa đủ báo đền, lệnh bà nói đến ơn huệ làm chi, khiến hạ thần thêm xấu hổ. Để lệnh bà bị quân giặc bắt được, tội kẻ hạ thần cũng đã nặng lắm rồi.
Hoàng phi rót một chén rượu đầy đưa cho Đào Phùng mà rằng:
- Đào anh hùng trung nghĩa ai bì kịp? Xin tặng anh hùng một chén rượu.
Đào Phùng đỡ lấy nói:
- Lệnh bà ban, hạ thần xin bái lĩnh.
Hoàng phi đưa mắt nhìn Quang Ngọc, Phạm Thái, và Lê Báo đứng chắp tay ở một bên và thì thầm hỏi Nhị Nương:
- Ai thế em?
- Tâu lệnh bà, đó là ba tráng sĩ, bạn thân của em, đã cùng em kết nghĩa anh em.
Hoàng phi rót ba chén rượu nữa rồi bảo Nhị Nương bưng mời ba chàng.Đoạn, bà hỏi Đàp Phùng:
- Công tử đã cứu tôi thoát nạn, bây giờ công tử bảo nên đi ẩN lánh ở đâu?
Bà rơm rớm nước mắt, thở dài nói tiếp:
- Bệ hạ có rõ cảnh lưu lạc này cho thiếp không?
Quang Ngọc bàn:
- Tâu lệnh bà, bây giờ người ta đã nhận được dung nhan lệnh bà, thì lệnh bà đến nương náu cửa thiền, thiết tưởng có phần chắc chắn hơn nhiều.
Hoàng phi vui mừng đáp:
- Phải, tướng quân bàn rất phải. Vả lại ta cũng nên thế phát quy y thôi.
Quang Ngọc lại nói:
- Tâu lệnh bà, ở làng Ngô Xá có một ngôi chùa sư nữ, vậy mai mời lệnh bà đến ẩn ở đó.
Quay ra, chàng bảo Nhị Nương:
- Ngu huynh giao cho hiền muội việc đó. Sáng mai...
Nhị Nương ngắt lời:
- Sáng mai không bằng đêm nay. Ngu muội xin phò giá lên đường ngay bây giờ.
- Thế thì càng hay lắm.
Mọi người đều lấy làm phải, liền chở thuyền đưa hoàng phi và Nhị Nương qua hào. Hai người lên ngựa đi thẳng.
Phạm Thái cũng xin đi theo. Quang Ngọc giữ lại mà rằng:
- Một mình Nhị Nương cũng đủ rồi.
- Nhưng thưa hiền huynh, ngu đệ phải về xem hạt Kim Lũ ra sao. Hiền huynh hẳn chưa quên rằng có hai trăm binh lính đang hoành hành ở đó.
- Đào Phùng hỏi:
- Phải hai trăm binh lính Từ Sơn không?
- Chính.
- Vậy thì không lo.
Chàng kể cho anh em Quang Ngọc nghe cái mưu kế của chàng. Chàng cho một thám tử giả làm người làng Yên Phụ đến phủ báo ở vùng ấy có bọn giặc rất đông, mà người đi đầu là nhà sư. Chàng bịa ra điều đó, là vì nghe người ta tuyên truyền có một nha sư rất hung tợn thường đem đồ đảng đi tống tiền bọn nhà giàu. Chàng chắc báo có một nhà sư, mà lại nói khích thì thế nào viên phủ chỉ còn một ít lính ở lại canh và việc phá ngục cứu hoàng phi dễ như trở bàn tay.
Phạm Thái nghe truyện mỉm cười đưa mắt nhìn Quang Ngọc rồi phàn nàn:
- Tội nghiệp! Người ta đã xuất gia tu hành mà công tử còn đổ cho người ta cái tội tầy trời!
Đào Phùng đáp:
- Chẳng qua cũng là một sự bất đắc dĩ. Không thế, sao cứu được hoàng phi.
Mọi người cùng cười, rồi mời nhau uống rượu cho mãi tới gần sáng mới chịu chia tay giải tán, hẹn thỉnh thoảng lại đến rừng hội họp uống rượu múa gươm.