Cũng chiều hôm ấy, vùng Vĩnh Kiều, Tiêu Niệm, nhân dân nhớn nhác nhìn nhau kinh ngạc. Họ vừa nghe thấy chuông chùa Tiêu Sơn gióng giả oang oang từ trên cao gieo xuống. Trước đỉnh xóm Dương một ông già bảo mọi người đứng xúm xít chung quanh:
- Có tiếng chuông.
Mọi người trả lời:
- Vâng, chùa Tiêu Sơn.
- Ừ. Lạ nhỉ!
Thôi chắc chú tiểu Mộc lú ruột rồi, đã thỉnh chuông mà còn tưởng là chưa thỉnh.
Chuông đổ hồi, rồi im bẵng. Ai nấy cất tiếng cười. Có người nói:
- Biết ngay mà! Đích thực chú Mộc lú lấp rồi. Chẳng thế lại thỉnh có một hồi chuông.
- Thì ra dứt hồi chú mới nhớ ra rằng nhầm nên thôi không thỉnh nữa.
Kỳ thực chú Mộc không lầm, mà ở chùa Tiêu Sơn cũng không ai lú ruột cả. Buổi chiều hôm ấy có hồi chuông thứ hai, hồi chuông bất thường, là chỉ vì sư Phổ Tĩnh dùng cách báo hiệu ước định ấy để gọi đồng đảng đến tụ hội ở chùa Tiêu Sơn.
Nguyên sau bữa tiệc trên lầu Tiêu Lĩnh, Quang Ngọc, Phạm Thái, Lê Báo đều đi ngủ, vì cứ lời Quang Ngọc thì tối hôm ấy bọn họ cần phải ra tay làm một việc khó khăn gì đó. Chẳng nói thì chúng ta cũng đoán được là việc đi cứu bà Lê hoàng phi, mà tối hôm trước nhà sư Phổ Tĩnh đã lần mò tới phủ nha dò xem tung tích rất tường tận.
Quang Ngọc lập chiến lược như thế này:
Buổi trưa hôm ấy cho Nhị Nương quẩy gánh nồi đất đến phố phủ bán và lảng vảng qua phía cửa Bắc rao to ba câu liền: "Nồi đất ai mua?" Tức thì sẽ có người trong phủ đi ra. Người ấy chính là cai lệ Tảo, một thám tử mà đảng Tiêu Sơn đã cho vào phủ làm lính. Nhị Nương sẽ đưa cho Tảo một phong thơ trong đó Quang Ngọc dặn đêm nay phải xoay hết cách để canh hai được coi giữ phòng bà hoàng phi. Vào khoảng cuối canh hai, ba tráng sĩ họ Trần, họ Phạm, họ Lê, cùng hiệp nữ họ Nguyễn sẽ do cữa Bắc vào phủ, vì cửa Bắc đổ nát đã lâu ngày mà vẫn chưa sửa sang lại, khiên người nào biết rõ, chỉ lấy cái gậy bẩy mạnh lên là cánh cổng mở ra tức khắc. Vào trong phủ rồi, công việc giết tên lính canh bên cửa sổ cố nhiên sẽ rất là dễ dàng lặng lẽ, vì đêm hôm ấy trời tối đen như mực, hai người giáp mặt mới trông thấy nhau. Bấy giờ Phạm Thái sẽ bắt chước tiếng mèo để báo cho Tảo biết mà mở cửa phòng ngục. Chỉ còn một việc mời hoàng phi ra cửa Bắc lên ngựa phóng nước đại. Có điều này Quang Ngọc hơi ngại, là sợ hoàng phi không chịu đi trốn, vì bà chưa biết mặt ba tráng sĩ. Bởi vậy chàng mới nghỉ đến đem Nhị Nương đi theo: Nhị Nương thường vẫn lại thăm hoàng phi và hai người chơi với nhau thân mật lắm.
Chiến thuật xếp đặt xong đâu đấy, Quang Ngọc đi ngủ để lấy sức, một nụ cười sung sướng nở trên cặp môi khi chàng thức giấc, vì chàng biết chắc rằng thế nào chàng cũng sẽ hoàn toàn đắc thắng. Chàng liền gọi Phạm Thái và Lê Báo dậy bàn việc. Lê Báo hậm hực, trách:
- Sao bây giờ đại huynh mới bảo cho hai em biết?
Quang Ngọc nghiêm sắc mặt dõng dạc hỏi:
- Lê hiền đệ còn nhớ lời thề không?
Giọng rắn rỏi, quả quyết làm cho Lê Báo sợ hãi đứng im. Muốn nhân thể luyện tính nết của Lê Báo bớt cương ngạnh, Quang Ngọc rút kiếm chém xuống bàn nói:
- Quân lệnh truyền ra, không ai tuân, ta sẽ chặt đầu ngay lập tức.
Phạm Thái và Lê Báo chắp tay cúi đầu chờ lệnh. Quang Ngọc cặp mắt tròn xoe, có vẻ oai phong lẫm liệt.
Lúc bấy giờ vào khoảng giờ Dậu, vì chùa vừa thỉnh chuông chiều xong, mà chuông chiều chưa bao giờ cũng thỉnh vào cuối giờ Thân. Bỗng một chú tiểu hấp tấp chạy lại thưa:
- Bạch sư ông, có một công tử cưỡi ngựa cùng đi với ba kỵ sĩ theo hầu, nói xin lễ phật. Quang Ngọc tra kiếm vào vỏ, mỉm cười đáp:
- Được, cứ mời công tử lên nói có ta chờ đây.
Phạm Thái vội giữa chú tiểu lại bảo Quang Ngọc:
- Đại huynh nên hãy cho mời người ta ngồi lại phòng trai đã.
Nhưng khách đã bước tới, lễ phép chấp tay chào. Lê Báo trừng mắt đăm đăm nhìn, vì khách là một trang thiếu niên, mắt sắc như nước, miệng tươi như hoa, mặt trái xoan, xinh xắn và da trắng phớt hồng hồng. Thực là một trang diễn lệ công tử.
Lê Báo thì thầm bảo Phạm Thái:
- Hắn đẹp như con gái đẹp!
Quang Ngọc nói với khách:
- Mời công tử vào lễ phật.
Khách yên lặng bước thẳng tới lầu Tiêu Lĩnh, Lê Báo kinh ngạc nhìn Phạm Thái. Nhưng thầy Quang Ngọc đi theo, nên hai chàng không dám hỏi, cũng bước theo lên.
Tới lầu, Quang Ngọc hỏi:
- Thế nào?
Khách đáp:
- Xong.
- Lành, dữ ra sao?
- Tốt, tốt lắm!
Quang Ngọc vui mừng, quay lại giới thiệu với Lê Báo:
- Hiền đệ khao khát được biết mặt Nhị Nương. Vậy Nhị Nương đấy.
Phạm Thái sửng sốt:
- Nhị Nương?
Rồi chàng nhìn kỹ lại và bật cười:
- Trời ơi! Quý nương khéo cải trang quá chính Thái này cũng không còn nhận ra được.
Lê Báo làm bộ ra thạo xem tướng:
- Thảo nào tôi ngờ ngợ. Nam tử gì mà cặp mi lại thanh như lá liễu thế!
Quang Ngọc cười lớn:
- Nói hậu thì ai nói không được. Nhưng ta hãy để Nhị Nương thuật lại cuộc do thám đã /
Nhị Nương trỏ Lê Báo hỏi Qang Ngọc:
- Đây là công tử mắc nạn ở tửu quán tối hôm qua?
- Thưa hiền muội chính đó. Công tử đã làm lễ tuyên thệ nhận Ngọc này với Phạm Thái là anh.
Ý chừng để đáp lại cái nụ cưòi chế nhạo của Nhị Nương, Lê Báo hỗn xược nói lời Quang Ngọc:
- Vậy cố nhiê Báo đây phải nhận tiểu thư là chị.
Nhị Nương chẳng chút e lệ, ung dung nói:
- Nhị Nương xin vui lòng nhận, Lê Báo là em.
Rồi nàng cười nói tiếp:
- Bọn ta kết làm anh em, chị em là phải lắm. Có thứ giây liên lạc thiêng liêng hơn tình huyết giàng buộc chúng ta lại với nhau...Giây liên lạc ấy là sự phục thù.
Vâng chúng ta tuy không cùng một huyết thống, nhưng giòng máu ở bốn cái đầu của bốn người cha bị chém đã cùng phung vào mặt chúng ta khiến cho chúng ta phải trở nên ruột thịt.
Lê Báo nghe mấy lời khảng khái ở miệng xinh xắn một thiếu nữ thốt ra mà lấy làm cảm động. Nhị Nương lại nói:
- Trần đại huynh cùng nhị vị công tử đã làm lễ tuyên thệ kết làm anh em, chớ như thôn nữ này thì chỉ xin nhận miệng mà thôi, thiết tưởng như thế cũng đủ lắm rồi, lo là còn phải thề thốt nặng lời.
Rồi nàng mỉm cười nói bông đùa:
- Thưa trần hiền huynh, năm nay em hai mươi ba tuổi, vậy tùy hiền huynh đặt đâu em xin ngồi đấy.
Quang Ngọc cũng cười:
- Còn phải đặt đâu nữa. Nguyễn hiền muội hai mươi ba tuổi thì cố nhiên phải là em hai, vì nhờ trời Ngọc này ra trước hiền muội hai năm, còn hai nhị đệ đây lai ra đời sao hiền muội ba năm, một người bốn năm.
Lê Báo hậm hực, tức tối, cố nói châm chọc một câu:
- Thưa hiền huynh, đối với hai em, Nguyễn Nhị Nương là chị, thì đã hẳn đi rồi.
- Chứ sao?
Nhị Nương quắc mắt đáp lại giọng đùa rỡn của Lê Báo, rồi nàng quay về phía Quang Ngọc nói tiếp:
- Thưa hiền huynh, ban nãy ngu muội có nói kết quả công việc của ta sẽ được tốt đẹp hoàn toàn là vì ngu muội biết một sự bất ngờ vừa xảy ra...Thực có trời phật phù hộ tính mệnh hoàng phi.
Quang Ngọc nóng ruột vội hỏi:
- Sự gì xảy ra mà may mắn đến thế?
- Phủ Từ Sơn chỉ còn độ một chục tên lính ở lại canh giữ, mà trong số đó có cai Tảo.
Ngọc kinh ngạc:
- Vậy hơn hai trăm lính đi đâu cả?
- Ngu muội gặp trên con đường Thọ Khê.. Chừng họ đi Kim Lũ.
- Thế thì hồng phúc nhà Lê còn to.
- Nhưng hiền huynh đừng vội mừng.
- Sao vậy?
- Vì ta chưa biết hơn hai trăm quân đó kéo đi đâu Nghiêm Xá, Ngô Xá, Phú Mẫn, Yên Phụ, Kim Lũ đều là những nơi sào huyệt của đảng ta. Thế mà bọn kia sắp sửa sang đòn Thọ Khê.. Hiền huynh thử nghỉ xem ta có đáng lo không?
- Cũng có lý.
Dứt lời, Quang Ngọc ra lịnh thỉnh một hồi chuông. Vì thế mà nhân dân vùng Vĩnh Kiều, Tiêu Niệm đã hai lần nghe thấy tiếng chuông.
Một lát sau, đồ đảng Tiêu Sơn lục tục kéo đến có tới vài chục. Quang Ngọc phân phát cho mỗi người đi một ngả để do thám sự hành động của đội quân Từ Sơn, và cấp báo cho các nơi căn cứ của đảng biết mà phòng bị.
Phạm Thái cũng xin đi, nói mạn Kim Lũ, Nghiêm xá thuộc quyền hộ vệ của mình. Nhưng Quang Ngọc giữ chàng lại để cùng đi cứu hoàng phi đã, rồi đến giờ Tý xong công việc, chàng sẽ về Nghiêm xá cũng kịp:
- Vì quan quân đi chinh phạt bao giờ cũng chậm như sên, ta không vội lo ngại. Giá ở thời Quang Trung thì cũng sợ đấy. Nhưng ngày nay thì chỉ là thời Bùi Đắc Tuyên.
Mọi người cười rộ.
Bàn định, cắt đặt xong đâu đấy, thì đêm đã khuya. Vào khoảng nửa giờ Hợi, ba tráng sĩ nai nịt gọn gàng, đội mũ đầu mâu để che cái đầu trọc, rồi cùng Nhị Nương lên ngụa (bốn con ngựa ấy chinh Nhị Nương đã đêm đến chùa).
Tới cửa Bắc phủ Từ Sơn, bốn người kìm giây cưong đứng lại nghe ngóng, và lấy làm lạ rằng trong phủ không có một tiếng động đưa ra.Trống, mõ cầm canh đều im phăng phắc.
Nhưng bọn họ cũng vượt qua hào và bẩy cánh cổng mà vào.
Quang Ngọc bảo ba người hãy ở lại sau để một mình chàng đi do thám động tĩnh ra sao đã. Chàng rón rén đến bên cửa sổ: Tên lính canh không có ở đấy, chàng liền bắt chước tiếng mèo: Vẫn không ai ra. Mấy nếp nhà như bỏ hoang đã lâu ngày.
Quang Ngọc quay ra thuật lại sự thể với mọi người rồi bàn cùng vào cả trong tư thất xem sao.
Lê Báo hăng hái xin đi trước dẫn đường, tay nhăm nhăm cầm thanh kiếm tuốt trần.
Hai địch thủ thứ nhất mà chàng lại gặp hai người bị trói gò vào hai cột nhà. Ở giữa hai cột ấy có cắm một ngọn đuốc cháy đã gần tàn, và chiếu anh sáng le lói lên mặt hai người khốn nạn. Quang Ngọc cởi giây cho họ mà hỏi rằng:
- Vì sao hai người lại bị trói?
Một người - người lính - thuật lại những sự đã xảy ra. Quang Ngọc kinh hãi, sửng sốt hỏi:
- Vậy ra chúng nó cướp mất bà hoàng phi đi rồi?
- Vâng.
- Chúng nó đi về ngã nào?
- Thưa, tôi không được biết.
Dứt lời, tên lính ôm đầu chạy mất. Quang Ngọc tức thì ra lịnh đuổi theo bọn cướp.