Di chúc
Hạnh phúc là những bong bóng xà phòng mong manh, dễ vỡ. Di chúc của một nam sinh lớp Tám mà bắt đầu thế này thì có hơi phản cảm không nhỉ.
Buổi tối hôm người duy nhất tôi yêu ra đi, tôi đi tắm thì thấy đến cả chai dầu gội đầu cũng rỗng. Đời người chính là vậy. Không còn cách nào khác, tôi cho lượng nước vừa đủ vào cái chai và lắc mạnh, bọt nổi đầy bên trong cái chai màu trắng đục.
Khi ấy tôi nghĩ: Đây chính là mình. Tôi hòa chút hạnh phúc ít ỏi còn sót lại trong sự trống rỗng và biến chúng thành đám bọt nhỏ để lấp đầy. Tuy biết đó chỉ là ảo ảnh thủng lỗ chỗ nhưng vẫn còn hơn là trống rỗng.
Ngày 31 tháng Tám, hôm nay tôi đã đặt bom ở trường.
Công tắc điều khiển từ xa của quả bom là nút gọi trên điện thoại di động. Cơ chế là làm rung chiếc điện thoại gắn trong thiết bị phát nổ để làm bom nổ. Đây là điện thoại tôi đăng ký mới, chỉ để dùng cho việc này. Chỉ cần biết số thì điện thoại của ai cũng có thể trở thành công tắc, thậm chí một cuộc gọi nhầm cũng sẽ kích nổ bùm trong vòng năm giây.
Bom được đặt trong bục phát biểu ở chính giữa sân khấu của nhà thể chất.
Ngày mai là lễ khai giảng học kỳ hai, học sinh toàn trường sẽ tập trung trong nhà thể chất. Tôi sẽ được tuyên dương ở đó. Bài văn tôi viết hồi học kỳ một đã đoạt giải xuất sắc toàn tỉnh. Hôm qua thầy chủ nhiệm Terada đã gọi điện thông báo kế hoạch cho tôi.
Tôi sẽ bước lên bục nhận giấy khen từ thầy hiệu trưởng, rồi đổi chỗ với thầy, đứng ở bục phát biểu đọc bài văn của mình. Nhưng tôi sẽ không làm chuyện vô nghĩa đó. Thay vào đó, tôi sẽ thông báo một lời chia tay ngắn gọn. Rồi nhấn nút.
Mọi thứ sẽ bị thổi tung thành hàng nghìn mảnh nhỏ. Bao gồm cả những kẻ ngu ngốc đang tồn tại một cách vô ích.
Liệu đài truyền hình có nhảy vào xâu xé tội ác chưa từng có của trẻ vị thành niên này không? Liệu truyền thông có xôn xao không? Nếu có, tôi sẽ được coi là người như thế nào nhỉ? Nếu họ chỉ tưởng tượng ra hình ảnh tầm thường với những từ ngữ sáo rỗng như “mảng tối của tâm hồn” thì tôi muốn họ công bố y nguyên trang web này. Tiếc rằng tôi sẽ không được công khai tên thật vì vẫn còn là trẻ vị thành niên.
Nhưng thiên hạ muốn biết gì về kẻ phạm tội nhỉ? Thời niên thiếu, sự điên rồ ẩn giấu bên trong, hay chính là động cơ gây ra sự việc? Tôi sẽ thử viết từ đoạn đó.
Tôi hiểu giết người là phạm tội. Song tôi không hiểu tại sao việc đó là xấu. Con người cũng chỉ là một trong vô vàn vật thể tồn tại trên trái đất này. Để đạt được một lợi ích nào đó mà phải xóa sổ một vật thể khác thì chẳng phải là vì không còn cách nào khác hay sao?
Thế nhưng, khi được giao viết bài văn với chủ đề “sinh mệnh” thì kể cả một thằng như tôi cũng có thể viết hay hơn bất kỳ đứa nào trong lớp hay trong toàn tỉnh.
Tôi trích dẫn câu “Người phi thường được lựa chọn có quyền giẫm lên trật tự hiện hành nếu là vì sự phát triển của một thế giới mới” trong Tội ác và hình phạt của Dostoyevsky, rồi vừa dùng cụm từ “sự quý giá của sinh mệnh” vừa nhấn mạnh rằng trên đời này không có kẻ giết người nào có thể được chấp nhận bằng lời lẽ thích hợp với một học sinh cấp hai. Tôi viết hết năm trang giấy trong vòng chưa đến nửa tiếng đồng hồ.
Tôi muốn nói gì? Toàn bài văn chỉ đơn giản là những gì tôi học được từ khi vào trường, ví dụ như quy tắc đạo đức.
Liệu có người nào theo bản năng đã cảm thấy giết người là xấu? Chẳng phải hơn nửa dân số của đất nước có tín ngưỡng mờ nhạt này đã bị giáo dục nhồi nhét như vậy kể từ khi biết nhận thức hay sao. Chính vì vậy nên họ mới coi kẻ phạm tội tàn ác bị tử hình là điều đương nhiên. Mặc dù chính điều này lại mâu thuẫn.
Song, cũng có người, tuy rằng rất hiếm, do được giáo dục mà có quan điểm ngược lại rằng dù có là tội phạm thì giá trị sinh mệnh cũng như nhau, không liên quan tới địa vị hay danh tiếng. Vậy được giáo dục thế nào thì sẽ có cảm tính đó? Vì từ lúc sinh ra tối nào cũng được nghe kể truyện cổ tích ca ngợi sự quý giá của sinh mệnh (có loại truyện như thế chăng?) ư? Nếu là vậy thì tôi có thể hiểu được vì sao tôi không có cái cảm tính ấy.
Vì mẹ tôi chưa bao giờ kể cho tôi nghe truyện cổ tích. Mẹ cho tôi ngủ cùng. Nhưng chuyện mẹ kể hằng đêm toàn là chuyện về ngành cơ điện tử. Dòng điện, điện áp, định luật Ohm, định luật Kirchhoff, định lý Thevenin, định lý Norton… Ước mơ của con là trở thành nhà phát minh. Con muốn chế tạo một chiếc máy có thể diệt trừ mọi loại tế bào ung thư. Lúc nào câu chuyện cũng kết thúc bằng một câu như vậy.
Giá trị quan và hệ tiêu chuẩn được quyết định bởi môi trường sinh ra và lớn lên. Và giá trị chuẩn để đánh giá một con người được xác lập bởi người mà mình tiếp xúc đầu tiên, đa số trường hợp chính là người mẹ. Chẳng hạn với người tên A, một người có bà mẹ nghiêm khắc sẽ cảm thấy A thật dịu dàng, nhưng người được một bà mẹ dịu dàng nuôi dạy thì lại thấy A thật nghiêm khắc.
Ít nhất với tôi, mẹ chính là tiêu chuẩn. Tôi vẫn chưa gặp ai tài giỏi hơn mẹ. Nghĩa là, quanh tôi chẳng có ai khiến tôi đau buồn nếu họ chết. Rất tiếc là bao gồm cả bố tôi trong đó. Bố tôi hoạt bát, vui vẻ, đúng kiểu chủ cửa hàng đồ điện ở quê, chỉ vậy thôi. Tuy không ghét, song tôi không nghĩ bố tôi có giá trị tồn tại.
Người thông minh đến đâu cũng có thời kỳ khủng hoảng, hoặc thời kỳ xui xẻo bị người khác gây phiền hà dù bản thân không có lỗi. Mẹ gặp bố ngay giữa thời kỳ ấy.
Mẹ là một nữ sinh mới về nước, đang học tiến sĩ chuyên ngành cơ điện tử ở một trường đại học hàng đầu Nhật Bản. Hồi ấy, nghiên cứu mẹ đang tiến hành gặp thất bại đúng giai đoạn cuối. Chưa kể, cùng thời điểm ấy mẹ lại bị tai nạn giao thông.
Chuyện xảy ra trên đường về sau khi mẹ đến một trường đại học ở vùng này nhân dịp hội thảo. Chuyến xe buýt đêm chạy về Tokyo đâm vào vách đá do tài xế ngủ gật. Một vụ tai nạn thảm khốc khiến hơn mười người chết và bị thương. Người kéo mẹ khi ấy đã bất tỉnh vì ngã dập mặt ra khỏi xe và đưa lên chiếc xe cứu thương đến đầu tiên là bố, cũng cùng đi chuyến xe buýt ấy. Bố đang trên đường đi dự đám cưới người bạn đại học.
Nhờ cơ duyên ấy hai người làm đám cưới và sinh ra tôi. Mà không, có lẽ thứ tự phải ngược lại. Mẹ kết thúc khóa tiến sĩ khi vẫn bỏ ngỏ đề tài, chuyển về vùng quê này sống mà không phát huy năng lực đã được rèn giũa.
Có lẽ ở một khía cạnh nào đó, đây là giai đoạn phục hồi chức năng của mẹ.
Nơi góc nhỏ yên tĩnh của cửa hàng đồ điện trên con phố buôn bán tiêu điều, mẹ đã dạy cho tôi một phần kiến thức mẹ có theo cách vô cùng dễ hiểu. Khi thì là tháo nắp chiếc đồng hồ báo thức nhỏ, khi thì là dỡ tung cái tivi lớn. Mẹ luôn nói phát minh không có điểm dừng.
“Shuya thông minh lắm. Giấc mơ bỏ dở của mẹ chỉ có thể giao lại cho Shuya thôi.”
Trong lúc kiên trì giải thích về nghiên cứu mình đã bỏ dở để một đứa trẻ học tiểu học cũng có thể hiểu được, hình như trong đầu mẹ đã nảy ra điều gì đó. Mẹ lén bố viết luận văn rồi gửi tới một hội đồng khoa học của Mỹ. Khi ấy tôi chín tuổi.
Không lâu sau, người đàn ông xưng là giáo sư ở phòng nghiên cứu cũ của mẹ tới thuyết phục mẹ quay lại trường đại học. Đứng nghe trộm ở phòng bên cạnh, tôi thấy vui vì có người đánh giá cao mẹ hơn là buồn vì có thể mẹ sẽ không còn ở đây nữa.
Nhưng mẹ đã từ chối đề nghị ấy. Nếu còn độc thân em sẽ quay lại ngay, nhưng giờ em không thể bỏ con lại mà đi được. Mẹ nói.
Tôi sốc khi biết mình là lý do mẹ từ chối. Tôi đang ngáng chân mẹ. Tôi là kẻ không những không có giá trị tồn tại, mà ngay việc tồn tại cũng bị phủ nhận.
Có câu “trái tim như tan vỡ”, hẳn là mẹ đã từ chối lời đề nghị trong tâm trạng đó. Tâm trạng bị dồn nén miễn cưỡng ấy trút thẳng vào tôi.
“Giá như không có mày…”
Và rồi từ đó, hầu như ngày nào mẹ cũng đánh tôi. Không ăn hết rau, mắc lỗi nhỏ trong bài kiểm tra, đóng sầm cửa… Bất cứ cớ gì. Có lẽ mẹ không thể chịu nổi việc tôi xuất hiện ở trước mắt.
Mỗi khi bị đánh, tôi lại bị bủa vây trong cảm giác lỗ thủng trong người rộng thêm ra.
Nhưng tôi không định mách với bố. Tuy tôi không ghét bố, nhưng mỗi lần thấy bộ dạng ông thảnh thơi như chẳng có chuyện gì, bằng lòng với mọi quyết định của mẹ là cảm giác khinh thường bố lại trỗi dậy.
Dĩ nhiên, dù má có sưng hay chân tay bị bầm tím, tôi cũng không bao giờ ghét mẹ. Bởi buổi tối, sau khi bùng phát cảm xúc, thế nào mẹ cũng lên phòng tôi, dịu dàng xoa đầu tôi đang giả vờ ngủ, vừa khóc vừa nói “Mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi”. Làm sao tôi có thể ghét mẹ được đây.
Mẹ vừa ra khỏi phòng là tôi liền úp mặt xuống gối, khóc không thành tiếng. Tôi đau đớn khi thấy người duy nhất tôi yêu đang khổ vì chính sự tồn tại của tôi.
Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ đến cái chết.
Nếu tôi chết, mẹ sẽ được tự do phát huy tài năng, thực hiện ước mơ bấy lâu nay. Tôi mô phỏng trong đầu những phương cách tự sát có thể nghĩ ra. Lao ra trước xe tải đang chạy trên quốc lộ. Nhảy xuống từ sân thượng trường tiểu học. Dùng dao đâm vào ngực. Tất cả đều là những cách chết khó coi, mất thể diện. Nhớ lại cảnh bà chết mà như đang nằm ngủ trên giường bệnh viện hồi mùa đông năm ngoái, tôi những muốn mình thà bị bệnh còn hơn.
Trong khi tôi đang cố gắng tìm cách chết thì bố mẹ ly hôn. Tôi mười tuổi. Vì bố phát hiện ra chuyện đánh đập. Hình như ai đó trong khu đã mách với bố. Mẹ chẳng biện minh lời nào, thủ tục xong xuôi liền ra khỏi nhà luôn. Tôi đã biết chuyện này từ trước, vậy mà việc mẹ không dẫn tôi theo khiến tôi khóc như cơ thể bị xé toạc ra, trong người hoàn toàn trống rỗng.
Từ lúc quyết định ly hôn, mẹ không đánh tôi nữa. Thay vào đó, thi thoảng bất chợt mẹ lại âu yếm vuốt má và trán tôi. Bữa cơm chỉ toàn món tôi thích. Bắp cải cuộn thịt, các món rắc phô mai bỏ lò, trứng cuộn cơm… Mẹ khéo tay nên món mẹ nấu ngon hơn bất cứ nhà hàng nào.
Trước ngày chia tay, hai mẹ con quyết định đi chơi lần cuối. Mẹ hỏi tôi muốn đi đâu nhưng tôi không trả lời được. Vì cứ mở miệng là nước mắt lại chực tuôn trào. Rốt cuộc, hai mẹ con quyết định đến trung tâm mua sắm Happy Town mới xây dọc đường quốc lộ, bên ngoài thị trấn.
Mẹ mua cho tôi mấy chục cuốn sách và máy chơi game mới nhất. Chắc mẹ mua game là để giúp tôi tạm thời bớt buồn, còn cho tôi chọn phần mềm tôi thích. Nhưng toàn bộ sách là do mẹ chọn.
“Có lẽ bây giờ vẫn còn khó nhưng khi lên cấp hai, con hãy đọc nhé. Tất cả đều là những cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mẹ đấy. Shuya cùng chung dòng máu với mẹ nên mẹ nghĩ chắc chắn con sẽ thấy lay động.”
Dostoyevsky, Turgenev, Camus… những cuốn sách có vẻ không hay lắm nhưng chuyện đó sao cũng được. Chung dòng máu, chỉ cần câu ấy là đủ.
Bữa tối cuối cùng là hăm bơ gơ. Mẹ nói đi ăn món gì ngon hơn đi, song nếu không ở chỗ nào sáng sủa, náo nhiệt một chút là tôi lại không kìm được nước mắt.
Hàng hóa mẹ mua được gửi đến tận nhà nên tôi được nắm tay mẹ đi về dù vẫn hơi có khoảng cách. Bàn tay lái xe điêu luyện, bàn tay nặn nhân bánh hăm bơ gơ ngon hết sảy, bàn tay tát mạnh vào má tôi, và bàn tay dịu dàng xoa đầu tôi. Trước ngày chia tay, tôi không hề biết bàn tay có thể kể được nhiều kỷ niệm đến vậy. Tôi không chịu nổi nữa rồi. Cứ bước thêm một bước là nước mắt lại trào ra. Tôi dùng bàn tay còn lại miệt mài lau nước mắt, thì mẹ nói.
“Shuya, mẹ bị cấm không được đến gặp, gọi điện hay viết thư cho con. Nhưng mẹ lúc nào cũng nghĩ đến con. Dù có xa nhau thì Shuya vẫn là đứa con duy nhất của mẹ. Nếu có chuyện gì xảy ra với Shuya, mẹ sẽ phá luật và chạy đến với con ngay. Shuya cũng đừng quên mẹ nhé…”
Mẹ cũng khóc.
“Mẹ sẽ đến thật chứ?”
Thay vì trả lời, mẹ dừng lại ôm chặt lấy tôi. Đó là hạnh phúc cuối cùng dành cho kẻ đã trở nên trống rỗng là tôi.
Năm sau, bố tôi tái hôn. Tôi mười một tuổi.
Người bố kết hôn là bạn hồi cấp hai, khuôn mặt không đến nỗi xấu nhưng nhìn ngớ ngẩn không chịu được. Kết hôn với chủ cửa hàng đồ điện mà không phân biệt nổi pin AA với pin AAA. Song tôi không ghét người này.
Vì chính cô cũng biết là mình ngốc. Chuyện không biết cô sẽ thành thật nói là không biết. Khi bị khách hỏi khó, cô không trả lời nửa vời mà ghi chép lại cẩn thận, sau đó hỏi bố rồi gọi lại cho khách. Sự ngu ngốc đáng khâm phục. Bởi vậy tôi mới lễ phép gọi là “cô Miyuki”. Dĩ nhiên tôi không làm chuyện bắt nạt hay chống đối mẹ kế như thường thấy trong những bộ phim rẻ tiền. Tôi giúp mặc cả xuống giá chiếc túi hiệu trong cuộc đấu giá trên mạng, cùng cô đi chợ mua đồ cho bữa tối để xách giúp đồ, cho nên tôi nghĩ tôi không phải là bên không cố gắng.
Tôi cũng không khó chịu khi cô đến buổi học có phụ huynh dự giờ. Tôi đã giấu song chắc cô Miyuki nghe từ ai đó ở khu phố nên khi tôi quay lại nhìn thì thấy cô đang đứng ngay ngắn giữa hàng trên, ăn mặc rất đẹp. Cô dùng điện thoại chụp lại cảnh tôi đứng trên bảng đen giải bài toán khó không bạn nào làm được rồi mang về cho bố xem. Nói thật, tôi rất hạnh phúc vì điều ấy.
Cùng với bố, ba người chúng tôi đã từng đi hát karaoke hay chơi bowling. Tôi cảm thấy mình đang dần trở nên ngu ngốc, song ngu ngốc hóa ra lại dễ chịu đến nỗi tôi còn nghĩ cứ thế này rồi trở thành thành viên của một gia đình ngu ngốc cũng được.
Nửa năm sau khi bố tái hôn, cô Miyuki có thai. Vì là đứa con của hai kẻ ngốc nên sinh ra chắc chắn trăm phần trăm sẽ là một đứa bé ngốc, song một nửa dòng máu lại giống tôi nên tôi cũng mong chờ đứa bé được sinh ra. Hồi ấy, tôi hoàn toàn nghĩ rằng mình là thành viên của một gia đình ngu ngốc. Nhưng chỉ có mình tôi nghĩ vậy. Một tháng trước ngày sinh, lúc đặt mua giường em bé, cô Miyuki nói.
“Cô đã bàn với bố rồi, nhà của bà sẽ là phòng học của Shuya. Em bé khóc thì sẽ phiền cho Shuya lắm. Không sao đâu, cô sẽ lắp cả tivi lẫn điều hòa cho Shuya. Tuyệt quá đúng không.”
Làm sao tôi có thể can thiệp vào một chuyện đã được quyết định. Tuần tiếp theo, hầu hết đồ vật trong phòng tôi được chuyển đến ngôi nhà gỗ ven sông của bà bằng chiếc xe tải nhẹ vẫn dùng chuyển đồ cho cửa hàng. Chiếc giường em bé mới tinh được đặt bên cạnh cửa sổ nhiều ánh sáng trong căn phòng giờ đã trống rỗng.
Có tiếng vỡ bụp của một chiếc bong bóng nhỏ.
Khu phố nhà quê chẳng có lấy một trường học tử tế, tôi dự định học lên trường cấp hai công lập gần nhà nhất nên chuyện thi cử chẳng liên quan gì tới tôi. Môn học nào ở trường tôi cũng chỉ cần đọc qua sách giáo khoa là đủ hiểu rằng ở đây người ta chỉ cho mình học đến mức độ thế này thôi. Chỉ như thế thì tôi đã nắm vững hoàn toàn rồi, mà tôi cũng không định theo đuổi thứ cao hơn thế.
Tức là đối với tôi, phòng học là không cần thiết. Nhưng tôi được nhận nên biết sao được. Để tận dụng thời gian và không gian, tôi quyết định đọc sớm một chút những cuốn sách mẹ mua để dành khi tôi lên cấp hai.
Tôi không biết những cuốn như Tội ác và hình phạt hay Chiến tranh và hòa bình đã có ảnh hưởng thế nào với mẹ. Nhưng tôi nghĩ những gì tôi cảm thấy khi đọc chắc cũng giống với cảm nhận của người mẹ chung một dòng máu với mình.
Tôi không phút nào rời những cuốn sách mẹ mua cho. Tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Trong lúc đọc sách, tôi thấy như đang cùng chia sẻ thời gian với người mẹ ở xa. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhỏ nhoi của một đứa bé cô độc như tôi.
Đắm chìm trong những ký ức về mẹ, tôi nhìn quanh căn nhà được dùng làm kho của cửa hàng đồ điện nhà tôi. Một núi báu vật. Có đầy đủ những dụng cụ thông dụng, cả những đồ điện dân dụng vứt lăn lóc. Trong số đó, tôi tìm thấy chiếc đồng hồ báo thức. Chiếc đồng hồ mẹ đã từng tháo nắp cho tôi nhìn bên trong.
Nhét pin vào đồng hồ cũng không chạy được nữa, tôi mở nắp định thử sửa xem sao thì phát hiện ra chỉ là do tiếp xúc không tốt. Trong lúc chỉnh lại, tôi chợt nảy ra một ý hay ho. Và thế là phát minh đầu tiên của tôi ra đời: đồng hồ chạy ngược. Chiếc đồng hồ có kim giờ, kim phút, kim giây đều chạy ngược, tạo ảo giác như có thể quay lại quãng thời gian đã qua. Tôi chỉnh các kim về 0 giờ và quyết định gọi phòng học là “phòng nghiên cứu” kể từ giờ phút này.
Chiếc đồng hồ ấy là tác phẩm tâm đắc của tôi, song phản ứng từ xung quanh lại khá hờ hững. Xung quanh tôi ở đây là mấy đứa ngu ngốc học cùng lớp nhờ tôi phục chế những chỗ bị mờ trong phim người lớn. Đầu tiên, bọn nó chẳng phát hiện ra kim đồng hồ quay ngược dù nhìn rất chăm chú. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành chỉ cho thì bọn nó cũng chỉ biết phản ứng là: “A, đúng thật nhỉ.” Mặc dù cũng có đứa nói “Ồ, hay nhỉ”, song chẳng đứa nào hỏi “Làm thế nào vậy?” Với bọn ngu ngốc, dù có sờ sờ trước mắt thì chúng cũng chỉ quan tâm đến những thứ trực tiếp liên quan đến mình, không bao giờ có ý định tìm hiểu cơ cấu bên trong. Chính thế mới là bọn ngu ngốc, vô vị.
Bố tôi xem rồi chỉ nói “Hỏng rồi à?” Ông ấy đang say sưa với cậu con trai mới sinh có khuôn mặt và cái đầu ngu ngốc y hệt ông ấy.
Một phát minh bị ghẻ lạnh, chẳng ai coi trọng. Đúng rồi, không biết mẹ sẽ nói gì khi xem cái này nhỉ. Nhất định chỉ có mẹ mới khen ngợi tôi. Mới chỉ nghĩ thế thôi mà tôi đã thấy vui mừng khôn xiết.
Làm thế nào để mẹ xem được nhỉ? Tôi chẳng biết địa chỉ lẫn số điện thoại của mẹ. Tôi chỉ biết duy nhất trường đại học hình như là nơi mẹ làm việc. Do đó tôi quyết định xây dựng trang web của riêng mình. Là trang “Phòng thí nghiệm của tiến sĩ thiên tài”. Nếu tôi công bố phát minh của mình lên đó, biết đâu một lúc nào đó sẽ nhận được bình luận của mẹ. Với hy vọng mong manh ấy, tôi ghi địa chỉ trang web của mình cùng một lời nhắn vào mục góp ý trên trang web của trường đại học.
Một học sinh tiểu học thiên tài yêu thích ngành cơ điện tử vừa đăng lên mạng một phát minh thú vị.
Xin mời vào xem.
Song, tôi chờ mãi mà chẳng có bình luận nào có vẻ là của mẹ. Toàn là bọn ngu ngốc cùng lớp vào bình luận. Vì chúng viết cả chuyện phục chế chỗ bị làm mờ trong băng phim người lớn nên bình luận của bọn biến thái ngày càng nhiều. Chưa đầy ba tháng mà trang web của tôi đã thành nơi trú ngụ của một lũ ngu xuẩn. Để khiến chúng hối hận vì đã vào đây phá đám, tôi đăng lên xác một con chó chết dưới lòng sông cạn, thế là bọn ngốc đấy càng vui tợn, có cả mấy đứa hơi điên điên cũng nhảy vào bình luận. Tuy vậy, tôi vẫn không đóng trang web vì không muốn vứt bỏ niềm hy vọng nhỏ nhoi.
Lên cấp hai, tôi vẫn tiếp tục phát minh. Chủ nhiệm năm lớp Bảy là cô giáo dạy khoa học. Tôi thấy có chút thiện cảm vì cô không định làm thân với học sinh trên mức cần thiết. Tôi muốn đưa cho cô xem những phát minh của mình. Với tôi đây là chuyện cực kỳ hiếm.
Tôi liền đưa ngay cho cô xem một phát minh ưng ý mà tôi mới hoàn thành: “ví giật mình”. Chà, không biết cô sẽ phản ứng thế nào nhỉ. Tôi đã hồi hộp chờ đợi song chỉ nhận được phản ứng của một bà cô thần kinh.
“Sao em lại chế tạo một thứ nguy hiểm thế này? Em định dùng nó làm gì? Để giết động vật à?”
Chắc đã có đứa ngu xuẩn nào đó mách lẻo về trang web của tôi, song một giáo viên chủ nhiệm lại đi tin vào điều đó thì còn ngu xuẩn hơn. Chỉ một câu đó thôi cũng khiến tôi thất vọng.
Nhưng ngay sau đó, một cơ hội tuyệt vời đã đến. Là “Triển lãm sáng tạo khoa học toàn quốc dành cho học sinh cấp hai và cấp ba”. Trên tờ bướm dán ở cuối lớp có viết cả tên và chức danh của các vị giám khảo. Trong sáu vị giám khảo có cả nhà văn khoa học viễn tưởng, vị tỉnh trưởng nổi tiếng xuất thân là diễn viên song tôi chú ý tới một người khác. Seguchi Yoshikazu, mặc kệ tên ông ta, tôi quan tâm đến chức danh kia. Giáo sư ngành cơ điện tử, khoa Khoa học Công nghệ trường Đại học K. Hình như đó là trường đại học của mẹ.
Nếu phát minh của tôi đoạt giải và được vị giáo sư này để mắt đến thì liệu có tới tai mẹ không nhỉ? Nghe thấy tên tôi liệu mẹ có ngạc nhiên không? Mẹ có vui mừng khi thấy con trai đoạt giải bằng kiến thức do mẹ dạy không. Và liệu mẹ có nghĩ đến chuyện gửi một lời chúc mừng tôi không.
Tôi quyết tâm rồi. Vốn tôi vẫn là đứa có khả năng tập trung, song đây là lần đầu tiên trong đời tôi say sưa với một thứ đến vậy. Đầu tiên, để nâng cấp cái ví, tôi thêm vào chức năng ngắt điện. Tôi cũng nghĩ đến chuyện một cuộc thi dành cho học sinh cấp hai trên thực tế hẳn sẽ chú trọng đến bản tường trình hơn là chất lượng của sản phẩm. Chiếc “ví giật mình” chỉ là một trò nghịch ngợm mà thôi. Như vậy thì không được. Đúng rồi, vậy hãy biến nó thành vật chống trộm. Bản vẽ và phần giải thích phải chính xác, còn phần động cơ và những điểm chưa đạt phải làm cho giống một học sinh cấp hai. Viết tay chắc sẽ hay hơn đánh máy. Tôi thấy thứ tôi hoàn thành quá hoàn hảo so với một học sinh lớp Bảy.
Tuy nhiên có một chướng ngại nho nhỏ. Để dự thi cần phải có chữ ký của người hướng dẫn, song cô chủ nhiệm đã tỏ vẻ muốn từ chối ký tên. Tôi khá thất vọng vì cô chủ nhiệm vẫn để bụng chuyện trang web, song sau khi tôi khiêu khích rằng: “Em làm cái này vì chính nghĩa. Nhưng cô lại nói nó là vật nguy hiểm. Hãy để cho các chuyên gia phán xét” thì cô cũng ký cho.
Kết quả đúng như tôi dự đoán. Chiếc “ví giật mình” được đưa đi triển lãm tại cuộc thi toàn quốc tổ chức ở Bảo tàng khoa học Nagoya vào kỳ nghỉ hè và giành giải Ba. Tuy có hơi tiếc vì không được giải Nhất song tôi chưa từng nghĩ đoạt giải Ba mà cũng vui như vậy. Mỗi người đoạt giải sẽ lần lượt được một vị giám khảo nhận xét, và người nhận xét tôi là giáo sư Seguchi. Hình như ông ấy chính là người đã tới đưa mẹ quay trở lại trường đại học.
“Watanabe Shuya, cháu giỏi thật đấy. Đến ta cũng không chế ra được như thế này đâu. Ta đã đọc bản tường trình rồi, cháu đã áp dụng nhiều những điều không giống như được học ở trường nhỉ. Cháu được cô giáo dạy à?”
“Dạ không… Mẹ cháu dạy.”
“Ồ, mẹ cháu. Cháu sống trong môi trường tốt thật đấy. Từ giờ hãy tiếp tục cố gắng và phát minh ra những thứ thú vị hơn nữa nhé.”
Tôi gửi gắm tất cả hy vọng vào vị giáo sư đã gọi tôi bằng họ tên đầy đủ và chắc chắn biết mẹ tôi. Xin giáo sư hãy kể chuyện ngày hôm nay cho mẹ, người hẳn đang làm cùng chỗ với ông. Ông không kể cũng được, chỉ cần để cuốn sách có tên những người đoạt giải ở nơi mẹ có thể nhìn thấy thôi.
Sau đó tôi được phóng viên tờ báo địa phương đến phỏng vấn. Do chỉ là tờ báo địa phương nên có thể sẽ không trực tiếp được mẹ để mắt tới, song nếu mẹ biết tôi đoạt giải rồi lên mạng tra cứu, có khi lại đặt mua một tờ cũng nên. Tôi còn nghĩ cả đến chuyện ấy.
Ngày tôi được phỏng vấn xảy ra vụ một thiếu niên phạm tội ở thị trấn tôi không hề biết đến. Là “vụ án Lunacy”. Khi ấy tôi cũng hơi khâm phục khi trên đời này lại có đứa nữ sinh lớp Bảy làm chuyện hay ho là trộn nhiều loại thuốc độc vào bữa ăn của gia đình rồi ghi lại triệu chứng trên blog.
Suốt cả kỳ nghỉ hè, tôi đã chờ đợi mòn mỏi mà không thấy mẹ liên lạc. Mẹ không biết số điện thoại của tôi. Để có thể nghe máy ngay khi có điện thoại gọi tới, tôi không đến “phòng nghiên cứu” mà ở nhà cả ngày dù biết cô Miyuki khó chịu. Không biết bao nhiêu lần tôi mở máy tính của cửa hàng để kiểm tra hộp thư điện tử, nghe thấy tiếng động là liền đi kiểm tra hòm thư. Tivi trong cửa hàng ngày nào cũng nói về “vụ án Lunacy”. Hoàn cảnh gia đình Lunacy, tình hình ở trường, điểm số, hoạt động ngoại khóa, sở thích, cuốn sách yêu thích, bộ phim yêu thích… Cứ mở tivi lên là thấy tin về Lunacy đến mức phát bực.
Tình hình thế này thì liệu chuyện tôi đoạt giải ở “Triển lãm sáng tạo khoa học” có đến được tai mẹ không? Tôi thậm chí còn tưởng tượng ra cảnh giáo sư Seguchi Yoshikazu và mẹ tôi cùng nhau uống cà phê trong nhà ăn của trường đại học như vẫn thường thấy.
“Ở triển lãm sáng tạo khoa học mới đây có một cậu nhóc phát minh ra thứ hay lắm. Watanabe Shuya thì phải…”
Thật ngớ ngẩn. Chắc chắn không thể có đoạn hội thoại kiểu đó được. Nhất định họ sẽ nói về “vụ án Lunacy”. Thông tin về “vụ án Lunacy” càng sốt dẻo, tôi càng bị ám ảnh là những bong bóng trong người mình đang vỡ dần. Dù được lên báo vì đã làm điều tốt thì tôi cũng chẳng được mẹ nhận ra. Nếu như, nếu như tôi trở thành tội phạm thì mẹ có lao đến với tôi không…
Trên đây là “thời thơ ấu” và “sự điên rồ ẩn giấu bên trong”, cả “động cơ” của tôi. Chính xác là “động cơ” của tội ác đầu tiên.
Tội phạm cũng có đủ loại. Chôm đồ trong cửa hàng, trộm cắp, tấn công… Nếu tôi gây ra một vụ nửa vời thì sẽ chỉ bị cảnh sát hoặc giáo viên thuyết giáo. Và với mức độ như vậy thì cả bố và cô Miyuki cũng sẽ để ý. Nếu thế thì hoàn toàn chẳng có nghĩa lý gì cả.
Tôi ghét cay ghét đắng những hành động vô ích. Đã phạm tội thì phải khiến tivi, truyền thông, thiên hạ xôn xao. Nếu vậy chỉ có giết người. Tôi sẽ cầm con dao trong nhà bếp chạy khắp khu phố, vừa chạy vừa hét lên những tiếng kỳ dị, sau đó đâm vào bà bán đồ ăn sẵn có được không nhỉ? Chắc truyền thông sẽ đưa tin rầm rộ nhưng cách này vẫn khiến bố và cô Miyuki bị truy cứu trách nhiệm.
Chẳng có nghĩa lý gì khi truyền thông nói rằng sự hình thành nhân cách của tôi ảnh hưởng từ hai người đó. Giá như tôi không làm phòng học cách xa nhà như vậy mà để nó sống cùng như một gia đình. Câu nói này của bố mà lan ra khắp cả nước thì nhục lắm.
Không được. Nếu truyền thông không đưa tin rằng trách nhiệm thuộc về mẹ thì mẹ sẽ chẳng bao giờ chạy đến với tôi. Phải khiến mọi ánh mắt đổ dồn về phía mẹ sau khi vụ việc xảy ra. Thứ tôi có chung với mẹ là tài năng. Tóm lại, tội ác tôi gây ra phải có sự đóng góp của cái tài năng khiến mẹ tự hào. Để được như vậy… dùng thứ tôi phát minh ra là xong.
Chế một cái mới, không, chẳng phải đã có thứ phù hợp nhất rồi sao. Là chiếc “ví giật mình”. Lúc tôi lên nhận giải, giáo sư Seguchi đã nói.
“Cháu được cô giáo dạy à?”
Tôi đã trả lời.
“Dạ không… Mẹ cháu dạy.”
Nếu có án mạng xảy ra, đương nhiên người ta sẽ quan tâm đến hung khí. Dao hay gậy bóng chày thì quá tầm thường. Các chất hóa học hay kali xyanua trong “vụ án Lunacy” cũng chỉ là đặt mua trên mạng hay lấy trộm ở trường. Tức là giết người dựa vào công cụ chứ không dùng đến tài năng của thủ phạm.
Không biết thiên hạ sẽ phản ứng thế nào nếu biết hung khí là thứ do một thiếu niên phát minh ra? Chắc chắn truyền thông sẽ làm ầm ĩ lên khi biết thứ đó đã đoạt giải trong một cuộc thi lành mạnh như “Triển lãm sáng tạo khoa học toàn quốc dành cho học sinh cấp hai và cấp ba”. Có khi những vị giám khảo đã trao giải cũng bị truy cứu cũng nên. Nếu vậy thì liệu giáo sư Seguchi có nói người dạy cho cậu thiếu niên ấy kiến thức cơ bản về kỹ thuật là mẹ cậu ta không nhỉ.
Dẫu rằng khả năng ấy rất thấp, song nếu bố bị nghi ngờ vì là chủ cửa hàng đồ điện thì khả năng cao bố sẽ nhắc đến mẹ - người đã trốn tránh trách nhiệm. Vốn đó là chuyện chẳng cần nghĩ ngợi nhiều tôi cũng nói ra được.
Rằng từ khi biết nhận thức, tôi đã được mẹ dạy kiến thức cơ bản về cơ điện tử, chưa một lần được mẹ đọc cho nghe những truyện Momotaro hay Tiên hạc đền ơn.
Phát ngôn này hẳn sẽ gây ra tranh cãi lớn. Không biết mẹ sẽ nói gì với tôi nhỉ. Chắc chắn mẹ sẽ ôm chặt lấy tôi như khi ấy và nói: “Shuya, mẹ xin lỗi.”
Quyết định xong hung khí, tiếp theo là mục tiêu. Là một học sinh cấp hai tỉnh lẻ, phạm vi hoạt động của tôi chỉ có nhà, “phòng nghiên cứu”, trường học, hoặc khu vực xung quanh ba nơi đó. Như tôi đã nói lúc trước, nếu gây án ở xung quanh nhà tôi, đặc biệt là ở khu phố buôn bán ấy thì dù hung khí có là thứ tôi phát minh ra, người sẽ bị truy cứu trách nhiệm vẫn là bố chứ không phải mẹ. Quanh “phòng nghiên cứu” lại chẳng có ai sinh sống. Có thể nhắm vào bọn trẻ con hay chơi dưới lòng sông cạn, song đó là một nơi nguy hiểm, điều kiện không tốt nên ít có đứa nào tới chơi thường xuyên, không phù hợp cho tội ác có kế hoạch. Vậy thì là trường học. Nếu xảy ra một vụ giết người ở trường học, chắc chắn truyền thông sẽ làm ầm ĩ lên.
Vậy thì giết ai? Về chuyện này thì thực sự là ai cũng được. Vốn dĩ tôi chẳng quan tâm đến bọn ngốc nhà quê này nên hầu như còn chẳng nhớ tên bọn bạn cùng lớp. Giáo viên và học sinh, truyền thông sẽ thích ai hơn nhỉ.
Một nam sinh cấp hai sát hại giáo viên!
Một nam sinh cấp hai sát hại bạn cùng lớp!
Nói hấp dẫn thì cái nào cũng hấp dẫn, mà nói nhạt nhẽo thì cái nào cũng nhạt nhẽo.
Thông thường khi nào con người sẽ nảy sinh ý định giết người nhỉ. Nói mới nhớ, đứa ngồi cạnh tôi đã viết đầy chữ “Chết đi” vào vở lúc đang trong giờ học. Tôi những muốn nói thẳng vào mặt cậu ta là chính mày mới là đứa không có sở trường gì, không có giá trị tồn tại. Vậy mà không biết cậu ta còn muốn ai chết đây? Có khi để cậu ta chọn mục tiêu cũng được. Tôi nghĩ.
Song lý do tôi bắt chuyện với cậu ta không chỉ có vậy. Kế hoạch này cần có người làm chứng. Phạm tội giết người mà không có ai biết mình là thủ phạm thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Mà đi tự thú thì cũng ngớ ngẩn. Vậy nên cần có người chứng kiến kế hoạch từ đầu đến cuối và làm chứng trước cảnh sát, truyền thông.
Không phải ai cũng được. Thứ nhất, là không chọn đứa có cái tôi lớn và luôn hô hào chính nghĩa. Vì tôi sẽ cho tham gia từ giai đoạn lên kế hoạch nên đứa nào có vẻ đi mách lẻo với người lớn phải loại ngay. Đứa lên mặt dạy đời là “Không được giết người đâu” càng không nên bàn tới.
Tiếp theo, không chọn đứa đang có cuộc sống sung túc. Mấy đứa đó cứ thấy ai có vẻ bất hạnh hơn mình là nổi lòng thương cảm ngay. “Này, sao cậu lại muốn giết người? Cậu đang đau khổ gì à? Nếu được thì kể cho tớ đi?” Kể xong thì sao? Mày chỉ muốn thấy thoải mái hơn thôi đúng không?
Những đứa như vậy khá dễ hiểu. Chỉ cần quan sát trong khoảng một tuần là tôi có thể phân loại được tính cách từng đứa trong lớp.
Những đứa tôi cần chú ý tới là bọn ngu ngốc. Cả những đứa muốn hưởng lợi từ thành quả của người khác nữa. Chẳng hạn những đứa khi tôi khôi phục những chỗ làm mờ trong băng phim người lớn cho thì lại huênh hoang như thể chúng cũng làm được thật. Những đứa chỉ vào xem ảnh xác động vật tôi đăng trên trang web thôi đã tự thấy mình là đồng bọn của một thiếu niên tàn ác. Những đứa sẽ khoác lác rằng chúng cũng là đồng phạm thì tuyệt đối không được.
Lý tưởng nhất là một đứa cũng ngu ngốc như vậy song lại nhát gan và lòng đầy bất mãn. Shimomura Naoki hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện ấy.
Đầu tháng Hai, tôi thành công trong việc nâng cấp chiếc “ví giật mình”. Cuối cùng thời điểm thực hiện kế hoạch đã tới.
Hầu như tôi chưa bao giờ nói chuyện với Shimomura, song chỉ cần ra vẻ thân thiện bắt chuyện rồi tâng bốc một chút là cậu ta mở lòng ngay. Rất đơn giản, chỉ cần thản nhiên nói điều ngược lại với bản chất để làm cậu ta thích thú. Sau đó đề cập đến chuyện băng phim người lớn nữa là hoàn hảo.
Song tôi ngay lập tức hối hận đã chọn Shimomura làm nhân chứng.
Đầu tiên, điều làm tôi thất vọng là chuyện cậu ta không đặc biệt muốn giết ai cả. Cậu ta nghèo vốn từ nên chỉ biết thể hiện mớ cảm xúc hỗn độn của mình bằng từ “chết đi”.
Thứ hai, cậu ta là một đứa phiền toái. Ở trường thì có vẻ ít nói, song chỉ hơi tin tưởng một chút là cậu ta nói và nói…
“Không ăn bánh quy cà rốt mẹ tớ làm à? À, vậy Watanabe ghét cà rốt giống tớ rồi. Hợp nhau ghê. Tớ chỉ ăn được kiểu này thôi. Vì tớ ghét cà rốt nên mẹ đã thử chế biến cà rốt theo nhiều kiểu, làm cả bánh nữa nhưng cái nào cũng kinh hết. Chỉ có cái này là có thể chấp nhận nên tớ ăn cho mẹ vui.”
Tóm lại cậu ta muốn nói gì. Tôi không động đến chỗ bánh quy ấy là vì thấy khó chịu. Tôi khó chịu với bà mẹ bắt thằng con học cấp hai đến chơi nhà bạn mang theo bánh quy tự làm. Tôi khó chịu vì Shimomura mang bánh đến thật mà chẳng thấy xấu hổ.
Tôi nghĩ hay là giết thằng này? Lần đầu tiên tôi nhận ra ý muốn giết người nảy sinh khi người lẽ ra phải giữ khoảng cách nhất định lại vượt qua đường ranh giới.
Nhưng đúng lúc tôi nghĩ tới chuyện chọn một kẻ khác làm nhân chứng thì Shimomura lại nêu ra một mục tiêu bất ngờ. Là người tôi hoàn toàn không nghĩ tới… Con gái cô chủ nhiệm.
Nam sinh cấp hai sát hại con giáo viên chủ nhiệm!
Đây là điều chưa hề có tiền lệ. Nhất định truyền thông sẽ vồ lấy ngay. Cô chủ nhiệm đã điên cuồng chỉ trích tôi khi tôi đưa cô xem chiếc “ví giật mình”. Cô chủ nhiệm đã lưỡng lự khi ký tên vào đơn dự thi cho tôi. Con gái của cô giáo. Shimomura có ý rất hay. Cậu ta còn biết cả chuyện đứa bé đó đòi mua cái ví Watausa ở trung tâm mua sắm nhưng không được. Tôi quyết định tiếp tục tiến hành với Shimomura là người chứng kiến.
Shimomura rất phấn khích vì tưởng đang lên một kế hoạch nghịch ngợm. Cậu ta nói nào là “phải đi thám thính trước”, rồi bắt đầu hăng hái tự lên kế hoạch. Cậu ta càng khoái chí hơn khi tôi để mặc cậu ta tự nghĩ ra mấy thứ linh tinh.
“Đứa bé đó có khóc không nhỉ? Này Watanabe, cậu nghĩ sao?”
Chẳng biết có gì thú vị mà cậu ta vừa cười hí hí như ngớ ngẩn vừa hỏi.
“Không khóc đâu.”
Bởi mục tiêu sẽ chết. Nhìn điệu bộ lố bịch của Shimomura vì chẳng biết điều đó, tôi cũng cười theo.
Đến khi tận mắt nhìn thấy án mạng tôi mới có thể mừng vui được. Chỉ cần cậu ta sợ hãi chạy về nhà rồi kể ngay với mẹ là được. Hình như ai đó đã bảo mẹ của Shimomura là người hay phàn nàn. Hễ có chuyện gì là bà ấy lại viết thư cho hiệu trưởng. Được lắm, cứ làm to chuyện lên đi.
Công tác chuẩn bị đã rất hoàn hảo.
Ngày hành quyết. Nhận được tin nhắn đã thám thính xong của Shimomura, tôi đi tới bể bơi.
Ngay cả lúc nấp trong phòng thay đồ để chờ mục tiêu tới cậu ta cũng liên tục nói những điều khó chịu. Nào là mẹ đã nướng bánh cho rồi, hôm nay ăn mừng luôn. Tôi im lặng vì nghĩ một khi kế hoạch này hoàn tất, tôi sẽ không nói chuyện với cậu ta nữa nhưng đồng thời cũng muốn cho tên ngốc này nếm mùi đau thương. Đơn giản thôi. Chỉ cần nói thật là xong.
Tôi đang nghĩ vậy thì mục tiêu tới. Một bé gái (lúc đó bốn tuổi) có khuôn mặt lanh lợi giống cô chủ nhiệm. Là trẻ con mà nó cũng biết vươn người, ngó tới ngó lui trong lúc tiến lại gần con chó, lôi từ trong áo len ra cái bánh mì dài rồi xé cho con chó ăn.
Vì đó là con của một bà mẹ đơn thân nên tôi đã tưởng tượng ra một đứa trẻ đáng thương hơn nhiều, song chẳng có vẻ gì như vậy. Cái áo len hồng có in hình Watausa. Mái tóc buộc hai bên cân đối bằng dây buộc tóc điệu đà. Bầu má trắng và mềm. Gương mặt rạng rỡ khi nhìn con chó. Cảm giác như có một con Watausa mềm mại đang ở ngay trước mặt vậy. Một đứa bé rất được yêu thương… Đó là những gì mắt tôi nhìn thấy.
Nói ra có phần xấu hổ, nhưng khi ấy tôi đã rất ghen tị với mục tiêu của mình. Dù tôi chỉ coi mục tiêu đó là một thứ cần thiết cho kế hoạch, một vật thể không hơn không kém.
Tôi đứng phắt dậy như để xua đi cảm xúc đáng hổ thẹn ấy, tiến về phía mục tiêu. Shimomura đuổi theo sau rồi tiến lên trước một bước.
“Xin chào, em là Manami đúng không. Bọn anh là học sinh lớp mẹ em. Nhớ không, anh mới gặp em hôm trước ở Happy Town ấy.”
Đột nhiên Shimomura mở màn. Thực lòng, cho đến lúc này tôi chưa hề nghĩ cậu ta không dùng được. Kẻ nhận sẽ lên tiếng trước là Shimomura. Thậm chí cậu ta còn nghĩ trước lời thoại, vì cậu ta có lợi thế duy nhất là trông tử tế nên tôi để cậu ta làm vậy, song cậu ta nói quá tệ.
Cách cậu ta nói giống hệt người dẫn chương trình hạng ba của mấy trò trẻ con tổ chức ở khu phố mỗi năm một lần. Lẽ ra cứ nói như bình thường thì cậu ta lại hăng hái ra vẻ một anh trai đáng mến. Đến mục tiêu cũng nghi ngờ nhìn Shimomura. Cứ thế này thì kế hoạch đổ bể mất.
Tôi vội vàng xen vào. Giờ chỉ cần Shimomura đứng nhìn thôi.
Nhắc tới con chó là mục tiêu mừng rỡ ra mặt. Con người đúng là một loài vật đơn giản. Tôi canh thời điểm để đưa ra cái ví.
“Ừ, tuy hơi sớm nhưng đây là quà Valentine của mẹ em đấy.”
Nói đoạn tôi quàng cái ví vào cổ đứa bé.
“Là mẹ ạ?”
Mục tiêu toét miệng cười. Nụ cười chỉ những người được yêu thương mới có. Là thứ tôi đã đánh mất…
Chết đi! Tôi đã thầm nghĩ vậy. Nỗi hổ thẹn đã biến thành ý định giết người, tăng thêm giá trị cho việc giết người. Giây phút ấy kế hoạch của tôi trở nên hoàn hảo.
“Đúng rồi. Bên trong có sô cô la đấy, em mở ra xem đi.”
Mục tiêu chẳng hề nghi ngờ gì, chạm tay vào khóa kéo.
Có tiếng tách nho nhỏ. Cùng lúc ấy mục tiêu co giật mạnh rồi cứ vậy ngã ngửa ra. Mắt nhắm nghiền, bất động.
Còn nhanh hơn cả bong bóng vỡ.
Nó chết rồi! Chết rồi! Thành công lớn rồi. Mẹ sẽ đến vì tôi, ôm chặt tôi và nói, “Mẹ xin lỗi con vì thời gian vừa qua”. Rồi sau đó hai mẹ con sẽ được ở bên nhau.
Tôi suýt trào nước mắt thì Shimomura kéo tôi về thực tại. Cậu ta ôm lấy tôi, người run lẩy bẩy. Thật khó chịu.
“Cứ nói với mọi người đi.”
Nói xong điều cần nói, tôi hất tay Shimomura ra và quay đi.
Tao sẽ không bao giờ nói chuyện với mày nữa. Giờ đến phiên mày rồi đấy. Đó là lý do tao bắt chuyện với một kẻ ngu xuẩn như mày, lại còn cho vào cả “phòng nghiên cứu”. Mày làm vãi đầy vụn bánh quy trên thảm điện.
Tôi dừng chân, ngoảnh lại thì thấy Shimomura vẫn đang đứng đực ra.
“À, đúng rồi. Đừng lo chuyện tòng phạm nhé. Vì ngay từ đầu tao đã không coi mày là chiến hữu. Tao ghét nhất loại không có tài mà tự ái lại cao. Đối với một nhà phát minh như tao thì mày đúng là sản phẩm thất bại của con người.”
Hoàn hảo quá. Sảng khoái quá. Sản phẩm thất bại của con người. Tôi đã nghĩ ra cụm từ quá hay. Tôi lại quay lưng đi, lần này không nhìn lại nữa mà ra khỏi bể bơi và về “phòng nghiên cứu”.
Đáng lẽ mọi chuyện đã đúng theo kế hoạch.
Tôi ngủ lại một đêm ở “phòng nghiên cứu”. Tôi đã đợi điện thoại reo hoặc cảnh sát đến bấm chuông cửa song rốt cuộc trời sáng mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Chẳng lẽ Shimomura vẫn chưa khóc lóc với mẹ sao? Cái thằng làm gì cũng trì độn. Nhưng chắc cái xác phải được phát hiện rồi.
Không thấy thông tin gì trên tivi hay trên mạng, tôi hơi nghi ngờ nên rẽ qua nhà để đọc báo buổi sáng trước khi đến trường. Cô Miyuki rót cho tôi một cốc sữa và nói, “Ít nhất thì cũng uống sữa rồi đi nhé?” dù tôi đã hoàn toàn đánh mất thói quen ăn sáng. Tôi uống cạn một hơi rồi mở tờ báo vẫn chưa có ai đọc lên trên bàn ăn. Thường tôi hay đọc bắt đầu từ trang nhất nhưng giờ không phải lúc. Tôi mở trang tin địa phương.
Bé gái bốn tuổi chết do ngã xuống bể bơi khi lẻn vào cho chó ăn.
Ngã chết? Có nhầm lẫn gì chăng, tôi lướt qua bài báo.
Khoảng 6 giờ 30 phút chiều ngày 13, bé Manami (4 tuổi) con gái cô Moriguchi Yuko giáo viên trường cấp hai S được tìm thấy đã chết trong bể bơi của trường. Nguyên nhân tử vong được cho là chết đuối do ngã xuống bể bơi đầy nước, cảnh sát đang tiến hành điều tra xét hỏi những người liên quan.
Từ tiêu đề cho tới nội dung bài báo đều cho đó là một vụ tai nạn. Lại còn không phải chết vì giật điện mà là chết đuối.
Chuyện này là sao? Tôi đang sắp xếp lại mọi thứ trong đầu thì cô Miyuki lên tiếng.
“Ơ… trường của Shuya mà? Hả? Moriguchi Yuko là cô giáo của lớp Shuya? Đúng rồi, nhỉ, nhỉ. Ghê thật! Con cô ấy chết rồi!”
Khi viết những dòng này, một mặt nào đó tôi thấy khâm phục người mẹ kế đã nói ra câu khá hay, song lúc ấy tôi không có tâm trí nào để nghĩ tới chuyện đó. Chắc chắn Shimomura đã làm chuyện thừa thãi rồi. Tôi vội vã tới trường để xác minh sự thực.
Tôi đã nghĩ trong cuộc đời mình sẽ không bao giờ gặp phải từ “thất bại”. Bởi tôi tưởng mình biết cách để không thất bại. Không chơi với bọn ngốc. Tuy nhiên, vì quá chú tâm vào chuyện chọn nhân chứng nên tôi đã hoàn toàn quên mất điều đó.
Cả trường xôn xao vì vụ việc. Người phát hiện ra thi thể là Hoshino học cùng lớp tôi. Cậu ta nói như đinh đóng cột: “Xác chết nổi lềnh bềnh trong hồ bơi.” Tôi lẩm bẩm trong lòng là đâu phải thế. Tại sao không ai nói là Watanabe Shuya đã dùng phát minh đoạt giải ở “Triển lãm sáng tạo khoa học toàn quốc” để sát hại con cô chủ nhiệm?
Đương nhiên rồi. Bởi ai cũng tin đó là tai nạn chứ không phải một vụ giết người. Kế hoạch đã thất bại hoàn toàn. Chắc chắn Shimomura nhát gan đã ném cái xác xuống bể bơi để giả làm một vụ tai nạn nhằm che giấu chuyện nó là đồng phạm.
Tôi giận điên. Giả làm tai nạn, tưởng rằng cậu ta sẽ ít nhiều sợ sệt, nhưng thấy cậu ta thản nhiên tới trường, tôi càng giận.
“Sao cậu lại làm cái chuyện thừa thãi đó?”
Tôi lôi Shimomura ra hành lang hỏi dồn thì cậu ta nói với vẻ thách thức.
“Bạn bè gì đâu mà bắt chuyện. À với lại tớ không có ý định nói với ai về chuyện hôm qua đâu. Nếu muốn tung tin thì xin mời tự làm nhé.”
Khi ấy tôi nghĩ, thằng này ném cái xác xuống bể bơi không phải vì sợ. Nó cố tình làm vậy để phá kế hoạch của tôi.
Tại sao nó lại làm thế? Đơn giản thôi. Để trả thù cho câu tôi nói lúc rời bể bơi. Tôi đã chủ quan. Con giun xéo lắm cũng quằn. Chẳng phải trên khắp nước Nhật, càng những đứa ngốc bị dồn ép thì càng làm mấy chuyện vớ vẩn hay sao. Tôi hối hận vì đã để cảm xúc nhất thời chi phối dẫn tới việc khiêu khích một tên ngốc.
Song, tôi chưa đánh mất gì cả. Không có gì thay đổi hết. Tôi vẫn sẽ tiếp tục là một học sinh giỏi một thời gian rồi lại chuẩn bị một kế hoạch mới.
Những tưởng đã xong xuôi.
Nhưng sự việc chưa kết thúc. Mẹ của nạn nhân, tức cô chủ nhiệm đã phát hiện ra sự thật.
Khoảng một tháng sau vụ việc, cô chủ nhiệm gọi tôi tới phòng Hóa học và đưa cho tôi xem chiếc ví Watausa lấm lem. Vũ khí chứa đựng cả tâm hồn tôi, phát minh yêu dấu… Suýt nữa thì tôi hét lên.
Hay quá, hay quá, hay quá!
Tôi thú nhận sự thật. Tôi muốn giết người bằng phát minh của tôi. Tôi muốn được truyền thông quan tâm hơn cả Lunacy. Tuy nhiên Shimomura, kẻ tôi lợi dụng làm nhân chứng vì quá sợ hãi nên đã ném thi thể xuống hồ bơi. Tôi nói rằng tôi cực kỳ tiếc khi thấy kết cục lại như vậy.
Khi ấy, thái độ của tôi thách thức đến nỗi không bị cô chủ nhiệm giết mới là lạ. Đương nhiên rồi. Một cơ hội lớn để chuyển bại thành thắng cơ mà. Nhưng cô chủ nhiệm nói sẽ không báo cảnh sát. Nói sẽ không coi đây là một vụ án mạng kỳ lạ như tôi mong muốn đâu.
Tại sao? Tại sao hết người này tới người khác đều cản bước tôi? Tôi bực mình khi mọi tình tiết đều không diễn ra theo ý muốn.
Nhưng cô chủ nhiệm nói sẽ không báo cảnh sát.
Hôm bế giảng, cô chủ nhiệm thông báo sẽ nghỉ việc trước cả lớp rồi vừa làm bộ nói lời chia tay vừa kể sự thật về vụ việc. Tôi không đoán được ý đồ thực sự của cô chủ nhiệm khi không báo cảnh sát mà lại đi kể cho bọn ngốc ấy, nhưng câu chuyện không đến nỗi tẻ nhạt. Tuy có những chỗ nghe phát ớn vì lối kể diễn cảm thái quá song đúng là một cuộc đời sóng gió.
Khi tới gần sự thật, mọi người bắt đầu chú ý đến tôi. Mặc dù phải hứng chịu những cái nhìn soi mói nhưng trong lòng tôi tràn ngập cảm giác mãn nguyện rằng cứ để tin đồn tôi là kẻ giết người lan ra khắp trường cũng không tệ. Đúng lúc ấy, sự thật gây sốc được tiết lộ bằng một câu hỏi ngớ ngẩn: “Nếu A lại giết người nữa thì sao?”
“Bảo A lại giết người là sai.”
Là người trong cuộc, lại biết rõ vụ việc nhưng tôi không hiểu cô chủ nhiệm đang nói gì về mình.
“Trừ người bị bệnh tim, cái ví đó không thể làm cho tim ngừng đập, kể cả một đứa trẻ bốn tuổi.”
Phát minh của tôi bị phủ nhận, kẻ giết đứa bé không phải tôi mà là Shimomura. Tôi chỉ làm đứa bé bất tỉnh thôi. Sau đó, tưởng đứa bé đã chết nên Shimomura đã ném đứa bé xuống bể bơi khiến nó chết đuối. Mọi người nhất loạt nhìn về phía Shimomura, kẻ sát nhân thực sự.
Nhục quá. Không có nỗi nhục nào hơn thế này. Đến nỗi tôi muốn cắn lưỡi tự tử chết ngay tại chỗ. Kết thúc câu chuyện, cô chủ nhiệm nói ra một điều rất thu hút sự chú ý.
Cô ta nói đã pha máu của bệnh nhân AIDS vào sữa của tôi và Shimomura.
Tôi mà ngu cỡ như Shimomura thì có khi đã nhảy cẫng lên và hét “Hoan hô” rồi cũng nên.
Khi nhận ra mình đang ngáng đường mẹ, nhiều lần tôi nghĩ tới chuyện tự tử, song vì còn nhỏ nên tôi chẳng nghĩ ra được cách chết nào. Khi ấy tôi đã cầu nguyện không biết bao nhiêu lần.
Rằng ước gì mình bị bệnh.
Ước nguyện ấy lại linh nghiệm theo một cách bất ngờ. Một bước tiến ngoài dự đoán, không, hơn cả những gì có thể dự đoán. Thế cũng là thành công rồi. Có lẽ nhiều khả năng mẹ sẽ tới gặp đứa con trai đang mắc bệnh nặng hơn là đứa con trai mang tội giết người.
Cách nói này hơi kỳ cục nhưng lúc ấy bỗng nhiên sức sống trong tôi trỗi dậy.
Nếu có thể tôi muốn đến ngay bác sĩ để xin kết quả xét nghiệm nhiễm HIV rồi gửi đến trường đại học, nơi có lẽ mẹ đang làm việc. Nhưng phải chờ ba tháng.
Tôi sốt ruột chờ đợi. Đã bao giờ tôi thấy toại nguyện như thế kể từ lúc mẹ đi chưa nhỉ? Bố không muốn tôi gặp mẹ nhưng nếu biết tôi bị bệnh, có thể tình hình sẽ thay đổi chăng. Biết đâu tôi lại được ở cùng mẹ nốt mấy năm cuối đời.
Thời kỳ ủ bệnh thường là năm đến mười năm. Vậy thì tôi sẽ thi vào trường đại học của mẹ rồi cùng mẹ nghiên cứu. Hai mẹ con phát minh ra một thứ thật tuyệt vời. Rồi tôi sẽ chết. Trong vòng tay chăm sóc của mẹ.
Tôi đã tưởng tượng cảnh ấy không biết bao nhiêu lần khi học kỳ mới đến. Shimomura không tới trường, bọn ngốc trong lớp xa lánh tôi vì sợ nhiễm bệnh nên tôi được thoải mái hơn bao giờ hết.
Song lũ ngu xuẩn ấy lại bắt đầu làm mấy chuyện vớ vẩn. Chúng nhét đầy vỏ hộp sữa vào hộc bàn hay ngăn để giày, giấu đồng phục thể dục, viết chữ “Chết đi” vào sách giáo khoa của tôi. Tuy ngán ngẩm vì bọn nó cứ liên tục nghĩ ra những trò nhảm nhí song tôi cũng thấy phục. Đúng là khi thấy hộp sữa thiu bị nhồi đến mức vỡ cả ra trong ngăn bàn, trong khoảnh khắc tôi đã nghĩ đến chuyện giết người nhưng ngay cả khi ấy, chỉ cần tưởng tượng ra cuộc sống chung với mẹ là tôi lại thấy có thể tha thứ, mặc cho chúng muốn làm gì thì làm.
Sau ba tháng chờ đợi, tôi đến bệnh viện đa khoa ở thị trấn bên cạnh để làm xét nghiệm máu.
Chuyện xảy ra đúng một tuần sau. Đúng là không nên coi thường sức mạnh tập thể dù là của bọn ngốc. Sau giờ học, tôi bất ngờ bị tóm từ đằng sau, tay và chân bị trói chặt bằng băng keo. Bọn tấn công đã cẩn thận đeo khẩu trang và găng tay cao su.
Tôi sẽ bị giết mất. Nếu là tôi trước đây có chết cũng được. Song khi ấy tôi không thể chết được. Giấc mơ của tôi sắp thành hiện thực mà.
Liệu bọn ngốc này có tha cho tôi nếu tôi khóc lóc van xin không nhỉ? Liệu bọn nó có tha cho tôi nếu tôi quỳ rạp xuống đất không? Tôi muốn sống tới mức có thể làm chuyện nhục nhã như thế. Nhưng mục tiêu của ngày hôm ấy không phải là tôi. Mục tiêu là lớp trưởng, người bị nghi ngờ mách lẻo giáo viên chủ nhiệm về trò chơi nhảm nhí tên “trừng phạt”.
Lớp trưởng nói là mình vô tội và ném hộp sữa vào tôi để chứng minh điều ấy. Hộp sữa trúng mặt tôi, kêu “pạch” rồi vỡ toác ra. Giây phút đó… ký ức bị mẹ đánh lướt qua trong đầu. Không biết mặt tôi trông như thế nào. Bắt gặp ánh mắt của tôi, lớp trưởng khẽ nói: “Xin lỗi.” Và thế là bị xác nhận có tội. Phán quyết được đưa ra là phải hôn. Vì lý do đó mà tôi bị bắt.
Sao toàn gặp phải lũ vớ vẩn thế này không biết. Tôi đang nghĩ vậy trên đường về nhà thì thấy có phong bì từ bệnh viện trong hòm thư.
Cuối cùng cũng tới! Tôi run run mở phong bì thì lập tức rơi thẳng xuống địa ngục. Âm tính. Tôi không nhiễm bệnh. Không phải là không có khả năng đó. Sao tôi lại không nghi ngờ gì chứ. Có lẽ vẻ khiếp hãi của cô chủ nhiệm hôm ấy đã khiến tôi không nghi ngờ.
Vậy thà vừa rồi tôi bị giết còn hơn. Tôi đã nghĩ như vậy.
Buổi tối, tôi gọi điện thoại hẹn gặp lớp trưởng. Vì tôi không thể vứt đi mảnh giấy hoàn toàn vô giá trị kia. Dù nó chẳng có giá trị gì với bản thân tôi nhưng với người tin rằng mình bị ép hôn một người nhiễm HIV, có thể mảnh giấy này giá trị ngang với sinh mệnh.
Mà không, lý do này chỉ là phụ. Tôi không muốn ở một mình. Và tôi cũng hơi tò mò về lớp trưởng từ trước. Lý do này đúng hơn. Tôi tò mò vì có lần nhìn thấy cậu ta hỏi mua mấy loại hóa chất ở hiệu thuốc nhưng bị từ chối.
“Vì cháu muốn nhuộm…”
Cậu ta nói với người bán hàng như thế nhưng tôi nghĩ, nếu là tôi thì tôi sẽ dùng để chế bom. Cùng lúc ấy, tôi chợt nghĩ hay cậu ta cũng định làm vậy nên mới để ý.
Cậu ta muốn giết ai đó chăng? Thậm chí tôi còn mong rằng biết đâu tôi có thể chia sẻ gì đó.
Bị gọi ra vì chuyện khá trẻ con, lớp trưởng nhìn tờ kết quả xét nghiệm máu mà tôi đưa và đáp lại bằng một câu khá bất ngờ.
“Tớ đã biết rồi.”
Cậu ta nói. Bằng cách nào đó mà cậu ta còn biết kết quả trước cả tôi à. Hay cậu ta đã tìm hiểu cặn kẽ các con đường lây nhiễm HIV và biết với cách làm của cô chủ nhiệm thì xác suất lây nhiễm rất thấp. Tuy nhiên, lúc tôi hỏi ở trước “phòng nghiên cứu”, câu trả lời của cậu ta hoàn toàn khác.
Cô chủ nhiệm không hề pha máu vào sữa. Hôm ấy, lớp trưởng là người cuối cùng rời khỏi lớp, cậu ta đã mang vỏ hộp sữa ghi số thứ tự của tôi và Shimomura về nhà rồi kiểm tra bằng hóa chất cậu ta có.
Vậy là tôi đã bị cô chủ nhiệm lừa phỉnh và tự vẽ ra một giấc mơ sao.
Nhưng quan trọng là tại sao cô chủ nhiệm lại bịa ra chuyện đó. Chẳng phải rốt cuộc là không trả thù được gì sao? Mục đích của cô ta chỉ là dồn ép tâm lý thôi à? Vậy thì cô ta đã thành công với Shimomura. Trên thực tế, cậu ta đã đâm chết mẹ mình bằng dao, đầu óc trở nên không bình thường nên cảnh sát cũng không điều tra được gì. Nhưng liệu cô chủ nhiệm có dự đoán được điều này vào thời điểm hôm bế giảng không?
Chuyện Shimomura bám váy mẹ mà lại giấu mẹ chuyện bị nhiễm HIV khiến tôi bất ngờ hơn. Thậm chí tôi đã nghĩ chắc kẻ như cậu ta về tới nhà là khóc lóc với mẹ ngay rồi ngày nào cũng tới bệnh viện dù vẫn chưa thể kiểm tra là có bị nhiễm hay không.
Nếu cô chủ nhiệm muốn cược kiểu được ăn cả ngã về không thì có thể nói là đã thành công với Shimomura. Song trường hợp của tôi thì sao. Đúng là kẻ thực chất đã giết đứa bé có thể là Shimomura. Nhưng nếu tôi không lên kế hoạch sát hại thì đứa bé đã không chết. Không thể có chuyện cô ta không hận tôi. Dù thế nào cô ta cũng không thể đoán trước được rằng tôi sẽ thất vọng khi biết mình không bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, dù ý đồ của cô chủ nhiệm là thế nào thì rốt cuộc kế hoạch của tôi cũng đã kết thúc trong thất bại. Chán thật. Sống trên đời thật là chán. Nhưng chọn cái chết cũng thật ngớ ngẩn.
Tôi muốn tiêu khiển. Đúng rồi, trả đũa lại bọn ngốc đó. Làm cho bọn chúng nghĩ tôi đang bị nhiễm HIV.
Ngày hôm sau, màn đảo ngược tình thế diễn ra chưa đến năm phút. Tôi phải cảm ơn món quà chia tay tuyệt vời của cô chủ nhiệm.
Thế này thì chẳng còn biết “động cơ” để tôi đặt bom là gì nữa. Xin đừng kết luận rằng mọi việc đã xong xuôi nhờ cô bạn gái làm lớp trưởng đã lấp đầy nỗi nhớ mong mẹ.
Tôi hơi phân vân khi viết về lớp trưởng ở đây song thà viết rõ ràng còn hơn để bị phỏng đoán lung tung.
Đầu óc cậu ta không đến nỗi tệ. Tôi cũng không ghét nhìn gương mặt nhàn nhạt, không có gì đặc biệt ấy. Song lý do tôi có thiện cảm với lớp trưởng không phải bắt nguồn từ đấy. Trong lúc tất cả mọi người, thật xấu hổ là có cả tôi, đều tin sái cổ câu chuyện của cô chủ nhiệm và sợ hãi thì chỉ có duy nhất cậu ta nghi ngờ và đi xác minh sự thật. Hơn nữa, cậu ta cũng không khoái chí đi rêu rao sự thật đã tìm ra mà giữ ở trong lòng. Tôi tôn trọng cậu ta chính vì lẽ đó.
Để được lớp trưởng thích, tôi thậm chí còn dùng những cách nhỏ mọn để lôi kéo sự thương hại như nói “Tớ chỉ muốn được ai đó khen thôi”. Thực ra không phải “ai đó” mà là “mẹ”, song tôi đã thành công.
Nhưng chẳng ngờ cậu ta lại hết sức ngốc nghếch. Phải nói là ngu xuẩn mới đúng.
Cả kỳ nghỉ hè, cậu ta mang từ nhà tới chiếc máy tính xách tay ngồi gõ lạch cạch bên cạnh trong lúc tôi chế tạo bản chạy thử phát minh mới. Tôi hỏi đang làm gì thì cậu ta chẳng nói và tôi cũng không định hỏi thêm. Dù là bạn gái nhưng tôi vẫn không thích nghe chuyện của người khác. Mãi hôm đi gửi bưu điện cậu ta mới cho biết đó là bản thảo dự thi một giải thưởng văn học nào đó. Là chuyện một tuần trước.
“Thấy cậu có nhiều hóa chất đặc thù nên tớ tưởng cậu thích ngành tự nhiên, hóa ra cậu cũng quan tâm đến lĩnh vực đó.”
Tôi nói rồi tiết lộ là đã nhìn thấy cậu ta ở hiệu thuốc, thế là cậu ta bắt đầu kể ra lý do tích trữ hóa chất như thể chờ mãi mới có dịp kể.
Không phải cậu ta định chế bom. Cũng không phải cậu ta muốn nhuộm thật. Nhưng cũng không phải cậu ta muốn giết ai đó. Và không phải vì muốn tự sát.
Đơn giản chỉ vì cậu ta bị ảnh hưởng bởi Lunacy.
Lần đầu tiên nghe về “vụ án Lunacy” cậu ta đã thấy Lunacy là một nhân cách khác của cậu ta. Bằng chứng là cái tên “Lunacy”. Lunacy có nghĩa là nữ thần mặt trăng, chính là lấy từ tên Mizuki. Cậu ta cứ nói những điều vô nghĩa kiểu thế.
Thấy tôi không nói gì, cậu ta càng tiếp tục.
Bằng chứng Lunacy và cậu ta vốn là một người không chỉ ở cái tên. Tại sao à, vì thời điểm xảy ra vụ án cậu ta cũng có những hóa chất giống hệt với Lunacy. Khi nhìn vào danh sách những hóa chất của Lunacy được đăng trên tuần san, cậu ta đã không thốt nên lời… Chuyện là vậy.
À mà tôi trông thấy cậu ta ở hiệu thuốc là sau khi tờ báo đó được phát hành. Tôi không biết những điều cậu ta nói thật đến đâu nhưng một trong những hóa chất ấy đã được dùng để kiểm tra xem trong hộp sữa có máu hay không nên tạm thời cũng có giá trị sử dụng.
Cậu ta nói định dùng hóa chất đó với thầy Terada chủ nhiệm.
Tuy tôi cũng thấy thầy đó hay nhúng mũi vào chuyện người khác giống nhân vật thường xuất hiện trong mấy bộ phim học đường (tôi chưa xem nhưng hình dung là thế), song chưa từng nghĩ đến chuyện sát hại. Khi bị cảnh sát hỏi về vụ việc của Shimomura, cậu ta đã khai những lời khá bất lợi cho Terada. Vậy nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ, điều này khiến tôi thắc mắc. Tôi cho rằng chỉ vì thầy đó tình cờ làm chủ nhiệm rồi bị đối xử như thể đã dẫn dắt để Shimomura gây ra vụ việc ấy thì nên thương hại cho thầy đó.
“Cậu không thích Terada ở điểm nào?”
Đáp lại câu hỏi của tôi, cậu ta đã đưa ra một câu trả lời tồi tệ.
“Vì Nao là mối tình đầu của tớ… À nhưng bây giờ tớ thích Shuya.”
Tôi bị coi ngang hàng với Shimomura. Còn nỗi nhục nào hơn thế này không?
“Khiếp, sao mà ngu thế?”
Tôi tưởng mình chỉ nghĩ thầm trong bụng nhưng hình như đã nói ra miệng. Tiện thể tôi nhạo báng luôn chuyện cậu ta bị ảnh hưởng bởi Lunacy, cậu ta bèn nổi khùng chửi tôi là “kẻ bám váy mẹ”.
Tôi từng kể cho cậu ta nghe phần đầu lá thư ngỏ này song không ngờ sẽ bị gán cho một từ nhảm nhí như vậy. Tôi cãi thì cậu ta giáng ngay cho một cú.
“Có lẽ cậu tưởng là mẹ cậu yêu cậu nhưng vẫn phải ra quyết định đau đớn để theo đuổi giấc mơ? Thực chất là bà ấy chỉ vứt bỏ cậu thôi. Nếu cậu mong gặp mẹ như thế thì tự mình đến gặp đi? Lên Tokyo thì có thể đi về trong ngày được, cậu cũng biết mẹ đang ở trường đại học nào mà.
“Chỉ biết ngồi lải nhải chờ đợi là vì cậu không có đủ can đảm đấy. Cậu sợ bị từ chối khi chủ động đến gặp đúng không? Thực ra từ lâu cậu đã biết là mình bị mẹ vứt bỏ.”
Liệu còn có sự báng bổ nào hơn thế này không? Cậu ta không chỉ làm nhục tôi mà còn làm nhục cả mẹ. Đến khi nhận ra thì tôi thấy mình đang túm lấy cái cổ thanh mảnh đó. Kẻ sát nhân nảy sinh ý định giết người chẳng kịp có thời gian nghĩ đến hung khí. Phía trước kẻ sát nhân này chẳng có gì hết. Nói cách khác, đây chính là điểm cuối, giết người là kết quả tất yếu. Cái chết của cậu ta cũng vậy, nhanh hơn cả bong bóng vỡ.
Việc trẻ vị thành niên giết người sẽ chẳng gây được ồn ào đã quá rõ từ vụ Shimomura. Tôi không định lợi dụng cái chết của cô bạn này.
Tôi nhét thi thể vào trong chiếc tủ lạnh cỡ lớn đặt ở “phòng nghiên cứu”. Tôi thấy đáng thương cho cậu ta khi biến mất cả một tuần mà không có ai đi tìm, nếu có thể, tôi muốn cho cậu ta tan xác cùng trong vụ nổ bom ngày mai. Lý do là vì quả bom được làm bằng những hóa chất cậu ta mua về. “Đặt ở đây mới đúng vị trí của chúng chứ,” cậu ta đã nói vậy rồi tự mình mang đống hóa chất đến “phòng nghiên cứu”. Nhưng dẫu sinh mệnh nhẹ hơn bong bóng thì thể xác cũng nặng hơn một khối sắt nên tôi đã từ bỏ ý định mang cái xác tới trường.
Song, xin đừng hiểu nhầm. Chuyện chế tạo bom và chuyện giết cậu ta không hề liên quan đến nhau.
Ba ngày trước, để hoàn tất mọi thứ, tôi đã tới trường đại học K.
Nếu được, tôi muốn mẹ là người đến gặp tôi. Tuy nhiên, lúc ly hôn mẹ buộc phải cam kết sẽ không liên lạc với tôi. Với người quá mức nghiêm túc như bà ấy, điều đó trở thành một cái cùm lớn. Bà càng nghĩ tới tôi và muốn đến gặp bao nhiêu thì cái cùm ấy lại càng siết chặt bấy nhiêu, khiến bà không thể cử động được. Nếu tôi không cắt cái cùm đó thì chẳng còn cách nào để mẹ con tôi gặp mặt.
Mất bốn tiếng di chuyển bằng tàu thường, tàu cao tốc, tàu điện ngầm tôi đã tới được trường đại học. Khoảng cách đến nơi tôi tưởng xa hơn bất cứ thiên đường nào hóa ra chỉ có thế. Dù vậy, càng gần đến đích, tôi càng thấy khó thở, cảm giác ngột ngạt tăng dần như thể lồng ngực bị bóp chặt.
Trường đại học K, khoa Khoa học và Công nghệ, chuyên ngành Cơ điện tử, phòng nghiên cứu số ba. Đó là phòng nghiên cứu mẹ tôi làm việc. Vừa bước đi trong khuôn viên rộng lớn, tôi vừa tự tưởng tượng ra vô số cảnh gặp gỡ.
Tôi gõ cửa phòng nghiên cứu. Người bước ra là mẹ. Gương mặt mẹ sẽ thế nào khi trông thấy tôi? Mẹ sẽ nói gì? Không, có thể mẹ sẽ im lặng và ôm chầm lấy tôi. Nhưng có khi người bước ra lại là trợ lý phòng nghiên cứu hoặc một sinh viên nào đó. Xin cho cháu gặp phó giáo sư Yasaka. Sau đó nên xưng tên hay im lặng nhỉ…
Trong lúc nghĩ những chuyện ấy, tôi đã tới dãy nhà của chuyên ngành Cơ điện tử. Ở đó tôi gặp lại một người không ngờ đến. Là người đã nhận xét phát minh của tôi ở “Triển lãm sáng tạo khoa học toàn quốc dành cho học sinh cấp hai và cấp ba”, giáo sư Saguchi. Thật ngạc nhiên là giáo sư vẫn còn nhớ và gọi tôi trước.
“Ồ, lâu quá rồi nhỉ. Cháu làm gì ở đây thế?”
Tôi không thể nói thật là tới gặp mẹ. Nhưng cũng ứng biến được ngay.
“Cháu có việc ở gần đây nên ghé qua, nghĩ rằng biết đâu lại gặp được giáo sư.”
“Vậy thì ta vui lắm. Nói vậy tức là cháu mang tới phát minh nào mới chăng?”
“Vâng, thì cũng…”
Tôi không nói dối. Tôi đã mang theo cái đồng hồ chạy ngược, cái ví giật mình, máy phát hiện nói dối định cho mẹ xem. Giáo sư hào hứng dẫn tôi tới phòng nghiên cứu. Phòng nghiên cứu số một ở mạn phía Đông trên tầng ba. Phòng nghiên cứu số ba ở ngay bên trên, tầng bốn.
Có thể tôi sẽ nói thật với giáo sư là tôi tới để gặp mẹ sau khi đưa ông ấy xem phát minh.
Ồ, cháu là con trai phó giáo sư Yasaka à. Thảo nào giỏi thế.
Vừa hân hoan tưởng tượng tôi vừa theo chân giáo sư vào phòng nghiên cứu số một.
Những máy móc tối tân và những cuốn sách chuyên ngành chất như núi. Gần như y hệt phòng nghiên cứu của một nhà phát minh mà tôi hình dung. Giáo sư mời tôi ngồi xuống xô pha rồi bắt đầu pha Calpis[10]. Tôi buồn chán ngó quanh căn phòng thì bất chợt nhìn thấy tấm ảnh dựng trên bàn.
Ảnh giáo sư Saguchi và một người phụ nữ. Sau lưng là một tòa lâu đài cũ ở châu Âu, hình như ở Đức. Người phụ nữ nép mình vào giáo sư, mỉm cười dịu dàng.
Nhìn thế nào cũng thấy đó… là mẹ.
Chuyện này là sao. Hay là ảnh chụp khi đi hội thảo hoặc tu nghiệp gì đó… Mặc dù giáo sư đã đặt cốc Calpis lên bàn trước mặt tôi, nhưng tôi vẫn không thể rời mắt khỏi tấm ảnh.
Thấy vậy, giáo sư cười ngượng ngùng nói:
“Ngại quá, ảnh chụp khi đi du lịch trăng mật đấy.”
Bong bóng vỡ.
“Du lịch trăng mật?”
“Ừ, cháu nghĩ ta già rồi đúng không. Ta kết hôn năm ngoái, gần năm mươi tuổi rồi mới chuẩn bị làm cha, xấu hổ ghê.”
“Làm cha?”
“Em bé sẽ ra đời vào cuối tháng Mười hai. Vậy mà vợ ta hôm nay còn đi hội thảo ở tận Fukuoka cơ đấy. Lo quá.”
Tiếng bong bóng vỡ lộp bộp trong đầu tôi.
“… Là phó giáo sư Yasaka, đúng không ạ?”
“Ồ, cháu biết vợ ta à?”
“Là người… cháu rất ngưỡng mộ.”
Toàn thân tôi run lên, không nói được gì nữa. Những bong bóng cuối cùng biến mất. Giáo sư nhìn tôi nghi ngờ rồi nói như thể giật nảy mình.
“Có lẽ nào cháu là…”
Tôi chạy ra khỏi phòng nghiên cứu mà không nghe hết câu. Tôi không quay lại nhìn song hình như giáo sư không đuổi theo.
Người mẹ đầy tài năng của tôi đã từ bỏ gia đình để đổi lấy ước mơ cơ mà. Mẹ đã bỏ lại đứa con yêu quý để thực hiện ước mơ vĩ đại là trở thành một nhà phát minh cơ mà.
Tôi là đứa con duy nhất. Chẳng phải mẹ đã nói thế hay sao. Mẹ không bao giờ đến đón tôi mà đi cưới một người đàn ông tài năng hơn mẹ, sinh con cho người đó rồi cùng nhau hạnh phúc.
Bốn năm sau khi mẹ đi, cuối cùng tôi đã hiểu. Đối với bà ấy, thứ ngáng đường không phải con cái. Thứ ngáng đường là đứa con tên Shuya. Kể từ ngày bỏ đi, Shuya chỉ còn là sự tồn tại trong quá khứ. Mà không, có lẽ bà ấy đã xóa hẳn khỏi bộ nhớ rồi cũng nên.
Bằng chứng là mẹ không hề liên lạc gì, dù chắc chắn giáo sư đã nhận ra tôi.
Việc giết người quy mô lớn mà tôi sắp thực hiện chính là để trả thù mẹ. Ngoài ra chẳng còn cách nào khác khiến bà ấy biết về tội ác tôi gây ra.
Và lần này nhân chứng chính là các bạn, người đã đọc bản di chúc tôi đăng lên trang web này. Xin hãy theo dõi tới cùng vụ việc rất có thể sẽ lưu danh trong lịch sử tội phạm thiếu niên xảy ra ngày mai và chuyển tới bà ấy tiếng gào thét của linh hồn này.
Vĩnh biệt!
“Vĩnh biệt!”
Tôi ném bài văn nhạt nhẽo tiêu đề “sinh mệnh” xuống bục nói chuyện, rút chiếc di động từ trong túi quần đồng phục ra. Số đã được bấm sẵn. Tôi từ từ nhấn nút gọi, tức nút kích hoạt quả bom.
Một giây, hai giây, ba giây, bốn giây, năm giây…
… Chẳng có gì xảy ra. Có chuyện gì vậy. Không nổ? Thậm chí còn không thấy có dấu hiệu là chiếc điện thoại gài trong thiết bị kích nổ đang rung. Chẳng có lẽ! Tôi nhìn vào lòng bục nói chuyện.
Không có bom…
Ai đó đã đọc trang web và vô hiệu hóa rồi chăng. Nhưng không có vẻ gì là cảnh sát đã tới trường. Gỡ bom là việc quá nguy hiểm với người nghiệp dư. Vậy thì ai đã… Chẳng có lẽ! Là mẹ?
Bỗng nhiên chiếc điện thoại tôi đang cầm đổ chuông. Cuộc gọi ẩn số.
Tôi dùng ngón tay đang run rẩy nhấn nút nghe.