Về đến nhà, mẹ nghiêm khắc hỏi tôi:
- Con đi đâu về? Tại sao lại về muộn thế này?
Tôi nói dối không thành. Nhưng lạ nhất là mẹ giả vờ tin tôi. Ba ngồi đọc báo trên tràng kỷ với một nụ cười bí ẩn bên mép. Cả buổi tối ba chẳng nói với tôi lời nào.
Tôi ngồi trong bếp vơ vét thức ăn nhà để phần. Tôi đã ngon miệng trở lại. Từ hai hôm nay, các thứ mùi không khiến tôi khó chịu lắm nữa.
Mẹ im lặng vào phòng và ngồi xuống trước mặt tôi. Trong bóng tối mờ mờ, chiếc bàn sơn mài đỏ chuyển thành màu đen. Chị bếp lau cọ kỹ càng khiến nó bóng lên như gương. Không biết làm sao tránh ánh mắt của mẹ, tôi khều từng hạt cơm trên đầu đũa.
Là con một gia đình quý tộc Mãn Châu có nhiều công nương nhập cung, mẹ đã biết thế nào là sự sụp đổ của hào nhoáng và trái tim mẹ đã rắn lại. Mẹ nhốt chặt các kỷ niệm của mình trong các hộp và nhìn thế giới suy đồi với vẻ lạnh lùng của một người đàn bà bị tổn thương.
Cuộc sống ở nước Anh đã làm mẹ tôi tách biệt hẳn với Trung Hoa. Chị tôi thường kể là nếu ba không nài nỉ chắc mẹ chẳng bao giờ quay về. Khác với những bà mẹ Trung Hoa khác tràn trề tình mẫu tử, mẹ giữ một vẻ ngại ngùng lịch sự khiến chúng tôi chẳng có cơ hội âu yếm mẹ. Khi mẹ giận, bao giờ cũng chỉ vì một chi tiết nhỏ nhặt nào đấy: chậm giờ, thiếu lịch sự, làm nhầu sách…
- Con dạo này gầy đi, mẹ nói.
Tôi thót tim, mẹ định bảo gì nhỉ?
- Sắc mặt con không được khoẻ. Đưa tay cho mẹ xem mạch.
Tôi chầm chậm đưa tay trái cho mẹ, còn tay phải vẫn gắp ăn. Không biết mẹ có phát hiện ra không đây?
- Mạch yếu và rối loạn, mẹ nói sau khi bấm mạch cho tôi. Phải cho con đi khám bác sĩ. Sức khoẻ của con làm mẹ rất lo. Con gái tuổi các con thường bị bất ổn do cơ thể phát triển nhanh. Vì thế ngày xưa người ta hay bắt lấy chồng sớm cho nó ổn định.
Tôi không dám nói gì. Mẹ đứng dậy:
- Con phải ăn cháo yến sào. Món này bổ máu và đường ruột, làm hài hoà phát triển năng lượng trong người. Ngày mai mình sẽ đi kháng lang Liu. Ông ta sẽ bắt mạch kê đơn cho con. Rồi sau đó mẹ sẽ đem con đến bệnh viện Mỹ. Tây y bổ túc cho đông y. Hết tuần này là nghỉ hè rồi. Con không được chơi cờ vây ở quảng trường Thiên Phong nữa. Chị con cũng về nhà mình ở. Mẹ sẽ giữ cả hai đứa ở nhà để chăm sóc các con tốt hơn.
Tôi không thích bị khám nữa tí nào, tôi bảo mẹ rằng ngày mai tôi không có thời gian đi đến ông Lang.
- Chiều mai con không có giờ ở trường, mẹ đáp.
- Nhưng con còn phải chơi nốt ván cờ đang dở.
Mẹ nổi giận nhưng giọng vẫn bình tĩnh:
- Mẹ đã cho các con quá tự do rồi đấy, cả chị con cũng thế. Như thế là không thích hợp với các con. Con huỷ ván cờ đi.
Ra đến cửa bếp, mẹ quay lại:
- Dạo này con ăn mặc rất xấu. Váy này là của chị con. Quá dài đối với con và màu lại không hợp với da con. Các váy mới mẹ may cho cách đây hai tháng đâu cả rồi?
Tôi lăn ra giường phòng tôi. Đêm ấy, máu ra ít hơn. Tuy vậy, tôi ngủ không ngon giấc. Hương mặc đồ đỏ cô dâu, trang sức đầy mình đang cúi chào một thằng cha xấu hoắc. Nước mắt lưng tròng, trông nó giống hệt một tiên nữ bị đày xuống trần để rửa tội lỗi trong nhục nhằn. Có một người lạ nhận thấy nỗi buồn của tôi. Anh nắm tay tôi. Bàn tay anh xù xì như hòn đá kỳ nhưng lại làm dịu được thần kinh tôi đang xúc động. Sau lưng anh, tôi thấy Mẫn đứng dưới gốc cây trước cửa đền Bạch Mã. Anh cười với tôi và biến mất trong đám đông.
Sáng ra thức dậy người tôi mệt mỏi, da khô. Để mẹ vui, tôi mặc chiếc váy mới. Vải cứng quá làm tôi khó chịu.
Đến ngã tư đền, tôi đưa mắt nhìn về phía gốc cây nơi tôi thấy Mẫn trong mơ. Có một người đàn ông ngồi xổm ở đó. Anh ta nhìn làm tôi lạnh buốt lưng. Kinh!
Tôi nhẩy xuống xe. Anh đã gầy đi cả chục cân. Một chiếc mũ che gương mặt anh nay để râu, méo mó vì sẹo.
Khi tôi tiến về phía anh, Kinh lùi lại, im lặng rất lâu. Mắt anh đăm đăm nhìn lũ kiến đang leo cây thành một dòng dài vô tận.
- Tôi đã phản bội.
Giọng nói âm thầm của anh làm tôi rợn cả người.
- Xác họ bị vứt vào trong một hố chôn tập thể. Tôi cũng không thể sám hối trên mộ họ được. Mới đây Mẫn vẫn còn sống vui vẻ mà.
Kinh đập đầu vào thân cây, tôi nắm lấy cánh tay anh.
Anh giằng ra:
- Đừng động vào anh. Anh là một thằng hèn, một thằng sống mà như chết rồi. Anh đã thú nhận hết, nói hết: Cũng dễ như đi giải mà thôi. Anh không xấu hổ. Anh không nghĩ đến ai cả, lời tự nó cứ tuôn ra, phá hoại tất cả mới dễ làm sao…
Kinh phá ra cười và lắc mạnh đầu:
- Chỉ có em là không nhìn anh như một con quái vật. Bố anh chỉ mong anh chết đi và cấm mẹ anh gặp anh. Giờ đây anh mang vết khắc ô nhục trên mặt.
Anh đấm tay vào thân cây mạnh tới mức tay anh bật máu.
Tôi chìa cho anh một chiếc khăn tay. Anh lẩm bẩm:
- Anh không thể quay trở lại trường được nữa. Anh xấu hổ. Anh sống như một con chuột cống, anh trốn tránh bạn bè và trẻ con sợ anh. Đêm anh không ngủ được. Anh chờ xem Liên minh Kháng chiến có cho người đến giết anh không. Họ sẽ lôi anh xềnh xệch, sẽ chĩa súng vào người anh. Họ sẽ nói: “Mày đã phản bội niềm tin của chúng tao, mày đã bán rẻ danh dự của mày, nhân danh Kháng chiến, nhân danh nhân dân Trung Hoa, nhân danh các nạn nhân và gia đình, chúng tao vứt mày xuống địa ngục…” Em sẽ thấy xác anh ngoài phố, ngay đây thôi, phơi ngay ngã tư này này, với một tấm biển trên cổ: “ Hắn đã phản bội, hắn phải đền tội!”
Kinh khiến tôi thương hại. Nhưng tôi không biết cách nào để an ủi anh. Anh dõi nhìn nét mặt tôi, đột nhiên lao tới xiết chặt tay tôi đến phát đau:
- Em phải biết sự thật. Mẫn đã cưới Đường trong tù để cả hai được hoà hợp trong cái chết. Anh chỉ yêu mình em thôi. Trong hai đứa bọn anh, Mẫn là kẻ phản bội đầu tiên. Mẫn phản bội em và chuyện này làm anh tức giận. Anh không muốn đi theo nó là vì em. Anh muốn cưới em, bảo vệ cho em. Anh muốn gặp em trước khi chết và nói cho em biết anh yêu em biết bao. Anh đánh đổi danh dự lấy tình yêu của em. Hãy hiểu cho anh! Hãy nói là em không hề khinh anh!
Tôi chóng mặt và tìm cách gỡ tay Kinh ra.
Anh nhìn vào mắt tôi:
- Anh có hai tấm hộ chiếu đi Trung Hoa lục địa. Đi với anh. Chúng mình đi Bắc Kinh. Sẽ tiếp tục học. Anh sẽ đi làm để nuôi em, làm em hạnh phúc. Nếu cần anh sẽ đi kéo xe để kiếm tiền thêm. Sáng mai tầu chạy tám giờ sáng. Anh đã mua hai vé rồi. Đi với anh!
Tôi chống cự:
- Buông em ra!
Kinh thở dài:
- Em ghét anh. Anh thật ngu ngốc mới nghĩ rằng em có thể yêu một thằng khốn như anh. Thôi em hãy bảo trọng và quên anh đi.
Anh hất vai, cúi đầu, lưng còng xuống và từ từ bỏ đi, tay đút túi.
- Chờ tí đã! Em còn phải nghĩ. Sáng mai chúng mình gặp nhau ở đây được không?
Anh quay lại và nhìn tôi tuyệt vọng:
- Sáng mai hoặc vĩnh biệt em!
Lòng chua chát và đau đớn, Kinh đi xa dần, người nép sát vào tương đền. Tôi thấy chân anh tập tễnh và chân trái kéo lê như một cành cây hỏng. Cảnh đó làm tôi thấy khổ sở. Tôi tì trán vào thân cây và nhắm mắt lại. Vỏ cây truyền chút hơi nóng của mặt trời buổi sớm. Dường như Mẫn đứng đâu đây gần tôi.
- Em ghét anh.
Anh mỉm cười và không trả lời.
82.
Một người đàn bà đang tắm suối nước nóng. Tấm thân trần của cô lấp lánh, tan ra, uốn lượn như một chiếc lá dài. Bên suối, một chiếc kimônô bằng vải bông màu xanh lơ treo trên cành cây. Gió nhẹ thổi vuốt ve chiếc áo.
Tiếng kèn giật giọng xoá tan giấc mơ của tôi. Tôi máy móc vớ mớ quần áo xếp sẵn dưới chân giường, xỏ vào giầy. Tôi chất hành trang lên lưng và lao ra ngoài.
Tiếng còi tập hợp ré lên khắp nơi. Tiểu đoàn bắt đầu tiếp bước. Mệnh lệnh đưa ra từ đầu hành quân. Chúng tôi bắt đầu chạy. Cổng doanh trại mở và lính gác chào chúng tôi. Rồi cổng thành cũng mở, không khí mát mẻ tăm tối của đồng ruộng quất vào mặt tôi.
Tôi hổn hển. Đáng phải chạy sâu vào rừng như trong các cuộc hành quân trước thì nay chúng tôi tiếp tục trên đường quốc lộ. Một nỗi sợ hãi xiết lấy tôi: chúng tôi đang đi về phía Bắc Kinh.
Khi mặt trời nhô lên nơi chân trời, chúng tôi đã bỏ xa thành phố. Tôi cố khép mình vào vai người lính đang xung trận, tôi cầu đến cái chết. Thật là lạ, đáng ra phải tăng thêm sức mạnh và làm tôi dịu bớt như mọi khi, mong ước này khiến tôi càng nóng ruột hơn.
Nhiều tháng ngọt ngào vừa qua nơi doanh trại tan biến trong khoảnh khắc. Thiên Phong có thực sự tồn tại không? Và cô gái chơi cờ vây phải chăng là nhân vật của một sự ngất ngây tưởng tượng? Cuộc đời là một vòng luẩn quẩn, ngày hôm kia gắn với hôm nay để xua đuổi hôm qua. Chúng ta tưởng mình sẽ tiến lên trong thời gian nhưng thực ra vẫn là tù nhân của quá khứ. Ra đi. Tốt thôi. Nếu ở lại với quảng trường Thiên Phong tôi sẽ huỷ hoại chính tôi trong những bản năng dai dẳng nhất của con người: yêu, sống, sinh con đẻ cái.
Tôi nghe có tiếng còi dừng cuộc hành quân. Như một chiếc đàn ăccoocđêông, hàng quân dồn cả lại để thở. Tôi gỡ bình nước và uống thứ nước âm ấm vì nắng.
Lệnh mới truyền xuống: đằng sau quay, cuối hành thành đầu hàng. Trở về thành phố.
Nhiều tiếng kêu vui mừng vang lên. Các sĩ quan thúc lính lên đường.
Tôi mặc mình trôi đi trong làn sóng hạnh phúc ấy.
83.
Trong giờ học, Hương nóng ruột lấy móng tay cào cào trên bàn. Tôi xé một tờ giấy và viết:
- Thôi đi, tớ phát điên về tiếng cào ấy lắm!
Nó trả lời:
- Đừng cáu, cả đêm tớ không ngủ.
- Kinh đang đề nghị tớ đi cùng anh ta lên Bắc Kinh. Đi với chúng tớ đi. Anh ấy sẽ kiếm cho cậu một tấm hộ chiếu và một cái vé. Đến đấy chúng ta thành người tự do!
- Khó tin được người hèn lắm. Thương thì được nhưng đi theo thì không nên.
- Kinh khác người khác chứ.
- Cậu cẩn thận đấy, mấy ông phản bội ông nào chẳng giống ông nào.
- Khi nào cậu về quê với bố cậu, rồi cưới cái ông không biết mặt ấy xong, cậu đã tự phản bội chính mình đấy, lúc bấy giờ mới khổ vì hèn đấy.
- Để tớ yên. Tớ đã quyết rồi. Tớ không phiêu lưu ở Bắc Kinh với cậu đâu. Tớ không muốn trốn tránh thực tế bằng cách trốn tránh cuộc sống. Ở lại đây đi! Chiến tranh sắp nổ ra ở Trung Quốc rồi. Không ai thoát khỏi đâu.
- Nói gì mà như một bà cô chồng ấy. Bố cậu tẩy não cho đấy
- Tớ nghĩ rồi. Tớ muốn có một người đàn ông trong đời. Tớ chỉ muốn có thế thôi.
- Này Hương, hôm nay mình làm sao đấy?
- Tiểu thuyết làm chúng mình hỏng người đi. Si mê nồng thắm chỉ do mấy tay văn sĩ bịa ra. Tớ cần gì tự do nếu không có tình yêu. Không có tình yêu thì thà làm tù nhân còn hơn. Tớ muốn là đã phải khổ thì cũng phải đem nỗi khổ lấy váy xống xênh xang, châu ngọc, hạnh phúc dễ dàng.
- Có bị ấm đầu hay không đấy? Sao lại nói năng lảm nhảm thế?
Hương mãi không trả lời tôi. Bút nó kêu kèn kẹt trên giấy:
- Tớ chưa bao giờ thú nhận với cậu. Tớ quen một ông chủ nhà băng cách đây hai năm. Hôm qua tớ nhận lời làm nhân tình của ông ấy rồi. Lát nữa ông ấy sẽ đến đón tớ và đưa tớ về sống tại một ngôi nhà của ông ta. Ông ta sẽ cho bố tớ nhiều tiền và bố tớ sẽ biến.
Tôi tự hỏi không biết đứa nào điên trong hai đứa chúng tôi. Chuông reo làm đứt mạch thư từ. Tôi xếp đồ vào cặp, ra khỏi phòng chẳng nói với Hương lời nào.
Nó đuổi theo tôi trong phố:
- Cậu xấu hổ vì tớ đấy à?
Tôi lắc đầu và xoạc cẳng bước. Hương ôm lấy tôi:
- Thôi đừng bỏ tớ! Đừng đi Bắc Kinh! Tớ cảm thấy một mối nguy hiểm đối với cậu ở trên ấy. Thề với tớ là cậu không gặp Kinh đi. Thề đừng đi đi! Tớ sẽ mách ba mẹ cậu. Ba mẹ cậu sẽ nhốt cậu lại…
Tôi đẩy nó ra. Nó loạng choạng và ngã. Tôi hối hận về hành động của mình nhưng không thể nào chìa tay cho nó được, tôi bỏ chạy.
84.
Lan bất ngờ khi thấy tôi đến, mừng cuống lên. Chỉ một giây là cô ta đã tháo tung cả váy và lột quân phục của tôi ra. Tôi để mặc cô ta muốn làm gì thì làm. Thân thể trần truồng của cô làm tôi đột hứng. Tôi xọc vào người cô ta. Khoái cảm của tôi cũng chao đảo như nửa ngày vừa qua vậy. Cô điếm Mãn Châu thét lên, tiếng kêu của cô làm tôi phát nhức đầu. Đột nhiên, cô ta buông tay và tìm cách đẩy tôi ra. Tôi chỉ rời khỏi cô ta sau khi đã phũ phàng hưởng thụ. Cô ta vặn người trên giường, tay bịt chặt chỗ kín. Tiếng rên rỉ khiến tôi tức giận. Cái con điếm này lại vẫn còn dám ghen!
Tôi nốc một cốc nước và ngồi xuống ghế. Cô ta vẫn khóc thút thít, tôi tắm rửa kỹ càng và mặc quần áo để về.
- Cút đi, Lan nức nở kêu lên. Cút đi, đừng bao giờ quay lại nữa.
Tôi ra cửa, Lan lao về phía tôi và ôm chân tôi, đẫm nước mắt:
- Em xin lỗi, đừng bỏ em…
Tôi đạp chân hắt cô ta ra.
Trên đường đến quảng trường Thiên Phong, tôi nhận ra mình là kẻ khốn nạn nhất trên đời. Có điều gì đó đã vỡ tan trong tôi. Tôi cảm thấy như hồi còn bé sau cơn động đất: trống rỗng, rối ren, có tiếng ù ù liên tục. Lý trí ra lệnh cho tôi không quay về với bàn cờ nữa nhưng chân tôi lôi tôi đến. Tôi muốn trốn chạy sự huỷ diệt chính mình và lao đầu vào thảm hoạ.
Cô gái người Hoa đã đến rồi, mặc một chiếc váy mới. Cổ áo cứng ngắt, bó chặt trong hai hàng cúc tết khiến mặt em mang nét nghiêm trang bi thảm. Tim tôi đập muốn vỡ tung ra. Mặt tôi bỏng cháy. Mắt tôi nhìn xuống quân cờ, tôi chào em và ngồi xuống.
Trên bàn cờ là mặt biển nổi sóng, sóng đen, sóng trắng xô vào nhau. Gần bốn bờ, sóng dồn lại, cuộn xoáy và lại lao lên. Hoà trộn vào nhau, đè nghiến lên nhau để rồi lại ôm xiết nhau chặt hơn bao giờ hết.
Như mọi khi, em không nói. Sự yên lặng của em, như một bí ẩn của đàn bà khiến tôi nghẹn giọng. Em đang nghĩ gì? Tại sao em không nói? Người ta bảo đàn bà không nhớ. Em quên hết rồi sao?
Hiển nhiên là tối qua trên đường trở về, tôi đã không đủ dũng cảm để ôm em vào lòng. Em mong chờ một tình yêu như của một người đàn ông Trung Hoa dành cho một người đàn bà Trung Hoa. Làm sao thổ lộ lòng tôi mà không phản bội lại Tổ quốc? Làm sao nói được với em rằng có một tấm gương chia cách hai chúng tôi, và chúng tôi quay cuồng trong hai thế giới thù hận nhau?
Các quân của em bắt đầu sải cánh. Nước đi của em ngày càng nhanh nhậy. Em nhiều mưu lắm mẹo. Thật là một tay cao cờ!
Đột nhiên, nhịp chơi của em chậm lại.
85.
Mỗi quân cờ là một bước dấn sâu vào lối xuống của tâm hồn. Tôi yêu cờ vây vì các mê lộ của nó.
Tầm quan trọng của quân cờ tiến triển theo nước đi của các quân cờ khác. Mối liên hệ giữa chúng ngày càng chằng chịt, biến đổi và không bao giờ tương ứng chuẩn xác với cái mà người chơi định đạt tới. Cờ vây chẳng cần tính toán, đối đầu hẳn với trí tưởng tượng. Khó lường trước như biến động của tầng mây, mỗi thế cờ mới là một sự phản bội. Không ngừng nghỉ, luôn luôn ở thế sẵn sàng, luôn luôn hối thúc hướng về cái khéo léo hơn, phóng túng hơn nhưng đồng thời cũng lạnh lùng, chính xác, hiểm ác hơn. Cờ vây là trò chơi của sự dối trá. Ta bao vây kẻ thù bằng những hư ảo chỉ vì một sự thực duy nhất đó là cái chết.
Tôi quyết định chẳng về nhà, và kệ mẹ đang chờ để đưa tôi đi khám ông lang.
Tôi đã ở đây rồi, trước bàn cờ và anh chàng lạ mặt của tôi.
Anh mặc chiếc áo dài cũ mốt, kính và mũ làm anh giống như mọi người bình thường khác. Tuy nhiên có điều gì đó để lộ sự khác thường trong anh. Mặc dù râu anh cạo nhẵn, nhưng chân râu rậm để lại một vết xanh trên má rám nắng của anh. Lông mi anh dầy và đen, ánh mắt sáng như kim cương. Hai quầng tím xanh thành vệt dưới mắt. Tôi nhớ là mắt Mẫn cũng như vậy mỗi khi anh vừa làm tình với tôi.
Tôi lúng túng quay nhìn chỗ khác. Trên quảng trường, các để trống và người chơi đã về hết. Vô số ván cờ vây hiện lại trong tôi. Nhiều gương mặt không quen dồn lại thành tấm mặt nạ đối thủ của tôi đang mang kia. Anh có vẻ cao quý của những người yêu thích những uẩn khúc của tâm hồn hơn sự dã man của cuộc đời.
Ra đi cùng Kinh có nghĩa là trao cho anh ta cuộc sống mới của tôi. Nhưng tôi không thích anh ta nữa. Hồi trước, gương mặt tối sầm của anh ta khiến trí tưởng tượng của tôi rung động. Nỗi ghen của anh làm tôi say mê. Đầu ngón tay tôi còn giữ kỷ niệm về da anh trơn và săn chắc lúc anh đèo tôi trên chiếc xe đạp. Còn bây giờ, anh chỉ một kẻ ăn mày đang làm phiền tôi.
Phép mầu rắc rối nối ba chúng tôi, Mẫn, Kinh và tôi tan biến. Tôi đã bị mê hoặc bởi một anh hùng hai mặt. Kinh chẳng là gì nếu không có Mẫn. Mẫn cũng chẳng là gì nếu không có Kinh. Tình yêu của người sống sót đè nặng lên tôi, sẽ bóp ngặt tôi. Làm thế nào để giải thích cho anh ta hiểu được rằng giữa chúng tôi đã vỡ tan và một nỗi thương hại ân cần?
Tuy nhiên nếu hôm nay tôi không trốn đi ngay, mẹ tôi sẽ buộc tôi phải đến nhà ông lang. Họ sẽ phát hiện ra lý do tôi khó ở. Hương thà bán mình còn hơn. Tôi quyết không muốn nhìn nó ăn bận giầu sang, mang một nụ cười độ lượng. Mẫn chết rồi còn Kinh cũng hoảng loạn suốt đời thôi. Thành phố này còn giống như một nghĩa địa vậy. Thế thì ở lại làm gì? Ai giữ mình đâu?
Đối thủ của tôi nghiêng mình trước mặt tôi:
- Xin cô thứ lỗi, tôi phải về. Ngày mai chúng ta gặp nhau có được không?
Câu nói bình thường này làm tôi hoảng hốt. Cờ vây giúp tôi thắng lại được đau đớn. Từng quân từng quân một giúp tôi quay trở về với cuộc sống. Rời bàn cờ vây bây giờ có nghĩa là phản bội lại người duy nhất trung thành với tôi từ trước đến giờ.
86.
Đêm xuống dần, nhắc tôi nhớ tới doanh trại và cuộc hẹn với đại uý Nakamura. Cô gái tiếp tục chơi trong bóng tối. Tôi đã trễ giờ nhưng được ngồi một mình cùng em dưới trời đầy sao khiến tôi thành bất cần. Xin lỗi đại uý nhé, anh phải chờ thôi.
Cuối cùng, ý thức về kỷ luật đã thắng, tôi quyết định ra về. Em giữ tôi lại:
- Xin anh chờ cho một lát.
Em cúi mặt. Mi mắt em rung lên. Theo nhịp thở, những nốt ruồi nhỏ của em như bướm đêm đang chập chờn vỗ cánh.
Em nói:
- Bây giờ chỉ còn có hai chúng ta. Không ai nghe được, chỉ có gió thôi. Bây giờ tôi nhắm mắt, tôi ngồi đây với anh trong đêm. Tôi hỏi anh một câu mà nếu mở mắt chắc tôi không dám hỏi: Anh là ai?
Câu hỏi khiến thái dương tôi lùng bùng. Dường như tôi đợi lời thổ lộ này đã từ lâu lắm, từ muôn kiếp nay. Em có biết bí mật của tôi không? Hay em chỉ muốn biết tên tôi và biết tôi? Tôi nghẹn đi vì xúc động, không trả lời được ngay.
Em nói tiếp:
- Tôi không bao giờ hỏi tên đối thủ của mình. Mngười ngồi ở chỗ của anh, đều giống nhau, chỉ có các nước đi của họ là khác nhau. Hôm qua tôi mới nhìn kỹ anh lần đầu trên đời.Trong mắt anh, tôi nhận ra xứ sở của anh: có đất phủ tuyết vĩnh hằng, có cây cối bốc cháy và ngọn lửa chìm trong gió. Sức nóng của lửa, hơi lạnh của tuyết đã biến anh thành một phù thuỷ lang thang. Anh chữa bệnh cho mọi người bằng cách nắm tay người ta. Anh làm cho họ quên đi cái lạnh, cái đói, bệnh tật và chiến tranh.
Tôi nhắm mắt, tôi đang nằm trong người em gái Trung Hoa của tôi và tôi xa cách em biết bao.
Một nỗi buồn đau đớn vò xé tôi. Tôi không xứng với tình yêu của em. Tôi là một kẻ sát nhân, một tên gián điệp.
Em không nói. Trăng đang lên trong yên lặng. Tôi nghe tiếng cây kêu ken két và giọng tôi lạnh lùng:
- Cô nhầm rồi thưa cô, tôi chỉ là một người qua đây bị thu hút bởi trí thông minh của cô. Tôi cũng giống như tất cả những người đã từng đến đấu cờ với cô để rồi lại đi. Xin cô thứ lỗi nếu hôm qua tôi tỏ ra không phải. Tôi hứa rằng đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng. Thưa tiểu thư, tôi kính trọng cô. Cô còn quá trẻ nên không đánh giá đúng hết những người xa lạ.
Tiếng cười chế nhạo của em làm tôi kinh ngạc.
- Ngay từ ván đầu, nước đi của anh làm tôi thấy lạ. Đến nỗi tôi quyết định tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩ của anh. Bảo là tôi ghi lại thế cờ sau mỗi lần đấu là tôi gian đấy. Khi ngồi trên xe về nhà, tôi đọc đi đọc lại các nước đi. Không phải là để thắng anh mà là tôi muốn khám phá tâm hồn anh. Tôi đã thăm nó, tôi đã chạm vào những góc cạnh mà anh không ngờ tới, tôi đã trở thành anh và tôi hiểu rằng anh cũng không hoàn toàn là chính anh.
Tôi thở dài. Cách đây vài hôm tôi đã đoán ra điều em vừa nói. Từ đó, thắng hay thua đâu có quan trọng gì nữa. Ván cờ chỉ là cái cớ để gặp lại đối phương, một lời nói dối biện minh cho sự yếu đuối của tôi.
Em nói đúng. Tôi không có khả năng là chính bản thân tôi. Tôi chỉ là một chuỗi các mặt nạ.
- Bây giờ anh đã biết thói xấu của tôi rồi, em nói, anh có thể ngừng chơi. Anh có thể khinh thường tôi, không gặp tôi nữa. Hay là thách tôi đấu một trận khác, tuỳ anh quyết.
- Tôi ư?
- Tôi sẽ làm theo ý thích của anh.
Tôi sững sờ tròn mắt. Nữ kỳ thủ cờ vây nhìn tôi đăm đăm và ánh mắt khắc khoải của em khiến tôi nhớ tới cái nhìn của Minh lúc nàng xin tôi phá trinh nàng.
Nóng ngột ngạt, tôi thở khó khăn.
- Tôi sắp phải đi vào Trung Hoa nội địa, tôi không thể nào đáp ứng yêu cầu của cô được, thưa cô.
Giọng em run lên:
- Tôi cũng vậy, tôi phải rời khỏi thành phố. Tôi muốn đi Bắc Kinh; anh hãy giúp tôi!
Tôi phải quyết. Em đòi tôi phải thách thức điều không thể. Chỉ cần một vài động tác thật đơn giản biết bao: nắm lấy tay em, kéo em vào lòng tôi. Chúng tôi sẽ bỏ đi thật xa.
Tôi không biết đã bao l trôi qua, tôi như tê dại đi trên ghế. Đêm tối quá nên tôi như mù đi. Bóng tối xoá nhoà xấu hổ và thôi thúc sự điên rồ, tuy nhiên, tôi không dám cưỡng ép số phận của chúng tôi.
Tôi nghe mình nói. Giọng tôi rắn đanh và khàn đục, Âm của từng từ như muốn làm vỡ tung lồng ngực tôi:
- Xin cô thứ lỗi, tôi không thể.
Lâu, rất lâu sau đó, có tiếng váy sột soạt: em đứng dậy bỏ đi.
87.
Thật là một cảm giác lạ lùng khi phải nhìn vào phòng mình và tự hỏi đồ vật nào là quý giá nhất. Mười sáu tuổi, tôi có các bút lông, giấy, các thoi mực hiếm, quà của bà cho. Mỗi năm, ba mẹ may cho bốn chiếc váy áo. Tôi cũng có áo choàng, áo khoác, các khăn ủ tay, giầy thêu, giầy da, vòng tay, hoa tai, cài áo, vòng cổ. Tôi có đồng phục học sinh, quần áo thể thao, các hộp bút chì, bút, tẩy. Có đồ chơi, búp bê gỗ, các con giống bằng sứ mà hễ để lạc đi đâu là tôi lại khóc tìm, có các quyển sách mà tôi muốn khi chết đi được chôn cùng chúng.
Có các đồ gỗ quí khảm trai, một chiếc bình phong bằng lụa thêu, một chiếc giường cổ có rèm treo, một cây cảnh bonsai, quà của anh họ Lữ. Có gương, hộp đồ khâu, các đồ trang điểm, các bình cổ, các câu đối của tổ tiên. Rồi còn kim, chỉ màu, các hộp trà, các cốc đã từng mang dấu môi tôi, các tấm trải giường thấm mùi thân hình tôi, các gối đã từng ôm ấp suy tư của tôi. Có các khung cửa sổ tôi thường dựa tay, các cây cối trong vườn mà tôi thường đưa mắt vuốt ve trìu mến.
Nguyệt Châu vào báo là cơm đã xong. Chị gầy đi nhiều, nét mặt vô cảm. Tôi bảo chị ngồi với tôi một lát. Chị chẳng nói năng gì, ngồi phịch xuống chiếc ghế trước bàn trang điểm và hai dòng nước mắt lại chảy ra.
Bữa tối cuối cùng của tôi mang nặng điềm xấu. Chẳng ai nói năng câu gì. Ba mẹ ăn cơm mà không nhìn nhau. Tình trạng của Nguyệt Châu khiến cả ba lẫn mẹ đều cảm thấy ân hận. Chị bếp hoang mang đánh rơi đôi đũa, tiếng động làm tiếng nức nở của chị tôi càng to hơn. Chị nấc lên từng cơn. Thật dễ hình dung ra các buổi tối tiếp theo sau khi tôi ra đi: bàn ăn ảm đạm, bát đũa vẫn được dọn phần tôi, hình như điều đó giúp những vắng mặt sớm trở về, chẳng ai đụng đến đồ ăn, ba mẹ yên lặng, chị tôi dầm dề nước mắt.
Tôi nhét vào túi vài đồ nữ trang để còn bán đi, hai chiếc váy và bông để thấm máu tôi vẫn còn đang ra. Tôi để lại trên bàn hai bộ quân cờ. Tôi muốn đem theo mình một viên đen, một viên trắng rồi quyết định không nên để mình mềm lòng trước những kỷ niệm ấy.
88.
Tôi không quay lại quảng trường Thiên Phong nữa.
Tôi gần như không ăn uống gì. Tôi bắt thân thể mình chịu những sự rèn luyện khó khăn nhất vậy mà nó vẫn không bị suy nhược. Từ nhiều ngày nay trời không mưa một giọt và nắng chang chang làm tan chảy lý trí của tôi. Tình yêu của tôi biến thành một nỗi thèm khát thú vật. Trong nhiều đêm mất ngủ, tựa như một người khát nước đang ừng ực uống một nguồn suối tưởng tượng, tôi dường như chạm được vào da em, chỉ vì nghĩ đến em nhiều quá. Tôi gợi đi gợi lại không biết chán gương mặt em, cổ em, vai em, bàn tay em và hình dung ra ngực em, hông em, mông và cặp đùi hé mở. Tôi mơ tới hàng ngàn phương thức ôm ấp em, cách nào cũng cuồng dại như cách nào. Tôi ve vuốt cơ thể tôi nhưng dương vật tôi không theo được với nỗi cuồng vọng của tôi. Nó không cho tôi lạc thú, không giảm nhẹ nỗi đau đớn của tôi.
Chẳng bao lâu, nỗi ám ảnh ban đêm lấn sang cả ban ngày. Tôi ham muốn đột ngột cả những khi đang tập chạy bộ. Khi tôi thét lên ra lệnh cho lính, giọng tôi vỡ ra và tiếng khàn sâu trong cổ họng như bị xé rách khiến tôi mường tượng tới khoái cảm mà em lẽ ra đã tạo cho tôi. Âm vật của em bé nhỏ xiết chặt lấy tôi, nỗi đau này lẽ ra là điểm cực khoái mê man mà tôi chưa từng bao giờ được hưởng.
Một sớm, tôi không thể làm dịu lòng mình được nữa và đến quảng trường Thiên Phong trong bộ quân phục. Mới năm giờ sáng. Cây cối rì rầm trong cơn gió mạnh. Dường như ngàn ngọn gió đang hẹn nhau về đây chờ mặt trời lên.
Người chơi cờ đầu tiên đã tới, tay xách lồng chim. Trong khi anh ta lau bàn và bày các hộp quân cờ, một người khác đến và ngồi trước mặt anh ta.
Tim tôi đau thắt.
Buổi chiều, sau khi uống say mềm cùng đại uý, tôi gõ cửa nhà Lan. Cô ta đã quên những oán giận hôm trước và tuột váy ra chỉ trong vài giây. Đã lâu tôi không chạm tới đàn bà. Cô ta trần truồng khiến tôi nghĩ tới cô gái người Hoa của tôi, tôi trút nỗi niềm vào cô điếm như bắn trút cả loạt đạn.
Tôi lang thang trong phố với hy vọng được tình cờ gặp em. Thành phố bé xíu này đối với tôi nay sao mà rộng thế. Tôi thất vọng bước qua ngưỡng cửa một nhà chứa khác. Trong các cô ả lượn qua mắt tôi, chẳng ai làm tôi vừa ý. Rồi tôi cũng lên phòng của Pivoan có nụ cười điểm một chiếc răng vàng. Người cô ta béo và trắng. Cô ta la hét thật dễ dàng.
Đến bốn giờ sáng, một cô điếm người Nga chấp nhận cho tôi chơi cô và đánh cô. Thắt lưng tôi để lại những lằn tím bầm trên lưng cô gái.
Bình minh ló rạng. Lại một ngày nữa giống như bao ngày trước. Tôi lay một người phu xe dang gà gật. Anh ta kéo tôi đến chân đồi Bảy Kỳ quan đổ nát. Trên cao kia, tắm mình trong những tia nắng hồng ban mai, cái cây nơi em nằm vẫn giống như tôi hình dung. Phong cảnh tuy vậy đã mất đi tính thơ của chúng. Giữa vạt rừng thưa, cỏ mọc cao quá đã bắt đầu khô héo.
Về doanh trại, tôi không thể nào hô hét binh lính được nữa, cũng không đứng, không ngồi được.
Đêm ấy, tiếng còi xé tai đánh thức tôi dậy. Tôi mở mắt. Giờ giải thoát của tôi đã điểm.
Trên sân ga, đầu tàu khạc ra từng cột khói dày. Tôi xô đẩy binh lính, quát lên rằng phải khẩn trương. Tôi lên tàu và kéo cửa đóng lại phía sau lưng. Đột nhiên tôi chợt nhớ ra mình chưa chào đi.
89.
Bắc Kinh, thành phố của bụi bặm.
Kinh ôm một mớ báo về. Mặt anh mỗi ngày càng thêm sa sầm. Việc thương lượng với quân đội Nhật đã thất bại. Chiến tranh tới gần. Chính quyền trung ương của Tưởng Giới Thạch kêu gọi nhân dân Trung Hoa kháng chiến chống lại giặc ngoại xâm. Trong thành phố, việc di tản bắt đầu. Hàng ngàn người Bắc Kinh đeo ba lô trên lưng bắt đầu đổ dồn xuống phía Nam.
Từ khi chúng tôi tới thành phố, Kinh cấm tôi không được rời khách sạn. Khi anh ở nhà, tôi không chịu dậy. Anh hối hận vì đã lôi kéo tôi tới cái chết và tội lỗi này khiến anh cáu bẳn. Anh trở nên đáng tởm. Ngày càng xấu đi. Tóc anh quá dài. Anh gặm móng tay. Anh ăn uống rất bẩn thỉu.
Tôi quấn mình trong một chiếc khăn rải giường trắng như khăn liệm, hơi một tí là vặc nhau với Kinh ngay: mì nguội quá, trà đắng quá, muỗi nhiều quá. Cái nóng kinh người khiến tôi đổ lên đầu anh một lô những lời than phiền. Đa phần là anh im lặng một cách khinh miệt. Đôi khi anh nổi cáu. Cơn giận làm mặt anh đỏ bầm, toàn thân run rẩy, anh nhẩy xổ vào tôi và định bóp cổ tôi.
Tôi hét lên:
- Được lắm, giết tôi đi! Anh đã chẳng giết bao nhiêu bạn anh rồi là gì!
Mặt anh méo đi giật giật. Tôi như thấy hồn ma của Mẫn trong mắt anh.
Rốt cuộc là tôi cũng đưa cho anh địa chỉ của anh họ tôi và yêu cầu mời anh anh họ tôi đến gặp tôi. Mới đầu Kinh nổi cáu, nhưng khi biết rằng Lữ đã lấy vợ, anh vui vẻ đi tìm Lữ.
Khi anh ta ra ngoài, tôi mới thở được một chút.
Không có Kinh, phòng chúng tôi trở nên thoáng và sáng sủa hơn. Tôi dậy, rửa mặt và chải tóc bên cửa sổ mở.
Khách sạn chúng tôi ở tại Bắc Kinh chỉ có một tầng. Các phòng xây quanh một cái sân vuông, chính giữa có một cây táo. Trong phố bên kia tường, trẻ con nói chuyện bằng tiếng Bắc Kinh thuần giọng. Tôi nghe trong âm điệu của chúng tiếng của đối thủ cờ vây của tôi. Giọng anh hơi khác hơn một chút, chữ “r” đáng phải rung, anh lại bật chúng qua môi. Tôi như nhìn thấy chúng tôi trên đồi Bảy Kỳ quan đổ nát nơi anh trông giữ giấc ngủ cho tôi. Quảng trường Thiên Phong, đôi khi anh mở quạt, chẳng phải để tự quạt mát cho mình mà anh làm sao cho chút gió phảng phất qua mặt tôi. Kỷ niệm này làm tôi đau lòng. Tôi vẫn không hiểu tại sao anh từ chối. Tại sao những kẻ biết hạnh phúc của mình ở đâu lại cứ tìm cách trốn chạy?
Nhiều máy bay bay qua bầu trời rồi tôi nghe có tiếng gầm trầm trầm. Ngoài phố người ta kêu lên rằng quân Nhật đang đe doạ phá tan thành phố.
Không khí ở Bắc Kinh khô hơn ở Mãn Châu chúng tôi. Dưới ánh nắng trắng chói chang, mọi thứ đều hắt nắng, lung linh, vỡ oà ra và tan biến trong một màu xám tro.
Vừa dậy mà tôi đã buồn ngủ. Thành phố Bắc Kinh của tổ tiên tôi là một giấc mộng mà tôi không sao thoát ra được.
Quay về giường tôi ngồi gà gật. Gương mặt của ba mẹ hiện ra chập chờn và làm tôi buồn. Rồi tôi từ từ quay lại quảng trường Thiên Phong, đến với bàn cờ. Thật hạnh phúc biết bao khi được nắm lại những quân cờ đá lạnh trong tay. Người Lạ mặt đã lại ngồi trước mặt tôi, bình thản như một pho tượng. Chúng tôi chơi tiếp. Anh đi theo một con đường ngoằn nghèo về phía Đất Lành.
Đêm đến, Kinh lắng nghe tiếng động của các cuộc giao tranh. Anh tựa vào tường mà ngủ. Đột nhiên những tiếng thét kinh hoàng của anh làm tôi thức giấc. Anh ôm đầu giẫy dụa như một người bị ma ám. Tôi ra khỏi giường và ôm lấy anh. Làm sao mà bỏ rơi Kinh được?
Tảng sáng anh lay tôi dậy. Anh đã quyết định: thà là mạo hiểm cho dù phải chết dưới bom Nhật bằng cách đi về phía Nam còn hơn ngồi chờ bị thảm sát. Tôi hối hận đã bồng bột theo anh. Tôi muốn có tự do và giờ đây lại là tù nhân của Kinh.
- Em phải nói chuyện với anh họ em. Anh ấy là bà con duy nhất của em ở đây. Mình phải tìm ra anh ấy và rủ anh ấy đi cùng.
Ánh mắt Kinh trở nên hằm hằm:
- Ban nãy anh bảo là anh Lữ đã chuyển nhà là anh nói dối em đấy. Anh đã gặp vợ anh Lữ rồi. Chị ấy đang như phát rồ. Anh Lữ bỏ rơi chị ta, vào bộ đội rồi. Có khi bây giờ anh ấy chết rồi cũng nên.
- Anh nói dối! Trả địa chỉ anh Lữ đây.
- Đây, rồi em sẽ thấy thôi.
Tôi biết rằng Kinh nói thật. Tôi tuyệt vọng kêu lên:
- Tôi muốn về Mãn Châu. Chúng ta chia tay nhau ở đây. Tôi sẽ về nhà, tôi muốn tiếp tục ván cờ của tôi.
- Muộn mất rồi, không còn đường đi lại nữa. Quân đội Nhật trưng dụng hết tầu hỏa rồi. Em không còn cách nào khác, phải theo anh.
- Anh ghen với Mẫn. Anh lôi tôi ra khỏi thành phố của tôi để xoá kỷ niệm của Mẫn đối với tôi.
- Mẫn ngủ với em cho vui. Chớ có quên rằng Đường mới là người yêu dấu của cậu ta, thầy và vợ cậu ta.
Kinh tưởng làm tôi đau nhưng tôi cười phá lên:
- Anh nhầm rồi, chuyện Mẫn đã xong. Tôi chôn anh ta trong tim tôi rồi. Mà tôi có bao giờ yêu anh ta đâu. Chúng tôi rất đẹp. Vẻ đẹp đó khiến tôi mãn nguyện. Tôi thích thấy cả hai anh ghen nhau. Bây giờ tôi mới hiểu rằng đó cũng chỉ là phù phiếm mà thôi. Anh nghe chưa, trở thành đàn bà cũng là phù phiếm.
Mặt Kinh tím lại, anh lạnh lùng nhìn tôi.
- Cô đùa với tình cảm của tôi, tôi tha thứ cho. Thân thể cô ô uế. Chẳng ai thèm cưới một con mất trinh về làm vợ đâu. Trên đời này chỉ còn có tôi yêu cô và tôi lấy một con đàn bà đã ngủ với thằng bạn thân nhất của tôi. Cô chỉ có tôi thôi! Cô thuộc về tôi!
Mẫn cũng bảo rằng thể xác tôi thuộc về anh ta. Anh ta đòi hỏi tôi phải giữ mình tròn vẹn c anh ta còn anh ta trao thân cho một người đàn bà khác. Quả là Kinh cũng giống Mẫn. Tôi xúc động đến trào nước mắt:
- Có một người khác yêu tôi và tôi vừa mới hiểu ra rằng tôi cũng yêu người ta mà không biết. Tôi quay trở về Thiên Phong tìm anh ấy, anh ấy chờ tôi.
- Đồ dối trá. Nó là ai? Ở đâu ra? Tên nó là gì, nào, cho tôi biết xem nào?
Đột nhiên tôi nhận ra mình không biết tên anh. Tôi không biết gì ngoài tâm hồn anh.
Thấy tôi ngập ngừng, Kinh yên tâm. Anh ôm tôi. Tôi tát cho anh ta một cái nhưng anh ta đã đặt được môi lên trán tôi.
- Đi với anh! Đừng giở trò trẻ con ra nữa. Đến Nam Kinh, chúng mình sẽ bắt đầu một cuộc đời mới.
90.
Hàng đàn ruồi bay vù vù.
Trên cánh đồng, đạn pháo cày lên những rãnh sâu. Đồng ruộng bị tàn phá, đâu đâu cũng có xác chết. Vài xác còn giữ được bộ mặt màu sáp ong, mồm há ra. Nhiều xác khác chỉ còn là một đống thịt trộn lẫn trong bùn.
Đội quân chúng tôi từ từ tiến qua bãi tha ma rộng lớn này. Binh lính bị kẻ thù bao vây đã chống cự đến người cuối cùng. Tôi hiểu rằng cuộc chiến của chúng tôi ở Mãn Châu chống lại quân khủng bố chỉ là một trò chơi ú tim. Cho tới lúc đó, tôi vẫn còn chưa hiểu hết mức độ và khủng khiếp của chiến tranh.
Chúng tôi lọt vào ổ đạn trong một làng hoang vắng. Tôi lao mình xuống sát đất. Một trận mưa đan chiu chít băm xuống mặt đất trắng ra vì nắng hạn. Sau vài loạt đạn, chúng tôi mới biết rằng nhóm quân tấn công chúng tôi chỉ còn vài tay kiên cường bám lại để ngăn bước tiến quân Nhật. Kèn nổi hiệu tấn công. Bọn Trung Quốc chạy như thỏ trong cuộc thi bắn của thợ săn. Tôi nhằm vào một tên chạy nhanh nhất đang sắp lủi vào đến bìa rừng và bóp cò. Hắn ngã sấp xuống bên một gốc cây.
Giữa trưa lại có một trận tấn công ác liệt nữa. Quân Trung Quốc trở nên điên cuồng trong tuyệt vọng. Tôi nằm rạp trên một sườn dốc. Đất nóng bỏng, mùi cỏ dịu nhắc tôi nhớ tới cô gái chơi cờ vây. Trước mặt tôi, một người lính bị trúng đạn vào lưng lăn lộn gào rú. Tôi nhận ra người của tôi, người mà tôi gần gũi nhất. Chúng tôi vừa ăn mừng sinh nhật lần thứ mười chín của cậu ta xong.
Tôi muốn chôn cậu ta ngay sau khi kết thúc trận đánh nhưng lệnh lên đường đã phát ra và tôi phải để cái xác lại cho trung đoàn đi sau. Sự bất công đeo đuổi chúng tôi ngay cả sau khi chết. Kẻ nào may mắn sẽ được thiêu ngay trên chiến trường, còn những người khác có khi lại bị ném xuống một hố chôn chung. Những kẻ kém may mắn nhất sẽ bị người Trung Quốc nhặt xác, chặt đầu bêu trên cọc nhọn.
Ngày đầu tiên tham chiến này quả là một cơn ác mộng dài. Không có gì khiến tôi xúc động, cả trận chiến khủng khiếp lẫn cuộc hành quân làm kiệt sức, cả cái chết của nhiều người lính của tôi. Tôi bước đi trong một thế giới nhồi bông, nơi cái chết và sự ều là đáng khinh. Lần đầu tiên, cuộc phiêu lưu chiến trận đã không làm tôi hứng khởi nữa: chúng tôi tiến tới số phận của mình như những con cá hồi bơi ngược dòng sông. Chẳng có gì đẹp, là cao cả trong hành động đó.
Chiều tối, đại tá thấy tôi lầm lì trầm tư, nghĩ ngay là tôi bị cảm nắng. Tôi mặc cho lính buộc khăn ướt lên đầu. Nằm dài trên ổ rơm, tôi nhìn lên trần tối của ngôi nhà tranh. Tôi chán ghét bản thân tôi.
Sáng sớm tinh mơ, có tiếng đạn rít và súng nổ. Chúng tôi ném trả bằng lựu đạn. Trung liên bắn tiến theo. Đột nhiên chúng tôi nhận ra tiếng kèn xung trận trong tiếng nổ ẩm ầm.
Sư đoàn vừa tấn công chúng tôi cũng là quân Nhật. Nhầm lẫn này cũng đã giết chết nhiều binh lính.
91.
Bếp lửa cháy bập bùng tí tách.
Kinh ngáy.
Quanh tôi hàng trăm người tản cư cũng đang ngủ. Con người đang di tản cũng trông giống như bầy hươu trốn chạy hạn hán. Họ gầy gò, ốm yếu. Giấc ngủ của họ cũng nặng nề như nỗi lo âu.
Tôi lấy trong túi ra một cái kéo và cắt tóc ngắn hết sức với tay của tôi. Tôi đặt hai bím tóc buộc lại bằng một sợi ruy băng cạnh Kinh, bước qua khoảng một chục thân người và lao vào đêm tối.
Vào đến rừng, tôi cởi váy và mặc bộ quần áo lấy của Kinh.
Sau đám cây, bình minh nhợt nhạt bắt đầu soi sáng đồng bằng Bắc Kinh. Tôi đi ngược chiều với những người tản cư lên đường từ sáng sớm. Đàn bà đeo nặng ba lô, một tay kéo trẻ con, tay kia dắt dê theo. Nghe có tiếng trẻ sơ sinh khóc. Đàn ông cõng bố trên lưng, hoặc may mắn hơn thì tìm cho cha họ một chiếc xe đẩy. Một bà cụ già có lẽ đến gần trăm tuổi ôm chặt trong tay một con gà mái. Chân bà bó và mỗi bước đi khiến bà lảo đảo.
Từ khi chúng tôi rời Bắc Kinh, cảnh tượng hàng ngày này khiến tôi đau khổ. Tôi không ân hận vì đã theo Kinh trong nỗi đoạn trường này của anh. Nhờ anh, tôi được biết tới sức mạnh của một dân tộc bị xua đuổi khỏi mảnh đất của mình. Kiên trì đi về phía Nam cũng có nghĩa là sự phản đối thầm lặng chống lại cái chết. Những người đàn ông, đàn bà này tạo nên một làn sóng pha trộn cả nỗi căm thù và hy vọng. Sự khăng khăng rồ dại này sẽ đi cùng tôi cho tới tận cùng nỗi cô đơn của tôi.
Tôi cũng khát khao cuộc sống như họ. Tôi muốn về Mãn Châu, về với mái nhà của tôi, bàn cờ của tôi. Tôi sẽ chờ người chơi cờ lạ mặt ở quảng trường Thiên Phong. Tôi biết anh sẽ đến vào một buổi chiều, như lần đầu tiên tôi gặp anh.
Trưa đến, tôi ngồi dưới một gốc cây ven đường bẻ ăn từng vụn một chiếc bánh cũ từ ba hôm nay. Tiếng ầm ầm của máy bay, tiếng nổ xa đối lập hẳn với sự im lặng của đám đông đang dấn bước. Trong dòng người bắt đầu thấy xuất hiện những người lính Trung Quốc đầu tiên. Quân phục vấy máu, mặt ám khói súng, họ làm tôi nhớ đến những binh lính chiếm nhà chúng tôi vào năm 1931 sau khi trốn chạy tứơc quân Nhật: mắt họ mệt mỏi và toát lên sự tàn nhận của những người đã để cho người khác giết chết mấy người thân của mình.
- Bắc Kinh thất thủ rồi! Chạy nhanh lên!
- Bọn Nhật đến rồi! Ác quỷ đến rồi!
Tiếng kêu, tiếng khóc nổi lên. Đột nhiên tôi thấy Kinh khập khiễng chạy ngược dòng với người di tản. Tôi nấp sau một gốc cây. Anh đi qua cách tôi dăm bước chân và hỏi một người đàn bà xem bà có thấy một cô gái nhỏ bé, xanh xao, cắt tóc ngắn ăn bận kiểu con trai hay không? Giọng anh như chực vỡ òa lên. Tay cầm đôi bím tóc của tôi, anh nhổ nước bọt và vừa cất tiếng gọi, vừa chửi rủa tôi.
Tiếng kêu của anh như xé lòng tôi: “Anh vì em đã từ Địa ngục trở về đây, sao em nỡ tàn ác đày đọa anh!”
Rốt cuộc anh cũng xa dần.
Đột nhiên, một chiếc máy bay đã lượn từ một lúc lâu trên đầu chúng tôi thả xuống một quả bom, rồi một quả nữa. Tiếng nổ hất tôi ngã xuống đất. Tôi ngất đi. Khi tôi tỉnh lại, đám đông đang chạy tan tác như một đàn kiến đang đi bỗng bị một khách bộ hành dẫm chân lên phá đám.
Tôi đứng dậy, tay tôi chảy máu. Trên trời tiếng động cơ ngày càng dồn dập. Nhiều máy bay khác đang đến gần. Tôi chạy vội về phía cánh đồng.
Quân Nhật ném bom vào các con đường. Tôi lang thang ngoài ruộng, không biết trốn đi đâu nữa. Đầu tôi ong ong, cánh tay nặng trĩu. Biết bao giờ mới tỉnh đựơc cơn ác mộng này đây.
Khi trời sẩm tối, tôi thấy bóng dáng một ngôi làng và rảo bước.
Làng im ắng khác thường. Trong bóng tối, cửa ra đều để ngỏ, đồ gỗ vỡ nát rải rác khắp đường. Xa hơn, tôi thấy có nhiều xác chết: bốn nông dân đã bị đâm chết bằng lưỡi lê. Trong các ngôi nhà không còn con vật nào sống sót, không một hạt thóc, không một sợi rơm trong các bếp lò. Sau cuộc thảm sát, quân Nhật đã vơ vét hết.
Tôi không còn sức đi tiếp. Tôi vào một căn nhà mái rạ vắng tanh. Nhớ một bài thuốc xưa của mẹ dạy, tôi lấy tro nguội đắp vào vết thương và quấn lại bằng một mảnh vải xé ra từ áo sơ mi. Tôi rúc vào bếp lò lạnh ngắt và bật lên nức nở.
Sáng ra có tiếng ồn ào khủng khiếp làm tôi thức giấc. Tôi nghe có người thét lên bằng một thứ tiếng xa lạ.
Tôi mở mắt.
Lính đang chĩa súng vào tôi.
92.
Bắc Kinh đã thuộc về chúng tôi.
Chúng tôi đựơc lệnh lùng sục quanh vùng tìm các tên gián điệp và binh lính Trung Quốc bị thương, tất cả đều phải bị tiêu diệt.
Sáng nay, quân tôi phát hiện một thằng cha đáng ngờ. Họ trói tay hắn ra sau và lôi hắn đến giữa làng.
Đó là một tên gián điệp còn trẻ, tóc tai lởm chởm, bị thương ở cánh tay. Bộ quần áo sinh viên quá khổ khiến nom hắn như bơi ở trong. Hắn bướng bỉnh cúi đầu và im lặng một cách láo xược.
Bn lính bắt đầu lên cò súng.
Trung uý Hayashi cùng chỉ huy với tôi ngăn họ lại. Anh ta rút thanh gươm và bảo:
- Trung uý, anh vẫn khoe thanh gươm truyền đời từ thế kỷ 16 của nhà anh. Gươm của tôi kém đến một trăm tuổi nhưng hồi đó được coi là “lưỡi gặt đầu”. Tôi thử cho anh xem nhé.
Các tay lính khoái trí trước cảnh tượng sắp đựơc xem, tắc lưỡi và í ới gọi nhau.
Hayashi dạng chân, khuỵu gối xuống giống như tư thế của các samurai trong tranh cổ, anh giơ gươm lên quá đỉnh đầu.
Người tù từ từ ngẩng mặt lên.
Tôi chóng mặt.
- Khoan đã.
Tôi lao tới chàng thanh niên và lau luôn khuôn mặt đen ngòm vì bùn và khói súng. Những nốt ruồi nhỏ hình giọt lệ lộ ra.
- Đừng động vào tôi - em kêu lên.
- Đàn bà - Hayashi kêu lên và cất gươm trở lại vào bao.
Hắn đẩy tôi ra, xô ngã người tù và lùa tay vào trong quần.
Tim tôi buốt lạnh. Em tôi! Em làm gì ở đây, trong ngôi làng này? Em rời Mãn Châu từ bao giờ?
- Đàn bà! - Hayashi khẳng định đầy kích động.
Thiếu nữ vừa giãy giụa vừa thét lên chói tai. Hắt tát cô hai cái, kéo giầy và tụt quần cô ra. Hắn tháo thắt lưng. Binh lính như bị mê hoặc quây thành vòng xung quanh.
- Chúng mày tránh ra, ai cũng có phần cả - Hayashi ra lệnh.
- Đồ ngu!
Tôi nhảy xổ vào trên trung uý. Hắn tức giận quay về phía tôi. Khi nhìn thấy khẩu súng của tôi chĩa vào sát trán, hắn bật cười:
- Đồng ý, anh dùng trước. Dù sao thì cũng là phát hiện của anh.
Tôi không trả lời. Hắn tưởng hiểu ý tôi và thì thầm vào tai:
- Lần đầu đúng không? Này, nếu cậu ngại làm trước mặt mọi người, vào trong cái đền kia, tớ gác cửa cho.
Hayashi kéo tôi vào ngôi đền trước mặt. Hai tên lính khiêng cô gái và ném lên sàn. Chúng vừa khép cửa vừa cười khinh khích.
Em run lẩy bẩy. Tôi cởi áo khoác che đôi chân trần của em.
- Em đừng sợ, tôi nói bằng tiếng Trung Quốc.
Giọng tôi làm em rùng mình. Em mở tròn mắt và nhìn tôi. Một nỗi đau vô hạn bóp méo gương mặt em. Đột nhiên, em nhổ vào mặt tôi và bắt đầu nức nở, lăn xuống đất.
- Giết tao đi, giết tao đi!
Hayashi đập cửa, tôi nghe tiếng hắc cười gằn:
- Trung uý nhanh lên. Lính của tôi không chịu được nữa rồi!
Tôi ôm cô gái Trung Hoa của tôi trong tay. Em cắn vào vai tôi. Dù đau tôi vẫn áp má mình vào má em. Nước mắt trào ra, tôi thì thầm:
- Tha lỗi cho anh, em tha lỗi cho anh…
Em trả lời bằng những tiếng thét như người động kinh:
- Giết tôi đi, giết tôi đi, đừng để tôi sống làm gì!
Bên ngoài cửa đền, Hayashi gọi:
- Trung uý lâu quá đấy. Nhanh lên đừng ích kỷ thế.
Tôi cầm súng dí sát vào thái dương em và em ngẩng đầu lên. Nỗi sợ hãi đã biến mất. Em nhìn tôi với vẻ dửng dưng như cách em vẫn nhìn người xa lạ.
Tôi rùng mình và xiết chặt lấy khẩu súng hơn nữa:
- Em có nhận ra anh không?
Em nhắm mắt.
- Anh biết em ghét anh, anh biết là em không tha thứ cho anh. Giờ đây, anh chẳng cần để ý đến nỗi khinh miệt của em nữa. Anh sẽ giết em và anh sẽ chết theo em. Vì em anh sẽ từ bỏ cuộc chiến này, anh sẽ phản bội Tổ quốc anh. Vì em anh sẽ là thằng con bất hiếu, một kẻ làm nhơ nhuốc dòng họ của mình. Tên anh chẳng bao giờ có trong đền thờ những anh hùng. Anh là kẻ bị nguyền rủa.
Tôi hôn chi chít lên mặt em, nước mắt em chảy ròng ròng. Em để mặc tôi không hề chống cự.
Có tiếng báng súng làm rung cả nền nhà.
- Trung uý, xong chưa? Tôi đếm đến ba là tôi xông vào đấy! Một…
Tôi không còn có thời gian để hỏi tại sao em lại rời xứ sở, tại sao em cắt mái tóc đẹp của mình đi. Tôi có hàng ngàn câu hỏi và tôi sẽ không hỏi đựơc một câu nào. Tôi không bao giờ biết cách nói những lời yêu thương với em.
- Hai…
Tôi thì thầm bên tai em:
- Em đừng sợ, anh sẽ theo em. Anh sẽ bảo vệ em trong thế giới bên kia.
Em mở mắt nhìn tôi đăm đăm:
- Tên em là…
Nhưng tôi đã bóp cò. Lòng đen trong mắt em giật lên, con ngươi giãn ra. Máu vọt ra từ thái dương. Em ngã ngật cổ ra sau mà mắt vẫn mở trừng trừng.
Cửa mở, tôi nghe có tiếng chân phía sau và tuyệt vọng biết mình không có đủ thời gian để tự mổ bụng như một chiến binh samurai xứng đáng.
Tôi đưa nòng súng vấy máu em vào miệng.
Có tiếng ấm như tiếng động đất.
Tôi ngã xuống người cô gái chơi cờ vây. Mặt em dường như hồng hơn ban nãy. Em mỉm cười. Tôi biết rằng chúng tôi sẽ chơi tiếp ván cờ ở nơi xa kia.
Để có thể ngắm nhìn người tôi yêu dấu, tôi đã cố gắng giữ cho mắt mở.