• Thiền học khác Phật học như thế nào? Zen là gì? Học thiền mà không theo đạo Phật được không?
Đ |
ược chứ! Nên nhớ Thiền đã có từ ngàn xưa trước khi có Phật giáo. Nhiều tôn giáo cũng ứng dụng thiền vào việc tu tập như định tâm, cầu nguyện, đọc kinh, “thần chú”... tất cả đều có mục đích thanh lọc thân tâm, từ đó mà tuệ giác (huệ) sẽ bừng sáng. Tuy vậy, thiền Phật giáo có những sắc thái riêng (đọc Thiền định Phật giáo), con đường dẫn tới giải thoát rốt ráo.
Thiền học là một phần của Phật học, nhưng là phần cốt lõi. Phật học có nhiều tông phái như Nguyên thủy, Đại thừa, Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông... nhưng nguồn gốc vẫn là một.
Thiền ứng dụng vào y học, vào tâm lý học hiện đại còn có những sắc thái khác nữa. Hiện nay có nhiều trung tâm thiền không tôn giáo mọc ra khắp nơi trên thế giới. Nhiều người hướng dẫn thiền tập bằng rất nhiều cách khác nhau, nên rất cần phải “tỉnh táo” để chọn lựa cách nào phù hợp nhất với cá nhân mình, có cơ sở khoa học, để không gây hoang mang, thất vọng hoặc gây những “side-effects” không hay khác.
Zen có gốc từ chữ Dhyana (Sanskrit) hay Jhana (Pali), được dịch âm thành Chan (Hoa) rồi Zen (Nhật) Thiền (Việt)... Tây phương dịch là Meditation. Các từ khác liên quan đến thiền nên biết để tiện tra khảo: Niệm, chánh niệm (Sati) là Mindfulness; Quán niệm hơn thở hay An-ban thủ ý (Anapanasati) là Mindfullness of breathing; Thiền chỉ (Samatha) = Cessation, calm abiding; Thiền quán (Vipassana) = Insight, contemplation; Chánh định (Samadhi) còn được dịch âm là Tam muội, Tam-ma-đề, Tam-ma-địa = meditative concentration...
• Nghe Thiền sao thấy có vẻ cao siêu, huyền bí quá?
Quả có những thứ thiền “cao siêu huyền bí”. Đó là thứ thiền dành cho các vị tu sĩ, ngồi tĩnh lặng trên đỉnh núi tuyết cao, trong hang động sâu, xả ly, xa lánh bụi trần, hòa nhập vào vũ trụ mênh mông… Đó là thứ thiền của những vị Alahán, Bồ-tát, nhà tu khổ hạnh, người bình thường chúng ta chỉ biết kính nhi viễn chi.
Ở góc độ người thầy thuốc, tôi quan tâm đến thứ thiền đơn giản mà hiệu quả trong giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đó là thứ thiền trong đời sống hằng ngày. Nó liên quan đến sức khỏe, đến khoa học y học, được nghiên cứu và ứng dụng khá rộng rãi hiện nay. Nó đã mang lại những hiệu quả rất bất ngờ, chữa được nhiều căng thẳng (stress), lo âu, nhiều bệnh lý do hành vi lối sống gây ra mà thuốc men không thể chữa dứt. Thiền giới thiệu trong cuốn sách này là thiền “Quán niệm hơi thở”, nghĩa là quan sát, dõi theo và nhớ, nghĩ (niệm) về hơi thở vào, hơi thở ra của chính mình. Đi từ phương pháp “thở bụng” giản đơn – nhưng đã có hiệu quả tốt đối với sức khỏe - đến thiền quán niệm hơi thở là một bước tiến xa, từ đó có thể đi sâu đến “thành tựu chánh trí”, đến tuệ giác về vô thường, về duyên sinh, về không, về vô ngã…
• Xin vui lòng cho biết ngoài cách thiền Phật giáo ra thì còn bao nhiêu cách thiền khác nữa? Cách thiền đơn giản nhất có phải là ngồi kiết già nhắm mắt và không suy nghĩ để cho tâm lặng phải không?
Thiền Phật giáo như đã nói trên có hai cách: Thiền chỉ (Samatha) và Thiền quán (Vipassana). Kinh Viên Giác hướng dẫn 25 cách thiền. Hiện nay có tài liệu đưa ra 112 cách. Y học cũng đang nghiên cứu ứng dụng để từ đó tìm ra những “bằng chứng” cụ thể, và “liều lượng” thích hợp trong chữa trị và phòng ngừa bệnh tật nên còn hứa hẹn nhiều phương pháp thiền tập nữa. Nhưng nên nhớ, đó chỉ là phương tiện...
“Ngồi kiết già nhắm mắt và không suy tưởng” không phải là điều đơn giản nhất đâu mà thực sự là một điều cực kỳ khó. Ngồi kiết già đã khó, nhiều người không thể ngồi được - nên ta có thể chọn cách ngồi bán già, thậm chí quỳ trên gối, ngồi lên gót chân, ngồi trên ghế… đều thiền được. Nhắm mắt là cách để không bị ngoại cảnh chi phối, nhưng có người không cần phải nhắm mắt, có người lim dim… sao cũng được, tùy thói quen của mỗi người. Tâm trí ta như khỉ như ngựa (tâm viên ý mã) nhảy nhót lung tung, “gom” lại được không dễ. Vì thế mà phải tìm cách nào đó để gom tâm trí lại một nơi. Có thể là tiếng đọc kinh, có thể là tiếng mõ, tiếng chuông, có thể là một “câu thoại đầu” bí hiểm, có thể là tràng hạt… và tốt nhất là “chánh niệm” vào hơi thở vào hơi thở ra, vì nó trung tính và có đầy đủ những tính chất của một “pháp” để mà suy gẫm, “quán niệm”. Nếu “dừng” được tâm thì đã ở giai đoạn thiền chỉ (samatha) rồi vậy.
• Đâu là bài tập thiền đơn giản nhất mà tất cả mọi người có thể luyện tập được?
Theo tôi, thiền “Quán niệm hơi thở” (Anapanasati), còn gọi là An-ban thủ ý hay Nhập tức xuất tức niệm (meditation of breathing) là cách thiền đơn giản mà hiệu quả nhất, được Phật dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthanasutta) và được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần : “Đây là con đường độc nhất dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết bàn…”. Đây là một phương pháp rất “khoa học thực nghiệm”, áp dụng được cho tất cả mọi người. Bắt đầu bằng tập thở bụng rồi tập đặt chánh niệm vào hơi thở, từng bước đi sâu vào định và huệ. Hơi thở gắn với cảm xúc, lại gắn với hoạt động của cơ bắp. Hơi thở là cầu nối giữa thân và tâm. Nhờ đó, ta có thể “can thiệp” vào hơi thở để bình ổn thân tâm như đã trình bày trên.
• Trở ngại lớn nhất trong việc tập thiền là gì?
Là mất chánh niệm. Đang “chánh niệm” vào hơi thở thì có một ý tưởng (niệm) nào đó chen vào, rồi lôi kéo theo vô số nhũng ý tưởng này khác, dẫn đi một lúc không trở về được với hơi thở. Nào dĩ vãng, nào tương lai, nào lòng tham, sân trổi dậy, cứ hết ý này đến ý kia, tràn ngập, một lúc hơi thở “mất kiểm soát”, cơ thể căng cứng, bứt rứt (gọi là trạo cử), hoặc có khi ngược lại buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, gọi là hôn trầm, thụy miên. Vậy là hỏng bét.
Nhưng không phải vì thế mà sợ. Ý tưởng cứ đến. Kệ nó. Một lúc nó thấy không ai thèm quan tâm, chán, bỏ đi. Rồi ý khác lại đến. Lại kệ nó. Ta không cần cố gắng xua đuổi. Càng xua đuổi, nó càng quấn quít. Cứ để tự nhiên. Đến, chán rồi đi. Người mới tập, ý tưởng đến vô số và ở lại lâu lắc, không chịu đi. Càng về sau, khi “thiện xảo” rồi (có kỹ năng rồi) thì những người khách không mời mà tới này sẽ lẳng lặng bỏ đi, đi sớm. Vậy là thành công rồi! Còn để cho được hoàn toàn không có một vị khách nào thì… còn lâu! Đừng nôn nóng. Ta đang luyện tập mà!
Cái khoảng thời gian để trở về với hơi thở càng ngắn càng tốt, chứng tỏ ta đã thành công từng bước.
Một trở ngại lớn nữa là sự nôn nóng, mong đợi, kỳ vọng…! Nôn nóng, kỳ vọng thì dễ nản lòng, bỏ cuộc…
Cần chú ý không để bị thầy, bạn, “cưỡng ép” mình phải giống như họ, trong khi về tâm lý, sinh lý, tuổi tác, hoàn cảnh… mỗi người mỗi khác. Ráng bắt chước y chang sẽ rất nguy hiểm! Cho nên Phật mới dạy: Hãy quay về nương tựa chính mình!
• Thiếu không gian tĩnh lặng, lại luôn bị áp lực bên ngoài làm mất tập trung?
Thiền không phải tập trung mà ngược lại, là thả lỏng. Không gian chỉ cần vài mét vuông là đủ. Cần một chỗ yên tĩnh, khi quen thì ở đâu cũng “thiền” được. Đi đứng nằm ngồi gì cũng “thiền” được. Có người ngồi thiền dưới gốc cây, bên bờ sông, giữa công viên, có người thiền ngay trên bàn làm việc, sau giờ giao ban ở cơ quan hay sau buổi họp ở công ty... Không mất thì giờ nhiều đâu. Tùy hoàn cảnh mỗi người mà thu xếp.
Áp lực bên ngoài tác động không đáng sợ bằng áp lực bên trong. Chính những nỗi mong cầu, lo âu, bực dọc, sợ hãi… (tham sân si) trong tâm tưởng mới làm cho ta bấn loạn, bứt rứt… Dĩ nhiên ở giai đoạn đầu mới thực hành thiền thì ta dễ bị áp lực bên ngoài chi phối, dễ bị mất “chánh niệm”, cho nên phải luôn tỉnh giác và tinh cần. “Tinh cần - Tỉnh giác - Chánh niệm” (Atapi Sampajano Satima) là những đức tính cần thiết cho người thiền tập vậy.
Việc tập thiền giữa phụ nữ và đàn ông có khác nhau không? Không. Phụ nữ dẻo dai, bền chí hơn đàn ông. Phụ nữ hiện đại càng cần thiền vì đời sống quá nhiều stress. Thiền giúp cân bằng cuộc sống. Thiền đúng, sẽ ít đau ốm lặt vặt, tươi trẻ hơn và nói chung, hạnh phúc hơn. Nhưng cẩn thận. Đừng đi vào mê tín dị đoan, bỏ nhà bỏ cửa rồi đổ thừa tại thiền!
• Kiếm hiệp hay nói “đưa hơi xuống huyệt đan điền” là sao?
Đó chính là cách thở bụng. Khi hít vào, ta đẩy cơ hoành xuống càng sâu càng tốt, xuống tận huyệt “đan điền”. Huyệt đan điền nằm dưới rún ba lóng tay, khoảng 4cm. Đan là thuốc, điền là ruộng. Đan điền là ruộng thuốc. Có nghĩa là “linh đan diệu dược” nằm ở đó. Người xưa coi thở bụng là phương pháp luyện công tốt nhất, được sử dụng trong võ thuật và phép tu tiên để trường sinh bất lão. Thực ra như ta biết cơ hoành là một cơ lớn, rất mạnh, vắt ngang (hoành) giữa bụng và ngực, chịu trách nhiệm chính trong sự hô hấp, di chuyển lên xuống chỉ được tối đa khoảng 7 cm thôi, chưa quá rún. Nhưng khi ráng hết sức thở sâu ta tưởng tượng như khí đã di chuyển đến tận huyệt đan điền. Huyệt đan điền còn gọi là “khí hải” (biển khí) là vậy. Nhưng, cần để ý, nếu ráng sức thở sâu quá lâu ta sẽ dễ bị chóng mặt, choáng váng. Đừng ráng quá. Cứ thở bụng bình thường thôi, thấy sảng khoái, dễ chịu là được. Có thể nói phương pháp thở bụng (đưa hơi xuống huyệt đan điền) tự nó đã có ý nghĩa là một thứ “linh đan diệu dược” dùng để chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Nếu có thêm “quán niệm hơi thở” nữa ta đã bước vào lãnh vực thiền Anapanasati rồi vậy. Thực tế khi đi sâu vào thiền, nhu cầu Oxy giảm đáng kể, hành giả đạt đến tứ thiền (xả niệm thanh tịnh) có thể gần như không cần thở và hoàn toàn không chú ý đến chuyện thở nữa! Dùng ý dẫn khí đến những nơi mình muốn có được không? Chẳng hạn đến tận ngón tay, ngón chân, các khớp đang đau nhức?
Về sinh học, hệ thống mao mạch trong cơ thể ta dài đến 100.000 km (hai vòng rưỡi xích đạo quả đất!). Hồng cầu di chuyển chầm chậm trong hệ thống đó mang Oxy đến từng tế bào trong cơ thể. Mỗi tế bào thực chất là một… sinh vật, chúng hấp thu Oxy để tạo ra năng lượng mà sử dụng.
Dùng ý dẫn khí là một cách nói, nhấn mạnh khả năng đưa khí lưu chuyển toàn thân, đến từng tế bào nhờ hệ thống mao mạch này. Hiện tượng viêm trong y học - sưng, nóng, đỏ, đau - chính là cơ thể đưa máu dồn về nơi có bệnh để chữa trị, tập trung Oxy nhiều đến đó để tăng cường sản sinh năng lượng tại chỗ. Ta biết “Ý dẫn các pháp”, nên ở đây có thể tin được là dùng ý dẫn khí đến tận nơi cần thiết, những vùng đang đau nhức. Ở đây, nếu chiêm nghiệm được phần sâu sắc hơn như duyên sinh, không, vô ngã… sẽ càng thấy hiệu quả rõ ràng hơn.
• Tôi học cách thở âm và thở dương. Thở dương là đưa hơi qua mũi, theo nhâm mạch xuống đan điền, hậu môn, rồi nhíu hậu môn lại; thở âm là đưa hơi lên đỉnh đầu, theo đốc mạch đến hậu môn, nhíu hậu môn lại… để chữa trị các trạng thái âm và dương của thân tâm đúng không?
Có lẽ bí quyết nằm ở chỗ “nhíu hậu môn”! Những thứ khác thực chất vẫn là thở bụng, thở sâu xuống huyệt đan điền và dõi theo hơi thở, khi thì dõi theo ở phía trước (nhâm mạch) khi thì dõi theo ở phía sau (đốc mạch). Ta biết một khi vỏ não tập trung vào điều này thì không thể cùng lúc tập trung vào điều khác. Hai người gây gổ sắp đánh nhau mà nghe kêu cháy nhà hay động đất sợ quá bỏ chạy thì quên chuyện đánh nhau ngay. Cái “sợ” đã thay chỗ cho cái “giận” ở vỏ não. Một người ở trạng thái buồn bã (âm) hay kích động (dương) mà biết tập trung vào hơi thở sâu, lại tập trung vào chuyện “nhíu hậu môn” thì “công tắc” đã chuyển sang hướng khác ở vỏ não, nhờ đó mà chữa được các trạng thái “âm dương” là vậy. Thử “nhíu hậu môn” xem nhé.
• Tôi không phải là một doanh nhân, cũng không là một công chức. Từ khi thất nghiệp đến giờ, dù không làm gì nhiều tôi vẫn bị stress. Tôi nghĩ thiền không chỉ cho những người bận rộn mà cho cả những người như tôi, bị rối trí vì không có việc gì làm cả.
Thất nghiệp là một trong những nguyên nhân gây stress trầm trọng nhất. Bạn nên thiền để giải stress, cho tâm được an, sức khỏe được bền bỉ, ổn định và tranh thủ thời gian “thất nghiệp” này rèn luyện kỹ năng đang có hoặc tự học thêm một kỹ năng mới, nhờ đó, dễ tìm việc làm sau này hơn. “Nhẫn nhục” và “tinh tấn” là những đức tính cần thiết của người tập thiền bạn ạ.
• Khi thực hành thiền, có phải kiêng cữ chuyện quan hệ vợ chồng không? Bụng tôi hơi bự, liệu ngồi thiền có làm bự hơn không?
Các vị tu sĩ xuất gia mới phải “kiêng cữ” chứ. Còn ta thực tập thiền để có sức khỏe, dẻo dai, để nâng cao “chất lượng cuộc sống” mà! Bụng bự đâu mắc mớ gì tới thiền. Bụng bự thường do bia rượu, ít tập thể dục, ít vận động và ăn quá nhiều dầu mỡ, chất béo! Trái lại, nhờ thiền tập, dần dần sẽ ăn uống đơn giản hơn và nhờ đó giảm bụng bự!
• Giờ nào thực hành thiền tốt nhất? Khi thực tập thiền thì hít vào bằng mũi thở ra bằng miệng hay hít vào và thở ra đều bằng mũi? Để tới đích mau lẹ thì chỉ cần thực tập theo sách hay vừa thực tập vừa nghiên cứu kinh sách?
Giờ nào thuận tiện thì đó là giờ tốt nhất cho ta. Có người thiền vào buổi sớm, buổi trưa, có người giữa đêm khuya và có người vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Có người thực hành cả 3 “thời”, nghĩa là cả 3 buổi như thế. Không cần theo một lịch trình cứng nhắc. Mỗi người có điều kiện riêng, giờ giấc riêng. Chỉ nắm lấy nguyên tắc chung thôi rồi áp dụng cho phù hợp với mình là được. Đừng để bị gò bó thúc bách, căng thẳng không nên. Tuy vậy, nếu tìm được một thời điểm phù hợp thì cố gắng duy trì để thành một thói quen, tới giờ đó mà không “thiền” thì thấy thiếu, thấy ghiền, thấy nhớ, vậy là tốt.
Thở dĩ nhiên phải bằng mũi chứ! Mũi làm ra để thở mà. Ở mũi có hệ thống mao mạch dày đặc để sưởi ấm không khí, có lông mũi để chặn bụi bặm… Chỉ khi nào hai mũi bị nghẹt cả thì đành thở bằng miệng chứ sao! Những khi leo cầu thang, chạy bộ… thì cũng phải thở bằng miệng ( Bài vè thở bụng có câu Bình thường qua mũi/ Khi gấp qua mồm là vậy!).
Không có chuyện “tới đích mau lẹ” ở đây! Tới đích mau lẹ là tới đâu? Tới để làm gì? Nôn nóng chính là yếu tố thất bại trong thiền tập. Nghiền ngẫm, nghiên cứu kinh sách là điều rất cần thiết để ta có cái nhìn, cái thấy đúng, đặc biệt cần thiết trong thiền quán (vipassana). Nhưng kinh sách mênh mông, đọc phải có chọn lọc để tránh trở thành cái “đẫy sách”, tránh thành kẻ “cuồng thư”. Cái chính ở thiền tập là thực hành chớ không phải ngàn chương khảo luận để trở thành “hí luận”. “Văn tư tu” là cách học Phật: văn là nghe, là đọc; tư là suy nghĩ, nghiền ngẫm và tu là thực hành, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn...
• Người ta nói thiền không đúng cách sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma”?
“Tẩu hỏa nhập ma” nói lên việc tập không đúng cách, hoặc quá nôn nóng của người thiền tập gây tai biến đáng tiếc. Chẳng hạn khi ta ráng sức thở nhanh quá, sâu quá, tích tụ khí Oxy hoặc Carbonic nhiều quá thì thay vì dễ chịu, sảng khoái, sẽ thấy bị chóng mặt, choáng váng, có thể ngất đi! Cũng có trường hợp bị các tai biến khác trầm trọng hơn. Với phương pháp “quán niệm hơi thở” thì nhờ tính khoa học, sinh y học của nó, có thể an tâm trong thực hành. Thiền là một phương pháp tịnh, tự mình mình biết, tự mình mình hay, không phải như tập thể lực hay chơi thể thao, có kế hoạch và chỉ tiêu phấn đấu. Không bao giờ nên ganh đua, thi đua để lập thành tích này nọ trong “thiền”.
• Tôi thử áp dụng cách thở bụng theo bác sĩ hướng dẫn trên báo thì thấy có kết quả, ít ra là khi bà xã nhà tôi nói dai, nói dài, nhờ thở bụng mà tôi… không còn thấy mệt như xưa! Nhưng thở sao cho “êm chậm sâu đều” thì làm không được? Còn “thả lỏng” là sao? Xin nói rõ thêm…
Êm, chậm, sâu, đều là chuyện không dễ. Phải từ từ mới được. Đừng nóng vội. Như đã nói, phải chừng 6 tháng mới quen, mới thành phản xạ thở bụng. Mới tập thế nào nó cũng “nhộn nhạo” vì chưa quen, khó chịu! Cứ tự nhiên. Bình thường giai đoạn thở ra bao giờ cũng dài hơn giai đoạn thở vào. Các phương pháp khí công dạy nhiều cách thở, nào hai thì, ba thì, bốn thì, nào nín hơi, ém hơi… rất phức tạp, nhất là đối với người có tuổi. Ta tập thở theo sinh lý hô hấp để nâng cao sức khỏe chớ không phải để luyện “cửu âm chân kinh”! Thở êm là thở không có tiếng phì phò phì phèo như kiểu tập thể dục, quơ tay, quơ chân thế thôi. Còn thở chậm mà sâu thì rõ ràng lợi hơn thở nhanh mà cạn. Để ý xem, khi ta vui vẻ, bình tĩnh, ta thấy ta luôn thở nhẹ nhàng, chậm rãi, thoải mái. Còn khi ta có chuyện bực mình, căng thẳng hay sợ hãi, lo lắng… ta đều thở nhanh mà cạn, thở cà giựt, thở cà hước…! Do vậy nếu ta tập trung chú ý vào thở bụng, theo dõi, quan sát hơi thở vào ra thế nào, ta sẽ bớt căng thẳng, và nhờ đó, hơi thở cũng sẽ chậm lại và sâu hơn. Tóm lại, lúc mới tập thở bụng, không cần phải “êm, chậm, sâu, đều” chi cả đâu!
Trái lại, “Thả lỏng” toàn thân là một yếu tố rất quan trọng. Thả lỏng là không để thân thể căng cứng, các cơ bắp không bị gồng lên. Như vậy, cả thân thể đều được nghỉ ngơi, trừ cái bụng phình ra xẹp vào thôi! Bình thường, hệ cơ bắp của ta luôn có độ căng gọi là trương lực cơ (tonus musculaire) tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Thả lỏng là buông xả, là làm cho toàn thân dịu lại. Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức đã giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi. Trước khi bước vào buổi thiền tập cần thả lỏng toàn thân và hít thở sâu vài ba hơi. Sau buổi thiền tập cũng phải từng bước hít thở nhẹ nhàng và từ từ duỗi tay chân để trở lại trạng thái ban đầu. Không nên hấp tấp, vụt chạc.
Thời gian tập bao nhiêu là đủ? Ngày phải tập mấy lần?
Như đã nói, tùy mỗi người. Có người mỗi ngày tập một lần vào buổi sáng, có người buổi trưa hay buổi tối. Có người thiền cả 3 thời như vậy, thậm chí chọn “giờ tí canh ba”! Lúc mới tập, nên ít ít thôi, đừng gắng quá dễ mệt, dễ chán, tê tay chân… khi quen dần sẽ kéo dài thêm, nhưng trung bình chừng 30-45 phút cũng đủ. Các vị tu sĩ xuất gia thì khác. Chương trình tùy mỗi chùa, thường thiền vào giờ khuya, ngồi hai ba tiếng đồng hồ. Nhiều nơi mỗi người còn phải ngồi trong mùng để tránh muỗi đốt. Có vị Thầy cho biết đã ngồi thiền 6 tiếng. Cũng có những vị Thầy “thiền định” suốt cả tuần khi nhập thất. Tóm lại, với thiền “quán niệm hơi thở” nhằm tăng cường sức khỏe, nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống nói đây thì ở đâu và lúc nào cũng được cả vì ở đâu và lúc nào mà chẳng phải thở? Có khi giữa hai buổi họp, giữa lúc đợi xe, trễ chuyến bay hoặc giữa giờ ra chơi với 5-10 phút cũng tốt rồi!
• Với tôi thì khi nằm tôi thở thoải mái hơn khi ngồi. Vậy có tốt hay chăng? Và thiền ngồi mình để tay lên đầu gối và hai chân xếp bằng song song với nhau vì tôi không thể ngồi kiết già bán già được.
Thuận theo cơ địa của mình là tốt hơn cả. Nằm thở bụng cũng tốt quá đi chứ! Đặt tay lên bụng, ngay trên rún, mỗi khi hít vào thấy tay nhô lên, khi thở ra thấy tay xẹp xuống là được. Khi quen, không cần phải đặt tay lên bụng như vậy nữa. Bụng sẽ tự động phình lên xẹp xuống đều đều theo hơi thở. Lúc đó, đặt tâm vào hơi thở sẽ dần dần thấy những “chuyển biến” ở thân tâm. Xưa có vị thiền sư bảo Thiền là “phình xẹp, phình xẹp, phình xẹp…” là ý vậy. Cũng có một câu chuyện thiền thú vị: Một thiền sư cùng đệ tử đang bơi thuyền dạo chơi trên sông. Đệ tử theo thầy đã lâu vẫn chưa biết thiền là gì bèn hỏi: Thưa thầy, thiền là gì ạ? Thiền sư ngay tức khắc lật úp chiếc thuyền khiến đệ tử loi ngoi trong nước gần chết đuối, thầy vớt lên bảo: Đó là Thiền đó!
Bài học hay quá chớ! Thiền chính là… thở và không phải bận tâm đến bất cứ chuyện gì khác! Ngay lúc thuyền bị úp, vị đệ tử kia chỉ có mỗi việc là tìm cách... thở và không nghĩ gì khác hơn! Dĩ nhiên câu chuyện còn hàm chứa nhiều ý bên trong “không thể nghĩ bàn”. Krishnamurti từng nói: cái gì có định nghĩa thì đều thiếu sót.
Còn ngồi thì kiểu nào thuận tiện cũng là được cả. Người Tây phương thường ngồi thiền trên một cái ghế thấp. Người Tây Tạng ngồi xếp bằng, hai chân song song. Người Nhật quỳ trên gối. Hai tay buông lỏng là được, có thể đặt trên đùi, có thể xếp chồng lên nhau.
• Có mối liên hệ nào giữa thiền và sinh lý (tình dục) con người không? Tập thiền về lâu dài có giúp người ta cải thiện về chuyện riêng tư hay không?
Đời sống đầy căng thẳng, lo âu, sợ hãi… chính là nguyên nhân làm cho kích thích tố sinh dục DHEA giảm sút đi, đưa đến tình trạng “yếu sinh lý”, “liệt dương”, “lãnh cảm”… phải cậy nhờ tới thuốc men này nọ… Thiền là cách giải stress tốt nhất nên có thể sẽ giúp cải thiện được “chuyện riêng tư” lắm đó chứ sao không? Như đã nói, thiền giúp thân tâm an lạc, sức khỏe dẻo dai, trí huệ sáng suốt, không bị “tham sân si” lôi cuốn…. chẳng phải có ích lắm sao?
• Bác sĩ có thể chia sẻ thêm một chút những kinh nghiệm cá nhân của mình không? Bác sĩ có làm một “bài vè” nào đó cho riêng mình… không?
Ờ, nói ra cũng hơi ngại, nhưng đành vậy. Khi nằm dưỡng bệnh, tôi nghiền ngẫm Tâm Kinh, thấy cụm từ “hành thâm Bát Nhã ba-la-mật” có hai từ “hành thâm” mang nhiều ý nghĩa. Và tôi nghĩ “hành thâm” đây chính là hành thiền một cách thâm sâu để từ đó mà có được cái “thấy biết” của Bát Nhã ba-la-mật. Vậy phải tìm trong thiền trước hết. Và tôi tìm thấy con đường “độc nhất” mà Phật dạy nằm trong kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana), trong đó, Thân hành niệm (Kayagatasati) hình như vẫn còn quá phức tạp không phù hợp, chỉ có Nhập tức xuất tức niệm hay An-ban thủ ý, Quán niệm hơi thở (Anapanasati) là đơn giản và có cơ sở khoa học nhất, có thể áp dụng ngay được, vì nó cũng gần gũi với phương pháp thở bụng đã được minh chứng là có hiệu quả trong y học. Tôi đọc lại Cơ thể học, Sinh lý học hệ hô hấp và hệ thần kinh, đọc lại cả Hóa sinh để được hiểu rõ hơn, đồng thời tham vấn các vị sư thầy mà tôi tin tưởng. Hiện tôi vẫn mỗi ngày thiền tập đều đặn 30-40 phút vào buổi sáng, kết hợp với thể dục khoảng 30 phút tiếp ngay sau đó như một cách “xả thiền”, và hôm nào không tập thì thấy người không… khỏe. Mươi năm trước, tôi có viết một bài vè (giấu kỹ) gọi là để “giúp trí nhớ” – sợ già mau quên - cho chính mình như sau: “Thả lỏng toàn thân/ Như treo móc áo/ Ngồi xếp bằng tròn/ Vai ngang lưng sổ/ Dõi theo hơi thở/ Như mượn từ xa/ Khi vào khi ra/ Khi sâu khi cạn/ Chú tâm quãng lặng/ “Pranasati” / Hơi thở xẹp xì/ Thân tâm an tịnh/ Không còn ý tưởng/ Chẳng có thời gian/ Hạt bụi lang thang/ Dính vào hơi thở/ Duyên sinh vô ngã/ Ngũ uẩn giai không/ Từ đó thong dong/ Thõng tay vào chợ…”. Dĩ nhiên, một bài vè như vậy chỉ có giá trị đối với tôi mà thôi.
Còn bạn, phải có một bài vè riêng cho mình vậy nhé!
BS Đỗ Hồng Ngọc
Sài Gòn tháng 6.2013