|
Tìm hiểu thấu đáo, thực hành “miên mật” thì quả là có cơ sở khoa học để tin.
Gần đây ngày càng nhiều nhà sinh học, tâm lý học, hợp tác cùng các nhà sư dùng những kỹ thuật mới như EEG, PET, fMRI… hy vọng khám phá những “bí nhiệm” của Thiền thì “thiền” nở rộ như nấm gặp mưa, đến nỗi gây ra không ít hoang mang, ngờ vực! Thực ra, đưa kỹ thuật vào khảo sát thiền định chỉ có thể thấy được một góc nào đó thôi, vì đằng sau còn biết bao điều “bất khả thuyết”, bất khả tư nghì!
Thế là từ hơn mười năm trước, tôi đã đến với thiền bằng cách riêng của mình, nhằm để tự chữa bệnh mình, dựa trên thiền Anapanasati, thứ thiền căn bản, được dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ, có cơ sở sinh y học, khoa học thực nghiệm. Tôi bắt đầu với phương pháp thở bụng (abdominal breathing) của Nguyễn Khắc Viện – mà tôi được ông truyền thụ trực tiếp - cùng tham khảo thêm các chương trình điều trị tim mạch của Dean Ornish, phương pháp trị liệu toàn diện của Deepak Chopra, những đồng nghiệp phương Tây, đồng thời tôi lặn lội đến tham vấn các vị Sư thầy mà tôi tin tưởng, nơi này nơi khác, học hỏi mỗi người một chút. Khi nắm được những nguyên tắc, tôi quyết định đi vào thiền tập dựa vào bản thân mình, làm theo cách riêng mình, với tâm sinh lý riêng của mình, kết hợp thiền “Anapanasati” với thể dục, với ăn uống ngủ nghỉ phù hợp, từ đó thấy sức khỏe phục hồi tốt, sức đề kháng và sức bền gia tăng, không phải lệ thuộc vào thuốc men…
Năm 2008, tôi có dịp đến chùa Từ Đàm ở Huế để trình bày về Thiền và Sức khỏe nhân Tuần lễ văn hoá Phật giáo, rồi năm 2010, cũng đề tài này tại tuần lễ văn hoá Phật giáo ở Nha Trang với các vị sư sải. Sau đó tôi cũng đã có nhiều buổi trao đổi kinh nghiệm với các bạn trí thức, doanh nhân, sinh viên, và trên trang nhà www.dohongngoc.com... Tất cả đều là những cơ hội giúp tôi được học hỏi, trao dồi thêm những hiểu biết và kinh nghiệm thực hành của mình.
Đến nay, có nhiều bạn khuyên đã đến lúc nên mạnh dạn sẻ chia cùng mọi người, những bạn bè có tuổi, những người đồng bệnh tương lân, những doanh nhân, trí thức, nhất là các bạn trẻ… đang ngày càng quan tâm đến thiền như một cách sống hạnh phúc.
Trong tập tài liệu nhỏ này, tôi chỉ khu trú vào mối tương quan giữa Thiền và Sức khỏe mà tôi đã được trải nghiệm, nhằm góp phần vào việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mọi người, theo đó, sức khỏe được định nghĩa như là “một sự hoàn toàn sảng khoái (well-being; bien-être) về thể chất, tâm thần và xã hội chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật” (WHO, 1946).
Hai trăm năm trước, Nguyễn Du viết: “Mãn cảnh giai không hà hữu tướng/ thử tâm thường định bất ly thiền” (tất cả cảnh đều là không vì tâm ta luôn ở trong thiền định) và năm trăm năm trước đó nữa, Trần Nhân Tông đã bảo:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền!
(Ở đời vui đạo cứ tùy duyên/ Đói đến thì ăn mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Trước cảnh vô tâm chẳng hỏi thiền!).
Thôi thì, hãy cứ “tùy duyên”!
Thân mến,
Ðỗ Hồng Ngọc