ột người khi bắt đầu học kiếm thuật, bất luận hắn cường tráng, hiếu chiến, dũng cảm, vô úy thế nào đi nữa, khi khởi sự học chẳng những hắn sẽ mất đi tự nhiên mà còn mất đi lòng tự tin. Đây là sự thật đã được nhận định căn cứ vào kinh nghiệm của chính các vị kiếm sư và giới môn sinh. Người mới nhập môn phải học hỏi tất cả mọi kỹ thuật mà sinh mạng của hắn tùy thuộc vào, khi lâm chiến. Tuy rằng chẳng bao lâu sau hắn có thể tập luyện sự chú tâm tối đa, có thể tinh mắt theo dõi địch thủ, có thể đâm chém đỡ gạt đúng cách và hiệu quả, nhưng thật ra hắn ở vào tình cảnh khó khăn hơn lúc chưa học. Trước kia hắn nửa đùa cợt nửa nghiêm nghị tùy ý vung kiếm loạn xạ xung quanh mình, tùy theo cảm hứng đương thời, và thích thú tưởng tưởng như mình đang chiến đấu. Nhưng bây giờ hắn buộc lòng phải nhìn nhận rằng sinh mạng của mình nằm trong tay kẻ địch khỏe hơn, nhanh nhẹn hơn và đã luyện tập nhiều hơn. Hắn thấy không có con đường nào mở ra cho mình, ngoại trừ phải luyện tập không ngừng; trong thời kỳ này ông thầy cũng không có lời khuyên nào khác hơn là bảo hắn phải luyện tập. Vì vậy môn sinh mới học phải đặt hết khả năng của mình vào việc vượt qua những người khác và vượt qua cả chính mình. Hắn học được kỹ thuật giỏi, khiến hắn khôi phục lại được phần nào lòng tự tin đã mất, và cho rằng mình đang tiến càng ngày càng gần tới mục tiêu mong muốn. Nhưng ông thầy lại không nghĩ như thế – và theo Trạch Am thì ông thầy nghĩ đúng, vì tất cả những kỹ năng của người môn sinh sẽ chỉ dẫn tớí chuyện “trái tim hắn bị mũi kiếm moi ra.”
Tuy nhiên, việc giáo huấn lúc ban đầu không thể truyền thụ bằng cách nào khác; bởi vì chỉ có thế là thích hợp với người mới nhập môn. Dù sao chăng nữa, việc giáo huấn đó cũng không thể dẫn tới đích, về điểm này thầy biết quá rõ. Người môn sinh chỉ dựa vào lòng nhiệt thành và tài năng thiên phú không thể trở thành vị kiếm sư; điều này có thể hiểu được. Nhưng tại sao người kiếm sĩ đã từng luyện tập lâu dài để tự chế mình khỏi nóng nảy trong khi đang chiến đấu và giữ bình tĩnh để bảo tồn sức lực – kiếm sĩ này bây giờ cảm thấy mình đã có đầy kinh nghiệm đối với những trận chiến đấu dai dẳng và khó tìm thấy một đối thủ xứng đáng trong giới cùng trang lứa – và tại sao, nếu lấy những tiêu chuẩn cao nhất để đo lường, hắn thất bại ở giai đoạn cuối cùng và không thể tiến xa hơn nữa?
Theo Trạch Am, lý do là vì người môn sinh đó không thể nào ngừng quan sát địch thủ và kiếm thuật của họ; vì hắn luôn luôn nghĩ trong đầu xem có cách nào tốt nhất để tấn công, luôn luôn chờ lúc địch thủ sơ hở. Tóm lại, hắn luôn luôn trông cậy vào kỹ thuật và sự hiểu hiết của mình. Theo Trạch Am, làm như vậy là hắn mất đi “sự hiện diện của tâm”: Vì thế, nhát kiếm có thể hạ địch thủ luôn luôn phát ra hơi muộn và hắn không thể “biến cây kiếm của địch thủ quay lại đâm chính y.” Khi càng cố gắng khiến cho kiếm thuật của hắn tùy thuộc vào phản xạ của mình, vào cách sử dụng kỹ năng của mình, vào kinh nghiệm và chiến thuật của mình, thì hắn càng ngăn trở sự tự do của “cái tâm linh hoạt.” Vậy thì phải làm sao? Làm sao để kỹ năng trở thành “tâm linh,” làm sao để kỹ thuật điêu luyện biến thành kiếm thuật bậc sư? Các kiếm sư bảo rằng muốn được như vậy người môn sinh chỉ có cách trở thành vô cơ tâm và vong ngã. Hắn phải được huấn luyện để trở thành vô chấp, chẳng những đối với địch thủ mà còn đối với cả chính mình. Hắn phải vượt qua giai đoạn hiện tại và vĩnh viễn bỏ nó ở đằng sau, dù cho có thể sa vào sự thất bại không thể cứu vãng. Có phải điều này cũng phi lý giống như sự đòi hỏi xạ thủ hãy bắn mà không cần nhắm, hãy hoàn toàn làm ngơ cái mục tiêu và đừng mong bắn trúng nó? Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng cái tinh túy của kiếm thuật thượng thừa mà Trạch Am mô đã từng chứng minh giá trị của nó trong hàng ngàn trận đấu.
Công việc của giáo sư chẳng phải là vạch ra cho môn sinh thấy chính con đường mà là giúp cho hắn có thể mò mẫm con đường dẫn tới mục tiêu bằng cách tùy nghi đi theo lối nào thích hợp với những cá tính của hắn. Vì thế, giáo sư phải bắt đầu bằng cách huấn luyện cho môn sinh tránh những mũi kiếm của đối phương theo linh tính, ngay cả những khi hắn bị đâm một cách hoàn toàn bất ngờ. Trong một giai thoại lý thú, Đại Sư D. T. Suzuki kể lại phương pháp độc đáo của một kiếm sư để thi hành trách vụ huấn luyện khó khăn này:
Nhiều khi các kiếm sư Nhật Bổn sử dụng phương pháp huấn luyện của Thiền tông. Có lần một môn sinh tới cầu xin một kiếm sư truyền thụ nghệ thuật đấu kiếm cho hắn. Lúc ấy thầy đã về hưu và sống ẩn dật trong ngôi nhà nhỏ trên núi. Ông đồng ý dạy cho môn sinh này. Thầy sai hắn giúp ông nhặt củi để đun bếp, đến suối gần đó gánh nước, bửa củi, nhóm lửa, nấu cơm, quét dọn trong nhà ngoài vườn, và làm các việc nhà thông thường. Nhưng ông chẳng dạy hắn kỹ xảo kiếm thuật chính thức. Qua một thời gian, người thanh niên ấy dần dần bất mãn vì chẳng phải hắn đến để làm người hầu hạ ông, mà là đến để học kiếm thuật. Vì vậy, một hôm hắn giáp mặt thầy để xin truyền thụ kiếm thuật. Thầy bằng lòng. Kết quả là bắt đầu từ đó người môn sinh không thể nào cảm thấy an toàn trong khi làm bất cứ công việc gì. Bởi vì khi hắn bắt đầu nấu cơm vào buổi sáng tinh sương, thầy thường xuất hiện phía sau và cầm gậy đánh hắn. Khi đang quét nhà hắn lại bị một gậy không biết từ đâu đánh trúng. Không lúc nào hắn được yên tâm, mà luôn luôn phải cảnh giác. Trải qua mấy năm hắn mới có thể tránh được cây gậy bất cứ từ đâu tới. Nhưng thầy vẫn chưa vừa ý. Một hôm tự thầy nấu rau cho mình trên một đống lửa ngoài trời. Môn sinh bỗng có ý nghĩ muốn lợi dụng cơ hội này để thử thầy một phen. Hắn thừa khi thầy cúi xuống trộn rau trong nồi, lấy một cây gậy lớn đánh trên đầu ông. Nhưng cây gậy bị thầy cản lại bằng vung nồi ông cầm trong tay. Sự việc này khiến cho tâm nhãn môn sinh mở rộng để thấy những bí quyết của kiếm thuật mà trước đó hắn chưa thấy. Thế là lần đầu tiên hắn mới thực sự cảm nhận cái ân sâu khôn lường của sư phụ 1.
Môn sinh cần phải khai triển một giác quan mới, hay nói đúng hơn, một sự cảnh giác mới cho tất cả các giác quan của hắn, để giúp hắn tránh né những cú đâm nguy hiểm giống như thể hắn có thể cảm thấy chúng đang đâm tới. Ngày nào hắn tinh luyện được thuật tránh né này, hắn mới không cần phải dùng toàn thân chú ý những cử động của đối thủ, thậm chí có thể tránh né vài đối thủ cùng một lúc. Hắn trông thấy và cảm thấy điều gì sắp xảy ra, và cùng lúc đó hắn đã tránh được nó mà không có sự “xê xích bằng sợi tóc” giữa cảm nhận và tránh né. Vì thế, đây là điều quan trọng: Một phản ứng nhanh như chớp không cần tới sự quan sát của ý thức. Trên phương diện này, ít nhất môn sinh phải luyện tập để hoàn toàn độc lập đối với mọi chủ tâm của ý thức. Đây là thành quả lớn lao.
Điều khó hơn nữa và vô cùng quan trọng là trách vụ của thầy giúp môn sinh không còn nghĩ tới, và không dò xét, cách nào tốt nhất để hắn công kích địch thủ. Đúng ra, hắn phải hoàn toàn không nghĩ rằng mình đang đối phó với một địch thủ, không nghĩ rằng đây là vấn đề sinh tử.
Để bắt đầu, môn sinh nên hiểu những huấn luyện này có nghĩa rằng hắn chỉ cần tự chế để tránh quan sát và suy nghĩ về hành vi của đối thủ. Môn sinh coi trọng việc tránh quan sát này và tự kiểm soát mình từng bước. Nhưng hắn không nhận ra rằng khi chú ý vào chính mình thì hắn sẽ thấy mình như là một chiến sĩ phải tránh quan sát đối thủ bằng bất cứ giá nào. Dù hết sức cố gắng tránh điều đó, trong tâm trí hắn vẫn còn ẩn tàng một địch nhân. Bề ngoài hắn xa lìa địch thủ, nhưng khi càng cố gắng quên kẻ địch thì hắn lại càng khiến mình ràng buộc chặt hơn vào nó.
Ông thầy cần phải dùng nhiều hướng dẫn tâm lý tế nhị để thuyết phục môn sinh rằng trên căn bản hắn không được lợi gì đối với việc chuyển hướng sự chú tâm nói trên. Hắn phải tập luyện để dứt khoát tự quên mình giống như hắn không nghĩ về đối thủ, và nhất quyết trở thành vô ngã, vô tâm. Môn sinh cần nhiều kiên nhẫn, cần luyện tập cam khổ, giống như trong nghệ thuật bắn cung. Nhưng một khi sự luyện tập này đã dẫn hắn tới mục tiêu thì dấu vết cuối cùng của chấp ngã liền tan biến vào vô-cơ-tâm tuyệt đối.
Trạng thái vô chấp vô cơ tâm này sẽ tự động sanh ra loại hành vi rất giống với sự tránh né mũi kiếm của địch thủ theo linh tính như đã nói trên kia. Giống như ở giai đoạn đó, giữa sự dự cảm mũi kiếm đâm tới và sự tránh né không có một khoảng cách nào cả, dù chỉ bằng một sợi tóc. Vì vậy, bây giờ cũng không hề có sai biệt về thời gian giữa sự tránh né mũi kiếm và phản ứng để trả đòn. Ngay vào lúc tránh né, kiếm sĩ cũng liền trả đòn, và đường kiếm chí mạng của hắn đâm tới nhanh như tia chớp, thật là chuẩn xác và không thể chống đỡ. Tựa hồ như lưỡi kiếm tự nó đánh, và giống như trong xạ nghệ chúng tôi nói rằng “Nó” nhắm và “Nó” bắn trúng mục tiêu, trong môn kiếm thuật thì “Nó” thay thế cái ngã của kiếm sĩ, nó tự nắm lấy sự thuận lợi và kỹ xảo mà cái ngã chỉ có thể đạt được bằng nổ lực của ý thức. Giống như trong xạ nghệ, ở đây “Nó” cũng chỉ là một loại danh xưng dành cho cái gì đó mà chúng ta không thể hiểu và không thể nắm vững, và chỉ có những ai đích thân có kinh nghiệm về nó thì mới biết được.
Theo Trạch Am, kiếm sĩ đạt tới trình độ cao siêu khi cái tâm không còn bị vướng bận vào ý tưởng về “Ta” và “Ngươi,” về địch thủ và thanh kiếm của y, về thanh kiếm của chính mình và cách sử dụng nó – thậm chí không còn nghĩ tới sanh tử. Trạch Am viết: “Tất cả đều là hư không: Cái ngã của ngươi, thanh kiếm sáng loáng, và cánh tay đánh kiếm. Thậm chí cả ý nghĩ về hư không cũng không còn. Từ trong không tánh tuyệt đối này hiện ra cái hành vi kỳ diệu nhất.”
Xạ nghệ và kiếm thuật là thế, các môn nghệ thuật khác cũng giống như vậy. Họa sĩ vẽ tranh thủy mặc chỉ có thể đạt tới trình độ bậc sư khi tay hắn – hoàn toàn làm chủ kỹ xảo – vẽ ra cái gì xuất hiện phía trước “tâm nhãn” hắn đúng vào lúc cái tâm bắt đầu hình thành nó, và không có một khoảng cách nào giữa hai điều này, dù chỉ bằng đường tơ kẽ tóc. Như vậy hội họa trở thành nghệ thuật viết chữ đẹp một cách tự phát tự nhiên. Ở đây lại có thể nói rằng lời dạy của họa sư là: Hãy trải qua mười năm quan sát những cây trúc, hãy chính mình trở thành một cây trúc, rồi quên hết mọi điều mà vẽ.
Kiếm sư là người thản nhiên giống như người mới chân ướt chân ráo vào học. Cái thái độ bình thản mà kiếm sư làm mất khi thụ huấn thì cuối cùng ông lấy lại được, và nó trở thành một cá tính bất khả hủy diệt của ông. Nhưng, khác với môn sinh mới khởi sự học, kiếm sư tự chế, điềm tĩnh, không ngạo mạn, không muốn khoe khoang chút nào. Để đi từ giai đoạn sơ học cho tới khi trở thành kiếm sư, kiếm sĩ phải trải qua nhiều năm khổ công tập luyện không ngừng.
Do ảnh hưởng của Thiền, kỹ xảo thuần thục của hắn biến thành tâm linh, và chính hắn – ngày càng trở thành tự do hơn nhờ sự phấn đấu tâm linh – biến đổi thành một người khác. Thanh kiếm – bây giờ trở thành “linh hồn” của kiếm sĩ – không còn nằm nhẹ tênh ở trong lớp vỏ nữa. Hắn chỉ rút nó ra trong trường hợp bất đắc dĩ. Vì thế, có những khi hắn tránh so gươm với một đối thủ không xứng đáng – một kẻ kiêu ngạo thích khoe khoang bắp thịt – hắn sẵn lòng mang tiếng hèn nhát với vẻ mặt tươi cười thản nhiên. Mặt khác, nếu hắn tôn kính đối phương, hắn sẽ đòi quyết chiến để kẻ địch được chết trong danh dự. Đây là những đặc tính của giới hiệp sĩ Samurai, kết tinh thành “võ sĩ đạo” vô song mà người Nhật gọi là Bushido. Bởi vì, cao hơn bất cứ điều gì khác, cao hơn danh tiếng, chiến thắng và ngay cả sanh mạng, là “cây kiếm của chân lý” – là cái dẫn đạo và phê phán hắn.
Kiếm sư và người sơ học đều vô úy không biết sợ; tuy nhiên, không giống như người sơ học, càng ngày kiếm sư càng không biết sợ. Nhiều năm thiền định không ngừng đã dạy hắn rằng trên cơ bản đời sống và cái chết là giống nhau và cùng thuộc một giai tầng. Hắn không còn sợ chuyện tử sanh nữa.
Hắn sống rất vui vẻ trên thế gian, nhưng bất cứ lúc nào hắn cũng sẵn sàng lìa khỏi thế gian mà không một chút bận tâm tới ý nghĩ về cái chết. Chẳng phải vô cớ mà giới hiệp sĩ Samurai đã chọn đóa hoa anh đào mong manh làm biểu tượng chân thực nhất của họ. Giống như một cánh hoa lìa khỏi cành trong ánh nắng ban mai và thanh thản bay xuống đất, người hiệp sĩ vô úy cũng sẽ lìa đời trong im lặng và trong sự bình thản của nội tâm.
Kẻ không sợ cái chết không có nghĩa rằng hắn tự nhủ – trong khi đang bình an vô sự – rằng hắn sẽ không run sợ khi đối diện với cái chết, và rằng chẳng có gì đáng sợ. Người nào đã làm chủ được cả đời sống lẫn cái chết thì không còn biết sợ bất cứ cái gì, thậm chí hắn không còn khả năng cảm thấy sợ hãi. Những ai không biết sức mạnh của công phu thiền định trường kỳ thì không thể biết khả năng tự khắc phục của nó lớn lao như thế nào. Một vị Đại Sư có công phu viên mãn lúc nào cũng lộ ra đức tính vô úy, chẳng những trong lời nói mà còn trong tất cả cung cách và phong độ: người ta chỉ cần nhìn vào ông là cũng đủ chịu ảnh hưởng thâm sâu rồi. Đức tính vô úy không lay chuyển như thế là đã tới tột đỉnh mà chỉ một số ít người đã rèn luyện được.
Để làm sáng tỏ điểm này, tôi trích dẫn một đoạn trong tác phẩm “Diệp Ẩn Tập” (Hagakure) biên soạn vào khoảng giữa thế kỷ 17:
Liễu Sanh Điền Đảo Thượng (Yagyu Tajima-no-kami) là vị kiếm thuật gia vĩ đại và cũng là vị lão sư huấn luyện kiếm thuật cho vị Sứ Quân đương thời là Đức Xuyên Gia Quang (Toukugawa Iyemitsu). Có một hôm, một thị vệ thân cận của Sứ Quân đến gặp Điền Đảo Thượng và ngỏ ý xin theo ông học kiếm thuật. Đại sư nói: “Theo ta nhận xét, chính anh có vẻ là một vị kiếm sư rồi. Xin anh cho biết anh thuộc môn phái nào, trước khi chúng ta nói tới quan hệ thầy trò.”
Thị vệ ấy nói: “Tôi rất hổ thẹn phải thú nhận rằng tôi chưa bao giờ học kiếm thuật.”
“Anh định gạt ta sao? Ta là thầy của Sứ Quân đại nhân, nhãn quan của ta xưa nay không bao giờ sai đâu.”
“Tôi xin lỗi đã mạo phạm Đại Sư, nhưng quả thật là tôi không biết tí nào.”
Sự cương quyết phủ nhận của vị khách này khiến đại sư suy nghĩ một lúc, sau cùng ông nói: “Anh đã quả quyết như vậy thì chắc là thật rồi. Nhưng ta vẫn chưa tin, chắc anh là bậc sư của một môn nào đó, tuy ta không biết là môn gì.”
”Vì Đại Sư nhất định muốn tôi nói thì tôi xin nói: Chỉ có một điều tôi có thể nhìn nhận rằng tôi hoàn toàn điêu luyện. Khi tôi còn là một thiếu niên, tôi nghĩ rằng nếu muốn là một hiệp sĩ thì bất cứ trong cảnh ngộ nào tôi cũng không sợ chết, và tôi đã tự tra vấn về cái chết trong suốt mấy năm, sau cùng vấn đề cái chết không còn khiến tôi bận tâm nữa. Có phải đó là điều mà Đại Sư muốn ám chỉ hay không?”
Điền Đảo Thượng nói lớn: “Chính thế! Ý ta muốn nói như vậy. Ta hài lòng rằng mình không nhận xét sai lầm. Bởi vì bí quyết tối thượng của kiếm thuật cũng nằm ở trong cái tâm không còn sợ chết. Ta đã huấn luyện hàng trăm môn sinh về phương diện này, nhưng đến nay vẫn chưa có một người đủ tư cách được tờ chứng thư tối cao của kiếm thuật. Anh không cần huấn luyện kỹ xảo, anh đã là một bậc sư rồi đấy.” 2
Từ thời xưa đến nay, sảnh tập luyện kiếm thuật được gọi là “Chánh Giác Đường.”
Mỗi vị Đại Sư thực hành một môn nghệ thuật mà Thiền tông đã đúc kết đều giống như tia chớp lóe sáng từ đám mây của Chân Lý bao la. Chân Lý này hiện diện trong tâm linh tự do phóng khoáng của vị thầy, và ông gặp lại nó trong cái “Nó” khi nó trở thành cái tinh túy nguyên thủy và vô danh của ông. Ông gặp lại cái tinh túy này nhiều lần khi nó trở thành những khả năng khả thể tối ưu của con người ông, vì vậy Chân Lý này đại diện cho ông – và cho những người khác qua ông – trong muôn hình vạn trạng.
Bất kể cái kỷ luật hết sức nghiêm khắc mà một hành giả đã kiên nhẫn và khiêm tốn áp dụng cho mình, còn lâu hắn mới có thể thấm nhuần Thiền, và được Thiền soi sáng, tới độ nó hỗ trợ hắn trong mọi hành động của hắn, khiến cho cuộc đời hắn chỉ gồm toàn những giờ phút vui sống. Tuy nhiên, cái tự do tối thượng vẫn chưa trở thành một điều cần thiết đối với hắn.
Nếu hắn bị thúc đẩy, một cách không thể chống cự nổi, về phía cái mục tiêu này, hắn lại phải khởi hành một lần nữa, để đi trên con đường dẫn tới nghệ thuật vô nghệ thuật. Hắn phải can đảm dám nhảy vào Bản Nguyên, để sống bằng Chân Lý và trong Chân Lý, giống như người đã trở thành đồng nhất với Chân Lý. Hắn lại phải trở thành một môn sinh sơ học, phải khắc phục quãng đường cuối cùng và gay go khó đi nhất, để thực hiện những biến đổi và lột xác mới.
Nếu hắn khắc phục được những gian nan của Chân Lý thì mệnh của hắn đã viên thành: Hắn đối diện và thấy rõ cái Chân Lý vĩnh cửu, thứ Chân Lý siêu việt trên tất cả mọi chân lý, cái Bản Nguyên vô hình thái của tất cả các bản nguyên, cái KHÔNG đồng thời cũng là cái Tất Cả; hắn tan biến vào đó và từ đó sẽ tái sanh.
Chú thích:
1 Daisetz Teitara Suzuki, Zen Buddhism and its Influence on Japanese Culture, Kyoto: The Eastern Buddhism Society, 1938, trang 7, 8
2 Sách đã dẫn, trang 24, 25