au khi đọc những chương trên đây, tôi e rằng trong lòng nhiều độc giả sẽ sinh ra hoài nghi: Môn bắn cung không còn dùng để tranh thắng giữa người với người, nó chỉ còn tồn tại như là một hình thức rèn luyện tâm linh hết sức tinh vi, và do đó đã thăng hoa một cách thiếu lành mạnh. Nếu nghĩ như vậy thì tôi khó có thể trách họ.
Vì thế, tôi phải nhấn mạnh lần nữa: Các môn nghệ thuật của Nhật Bổn, trong đó có nghệ thuật bắn cung, đã chịu ảnh hưởng của Thiền tông hàng nhiều thế kỷ chứ không phải mới chịu ảnh hưởng từ thời cận đại. Quả thật, nếu những xạ sư đời xưa cần phải trả lời những câu hỏi về xạ nghệ thì chắc hẳn lời phát biểu của họ về nghệ thuật này cũng chẳng khác biệt về căn bản với ngôn luận của các xạ sư hiện đại – đối với các vị này “Đại Đạo” là một thực thể sống động. Trải qua nhiều thế kỷ, tinh thần của nghệ thuật bắn cung vẫn như xưa – giống như chính Thiền tông, nó chỉ thay đổi rất ít.
Để trừ khử những hoài nghi còn sót lại – mà kinh nghiệm cá nhân cho tôi biết là không thể tránh khỏi – tôi đề nghị, để so sánh, chúng ta hãy xét đại khái về một trong những nghệ thuật khác mà giá trị về võ thuật không thể phủ nhận, dù là trong hoàn cảnh hiện đại: Đó là nghệ thuật đấu kiếm. Tôi đưa ra điều so sánh này không những vì Đại sư Awa là một nhà kiếm thuật “tâm linh” thâm hậu – thỉnh thoảng ông vẫn vạch ra cho tôi thấy sự tương đồng kỳ lạ giữa những kinh nghiệm của các xạ sư và các kiếm sư – mà còn vì lý do ngày nay còn lưu truyền một tài liệu hết sức quan trọng viết từ thời toàn thịnh và các kiếm sư cần phải chứng tỏ tài năng thượng thừa của mình trong những trận đấu nguy hiểm tới tính mạng. Đây là bài luận văn của Đại Thiền Sư Trạch Am (Takuan), nhan đề là “Bất Động Tri,” trong đó ông viết rất tỉ mỉ về sự liên hệ của Thiền với kiếm thuật và với phép đấu kiếm. Tôi không biết có phải đây là tài liệu duy nhất nói một cách chi tiết và độc đáo về “Đại Đạo” của kiếm thuật hay không; tôi càng không biết có những tài liệu tương tự như vậy về xạ nghệ hay không. Bất cứ thế nào, bản văn tường thuật kiếm đạo của Trạch Am còn được bảo tồn đến ngày nay là một việc đại hạnh, và Đại Sư D.T.Suzuki đã có công rất lớn trong việc dịch – hầu như không giản lược – bức thư này của Trạch Am viết cho một kiếm sư danh tiếng, và nhờ đó nó đã được phổ biến rộng rãi 1. Trong chương sau tôi sẽ sắp xếp và tóm tắt theo ý tôi để cố gắng giải thích một cách rõ ràng và đơn giản những gì mà người ta hiểu về kiếm thuật trong quá khứ, và những gì nằm trong ý kiến đồng nhất của các đại sư mà ngày nay chúng ta cần phải hiểu.
Chú thích:
1 Daisetz Teitaro Suzuki, Zen Buddhism and its Influence on Japanese Culture – The Eastern Buddhism Society, 1938, Kyoto [Ảnh Hưởng của Phật Giáo Thiền Tông Đối Với Văn Hóa Nhật Bổn – Đông Phương Phật Giáo Học Hội xuất bản, 1938, Kinh Đô].