au một năm huấn luyện, tôi đã có thể kéo dây cung “bằng tâm linh,” không cần cố gắng dùng sức mạnh - điều này chẳng phải là một thành quả ghê gớm gì. Nhưng tôi rất hài lòng, vì tôi đã bắt đầu hiểu rõ tại sao có môn võ thuật tự vệ gọi là Nhu Đạo. Phương pháp này quật ngã đối thủ bằng cách bất ngờ nhượng bộ – không cần cố gắng chống cự – đòn tấn công mạnh bạo của đối phương, khiến cho sức mạnh của hắn chống lại chính hắn. Từ xưa đến nay Nhu Đạo đã lấy nước làm biểu tượng vì nước luôn luôn nhượng bộ nhưng bất khả khuất phục. Vì vậy Lão Tử nói câu danh ngôn chí lý “Thượng thiện nhược thủy,” bởi vì “Tất cả mọi vật trên đời không có cái gì mềm yếu như nước vậy mà nó có thể thắng được tất cả những vật gì cứng rắn nhất.” Hơn nữa, trong trường các học viên truyền cho nhau câu nói của đại sư: “Người nào tiến bộ rất nhanh lúc ban đầu thì về sau sẽ càng gặp nhiều khó khăn.” Đối với tôi, lúc bắt đầu chẳng dễ dàng chút nào: Nếu thế, phải chăng tôi có quyền cảm thấy tự tin để nghinh đón việc tương lai xảy ra, và những khó khăn mà tôi đã bắt đầu hoài nghi?
Điều kế tiếp phải học là “buông ra” mũi tên. Cho tới bây giờ chúng tôi được phép buông mũi tên tùy ý: nó hầu như chỉ là một hành động ngoại biên trong việc huấn luyện. Và, chẳng ai quan tâm tới điều gì xảy ra cho mũi tên. Miễn rằng mũi tên xuyên vào cuộn rơm bó chặt – dùng làm mục tiêu và đồng thời hứng mũi tên – là xạ thủ thỏa mãn rồi. Bắn trúng được mục tiêu chẳng phải là chuyện khó khăn gì, vì chúng tôi chỉ đứng cách nó khoảng mười bước là nhiều lắm.
Trước đây, tôi chỉ giản dị buông dây cung khi đã kéo tới tột điểm và không còn chịu đựng được sự căng thẳng của cung, khi tôi cảm thấy mình phải buông ra, nếu không thì sẽ khó có thể khép hai tay tôi lại. Sức căng thẳng này chẳng gây đau đớn gì. Ngón tay cái của bao tay bằng da rất cứng, trong đó lót vải rất dầy để ngừa sức ép của dây cung làm khó chịu cho ngón cái, khiến chưa đạt đến sức căng dãn ở điểm cao nhất đã buông ra rồi. Khi kéo cung, ngón tay cái móc chặt dây cung ngay dưới mũi tên, ba ngón trỏ, giữa và vô danh nắm chắc ngón cái, đồng thời cũng giữ chặt đuôi tên. Bắn tên tức là buông ba ngón tay để thả ngón cái ra. Qua sức kéo mãnh liệt của dây cung, ngón tay cái bị bật khỏi vị trí của nó, cây cung căng thẳng, sợi dây rung chuyển và mũi tên bay ra. Cho tới lúc này, mỗi khi tôi bắn tên dây cung giật rất mạnh, khiến toàn thân tôi dấy động, và cũng gây ảnh hưởng tới sự ổn định của cung và tên. Như vậy là mỗi lần bắn tôi không tránh khỏi tự nhủ: Thế nào cũng bị chao đảo.
Khi không còn thấy khuyết điểm trong cung cách thư giãn mà tôi kéo dây cung, một hôm Đại Sư nói: “Cho tới nay tất cả những gì mà anh đã học chỉ là việc chuẩn bị để bắn mũi tên. Bây giờ chúng ta đối diện với một bài học mới và hết sức gian nan để tiến vào một giai đoạn mới của nghệ thuật bắn cung.” Nói xong, đại sư cầm cây cung, kéo dây ra và bắn.
Tới lúc này, khi cố ý nhìn kỹ để tìm hiểu, tôi mới phát hiện tay phải của Đại Sư tuy thình lình mở rộng và giật mạnh về phía sau, nhưng, toàn thân ông không chao động chút nào. Cánh tay mặt ông, trước khi chưa bắn tên vốn đã thành một cái góc nhọn, lúc này mở ra và nhẹ nhàng dang thẳng ra. Cái sức giật không thể nào tránh khỏi đã bị hóa giải.
Nếu không có tiếng kêu “băng” của sợi dây cung rung rung và sức xuyên thấu của mũi tên kia, thì chẳng ai tin cây cung có xạ lực. Ít nhất điển hình qua đại sư, việc bắn tên giản dị và nhẹ nhàng giống như trò chơi của trẻ con.
Chẳng dùng sức mà biểu diễn một công phu cần rất nhiều sức, là một cảnh tượng rất đẹp mà người Đông phương thích thưởng thức và lãnh hội một cách hết sức bén nhạy. Nhưng điều quan trọng hơn đối với tôi – và ở giai đoạn đó tôi không thể nghĩ cách nào khác – là việc bắn trúng mục tiêu dường như tùy thuộc vào động tác buông tên một cách bình vững. Qua môn bắn súng trường tôi biết rằng chỉ một chút xê xích ra khỏi đường nhắm cũng khiến mục tiêu bị sai lạc.
Cho tới bây giờ tất cả những gì mà tôi đã học và đạt được đã trở thành rõ ràng, từ quan điểm sau đây: thư giãn khi kéo cung, thư giãn khi giữ lại ở điểm căng ra xa nhất, thư giãn khi buông mũi tên, thư giãn khi hứng chịu sức dội lại. Phải chăng tất cả những điều này đều nhắm vào mục đích bắn trúng mục tiêu, và là lý do tại sao chúng tôi tốn công sức và kiên nhẫn học bắn cung? Vậy thì tại sao Đại Sư nói như thể giai đoạn mà bây giờ chúng tôi cần học sẽ vượt xa tất cả mọi điều mà chúng tôi đã thực tập và làm quen từ trước tới nay? Bất luận thế nào, tôi vẫn chiếu theo sự giáo huấn của Đại Sư một cách siêng năng chuyên cần, nhưng, tất cả cố gắng của tôi vẫn uổng công. Tôi thường cảm thấy dường như trước đây tôi bắn khá hơn bây giờ, khi tôi cứ tự nhiên buông tên mà không nghĩ gì về hành động đó.
Tôi nhận ra một điều quan trọng là tôi không thể mở bàn tay phải, nhất là những ngón giữ ngón cái, nếu không dùng sức. Hậu quả là bàn tay bị giật mạnh vào lúc buông dây cung, khiến cho mũi tên bị chao đảo. Đại sư không chút chán nản, tiếp tục biểu diễn phương pháp bắn tên chính xác. Tôi cũng không chút nản lòng làm theo giống như ông – mà kết quả duy nhất là càng ngày tôi thấy mình giống như con rết không thể tiến tới vì cứ thắc mắc không biết nó phải đi theo thứ tự của những cái chân như thế nào.
Thất bại của tôi không khiến cho Đại Sư bực mình, trái lại chính tôi cảm thấy bực mình. Phải chăng ông căn cứ qua những kinh nghiệm để biết điều này phải xảy ra? Ông nói: “Đừng suy nghĩ anh phải làm gì? Đừng suy tính làm cách nào để bắn! Mũi tên sẽ chỉ bay đi êm thắm khi nó bất ngờ lìa khỏi xạ thủ. Giống như thể sợi dây cung bỗng nhiên cắt xuyên qua ngón tay cái giữ nó. Anh không được cố tình mở bàn tay phải.”
Tôi trải qua những tuần lễ và những tháng kế tiếp thực hành không có kết quả. Tôi lại lấy cách bắn tên của đại sư làm tiêu chuẩn, chú ý quan sát cách buông dây cung chính xác, nhưng vẫn không một lần thành công.
Nếu đợi thời khắc bắn tên tự nó đến, tôi không chịu nổi sức dang rộng của cung, lúc đó hai tay tôi từ từ khép vào nhau, và tôi không thể bắn được. Nếu tôi cắn răng chịu đựng sức dang ấy cho đến khi hơi thở như trâu, thì tôi không thể không cần những bắp thịt của cánh tay và vai trợ giúp. Lúc bấy giờ tôi đứng bất động – giống như một pho tượng, tôi bắt chước tư thế của Đại Sư – nhưng căng thẳng và không còn thư giãn được nữa.
Có thể là cơ duyên ngẫu nhiên, có thể là do Đại Sư sắp xếp, một hôm chúng tôi gặp nhau nơi uống trà. Tôi nắm lấy cơ hội này để thảo luận và nói rất nhiều điều muốn nói.
Tôi thổ lộ: “Tôi biết rõ rằng khi buông tay không được lay động, nếu không thì phát bắn sẽ hỏng. Nhưng, bất cứ tôi cố gắng sửa sai thế nào, nó cũng vẫn không đúng. Nếu tôi hết sức nắm chặt bàn tay thì khi buông lỏng các ngón tay tôi không thể giữ cho bàn tay khỏi rung động. Mặt khác, nếu tôi cố giữ cho bàn tay thư giãn, thì sợi dây cung đã từ trong tay tôi trượt ra một cách bất ngờ và quá sớm, trước khi tôi kéo cung hết mức. Tôi không thất bại cách này thì thất bại cách khác. Thật tình cảm thấy không thể nào trốn tránh thất bại.”
Đại sư trả lời: “Anh phải giữ sợi dây cung sau khi kéo ra, giống như hài nhi nắm lấy ngón tay mà người ta chìa ra cho nó. Nó nắm chặt đến độ người lớn không khỏi ngạc nhiên về sức mạnh của cái bàn tay tí hon. Và khi nó buông ngón tay anh ra, bàn tay của nó không giật chút nào. Anh biết tại sao không? Bởi vì đứa trẻ không hề nghĩ trong đầu: Bây giờ ta phải buông ngón tay này ra để nắm lấy một vật khác. Nó hoàn toàn không tự giác, không có mục đích gì, khi từ vật này chuyển sang vật khác. Chúng ta bảo nó đang chơi đùa với vật, nếu nói rằng vật đùa với nó, có phải cũng đúng như nhau không?”
Tôi đáp: “Có lẽ tôi hiểu ngụ ý của Thầy, nhưng hoàn cảnh của tôi không phải hoàn toàn khác sao? Sau khi tôi kéo cung ra, đến lúc tôi cảm thấy: Trừ phi bắn tên liền tức khắc chứ tôi không làm sao chịu đựng nổi sức dãn nữa. Rồi điều gì xảy ra? Tôi gần như đứt hơi. Vì thế, dù muốn dù không, tôi phải buông tên, bởi vì tôi không đợi lâu hơn được.”
Đại sư trả lời tôi: “Anh miêu tả những chỗ khó khăn như vậy là rất đúng. Anh biết vì sao anh không chờ đợi được đúng lúc buông tên, và tại sao anh gần như đứt hơi thở trước khi đúng lúc anh buông tên? Thời cơ buông tên đúng lúc của anh không đến là vì anh không chịu buông chính mình ra. Anh không chờ đợi sự thành công; trái lại, anh gồng mình chờ sự thất bại. Nếu cứ như vậy mãi, anh không có cách nào khác hơn là cầu viện tới một điều ngoại tại nào đó sẽ xảy ra, và khi nào anh còn cầu viện tới nó thì bàn tay anh sẽ không mở ra đúng cách – giống như bàn tay đứa hài nhi. Bàn tay anh không buông ra một cách tự nhiên như vỏ của một trái cây chín mùi.”
Tôi phải thừa nhận với Đại Sư rằng lời giải thích này của ông khiến tôi càng thêm khó hiểu hơn. Tôi trả lời: “Nói cho cùng, tôi kéo cung và buông tên là để bắn trúng mục tiêu. Vì vậy, kéo cung chỉ là một phương tiện để đạt đến mục đích, và tôi không thể quên sự liên hệ này. Đứa trẻ nít không biết gì về điều đó; nhưng đối với tôi, hai việc này không thể tách rời nhau.”
Đại sư nói: “Nghệ thuật chân chính không có mục đích! Khi bắn, anh càng cố chấp vì muốn bắn trúng cái bia thì anh càng khó thành công, và cái bia kia sẽ lìa anh xa hơn. Ý chí chấp thủ quá đáng là trở ngại của anh. Anh tưởng rằng điều gì chính anh không làm thì sẽ không xảy ra.”
“Nhưng, Thầy thường bảo tôi rằng, thuật bắn cung không phải là một môn giải trí, không phải là trò chơi vô mục đích, mà chính là một vấn đề sanh tử!”
Đại sư đáp rằng: “Tôi vẫn nói như thế! Các bậc thầy dạy bắn cung đều nói: Một mũi tên, một mạng người! Anh chưa hiểu được câu nói này. Nhưng nếu dùng một hình ảnh khác để diễn tả cùng một kinh nghiệm, có lẽ sẽ giúp ích cho anh. Các xạ sư chúng tôi nói: Với nửa phía trên cây cung xạ thủ xuyên thấu bầu trời, nơi nửa phía dưới cây cung trái đất treo lủng lẳng như thể bị buộc bằng một sợi dây. Khi buông tên, nếu tay giựt mạnh, sợi dây ấy sẽ có nguy cơ bị đứt. Đối với những người có cơ tâm và tính tình thô bạo thì cái đứt rạn này sẽ thành vĩnh viễn, và họ sẽ bị treo giữa trời đất một cách đáng sợ.”
Tôi ưu tư hỏi Đại Sư: “Vậy thì tôi phải làm sao đây?”
“Anh cần phải học tập chờ đợi một cách thích đáng.”
“Học tập như thế nào?”
“Bằng cách buông thả anh ra. Hãy bỏ lại chính anh và tất cả những gì của anh ở đằng sau anh một cách triệt để đến nỗi chẳng còn sót cái gì, ngoại trừ một phần sức kéo vô tâm cơ.”
“Vậy thì tôi phải trở thành vô tâm – một cách cố ý?” Tôi nghe thấy chính mình nói thế.
“Chưa có người học trò nào từng hỏi tôi như vậy, cho nên tôi không biết trả lời ra làm sao.”
“Thưa Thầy, chừng nào chúng tôi bắt đầu luyện tập những bài học mới?”
“Khi thời cơ thích đáng đến."