gay trong lúc học bài thứ nhất chúng tôi liền biết con đường “Nghệ Vô Nghệ” không phải là dễ đi. Đại sư cho chúng tôi xem trước các loại cung của Nhật Bổn, giải thích rằng chúng có sức đàn hồi đặc biệt là nhờ cấu trúc đặc thù và cuộc liệu làm bằng tre. Nhưng dường như ông cảm thấy điều quan trọng hơn nữa là chúng tôi nên chú ý tới hình thù cao quí của cây cung – dài khoảng 1 mét 90 – hiện ra ngay khi nó được buộc dây, và khi cây cung được kéo xa hơn nữa thì cái hình thù đó càng đáng ngạc nhiên. Đại Sư giải thích rằng khi chúng kéo tới mức tột đỉnh thì nó “bao quát tất cả,” vì thế cần phải học tập phương pháp kéo cung chính xác. Kế đó, ông cầm lên một cây cung tốt nhất và mạnh nhất, rồi trang nghiêm đứng theo nghi thức, búng nhẹ dây cung mấy cái, phát ra âm hưởng thanh thúy vang tiếng sắc bén pha lẫn tiếng trầm trầm. Âm thanh này nghe qua mấy lần, vĩnh viễn khó quên, nó kỳ lạ như thế, khiến người nghe kích động như bị nó siết chặt trái tim. Xưa nay người ta nói rằng cung có sức trừ tà, và tôi cho rằng điều tin tưởng này đã mọc rễ trong toàn thể dân tộc Nhật.
Sau khi trải qua màn khai tâm đầy ý nghĩa để tịnh hóa và nhập môn, Đại Sư ra lệnh cho chúng tôi hãy chăm chú theo dõi ông. Rồi ông lấy một cây tên đặt vào đây cung, kéo dây cung ra xa đến nỗi tôi sợ nó không chịu nổi sự khẩn trương của việc “bao quát tất cả” và rơi mất mũi tên. Tư thế này không những trông thật đẹp mà còn thư thái và không phí sức. Tiếp đó ông dạy chúng tôi: “Bây giờ các bạn hãy làm giống như vậy, nhưng phải nhớ rằng mục đích của xạ nghệ không phải là để tăng cường bắp thịt. Khi kéo dây cung chớ dùng hết sức toàn thân, phải học cách dùng sức ở hai bàn tay, trong khi các bắp thịt cánh tay và vai vẫn thư giãn – giống như thể các bắp thịt này chỉ là kẻ đứng xem bên ngoài. Chỉ khi nào các bạn làm được điểm này mới hoàn tất điều kiện sơ bộ dùng tâm linh kéo cung bắn tên,” Giảng xong, ông nắm hai tay tôi, chậm rãi hướng dẫn chúng qua mỗi giai đoạn của động tác này, mà trong tương lai tôi phải làm theo, với dụng ý để tôi quen với cảm giác này.
Khi lần đầu thử dùng cây cung có sức mạnh trung đẳng để luyện tập, tôi nhận thấy muốn kéo nó tôi phải dùng khá nhiều sức. Bởi vì cung Nhật – không giống loại cung thể thao của Âu Châu – không phải đưa lên ngang vai thôi, không như lúc nâng đến vai có thể đưa sức toàn thân điều thêm trên cung. Cung Nhật một khi cắm tên vào xạ thủ liền cử cao hơn đầu, đồng thời hai cánh tay giơ thẳng. Vì thế, chỉ có thể đưa hai cánh tay sang tả hữu hai bên, khi chia ra càng rộng thì tay càng hướng xuống phía dưới hơn, mãi đến khi tay trái đang cầm cung ngưng ở vị trí cao ngang mắt. Cánh tay trái giơ thẳng ra ngoài, đồng thời tay phải kéo dây cung ngược thẳng về hướng sau, cánh tay phải cong lại đặt điểm kéo ở trên vai phải lúc cây tên dài 90 centimét chỉ hơi lộ một chút xíu mũi ở vành ngoài cung – cái mức trương ra lớn như thế. Xạ thủ phải bảo trì tư thế này chốc lát, cuối cùng mới buông tên. Phương thức kéo cung khác thường này cần có sức mạnh. Không lâu, tay tôi bắt đầu run rẩy, hô hấp càng thấy mệt hơn. Những tuần kế tiếp, tình huống này cũng không thấy cải thiện, kéo cung vẫn là việc khó khăn. Tuy rằng tôi siêng năng luyện tập, cái động tác đó vẫn không chịu trở thành “tâm linh.” Để tự an ủi, đột nhiên tôi nghĩ rằng lối này chắc chắn cần đến bí quyết gì đây, nhưng vì lý do nào đó mà Đại Sư không thổ lộ thế thôi. Tôi có tham vọng muốn tìm ra cái bí mật này.
Đã hạ quyết tâm, tôi tiếp tục luyện tập. Đại Sư chăm chú theo dõi sự cố gắng của tôi, lặng lẽ sửa đổi lại tư thế căng thẳng của tôi, khen ngợi sự nhiệt thành của tôi, trách móc sự phí sức của tôi, ngoài ra tất cả để tôi được tự do. Duy có điều mỗi lần tôi giương cung, ông liền lớn tiếng bảo tôi: “Thư giãn! Thư giãn!” – đây là tiếng ngoại quốc ông mới học được – tuy ông tuyệt nhiên không mất kiên nhẫn mà luôn luôn lịch sự, nhưng tiếng la lớn ấy lần nào cũng đều chạm chỗ đau của tôi. Sau cùng, một hôm tôi mất kiên nhẫn và phải thú nhận với ông rằng tôi không thể nào chiếu theo phương pháp dạy của ông mà kéo cung.
Đại Sư bảo: “Anh làm không được bởi vì phương thức hơi thở của anh không đúng. Sau khi hít vào, mang hơi ép nhẹ xuống làm cho vách bụng căng chặt, rồi để hơi ngưng ở đó chốc lát. Sau đó, chậm rãi thở hơi ra đều đặn. Nghỉ chốc lát, lại hít một hơi nhanh vào, một thở ra một hít vào không ngừng, theo một nhịp điệu mà dần dà sẽ tự ổn cố. Nếu làm đúng động tác này, xạ tiễn càng ngày sẽ càng dễ hơn. Bởi vì từ nguồn hô hấp anh không những phát hiện căn nguyên của tất cả sức mạnh tâm linh, mà hơn thế nữa, nó còn khiến cho cái nguồn sức mạnh này càng phát sinh nhiều hơn và chảy đến tứ chi. Khi anh càng thư giãn bao nhiêu thì sức mạnh đó càng trôi chảy bấy nhiêu. “Để chứng minh lời nói, Đại Sư kéo sợi dây trên cây cung cứng, bảo tôi đứng sau lưng sờ những bắp thịt cánh tay ông. Chúng thật là rất thư giãn, tựa hồ như không phải làm việc gì cả.
Tôi theo phép tu tập phương pháp hô hấp mới, đầu tiên không dùng cung và tên, cho đến khi thấy hơi thở trở thành tự nhiên. Lúc ban đầu, có một chút cảm giác khó chịu nhưng không bao lâu tôi khắc phục được. Đại Sư rất chú trọng hơi thở ra, cố gắng chậm và đều đặn cho tới khi hơi thở ra hết. Để cho dễ kiểm soát khi luyện tập, ông muốn mọi người khi thở ra phải phát tiếng vù vù thật nhỏ. Chỉ khi nào hơi thở thôi phát tiếng ông mới cho phép hít hơi vào. Có một lần, Đại Sư bảo: “Hít hơi vào là kết hợp; khi nín hơi các bạn khiến cho mọi sự được trôi chảy; hơi thở ra là nới lỏng và hoàn tất bằng cách khắc phục mọi giới hạn, đạt đến viên mãn.” Nhưng lúc ấy mọi người đều không hiểu ra ý nghĩa của câu nói đó.
Tiếp đến, Đại Sư bắt đầu giảng mối quan hệ giữa hơi thở và xạ tiễn – đương nhiên việc luyện tập hô hấp ở đây chẳng phải vì lợi ích cho chính nó. Ông chia tiến trình kéo dây cung và bắn tên thành những giai đoạn: Nắm cung, lên tên, nâng cung lên cao, kéo dây và ngưng lại khi cung giương ra rộng nhất, cuối cùng buông tên. Mỗi giai đoạn đều bắt đầu với hơi thở hít vào, kế đó nín hơi ở bụng, sau cùng thở ra.
Kết quả là hô hấp và động tác phối hợp một cách tự nhiên và không những nhấn mạnh vị trí cách biệt và động tác của tay mà còn dựa vào dung lượng thở lớn hay nhỏ của phổi từng người, sự điều khí cùng các cử động đan dệt thành lớp lang rất nhịp nhàng. Tuy chia thành những giai đoạn, toàn bộ quá trình lại giống như một sinh vật hoàn toàn tự tồn, chẳng có chút gì giống như môn thể vận (gymnastics) của Tây phương – trong môn này người ta có thể thêm vào hay bớt đi những động tác nhỏ tùy lúc mà không đến nỗi phá hoại ý nghĩa và đặc tính của nó.
Mỗi lần nghĩ đến những ngày tháng ấy, tôi không khỏi nhớ mãi những khó khăn khi bắt đầu luyện tập thở đúng cách. Mặc dù phương thức tôi hít vào đã đúng về kỹ thuật, nhưng mỗi lần tôi cố gắng giữ cho những bắp thịt cánh tay và vai thư giãn trong khi kéo dây cung, các bắp thịt hai chân tôi thì lại cứng đờ ghê gớm, tựa hồ nếu tôi không đứng tấn cho vững thì sẽ mất mạng; và giống như người khổng lồ Antaeus trong thần thoại Hy Lạp, tôi phải hấp thụ sức lực từ dưới đất. Đại Sư thường không biết làm cách nào khác, ông đành phóng bàn tay nhanh như tia chớp xuống bắp đùi của tôi, ngay chỗ nhạy cảm đặc biệt và ấn bàn tay xuống. Vì muốn biện bạch, có lần tôi nói rằng tôi đang cố gắng giữ cho thân thể thư giãn. Đại Sư trả lời: “Đó chính là khuyết điểm của anh, vì anh cứ cố gắng nghĩ đến nó. Hãy hoàn toàn chú tâm vào hơi thở, giống như anh không có việc gì khác để làm!” Tôi tốn biết bao thời gian mới đạt đến ý muốn của Đại Sư; rốt cuộc rồi cũng thành công. Tôi tập tự quên mình trong hơi thở một cách dễ dàng đến nỗi đôi khi tôi có cảm giác rằng chẳng phải tôi đang thở mà – thật là kỳ lạ – tôi “bị thở.” Có lúc tôi ngẫm nghĩ hàng giờ đồng hồ, không chịu thừa nhận ý niệm táo bạo này, nhưng tôi không hoài nghi rằng sự hô hấp còn có tất cả những diệu dụng mà Đại Sư đã hứa hẹn. Tiếp đến, tôi có thể điều khiển được toàn thân thư giãn hoàn toàn khi kéo căng dây cung ra và bảo trì sức kéo hết mức, cho đến khi buông tên. Lúc đầu, thỉnh thoảng tôi mới làm được như vậy, về sau càng ngày càng thường xuyên hơn – nhưng tôi không thể giải thích vì sao tôi làm được. Sự khác biệt về phẩm chất giữa những lần thành công hiếm hoi và vô số những lần thất bại thật là rõ ràng, cho nên tôi phải thừa nhận rằng cuối cùng tôi đã hiểu ý nghĩa dùng “tâm linh” kéo cung.
Nó như thế này: không phải là một bí quyết kỹ thuật như tôi đã tìm kiếm một cách vô ích, mà lại phải cố tâm điều hòa hơi thở để có thể đạt được những ảnh hưởng mới mẻ và sâu xa. Tôi nói điều đó mà trong lòng còn hoài nghi, vì tôi biết rất rõ sức cám dỗ của một ảnh hưởng mạnh; và khi sa vào cạm bẫy của ảo tưởng người ta thường đánh giá quá cao về sự quan trọng của một kinh nghiệm chỉ vì nó thiếu minh bạch của ngôn ngữ và sự dè dặt tỉnh táo, những kết quả đạt được nhờ cách thở mà tôi đã học được – sau này tôi đã có thể kéo được cả cây cung cứng của Đại Sư nhờ thư giãn bắp thịt – thật là quá rõ rệt, không thể phủ nhận.
Khi bàn luận với ông Komachiya về việc luyện tập, có lần tôi hỏi ông tại sao Đại Sư thản nhiên trong một thời gian dài nhìn tôi uổng công phí sức lấy “tâm linh” kéo cung, tại sao ngay lúc đầu Đại Sư không dạy tôi thở đúng cách? Ông đáp: “Một vị đại sư chắc chắn cũng phải là một vị giáo sư vĩ đại. Đối với người Nhật chúng tôi, hai điều đó đi đôi với nhau. Nếu khi bắt đầu khóa học Đại Sư dạy ngay phương pháp thở cho ông, ngài sẽ không thể nào khiến cho ông nhận ra sự quan trọng có tính cách quyết định của nó. Ông phải trải qua tình cảnh bị đắm tàu – qua những nỗ lực của chính ông – trước khi ông sẵn sàng chụp lấy cái phao cấp cứu mà Đại Sư liệng cho ông. Tin tôi đi, tôi biết qua kinh nghiệm bản thân rằng Đại Sư biết về ông và mỗi học viên của ngài rõ hơn là chúng ta biết về chính mình. Ngài nhìn thấy rõ trong tâm linh của các học viên –đó là sự thật mà nhiều người không muốn thừa nhận.”