Ôn Tử Bình cũng da thịt không cười chỉ môi cười, nói:
- Ta thấy theo như bình thường, Chu hình tổng bên này bảo chúng ta nói chuyện cẩn thận, bên kia đã lặng lẽ mật báo, nói chúng ta mê hoặc xúi giục, âm mưu tạo phản rồi.
- Bình sinh ta chỉ cố nói lời hay, không nói xấu người khác.
Chu Nguyệt Minh nói rất gian xảo, bởi vì sự xảo quyệt hoàn toàn hiện trên mặt hắn, cho nên ngược lại khiến người khác cảm thấy hắn xảo trá một cách chân thật, chứ không phải xảo trá âm thầm:
- Hôm nay nếu ta nói xấu sau lưng người khác, ngày mai người khác cũng có thể nói xấu sau lưng ta như vậy. Hôm nay nếu ta tin người này sẽ không kể lại những gì ta nói, hoặc là muốn hắn giữ bí mật… nhưng đối phương ngoài mặt đồng ý, lại âm thầm tố cáo những gì ta muốn hắn giữ kín. Cho nên ta chỉ cố nói lời hay.
Ôn Nhâm Bình mỉa mai:
- Loại người nắm giữ chức vị như ngươi, cũng chỉ nói lời hay, chỉ làm chuyện tốt sao?
Chu Nguyệt Minh vội nói:
- Không phải, không phải. Ta bảo là mình chỉ nói lời hay, lúc cần thiết thà làm chuyện xấu cũng không nói xấu người khác. Làm chuyện xấu là thực thực tế tế, kết quả đã xuất hiện rồi, còn nói nói xấu người khác thì lại rất tổn hại, chỉ nói miệng không thì đã kết thù sâu rồi. Ta chỉ bảo rằng mình không nói xấu, không có nghĩa là không làm chuyện xấu. Ta chỉ giỏi tự bảo vệ mình mà thôi.
Ôn Tử Bình chế giễu:
- Vậy ngươi thà làm chuyện xấu cũng không nói nói xấu người khác?
Chu Nguyệt Minh lại trả lời thẳng thắn vô tư:
- Đúng.
Lôi Du Cầu rất muốn vạch trần khuôn mặt thật của lão hồ ly này:
- Ta biết ngài được tín nhiệm, có thể vào thẳng cung đình, đặc biệt cho phép diện thánh. Nếu như thánh thượng hỏi đến, chẳng lẽ ngài cũng khi quân phạm thượng, biết rõ bại hoại làm ác mà không báo cáo sao?
- Vì sao không chọn nói lời hay?
Chu Nguyệt Minh cười híp mắt nói:
- Ta cũng không muốn làm Kinh Phòng, Trần Hàm, Lưu Canh Sinh, cũng không muốn làm Vương Chương, Phùng Thoan, Tiêu Vọng Chi. Ta biết hài lòng, tự cảm thấy vui, chỉ cầu bình an phú quý, không muốn mạo phạm thiên uy.
Lôi Du Cầu ngẩn ra:
- Ngài hãy nói rõ một chút. Ta là người thô tục, đánh đố như vậy ta không hiểu được.
Chu Nguyệt Minh vội chắp tay tỏ vẻ xin lỗi:
- Đó đều là chuyện xưa của Hán triều. Kinh Phòng có thể dự đoán gió mưa sáng tối, thiên tai nhân họa, chuẩn xác vô cùng. Y từng dâng thư cho Hán triều hoàng đế Lưu Thích, nghị luận thiên tượng, ngôi sao chuyển động, hoàn toàn linh nghiệm. Lưu Thích rất tán thưởng y. Đương thời Thạch Hiển giữ chức phó xạ, trung thư lệnh, liên kết với đám người Hoằng Cung, Ngũ Lộc Sung Tông, Sử Cao, nắm giữ cơ mật trung tâm, quyền khuynh triều đình, ra tay âm hiểm tàn độc, biết nịnh hót hoàng đế, lấy được tín nhiệm, lại lợi dụng thời cơ hãm hại những người không nghe theo hắn, tính toán chi li, có hận tất báo. Kinh Phòng thấy đám người Thạch Hiển, Ngũ Lộc Sung Tông cấu kết với nhau hãm hại trung lương, cho nên tìm cơ hội tốt có thể một mình diện thánh, mượn Xuân Thu đại nghĩa, mượn biến hóa thiên thời, tố cáo Thạch Hiển lộng quyền, nói thiện làm ác, nhiễu loạn triều cương. Lưu Thích nghe vậy đại ngộ, nhưng vẫn tín nhiệm Thạch Hiển như trước, còn cho Thạch Hiển, Ngũ Lộc Sung Tông biết Kinh Phòng tố cáo. Đám người Thạch Hiển liền xem Kinh Phòng là tử địch, mượn cớ đưa y rời khỏi kinh sư. Kinh Phòng biết là thời khắc sống chết, năm lần bảy lượt mật tấu xin ở lại bên cạnh hoàng đế, nhưng không tác dụng, cuối cùng bị chém ở chợ. Y chết bởi vì dám đưa ra ý kiến, còn địa vị của Thạch Hiển lại chẳng dao động chút nào. Lưu Canh Sinh lại cùng với quang lộc huân Chu Kham, quang lộc đại phu Trương Mãnh, dâng tấu chương tố cáo Thạch Hiển tà ác, loại bỏ người hiền. Không ngờ bản tấu chương này bị Thạch Hiển nhìn thấy, khiến hắn càng hận Chu kham, Trương Mãnh, Lưu Canh Sinh đến thấu xương, lần lượt mưu hại. Kết quả, Chu, Trương không thoát được độc thủ của hắn, Lưu Canh Sinh thì bị cách chức làm bình dân, đã xem như may mắn lắm rồi.
Ôn Nhâm Bình tinh thông sử học, cũng nói tiếp:
- Tiêu Vọng Chi từng nhậm chức ngự sử đại phu, một trong tam công, lại là thầy của thiên tử. Bởi vì từng tiến cử Lưu Canh Sinh, từng tấu xin cách chức Thạch Hiển mà bất hòa với hắn, cuối cùng lâm vào tù ngục, phải uống thuốc độc tự sát. Còn Trần Hàm là ngự sử trung thừa đương thời, bởi vì liên tục công kích hành vi của Thạch Hiển, bị Thạch Hiển vu khống cùng hòe lý bảo trường Chu Vân tiết lộ cơ mật cung đình, đến nỗi bị hạ ngục trị tội. Chuyện này khiến cho toàn bộ quan viên, đại thần đều bị chấn nhiếp, cực kỳ sợ hãi, không dám nói thêm một câu phê bình Thạch Hiển nào nữa. Chỉ còn lại những kẻ nương nhờ nịnh hót bọn chúng, từng bước thăng quan.
Lôi Du Cầu giận đến biến sắc, mắng:
- Không có thiên lý! Hoàng đế nào mà lại tín nhiệm Thạch Hiển như vậy!
- Bởi vì quyền lực của hoàng đế không bị hạn chế, hắn muốn làm gì cũng được, ai làm hắn vui thì hắn sẽ nâng đỡ kẻ đó.
Ôn Tử Bình nói tiếp:
- Hán Nguyên Đế rất coi trọng năng lực dự đoán của Kinh Phòng, nghe lời khuyên của Kinh Phòng cũng tỉnh ngộ một thời gian, nhưng hắn lại không chịu xử trí Thạch Hiển, ngược lại tin lời Thạch Hiển bắt giữ Kinh Phòng. Vừa rồi Chu hình tổng còn nói đến Phùng Thoan. Phùng Thoan vốn là người can gián, còn do Thạch Hiển đề cử với hoàng đế, nói rằng Phùng Thoan hành vi liêm khiết, phẩm cách đoan chính, tốt nhất nên để y hầu hạ bên cạnh. Phùng Thoan vừa yết kiến hoàng đế liền yêu cầu được gặp mặt riêng, vừa gặp mặt riêng thì lập tức công kích Thạch Hiển chuyên quyền loạn chính. Thế nhưng kết quả, Lưu Thích rất kinh ngạc vì Phùng Thoan lại công kích phỉ báng người tiến cử y là Thạch Hiển, lập tức ngưng đề bạt Phùng Thoan. Chuyện này còn liên lụy đến Phùng Dã Vương có năng lực xuất sắc, bởi vì Thạch Hiển từ đây đề phòng gia tộc họ Phùng, kết nạp không được lại thừa cơ trả thù, khiến cho Phùng Dã Vương không được trọng dụng khi Lưu Thích cầm quyền, ngay cả con trai của Lưu Thích là Lưu Ngạo cũng không dùng y. Phùng Dã Vương tuy đã biết cẩn thận, muốn hồi hương dưỡng bệnh, nhưng lại bị đại tướng quân đương thời Vương Phụng hãm hại, vu khống cách chức. Đều như nhau cả.
Ôn Tử Bình chế nhạo:
- Kẻ làm hoàng đế đều như nhau, chỉ là lúc Lưu Thích tại vị thì sủng ái Thạch Hiển, khiến hắn có thể tác oai tác quái, mặc sức lộng quyền, đến thời Lưu Ngạo thì lại trọng dụng Vương Phụng. Phùng Dã Vương đề cử Vương Chương chính trực ngay thẳng đảm nhiệm chức triệu doãn Trường An, nhưng Vương Chương không a dua hùa theo Vương Phụng, cũng không mặc cho người khác an bài, còn mật tấu Thành Đế tố cáo Vương Phụng hãm hại lừa gạt, liên kết mưu lợi. Lưu Ngạo nghe vậy cũng rất cảm động, nhờ đó tỉnh ngộ, vô cùng tin tưởng, còn muốn y đề cử nhân tài. Vương chương liền tiến cử Lưu Hưng và Phùng Dã Vương. Nhưng chuyện bí mật thương nghị với hoàng đế này lại bị thị trung Vương Âm tiết lộ ra ngoài. Vương Âm lén báo cho Vương Phụng, Vương Phụng liền bịa đặt vu khống Vương Chương, giết ở trong ngục, hơn nữa còn ép Phùng Dã Vương đến bước đường cùng… Cho nên, vừa rồi Chu hình tổng đã nói, hắn cũng không muốn làm Kinh Phòng, Trần Hàm, Lưu Canh Sinh, càng không muốn làm Vương Chương, Phùng Thoan, Tiêu Vọng Chi.
Lôi Du Cầu không đọc sách, ít đọc sử, nghe vậy càng bực bội, giậm chân nói:
- Những hoàng đế kia đều là kẻ chết sao, trung gian không biết, thiện ác không phân, để kẻ xấu cầm quyền, mặc sức thao túng, người tốt thất thế, nhân tài điêu linh. Hắn rốt cuộc là hoàng đế hay là kẻ ngốc?
Lần này Ôn Tử Bình chỉ trả lời hai chữ:
- Kẻ ngốc.
Sau đó y bổ sung:
- Tất cả đế vị đều là cha truyền con nối, hoặc do hoàng đế tiền nhiệm lựa chọn theo sở thích. Nói cách khác, hắn sinh ra đã là một hoàng đế, cho dù hắn thật ra là một kẻ ngốc. Hoặc là nói, hoàng đế lão tử thích ai thì chọn người đó, nào quan tâm người mà hắn chọn là một kẻ cầm thú suy đồi đạo đức.
Ôn Tử Bình nói:
- Cho dù người ở đế vị có bản lĩnh, có phẩm hạnh, bản thân lại biết tự kiềm chế, nhưng khi quyền lực hoàn toàn tập trung vào một người mà không bị hạn chế, dù có là minh quân cũng sẽ biến thành hôn quân. Con người đều ham ăn biếng làm, thích nghe chuyện vui, chán ghét tin dữ. Hoàng đế luôn cao cao tại thượng, hoặc trốn trong thâm cung không ra ngoài, nào hiểu được khó khăn của dân gian? Ai dám đốc thúc hắn hăng hái rèn luyện? Cho nên cuối cùng vẫn trở thành kẻ ngốc.
- Có một số hoàng đế không phải ngu ngốc, nhưng quần thần liên kết hùa theo nịnh bợ, hắn lại không thể nghe được những lời nói thật, không biết mình rốt cuộc thế nào. Có lúc còn xem những người nói khó nghe đều là kẻ xấu, còn những kẻ nịnh hót đều là trung lương.
Cự hiệp tiếc nuối nói:
- Giống như Hán Nguyên Đế, Thành Đế, vốn không phải là những người không hiểu lý lẽ. Lưu Thích có thể dùng viên đồng từ xa đánh vào mặt trống, phát ra âm thanh êm tai dễ nghe, điều này ngay cả nhạc công chuyên nghiệp cũng không làm được. Có một dạo hắn cũng muốn cách chức Thạch Hiển, nhưng Thạch Hiển lập tức diễn một vở kịch hay, trước hết xin hoàng đế cho phép hắn hồi cung muộn một chút, có thể phụng lênh hoàng đế bảo bọn họ mở cửa. Lưu Thích cho phép. Sau đó Thạch Hiển cố ý về trễ, tuyên bố hoàng đế có lệnh kêu mở cửa cung. Không lâu sau, quả nhiên có người dâng thư tố cáo Thạch Hiển giả truyền thánh chỉ, tự mở cửa cung. Lưu Thích đưa tấu chương cho Thạch Hiển xem, Thạch Hiển nhân cơ hội khóc lóc xin từ chức, nói rằng bởi vì bệ hạ quá cưng chiều, cho nên khiến người ta đố kỵ, không chỉ hãm hại một lần, muốn đẩy hắn vào chỗ chết, chỉ có chủ thượng thánh minh mới biết sự trung thành của hắn. Hắn còn xin Nguyên Đế cho phép nghỉ việc cơ mật trung tâm, chỉ phụ trách vẩy nước quét nhà làm sạch cung đình, có chết cũng không oán hận vân vân. Lưu Thích nghe vậy rất đồng tình, tìm cách an ủi, còn trọng thưởng cho hắn. Thành Đế đối xử với Vương Phụng cũng như vậy. Vương Phụng biết được Vương Chương tiến cử Lưu Hưng, Phùng Dã Vương, lập tức cáo bệnh, hồi hương từ giã, tìm những từ ngữ vô cùng bi thương, một mặt còn kêu xót với hoàng thái hậu Vương Chính Quân. Thái hậu vì em trai mình mà rơi lệ bỏ ăn, khiến Lưu Ngạo giữ lại Vương Phụng, tiếp tục đảm nhiệm chức vị quan trọng. Sau khi Vương Phụng phục chức, lập tức trả thù tàn bạo, không e ngại nữa. Lưu Ngạo không phải là ngu xuẩn vô tri, phẩm vị cũng không thấp kém, rất tán thưởng Thi Kinh, Thư Kinh, Hồng Phạm Ngũ Hành Truyền Luận, nhưng vẫn không đành lòng tước đoạt quyền hành gia tộc họ Vương của cậu mình. Cho nên, hoàng đế là cố ý lưu họa, làm việc thiên tư.
- Do đó.
Cự hiệp nói ra kết luận của mình:
- Ta ở lại bên cạnh thiên tử cũng vô dụng. Y sẽ không tin ta, cũng sẽ không nghe lời ta. Cho dù có nghe ta, tin ta cũng vô dụng, bởi vì những tập đoàn đã chiếm được lợi ích bên cạnh hoàng đế sẽ không khoan dung cho ta, bỏ qua cho ta.
- Nhưng cự hiệp ngài võ công cao như vậy.
Tâm hồn nhỏ bé của Hà Phạm vẫn không hiểu:
- Bọn họ nhất định không làm gì được ngài, ngài sợ cái gì?
- Sợ, sợ chứ.
Cự hiệp cười khổ nói:
- Phải sợ. Từ xưa đến nay, cho dù là đại anh hùng, đại hào kiệt, hai quyền cũng khó địch bốn tay, một mình khó cứu vãn thời thế. Không có người nào không nằm xuống trong tay kẻ xấu, cũng không có ai không sợ.
- Cho nên phương pháp mưu sát một đại hiệp, còn có rất nhiều loại.
Ôn Nhâm Bình cũng rất đồng tình với điểm này:
- Tâng bốc hắn, khen ngợi hắn, hùa theo hắn, ca tụng hắn, khiến hắn tự cho mình đúng, khiến hắn lâng lâng, khiến hắn trầm luân, khiến hắn sa đọa.
- Cũng có thể khiến hắn bận tiệc tùng, bận vui chơi, bận chìm đắm trong ca sắc.
Ôn Tử Bình tiếp lời:
- Khiến hắn bị hủy bởi rượu, bị hủy bởi an nhàn, bị hủy bởi chây lười. Khiến hắn cho rằng căn cơ vẫn vững chắc, vẫn rất được lòng người. Khiến người ở khắp nơi tìm hắn dự họp, ký tên, viết chữ, cắt băng, chủ lễ. Khiến hắn phân tâm chải chuốt bản thân, chuyên tâm lễ nghi bề ngoài, tổn sức vì du sơn ngoạn thủy, hao tâm vì lập phái thu đệ… còn phải hao tốn tâm tư để xây dựng quan hệ, khai thông đường lối. Một đại hiệp từ đó bị chôn vùi trong công việc thế tục, hư vinh danh hão.
- Chỉ có điều…
Tâm linh trẻ thơ của Hà Phạm vẫn ôm một tia hi vọng:
- Đó là những chuyện hủ bại của thời trước, quá khứ. Hiện nay Đại Tống thanh bình thái hòa, chẳng lẽ tình hình chính trị cũng đen tối hỗn loạn như vậy sao?
- Đều như nhau.
Ôn Tử Bình lạnh lùng nhìn về phía Chu Nguyệt Minh:
- Không tin ngươi cứ hỏi hắn.
- Ta à?
Chu Nguyệt Minh đột nhiên cười lên:
- Đại Tống anh minh, thánh thượng cơ trí, vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế, thiên thu vạn tải, đời đời bất diệt… Ta chỉ nói lời hay, xin lỗi mọi người. Hì hì!