Đã một tuần nay, thành phố bị giao thông hào và dây thép gai đánh đai lấy chung quanh chi chít như mạng nhện, thức cũng như ngủ đều sống dưới tiếng nổ rền của trọng pháo và tiếng giòn giã của những loạt súng trường. Chỉ đến đêm khuya lắm, tiếng súng mới im. Nhưng chốc chốc lại có vài loạt súng vì hoảng mà bắn xé phá tan yên tĩnh: đấy là các vị trí tiền tiêu bắn dò nhau. Tờ mờ sáng, người ta loay hoay bên những khẩu đại pháo bố trí ở nhà ga. Khẩu súng há cái mõm đen ra khạc đạn giận dữ và ghê sợ. Người ta lại hối hả tọng vào những cái mõm ấy những khẩu phần chì mới. Người lính pháo thủ giật dây; mặt đất rung chuyển. Cách xa thành phố ba dặm, mé trên một làng do Hồng quân chiếm lĩnh, đạn trái phá bay vèo rú lên trên không, làm át hết mọi thứ tiếng, rồi rơi xuống bắn tung những mảnh đất vụn lên trời.
Pháo binh đỏ đặt trong sân một tu viện Ba Lan lâu đời xây trên ngọn đồi cao ở giữa làng.
Đồng chí ủy viên quân sự của khẩu đội tên là Da- mô-chin đang ngủ gật, đầu dựa vào càng súng, thức choàng dậy, nịt lại dây da mang khẩu Mô-de cho thêm chặt, lắng nghe tiếng đạn bay, chờ tiếng nổ. Giọng đồng chí sang sảng vang cả sân:
- Các đồng chí ơi, dậy đi thôi! Mai ta sẽ ngủ nốt.
Các chiến sĩ ngủ bên những khẩu pháo cũng vùng dậy lẹ như người chỉ huy của mình. Chỉ có Xi-đô-súc là chậm, miễn cưỡng nhấc cái đầu còn ngái ngủ.
- Bọn chúng nó đểu thật. Chưa sáng đã sủa lên rồi. Quân súc sinh !
Da-mô-chin cả cười:
- Nói làm gì chúng nó, Xi-đô-súc. Quân chúng nó là những phần tử chưa giác ngộ. Chúng nó có nể gì giấc ngủ của cậu.
Xi đô-súc càu nhàu ngồi dậy.
Vài phút sau pháo ta đã giã khỏe nổ đùng đùng trên sân tu viện và bắn phá ầm ầm vào thành phố Sê-pê-tốp-ca.
Trên ngọn ống khói nhà máy đường, một tên sĩ quan Pết-lu-ra và tên lính điện thoại leo lên theo bậc thang sắt bắc bên trong ống khói nhà máy, ngồi trên sàn gỗ bằng mảnh ván xếp lại.
Ngồi trên sàn cao, chúng nhìn rõ chung quanh, cả thành phố như nằm trong lòng bàn tay chúng. Từ trên ngọn ống khói cao ấy, chúng chỉ huy cho pháo bắn. Chúng thấy rõ từng bước tiến lui của quân đỏ đang vây thành. Ngày hôm ấy, bên hàng quân đỏ hết sức rộn rịp. Trong ống nhòm nhãn hiệu "Dét-xơ" thấy rõ những đơn vị của họ hành binh. Trên đường sắt đến ga Pô-đôn, đoàn xe lửa bọc sắt từ từ tiến lên, vừa đi vừa nã pháo không ngớt. Sau đoàn tàu là những hàng bộ binh. Quân đỏ mở nhiều đợt xung phong. Song quân nguy bố trí bám chắc lấy ngoại vi thành phố. Các giao thông hào bốc cháy như hỏa ngục. Tiếng nổ điên cuồng vang âm không trung, nghe cứ to mãi, và những lúc tấn công thì hóa thành một chuỗi tiếng gầm rền rú lên liên tiếp. Và bên tuyến bôn-sê-vích bị đạn trút xuống như mưa lũ. Không thể trấn được sức phản công căng thẳng quá sức chịu đựng của con người ấy, bên ta phải rút lui để lại trên chiến trường những xác không động đậy.
Ngày hôm ấy, những đợt tấn công vào thành phố mỗi lúc một quyết liệt, một dày. Lúc nào không trung cũng inh lên những loạt súng đại bác, bần bật chuyển động. Đứng từ ngọn ống khói nhà máy có thể nhìn toàn thể các mặt trận, bọn quan trắc ngụy thấy rõ những mũi quân bôn-sê-vích có lúc lảo đảo, nép rạp xuống đất, vấp ngã, song lại vùng dậy tiến lên không gì cưỡng nổi. Bên đỏ gần chiếm được toàn bộ nhà ga. Ngụy quân tung ra trận tất cả sức dự trữ, nhưng không thể nào lấp được chỗ thủng ở mặt trận nhà ga. Những hàng quân đỏ lòng đầy quyết tâm mãnh liệt ào ào tiến vào các phố quanh nhà ga. Trung đoàn ngụy thứ ba có nhiệm vụ giữ nhà ga đã bị đột kích ác liệt bật ra khỏi những vị trí cuối cùng, bị dồn ra khỏi những vườn rau, khóm cây mà chúng bố trí, bị chia cắt tứ tung, vội rút chạy về phía trung tâm thành phố. Hồng quân không để cho quân địch kịp hoàn hồn, không để cho chúng có thời giờ nghỉ chân, cứ xông lên dùng lưỡi lê quét hết mọi sức kháng cự và tràn vào các phố như ngọn triều băng băng.
Không còn sức mạnh nào trên đời có thể giữ Xéc- gây ở lại dưới hầm nhà được nữa. Anh đang cùng cả nhà và hàng xóm ẩn dưới ấy, những chuyện xảy ra trên đường phố thúc giục anh chạy lên, ngồi yên không tài nào chịu được. Mặc mẹ quát theo, Xéc-gây đã nhảy ra khỏi cái hang mát lạnh ấy. Một chiếc xe bọc sắt Xa-gai-đa-sơ-ny ầm ầm chạy qua mặt nhà, nhả đạn ra tứ phía mở đường cho quân ngụy Pết-lu-ra đang hoảng vía bỏ chạy tán loạn. Một tên ngụy chạy trốn vào sân nhà Xéc-gây, vội vã cuống quýt trút hết bao đạn, mũ sắt và khẩu súng, rồi nhảy qua tường lẩn vào đám vườn rau. Xéc-gây đánh bạo nhìn ra đường. Quân Pết-lu-ra có chiếc xe bọc sắt yểm hộ chạy trốn theo con đường về phía ga Tây-nam. Đường vào phố vắng ngắt. Bỗng có một vệ quân đỏ nhảy ra đường cái nằm rạp xuống đất bắn. Theo sau anh là người thứ hai rồi người thứ ba... Xéc-gây nhìn thấy họ rõ lắm: họ khom mình vừa chạy vừa bắn. Một vệ quân đỏ, người Trung Quốc, nghe đại bác nổ vẫn cứ đuổi địch không thèm nằm xuống. Anh ta nước da xạm màu sương gió, hai mắt sáng rực, phong phanh manh áo cụt tay, thắt lưng đeo băng đạn súng máy, hai tay lăm lăm lựu đạn. Chạy như bay tiến trước tất cả mọi người là một đội viên trẻ măng vác súng liên thanh. Đấy là mũi thứ nhất của quân đỏ đột nhập vào thị xã. Lòng Xéc-gây rộn lên vui sướng. Anh nhảy bổ ra đường, lớn tiếng hô lên:
- Hoan hô các đồng chí!
Người vệ quân Trung Quốc bất ngờ đâm sầm phải cậu thiếu niên ấy, tí nữa xô ngã. Anh đã chực hăng máu giận xô lại nện cậu bé, song thấy vẻ mặt hớn hở của Xéc-gây thì lại thôi ngay; giọng thở hổn hển, anh quát hỏi:
- Pết-lu-ra? Nó chạy đâu?
Song Xéc-gây còn mải chạy đi chỗ khác, không nghe thấy anh hỏi. Xéc-gây nhảy vào sân nhà, vớ lấy khẩu súng và bao đạn mà tên nguy trút lại, khoác vào người, rồi hối hả chạy theo đoàn vệ quân đỏ. Mãi đến khi Hồng quân chiếm lĩnh xong nhà ga Tây-nam, người ta mới nhận ra Xéc-gây. Sau khi đã chiếm được mấy chuyến xe chở đạn dược và trang bị, đã đuổi địch chạy vào rừng, quân đỏ dừng lại để nghỉ ngơi và chỉnh đốn lại đội ngũ. Anh đội viên trẻ giữ súng máy lại gần Xéc-gây ngạc nhiên hỏi:
- Đồng chí ở đâu đấy?
- Em người địa phương, ở thành phố này. Em đợi các đồng chí mãi.
Anh em Hồng quân xúm quanh lấy Xéc-gây. Anh Trung Quốc mỉm cười hí hửng:
- Tồng chí này tôi biết. Tôi gặp tồng chí ấy hô: "Hoan hô các tồng chí". Tồng chí ấy là người anh em ta, một người bôn-sê-vích, tồng chí ấy thanh niên, tốt lắm.
Và anh ta vui sướng vỗ vào vai Xéc-gây. Lòng Xéc- gây rạo rực sung sướng. Hồng quân đã ngay từ đầu nhận Xéc-gây như nhận một người thân. Anh cùng với các anh Hồng quân giương lưỡi lê trần, xung phong chiếm lấy nhà ga.
( Trong cuộc nội chiến ở Nga có nhiều đồng chí quốc tế (trong đó có Trung Quốc) tham gia Hồng quân chiến đấu bên cạnh công nhân và nông dân Xô-viết).
Hàng phố rộn lên. Dân phố, ẩn lâu đã mệt, tức tốc ra khỏi các hầm nhà, xúm đến đầu đường xem Hồng quân đang tiến vào. Mẹ Xéc-gây và Va-li-a nhìn thấy Xéc-gây: đang đi trong hàng ngũ Hồng quân, đầu không mũ, vai vác súng, ngang lưng đeo bao đạn.
Bà mẹ tức giận giơ tay lên trời la lối.
Thằng Xéc-gây con bà mà dính vào chuyện đánh nhau! Không thể nào như thế được. Thử nghĩ xem: ban ngày ban mặt, trước mắt tất cả hàng phố mà vai nó vác súng đi theo người ta diễu binh. Rồi sau này sẽ ra sao, sau này xảy ra chuyện gì thì làm thế nào? Những ý nghĩ đó làm bà điên người, không nén được nữa, bà quát lên:
- Xéc-gây, có xéo ngay về nhà không! Về ngay lập tức! Mày đứng lại tao bảo, thằng khốn kiếp kia. Ti toe đi bộ đội! Về nhà rồi bà dạy cho mày đi đánh nhau!
Và bà chạy theo con định lôi lại.
Nhưng Xéc-gây, chính Xéc-gây mà bà thường củng đầu béo tai, Xéc-gây gườm gườm nhìn bà. Anh bị mắng thẹn đỏ mặt, nhục quá, ngắt lời mẹ:
- Mẹ la cũng chẳng được! Con không về đâu.
Và vẫn rảo bước đi lên.
Bà mẹ giận sôi người tru tréo:
- Quân này láo thật. Nó dám mở mồm nói với mẹ nó thế đấy. Được, đã thế mày đừng có bò về nhà bà nữa nhé!
Xéc-gây không ngoảnh mặt lại:
- Con chẳng về nữa đâu.
Bà đứng sững ở bên đường, ngơ ngác. Những chiến sĩ da rám nắng và người bám đầy bụi đường diễu qua trước mặt bà. Có tiếng ai chắc nịch nói đùa:
- Má đừng khóc, má ạ. Chúng con sẽ bầu cậu ấy làm chính ủy.
Cả trung đội ồ lên cười vui vẻ. Hàng trước của đại đội cất lên giọng đồng ca mạnh mẽ:
Các đồng chí ơi!Ta đi đều bước.Ra trận tiền, dũng cảm đi lên!Dấn thân mình mở đường tiên trước.Tới tự do đang chờ ta...
Những hàng khác hát theo rắn rỏi và giọng Xéc- gây lanh lảnh vang lên trong tiếng hát chung ấy. Xéc-gây đã tìm được một gia đình mới của mình. Đại đội có thêm một lưỡi lê, lưỡi lê của Xéc-gây.
Trên cổng biệt thự nhà Lê-sinh-ski treo một tấm bìa trắng, có đề chữ: "Ủy ban cách mạng". Bên cạnh là một bức tranh áp-phích đỏ rực: hình một chiến sĩ Hồng quân trỏ tay và nhìn thẳng vào người qua lại, dưới có hàng chữ: "Anh đã gia nhập Hồng quân chưa?".
Đêm qua các cán bộ ban chính trị của sư đoàn đã đem dán những bức áp-phích đó, những tuyên truyền viên không nói. Ngay cạnh là lời kêu gọi đầu tiên của ủy ban cách mạng gửi toàn thể nhân dân lao động thành Sê-pê-tốp-ca.
"Các đồng chí,
Bộ đội vô sản đã giải phóng thành phố. Chính quyền Xô-viết đã được lập lại Chúng tôi kêu gọi đồng bào trấn tĩnh.
Lũ khát máu bài Do-thái đã bị đánh đuổi. Song muốn cho chúng không bao giờ trở lại nữa, để tiêu diệt hoàn toàn bọn chúng, hãy tham gia đội ngũ Hồng quân. Hãy đem hết sức ủng hộ chính quyền của nhân dân lao động. Từ nay việc quân chính trong thành phố do Tư lệnh trưởng đơn vị bảo vệ thành phố chỉ huy. Việc dân chính do ủy ban cách mạng lãnh đạo.
Chủ tịch ủy ban cách mạng
ĐÔ-LIN-NHÍCH"
Trong biệt thự nhà Lê-sinh-ski xuất hiện những người mới đến. Tiếng "đồng chí" mới hôm qua ai nói đến là mất mạng, hôm nay đi chỗ nào cũng nghe thấy. Nghe tiếng "đồng chí" ấy, lòng mới rộn ràng xúc động làm sao.
Đô-lin-nhích thì không còn biết giấc ngủ, biết nghỉ ngơi là gì.
Người thợ mộc ấy đang tổ chức chính quyền cách mạng.
Trên cánh cửa một phòng nhỏ của tòa biệt thự, dán một mảnh giấy đề bằng bút chì: "Đảng ủy". Nơi đây, đồng chí I-gơ-na-chi-ê-va đang làm việc. I-gơ- na-chi-ê-va là một cán bộ phụ nữ bình tĩnh, vững vàng. Ban chính trị sư đoàn giao cho đồng chí và đồng chí Đô-lin-nhích nhiệm vụ tổ chức chính quyền Xô-viết
Mới qua một ngày đã có đủ những người giúp việc ngồi trong các phòng giấy; tiếng máy chữ lách cách; hội đồng cung cấp lương thực đã được thành lập. Phụ trách hội đồng này là Pư-gi-ki, tính nóng nảy sôi nổi. Anh đã làm thợ máy phụ ở xưởng đường. Với đức tính kiên quyết hiếm có, ngay từ những ngày đầu thiết lập chính quyền Xô-viết, anh công nhân người Ba Lan ấy đã đả ngay bọn công chức cao cấp xưởng đường, một lũ giấu mặt ngầm nuôi thù sâu đối với những người bôn-sê-vích.
Trong hội nghị xí nghiệp, anh đấm mạnh tay xuống bàn, nói với anh em thợ, những lời thô cộc bằng tiếng Ba Lan, rắn chắc và không khoan nhượng:
- Có điều chắc chắn là cuộc đời trước đây đã tiệt hẳn rồi. Cha chúng ta, cả chúng ta nữa, đã suốt đời hùng hục làm thuê cho thằng bá tước Pô-tô-ski. Thế là đủ lắm rồi. Chúng ta đã xây những tòa lâu đài cho nó, thế mà bá tước "chí tôn chí kính" chỉ cho chúng ta vừa vặn đủ để khỏi chết đói nhăn răng, đủ sống nai lưng mà đi làm khổ sai cho chúng nó.
Biết bao nhiêu năm trời rồi, tất cả lũ bá tước Pô- tô-ski và cả bọn hoàng thân Xan-gút-cô phè phỡn sống bám trên lưng chúng ta rồi? Ở đây, trong chúng ta không có khối những thợ Ba Lan bị thằng Pô-tô-ski bóc lột, róc xương, bòn tủy cũng như bao nhiêu anh em thợ Nga và U-cơ-ren khác đấy ư? Vậy mà có bọn tay sai của lũ quý tộc tung ra trong công nhân những tin đồn xảo quyệt. Chúng nó bảo chính quyền Xô- viết sẽ bóp chặt tất cả mọi người.
Đấy là luận điệu vu khống đểu cáng nhất, các đồng chí ạ. Chưa bao giờ anh em thợ thuộc mọi thành phần dân tộc được hưởng nhiều quyền tự do như ngày nay. Tất cả vô sản là anh em. Nhưng còn đối với bọn chủ, bọn quý tộc, đối với tụi chúng nó thì ta sẽ bóp chặt chúng lại, các đồng chí có thể tin nhất định là như thế.
Tay anh lại vung lên, rồi lại đập mạnh xuống cạnh bàn:
- Kẻ nào bắt chúng ta phải làm đổ máu những người anh em của chúng ta? Bọn vua quan, từ bao nhiêu thế kỷ nay, đem nông dân Ba Lan đánh dân Thổ Nhĩ Kỳ và bao giờ cũng đem một dân tộc này xông vào đánh giết cướp phá một dân tộc khác. Biết bao nhiêu mạng người bị tàn sát, biết bao tai họa trút xuống đầu nhân dân. Kẻ nào cần chuyện giết người như vậy? Có phải chúng ta không? Nhưng rồi chúng ta sẽ làm cho không còn những chuyện như thế nữa. Bọn hút máu loài người đã hết thời rồi. Người bôn-sê-vích đã tung ra khắp thế giới những câu nói làm bọn tư sản khiếp sợ: "Vô sản toàn thế giới, liên hiệp lại!" Có thế chúng ta mới cứu đời chúng ta được. Có thế ta mới hy vọng được có ngày mai sung sướng, khi tất cả thợ thuyền đã đoàn kết bốn bể một nhà. Các đồng chí, hãy gia nhập Đảng cộng sản!
Cũng sẽ có một nước Cộng hòa Ba Lan, nhưng là một nước Cộng hòa Xô-viết. Một nước Cộng hòa không có lũ Pô-tô-ski, lũ chúng nó thì chúng ta sẽ tiêu diệt đến tận gốc rễ. Trong nước Ba Lan Xô-viết đó, tự chúng ta sẽ làm chủ. Có ai là không biết bạn nghề của chúng ta là Bơ-rô-ních? Anh ấy giờ được chỉ định làm ủy viên nhân dân phụ trách xí nghiệp chúng ta. Bài hát chính thức của chúng ta nói sao? "Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa. Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình". Thật như thế đấy. Các đồng chí, đối với chúng ta sẽ là những ngày vui như hội. Nhưng, các đồng chí đừng có nghe lời của lũ rắn độc giấu đầu! Nếu lòng tin cậy của giai cấp công nhân ta có thể giúp chúng ta làm được thì chúng ta sẽ làm cho các dân tộc trên thế giới đoàn kết thân yêu lẫn nhau.
Những lời nói mới lạ đó, anh đã nói ra từ đáy lòng giản dị của người công nhân.
Khi anh nói xong, từ trên diễn đàn bước xuống, đám thanh niên hết sức cảm tình nhiệt liệt hoan hô anh, biểu đồng tình với anh.
Nhưng những người lớn tuổi chưa dám công khai tán thành. "Biết đâu đấy? Nhỡ mai bôn-sê-vích lại rút lui, thì rồi lại phải vạ miệng. Nếu không bị treo cổ thì chắc ít ra cũng bị đuổi khỏi nhà máy".
Ủy viên nhân dân phụ trách giáo dục là ông giáo Sê-nô-pư-ski, người gầy, mảnh khảnh, bé loắt choắt. Hiện nay trong số các giáo viên địa phương chỉ mới có Sê-nô-pư-ski là người hết lòng với bôn-sê-vích mà thôi.
Đại đội "công tác đặc biệt" đóng đối diện trụ sở ủy ban cách mạng, làm trách nhiệm bảo vệ ủy ban. Chiều đến, một khẩu súng máy Mắc-xim, với băng đạn lòng thòng như con rắn, đặt chồm chỗm ngay trước cửa, sẵn sàng đối phó với mọi chuyện bất trắc. Bên cạnh khẩu súng máy, hai chiến sĩ đứng gác cầm súng trường.
Nữ đồng chí I-gơ-na-chi-ê-va đến trụ sở ủy ban thì để ý ngay đến người vệ quân đỏ trẻ măng trong số hai người đó.
- Đồng chí bao nhiêu tuổi?
- Tôi mười sáu rồi.
- Đồng chí người địa phương?
Anh lính trẻ mỉm cười:
- Vâng, tôi vào bộ đội mới hôm kia, giữa lúc ta đang đánh vào thành phố.
I-gơ-na-chi-ê-va nhìn kỹ người chiến sĩ trẻ:
- Ông cụ đẻ ra đồng chí làm gì?
- Thợ máy phụ.
Giữa lúc ấy, Đô-lin-nhích cùng với một quân nhân nào nữa bước vào biệt thự. Nữ đồng chí I-gơ-na-chi- ê-va quay lại nói với Đô-lin-nhích:
- Anh này, tôi đã tìm được người cán bộ tổ chức cho khu đoàn thanh niên cộng sản rồi đó. Đồng chí này là người địa phương.
Đô-lin-nhích đưa mắt nhìn Xéc-gây:
- À, té ra con bác Bơ-ru-giắc! Còn đợi gì nữa, em đi tổ chức bọn trẻ lại.
Xéc-gây ngạc nhiên, nhìn các đồng chí lãnh đạo:
- Thế còn đại đội tôi?
Đô-lin-nhích đã chạy lên bậc thềm còn ngoái lại:
- Việc đó đã có bọn mình thu xếp.
Chiều hôm sau, Đoàn ủy địa phương của Đoàn thanh niên cộng sản U-cơ-ren được thành lập.
Cuộc đời mới ập đến bất ngờ. Xéc-gây bị cuốn vào cơn gió lốc của phong trào, say sưa hiến tất cả cho phong trào. Anh chẳng nghĩ gì đến gia đình, tuy nhà ở ngay gần đây thôi.
Xéc gây đã thành một người bôn-sê-vích. Có đến mười lần anh rút trong túi ra xem mảng bìa trắng có ghi dòng chữ Đảng cộng sản bôn-sê-vích U-cơ-ren chứng nhận anh là đoàn viên thanh niên cộng sản và bí thư cấp ủy. Ai mà có ý không tin điều đó thì cứ nhìn thắt lưng Xéc-gây khắc biết, thắt lưng đeo bao súng may tạm bằng vải bạt trong có khẩu súng ngắn Man-li-khe rất oai, món quà của Pa-ven thân thiết gửi lại. Đó là một thứ giấy chứng minh không gì giàu sức thuyết phục hơn. Chà, cậu Pa-ven lại không có ở đây mới tiếc làm sao!
Suốt cả ngày, Xéc-gây chạy công tác của ủy ban cách mạng giao cho. Giờ thì nữ đồng chí I-gơ-na-chi- ê-va đang đợi anh. Hai người sẽ đi lên ga, vào ban chính trị sư đoàn, lấy tài liệu tuyên truyền và sách báo cho ủy ban cách mạng. Xéc-gây chạy bổ ra đường. Đồng chí cán bộ ban chính trị ngồi xe hơi đợi hai người ngay ngoài cửa ủy ban.
Đường lên ga khá xa. Ban tham mưu và ban chính trị của sư đoàn U-cơ-ren Xô-viết thứ nhất đóng ngay trên các toa xe lửa nhà ga. Tranh thủ lúc đi đường, I-gơ-na-chi-ê-va hỏi Xéc-gây:
- Hôm nay về ngành của chú, chú đã làm được gì rồi. Đã gây được cơ sở chưa? Chú phải tuyên truyền vào các bạn bè của chú, những con em công nhân ấy. Không chậm trễ được, phải tổ chức ngay nhóm thanh niên cộng sản. Ngay ngày mai chúng ta sẽ thảo và cho in lời kêu gọi của Đoàn thanh niên cộng sản. Sau đó tập hợp thanh niên mít-tinh ở rạp hát. Lát nữa đến ban chính trị, chị sẽ giới thiều với chú cô Ri-ta Uất-chi-nô-vích. Nếu chị không lầm thì cô ta phụ trách công tác thanh niên thì phải.
Ri-ta là một thiếu nữ mười tám tuổi, tóc nâu cắt ngắn, mặc chiếc áo va-rơ ka-ki mới, ngang lưng có thắt dây da nhỏ bản. Gặp Xéc-gây, Ri-ta đã nói cho anh nghe rất nhiều điều mới và hứa giúp Xéc-gây trong công tác. Khi Xéc-gây ra về, Ri-ta đã đưa cho anh một bó tài liệu dày, và đặc biệt là có giao tận tay anh một cuốn sách nhỏ: cương lĩnh và điều lệ của Đoàn thanh niên cộng sản.
Mãi tới khuya, nữ đồng chí I-gơ-na-chi-ê-va và Xéc- gây mới về đến ủy ban cách mạng. Về đến nơi thì Va-li-a đang đứng đợi ở vườn, trông thấy anh là gay gắt trách ngay:
- Gớm, anh không biết xấu. Thế nào, anh định từ bỏ hẳn nhà hay sao? Tại anh cho nên mẹ khóc mấy ngày, thầy giận lắm. Nếu cứ để thế mãi thì không tốt đâu.
- Không hề gì đâu, Va-li-a ạ. Anh thật tình hết sức bận, không có thời giờ về nhà, anh nói thật đấy. Hôm nay nữa anh cũng không về nhà đâu. Nhưng Va-li-a ơi, anh cần nhờ em việc này. Em đi vào đây. Anh phải nói với em mới được.
Va-li-a khó mà nhận ra đấy là anh mình nữa. Xéc gây thay đổi hẳn, hình như có ai bắt điện vào người anh.
Xéc gây kéo em ngồi xuống ghế đâu đấy, rồi đi thẳng ngay vào câu chuyện.
- Chuyện thế này đây. Em phải vào Đoàn. Em không hiểu à? Vào Liên đoàn thanh niên cộng sản. Đoàn do anh làm chủ tịch. Em không tin à? Đây đọc đi!
Va-li-a đọc chứng minh thư và sửng sốt nhìn anh:
- Em vào Đoàn thì làm gì được?
Xéc-gây dang rộng cánh tay:
- Làm gì à? Em tưởng không có việc cho em làm à? Đây này, bà cụ non ạ, mấy đêm nay là anh không ngủ. Phải ra sức tuyên truyền. Nữ đồng chí I-gơ-na- chi-ê-va bảo là sẽ tập hợp tất cả thanh niên ở nhà hát để giải thích cho họ biết về chính quyền Xô-viết. Đồng chí ấy lại bảo anh phải đọc diễn văn. Anh thì anh nghĩ rằng nữ đồng chí ấy đã lầm, vì anh chẳng biết đọc diễn văn ra sao, giao cho anh thì đến hỏng mất... Sao, em nghĩ về Đoàn thế nào?
- Em không biết thế nào. Nếu vào thì mẹ lại càng giận hơn nữa thôi.
- Va-li-a ạ, em đừng có nghe mẹ. Mẹ không hiểu tí gì đâu. Mẹ chỉ nghĩ có một điều: giữ rịt con cái ở bên mình. Kể thì không phải là mẹ không ưa chính quyền Xô-viết. Trái lại, mẹ còn cảm tình nữa là đằng khác. Song mẹ chỉ muốn cho con cái nhà khác đánh nhau ngoài mặt trận, chứ không phải là con mình. Như thế có đúng không? Em có nhớ anh Giu-khơ-rai nói gì với chúng ta không? Em thử xem Pa-ven, Pa- ven có nghe mẹ cậu ấy đâu. Bây giờ chúng ta có quyền sống cho ra sống. Va-li-a ạ, em không thể từ chối việc vào Đoàn được. Kể hai anh em mình mà cùng công tác thì tốt biết chừng nào. Em hoạt động trong đám con gái, còn anh công tác bọn con trai. Còn thằng quỷ Cơ-lim-ca tóc đỏ, anh sẽ kết nạp nó ngay hôm nay. Em quyết định đi nào. Sao... em vào hay không? Đây quyển sách này sẽ giải thích tất cả cho em mọi điều.
Xéc-gây móc túi lấy cuốn sách đưa cho em. Va-li- a nhìn anh không rời mắt, thấp giọng hỏi anh:
- Nhưng nhỡ bọn Pết-lu-ra nó trở lại thì sẽ ra sao hở anh?
Lần đầu tiên Xéc-gây nghĩ đến điều có thể xảy ra đó.
- Nó trở lại ấy à, anh thì thế nào cũng đi với anh em rồi. Nhưng còn em thì thế nào nhỉ? Mẹ chắc sẽ khổ lắm. - Nói đến đây Xéc-gây lặng người đi, im bặt.
- Anh cứ ghi tên em vào, anh Xéc-gây ạ, nhưng giữ kín đừng cho mẹ biết, cũng đừng cho ai biết cả. Chỉ riêng anh và em biết thôi. Em sẽ giúp anh mọi việc nhưng đừng cho ai biết cả thì lợi hơn.
- Em nói phải đấy, Va-li-a ạ.
Giữa lúc đó, I-gơ-na-chi-ê-va bước vào phòng.
- Đồng chí I-gơ-na-chi-ê-va, đây là Va-li-a, em gái tôi. Tôi đã nói chuyện với Va-li-a về lý tưởng của ta. Va-li-a hoàn toàn đủ tiêu chuẩn vào Đoàn, đồng chí ạ. Nhưng chỉ phải cái là mẹ chúng tôi khó tính. Đồng chí xem có thể kết nạp Va-li-a mà giữ kín không cho ai biết được không? Vì giá thử ta có phải rút lui, tôi thì dễ lắm, tôi thì thế nào cũng vác súng đi rồi, nhưng còn Va-li-a, nó thương mẹ không nỡ rời đi được.
Nữ đồng chí I-gơ-na-chi-ê-va ngồi ở cạnh bàn, lắng tai nghe Xéc-gây, rồi nói:
- Kết nạp như thế cũng được. Mà lại càng tốt nữa.
*
Rạp hát đầy chật đám thanh niên ồn ào. Họ thấy có áp-phích dán báo có mít tinh thì kéo nhau đến đây. Đội nhạc của công nhân máy đường đến giúp vui. Công chúng hôm nay gần như gồm rặt học trò ly-xê cả trai lẫn gái, và học sinh trường tiểu học.
Họ kéo nhau đến đây vì mít-tinh thì ít, mà vì nghe nói có biểu diễn văn nghệ thì nhiều.
Màn kéo lên. Đồng chí Ra-din bí thư quận đoàn, người nhỏ, gầy, mũi nhọn nhọn vừa mới ở quận về bước ra sân khấu. Đồng chí nói được thính giả chăm chú nghe, nói về cuộc đấu tranh đang tràn lan khắp nước và kêu gọi thanh niên đoàn kết chung quanh Đảng cộng sản. Đồng chí nói như một tay hùng biện thật, song bài nói lủng củng nhiều danh từ phức tạp như "mác-xít chính phái", "xã hội vị chủng" v.v..., những chữ ấy tất nhiên người nghe không hiểu nghĩa là gì cả.
Đồng chí nói xong được vỗ tay ran tán thưởng. Đồng chí nhường lời cho Xéc-gây, rồi đi về ngay.
Cái việc mà Xéc-gây rất ngại đã đến. Bài nói chưa chuẩn bị xong. "Nói gì? Nói về cái gì?". Xéc-gây cố nghĩ ra lời mà nói, song chẳng ra được câu gì hết, đầu óc đảo lộn rối bời.
Chị I-gơ-na-chi-ê-va ngồi ở bàn chủ tịch khẽ nhắc Xéc-gây: "Nói về tổ chức chi đoàn".
Xéc-gây liền nói ngay vào các vấn đề công tác thực tế.
- Tất cả các đồng chí đã nghe rõ rồi. Bây giờ chúng ta cần thành lập chi đoàn. Vậy ai tán thành đề nghị của tôi?
Cả phòng trở nên im lặng.
Ri-ta đỡ lời cho Xéc-gây, Ri-ta bắt đầu nói về tổ chức thanh niên ở Mát-xcơ-va. Còn Xéc-gây thì ngượng nghịu đứng tránh ra bên.
Thái độ của người nghe có vẻ thờ ơ đối với việc tổ chức chi đoàn làm cho Xéc-gây thêm bối rối. Anh hằn học nhìn cử tọa. Ri-ta nói, thính giả cũng không chú ý nghe. Thằng Da-li-va-nốp thì nhìn Ri-ta có vẻ khinh ra mặt, hắn ghé tai thì thầm cái gì với con bé Li-da. Bọn học trò con gái lớp trên ở ly-xê, mũi bé bằng tí đánh phấn, thì ngồi ở mấy hàng ghế đầu, liếc ngang, liếc dọc, những cái liếc giết người. Bọn nó nói chuyện thì thào với nhau không dứt. Ở một góc rạp, gần chân thang bước lên sân khấu là nhóm thanh niên Hồng quân nhà mình, và giữa đám anh em ấy, Xéc-gây nhận ra anh chàng đội viên súng máy quen biết. Anh ta ngồi gần mép sân khấu, đang bực dọc lắm, đầy căm tức nhìn con Li-da và con An-na diện ngất trời. Cả hai đứa đang ngang nhiên tán chuyện với kép chẳng biết ngượng là gì.
Cảm thấy mình nói không ai nghe, Ri-ta liền kết luận nhanh bài nói và nhường lời cho chị I-gơ-na- chi-ê-va. Tiếng nói ôn tồn của chị làm phòng họp yên lặng chăm chú.
Chị nói:
- Các đồng chí thanh niên, các đồng chí mỗi người hãy suy nghĩ kỹ những điều nghe được tối nay. Tôi tin chắc rằng trong số các đồng chí sẽ có những người đến với cách mạng để làm những chiến sĩ tích cực, chứ không phải là những khán giả xem chơi. Đoàn thanh niên sẵn sàng mở cửa đón các đồng chí, tùy các đồng chí quyết định lấy. Để các đồng chí tự mình phát biểu ý kiến của mình thì hơn. Xin mời những ai muốn phát biểu lên phát biểu ý kiến.
Phòng họp lại im lặng. Ở tít hàng ghế cuối phòng, có tiếng vang lên:
- Tôi xin nói!
Một thanh niên mắt hơi lác, trông như con gấu con, bước lên diễn đàn. Thanh niên ấy là Mi-sa Lép-súc.
- Đồng chí vừa rồi đã nói thế thì tôi xin có ý kiến. Nếu cần ủng hộ những người bôn-sê-vích thì tôi không bao giờ từ chối. Đồng chí Xéc-gây đã biết tôi đấy, tôi xin ghi tên vào Đoàn thanh niên cộng sản.
Xéc-gây mỉm cười, mặt mày tươi rạng.
Anh nhảy ra đứng giữa sân khấu:
- Tôi biết đồng chí này. Mi-sa là một thanh niên của ta. Cha anh là thợ bẻ ghi, bị xe lửa kẹp chết, vì thế cho nên anh không được đi học. Các đồng chí xem đấy anh hiểu ngay nhiệm vụ phải làm, tuy chẳng có học qua ly-xê nào cả.
Cử tọa la ó nhao nhao lên. Một cậu học trò tóc uốn quăn xin phát biểu: trò ấy tên là Ô-cu-sếp, con lão dược sĩ. Ô-cu-sếp xốc áo đứng dậy nói:
- Xin lỗi các đồng chí, chứ tôi không hiểu người ta muốn đòi chúng tôi làm gì. Muốn chúng tôi làm chính trị ư? Vậy thì bao giờ chúng tôi mới được học? Chúng tôi phải học cho xong ly-xê. Vâng, nếu các đồng chí mời chúng tôi vào hội thể thao hay cùng nữa vào câu lạc bộ để đọc sách báo thì chúng tôi không có chối từ. Song đi làm chính trị để rồi nhỡ ra thời thế thay đổi bị treo cổ ư? Xin lỗi các đồng chí thôi. Tôi dám chắc rằng chẳng có ai đồng ý đi làm chuyện đó cả đâu.
Tiếng cười rộ khắp gian phòng. Ô-cu-sếp bước xuống và ngồi lại chỗ. Anh bộ đội giữ súng máy hùng hổ kéo chụp mũ cát-két xuống trán, nhảy lên chỗ diễn đàn tức giận quắc mắt nhìn khắp lượt các dãy ghế, rồi thét lên:
- Chúng mày cười à, hở đồ khốn nạn?
Đôi mắt rừng rực cháy như hai cục than hồng, anh vừa nói vừa thở, giọng nói và toàn thân run lên tức giận:
- Tên tôi là Giác-ky I-văng. Tôi không biết cha mà cũng không biết mẹ tôi là ai. Tôi là một đứa trẻ mồ côi, sống cầu bơ cầu bất, ngày lang thang hè phố, đêm lăn ra ngủ ở bờ giậu bờ rào. Đói khát không có chỗ nương thân. Đời khổ sở như chó, chứ không như hạng chúng mày toàn là con cái những nhà giàu sụ. Ngày nay chính quyền Xô-viết đến rồi. Các anh Hồng quân thu nạp tôi vào một trung đội đã nuôi tôi, cho ăn, cho mặc, cho giày đi, dạy cho tôi học, và chủ yếu là đã làm cho tôi giác ngộ. Nhờ đó mà tôi thành một người bôn-sê-vích và tôi nguyện làm một người bôn- sê-vích cho đến chết. Tôi, tôi biết lắm, vì sao phải chiến đấu. Vì chúng tôi, vì những người cùng khổ, vì chính quyền công nhân. Chúng mày ngồi đấy mà nhạo báng, mà cười hí như một đàn ngựa, chúng mày không biết là ngay sát thành phố này, hai trăm đồng chí đã ngã, đã vĩnh viễn hy sinh... - Nói đến đây, giọng Giác-ky rung lên như một dây đàn kéo căng. - Những đồng chí đó đã không hề do dự, đã hiến cả đời mình cho hạnh phúc của chúng ta, cho sự nghiệp của chúng ta... Và trên khắp đất nước, biết bao nhiêu đồng chí nữa đã hy sinh trên các mặt trận. Thế mà giữa lúc đó, bọn chúng mày còn ngồi yên, đỏng đảnh, ngoảnh mặt đi...
Rồi Giác-ky, quay mặt về phía chủ tịch đoàn, giơ tay chỉ đám cử tọa:
- Các đồng chí lại đi kêu gọi những quân ấy ư? Đồ chúng nó mà lại hiểu được hay sao? Không! Một đứa thừa ăn với một người chết đói không đi đôi với nhau được. Mấy trăm mặt mà chỉ có một tiếng đáp lại chúng ta thôi. Bởi vì đấy chính là tiếng nói của một cậu bé mồ côi cùng khổ. - Anh quay lại phía cử tọa hét lên giận dữ. - Còn hạng chúng mày thì chúng tao không cần đến mặt chúng mày. Chúng tao không phải cầu xin chúng mày ủng hộ! Đồ chúng mày chỉ làm vướng cẳng chúng tao thôi.
Hơi thở hầm hập, Giác-ky kết luận:
- Những quân này, chỉ đem lia quách một băng đi cho rảnh !
Anh từ diễn đàn chạy xuống chẳng thèm nhìn ai, bước thẳng ra ngoài cửa.
Chủ tịch đoàn không một ai ở lại dự dạ hội. Trên đường về ủy ban cách mạng, Xéc-gây nói, giọng chán nản:
- Thật là nhỡ tàu. Giác-ky nó nói thế mà đúng. Chẳng được tích sự gì, cái đám học sinh ấy. Lũ chúng nó, thật ghét mặt.
I-gơ-na-chi-ê-va ngắt lời:
- Điều đó không lấy gì làm lạ: hầu hết không phải là thanh niên vô sản. Phần lớn hoặc là đám thanh niên tiểu tư sản hoặc là lớp trí thức thành thị, lũ thanh niên nhởn nhơ. Phải tiến hành công tác ở trong quần chúng thanh niên công nhân. Dựa vào đám thanh niên máy cưa và máy đường. Song, cuộc mít-tinh không vô ích đâu: trong anh chị em học sinh có những phần tử tốt đấy.
Ri-ta cũng đồng ý với I-gơ-na-chi-ê-va:
- Xéc-gây ạ, nhiệm vụ chúng ta là không ngừng tuyên truyền in sâu vào óc mỗi người những tư tưởng và những khẩu hiệu của chúng ta. Mỗi việc xảy ra, Đảng phải giải thích bình luận cho quần chúng cần lao hiểu. Chúng ta sẽ tổ chức một loạt những cuộc mít-tinh, những cuộc hội nghị, những cuộc đại hội. Ban chính trị đang mở hội nhà hát mùa hè ở trên ga. Ít lâu nữa sẽ có một chuyến tàu tuyên truyền đến. Lúc đó chúng ta có thể phát triển phong trào. Xéc-gây hãy nhớ lời Lê-nin. Lê-nin đã nói: chúng ta sẽ không bao giờ thắng được, nếu ta không lôi cuốn vào cuộc đấu tranh những khối đông đảo quần chúng cần lao.
Xéc-gây đưa Ri-ta về nhà ga thì đã khuya. Lúc bắt tay từ giã nhau, anh nắm lấy bàn tay Ri-ta, siết rất chặt và giữ trong tay mình một giây. Ri-ta thoang thoáng mỉm cười.
Trước khi về trụ sở, Xéc-gây còn tạt thăm nhà.
Mẹ anh la lối om sòm, anh vẫn im không nói. Nhưng đến khi cha cũng nói chen vào thì anh không giữ được nữa, quay ra nói lại, khiến cha không còn biết nói thế nào.
- Thầy để cho con nói. Con hỏi thầy cái ngày quân Đức ở đây thầy bỏ việc, bãi công, lại thịt cả thằng lính gác trên xe lửa nữa thì thầy có nghĩ đến nhà không? Thầy có nghĩ chứ, song thầy vẫn làm bởi vì ý thức của người thợ bắt thầy phải làm như thế. Thì ngày nay, con cũng nghĩ như thầy, con cũng nghĩ đến nhà. Con biết, nếu quân ta phải bỏ đất này mà đi thì nhà vì con cũng có thể bị chúng làm rầy đấy. Song, nếu chúng con đánh thắng, Hồng quân đánh thắng thì thắng lợi là thắng lợi chung của giai cấp công nhân ta. Con không thể cứ khoanh tay ngồi ở nhà được, thầy ạ. Thầy chắc hiểu cho con. Thế mà nhà còn cứ mè nheo con làm gì? Thầy biết con đi vào con đường phải, thầy phải nâng đỡ con, giúp con mới phải chứ. Đằng này, thầy lại cũng nhiếc móc con. Con xin thầy nghĩ lại, thầy đừng nói con nữa, thầy không nói con thì con tin là mẹ con cũng thôi không kêu nữa.
Đôi mắt xanh và trong của Xéc-gây nhìn thẳng vào cha, dịu dàng mỉm cười, tin chắc là mình có lý.
Bác Bơ-ru-giắc ngồi trên ghế dài, bối rối, nhếch đôi ria mép rậm và chòm râu đâm tua tủa cười xòa, lộ ra hai hàm răng vàng khè.
- Thằng quái, mày lại định dạy khôn tao đấy hả? Mày tưởng mày giờ có súng thì tao sợ không dám đánh đòn mày đấy chắc?
Trong giọng nói của bác không có gì là đe dọa cả. Lúng ta lúng túng, bác chìa bàn tay nổi chai ra bắt chặt tay con:
- Thôi, con đi. Con đang đi lên chả nhẽ thầy lại hãm con lại. Chỉ cốt một điều là đừng có quên chúng tao, thỉnh thoảng con xin phép anh em về nhà chơi, Xéc-gây nhé!
Bấy giờ là đêm. Cánh cửa mở hé hắt ra một vệt ánh sáng chiếu lên những bậc thềm. Trong gian phòng lớn kê ghế đi-văng đệm mềm lót da thú non, năm người ngồi quanh chiếc bàn giấy rộng nhà lão luật sư Lê-sinh-ski. ủy ban cách mạng đang họp ở đấy. Đô-lin-nhích, I-gơ-na-chi-ê-va, chủ tịch ủy ban đặc biệt là Chi-mô-sen-cô đội mũ lông, trông giống như người dân Kiếc-ghi, và hai ủy viên ủy ban cách mạng là Su-đích, công nhân đường sắt, người cao lêu nghêu như cây sào, và anh công nhân sở đầu máy xe lửa mũi tẹt tên là Ô-sta-súc.
Đô-lin-nhích, ngả người xuống bàn, nhìn chằm chằm thẳng vào mặt nữ đồng chí I-gơ-na-chi-ê-va, giọng khàn khàn, dằn từng tiếng:
- Phải bảo đảm cung cấp cho mặt trận. Công nhân cũng cần ăn. Thế mà từ khi ta vào đây, bọn nhà buôn, bọn đầu cơ tăng vọt giá cả. Chúng không chịu bán hàng lấy tiền Xô-viết, mà chỉ nhận lấy giấy bạc "Ni- cô-lai" hoặc giấy bạc "Kê-răng-ski" thôi. Ngay hôm nay đây, ta phải định giá các mặt hàng. Chúng ta cũng hiểu chán là bọn đầu cơ không chịu bán theo giá ta hóa giá đâu. Thế nào chúng cũng găm lại. Lúc đó ta sẽ khám xét và trưng thu hết hàng của bọn bóc lột ấy. Không thể cứ nhẹ tay mãi được. Ta không thể để yên mãi cho anh chị em công nhân chết đói được. Đồng chí I-gơ-na-chi-ê-va khuyên chúng ta thận trọng, chớ có làm mạnh quá. Tôi thì tôi gọi ngay cái lối dè dặt ấy là tính chất nhu nhược của trí thức đấy. l-gơ-na-chi-ê-va đừng giận. Tơi thấy thế nào thì nói như thế. Vả chăng, ta có làm gì các nhà buôn nhỏ và bà con buôn thúng bán mẹt đâu. Người ta báo cho tôi biết trong nhà của lão chủ quán Dô-na có một cái hầm bí mật. Trước khi quân Pết-lu-ra tới, bọn buôn sụ đã giấu ở đấy nhiều hàng tích trữ lắm.
(Giấy bạc "Ni-cô-lai : giấy bạc của Nga hoàng. Giấy bạc "Kê-răng-ski: tiền của chính phủ lâm thời- chính phủ tư sản phản động)
Đô-lin-nhích đưa mắt nhìn Chi-mô-sen-cô có vẻ châm biếm, Chi-mô-sen-cô hỏi lại một cách ỉu xìu:
- Sao cậu biết được?
Thấy Đô-lin-nhích biết mọi chuyện trước cả mình, Chi-mô-sen-cô đâm ra bực bội vì đáng lẽ ra anh là người phải biết những chuyện đó trước tiên. Đô-lin- nhích cười:
- Hê hê. Tớ biết tất, ông anh ạ, - ngừng một lát, anh tiếp: Tớ không những biết cái hầm mà lại còn biết cả chuyện hôm qua cậu và đồng chí lái xe của sư đoàn trưởng đã tu cạn với nhau một nửa lít rượu nữa kia.
Chi-mô-sen-cô ngồi không yên trên ghế. Nước da mặt vàng vàng bỗng đỏ ửng lên. "Chà! Thánh thật!" Chi-mô-sen-cô kêu lên giọng đầy khâm phục, nhưng nhìn thấy I-gơ-na-chi-ê-va cau mày, thì lại im ngay. Rồi nhìn Đô-lin-nhích nghĩ thầm: "Gớm, thằng cha thợ mộc này quỷ quái thật. Chắc lại có tình báo riêng gì đây".
Tiếng Đô-lin-nhích nói tiếp:
- Chính chú bé Xéc-gây đã cho tôi biết đấy. Xéc- gây có người bạn làm ở hàng cơm nhà ga. Những người nấu bếp kể cho bạn Xéc-gây biết là trước kia lão chủ Dô-na giao hàng cho họ, cần bao nhiêu cũng có. Hôm qua thì Xéc-gây đã có tin chắc chắn: hầm thì có hẳn đi rồi, nhưng phải biết hầm đó ở đâu mà tìm. Đấy, Chi-mô-sen-cô hãy chọn một số anh em đi sục ngay đi bảo cả Xéc-gây đi theo nữa. Phải làm thế nào để trong hôm nay truy cho ra cái kho. Truy ra thì có cái để cung cấp cho anh chị em thợ và bộ đội của sư đoàn.
Nửa giờ sau, tám người có súng ập vào nhà lão chủ quán Dô-na. Hai người đứng gác ngoài cửa.
Lão chủ béo quay, bụng phệ, tròn trùng trục như cái thùng rượu, tóc hung lởm chởm dựng ngược; chiếc chân giả bằng gỗ đi lộp cộp trên sàn, hắn chạy ra khúm núm trước những người mới đến, giọng mũi khàn khàn, thì thào khẽ thưa:
- Dạ, các đống chí đến có việc gì đấy ạ? Sao lại đến khuya thế này ạ?
Mấy đứa con gái lão chủ, đứng sau lưng lão ta, chúng vừa thức dậy, hãy còn khoác áo choàng ngoài, ánh đèn pin của Chi-mô-sen-cô làm chúng nheo mắt lại. Buồng bên cạnh, mụ vợ phốp pháp của lão vừa mặc lại quần áo vừa kêu rên.
Không nói quanh co, Chi-mô-sen-cô trả lời:
- Chúng tôi đến khám nhà ông.
Họ dõi từng viên gạch nền nhà. Rồi cái nhà dưới chất đầy củi, ngoài kho, trong bếp, cái hầm xếp rượu rộng thênh thang chỗ nào cũng lục soát thật kỹ, nhưng không thấy tăm hơi cái hầm bí mật giấu hàng đâu cả.
Trong chiếc buồng nhỏ cạnh bếp, người ở gái nhà chủ quán đã ngủ say lắm chẳng còn biết có người nào vào nhà nữa. Xéc-gây khẽ lay cô ta dậy hỏi: "Cô làm cho nhà này phải không?".
Cô ta còn ngái ngủ, thấy hỏi lạ quá, rụt vai vào chăn, lấy tay che mắt bị chói ánh đèn, rồi không hiểu đầu đuôi ra sao, hỏi lại: "Phải, em là con ở. Thế còn các anh, các anh là ai?".
Xéc-gây nói cho cô ta rõ và đi ra để cô ta mặc quần áo đứng dậy.
Chi-mô-sen-cô hỏi lão chủ quán ở trong phòng ăn rộng lớn. Lão này thở phì phì, nổi cáu, kêu la:
- Các đồng chí bắt chúng tôi thế nào nữa? Nhà tôi không có cái hầm nào khác cả. Các đồng chí thấy đấy các đồng chí xét lắm, tôi cam đoan là chỉ mất thời giờ thôi. Trước, tôi có cửa hàng rượu này. Giờ thì hết rồi. Nghèo xơ nghèo xác. Bọn Pết-lu-ra cướp hết nhẵn, suýt nữa chúng giết cả tôi. Chính phủ Xô- viết ta về, tôi mừng lắm. Nhưng còn của cải của tôi có bao nhiêu thì các đồng chí thấy cả đấy. - Và hắn xòe những ngón tay chuối mắn ra. Đôi mắt gian đầy tia máu đỏ của hắn hết nhìn Chi-mô-sen-cô đến nhìn Xéc-gây, hết nhìn Xéc-gây lại nhìn vào góc nhà, rồi nhìn lên trần.
Chi-mô-sen-cô cắn môi bực tức:
- Nghĩa là ông vẫn cứ giấu? Một lần cuối cùng, tôi bảo ông phải chỉ cho chúng tôi hầm giấu hàng đâu.
Mụ vợ nói chen vào:
- Đồng chí bộ đội dạy thế nào ạ? Chúng cháu đói khát, khổ sở, đang chết dở. Họ lấy hết sạch sành sanh của nhà cháu.
Mụ định khóc, nhưng khốn nỗi chẳng rặn được ra hột nước mắt nào cả.
- Nhà mụ chết dở vậy mà vẫn nuôi được con ở. - Xéc-gây đưa ra nhận xét ấy.
- Con ở gì nó hở trời! Nó là con bé không cửa không nhà, khổ sở, không có chỗ nương thân, chúng cháu thương hại đem về nuôi. Đấy cứ để cho con Khơ-ri- chi-na nó nói cho các ông nghe xem có thật không.
Chi-mô-sen-cô sốt ruột quát lên:
- Thôi được, ta cứ tiếp tục khám đi!
Sáng rõ rồi, mà trong nhà lão chủ quán anh em vẫn tiếp tục khám xét ráo riết. Chi-mô-sen-cô bực mình vì đã mất mười ba tiếng liền tìm tòi không có kết quả. Anh đã định thôi không khám nữa. Xéc-gây đã định bỏ đi, bỗng nhiên nghe thấy trong buồng xép người ở gái có tiếng thì thào khe khẽ của Khơ-ri-chi-na.
- Cái hầm đâu ở trong bếp, dưới cái lò bánh ấy.
Trong mười phút, cái lò to tướng đã bị dỡ đi, để lộ nắp hầm bằng sắt. Một giờ sau, chiếc xe cam nhông chở đầy thùng và bao nặng từ nhà tên chủ quán rời đi, giữa một đám đông tò mò xúm lại xem.
*
Một ngày nóng bức, bà mẹ Pa-ven cắp gói con quần áo trở về nhà. Nghe A-rơ-chom kể chuyện lại về Pa- ven, bà khóc thương, lòng đau xót. Từ đấy, bà cụ sống những ngày đau buồn. Không còn gì ăn nữa, phải nhận quần áo anh em bộ đội về giặt. Anh em trả công, cấp cho bà phiếu một khẩu phần lương thực của bộ đội.
Vào một buổi chiều, A-rơ-chom đi làm về, bà cụ trông qua cửa sổ, thấy anh đi rảo bước khác mọi ngày. Vừa đặt chân tới cửa, anh tay đẩy cửa, miệng bô bô nói ngay: "Thư của em Pa-ven !"
Thư Pa-ven viết:
Anh A-rơ-chom thân mến,
Em báo tin anh biết, em vẫn còn sống, song không được khỏe lắm. Em bị đạn vào đùi, nhưng nay đã khá rồi. Bác sĩ bảo đạn chưa vào xương. Anh đừng lo chẳng việc gì đâu, sẽ khỏi anh ạ. Ở quân y ra, nếu được phép, em sẽ về thăm anh. Lần trước, em chưa đi đến chỗ mẹ ở được đâu. Dọc đường, em nhập đoàn kỵ binh đỏ, nay em là đội viên của lữ đoàn kỵ binh mang tên đồng chí Cô-lốp-ski, một anh hùng nổi tiếng mà chắc anh cũng biết tên. Em chưa từng gặp người nào anh dũng như đồng chí lữ đoàn trưởng, em rất khâm phục đồng chí ấy. Mẹ đã về chưa anh? Nếu mẹ về rồi, anh thưa với mẹ: em, đứa con út của mẹ, xin tha thiết chào mẹ và mong mẹ tha lỗi cho em vì đã làm mẹ lo nghĩ nhiều.
Em bé của anh
T.B. - Anh tạt lại nhà ông chánh kiểm lâm và cho bên ấy xem thư này với.
Bà cụ khóc nhiều. Và đứa con bé dại của bà quên cả ghi địa chỉ nơi đang nằm điều trị. Làm sao mà tìm được nó?
Xéc-gây năng ghé vào một toa xe lửa sơn xanh, ngoài có biển để chữ: "Tổ tuyên huấn ban chính trị sư đoàn". I-gơ-na-chi-ê-va và Ri-ta làm việc ở đây, trong một ngăn toa nhỏ. I-gơ-na-chi-ê-va mồm ngậm mãi một điếu thuốc không bao giờ hút, nhếch mép mỉm cười dí dỏm.
Xéc-gây là bí thư khu đoàn thanh niên, thường đến đây lấy tài liệu, báo chí. Anh dần dần thân với Ri-ta lúc nào không biết và cứ mỗi lần ở toa tàu ra về ngoài tài liệu sách báo, anh lại mang theo cả niềm vui xôn xao của những buổi gặp gỡ ngắn ngủi ấy.
Nhà hát ngoài trời do Ban chính trị sư đoàn tổ chức hôm nào cũng chật ních công nhân và bộ đội. Đoàn xe lửa tuyên truyền của quân đoàn thứ 12 chung quanh dán đầy những áp-phích và biểu ngữ màu tươi, đậu trên đường sắt. Hoạt động sôi nổi ngày và đêm. Bộ phận in đầy ắp công việc. Anh em in xuất bản báo, truyền đơn, hiệu triệu. Ở đây sát bên tiền tuyến. Một buổi tối, Xéc-gây tình cờ vào nhà hát. Anh trông thấy Ri-ta ngồi giữa đám chiến sĩ Hồng quân. Khuya về, tiễn chân Ri-ta lên ga tới chỗ ở của các cán bộ Ban chính trị, Xéc-gây đột nhiên hỏi:
- Đồng chí Ri-ta này, không hiểu sao tôi lúc nào cũng mong gặp Ri-ta ghê lắm? - Và Xéc-gây nói thêm: Có Ri-ta ở bên cạnh tôi thấy trong người thoải mái vô cùng. Mỗi lần gặp Ri-ta về, tôi cảm thấy hăng hái thêm và muốn làm việc mãi không nghỉ.
Ri-ta ngắt lời:
- Đồng chí Xéc-gây, chúng ta cần hiểu nhau mới được. Từ nay về sau, đồng chí không nên đi vào cái lối tình cảm lãng mạn ấy nữa. Tôi không thích thế đâu.
Xéc-gây thẹn đỏ mặt như anh học trò bị thầy quở. Anh đáp lại:
- Tôi nói với Ri-ta như một người bạn thân mà Ri- ta thì lại... Tôi hỏi Ri-ta: tôi có nói gì phản cách mạng không: Đã thế nhất định từ nay trở đi, tôi chẳng nói gì nữa!
Và Xéc-gây vội chìa tay bắt tay chào biệt Ri-ta, anh quay trở lại xuống phố, đi nhanh như chạy.
Đến mấy hôm liền, Xéc-gây không ra ga nữa. Cho đến hôm chị I-gơ-na-chi-ê-va cho gọi Xéc-gây đến, anh cũng tìm cớ thoái thác là bận công tác. Mà thật tình, anh cũng bận, vùi đầu vào công việc.
*
Một đêm, Su-đích đi về nhà anh, qua phố có nhiều công chức cao cấp của nhà máy đường người Ba Lan ở, thì bị bắn trộm. Ta liền khám xét các nhà thì bắt được súng và nhiều tài liệu tổ chức bí mật là "Người bắn cung" của bọn đồng đảng với tên phát-xít Ba Lan Pin-xút-ki.
Ri-ta đến dự phiên họp ủy ban cách mạng bàn về vụ này. Gặp Xéc-gây, Ri-ta kéo ra chỗ khuất, hỏi bằng giọng ôn tồn:
- Xéc-gây bây giờ lại nổi tự ái tiểu tư sản đấy à? Vì chuyện cá nhân để ảnh hưởng đến công tác hay sao? Thế chẳng lợi gì đâu, đồng chí ạ!
Và từ đấy Xéc-gây lại năng đến chiếc toa xanh như trước.
Anh đi dự hội nghị toàn khu. Hai ngày Xéc-gây tham gia thảo luận sôi nổi. Đến ngày thứ ba thì cùng với cả hội nghị cầm vũ khí suốt một ngày trời đuổi bọn thổ phỉ Da-rút-ni là một tên sĩ quan của Pết-lu- ra chạy trốn vào khu rừng ven sông. Xong cuộc truy thổ phỉ đó, Xéc-gây về chỗ chị I-gơ-na-chi-ê-va thì gặp Ri-ta. Lại đưa Ri-ta về trụ sở ngoài ga. Sắp sửa chia tay, anh nắm thật mạnh bàn tay của Ri-ta.
Ri-ta giật tay lại có vẻ giận. Và từ đấy, Xéc-gây rất lâu không hề bén mảng đến chiếc toa xanh nữa. Anh cố ý tránh mặt Ri-ta ngay cả những lúc có công việc cần gặp. Ri-ta đón gặp, chất vấn lại, thì Xéc-gây nói buột ra:
- Nói gì với Ri-ta nữa? Nói rồi để Ri-ta lại ghép cho tính chất tiểu tư sản, hay lại buộc cho tội phản bội giai cấp công nhân ấy à?
*
Một hôm các chuyến xe của sư đoàn Cô-ca-dơ mang tên Cờ đỏ đến nhà ga: Ba đồng chí chỉ huy da xám nắng đi đến ủy ban cách mạng. Đồng chí ấy người gầy dong dỏng cao, lưng thắt chiếc dây da nạm bạc, vớ được Đô-lin-nhích thì quay ngay:
- Thôi, đồng chí không phải trình bày gì nữa . Chúng tôi cần một trăm xe cỏ cho ngựa ăn. Ngựa đang đói nhăn răng ra.
Xéc-gây và hai đồng chí Hồng quân nữa được phái đi lấy cỏ. Đến một làng thì rơi ngay vào một bọn phỉ cu-lắc bị bọn này tước hết vũ khí và đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Chúng cho là Xéc-gây còn trẻ nên đánh ít hơn hai đồng chí kia. May có các.đồng chí trong ủy ban dân cày nghèo biết tin đến cứu được và cho xe đưa về tỉnh.
Một phân đội Hồng quân được phái đến dẹp bọn cu-lắc và hôm sau thì lấy được cỏ về.
Xéc-gây nằm điều trị ở nhà chị I-gơ-na-chi-ê-va, không về gia đình, tránh cho nhà biết để nhà khỏi lo. Ri-ta đến thăm. Tối hôm ấy, lần đầu tiên, chính Ri-ta lại bắt tay anh trìu mến và siết chặt.
Rồi đến một trưa hè nóng như thiêu, Xéc-gây đến toa xe Ri-ta, đọc cho bạn nghe bức thư mới nhận được của Pa-ven và nói chuyện với Ri-ta rất lâu về người bạn thân của mình. Lúc đi, anh nói với Ri-ta:
- Xéc-gây vào rừng đây, đến hồ tắm một cái.
Ri-ta ngừng làm việc, gọi với Xéc-gây:
- Đợi một tí, hai chúng mình cùng đi.
Đến bên hồ, mặt nước phẳng lặng như một tấm gương, hai người dừng lại. Nước trong mát trông đến muốn tắm.
Ri-ta bảo Xéc-gây:
- Xéc-gây ra đường cái đứng chờ một lát nhé. Ri-ta tắm đây!
Xéc-gây ra ngồi trên một tảng đá gần cầu, mặt ngửa ra nắng.
Đằng sau lưng, tiếng nước vỗ bì bõm.
Thấp thoáng qua rặng cây ngoài đường, Xéc-gây nhìn thấy Tô-nhi-a và ủy viên quân sự của chuyến xe tuyên truyền là Tru-gia-nin. Tru-gia-nin đẹp trai lắm, diện bộ cánh rất bảnh, mình thắt nịt da có buộc nhiều dây tua làm điệu, đôi ủng mới toanh. Chàng ta khoác tay Tô-nhi-a và đang kể một chuyện gì cho cô ấy nghe.
Xéc-gây nhận ra người con gái. Chính là người mang thư của Pa-ven lại cho mình hôm Pa-ven mới trốn khỏi nhà tù. Tô-nhi-a vẫn nhìn Xéc-gây chòng chọc. Chắc cô ta cũng nhận ra. Khi hai người vừa bước tới ngang mặt Xéc-gây, thì Xéc-gây rút bức thư trong túi ra gọi Tô-nhi-a:
- Đồng chí, dừng lại cho tôi hỏi một chút. Tôi có một cái thư trong đó có liên quan tới đồng chí một phần.
Xéc gây chìa mảnh giấy chữ viết kín đặc. Tô-nhi- a buông tay Tru-gia-nin, cầm thư đọc. Lá thư rung rung trong bàn tay. Khi trao lại lá thư ấy, Tô-nhi- a hỏi Xéc-gây:
- Anh không biết gì hơn nữa về anh Pa-ven, hở anh?
- Không.
Từ phía sau, tiếng chân Ri-ta giẫm lên hòn sỏi kêu ken két. Thấy Ri-ta, Tru-gia-nin vội nói nhỏ với Tô- nhi-a: "Ta đi thôi". Nhưng giọng chế giễu, khinh bỉ của Ri-ta đã gọi giật lại:
- Đồng chí Tru-gia-nin, ở cơ quan suốt ngày đang tìm đồng chí.
Tru-gia-nin nguýt Ri-ta bằng cặp mắt hằn học:
- Tìm làm gì mới được chứ? Không có tôi, việc vẫn chạy.
Ri-ta nhìn theo Tô-nhi-a và Tru-gia-nin, rồi nói:
- Không biết bao giờ mới tẩy được hạng nhơ bẩn ấy ra khỏi hàng ngũ!
Rừng cây rì rào những ngọn sến to khỏe lắc lư. Nước hồ trong mát làm cho Xéc-gây thèm tắm.
Tắm xong, anh trở lại thấy Ri-ta đang ngồi ở thân một cây sến đổ.
Hai người vừa trò chuyện vừa đi sâu vào rừng. Đôi bạn bảo nhau dừng lại nghỉ chơi ở một khoảng rừng thưa đầy cỏ tươi. Rừng sâu tịch mịch, chỉ có tiếng sến reo như thì thầm cùng nhau. Ri-ta nằm lên cỏ mượt, lấy tay gối đầu. Cặp chân thon, đôi bàn chân xỏ đôi giày đã cũ, luồn vào lớp cỏ cao phủ kín. Xéc- gây bỗng đưa mắt thoáng nhìn. Đôi giày Ri-ta đã cũ mà vá mới khéo làm sao! Anh nhìn lại đôi giày ống của mình há mõm, ngón chân lòi ra. Bất giác anh phì cười.
- Xéc-gây cười gì thế ?
Xéc-gây chỉ chiếc giày:
- Ri-ta trông. Giày thế này thì chúng mình đi trận đánh nhau làm sao được?
Ri-ta không nói sao. Miệng ngậm một ngọn cỏ, chị còn mải nghĩ đến một chuyện khác.
Cuối cùng, chị nói:
- Tru-gia-nin là một đảng viên rất kém. Các cán bộ chính trị của ta đều mặc quần áo rách mướp. Còn tay ấy thì chỉ nghĩ đến diện vào thân cho đẹp. Thật là một phần tử lạc loài vào Đảng...Còn như ở ngoài mặt trận thì tình hình nghiêm trọng thật đấy. Đất nước chúng ta còn phải trải qua nhiều chiến đấu khốc liệt - Và ngừng một lát, Ri-ta nói thêm: - Chúng ta phải đánh giặc bằng cả lời nói lẫn bằng súng, Xéc- gây ạ Xéc-gây đã biết nghị quyết của Trung ương Đảng động viên một phần tư đoàn viên thanh niên cộng sản ra mặt trận chưa? Ri-ta cho rằng chúng mình chẳng nhóm lửa ở Sê-pê-tốp-ca được lâu đâu.
Xéc-gây lắng nghe, hơi sửng sốt và bất chợt trong giọng nói của Ri-ta có cái gì khang khác. Đôi mắt đen, ướt và sáng của Ri-ta nhìn chăm chăm vào anh.
Anh chực thốt lên, nói với Ri-ta rằng đôi mắt Ri- ta như mặt gương long lanh, cái gì cũng có thể soi vào đấy được. Song anh kịp thời giữ miệng không nói.
Ri-ta nhổm dậy, chống khuỷu tay xuống đất.
- Súng Xéc-gây đâu?
Xéc-gây buồn thiu sờ tay lên thắt lưng:
- Hôm về nông thôn lấy cỏ, xảy ra xô xát, bọn cu- lắc đã tước mất rồi.
Ri-ta thò tay vào túi áo va-rơ móc ra khẩu Bơ-rao- ninh sáng loáng:
- Xéc-gây trông cây sến kia nhớ ! - Ri-ta trỏ một thân cây xù xì cách chỗ nằm 25 bước. Ri-ta giơ súng ngang tầm mắt, gần như không ngắm, bắn ngay. Vỏ cây rạn nứt vì viên đạn.
- Thấy Ri-ta bắn chưa? - Ri-ta nói có vẻ thích thú, rồi lại bắn lần nữa. Vỏ cây lại vỡ tung lên, rơi rào rào xuống cỏ.
Ri-ta đưa súng cho Xéc-gây, giọng chế nhạo:
- Giờ đến lượt Xéc-gây thử bắn xem có phải là tay súng tốt không nào.
Ba phát chỉ sai có một. Ri-ta mỉm cười:
- Tưởng không bắn được như thế đâu kia đấy.
Ri-ta đặt súng xuống, và ngả mình trên cỏ. Dưới lượt vải áo chẽn nhú lên cặp vú nở.
- Xéc-gây ơi, lại đây! - Tiếng Ri-ta gọi khẽ.
Xéc-gây lại gần.
- Xéc gây ơi, nhìn trời mà xem. Trời xanh quá nhỉ. Ờ, mà mắt Xéc-gây giống màu da trời quá. Thế không tốt. Mắt Xéc-gây phải xám như màu nước thép ấy mới được. Màu xanh có cái gì mềm yếu quá.
Rồi đột nhiên, Ri-ta ôm chầm lấy mái đầu tóc vàng và áp môi hôn Xéc-gây, cái hôn không gì cưỡng nổi.
*
Hai tháng trôi qua. Rồi mùa thu tới.
Đêm tối ập xuống lúc nào không biết; bóng đêm trùm một màn đen lên cây cỏ. Người điện báo viên của ban tham mưu sư đoàn đang mải cúi đầu trên chiếc máy đánh "moóc", băng chữ như con rắn dài trườn qua những ngón tay. Từ những dấu chấm và dấu gạch tạch tè, anh ta dịch ra bức điện, rất nhanh:
"Gửi tham mưu trưởng sư đoàn thứ nhất, đồng sao gửi chủ tịch ủy ban cách mạng thành phố Sê- pê-tốp ca. Tôi ra lệnh tản cư hết tất cả các cơ quan của thành phố trong vòng mười tiếng đồng hồ sau khi nhận được điện này. Trong thành để lại một tiểu đoàn, tiểu đoàn này sẽ thuộc quyền chỉ huy của trung đoàn trưởng trung đoàn X. . ., chỉ huy trưởng phân bộ mặt trận. Ban tham mưu sư đoàn, ban chính trị và tất cả các ban quân sự phải chuyển lùi về ga Ba-ran- sếp. Thi hành xong lệnh, báo cáo lên tư lệnh sư đoàn.
Chữ ký...
Mười phút sau, chiếc mô-tô giương mắt đèn pha sáng thắp bằng đất, chạy vùn vụt qua các phố khuya lặng ngắt như tờ, rồi dừng lại trước trụ sở cách mạng, máy rung lên sùng sục. Liên lạc viên cưỡi mô-tô đến đưa bức điện hỏa tốc cho chủ tịch ủy ban cách mạng Đô-lin-nhích. Điện vừa tới xong, mỗi người một việc chạy tíu tít. Đại đội công tác đặc biệt được tập hợp lại Chỉ một giờ sau, bánh xe lăn vang trên đường phố. Xe nào xe ấy chở đầy ắp tài liệu và đồ dùng của ủy ban đưa đến ga Pô-đôn-ski xếp lên các toa tàu.
Xéc-gây, nghe đọc xong bức thư điện, chạy theo bám lấy đồng chí đi mô-tô.
- Đồng chí ơi, có thể cho tôi đi nhờ lên ga được không?
- Ngồi đằng sau, nhưng phải bám cho chắc nhớ.
Toa xanh đã mắc vào đoàn tàu. Đứng cách toa mươi bước, Xéc-gây ôm chặt lấy vai Ri-ta, lòng cảm thấy đang mất đi một cái gì hết sức thân thiết và quý vô giá miệng thủ thỉ :
- Chào Ri-ta nhớ, chào đồng chí thân mến của Xéc- gây. Chúng ta sẽ còn có ngày gặp nhau, nhưng cốt nhất Ri-ta đừng quên Xéc-gây nhớ.
Xéc-gây kinh sợ thấy rằng mình sắp òa lên khóc mất. Đã phải xa nhau rồi. Không còn đủ sức để nói gì thêm nữa, anh chỉ nắm lấy tay Ri-ta, bóp chặt trong tay mình.
Vừa sáng thì thành phố Sê-pê-tốp-ca và nhà ga đã bỏ không vắng ngắt, cô quạnh. Đầu máy chuyến xe lửa cuối cùng rúc còi ầm ĩ như một lời chào từ biệt, và phía sau ga, tiểu đoàn chiến đấu còn bố trí trong thành để yểm hộ cho cuộc rút lui đóng rải hai bên đường sắt.
Lá vàng rơi, bỏ thân cây trơ trụi. Gió cuốn lá bay lả tả trên mặt đường phố.
Xéc-gây, mặc áo khoác Hồng quân, mình đeo chi chít băng đạn, cùng hơn chục đồng chí giữ ngã tư sau nhà máy đường. Quân ta đợi quân Ba Lan đến.
Lão Áp-tô-nôm Pê-tơ-rô-vích chạy sang gõ cửa nhà láng giềng Ghê-ra-xim Lê-ông-chi-ê-vích : Lão Ghê- ra-xim ngủ dậy chưa kịp thay quần áo, thò đầu bù ra ngoài cửa mở hé :
- Chuyện gì thế bác?
Lão Áp-tô-nôm chỉ bộ đội đỏ đang diễu qua, súng chĩa đàng trước, nháy mắt bảo ông bạn hàng xóm :
- Họ rút.
Lão Ghê-ra-xim nhìn ông bạn, vẻ lo ngại.
- Bác có biết huy hiệu của quân Ba Lan thế nào không?
- Nghe đâu là huy hiệu diều hâu một đầu thì phải.
- Tảo đâu được một cái bây giờ nhỉ?
Lão Áp-tô-nôm đưa tay lên gãi gáy có vẻ giận dữ, suy nghĩ, một lát lão tuôn ra :
- Họ thì cần cóc gì. Họ đứng dậy, giũ áo là kéo nhau đi. Còn cánh mình thì ở lại, mặc cánh mình xoay xở nát óc mà nghĩ cách ăn ở cho hợp với chính quyền mới đến.
Tiếng súng máy nổ, phá tan cái yên tĩnh của buổi sớm. Bỗng ngoài ga, một chiếc đầu tàu kéo còi, thét lên; ở phía ấy có tiếng đại bác nổ vang. Một quả trái phá hạng nặng rít lên, xoáy vụt lên trời, rồi rơi xuống phố sau nhà máy, tỏa khói xanh bao phủ những bụi rậm bên đường. Bộ đội đỏ từng hàng lặng lẽ tiến qua phố, chốc chốc lại ngoái cổ lại nhìn.
Giọt nước mắt lành lạnh rơi trên gò má Xéc-gây. Anh vội vàng lấy tay quệt nước mắt, liếc xem bạn đồng đội có nhìn thấy mình khóc hay không. Không, không ai nhìn thấy cả.
Cạnh anh là bác thợ máy cưa An-tích vừa gầy, vừa cao lêu nghêu. Ngón tay An-tích miết vào cò súng, nét mặt buồn bã, đăm chiêu. Mắt bác gặp đôi mắt Xéc-gây đang nhìn mình. Bác liền ngỏ với người đồng chí trẻ những ý nghĩ thầm kín trong lòng...
- Chúng nó rồi sẽ khủng bố họ hàng bà con thân thích chúng mình, nhất là nhà tôi thế nào cũng bị. Tôi là người Ba Lan. Chúng nó sẽ bảo: "Thằng này người Ba Lan mà dám đánh quân đội Ba Lan". ông cụ tôi thế nào cũng bị đuổi khỏi nhà máy cưa và chắc rồi sẽ bị chúng đánh đập mất. Tôi đã bảo ông cụ đi theo chúng mình. Song ông ấy bảo không nỡ lòng nào bỏ mặc gia đình. Chà, lũ giặc dã man! Chỉ mong được choảng ngay với chúng nó cho đỡ ức ! - Bác lấy tay hất mạnh lên chiếc mũ Hồng quân hơi rộng vừa chụp xuống mắt.
...Thôi, tạm biệt quê hương yêu dấu, tạm biệt thành phố bé xíu, bẩn thỉu, nhà cửa tồi tàn, đường đi khúc khuỷu này! Tạm biệt những người thân, tạm biệt Va- li-a, tạm biệt các đồng chí từ đây phải rút vào bí mật. Bọn giặc trắng Ba Lan, bọn lê dương ngoại chủng, hung ác, tàn nhẫn, đang tiến về đây rồi.
Công nhân sở đầu máy xe lửa, áo nhớp dầu mỡ, đi tiễn bộ đội đỏ. Mặt họ buồn rầu nhìn theo bóng đoàn quân đi.
Xéc-gây đứt từng khúc ruột, nói to lên với anh em thợ:
- Chúng tôi nhất định sẽ có ngày trở lại đây, các đồng chí ạ.