Thép đã tôi thế đấy

Chương IX

Trong cơn mê man, Pa-ven thấy một con bạch tuộc. Mắt nó lồi lên, to bằng đầu con mèo, đỏ ngầu, giữa thì xanh, sáng óng ánh một thứ ánh sáng chói lọi. Con bạch tuộc ngọ nguậy hàng chục những tua càng xoắn lại như rắn rết, lớp vẩy trên da cọ sột soạt. Con bạch tuộc nhúc nhích bò lên. Pa-ven thấy nó ngay trước tầm mắt mình. Tua càng của nó bò trên mình anh tê lạnh mà làm người anh ngứa ran nóng bỏng như bị lá han. Nó chìa vòi ra sắc như gươm rúc vào đầu anh như giống đỉa, co mình lại giãy lên đành đạch, rồi thì hút máu của anh. Pa-ven cảm thấy dường như máu mình thấm hết vào cái xác căng trương của con vật. Vòi nó hút máu hút lấy hút để. Nó chui đến đâu thì anh lại thấy đầu anh đau nhói không tài nào chịu được.

Có tiếng người nói văng vẳng ở đâu xa lắm.

- Mạch cậu ấy bây giờ bao nhiêu?

Rồi có tiếng người phụ nữ đáp lại, giọng nói càng khẽ hơn:

- Mạch 138. Nhiệt độ 39,5. Không lúc nào ngớt mê sảng.

Con bạch tuộc đã biến rồi, nhưng đầu anh vẫn còn đau. Pa-ven cảm thấy có ngón tay ai chạm vào cổ tay mình. Anh cố mở mắt ra, nhưng hai hàng mi nặng trĩu không sao hé ra được. Mà sao lại nóng thế nhỉ. Chắc là mẹ đốt lò nướng bánh rồi. Vẫn còn giữa cơn nửa tỉnh nửa mê ấy thì anh lại nghe có tiếng người nói đâu đây:

- Mạch bây giờ 122.

Anh lại cố mở mắt ra. Trong người nóng như lửa đốt. Ngột ngạt quá.

Khát quá đi mất! Anh định ngồi dậy uống nước cho thỏa cơn khát. Nhưng sao không dậy được? Muốn cựa mình một cái, mà sao cái xác cứ ỳ ra, không nhích được, chẳng phải là thân thể mình nữa rồi. Anh vẫn còn mê man nghĩ đến mẹ sắp đem nước tới, anh sẽ nói với mẹ: "Con muốn uống nước". Có cái gì cựa quậy bên anh. Hay lại con bạch tuộc rồi. Đấy mắt nó đỏ ngầu kia kìa...

Từ xa có tiếng nói nhỏ vọng lại:

- Phơ-rô-xi-a, mang nước lại !

"Phơ-rô-xi-a? Tên ai đấy nhỉ?" Pa-ven cố nhớ lại xem là tên ai, nhưng sự cố gắng đó lại nhấn chìm anh vào bóng tối. Anh cố ngoi lên và một lần nữa lại nhớ ra: "Mình khát lắm".

Có tiếng nói:

- Tôi thấy cậu ta tỉnh lại rồi đấy.

Và ngay đó có tiếng dịu dàng, lần này nói nghe rõ hơn, gần hơn, hỏi Pa-ven:

- Đồng chí bệnh binh muốn uống nước phải không?

"Té ra mình là bệnh nhân hay sao? Hay là không phải người ta nói với mình đâu? Ừ, ta bị bệnh chấy rận thật rồi mà". Và lần thứ ba, Pa-ven định mở mắt ra. Lần này thì mở được. Qua khe nhỏ của bên mắt mở, cảm giác đầu tiên mà anh cảm thấy là một quả cầu đỏ lơ lửng trên đầu anh, nhưng rồi một vật gì tối om đã che mất; bóng tối om ấy cứ cúi xuống gần anh và làn môi anh nhận ra cái thành cứng cửa chiếc cốc rồi là nước, một thứ nước mát rượi uống tỉnh người. Lửa nóng trong người nguội đi.

Anh khoan khoái thì thầm:

- Bây giờ dễ chịu rồi.

- Đồng chí bệnh binh! Đồng chí có nhìn thấy tôi không?

Người hỏi đó chính là cái bóng tối om đang ngả xuống người anh. Pa-ven thiu thiu ngủ, miệng vẫn còn kịp đáp lại:

- Không thấy, nhưng nghe thấy.

- Ai có thể nói là cậu ấy qua khỏi được. Thế mà, cậu ấy hồi lại rồi đấy. Thật là một cơ thể rắn khỏe lạ thường. Chị Nhi-na ạ, chị có thể tự hào là đã cải tử hoàn sinh cho cậu ta.

Và giọng người phụ nữ, xúc động, trả lời:

- Cậu ta khỏi được, tôi mừng lắm.

Sau mười ba ngày mê thiếp đi, Pa-ven đã hồi tỉnh lại.

Tấm thân trẻ của anh không muốn chết sớm, dần dần lại sức. Thật như sống lại; mọi vật, mọi thứ đối với anh đều mới lạ khác thường. Chỉ có cái đầu nặng trình trịch nằm cứng trong hộp bó thạch cao không nhúc nhích. Nhưng cảm giác toàn thân đã trở lại và những ngón tay anh đã có thể nắm vào duỗi ra rồi.

Nhi-na, y sĩ của một quân y viện, ngồi bên chiếc bàn nhỏ trong gian phòng vuông đang lật từng tờ quyển vở dày bìa trắng bạch. Mỗi trang ghi những dòng nhật ký ngắn, nét chữ thanh, viết nghiêng:

26 tháng Tám 1920.

Chuyến xe lửa quân y hôm nay đưa về một lô chiến sĩ bị thương nặng. Trên giường ở góc toa, gần cửa sổ, có một chiến sĩ Hồng quân mới mười bảy tuổi bị thương ở sọ. Tên cậu ta là Ca-rơ-sa-ghin Pa-ven An-đơ-rê- vích. Người ta trao cho tôi những giấy má tìm thấy trong túi chiến sĩ, bỏ trong một chiếc phong bì, cùng với y bạ của thầy thuốc. Trong phong bì có một tấm thẻ đã nhàu nát của Đoàn thanh niên cộng sản U- cơ ren số 967, một cuốn sổ quân bạ đã rách, trong đó có ghi Pa-ven được tuyên dương vì đã hoàn thành tốt một nhiệm vụ quân báo, và một mẩu giấy có lẽ chính tay Pa-ven viết:

"Nếu tôi chết, xin các đồng chí báo cho thân nhân tôi: thành Sê-pê-tốp-ca, sở đầu máy xe lửa, ông thợ nguội A-rơ-chom Ca-rơ-sa-ghin".

Người thương binh ấy đã bất tỉnh từ lúc bị một mảnh trái phá bắn bị thương, từ ngày 19 tháng Tám. Ngày mai, bác sĩ A-na-tôn Stê-pan-nô-vích sẽ khám bệnh cho cậu ta.

27 tháng tám.

Hôm nay đã xem vết thương của Pa-ven. Sâu lắm, nặng lắm. Hộp sọ bị thủng cho nên cả nửa đầu bên phải bị liệt hẳn. Mắt phải bị đứt mạch máu, sưng vù lên.

Bác sĩ giải phẫu A-na-tôn muốn lấy cả mắt đi cho khỏi sưng. Tôi can mãi vì còn có thể hy vọng chỗ sưng sẽ bớt tấy lên. Bác sĩ đồng ý.

Tôi đề nghị thế chỉ vì nghĩ đến vẻ đẹp của con người: nếu cậu ta sống được, thiếu một mắt là xấu đi bao nhiêu, mà lấy mắt ấy đi có lợi gì đâu.

Người thương binh trẻ tuổi ấy vật vã, mê hoảng liên miên. Phải cho người gác luôn ở bên. Tôi để phần lớn thời giờ trông nom cậu ta. Thấy cậu ta trẻ măng mà thương quá. ước gì cứu được cậu ta khỏi chết!

Hôm qua sau khi hết phiên, tôi đã ở lại rất lâu trong phòng cậu ta, vì cậu ta là người bị nặng nhất. Tôi nghe hết những lời nói mê của cậu ta. Đôi khi nói mê như kể chuyện ấy. Vì cậu ta mê hoảng mà tôi được biết thêm về đời cậu ta. Nhưng đôi lúc cậu ta hét chửi ghê quá. Nghe những câu hét chửi như thế ở miệng cậu ta ra, sao tôi thật đau lòng. Bác sĩ A-na-tôn thì cho là không sao qua khỏi được. Ông già ấy cứ phàn nàn: "Tôi không hiểu cớ sao người ta lại nhận những thiếu niên bé tí tuổi đầu như thế vào bộ đội. Thật vô lý".

30 tháng Tám.

Pa-ven vẫn chưa tỉnh. Cậu ta nằm riêng ra một nơi ở buồng những người hấp hối. Chị hộ lý Phơ-rô- xi-a trông nom cậu ta, không rời cậu ta một bước. Đâu chị có quen biết cậu ta. Trước kia hai người cùng làm ở một khách sạn. Cô ta phục vụ người bệnh này hết sức ân cần, hết sức chu đáo. Bây giờ tôi cũng bắt đầu thấy rằng không có hy vọng gì cứu sống được cậu ta.

2 tháng Chín.

Mười một giờ đêm. Hôm nay ngày vô cùng tươi đẹp của tôi ! Người bệnh Pa-ven của tôi đã tỉnh, đã hồi sinh. Qua được độ bệnh trầm trọng nhất rồi. Hai ngày nay, tôi không về nhà.

Thật tôi không thể nói hết nỗi vui mừng của mình: lại cứu sống thêm được một người bệnh nữa. Thôi thế là bớt được một người chết bệnh trong ban tôi. Trong công tác mệt nhọc của tôi, nguồn vui trong trẻo nhất là thấy những người bệnh qua khỏi đang hồi lại sức. Họ quấn quít lấy tôi như một đám trẻ nhỏ.

Tình thân của họ giản dị, thật thà, và đến khi cùng họ chia tay, nhiều lần tôi phải khóc. Buồn cười thật, song thật như thế đấy, không sao cầm lòng được.

10 tháng Chín.

Hôm nay, tôi viết hộ Pa-ven bức thư thứ nhất gửi cho người nhà cậu ta. Cậu ta bảo tôi viết là vết thương nhẹ thôi, sắp khỏi và sẽ về thăm nhà. Thật ra, cậu ta mất nhiều máu lắm, người xanh bệch, hãy còn yếu lắm.

14 tháng Chín.

Cái cười thứ nhất của Pa-ven. Cười ngoan lắm. Thường cậu ta có vẻ mặt khắc khổ ít thấy ở số người cùng lứa tuổi với cậu. Cậu đã bình phục lại nhanh chóng quá, thật không ngờ. Phơ-rô-xi-a và cậu ta là đôi bạn thân. Tôi luôn thấy Phơ-rô-xi-a ở bên giường cậu ta. Chắc là cô ấy có nói cho cậu ta biết, tôi đã chăm sóc thế nào, có lẽ còn nói quá lên nữa. Cậu ta thấy tôi đến thì hớn hở cười.

Hôm qua, cậu ta hỏi tôi: "Thưa bác sĩ tại sao cánh tay bác sĩ có nhiều vết tím bầm thế". Tôi không muốn nói cho cậu ta biết đấy là vết móng tay cậu ta: trong cơn mê hoảng, cậu ta ôm ghì lấy cánh tay tôi, cào cấu rất đau.

17 tháng Chín.

Vết thương Pa-ven đã khá. Tất cả các thầy thuốc đều ngạc nhiên trước tinh thần chịu đựng kiên nhẫn khác thường của cậu ta trong những buổi làm thuốc. Thường thường trong những ca như vậy, người bệnh rên la và khó tính lắm. Thế mà Pa-ven thì không hề rên la và cho đến khi bôi canh-ki-dết lên vết thương, thì người cậu ta co lại, căng thẳng như chiếc dây thừng. Thường khi cậu ta ngất đi.

Ở nhà thương, ai cũng hiểu: nếu Pa-ven rên la, ấy là cậu ta đã bất tỉnh rồi. Làm sao mà cậu ta gan thế nhỉ? Tôi cũng không biết nữa.

21 tháng Chín.

Lần đầu tiên, Pa-ven được ra ngoài hiên chơi. Người ta đặt cậu ta ngồi trên cái ghế bành có bánh xe đun. Cậu nhìn vườn hoa bằng con mắt háo hức vô chừng, hít lấy hít để không khí tươi mát ngoài trời. Mặt cậu ta quấn băng kín mít chỉ để hở con mắt trái. Con mắt đó sáng và nhanh ngắm nhìn sự vật y như người mới nhìn thấy lần đầu.

26 tháng Chín.

Hôm nay, người ta gọi tôi xuống phòng khách gặp hai cô thiếu nữ. Trong hai cô đó có một cô rất xinh. Cả hai đều đến xin gặp Pa-ven. Một cô tên là Tô-nhi- a, cô kia là Ta-chi-a-na. Tôi đã nghe đến tên Tô-nhi- a. Trong lúc mê, Pa-ven hay nhắc đến tên cô ta. Tôi cho phép vào thăm.

8 tháng Mười.

Lần đầu tiên Pa-ven đã đi bách bộ một mình ngoài vườn được rồi. Nhiều lần cậu ta hỏi tôi khi nào thì ra viện được. Tôi đáp: chóng thôi. Hai cô bé bạn cậu ta ngày nào cũng đến thăm.

Giờ tôi mới biết tại sao cậu ta không rên la. Tôi hỏi thì cậu ta trả lời:

- Bác sĩ đọc truyện Ruồi trâu tất hiểu.

14 tháng Mười.

Pa-ven ra viện. Chúng tôi chia tay nhau một cách rất trìu mến. Băng ở mắt Pa-ven đã bỏ ra, chỉ còn băng ở trán. Một mắt hỏng, song trông ngoài không ai biết được. Từ biệt người đồng chí tất ấy, tôi thấy hết sức buồn trong lòng.

Ở bệnh viện thường như vậy, các anh chị em thương binh chữa khỏi rồi ra đi, xa chúng tôi để có lẽ rồi không bao giờ gặp nữa. Lúc từ giã, Pa-ven có than thở:

- Giá hỏng mắt trái thì hơn, bác sĩ ạ! Hỏng mắt phải thế này làm sao còn ngắm bắn được nữa?

Chưa chi cậu ta đã nghĩ đến mặt trận rồi.

*

Ở nhà thương ra, thời gian đầu Pa-ven ở nhà Ta- chi-a-na là nhà bà con với Tô-nhi-a, Tô-nhi-a về ở đấy trong thời gian đến thăm anh.

Anh nghĩ ngay đến chuyện đưa dần người yêu vào công tác chung. Một hôm anh rủ Tô-nhi-a đến dự cuộc họp của Đoàn thanh niên thành phố. Tô-nhi-a nhận lời. Nhưng khi thấy Tô-nhi-a từ trong buồng riêng bước ra diện rất sang, cầu kỳ nữa, Pa-ven cắn môi. Anh cảm thấy rất ngượng ngùng khó chịu phải dẫn Tô-nhi-a như thế đến với các đồng chí của mình.

Thế là xảy ra sự va chạm đầu tiên giữa hai người. Khi Pa-ven hỏi Tô-nhi-a tại sao lại ăn mặc như thế, thì Tô-nhi-a không bằng lòng:

- Em không bao giờ hòa với cái điệu tầm thường của mọi người được. Nếu anh thấy cùng đi với em không tiện, thì em ở nhà để anh đi một mình.

Ở câu lạc bộ, giữa anh chị em thanh niên cộng sản mặc toàn quần áo bạc phếch, nhìn Tô-nhi-a mặc diêm dúa quá, Pa-ven cảm thấy khổ tâm. Các đồng chí coi Tô-nhi-a như một người xa lạ lạc điệu. Tô-nhi-a cũng cảm thấy thế. Cô nhìn mọi người bằng cặp mắt khinh bỉ có vẻ khiêu khích.

Anh công nhân khuân vác Pan-cơ-ra-tốp, vai rộng mặc áo vải bạt thô là bí thư chi đoàn, kéo Pa-ven ra một chỗ, quắc mắt nhìn anh, rồi nheo mắt về phía Tô-nhi-a:

- Có phải cậu dắt cái của ấy đến đây phải không?

Pa-ven đáp lại cộc lốc:

- Phải, mình đấy.

Pan-cơ-ra-tốp bĩu môi:

- Chà! Cái bộ ấy chẳng hợp với chúng mình đâu, sặc mùi tư sản. Sao lại để cho nó vào đây được cơ chứ?

Pa-ven cảm thấy hai thái dương nóng rực lên:

- Đấy là một đồng chí của tôi, và chính tôi đưa đến đây, cậu rõ chưa? Đối với chúng ta, cô ta không phải là thù địch. Còn về cách ăn mặc, cô ta thích thế, có thế thật. Song không thể cứ nhìn cách ăn mặc mà chụp mũ cho người ta được đâu. Mình cũng hiểu như cậu những ai có thể vào đây được. Cho nên chĩa mũi dùi vào nhau thì không có lợi đâu, đồng chí ạ.

Pa-ven suýt bốp chát thêm nữa. Song nén được vì hiểu rằng Pan-cơ-ra-tốp đã nói lên ý kiến chung của anh chị em. Anh quay ra bực với Tô-nhi-a.

"Đã bảo mà! Cứ thích lên khung lòe loẹt làm gì?"

Từ buổi tối hôm ấy, tình cảm giữa hai người bắt đầu rạn nứt. Pa-ven nhận ra ngay vết rạn ngày một to trong tình yêu mà anh tưởng bồi đắp đến thế là bền vững. Anh ngơ ngác và đau xót.

Qua mấy ngày, mỗi lần gặp gỡ, mỗi lần trò chuyện lại càng làm không hiểu nhau thêm, hai bên dần dần cảm thấy đối với nhau lạnh nhạt, có phần không ưa nhau nữa mà nói ra. Chủ nghĩa cá nhân rẻ tiền của Tô-nhi-a đối với Pa-ven đã trở nên không thể nào chịu được.

Mỗi bên đều thấy rõ đến nông nỗi này thì cần phải cắt đứt.

Ngày hôm ấy, hai người đưa nhau đến công viên thương mại, để nói với nhau những lời quyết định. Lá khô vàng úa phủ đầy dưới đất. Tựa vào hàng lan can nhô ra trên vực sâu, hai người cùng nhìn xuống con sông Đơ-nhi-ép lấp lánh màu nước xám. Một cái tàu kéo, từ một chiếc cầu lớn ló ra, chạy ngược dòng đang kéo hai chiếc sà-lan to phình, cánh guồng uể oải đập vào nước. Nắng xế chiều dát vàng lên hòn cù lao Tơ-ru-kha-nốp. Cửa kính những căn nhà nhỏ chói nắng ánh lên rực màu vàng tía.

Tô-nhi-a nhìn những tia nắng vàng, buồn rầu nói:

- Có thể nào tình bạn của chúng ta lại nguội đi như mặt trời sắp tắt kia được?

Pa-ven cau mày nhìn Tô-nhi-a không chớp, thấp giọng trả lời:

- Tô-nhi-a, chúng ta đã nói chuyện với nhau rồi đấy. Em đã biết anh yêu em đến thế nào và bây giờ tình yêu đó vẫn còn có thể trở lại nữa. Nhưng muốn thế, thì Tô-nhi-a phải đi với các anh. Anh bây giờ chẳng còn là cậu bé Pa-vơ-lu-sa như hồi trước kia nữa đâu. Và anh đối với Tô-nhi-a sẽ chỉ là một người chồng rất đáng khinh bỉ nếu Tô-nhi-a đòi rằng anh trước hết là của em rồi sau mới là người của Đảng. Không, anh trước hết phải là của Đảng, rồi mới đến là của em và của những người thân khác.

Tô-nhi-a buồn rầu nhìn dòng nước xanh biếc, trên khóe mắt nhòa ánh lệ.

Nhìn bóng dáng thân yêu quá ấy, với mái tóc dày màu hạt dẻ, lòng Pa-ven cảm thấy ái ngại vô hạn. Người con gái này trước đây đối với anh thân thiết và gần gũi biết nhường nào!

Tay anh đặt nhẹ lên vai Tô-nhi-a.

- Tô-nhi-a ơi, em hãy trút hết những cái gì còn ràng buộc em đi. Em hãy đi đến với các anh, cùng nhau hạ nốt bọn quyền quý. Trong hàng ngũ các anh có rất nhiều người con gái can đảm, cùng các anh gánh vác nhiệm vụ chiến đấu ác liệt, cùng chia gian khổ với các anh. Các chị ấy có thể không học thức bằng Tô-nhi-a. Vậy mà tại sao, tại làm sao Tô-nhi- a lại từ chối không muốn đi với các anh? Tô-nhi-a bảo tại Tru-gia-nin đã chực dùng vũ lực mà chiếm lấy thân thể Tô-nhi-a. Nhưng thằng Tru-gia-nin ấy là một con quái vật, chứ không phải là một chiến sĩ cách mạng. Tô-nhi-a bảo tại anh chị em trong Đoàn thanh niên khinh khỉnh với Tô-nhi-a, có phải không? Nhưng tại làm sao Tô-nhi-a đi họp lại tô son điểm phấn như đi dự hội khiêu vũ của bọn tư sản ấy thế? Chính là tính kiêu ngạo khiến Tô-nhi-a làm ra như vậy. Tô-nhi-a không muốn hòa mình vào những người mặc toàn quần áo nhem nhuốc. Tô-nhi-a đã từng có gan yêu một công nhân, nhưng Tô-nhi-a không có đủ can đảm để yêu một lý tưởng. Phải xa Tô-nhi-a, anh rất tiếc, và đối với Tô-nhi-a anh muốn còn giữ những kỷ niệm tốt đẹp.

Pa-ven im không nói nữa.

Ngày hôm sau, Pa-ven đọc thấy ngoài phố bản mệnh lệnh của ủy ban chống phản cách mạng tỉnh, ký tên Giu-khơ-rai là chủ tịch ủy ban này. Lòng Pa-ven bồi hồi. Anh vất vả lắm mới đến tìm gặp được Giu-khơ- rai vì người ta không cho vào. Pa-ven làm om lên khiến những đồng chí đứng gác đã chực bắt giữ lại. Cuối cùng vẫn vào được.

Cuộc gặp gỡ thật thắm thiết. Giu-khơ-rai bị một viên đạn đại bác cụt mất một tay. Hai anh em đồng ý với nhau ngay về công tác. Giu-khơ-rai nói:

- Chú cũng chưa được khỏe lắm để trở ra tiền tuyến. Vậy thì chú ở lại làm việc với anh ở đây vậy, hai anh em ta sẽ cùng nhau bóp chết hết bọn phản cách mạng ở đây đi. Mai chú đến đây ngay tìm anh nhé.

Chiến tranh với bọn Ba Lan trắng kết liễu. Những đạo Hồng quân đã tiến đến chân thành Vác-sa-va, tiêu hết sức người sức của. Xa hậu phương không tiếp viện kịp, họ không chiếm được chiến tuyến cuối cùng, nên đành rút lui. Cuộc rút lui của ta trước thành Vác-sa-va là "phép lạ trên sông Vi-stuyn" như bọn thù địch Ba Lan thường nói. Nước Ba Lan của bọn bạch vệ thế là sống sót. Trong lúc này, ta đành chưa thực hiện được ước mơ có một Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết Ba Lan.

Đất nước bị ngập trong máu lửa cần có một thời gian hòa hoãn.

Pa-ven không về thăm nhà được vì Sê-pê-tốp-ca lại bị quân Ba Lan trắng chiếm đóng lại và tạm thời lấy làm thành phố giới tuyến của hai bên. Ta và địch đang tiến hành đàm phán lập lại hòa bình. Ngày đêm, Pa-ven công tác trong Ban đặc biệt chống phản cách mạng, làm mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho. Anh ở cùng phòng với Giu-khơ-rai. Được tin quê hương nằm trong vùng chiếm đóng của Ba Lan, Pa-ven buồn rười rượi:

- Đồng chí Giu-khơ-rai ạ, nếu sau khi đình chiến vẫn giữ được nguyên tình trạng ấy thì mẹ em hóa ra thành sống ở nước ngoài mất ư?

Giu-khơ-rai giải thích cho Pa-ven yên tâm:

- Chắc giới tuyến sẽ chạy qua Gô-rin, dọc theo bờ sông. Như thế thì Sê-pê-tốp-ca vẫn là của ta. Chúng ta sẽ chóng được tin chắc chắn. Những sư đoàn Hồng quân rời mặt trận Ba Lan đổ về phía Nam. Lợi dụng thời cơ ngừng chiến, tên Vơ-ran-ghen đã bò ra khỏi Cơ-ri-mê. Và trong khi nước Cộng hòa tuôn hết sức ra mặt trận Ba Lan thì tên tướng Nga trắng ấy đã từ phương Nam lần lần tiến về phía Bắc, dọc sông Đơ-nhi-ép, tìm cách chiếm tỉnh Ê-ca-chê-rin.

Nhân lúc chiến tranh với quân Ba Lan chấm dứt, đất nước ta điều quân đến Cơ-ri-mê để tiêu diệt cái ổ cuối cùng này của bọn phản cách mạng.

Những chuyến tàu chất đầy người, đầy xe cộ, chở những bếp cấp dưỡng lưu động, những khẩu đại bác, chạy qua Ki-ép, đổ về phương Nam. Ủy ban đặc biệt địa phương của ngành vận tải làm việc sốt vó. Tất cả làn sóng những chuyến tàu như thác lũ đổ về đó bị ứ lại mắc nghẽn. Nhà ga chật ăm ắp, sự đi lại bị tắc vì đường nào cũng mắc cả. Máy điện đài nhả ra hàng loạt băng ghi những bức điện tối hậu thư, những bản mệnh lệnh khẩn cấp mở đường cho sư đoàn này, sư đoàn khác. Những băng điện vô tận ấy chi chít những chấm, gạch cứ bò ra dài dằng dặc và gần như điện nào cũng đọc thấy "tối khẩn. . . mệnh lệnh chiến đấu có đường ngay lập tức" và bức điện nào cũng nhắc ai không chấp hành mệnh lệnh sẽ phải đưa ra tòa án quân sự cách mạng.

Bao nhiêu chuyện mắc nghẽn, trách nhiệm đều đổ lên đầu ủy ban đặc biệt về giao thông vận tải cả thôi.

Luôn luôn có những cán bộ chỉ huy đơn vị xồng xộc ập tới ủy ban, khoa súng ngắn và đòi phải có đường ngay cho đơn vị mình đi, chiểu theo điện thượng khẩn số nọ số kia của tư lệnh trưởng tập đoàn quân.

Chẳng ai chịu hiểu cho rằng những việc yêu cầu của họ thật không thể nào làm nổi được. "Mặc kệ! Các đồng chí cứ giải quyết đường cho chúng tôi đi ngay thôi". Thôi thì tiếng la, tiếng chửi om sòm suốt ngày trong trụ sở. Gặp những trường hợp nan giải nhất, người ta phải cấp tốc mời Giu-khơ-rai đến. Có thế mới trấn tĩnh được đám người hùng hổ sắp sửa xông vào cấu xé lẫn nhau.

Nét mặt rắn rỏi như đúc bằng thép, bình tĩnh lạnh lùng, giọng nói cứng không thể cãi lại được của Giu- khơ-rai, buộc họ phải chịu ngoan ngoãn cho súng vào bao.

Ở phòng làm việc bước ra ke, Pa-ven thấy đầu đau nhoi nhói. Công tác ở đây rất hại đến thần kinh của anh.

Có một hôm, trên một chiếc toa không mui chở đấy những hòm đạn, Pa-ven nhìn thấy Xéc-gây. Cùng lúc ấy Xéc-gây nhảy bổ xuống suýt nữa xô ngã bạn và ôm ghì lấy Pa-ven:

- Pa-ven, thằng quỷ, tao nhận ngay ra mày.

Đôi bạn gặp nhau, không biết hỏi nhau, kể cho nhau nghe chuyện gì bây giờ. Thời gian gấp lắm mà từ lúc xa nhau, hai người đã sống biết bao chuyện trong đời. Hỏi nhau câu này, chưa kịp nghe trả lời, đã lại nói luôn. Còi tàu giục đi, cũng không nghe thấy nữa. Mãi khi đoàn xe chuyển bánh, từ từ bò đi, đôi bạn mới chịu buông nhau ra.

Làm thế nào bây giờ? Cuộc gặp gỡ thế là bị ngắt. Con tàu mở thêm tốc độ. Để khỏi bị rớt lại, Xéc-gây choàng đuổi theo xe, chạy dọc bờ ke, ngoái lại phía Pa-ven, kêu gì lần cuối không nghe rõ, rồi nhảy tót lên bám lấy cửa một toa chở hàng. Những bàn tay từ trong toa thò ra nắm lấy tay anh, kéo vào trong. Pa-ven đứng lại, bàng hoàng, nhìn theo con tàu xa dần. Mãi bây giờ anh mới sực nhớ ra là thằng bạn nó chưa biết tin Va-li-a chết rồi. Ừ, nó có về qua Sê- pê-tốp ca đâu mà biết. Pa-ven ngây người vì cuộc gặp gỡ bất ngờ nên đã quên khuấy không nói với bạn.

"Thế càng hay, không biết tin đó, nó đi càng yên tâm hơn". Pa-ven tự bảo thế. Anh có ngờ đâu là anh gặp bạn lần ấy là lần cuối cùng. Xéc-gây đứng trên nóc toa xe lửa, phanh ngực ra hứng gió mùa thu, cũng không biết là mình đang đi ra trước cái chết.

Đô-rô-sen-cô, một chiến sĩ mặc áo ca-pốt, lưng áo bị cháy sém, nói với Xéc-gây:

- Ngồi xuống không bị ngộ gió đấy, Xéc-gây ạ.

Xéc-gây cười đáp lại:

- Không hề gì. Mình với gió là bạn đấy mà. Cứ để mình đứng, gió thổi cho mát.

Và một tuần sau, Xéc-gây hy sinh ngay trong trận đầu của cuộc Nam hạ giữa đồng cỏ vàng úa mùa thu của xứ U-cơ-ren.

Một viên đạn lạc trúng vào anh.

Anh bị đạn, rùng mình, giúi thêm một bước, ngực đau buốt như xé, miệng không kêu không nói, lảo đảo tay sờ soạng không gian, rồi hai bàn tay đưa lên ôm ghì lấy ngực, khom khom mình như người chực chạy, thân thể bỗng chốc nặng như chì, anh ngã vật xuống, đôi mắt xanh thao láo trừng lên nhìn như dán vào khoảng mênh mông đồng cỏ.

*

Công việc hết sức căng thẳng ở ủy ban đặc biệt đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của Pa-ven vốn yếu sẵn, chưa lại người. Vết thương cũ lại luôn luôn đau nhói lên và sau hai đêm mất ngủ, Pa-ven bị ngất đi. Vì thế Pa-ven lại hỏi Giu-khơ-rai:

- Anh Giu-khơ-rai ạ, em muốn đổi công tác, ý kiến anh thấy có đúng không? Em thì rất muốn trở lại nghề cũ, ở phân xưởng chính nhà máy xe lửa. Không có làm ở đây em thấy sức em yếu quá. Tiểu ban y tế khám lại sức khỏe nói là em yếu sức không thể tòng quân được nữa. Nhưng ở đây còn gay hơn ngoài mặt trận kia. Mấy hôm vừa rồi, đi tiễu bọn phỉ Xu- tưa đã làm em mệt lả người đi. Cứ sau loạt bắn là em lại phải nghỉ tay để thở. Anh Giu-khơ-rai ạ, chắc anh cũng hiểu, chân em đứng cũng chẳng còn vững nữa, thì em làm công tác tốt thế nào được ở ủy ban đặc biệt này.

Giu-khơ-rai nét mặt lo lắng nhìn Pa-ven:

- Phải đấy, tôi thấy chú yếu lắm. Đáng lẽ phải đổi công tác cho chú từ trước đây rồi. Khuyết điểm ở tôi. Bận công tác quá không nhìn đến.

Sau buổi nói chuyện đó, Pa-ven được điều động sang tỉnh đoàn thanh niên cộng sản nhận công tác.

Một tay trẻ măng tính hay cựa quậy luôn, mũ cát- két kéo sụp xuống tận mắt rất ngang, nhìn lướt qua mảnh giấy, rồi vui vẻ nháy mắt hỏi Pa-ven:

- Cậu ở ủy ban đặc biệt đến à? Cơ quan đó dễ chịu đấy! Chờ nháy mắt là chúng mình giao công tác cho cậu ngay. Bên mình bấn người quá. Thật là nạn thiếu cán bộ. Cậu muốn sang đâu? Ủy ban cung cấp? Không à? Ừ đừng sang đó. Sang cơ sở tuyên truyền ngoài bến sông? Không à? Thế thì dại quá. Chỗ này bở lắm, sinh hoạt phí theo chế độ xung phong đấy.

Pa-ven ngắt lời: "Mình muốn sang đường sắt làm ở các phân xưởng chính".

Gã kia trố mắt nhìn Pa-ven:

- Sang phân xưởng chính à? Hừ, ở đấy có cần người đâu. Thôi cậu cứ đến gặp chị Ri-ta, chị ấy sẽ xếp công việc cho.

Sau cuộc nói chuyện ngắn với người con gái nước da ngăm ngăm bánh mật, Pa-ven được chỉ định làm bí thư chi đoàn thanh niên cộng sản xí nghiệp xe lửa, vừa công tác vừa tham gia sản xuất.

*Giữa lúc đó, trước cửa ngõ vùng Cơ-ri-mê, tại những đường biên giới cổ xưa đã từng là ranh giới giữa những người Tác-ta xứ Cơ-ri-mê và những trung đoàn người Da-pô-rô, ở chỗ thắt lại của bán đảo, nổi lên pháo đài của bọn bạch vệ mới xây lại, chung quanh có những công sự kiên cố rất lợi hại: pháo đài Pê-rê-cốp.

Sau pháo đài ấy, cả cái xã hội cũ đã bị lên án, từ khắp xó xỉnh trong nước chúi vào xó Cơ-ri-mê này, yên trí ở đấy an toàn, say sưa túy lúy với nhau trong hơi men rượu nho.

Một đêm mùa thu băng giá, hàng vạn người con của nhân dân lao động đã đổ xuống eo biển nước giá lạnh để đêm tối vượt vịnh Xi-vát đánh vào sau lưng kẻ địch đã chui tọt vào các công sự. Đi trong hàng quân đó có Giác-ki, hai tay nâng niu khẩu súng máy đội trên đầu.

Và khi rạng đông, cả vùng eo biển Pê-rê-cốp sôi lên sùng sục trong cơn sốt rét điên cuồng; hàng ngàn người ào ào ập vào hàng rào dây thép gai, những mũi quân tiến đầu tiên lội qua vịnh Xi-vát, đặt chân lên những bờ đá lởm chởm của bán đảo Li-tốp ở sau lưng quân địch. Và một trong những chiến sĩ đầu tiên đổ bộ lên được là Giác-ki.

Chiến đấu ác liệt chưa từng thấy. Bọn trắng tung kỵ binh vào đám người vừa lội dưới nước lên; kỵ binh của chúng lao vào như thú dữ. Giác-ki không ngừng bắn, khẩu liên thanh của anh nhả đạn như khạc cái chết vào kẻ địch. Từng đống xác người và ngựa địch chồng chất lên nhau trong trận mưa chì này. Giác- ki, nhanh đến run tay lên, lắp hết băng đạn này đến băng đạn khác bắn vào kẻ địch.

Hàng trăm khẩu pháo nổ ầm ầm ở Pê-rê-cốp. Dường như cả eo đất này cũng sụt xuống biển sâu thẳm không đáy. Hàng ngàn quả đại bác rú lên ghê rợn, bay nhằng nhịt trên trời, rắc tung cái chết, rơi xuống tóe ra thành từng mảnh nhỏ. Mặt đất bị cày nát, bị nghiền vụn, bị bắn tóe lên. Những tảng đất đen lớn do đại bác cày đã hất lên, che lấp cả ánh mặt trời.

Đầu con rắn độc đã bị đánh giập rồi. Dòng thác đỏ lại băng mình về phía Cơ-ri-mê, các sư đoàn của đoàn quân kỵ mã thứ nhất băng mình vào Cơ-ri-mê giáng cho quân địch một đòn cuối cùng ác liệt. Lũ bạch vệ kinh hoảng, sợ run lên, hớt ha hớt hải cố chạy xô nhau bám lấy những tàu biển sắp rời bến.

Trên những bộ quân phục đã sờn đã bạc. Tổ quốc Cộng hòa gắn vào chỗ trái tim người ta thường đập những đồng tròn vàng của huân chương Cờ đỏ. Trong số những quân phục được gắn huy chương ấy có áo của người đoàn viên thanh niên cộng sản giữ súng máy: Giác-ki.

Hòa ước với Ba Lan đã ký và đúng như Giu-khơ- rai hy vọng, Sê-pê-tốp-ca trở về với xứ U-cơ-ren Xô- viết. Giới tuyến là con sông cách thành phố ba mươi lăm cây số. Tháng Chạp năm 1920, Pa-ven về quê thăm nhà, buổi sớm đó, anh ghi nhớ mãi trong lòng.

Pa-ven bước xuống sân ga chớm tuyết, đưa mắt nhìn thấy tấm biển "Sê-pê-tốp-ca, ga thứ nhất" liền quay sang trái, đi vào sở đầu máy. Hỏi anh A-rơ-chom, nhưng anh chẳng có ở đấy. Pa-ven khép vạt áo choàng cho thêm khít vào người, rồi đi ngang qua rừng vào thành phố.

Anh gõ cửa. Lúc ấy bà mẹ đang ngồi ở ghế nghe tiếng đập cửa, quay lại mời khách vào nhà. Nhưng khi cửa mở rồi, một người mình đầy tuyết trắng hiện ra trong khung cửa, bà cụ nhận ra khuôn mặt yêu dấu, liền đưa tay lên ôm lấy ngực. Mừng quá, bà cụ không nói được nên lời nữa.

Bà ấp tấm thân già, gầy còm vào ngực con trai, hôn lấy hôn để lên mặt con, nước mắt trào ra, mừng mừng tủi tủi.

Pa-ven ôm lấy mẹ, nhìn nét mặt mẹ răn reo, hốc hác vì lo buồn và mong nhớ con, anh im lặng chờ mẹ bình tâm lại.

Bà cụ đau khổ đã nhiều, hôm nay mắt lại sáng lên vì sung sướng. Ngày hôm ấy và mấy ngày liền, bà nói không chán, nhìn con không chán. Bà đã tưởng chẳng còn hy vọng gì gặp lại con nữa. Ba ngày sau A-rơ-chom nửa đêm đeo ba-lô trên vai cũng trở về căn nhà cũ bé nhỏ này. Nỗi mừng của bà cụ càng không để đâu cho hết.

Dưới mái nhà nhỏ bé của gia đình Ca-rơ-sa-ghin, những người đi xa đã trở về đông đủ. Sau bao nhiêu thử thách gian khổ, hai anh em không ai tổn thất, đã được gặp lại nhau.

Mẹ hỏi các con:

- Giờ thì các con tính làm gì?

A-rơ-chom đáp:

- Con lại sẽ trở về với ổ bi bánh xe, làm nghề như trước, mẹ ạ.

Còn Pa-ven thì ở nhà được mười lăm ngày, rồi lại trở về Ki-ép. Ở đấy công việc đang chờ anh.