…món đồ chơi tuyệt vời nhất thế giới…
Sophie xếp tất cả các trang giấy đánh máy của nhà triết học lạ mặt vào trong chiếc hộp thiếc rồi đóng nắp lại. Cô bò ra khỏi hốc và đứng nhìn quanh khu vườn. Cô nghĩ về việc xảy ra ngày hôm qua. Hôm nay, khi ăn sáng, mẹ cô lại trêu chọc về “lá thư tình”. Cô rảo bước về phía hộp thư để tránh xảy ra thêm một chuyện tương tự. Nhận được thư tình trong hai ngày liền sẽ xấu hổ gấp đôi.
Có một phong bì nhỏ màu trắng nữa! Sophie bắt đầu nhận ra kiểu đưa thư: mỗi buổi chiều cô sẽ nhận được một phong bì to màu nâu. Khi cô đọc nó, nhà triết học sẽ lén đến hộp thư với một chiếc phong bì nhỏ màu trắng.
Vậy, bây giờ cô có thể tìm ra ông ta là ai, nếu như đó là một người đàn ông! Từ phòng mình, cô có thể quan sát tốt hộp thư. Nếu đứng cạnh cửa sổ, cô có thể nhìn thấy nhà triết học bí ẩn. Những chiếc phong bì trắng không thể từ không khí mà ra được!
Sophie quyết định những ngày tiếp theo sẽ quan sát cẩn thận. Ngày mai là thứ Sáu và cô sẽ có cả kỳ nghỉ cuối tuần.
Cô lên phòng và mở phong bì. Hôm nay chỉ có một câu hỏi, nhưng nó còn kỳ cục hơn cả ba câu trước:
Tại sao Lego là đồ chơi tuyệt vời nhất thế giới?
Ban đầu, Sophie không chắc là cô cũng nghĩ như vậy. Cô đã bỏ chơi những khối nhựa nhỏ xíu ấy từ bao năm nay rồi. Hơn nữa, cô chịu không thể hiểu được Lego thì có liên quan gì tới triết học.
Nhưng cô là một học sinh chăm chỉ. Lục tung ngăn tủ trên cùng, cô tìm thấy một túi đựng đầy các khối Lego với đủ hình dạng kích thước.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, cô bắt đầu lắp ráp. Một số ý tưởng về các khối nhựa bắt đầu xuất hiện.
Chúng rất dễ lắp, cô nghĩ. Tuy các khối khác nhau, nhưng tất cả đều khớp nhau. Chúng không bao giờ vỡ. Cô không thể nhớ được mình đã nhìn thấy một khối Lego vỡ bao giờ hay chưa. Tất cả các khối đều trông rực rỡ và mới nguyên như ngày đầu tiên được mua về, từ nhiều năm trước. Điều thú vị nhất là cô có thể lắp được mọi thứ từ Lego. Và sau đó cô có thể tháo chúng ra để lắp một thứ khác.
Còn có thể đòi hỏi gì hơn ở một đồ chơi? Sophie kết luận rằng Lego quả thực có thể được gọi là đồ chơi hay nhất thế giới. Nhưng nó liên quan như thế nào đến triết học thì cô chịu.
Cô đã lắp gần xong một ngôi nhà búp bê to. Cô ghét phải thừa nhận rằng đã lâu cô không chơi vui đến vậy.
Tại sao mọi người không chơi nữa khi họ thành người lớn nhỉ?
Khi mẹ đi làm về và nhìn thấy Sophie đang chơi, bà thốt lên, “Hay thật! Mẹ rất vui vì con vẫn là một cô bé con!”
“Con có chơi đâu!”, Sophie tức tối, “Con đang làm một thí nghiệm triết học rất phức tạp đấy!”
Mẹ cô thở dài. Có lẽ bà đang nghĩ về con thỏ trắng và chiếc mũ cao vành.
Hôm sau, khi Sophie từ trường về, có thêm vài trang giấy cho cô trong một chiếc phong bì to màu nâu. Cô mang lên phòng. Cô rất nóng lòng muốn đọc, nhưng cô còn phải để mắt đến cái hộp thư nữa.
Thuyết nguyên tử
Lại tôi đây, Sophie. Hôm nay em sẽ nghe về người cuối cùng trong các nhà triết học lơn của trường phái triết học tự nhiên. Tên ông là Democritus (460-370 t.Cn), ông đến từ thành phố nhỏ Abdera trên bờ bắc biển Aegea [3].
Nếu em đã có thể trả lời câu hỏi về Lego mà không gặp khó khăn gì, em sẽ dễ dàng hiểu đề tài nghiên cứu của các nhà triết học này.
Democritus đồng ý với các vị tiền nhân rằng các biến đổi trong thiên nhiên không phải là do có cái gì đó thực sự “thay đổi”. Do vậy, ông giả thiết rằng mọi thứ đều được cấu tạo từ các khối nhỏ vô hình, mỗi khối đều vĩnh cửa và bất biến. Democritus gọi những đơn vị nhỏ nhất này là các nguyên tử.
Trong tiếng Hy Lạp, nguyên tử (“atom”) có nghĩa là “không phân chia được”. Đối với Democritus, điều rất quan trọng cần khẳng định đó là các thành phần cấu thành nên mọi vật không thể phân chia một cách vô hạn thành các phần nhỏ hơn. Nếu không, chúng đã không thể được dùng làm các khối cơ bản. Nếu các nguyên tử có thể bị chia mãi thành các phần nhỏ hơn, thiên nhiên sẽ bắt đầu phân rã như súp cứ loãng dần ra vậy.
Hơn nữa, các khối cơ bản của thiên nhiên phải là vĩnh cửu, vì không có cái gì sinh ra từ hư vô. Ở đây, ông đã nhất trí với Parmenides và những người xứ Elea. Thêm vào đó, ông còn tin rằng các nguyên tử rắn và vững chắc. Nhưng không thể tất cả chúng đều giống nhau. Nếu mọi nguyên tử đều giống nhau, sẽ lại không có lời giải thích thoả đáng tại sao chúng có thể kết hợp để tạo nên mọi thứ từ hoa anh túc và cây ô-liu đến da dê và tóc người.
Democritus tin rằng thiên nhiên bao gồm vô số nguyên tử thuộc nhiều dạng. Một số tròn và nhẵn, số còn lại thì hình dạng méo mó và gồ ghề. Chính vì rất khác nhau nên chúng có thể kết hợp thành đủ loại cơ thể khác nhau. Nhưng dù có đa dạng đến đâu về số lượng và hình dạng, các nguyên tử đều vĩnh cửu, bất biến, và không phân chia được.
Khi một cơ thể bị chết và phân huỷ, chẳng hạn một cái cây hay một con vật, các nguyên tử tản ra và có thể được sử dụng lại cho các cơ thể mới. Các nguyên tử chuyển động hỗn độn trong không gian, nhưng vì có “móc” và “ngạnh” nên chúng có thể nối với nhau để tạo nên mọi vật mà chúng ta nhìn thấy ở xung quanh.
Bây giờ em đã hiểu những gì tôi muốn nói về các khối Lego. Chúng cũng có các tính chất gần giống với những gì Democritus gán cho các nguyên tử. Đó cũng là lý do mà chơi lắp ghép bằng các khối Lego thật thú vị. Đầu tiên, chúng không thể phân chia được. Tiếp theo, chúng có đủ hình dạng, kích thước. Chúng rắn chắc và không thấm nước. Chúng còn có móc và ngạnh nên có thể ghép nối thành mọi hình thù mà ta có thể tưởng tượng ra. Các kết nối này lại có thể bị phá vỡ để tạo ra những hình mới từ các khối cũ.
Lego được ưa chuộng rộng rãi vì chúng có thể được dùng đi dùng lại. Hôm nay, một khối Lego là một phần của một chiếc xe tải. Hôm sau, nó có thể là một mảnh của một toà lâu đài. Ta cũng có thể nói rằng các khối Lego là “vĩnh cửu”. Trẻ em hôm nay có thể chơi với chính những khối Lego mà cha mẹ chúng đã chơi hồi nhỏ.
Ta cũng có thể nhận ra mọi hình từ đất sét. Nhưng không thể dùng đi dùng lại đất sét vì nó có thể bị vỡ thành những mẩu nhỏ. Những mẩu nhỏ li ti không bao giờ có thể được gắn lại để tạo nên những thứ khác được nữa.
Ngày nay, chúng ta có thể khẳng định rằng thuyết nguyên tử của Democritus khá gần với sự thực. Thiên nhiên quả thực được xây dựng từ các “nguyên tử” khác nhau, chúng kết hợp rồi lại phân rã. Một nguyên tử hydro ở chóp mũi của tôi xưa kia có lẽ đã từng là một phần của một cái vòi voi. Một nguyên tử carbon trong cơ tim của tôi có thể đã từng thuộc về đuôi của một con khủng long!
Tuy nhiên, các nhà khoa học đương đại đã phát hiện rằng các nguyên tử có thể phân chia thành các “hạt cơ bản” nhỏ hơn. Ta gọi các hạt cơ bản này là các proton, neutron và electron. Những hạt này có lẽ sẽ còn được chia thành các hạt nhỏ hơn nữa. Nhưng các nhà vật lý đồng ý rằng phải có một giới hạn ở đâu đó. Phải có một “phần tối thiểu” mà thế giới được tạo nên từ đó.
Democritus không có những thiết bị điện tử hiện đại. Cái duy nhất ông có là tâm thức của mình. Nhưng lý tính của ông không cho ông nhiều chọn lựa. Một khi đã chấp nhận rằng không có gì có thể biến đổi, không có gì sinh ra từ hư vô, và rằng không có gì mất đi, vậy thì thiên nhiên phải bao gồm những khối vô cùng nhỏ bé mà chúng có thể kết hợp rồi lại phân chia.
Democritus không tin có một “lực” hay “linh hồn” nào có thể can thiệp vào các quá trình của thiên nhiên. Ông cho rằng cái duy nhất tồn tại là các nguyên tử và sự trống rỗng. Do ông chỉ tin vào những gì thuộc về vật chất, ta gọi ông là một nhà duy vật.
Theo Democritus, không có một “thiết kế” có ý thức nào trong vận động của các nguyên tử. Trong tự nhiên, mọi vật đều xảy ra một cách khá là máy móc. Điều đó không có nghĩa là mọi sự đều xảy ra một cách ngẫu nhiên, vì mọi sự đều tuân theo các quy luật tất yếu về sự cần thiết. Mọi sự xảy ra đều có một nguyên nhân tự nhiên, một nguyên nhân cố hữu trong chính sự vật đó. Democritus đã từng nói rằng ông thà tìm ra một nguyên nhân mới của tự nhiên còn hơn là làm vua xứ Ba Tư.
Democritus cho rằng thuyết nguyên tử còn giải thích các tri giác giác quan của ta. Khi ta cảm nhận điều gì đó, đó là do vận động của các nguyên tử trong không gian. Khi ta nhìn thấy Mặt Trăng là khi các “nguyên tử Mặt Trăng” thâm nhập mắt ta.
Nhưng còn “linh hồn” thì sao? Có chắc là nó cấu thành từ các nguyên tử, từ những thứ vật chất? Chắc chứ! Democritus tin rằng linh hồn bao gồm các “nguyên tử linh hồn” tròn và nhẵn. Khi một người chết, các nguyên tử linh hồn bay đi mọi hướng và sau đó có thể trở thành một phần của một linh hồn mới.
Điều đó có nghĩa rằng con người không có linh hồn bất tử, một niềm tin của nhiều người đương đại. Cũng như Democritus, họ cho rằng “linh hồn” được nối với bộ não, và rằng chúng ta không thể giữ lại một dạng ý thức nào một khi bộ não phân rã.
Thuyết nguyên tử của Democritus đã tạm thời đánh dấu sự kết thúc của triết học tự nhiên Hy Lạp. Ông đồng ý với Heraclitus rằng mọi vật trong tự nhiên đều “trôi”, do các hình dạng đến rồi đi. Nhưng đằng sau đó, có một số thứ vĩnh cửu, bất biến mà không trôi. Democritus gọi chúng là các nguyên tử.
Trong khi đọc, Sophie nhìn qua cửa sổ mấy lần để xem người viết thư bí ẩn đã đến hộp thư chưa. Giờ thì cô ngồi nhìn đăm đăm ra đường, suy nghĩ về những điều mình vừa đọc.
Cô thấy các tư tưởng của Democritus thật đơn giản nhưng cũng thật tài tình. Ông đã tìm ra lời giải thực sự cho vấn đề “chất cơ bản” và “sự biến đổi”. Vấn đề này phức tạp đến nỗi nhiều thế hệ triết gia đã phải tốn bao công sức vì nó. Và cuối cùng, Democritus đã tự mình giải thích được bằng phán đoán thông thường.
Sophie không nén được nụ cười. Thiên nhiên chắc phải được xây dựng từ những phần nhỏ bé không bao giờ thay đổi. Trong khi đó, rõ ràng Heraclitus cũng có lý khi cho rằng mọi dạng thức trong thiên nhiên đều biến đổi. Bởi vì con người ai cũng phải chết, các con vật cũng chết, ngay cả một dãy núi cũng bị xói mòn dần. Điều quan trọng là ở chỗ dãy núi đó cấu thành từ những phần nhỏ bé không phân chia được và không bao giờ bị phá huỷ.
Tuy nhiên, Democritus cũng đã đưa ra một số câu hỏi mới. Thí dụ, ông ta cho rằng mọi sự đều xảy ra một cách máy móc. Không như Empedocles và Anaxarogas, ông không chấp nhận giả thuyết về sự tồn tại của một sức mạnh tinh thần nào trong cuộc sống. Democritus còn tin rằng con người không có linh hồn bất tử.
Cô có chắc chắn về điều đó không?
Cô không biết. Nhưng dù sao thì cô cũng vừa mới bắt đầu khoá triết học.