...chẳng có gì nảy sinh từ hư vô...
Chiều hôm đó, khi mẹ đi làm về, Sophie đang ngồi trong cái tàu lượn, mải mê suy nghĩ về mối liên hệ giữa khóa triết học và Hilde MØller Knag, người sẽ không nhận được thiệp mừng sinh nhật của bố mình.
Mẹ cô gọi từ phía cuối vườn, “Sophie! Có một bức thư cho con này!”
Cô giật mình. Cô đã lấy hết thư trong hộp thư, vậy đây phải là lá thư của nhà triết học. Cô phải nói với mẹ thế nào bây giờ?
“Không dán tem. Có khi là thư tình đấy!”
Sophie cầm lấy bức thư.
“Con không định bóc thư à?”
Cô phải tìm cách chối.
“Mẹ đã bao giờ thấy ai bóc thư tình trong khi bà mẹ đang nhòm từ đằng sau chưa?”
Cứ để mẹ cô nghĩ đây là một bức thư tình. Dù sao cũng còn đỡ xấu hổ hơn là nếu mẹ phát hiện cô đang học từ xa với một người hoàn toàn xa lạ, một nhà triết học đang chơi trò trốn tìm với cô.
Đó là một chiếc phong bì nhỏ màu trắng. Khi lên đến phòng mình, Sophie đọc thấy ba câu hỏi mới:
Có chất cơ bản nào mà mọi vật đều có cấu tạo từ đó?
Nước có thể biến thành rượu được không?
Làm thế nào mà đất và nước tạo ra được một con ếch sống?
Sophie thấy những câu hỏi này thật ngớ ngẩn. Tuy nhiên, chúng vẫn ám ảnh cô suốt buổi tối. Ngày hôm sau, cô vẫn nghĩ về chúng khi ở trường, cô xem xét từng câu hỏi một.
Có thể có một “chất cơ bản” nào mà từ đó sinh ra mọi thứ hay không? Nếu có một chất nào đó như vậy, làm thế nào mà nó bỗng dưng biến thành một bông hoa hay một con voi được?
Ý kiến phản đối tương tự với câu hỏi nước có biến thành rượu được không. Sophie nhớ trong Kinh Thánh có đoạn Jesus biến nước thành rượu vang, nhưng cô không bao giờ hiểu nó theo nghĩa đen. Và nếu Jesus quả thực đã biến nước thành rượu, thì đó là một phép mầu nên nó là việc mà bình thường không thể thực hiện được. Sophie biết rằng không chỉ trong rượu mà trong tất cả các sinh vật đang sinh trưởng cũng có rất nhiều nước. Ngay cả khi trong quả dưa chuột có đến 95% là nước thì trong đó hẳn vẫn phải có cái gì đó khác nữa, vì dưa chuột là dưa chuột chứ không phải là nước.
Bây giờ đến câu hỏi về ếch. Sao ông thầy triết học của cô thích nói đến ếch nhỉ!
Sophie có thể công nhận rằng trong một con ếch có chứa đất và nước, trong trường hợp đó, đất phải gồm có nhiều loại chất khác nhau. Nếu đất chứa rất nhiều chất, rõ ràng là đất và nước đi với nhau có thể tạo ra một con ếch. Nghĩa là nếu đất và nước đi qua trứng ếch và nòng nọc. Vì một con ếch không thể mọc ra từ một cái mầm bắp cải được, cho dù ta có tưới nước kiểu gì đi nữa.
Tan học về, có một chiếc phong bì dày nằm đợi cô trong hộp thư. Như mấy hôm trước, Sophie trốn vào trong hốc.
Nghiên cứu của các triết gia
Chúng ta lại gặp nhau! Ta sẽ đi thẳng vào bài mà không cần vòng vo với thỏ trắng và những thứ tương tự.
Tôi sẽ phác họa những nét chính của tư duy con người về triết học, từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến hiện nay. Nhưng mọi thứ cần phải có thứ tự.
Do một số triết gia đã sống trong những thời đại khác - và có lẽ trong các nền văn hóa khác hẳn chúng ta - ta nên thử xem xét nghiên cứu của từng triết gia. Tôi muốn nói rằng ta phải cố nắm bắt chính xác mối quan tâm nghiên cứu của từng nhà triết học. Triết gia này có thể muốn tìm hiểu nguồn gốc của cây cỏ động vật. Người khác lại muốn biết có Chúa Trời hay không hoặc con người có một linh hồn bất tử hay không.
Một khi đã xác định được một nhà triết học cụ thể nào đó nghiên cứu những gì, ta sẽ dễ dàng lần theo dòng suy nghĩ của ông ta hơn. Bởi không có triết gia nào lại quan tâm đến toàn bộ triết học.
Tôi dùng từ ông ta để chỉ nhà triết học, vì đây còn là câu chuyện của đàn ông. Thời trước, phụ nữ không được nhìn nhận với tư cách là con người suy tưởng, điều này rất đáng tiếc vì nó đã gây ra sự mất mát của rất nhiều kinh nghiệm quan trọng. Chỉ đến thế kỷ này, phụ nữ mới thực sự ghi dấu ấn của mình vào lịch sử triết học.
Tôi không định cho em bài tập về nhà, không có các bài toán khó hay cái gì tương tự, cách chia động từ tiếng Anh cũng nằm ngoài quan tâm của tôi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, tôi sẽ giao cho em một bài luyện nhỏ.
Nếu em chấp nhận các điều kiện này, ta sẽ bắt đầu.
Các nhà triết học tự nhiên
Các triết gia Hy Lạp đầu tiên đôi khi được gọi là các nhà triết học tự nhiên vì họ chủ yếu quan tâm đến thế giới tự nhiên và các quá trình của nó.
Ta đã tự hỏi mọi thứ từ đâu sinh ra. Hiện nay, nhiều người hình dung rằng tại một thời điểm nào đó, cái gì đó hẳn đã sinh ra từ hư vô. Đối với những người Hy Lạp cổ đại, tư tưởng đó không phổ biến đến vậy. Vì lý do này hay lý do khác, họ cho rằng “cái gì đó” đã luôn luôn tồn tại.
Do vậy, vấn đề ‘tại sao mọi thứ có thể sinh ra từ hư vô’ không phải là một câu hỏi quan trọng. Mặt khác, người Hy Lạp cảm thấy cách mà cá sống được sinh ra từ nước, và những thân cây to cùng muôn hoa rực rỡ sinh ra từ lòng đất rồi chết đi thật đáng kinh ngạc. Chưa kể đến chuyện bằng cách nào mà một đứa trẻ được sinh ra từ bụng mẹ!
Các triết gia thấy được bằng chính mắt mình thiên nhiên ở trong một trạng thái liên tục biến đổi. Nhưng những biến đổi đó xảy ra bằng cách nào?
Chẳng hạn, làm thế nào mà cái gì đó biến đổi từ một chất thành một sinh vật sống?
Các nhà triết học tiên khởi có chung niềm tin rằng phải có một chất cơ bản nào đó là gốc cho mọi biến đổi. Khó có thể nói họ đi đến tư tưởng đó như thế nào. Chúng ta chỉ biết rằng khái niệm đó đã phát triển dần dần đến mức có thể phát biểu rằng phải có một chất cơ bản là nguyên nhâu sâu xa của mọi biến đổi trong thiên nhiên. Phải có “cái gì đó” mà mọi thứ đều sinh ra từ đó và quay trở về đó.
Đối với ta, phần thú vị nhất thực ra không phải những lời giải đáp mà các triết gia tiên khởi đã tìm ra, mà là ở chỗ họ đã đặt ra các câu hỏi nào và kỳ vọng tìm ra những lời giải đáp thuộc kỉểu gì. Ta quan tâm đến cách tư duy của họ hơn là cụ thể họ đã nghĩ những gì.
Ta biết rằng, họ đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến những biến đổi mà họ có thể quan sát được trong thế giới vật lý. Họ tìm kiếm những quy luật của thiên nhiên bên dưới các biến đổi đó. Họ muốn hiểu cái gì đang xảy ra xung quanh mà không phải quay về các huyền thoại cổ xưa. Và quan trọng nhất, họ muốn tìm hiểu các quá trình thực tế bằng cách nghiên cứu chính thiên nhiên. Điều này khác xa với việc giải thích sấm chớp hoặc mùa đông, mùa xuân bằng cách kể những câu chuyện về các vị thần.
Vậy là triết học đã dần dần tự giải phóng mình khỏi tôn giáo. Ta có thể nói rằng, các nhà triết học tự nhiên đã đi những bước đầu tiên theo hướng lý luận khoa học, và từ đó đã trở thành những người tiên phong cho cái mà sau này đã trở thành khoa học.
Chỉ còn lại ít dấu vết về những điều các nhà triết học tự nhiên đã nói và viết. Thông tin ít ỏi được truyền lại là nhờ Aristotle, người sống sau đó hai thế kỷ. Ông chỉ nhắc đến các kết luận mà các triết gia đã đạt được. Do đó, ta không biết họ đã đi theo con đường nào để tới kết luận đó. Nhưng những gì biết được giúp ta thiết lập rằng nghiên cứu của các nhà triết học Hy Lạp đầu tiên xoay quanh một chất cấu tạo cơ bản và các biến đổi trong thiên nhiên.
Ba nhà triết học thành Miletus
Nhà triết học đầu tiên mà ta biết là Thales, người Miletus, một thuộc địa của Hy Lạp ở vùng Tiểu Á. Ông đã đến nhiều nước, trong đó có Ai Cập. Người ta kể rằng, ở đó, ông đã tính chiều cao của một kim tự tháp bằng cách đo bóng của nó tại thời điểm mà chiều dài bóng của ông bằng đúng chiều cao của ông. Người ta cũng kể rằng ông đã dự đoán chính xác nhật thực năm 585 trước Công nguyên.
Thales cho rằng nước là nguồn gốc của mọi thứ. Ta không biết chính xác ý ông là gì, có thể ông đã tin rằng mọi sự sống bắt nguồn từ nước và sẽ quay lại với nước khi nó phân hủy.
Trong thời gian ở Ai Cập, hẳn ông đã quan sát mùa màng bắt đầu mọc lên ngay khi lũ sông Nile rút dần ra khỏi các vùng đất châu thổ sông Nile. Có lẽ ông cũng nhận thấy rằng ếch nhái và giun xuất hiện ở bất cứ nơi nào vừa có mưa.
Có thể Thales đã nghĩ về cách nước biến thành băng, thành hơi, rồi quay trở lại thành nước.
Người ta cho rằng Thales đã nói “mọi vật đều tràn ngập các thánh thần”. Ta chỉ có thể đoán ý ông. Có lẽ, khi nhìn đất đen là nguồn gốc của mọi vật, từ hoa quả mùa màng đến côn trùng và gián, ông đã tưởng tượng rằng trái đất tràn ngập những “mầm sống” li ti vô hình. Nhưng có một điều chắc chắn: không phải ông đang nói về các vị thần của Homer.
Nhà triết học thứ hai mà ta biết là Anaximander, người sống ở Miletus cùng thời với Thales. Ông ta cho rằng thế giới của chúng ta chỉ là một trong vô số các thế giới sinh ra rồi tan đi trong một cái mà ông gọi là “vô biên”. Thật khó có thể hiểu rõ ý của ông về “vô biên”, nhưng có lẽ ông ta không nói đến một chất đã được biết đến theo cách mà Thales hình dung. Có thể ông cho rằng cái chất nguồn gốc của mọi vật phải là một cái gì đó khác với tất cả mọi thứ được sinh ra từ nó. Do mọi vật tạo đều là hữu hạn, nên cái đến trước và đến sau phải là “vô biên”. Rõ ràng, cái thứ cơ bản này không thể là một thứ bình thường như nước được.
Nhà triết học thứ ba từ Miletus là Anaximenes, người sống từ năm 570 đến năm 526 t.CN. Ông cho rằng nguồn gốc của mọi thứ phải là “khí” hoặc “hơi”. Anaximenes chắc hẳn phải quen thuộc với thuyết về nước của Thales. Nhưng nước từ đâu ra? Anaximenes nghĩ rằng nước là khí được cô đặc lại. Ta thấy rằng khi trời mưa, nước được chắt ra từ không khí. Khi nước được tiếp tục nén, nó trở thành đất. Có thể ông đã thấy đất và đá xuất hiện từ băng đang tan. Ông còn nghĩ rằng lửa chính là không khí loãng. Theo Anaximenes, do vậy, không khí là nguồn gốc của đất, nước, và lửa.
Không xa xôi gì khi liên tưởng từ nước tới hoa trái của đất. Có lẽ Anaximenes nghĩ rằng đất, không khí và lửa là mọi điều cần thiết để tạo ra sự sống, nhưng nguồn gốc của mọi thứ chính là không khí hay là hơi. Vậy, cũng như Thales, ông cho rằng phải có một chất nào đó là nguồn gốc của mọi sự biến đổi trong thiên nhiên.
Không có cái gì sinh ra từ hư vô
Cả ba nhà triết học thành Miletus đều tin vào sự tồn tại của một chất cơ bản duy nhất là nguồn gốc của mọi vật. Nhưng làm thế nào mà một chất bỗng dưng biến thành một cái gì đó khác? Ta có thể gọi đây là vấn đến về sự biến đổi.
Vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, có một nhóm các triết gia ở một thuộc địa Hy Lạp ở Elea, miền nam Italia, quan tâm đến câu hỏi này.
Người quan trọng nhất trong các nhà triết học trên là Parmenides (540-480 t.Cn). Parmenides cho rằng mọi thứ đang tồn tại đã luôn luôn tồn tại. Tư tưởng này không xa lạ đối với người Hy Lạp. Họ gần như cho rằng tất nhiên là mọi thứ tồn tại trong thế giới đều là vĩnh cửu. Không có cái gì sinh ra từ hư vô, Parmenides nghĩ. Và chẳng có cái gì đang tồn tại có thể biến thành hư vô.
Nhưng Parmenides còn đi xa hơn nữa. Ông cho rằng không hề có sự thay đổi thực sự. Không có gì có thể trở thành cái gì khác chính nó.
Tất nhiên, Parmenides cũng nhận thấy thế giới ở trong trạng thái biến đổi không ngừng. Ông nhận thức bằng các giác quan rằng sự vật thay đổi. Nhưng ông không thể đồng nhất nó với những gì lý tính của ông mách bảo. Khi phải lựa chọn giữa việc dựa vào giác quan hay dựa vào lý tính, ông đã chọn lý tính.
Chắc em biết câu: “Bao giờ thấy thì tôi sẽ tin”. Nhưng Parmenides không tin cả vào những gì ông nhìn thấy. Ông tin rằng các giác quan cho ta bức tranh sai lạc về thế giới, một bức tranh không khớp với lý tính của ta. Là một nhà triết học, ông đặt cho mình nhiệm vụ chỉ ra mọi dạng của ảo ảnh nhận thức.
Niềm tin không thể lay chuyển vào lý tính của con người được gọi là chủ nghĩa duy lý. Một người theo chủ nghĩa duy lý là người cho rằng lý tính của con người là cội nguồn của mọi tri thức về thế giới.
Mọi thứ đều trôi
Cùng thời với Parmenides là Heraclitus (540-480 t.Cn) người vùng Ephesus, Tiểu Á. Ông cho rằng thực sự biến đổi liên tục mới là đặc tính cơ bản của tự nhiên. Ta có thể nói rằng, so với Parmehides, Heraclitus là người tin tưởng hơn vào những gì bản thân có thể tri giác được.
“Mọi thứ đều trôi”, Heraclitus nói. Mọi vật đều ở trong trạng thái biến đổi không ngừng, không có gì bất biến. Như vậy, chúng ta “không thể bước hai lần xuống cùng một dòng sông”. Khi ta bước xuống dòng sông lần thứ hai, cả ta và dòng sông đều không còn như trước.
Heraclitus chỉ ra rằng các mặt đối lập là đặc điểm của thế giới. Nếu chúng ta không bao giờ bị ốm, ta sẽ không thể biết được khỏe mạnh là như thế nào. Nếu ta không bao giờ bị đói, ta sẽ không cảm thấy niềm vui khi no bụng. Nếu chưa bao giờ có chiến tranh, ta sẽ không biết trân trọng hòa bình. Và nếu không có mùa đông, ta sẽ không bao giờ thấy mùa xuân.
Heraclitus tin rằng cái tốt và cái xấu đều có vị trí tất yếu trong trật tự của mọi vật. Nếu không có sự luân phiên của những mặt đối lập, thế giới sẽ không thể tồn tại.
“Thượng Đế là ngày và đêm, mùa đông và mùa xuân, chiến tranh và hòa bình, đói và no,” ông nói. Ông dùng từ “Thượng Đế” [1], nhưng rõ ràng ông không nói về các vị thần trong các huyền thoại. Đối với Heraclitus, Thượng Đế - hay Chúa Trời - là cái gì đó ôm trọn cả thế giới. Quả thật, có thể nhìn thấy Thượng Đế rõ nhất trong sự biến đổi liên tục và những sự đối lập của thiên nhiên.
Thay cho từ “Thượng Đế”, Heraclitus thường dùng một từ Hy Lạp là “logos” với nghĩa lý tính. Tuy con người chúng ta không phải lúc nào cũng suy nghĩ giống nhau hoặc có cùng mức độ lý luận, Heraclitus tin rằng có một thứ “lý tính phổ quát” dẫn dắt mọi thứ xảy ra trong thiên nhiên.
Cái “lý tính phổ quát” hay “quy luật phổ quát” này chung cho tất cả chúng ta, là một cái gì đó dẫn dắt mọi người. Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn sống bằng lý tính của cá nhân mình, Heraclitus nghĩ. Nói chung, ông không xem trọng người khác. Ông nói: “quan niệm của đa số chẳng qua như đồ chơi của trẻ con”.
Vậy, ở giữa trạng thái vận động không ngừng và những sự đối lập của thiên nhiên, Heraclitus nhìn thấy một Thực Thể là nguồn gốc của mọi vật, mà ông gọi là Thượng Đế hay logos.
Bốn nguyên tố cơ bản
Xét một mặt nào đó, Parmenides và Heraclitus có quan điểm đối lập hoàn toàn với nhau. Lý tính của Parmenides khẳng định rằng không có gì biến đổi. Các tri giác giác quan của Heraclitus khẳng định một cách không kém phần chắc chắn rằng tự nhiên ở trong một trạng thái vận động không ngừng. Cái nào đúng? Ta nên để cho lý tính chỉ huy hoàn toàn hay nên tin tưởng vào các giác quan?
Cả Parmenides và Heraclitus, mỗi người khẳng định hai điều:
Parmenides nói rằng:
- Không có gì có thể biến đổi, và do đó
- Các tri giác giác quan của ta không đáng tin cậy.
Trái lại, Heraclitus cho rằng:
- Mọi vật đều vận động không ngừng.
- Các tri giác giác quan là đáng tin cậy.
Các nhà triết học chỉ có thể bất đồng đến thế là cùng! Nhưng ai đúng? Empedocles (490-430 t.Cn), người đảo Sicile, đã giải quyết sự bế tắc.
Theo ông, mỗi nhà triết học có một khẳng định đúng và sai ở khẳng định còn lại.
Empedocles thấy rằng nguồn gốc của bất đồng căn bản là ở chỗ cả hai đều giả thiết sự tồn tại của một chất duy nhất. Nếu điều đó là đúng, khoảng cách giữa những gì lý tính mách bảo và những gì “ta có thể thấy bằng chính mắt mình” là không thể kéo gần lại được.
Rõ ràng, nước không thể biến thành một con cá hay một con bướm. Thực tế, nước không thể biến đổi. Nước tinh khiết vẫn sẽ mãi là nước tinh khiết. Vậy Parmenides có lý khi khẳng định rằng “không có gì biến đổi”.
Nhưng Empedocles cũng đồng ý với Heraclitus rằng ta phải tin vào các bằng chứng của giác quan. Ta phải tin những gì ta nhìn thấy, và những gì ta thấy chính là thiên nhiên biến đổi.
Empedocles kết luận rằng cái phải loại bỏ chính là ý niệm về một chất cơ bản. Riêng mình không khí hoặc nước không thể biến thành một bụi hồng hay một con bướm. Nguồn gốc của thiên nhiên không thể chỉ là một “nguyên tố” duy nhất.
Empedocles tin rằng thiên nhiên bao gồm bốn nguyên tố mà ông gọi là cái “gốc”. Bốn gốc này là đất, không khí, lửa và nước.
Mọi quá trình thiên nhiên là kết quá của sự kết hợp và phân rã của bốn nguyên tố đó. Mọi vật đều là một hỗn hợp của đất, không khí, lửa và nước với các tỷ lệ khác nhau. Khi một bông hoa hay một con vật chết, ông nói, bốn nguyên tố tách ra. Ta có thể chứng kiến sự thay đổi này bằng mắt thường. Nhưng đất và không khí, lửa và nước tồn tại mãi mãi, không bị ảnh hưởng bởi tất cả các hợp chất mà chúng là thành phần. Về cơ bản, không có gì thay đổi. Mọi hiện tượng xảy ra chỉ là sự kết hợp và phân chia để rồi lại kết hợp của các nguyên tố.
Ta có thể so sánh với việc vẽ tranh. Nếu một họa sĩ chỉ có một màu, màu đỏ chẳng hạn, anh ta sẽ không thể vẽ cây xanh. Nhưng nếu có các màu vàng, đỏ, xanh và đen, anh ta có thể vẽ hàng trăm màu sắc khác nhau vì anh ta có thể trộn chúng theo các tỷ lệ khác nhau.
Một minh họa tương tự bằng việc làm bếp: nếu tôi chỉ có bột mì, tôi phải là phù thủy thì mới làm được bánh. Còn nếu có trứng, sữa, bột và đường, tôi có thể nướng đủ loại bánh.
Không phải hoàn toàn tình cờ mà Empedocles chọn đất, không khí, lửa và nước làm các “gốc” của thiên nhiên. Các triết gia trước ông đã cố gắng chứng tỏ rằng chất nguyên thủy phải là không khí, lửa, hoặc nước. Thales và Anaximenes đã chỉ ra rằng nước và không khí là hai nguyên tố cốt yếu trong thế giới vật chất. Người Hy Lạp tin rằng lửa cũng quan trọng. Ví dụ, họ quan sát thấy tầm quan trọng của mặt trời với mọi sinh vật sống, và họ biết rằng người và động vật đều có thân nhiệt.
Có thể Empedocles đã quan sát một mẩu gổ đang cháy. Có cái gì đó phân rã. Ta nghe thấy nó nổ lách tách và réo xèo xèo. Đó là “nước”. Cái gì đó bay lên thành khói. Đó là “khí”. “Lửa” là cái ta nhìn thấy. Cái gì đó còn lại khi lửa tắt. Đó là tro, hay “đất”.
Sau giải thích của Empedocles về các biến đổi của thiên nhiên bằng sự kết hợp và phân chia của bốn cái “gốc”, vẫn còn cái gì đó cần làm rõ. Cái gì đã kết hợp các nguyên tố này để làm xuất hiện sự sống mới? Và cái gì đã làm cho “hỗn hợp”, chẳng hạn của một bông hoa, phân rã trở lại?
Empedocles tin rằng trong thiên nhiên có sự tác động của hai lực khác nhau mà ông gọi là tình yêu và xung khắc. Tình yêu kết hợp chúng với nhau và xung khắc chia rẽ chúng.
Ông phân biệt giữa “chất” và “lực”. Điều nay rất đáng chú ý. Ngay cả hiện nay, các nhà khoa học cũng phân biệt giữa các nguyên tố và các lực thiên nhiên. Khoa học hiện đại khẳng định rằng mọi quá trình tự nhiên đều có thể giải thích bằng sự tương tác giữa các nguyên tố và các lực thiên nhiên khác nhau.
Empedocles tin rằng mắt chứa đất, không khí, nước, và lửa như mọi vật khác trong thiên nhiên. Do đó, “đất” trong mắt tôi sẽ cảm nhận những thứ thuộc về đất ở xung quanh tôi, “khí” cảm nhận những gì thuộc về khí, “lửa” cảm nhận lửa, và “nước” cảm nhận nước. Nếu mắt tôi thiếu một trong bốn nguyên tố, tôi sẽ không nhìn thấy đầy đủ thế giới.
Chút gì của mọi vật trong mỗi vật
Anaxagoras (500-428 t.Cn) là một triết gia khác, ông không thể đồng ý rằng một chất cơ bản nào đó, chẳng hạn nước, có thể biến đổi thành mọi vật mà ta thấy trong thế giới tự nhiên. Ông cũng không công nhận rằng đất, không khí, nước, và lửa có thể biến thành xương và máu.
Anaxagoras cho rằng thiên nhiên được xây dựng từ vô số các hạt nhỏ xíu mắt thường không nhìn thấy. Hơn nữa, mọi thứ đều có thể chia thành các phần nhỏ hơn, nhưng ngay cả trong những phần nhỏ nhất cũng có những mảnh của tất cả các vật khác. Ông cho rằng, nếu da và xương không phải do vật khác biến đổi thành, thì phải có da và xương trong sữa ta uống và trong thực phẩm ta ăn.
Có lẽ một số ví dụ hiện đại có thể minh họa dòng tư duy của Anaxagoras. Công nghệ laser hiện đại có thể tạo ra ảnh ba chiều. Nếu một ảnh ba chiều chụp một chiếc ô tô được chia nhỏ, ta sẽ nhìn thấy một bức tranh đầy đủ của cả chiếc xe ngay cả khi ta chỉ có phần ảnh cái cản đầu xe. Đó là bởi vì toàn bộ chủ thể hiện diện trong từng phần nhỏ xíu.
Theo một nghĩa nào đó, cơ thể chúng ta cũng được xây dựng theo cùng một kiểu. Nếu tôi bong một chút tế bào da từ ngón tay, nhân tế bào đó không chỉ chứa đặc điểm về da của tôi mà nó còn cho biết màu mắt, màu tóc và kiểu ngón tay của tôi, vân vân. Mỗi tế bào của con người đều mang thông tin về cấu tạo của tất cả các tế bào khác. Vậy, có một chút gì đó của tất cả trong từng tế bào đơn lẻ. Cái toàn thể hiện hữu trong từng phần nhỏ xíu.
Anaxagoras gọi các hạt nhỏ xíu chứa một phần của mọi vật là các hạt mầm.
Nhớ lại rằng Empedocles đã cho rằng “tình yêu” là cái đã kết nối các nguyên tố lại với nhau trong các cơ thể đầy đủ. Anaxagoras còn hình dung “trật tự” là một dạng sức mạnh tạo ra động vật và con người, hoa cỏ và cây cối. Ông gọi sức mạnh này là năng lực tâm thức hay trí tuệ (nous).
Anaxagoras còn rất đáng chú ý vì ông là nhà triết học đầu tiên ở Athens mà ta biết. Ông xuất thân từ vùng Tiểu Á nhưng chuyển đến sống tại Athens khi ông khoảng bốn mươi tuổi. Sau đó, ông bị kết tội vô thần và bị buộc rời khỏi thành phố. Một trong những lý do đó là ông đã tuyên bố Mặt Trời không phải một vị thần mà chỉ là một hòn đá nóng đỏ lớn hơn toàn bộ bán đảo Peloponnese[2].
Anaxagoras rất quan tâm đến thiên văn học. Ông tin rằng mọi thiên thể đều có cấu tạo giống Trái Đất. Ông đi đến kết luận này sau khi nghiên cứu một mảnh thiên thạch. Điều này cho ông ý tưởng rằng có thể có con người sống trên các hành tinh khác. Ông cũng chỉ ra rằng Mặt Trăng không tự phát sáng, ông khẳng định rằng ánh sáng của nó bắt nguồn từ Trái Đất. Ông cũng đã nghĩ ra một cách giải thích về hiện tượng nhật thực.
TB. Cảm ơn em đã chú ý theo dõi, Sophie à. Có thể em sẽ phải đọc chương này vài lần trước khi hiểu hết. Nhưng hiểu hết luôn đòi hỏi cố gắng. Có lẽ em sẽ không khâm phục một người bạn giỏi tất cả mọi thứ nhưng lại chẳng cần phải cố gắng gì.
Đáp án tốt nhất cho câu hỏi về chất cơ bản và những biến đổi trong thiên nhiên phải đợi đến ngày mai, khi em gặp Democritus. Tôi dừng ở đây!
Sophie ngồi trong hốc, nhìn ra vườn qua một cái lỗ nhỏ xíu trong bụi rậm. Cô phải sắp xếp lại các suy nghĩ sau tất cả những gì vừa đọc.
Rõ như ban ngày rằng nước thông thường không bao giờ có thể biến thành cái gì ngoài băng hay hơi nước. Nước lại càng không thể biến thành dưa hấu cho dù nhiều ngôn ngữ gọi dưa hấu là “dưa nước” (watermelon), vì dưa hấu không chỉ gồm có nước. Nhưng cô biết chắc điều đó chỉ vì đó là những gì cô đã được học. Liệu cô có thể hoàn toàn chắc chắn rằng băng chỉ gồm toàn nước hay không nếu không phải cô đã được dạy như vậy? Ít nhất, chắc hẳn cô sẽ phải nghiên cứu rất kỹ nước đông thành nước đá và lại tan ra như thế nào.
Một lần nữa, Sophie cố suy nghĩ theo cách của riêng mình, tránh nghĩ về những gì cô đã học từ người khác.
Parmenides đã từ chối công nhận ý niệm về sự biến đổi ở bất kỳ dạng nào. Càng nghĩ, cô càng thấy rằng ông ta có lý theo một nghĩa nào đó. Trí tuệ của ông đã không thể chấp nhận rằng “cái gì đó” có thể bỗng nhiên biến thành một “cái gì đó hoàn toàn khác”. Phải dũng cảm lắm mới có thể đứng lên và nói ra điều đó. Bởi nó tương đương với việc phủ nhận mọi sự thay đổi trong thiên nhiên mà ai cũng có thể tự nhìn thấy. Chắc hẳn ông đã bị rất nhiều người cười nhạo.
Và Empedocles hẳn đã rất thông minh khi ông chứng minh rằng thế giới phải bao gồm nhiều hơn một chất. Điều đó làm cho các biến đổi của thiên nhiên là có thể mà không có cái gì phải thực sự thay đổi.
Nhà triết học cổ Hy Lạp đã nghĩ ra điều đó chỉ bằng lý luận. Tất nhiên, ông đã nghiên cứu thiên nhiên. Nhưng ông không có các dụng cụ để phân tích hoá học như các nhà khoa học hiện đại.
Sophie không rõ cô có thực sự tin rằng nguồn gốc thực sự của mọi vật có phải là đất, không khí, nước và lửa hay không. Nhưng dù sao thì điều đó có quan trọng gì? Về nguyên tắc, Empedocles đã đúng. Cách duy nhất để chấp nhận những biến đổi mà ta nhìn thấy bằng mắt mình mà không để mất lý luận của bản thân, đó là chấp nhận sự tồn tại của nhiều hơn một chất cơ bản.
Sophie thấy môn triết học thú vị gấp đôi, vì nó có thể theo dõi các tư tưởng bằng tư duy của chính mình mà không phải nhớ mọi điều cô đã học ở trường. Cô kết luận triết học không phải cái mà ta có thể học, mà là ta có thể học cách tư duy theo kiểu triết học.