Thế giới của Sophie

Chương 21: Locke

… trần trụi và trống trơn như một tấm bảng đen trước khi thầy giáo đến…

Sophie về đến nhà lúc 8 giờ rưỡi. Muộn một tiếng rưỡi so với thỏa thuận - thực ra không hẳn là thỏa thuận. Cô chỉ bỏ bữa tối và để lại một mảnh giấy cho mẹ nói rằng cô sẽ về không muộn hơn 7 giờ.

“Chuyện này phải chấm dứt thôi Sophie à. Mẹ đã phải gọi điện cho trung tâm thông tin để hỏi xem họ có hồ sơ về ai đó tên là Alberto ở khu phố Cổ không. Họ cười vào mũi mẹ.”

“Con không thể dứt ra được. Con nghĩ là bọn con sắp đi đến một bước đột phá trong một chuyện đại bí hiểm.”

“Vớ vẩn!”

“Thật mà!”

“Con đã mời ông ấy đến dự tiệc chưa?”

“Ôi chưa, con quên mất.”

“Mẹ nhất định phải gặp ông ta. Muộn nhất là ngày mai. Một cô bé gặp gỡ một người đàn ông lớn tuổi kiểu này chẳng bình thường tí nào.”

“Mẹ không phải lo ngại về Alberto đâu. Bố của Hilde còn đáng ngại hơn.”

“Hilde là ai?”

“Con gái của người đàn ông ở Lebanon. Ông ta tệ lắm. Ông ta có lẽ đang điều khiển cả thế giới.”

“Nếu con không nhanh giới thiệu Alberto với mẹ, mẹ sẽ không cho phép con gặp ông ta nữa. Chừng nào mẹ chưa biết mặt mũi ông ta như thế nào, mẹ sẽ không thể cảm thấy yên tâm được.”

Sophie nảy ra một ý tưởng tuyệt vời, cô lao lên phòng.

“Con sao vậy?” mẹ cô gọi với theo.

Sophie quay xuống trong nháy mắt.

“Một phút nữa, mẹ sẽ biết ông ta trông như thế nào. Và sau đó, con hy vọng mẹ sẽ để cho con yên.”

Cô vẫy vẫy chiếc băng video và đi về phía máy VCR.

“Ông ta cho con băng video à?”

“Từ Athens…”

Những hình ảnh về Acropolis nhanh chóng hiện ra trên màn hình. Mẹ cô ngồi chết lặng khi Alberto tiến đến gần và bắt đầu nói với Sophie.

Bây giờ, Sophie nhận ra một điều cô đã quên mất. Acropolis tràn ngập khách du lịch đi lại lộn xộn thành từng nhóm. Một cái áp phích nhỏ được giương lên từ giữa một nhóm. Trên đó ghi chữ HILDE… Alberto tiếp tục đi lòng vòng trên Acropolis. Một lúc sau, ông đi xuống theo đường vào và leo lên đồi Areopagos, nơi Paul đã đứng nói chuyện với dân chúng thành Athens. Rồi ông tiếp tục nói chuyện với Sophie từ quảng trường.

Mẹ cô ngồi bình luận đoạn phim bằng những câu đứt đoạn.

“Thật không thể tin được… Alberto đấy à? Ông ấy lại nói đến con thỏ trắng nữa… Nhưng, phải rồi, ông ấy đang nói với con thật. Mẹ không biết Paul đã đến Athens…”

Phim đang gần đến đoạn Athens cổ bất ngờ nổi lên từ đống đổ nát. Sophie không kịp dừng băng vào phút cuối cùng. Cô đã cho mẹ xem Alberto, không cần phải giới thiệu thêm Plato với mẹ nữa.

Căn phòng lặng thinh.

“Mẹ thấy ông ấy như thế nào? Ông ấy trông được đấy chứ?” Sophie đùa.

“Ông này lạ thật, quay phim ở Athens chỉ để gửi cho một cô bé hầu như không quen biết. Ông ấy ở Athens hồi nào vậy?”

“Con chịu.”

“Có điều này…”

“Gì cơ ạ?”

“Ông ấy trông rất giống ông thiếu tá người đã từng ở căn nhà nhỏ trong rừng.”

“Có khi chính ông ta đấy mẹ ạ.”

“Nhưng 15 năm nay không có ai nhìn thấy ông ta.”

“Có thể ông ấy đã đi nhiều nơi… đến Athens chăng.”

Mẹ cô lắc đầu. Hồi năm bảy mấy, khi mẹ nhìn thấy ông ta, ông ấy trông chẳng trẻ hơn trong phim tí nào. Ông ta có cái tên nghe như tiếng nước ngoài…”

“Knox?”

“Có thể. Có thể tên ông ấy là Knox.”

“Hay là Knag?”

“Chịu, mẹ không thể nhớ được… con đang nói về Knox hay Knag nào vậy?”

“Một là Alberto, tên kia là bố của Hilde.”

“Con làm mẹ chóng cả mặt.”

“Nhà còn gì ăn được không ạ?”

“Còn thịt viên. Con có thể hâm nóng lại.”

“Đúng hai tuần đã trôi qua mà Sophie không nhận được tin tức gì của Alberto. Cô nhận được thêm một tấm thiệp sinh nhật cho Hilde. Nhưng dù ngày sinh đã đến gần, cô vẫn chưa nhận được một tấm thiệp nào cho mình.

Một buổi chiều, cô đến khu phố Cổ và gõ cửa nhà Alberto. Ông không có ở nhà, nhưng có một mẩu giấy nhỏ đính trên cửa. Mẩu giấy ghi:

Chúc mừng sinh nhật, Hilde! Bước ngoặt lớn đang đến gần. Khoảnh khắc của chân lý, con gái bé bỏng. Mỗi lần nghĩ đến chuyện đó, bố không thể nhịn được cười. Dĩ nhiên, nó có liên quan đến Berkeley. Con hãy giữ chặt mũ của mình nhé!

Sophie giật mẩu giấy ra khỏi cánh cửa, rồi nhét vào hộp thư của Alberto khi cô đi ra.

Quỷ thật! Chắc ông ấy chưa quay lại Athens chứ? Làm sao ông ta có thể bỏ cô lại với bao nhiêu là câu hỏi chưa được trả lời?

Ngày 14 tháng sáu, khi cô từ trường về nhà, Hermes đang nô đùa trong vườn. Sophie chạy về phía con chó còn nó sung sướng nhảy cỡn về phía cô. Sophie ôm choàng lấy con chó như thể nó là người duy nhất có thể giải được mọi điều bí ẩn.

Cô lại viết một mẩu giấy cho mẹ, nhưng lần này cô đề thêm địa chỉ của Alberto.

Trên đường đi xuyên thành phố, cô nghĩ về ngày mai. Chẳng nghĩ về mấy ngày sinh của cô, vì dù sao đến tận tối ngày Hội Mùa Hè thì tiệc mới được tổ chức. Mà vì mai còn là sinh nhật của Hilde nữa. Sophie tin rằng, một điều phi thường sẽ xảy ra. Ít nhất sẽ là kết thúc của những tấm thiệp sinh nhật từ Lebanon.

Khi đi qua Quảng Trường Chính và hướng về Khu Phố Cổ, họ đi qua một vườn hoa có sân chơi. Hermes dừng lại cạnh một cái ghế băng như thể nó muốn Sophie ngồi xuống.

Cô làm theo. Khi cô xoa đầu con chó và nhìn vào mắt nó. Con chó bỗng rùng mình rất mạnh. Nó sắp sủa, Sophie nghĩ.

Rồi hàm Hermes bắt đầu rung, nhưng nó không gầm gừ, cũng chẳng sủa. Nó há mõm và nói:

“Chúc mừng sinh nhật Hilde!”

Sophie chết lặng. Có phải con chó vừa nói với cô? Không thể được, chắc là cô đã tưởng tượng ra chuyện đó, vì cô đang nghĩ về Hilde. Nhưng sâu trong lòng, cô lại tin rằng Hermes đã nói, và nó nói bằng một giọng trầm âm vang.

Một giây sau, mọi thứ lại như trước. Hermes thể hiện mấy tiếng sủa - như thể để che giấu thực tế là nó đã nói bằng tiếng người - rồi chạy lon ton lên trước, về hướng nhà Alberto. Khi họ vào nhà, Sophie ngẩng lên nhìn trời. Bao lâu nay thời tiết vẫn đẹp, nhưng hôm nay, những đám mây nặng nề bắt đầu tụ lại ở phía xa.

Alberto vừa mở cửa, Sophie kêu lên:

“Không cần lịch sự có được không ạ? Thầy là đồ đại ngốc, và thầy biết thế.”

“Giờ là chuyện gì vậy?”

“Ông thiếu tá dạy Hermes nói!”

“À, vậy là đã đến nước đó rồi.”

“Vâng, thầy thử tưởng tượng mà xem!”

“Thế nó nói gì?”

“Cho thầy ba lần đoán.”

“Chắc là nó nói cái gì đó đại loại như Chúc mừng Sinh nhật!”

“Chuẩn!”

Alberto đưa Sophie vào. Ông lại mặc một bộ phục trang khác. Nó không khác lắm so với lần trước, nhưng hôm nay hầu như không có dải viền, nơ, hay đăng-ten.

“Nhưng còn nữa,” Sophie nói.

“Em định nói gì?”

“Thầy có tìm thấy mẩu giấy trong hộp thư không?”

“À, cái đó. Tôi vứt luôn rồi.”

“Cho ông ấy tha hồ cười mỗi khi nghĩ đến Berkeley, em chẳng quan tâm. Nhưng nhà triết học đó có gì buồn cười đến vậy?”

“Ta sẽ phải đợi xem.”

“Nhưng hôm nay là ngày thầy sẽ nói về ông ta đúng không ạ?”

“Đúng vậy, hôm nay.”

Alberto dựa mình thoải mái trên đi văng. Rồi ông nói:

“Lần trước, tôi đã nói về Descartes và Spinoza. Chúng ta đã đồng ý rằng họ có một điểm chung quan trọng, đó là cả hai đều theo chủ nghĩa duy lý.”

“Và người theo chủ nghĩa duy lý là người tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của lý luận.”

“Đúng vậy, một người theo chủ nghĩa duy lý tin vào lý tính như là nguồn gốc chính yếu của tri thức, và ông ta có thể còn tin rằng con người có một số ý niệm bẩm sinh nhất định có sẵn trong tâm thức trước mọi kinh nghiệm. Và các ý niệm càng rõ ràng thì ta càng chắc chắn rằng chúng tương ứng với thực tại. Em hãy nhớ lại Descartes đã có một ý niệm rõ ràng và xác thực về một “thực thể hoàn hảo” như thế nào, và trên cơ sở đó, ông đã kết luận rằng Chúa Trời tồn tại.”

“Em không đến nỗi chóng quên thế đâu thầy.”

“Lập luận duy lý kiểu này là đặc điểm của các nhà triết học thế kỷ XVII. Nó còn có gốc rễ vững chãi từ thời Trung Cổ, và ta còn nhớ nó đã có từ thời Plato và Socrates. Nhưng đến thế kỷ XVIII, nó là đối tượng của một sự phê phán sâu sắc ngày càng cao. Một loạt các nhà triết học cho rằng trong tâm thức của ta hoàn toàn chẳng có cái gì mà ta chưa từng trải nghiệm nó bằng các giác quan. Quan điểm kiểu này được gọi là chủ nghĩa kinh nghiệm.”

“Và hôm nay thầy sẽ nói về họ, những nhà kinh nghiệm chủ nghĩa?”

“Đúng vậy. Những nhà kinh nghiệm chủ nghĩa - hay các nhà triết học kinh nghiệm - quan trọng nhất là Locke, Berkeley, và Hume, cả ba đều là người Anh. Các nhà triết học duy lý đứng đầu của thế kỷ XVII là Descartes, người Pháp; Spinoza, người Hà Lan; và Leibniz, người Đức. Vậy nên người ta thường phân biệt giữa chủ nghĩa kinh nghiệm Anh và chủ nghĩa duy lý Châu Âu.”

“Một đống từ khó hiểu! Thầy có thể nhắc lại nghĩa của từ chủ nghĩa kinh nghiệm được không ạ?”

“Một nhà kinh nghiệm chủ nghĩa sẽ rút ra mọi tri thức về thế giới từ những gì các giác quan cho ta biết. Phát biểu kinh điển về cách tiếp cận theo lối kinh nghiệm là của Aristotle. Ông nói: Không có gì trong tâm thức ngoại trừ những thứ bắt nguồn từ những gì ta nhận được từ các giác quan. Quan điểm này ngụ ý một sự phê phán trực tiếp đối với Plato, người đã cho rằng con người mang theo một tập hợp các “ý niệm” bẩm sinh từ thế giới ý niệm. Locke nhắc lại lời của Aristotle, nhưng ông dùng chúng để nhằm vào Descartes.”

“Không có gì trong tâm thức… ngoại trừ những gì trước hết đã có từ các giác quan?”

“Chúng ta không có ý tưởng hay khái niệm gì về thế giới ta được đưa đến, trước khi ta nhìn thấy thế giới đó. Nếu ta có một khái niệm hay ý niệm nào đó mà nó không thể gắn với các thực tế đã được trải nghiệm, thì đó phải là một khái niệm sai. Ví dụ, khi ta dùng các từ như “Chúa Trời”, “vĩnh cửu” hay “chất”, thì lý tính đang bị sử dụng sai vì chưa có ai đã từng trải nghiệm Chúa Trời, sự vĩnh cửu hay cái mà các nhà triết học gọi là chất. Như vậy, người ta có thể viết nhiều luận thuyết uyên bác mà trong đó thực ra không chứa một khái niệm nào thật sự mới. Một hệ thống triết học được xây dựng tài tình như vậy có thể nghe rất ấn tượng nhưng thực ra chỉ là tưởng tượng thuần túy. Các nhà triết học thế kỷ XVII, XVIII đã thừa hưởng một loạt các bài luận uyên bác. Và bây giờ, chúng phải được xem xét lại dưới kính hiển vi. Chúng phải được lọc bỏ mọi khái niệm trống rỗng. Ta có thể so sánh với việc đãi cát tìm vàng. Phần lớn những gì đào lên là cát và đất sét, nhưng trong đó, em nhìn thấy ảnh phản chiếu của những hạt vàng.”

“Và những hạt vàng đó là kinh nghiệm thực sự?”

“Hay ít ra cũng là các suy nghĩ có thể được liên hệ với kinh nghiệm. Đối với các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa Anh, việc xem xét kỹ lưỡng mọi khái niệm của con người để xem chúng có được đặt cơ sở trên các trải nghiệm thực tế hay không đã trở nên vấn đề có tầm quan trọng lớn lao. Nhưng ta hãy nói về từng nhà triết học một.”

“Nào!”

“Đầu tiên là nhà triết học người Anh John Locke. Ông sinh năm 1632 và mất năm 1704. Tác phẩm chính của ông là Luận về sự Hiểu biết của Con người [16], xuất bản năm 1690. Trong đó ông đã cố gắng làm sáng tỏ hai câu hỏi. Thứ nhất, chúng ta lấy các ý niệm của mình từ đâu, và thứ hai, chúng ta có thể tin vào những gì các giác quan mách bảo hay không.”

“Tầm cỡ thật!”

“Ta sẽ xét từng câu hỏi một. Locke cho rằng mọi suy nghĩ và ý niệm của ta đều xuất phát từ những gì ta thu được từ các giác quan. Khi ta còn chưa nhận thức bất cứ điều gì, tâm thức là một “tabula rasa” - hay tấm bảng viết trống trơn.”

“Thầy có thể bỏ qua tiếng Latin được đấy ạ.”

“Trước khi ta bắt đầu cảm nhận, tâm thức trần trụi và trống trơn như một cái bảng đen trước khi thầy giáo vào lớp. Locke còn so sánh tâm thức với một căn phòng chưa có đồ đạc. Nhưng khi ta cảm nhận sự vật, ta nhìn thế giới xung quanh, ta ngửi, nếm, sờ và nghe thấy. Không ai làm việc này nhiều bằng trẻ sơ sinh. Bằng cách này, xuất hiện cái mà Locke gọi là các ý niệm cảm giác đơn giản. Nhưng tâm thức không chỉ tiếp nhận thông tin từ bên ngoài một cách thụ động. Một số hoạt động khác cũng xảy ra trong đó. Các ý niệm cảm giác đơn được xử lý qua các hoạt động suy nghĩ, lập luận, tin tưởng và nghi ngờ, từ đó sinh ra cái mà ông gọi là phản ánh. Như vậy, ông phân biệt giữa “cảm giác” và “phản ánh”. Tâm thức không chỉ tiếp nhận một cách thụ động, nó phân loại và xử lý mọi cảm giác khi chúng chảy vào ào ào. Và đây chính là chỗ người ta phải cảnh giác.”

“Cảnh giác?”

“Locke nhấn mạnh rằng những cái duy nhất mà ta có thể tri giác được là các cảm giác đơn. Thí dụ, khi ăn một quả táo, ta không cảm nhận cả quả táo bằng một cảm giác. Thực tế, ta nhận được một loạt các cảm giác đơn - chẳng hạn, một thứ màu xanh, mùi mát, có nhiều nước và vị sắc. Chỉ sau khi đã ăn táo nhiều lần, ta mới nghĩ: mình đang ăn “táo”. Nói theo kiểu của Locke, ta đã thành lập một ý niệm phức về một “quả táo”. Khi ta còn bé xíu, lần đầu nếm táo ta không có ý niệm phức đó. Thay vào đó, ta thấy một thứ màu xanh, ta ăn thấy vị mát, ngon và có nhiều nước… Nó còn hơi chua nữa. Từng ít một, ta kết hợp nhiều cảm giác đơn tương tự lại với nhau và hình thành các khái niệm như “táo”, “lê”, “cam”. Nhưng trong phân tích cuối cùng thì mọi chất liệu cho tri thức của ta về thế giới đều đến với ta từ các cảm giác. Do vậy, những tri thức không thể được lần ngược về các cảm giác đơn là các tri thức sai và phải bị loại bỏ.”

“Dù thế nào thì ta cũng có thể chắc chắn là những gì ta nhìn thấy, nghe thấy, nếm được và sờ thấy đều đúng như ta cảm nhận được.”

“Vừa đúng vừa sai. Và điều đó đưa chúng ta đến với câu hỏi thứ hai mà Locke đã cố gắng trả lời. Đầu tiên, ông đã trả lời câu hỏi các ý niệm của chúng ta là ở đâu ra. Bây giờ, ông đặt câu hỏi có phải thế giới thực sự giống như chúng ta tri giác được hay không. Điều này cũng không hiển nhiên lắm, em biết đấy, Sophie à. Chúng ta không được nhảy đến kết luận. Đó là điều duy nhất mà một nhà triết học chân chính không bao giờ được làm.”

“Em có nói gì đâu.”

“Locke phân biệt giữa cái mà ông gọi là tính chất “sơ cấp" và tính chất “thứ cấp”. Và ở đây, ông thừa nhận lòng biết ơn đối với các triết gia lớn trước thời ông - trong đó có Descartes.

“Với ông, tính chất sơ cấp có nghĩa là phần mở rộng, khối lượng, chuyển động và số lượng, v.v… Khi đặt câu hỏi về các tính chất này, ta có thể chắc chắn rằng các giác quan mô phỏng chúng một cách khách quan. Nhưng chúng ta cũng cảm nhận được các tính chất khác của sự vật. Ta nói rằng một cái gì đó ngọt hoặc chua, xanh hoặc đỏ, nóng hoặc lạnh. Locke gọi đó là các tính chất thứ cấp. Các cảm giác thuộc kiểu này - màu sắc, mùi vị, âm thanh - không mô phỏng các tính chất cố hữu trong chính các sự vật. Chúng chỉ mô phỏng hiệu ứng của thực tại bên ngoài đối với các giác quan của ta.”

“Nói cách khác, nó tùy gu của từng người.”

“Chính xác. Ai cũng có thể đồng ý về các tính chất sơ cấp như kích thước, khối lượng vì chúng nằm trong chính các đối tượng. Nhưng các tính chất khác như màu sắc và mùi vị có thể khác nhau giữa người này với người khác, giữa con thú này với con thú khác, tùy theo bản chất cảm giác của từng cá thể.”

“Khi Joanna ăn cam, mặt bạn ấy nhăn nhó như người khác ăn chanh. Và bạn ấy không ăn được quá một múi. Bạn ấy kêu chua. Còn em thì thường thấy chính quả cam đó ngon và ngọt.”

“Và cả hai chẳng có ai đúng hay sai. Các em chỉ miêu tả tác động của quả cam lên cảm giác của mình. Cũng giống như cảm giác về màu sắc. Có thể em không thích một sắc đỏ nào đó. Nhưng nếu Joanna mua một chiếc váy có màu đỏ, khôn ngoan nhất là không nói ra quan điểm của mình. Hai người cảm nhận về màu sắc một cách khác nhau, còn nó chẳng đẹp cũng chẳng xấu.”

“Nhưng ai cũng có thể đồng ý rằng quả cam hình tròn.”

“Đúng vậy, nếu em có một quả cam hình tròn, em không thể “nghĩ" rằng nó hình vuông. Em có thể “nghĩ” rằng nó nặng đến 8kg trong khi nó chỉ nặng có 200g. Tất nhiên, em có thể “tin” rằng nó nặng vài kilo, nhưng khi đó thì em sai toét. Nếu vài người phải đoán khối lượng của một vật, chắc chắn có một người trong số đó đoán đúng hơn những người còn lại. Chuyện tương tự cũng đúng đối với số lượng. Hoặc trong hộp có đúng 986 hạt đậu, hoặc không phải như vậy. Chuyển động cũng vậy. Hoặc là chiếc xe đang chuyển động, hoặc nó đang đứng yên.”

“Em hiểu rồi.”

“Như vậy, đối với câu hỏi về thực tại “mở rộng”, Locke đồng ý với Descartes rằng có những tính chất nhất định mà con người có thể hiểu được bằng lý tính.”

“Để công nhận điều đó đâu có khó khăn đến vậy.”

“Locke thừa nhận cái mà ông gọi là tri thức trực giác, hay “trực quan”, trong cả các lĩnh vực khác nữa. Ví dụ, ông khẳng định rằng có những nguyên tắc đạo đức áp dụng cho tất cả mọi người. Nói cách khác, ông tin vào tư tưởng về một lẽ phải tự nhiên, đó là một đặc điểm duy lý trong tư duy của ông. Một đặc điểm không kém phần duy lý khác đó là Locke tin rằng khả năng nhận biết về sự tồn tại của Chúa Trời là cái vốn có trong lý tính con người.”

“Có lẽ ông ta đúng.”

“Về cái gì?”

“Rằng Chúa Trời tồn tại.”

“Tất nhiên, điều đó là có thể. Nhưng ông đã không để nó dựa vào đức tin. Ông tin rằng ý niệm về Chúa là bẩm sinh trong lý tính của con người. Đó là một đặc điểm duy lý. Tôi nên nói thêm rằng ông đã lên tiếng ủng hộ sự khoan dung và tự do tri thức. Ông cũng bận tâm với vấn đề bình đẳng nam nữ, ông cho rằng vị thế nhược tiểu của phụ nữ trước nam giới là “nhân tạo”. Và do đó nó có thể được thay đổi.”

“Locke là một trong những nhà triết học đầu tiên trong thời đại không xa lắm quan tâm đến các vai trò giới tính. Ông đã có ảnh hưởng lớn đối với John Stuart Mill, người mà đến lượt mình đã đóng một vai trò then chốt trong cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Tóm lại, Locke là một người tiên phong cho nhiều tư tưởng tự do mà về sau đã nở rộ trong thời kỳ Khai Sáng Pháp vào thế kỷ XVIII. Ông chính là người đầu tiên ủng hộ nguyên tắc phân chia quyền lực...”

“Có phải ý thầy muốn nói về chuyện quyền lực của một quốc gia được phân chia giữa các cơ quan quyền lực không ạ?”

“Em có nhớ những cơ quan nào không?”

“Cơ quan lập pháp hay các đại diện được bầu cử. Cơ quan tư pháp hay tòa án. Và cơ quan hành pháp, đó là chính phủ.”

“Sự phân chia quyền lực này xuất phát từ Montesquieu, nhà triết học Khai Sáng người Pháp. Trước đó, Locke đã nhấn mạnh rằng nếu muốn tránh sự độc tài thì quyền lập pháp và quyền hành pháp phải được tách riêng. Montesquieu sống vào thời vua Louis XIV, người nắm trong tay toàn bộ quyền lực. Louis đã nói “Trẫm là nhà nước”. Ta nói rằng ông là một nhà cầm quyền “tuyệt đối”. Ngày nay, ta có thể coi luật lệ của Louis XIV là vô luật và độc đoán. Quan điểm của Locke là để đảm bảo một nhà nước hợp pháp, các đại diện của nhân dân phải làm ra luật còn vua hay chính quyền phải thi hành các điều luật đó.”