…Chúa Trời không phải là một nghệ sĩ múa rối…
Họ yên lặng một lúc lâu. Rồi Sophie mở đầu, cố kéo tâm trí Alberto ra khỏi những gì vừa xảy ra.
“Descartes hẳn là một người kỳ quặc. Ông có nối tiếng không ạ ?”
Alberto hít thở sâu một vài giây trước khi trả lời: “Ông ta đã có ảnh hưởng rất lớn. Có lẽ đã có ảnh hưởng lớn nhất đối với một nhà triết học vĩ đại khác - Baruch Spinoza, người đã sống trong khoảng thời gian từ năm 1632 đến 1677”.
“Có phải thầy sắp kể cho em nghe về ông ấy không ạ ?”
“Đúng là tôi định như vậy. Và chúng ta sẽ không bị ngắt quãng bởi các khiêu khích quân sự”.
“Em đang nghe đây”.
“Spinoza thuộc về cộng đồng Do Thái ở Amsterdam. Nhưng ông đã bị rút phép thông công vì tội tà giáo. Ngay cả sau này, ít có nhà triết học nào bị trừng phạt nặng vì tư tưởng của mình như ông. Chuyện xảy ra là vì ông đã phê phán các tôn giáo đã được chính thức hóa. Ông tin rằng Ki Tô giáo và Do Thái giáo tồn tại được chỉ là nhờ vào tín lý cứng nhắc và các nghi lễ bề ngoài. Ông là người đầu tiên áp dụng cái ta gọi là sự giải nghĩa mang tính lịch sử phê phán về Kinh Thánh”.
“Thầy giải thích đi ạ”.
“Ông phủ nhận rằng Kinh Thánh đã được linh ứng bởi Chúa Trời đến từng chi tiết. Ông nói rằng khi đọc Kinh Thánh, ta phải liên tục lưu ý đến thời đại mà nó được viết ra. Đọc theo kiểu ‘phê phán’ như cách ông đề ra sẽ làm lộ ra nhiều điểm không thống nhất trong nội dung. Nhưng ở sâu trong những lời kinh Tân Ước là Jesus, người có thể được gọi là phát ngôn viên của Chúa Trời. Như vậy, học thuyết của Jesus thể hiện một sự giải phóng ra khỏi Do Thái giáo chính thông. Jesus thuyết giáo về một ‘tôn giáo của lý tính’, nó đánh giá tình yêu cao hơn mọi thứ khác. Spinoza giải thích rằng đó là cả tình yêu Chúa Trời và tình yêu nhân loại. Tuy nhiên, Ki Tô giáo cũng đã trở nên đóng kín trong các giáo điều cứng nhắc và các nghi lễ bề ngoài của nó”.
“Em không cho rằng điều này dễ nuốt đối với các nhà thờ Ki Tô giáo hay Do Thái giáo”.
“Khi mọi chuyện trở lên thực sự nghiêm trọng, Spinoza thậm chí bị chính gia đình ông từ bỏ. Họ cố truất quyền thừa kế của ông dựa vào tội danh tà giáo. Nhưng nghịch lý là ở chỗ: Ít người phát biểu về tự do ngôn luận và bao dung tôn giáo mạnh mẽ được như ông. Sự phản đối mà ông gặp phải từ mọi phía đưa ông đến chỗ theo đuổi một cuộc sống ẩn cư yên tĩnh và dành hoàn toàn tâm ý cho triết học. Ông sống một cuộc sống nghèo khổ bằng nghề mài kính, một vài thấu kính trong số đó đã trở thành tài sản của tôi”.
“Thật ấn tượng!”
“Việc ông sống bằng nghề mài kính gần như có một ý nghĩa biểu tượng. Một nhà triết học phải giúp mọi người nhìn cuộc sống từ một góc độ mới. Một trong những trụ cột của triết học Spinoza chính là nhìn sự vật từ góc độ của vĩnh cửu”.
“Góc độ vĩnh cửu ?”
“Đúng vậy, Sophie à. Em có cho là em có thể hình dung được cuộc đời của em trong một hoàn cảnh vũ trụ không ? Em sẽ phải thử hình dung bản thân em và cả cuộc đời em trong một khoảnh khắc…”
“Hừm…Chẳng dễ chút nào”.
“Lưu ý rằng em chỉ đang sống một phần tí xíu trong sự sống của cả thiên nhiên. Em là một phần của cái toàn thế vĩ đại”.
“Chắc là em đã hiểu ý thầy…”
“Em có thể cảm thấy nó không ? Em có thể tri giác được cả thiên nhiên, hay thực ra là cả vũ trụ, trong một nháy mắt không ?“
“Em nghi ngờ lắm. Chắc em cần mấy cái thấu kính”.
“Tôi không có ý chỉ nói về sự vô tận của không gian. Tôi muốn nói về cả sự vĩnh cửu của thời gian nữa. Ngày xửa ngày xưa, ba mươi nghìn năm trước, có một cậu bé sống ở thung lũng sông Rhine, cậu là một phần nhỏ xíu của thiên nhiên, một gợn sóng tí xíu trên biển cả vô tận. Cả em nữa, Sophie à, em cũng đang sống một mẩu nhỏ xíu của sự sống thiên nhiên. Giữa em và cậu bé đó chẳng có gì khác nhau”.
“Ngoài trừ việc hiện giờ em đang sống”.
“Phải, nhưng đó chính là cái tôi muốn em thử hình dung. Ba mươi nghìn năm nữa, em sẽ là ai ?”
“Đó là tà giáo ạ ?”
“Không hoàn toàn…Spinoza không chỉ nói rằng mọi thứ đều là thiên nhiên. Ông đồng nhất thiên nhiên với Chúa Trời. Ông nói Chúa Trời là tất cả và tất cả là Chúa”.
“Như vậy ông ấy là người theo thuyết phiếm thần”.
“Đúng vậy. Đối với Spinoza, Chúa Trời không tạo ra thế giới để đứng bên ngoài nó. Không Chúa Trời là thế giới. Đôi khi Spinoza diễn đạt theo cách khác. Ông khẳng định rằng thế giới ở trong Chúa. Khi nói vậy, ông dẫn lời bài diễn thuyết của Thánh Paul trước những người thành Athens trên đồi Areapagos: ‘Ta sống, chuyển động và tồn tại ở trong Ngài’. Nhưng ta hãy lần theo chính những lập luận của chính Spinoza. Cuốn sách quan trọng nhất của ông là cuốn Luân lý học - Diễn giải bằng hình học [15] .
“Luân lý học - diễn giải bằng hình học ?”
“Nghe có vẻ hơi kỳ quặc đối với chúng ta. Trong triết học, luân lý học nghiên cứu về cách cư xử có đạo đức để sống một cuộc sống tốt. Ý nghĩa này cũng dùng đến khi ta nói đến luân lý học của Socrates hay Aristole chẳng hạn. Chỉ đến thời nay, luân lý học mới trở nên ít nhiều suy giảm thành một tập hợp các quy tắc sống sao để không dẫm lên chân người khác”.
“Bởi vì chỉ nghĩ về bản thân thì được coi là ích kỷ, đúng không ạ ?”
“Đại khái vậy. Khi dùng từ luân lý học, Spinoza có ý nói về cả nghệ thuật sống lẫn cách cư xử có đạo đức”.
“Kể cả như vậy…Diễn giải nghệ thuật sống bằng hình học là thế nào ?”
“Phương pháp hình học là thuật ngữ ông dùng để diễn đạt tư tưởng của mình. Chắc em còn nhớ Descartes đã muốn sử dụng phương pháp toán học cho việc tư duy triết học. Có nghĩa là một hình thức tư duy triết học được xây dựng từ các kết luận logic chặt chẽ là một phần của chính truyền thống duy lý này. Ông muốn luân lý học của mình chứng minh rằng cuộc sống của con người chịu nhiều ảnh hưởng của các quy luật phổ quát của thiên nhiên. Do đó, chúng ta phải giải thoát bản thân khỏi các cảm xúc và say mê của chúng ta. Ông tin rằng khi đó ta mới có thể tìm thấy sự hài lòng và hạnh phúc”.
“Chắc chắn là ta không bị chi phối hoàn toàn bởi các quy luật phổ quát chứ ạ ?”
“À, nắm bắt được triết học Spinoza không phải dễ. Ta hãy đi từng bước một. Chắc em còn nhớ Descartes đã tin rằng thực tại gồm có hai chất hoàn toàn phân biệt được: Tư duy và phần mở rộng”.
“Em quên thế nào được ?”
“Từ ‘chất’ có thể được giải nghĩa là ‘cái mà một vật được cấu tạo từ đó’ hay cái là bản chất của vật đó, hay vật đó có thể được suy giảm thành nó. Từ đó Descartes thực hiện việc tư duy với hai loại chất này. Mỗi thứ đều là tư duy hoặc phần mở rộng”.
“Tuy nhiên, Spinoza không chấp nhận sự phân chia đó. Ông tin rằng chỉ có một chất. Mọi thứ tồn tại đều rút gọn về được một thực tại duy nhất mà ông gọi đó là Chất. Có lúc ông lại gọi đó là Chúa Trời hay thiên nhiên. Như vậy, Spinoza không có quan điểm nhị nguyên về thực tại như Descartes. Ta nói rằng, ông là người theo chủ nghĩa nhất nguyên. Có nghĩa là, ông rút gọn thiên nhiên và điều kiện của mọi thứ về một chất duy nhất”.
“Bất đồng quan điểm đến thế là cùng”.
“À, nhưng sự khác biệt giữa Descartes và Spinoza không sâu sắc như nhiều người khẳng định đâu. Descartes cũng chỉ ra rằng chỉ có Chúa Trời là tồn tại độc lập. Chỉ khi đồng nhất Chúa Trời với thiên nhiên thì Spinoza mới tách mình ra khỏi cả Descartes, giáo lý Ki Tô giáo và Do Thái giáo”.
“Vậy, thiên nhiên là Chúa Trời và thế là hết”.
“Nhưng khi dùng từ ‘thiên nhiên’, Spinoza không chỉ có ý nói đến thiên nhiên mở rộng. Khi nói đến Chất, Chúa Trời hay thiên nhiên, ông muốn nói đến tất cả những gì tồn tại, trong đó có cả những thứ thuộc về tinh thần”.
“Nghĩa là cả phần tư duy và phần mở rộng ?”
“Chính xác! Theo Spinoza, con người chúng ta nhận biết được hai trong số các phẩm chất hay các thể hiện của Chúa Trời. Spinoza gọi các phẩm chất này là các thuộc tính của Chúa, và hai thuộc tính này đồng nhất với ‘tư duy’ và ‘phần mở rộng; của Descartes. Chúa Trời - hay thiên nhiên - thể hiện bản thân hoặc trong tư duy hoặc trong phần mở rộng. Cũng có thể, ngoài ‘tư duy’ và phần ‘mở rộng; Chúng còn có vô số các thuộc tính khác. Nhưng con người chỉ biết đến hai thuộc tính này”.
“Thế thì còn nghe được, nhưng cách diễn đạt này rắc rối quá!”
“Đúng vậy, người ta cần đến cả búa và đục để hiểu ngôn ngữ của Spinoza. Phần thưởng là cuối cùng em sẽ lôi ra được một tư tưởng trong suốt như kim cương”.
“Em không thể đợi thêm được nữa!”
“Như vậy, mọi thứ trong thiên nhiên đều là tư duy hoặc phần mở rộng. Những hiện tượng đa dạng mà ta gặp trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn một bông hoa hay một bài thơ, là những dạng thức khác nhau của thuộc tính tư duy hay mở rộng. Một ‘dạng thức’ là phong cách cụ thể mà Chất, Chúa Trời hay thiên nhiên khoác lên mình. Một bông hoa là một ‘dạng thức’ của thuộc tính mở rộng và bài thơ về chính bông hoa đó là một ‘dạng thức’ của thuộc tính tư duy. Nhưng về căn bản, cả hai đều là biểu tượng của Chất, Chúa Trời hay thiên nhiên”.
“Nghe thật rối tinh rối mù!”
“Nhưng nó thực ra không phức tạp như thoạt nghe. Đằng sau cách phát biểu chặt chẽ đó của ông là một sự nhận thức tuyệt vời mà thực ra nó đơn giản đến mức ngôn ngữ hàng ngày không thể hàm chứa được.”
“Em thà nghe ngôn ngữ hàng ngày còn hơn, nếu thầy không phản đối.”
“Thôi được. Thế thì tôi sẽ bắt đầu bằng chính em. Khi em bị đau bụng, cái gì cảm thấy đau?”
“Như thầy vừa nói đấy, em là người bị đau.”
“Được rồi. Và về sau, khi em nhớ lại rằng em đã bị đau bụng thì cái gì đã suy nghĩ?”
“Cũng là em.”
“Như vậy, em là một con người mà lúc này bị đau bụng, còn lúc sau thì ở trong trạng thái suy nghĩ. Spinoza khẳng định rằng mọi thứ vật chất và những gì xảy ra quanh ta là một biểu hiện của Chúa Trời hay thiên nhiên. Như vậy, dẫn đến kết luận là mọi suy nghĩ của chúng ta cũng là các suy nghĩ của Chúa Trời hay của thiên nhiên. Bởi vì, tất cả đều là Một. Chỉ có một Chúa Trời, một thiên nhiên hay một Chất.
“Nhưng thầy nghe này, khi em nghĩ điều gì đó thì em là người thực hiện việc suy nghĩ. Khi em cử động, em là người thực hiện chuyển động. Tại sao thầy lại phải lôi Chúa Trời vào đây?”
“Tôi thích nhiệt tình của em. Nhưng em là ai? Em là Sophie Amundsen, nhưng em cũng chỉ là biểu hiện của một cái gì đó lớn hơn vô hạn lần. Nếu em muốn, em có thể nói rằng em đang suy nghĩ và em đang cử động, nhưng em không thể nói rằng chính thiên nhiên đang nghĩ suy nghĩ của em hoặc chính thiên nhiên đang chuyển động thông qua em được sao? Đó thật sự chỉ là vấn đề em chọn thấu kính nào để nhìn qua mà thôi.”
“Có phải thầy đang nói rằng em không thể tự quyết định cho bản thân?”
“Đúng và không đúng. Em có thể có quyền xoay ngón tay cái tùy ý mình. Nhưng ngón cái của em chỉ có thể chuyển động theo bản chất tự nhiên của nó. Nó không thể nhảy khỏi bàn tay của em và múa may quanh phòng. Cũng như vậy, em cũng có chỗ của em trong cấu trúc của sự tồn tại, Sophie thân mến. Em là Sophie, nhưng em cũng là một ngón tay của cơ thể Chúa Trời.”
“Thế thì Chúa quyết định mọi hoạt động của em à?”
“Nói cách khác là thiên nhiên hay các quy luật tự nhiên. Spinoza tin rằng Chúa Trời hay các quy luật tự nhiên là nguyên nhân bên trong của mọi hiện tượng. Chúa Trời không phải là một nguyên nhân bên ngoài, vì Chúa nói thông qua các quy luật tự nhiên và chỉ qua các quy luật đó.”
“Em không thấy được rõ lắm sự khác biệt.”
“Chúa Trời không phải là một nghệ sĩ múa rối - người kéo tất cả các sợi dây điều khiển mọi sự xảy ra. Một nghệ sĩ múa rối thực thụ điều khiển các con rối từ bên ngoài và do vậy chỉ là "nguyên nhân bên ngoài” của chuyển động của các con rối. Đó không phải là cách Chúa điều khiển thế giới. Chúa điều khiển thế giới qua các quy luật tự nhiên. Do vậy, Chúa hay thiên nhiên là “nguyên nhân bên trong” của mọi hiện tượng. Điều đó có nghĩa rằng mọi sự trong thế giới vật chất xảy ra đều do tất yếu. Spinoza có quan điểm nhất định về thế giới vật chất hay thế giới tự nhiên.”
“Em nghĩ là thầy đã nói điều gì tương tự như thế rồi.”
“Có thể em đang nghĩ về các nhà triết học theo chủ nghĩa Khắc kỷ. Họ cũng cho rằng mọi chuyện xảy ra đều là tất yếu. Rằng đó là lý do cho tầm quan trọng của việc chấp nhận mọi tình huống hay nói cách khác là đối mặt với chúng một cách “khắc kỷ”. Con người không nên để mình bị cảm xúc cuốn đi. Ngắn gọn, đó cũng chính là luân lý học của Spinoza.”
“Em hiểu ý thầy rồi. Nhưng em vẫn không thích cái quan niệm rằng em không tự quyết định cho bản thân.”
“Thôi được, ta hãy đi ngược thời gian đến với một cậu bé thời Đồ Đá đã sống vào khoảng 30 nghìn năm trước. Khi cậu bé lớn lên, cậu ném lao về phía những con thú hoang, yêu một người phụ nữ, cô ấy sinh cho cậu ta những đứa con, và khác chắc chắn là cậu ta thờ cúng các vị thần của bộ lạc. Em có thực sự nghĩ rằng cậu ta tự quyết định tất cả những điều đó cho mình không?”
“Em không biết.”
“Hoặc nghĩ về một con sư tử Châu Phi. Em có cho rằng nó đã quyết định trở thành thú săn mồi hay con mồi không? Có phải vì thế mà nó tấn công một con linh dương khập khiễng không? Thay vào đó, nó có thể quyết định trở thành động vật chỉ ăn thực vật không?”
“Không, một con sư tử tuân theo bản chất tự nhiên của nó.”
“Nghĩa là tuân theo các quy luật tự nhiên. Em cũng vậy, Sophie à, vì em cũng là một phần của thiên nhiên. Tất nhiên, với sự hỗ trợ của Descartes, em có thể phản đối rằng con sư tử chỉ là một con thú mà không phải một con người tự do với các năng lực trí óc tự do. Nhưng hãy nghĩ về một em bé mới sinh, bé khóc và hét. Nếu không được bú sữa, bé sẽ mút tay. Em bé đó có ý chí tự do hay không?”
“Chắc là không.”
“Vậy thì khi nào đứa trẻ sẽ có được ý chí tự do? Hai tuổi, bé chạy quanh và chỉ trỏ tất cả những gì bé nhìn thấy. Ba tuổi, bé vòi vĩnh mẹ. Bốn tuổi, bé bỗng trở nên sợ bóng tối. Tự do là ở đâu hả Sophie?”
“Em hiểu thầy định dẫn đến đâu rồi.”
“Cô bé ấy là Sophie Amundsen, chắc chắn rồi. Nhưng cô còn sống theo các quy luật tự nhiên. Vấn đề là ở chỗ cô không nhận thấy điều đó, vì mỗi việc cô làm đều có rất nhiều lý do phức tạp.”
“Em không nghĩ là em muốn nghe tiếp nữa đâu.”
“Nhưng em phải trả lời chỉ một câu hỏi cuối cùng. Có hai cái cây bằng tuổi nhau đang mọc trong một khu vườn rộng. Một cây trồng tại một chỗ đất nhiều nắng, nhiều mùn và nhiều nước. Cây kia trồng ở chỗ đất xấu, nơi có ít ánh nắng. Theo em cây nào sẽ phát triển tốt hơn? Và cây nào sẽ cho nhiều quả hơn?”
“Hiển nhiên là cái cây nào có điều kiện sống tốt hơn.”
“Theo Spinoza, cái cây đó tự do. Nó có đầy đủ tự do để phát triển mọi khả năng tiềm tàng. Nhưng nếu nó là một cây táo, nó sẽ không thể cho quả lê hay quả mận. Điều đó cũng áp dụng cho con người chúng ta. Sự phát triển của bản thân chúng ta có thể bị hạn chế, do các điều kiện chính trị chẳng hạn. Ngoại cảnh có thể giới hạn chúng ta. Chỉ khi chúng ta được tự do phát triển các năng lực bẩm sinh, khi đó chúng ta mới có thể sống như là những bản thể tự do. Nhưng chúng ta vẫn bị định trước bởi các tiềm năng bên trong và các cơ hội bên ngoài không kém cậu bé thời Đồ Đá ở thung lũng sông Rhine, con sư tử Châu Phi hay cây táo trong vườn.”
“Thôi được rồi, coi như em chịu thầy rồi.”
“Spinoza nhấn mạnh rằng chỉ có duy nhất một bản thể là “nguyên nhân của chính mình” một cách hoàn toàn và tuyệt đối, và có thể hành động với tự do tuyệt đối. Chỉ có Chúa Trời hay thiên nhiên mới là biểu hiện của một quá trình tự do và “không tình cờ” như thế. Con người có thể đấu tranh giành tự do để thoát khỏi các ràng buộc bên ngoài, nhưng anh ta sẽ không bao giờ có được “ý chí tự do”. Chúng ta không kiểm soát được mọi chuyện xảy ra trong cơ thể mình - một dạng thức của thuộc tính mở rộng. Chúng ta cũng không “chọn” suy nghĩ của bản thân. Do vậy, con người không có một “linh hồn tự do”; nó ít nhiều bị cầm tù trong một thể xác máy móc.”
“Khó hiểu quá.”
“Spinoza nói rằng chính những tình cảm mãnh liệt của chúng ta - chẳng hạn tham vọng và ham muốn - ngăn cản chúng ta đạt được sự hài hòa và hạnh phúc thực sự, nhưng nếu nhận ra rằng mọi việc đều là tất yếu, chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết trực giác về thiên nhiên một cách toàn thể. Ta có thể đi đến một nhận thức trong sáng như pha lê rằng mọi vật đều có liên quan với nhau, thậm chí rằng tất cả đều là Một. Mục đích là để hiểu mọi vật hiện hữu trong một nhận thức bao quát tất cả. Chỉ khi đó, ta mới đạt được sự mãn nguyện và hạnh phúc thực sự. Đó là cái mà Spinoza gọi là nhìn mọi vật theo kiểu “sub specie aeternitatis”.”
“Nghĩa là gì ạ?”
“Nhìn mọi vật từ góc độ vĩnh cửu. Chẳng phải chúng ta đã bắt đầu từ đó đấy thôi?”
“Đó cũng là điểm kết thúc nữa. Em phải đi thôi.”
Alberto đứng dậy lấy một khay hoa quả to từ trên giá sách. Ông đặt nó lên bàn nước.
“Em ăn một ít hoa quả đã chứ?”
Sophie lấy một quả chuối, Alberto chọn một quả táo xanh.
Cô bẻ cuống chuối và bắt đầu bóc. Bỗng cô thốt lên:
“Ở đây có ghi chữ gì này, thầy!”
“Đâu?”
“Đây - bên trong vỏ chuối. Trông như là viết bằng bút lông.”
Sophie nhoài người giơ quả chuối cho Alberto xem. Ông đọc thành tiếng:
Lại bố đây, Hilde à. Bố ở khắp mọi nơi. Chúc mừng sinh nhật!
“Khôi hài gớm.” Sophie nói.
“Ông ta càng ngày càng mánh khóe.”
“Nhưng mà chuyện này là không thể xảy ra được… phải không ạ? Lebanon có trồng chuối không thầy?”
Alberto lắc đầu.
“Chắc chắn em sẽ không ăn cái thứ đó.”
“Thế thì vứt đi thôi. Người nào mà viết lời chúc sinh nhật cho con gái mình ở bên trong một quả chuối chưa bóc vỏ hẳn phải là người thần kinh không bình thường. Tuy nhiên, ông ta chắc phải khá là thông minh.”
“Vâng, cả hai.”
“Vậy chúng ta có nên khẳng định ngay lập tức rằng Hilde có một người cha thông minh không? Nói cách khác, ông ta không ngu ngốc lắm.”
“Đó chính là điều em vẫn nói với thầy. Và có khi chính ông ta là người hôm trước đã làm cho thầy gọi em là Hilde. Có lẽ ông ta chính là người mớm lời cho chúng ta.”
“Không có điều gì có thể loại trừ. Nhưng chúng ta nên nghi ngờ mọi chuyện.”
“Theo những gì ta đã biết, cả cuộc đời chúng ta có thể chỉ là một giấc mơ…”
“Không nên nhảy vội đến kết luận. Có thể có một lời giải thích đơn giản hơn.”
“Thế nào cũng được, em phải nhanh về nhà đây. Mẹ em đang đợi.”
Alberto tiễn cô ra cửa. Khi cô đi, ông chào:
“Hẹn gặp lại, Hilde thân mến.”
Rồi cửa đóng phía sau lưng Sophie.