Ngày hôm sau, thánh chỉ giáng xuống, gọi nội vụ đại thần Cung Lý Phiên đưa hai anh em Nỗ Nhĩ đi dạo chơi doanh đài.
Hồi đó đang vào hè. Sáng sớm tinh sương, bọn Nỗ Nhĩ thức dậy ăn mặc đàng hoàng, theo hai vị quan trên đi thắng vào cửa Tây uyển. Anh em Nỗ Nhĩ để tâm quan sát. Họ thấy những cây liễu to cao, buông cành lả lướt xuống tận mặt đất. Bóng liễu trùm lên cả một vùng đất phủ cỏ xanh rờn. Bên dưới, cung nga mỹ nữ qua lại du ngoạn. Làn gió nhẹ thỉnh thoảng lại thổi qua, đẩy đưa mấy cành liễu lướt thướt. Rồi dãy tường hoa chảy dài theo bờ nước xa tít. Bọn Nỗ Nhĩ phóng tầm mắt trên đê, chỉ thấy rặt một loại cỏ bò trồng từng khóm, từng cụm. Trên mặt nước đàn én lông sắc tía bay đi bay lại, như có ý đua với những con thuý điểu màu áo xanh miệng chim chíp kêu tạo thành một điệu nhạc tân kỳ.
Càng đi sâu vào vườn phong cảnh càng u nhã, tĩnh mịch. Hai anh em Nỗ Nhĩ phải vượt qua một cái cầu ván. Hoa sen nở bên dưới đang mùa, hương thơm ngào ngạt, sộc vào mùi khiến tâm hổn kẻ trần tục như bớt được bao phần ô trọc. Phía bên cầu cất một toà thuỷ cát, bốn mặt yểm kính lấp lánh, gió lúc nào cũng hun hút thối qua song cửa nghe vi vút.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề xem xét kỹ khắp nơi, càng thấy cảm phục, cho là một nơi thần tiên hiếm có, chỉ có Thần Tông hoàng đế mới là người tốt phúc được hưởng mà thôi.
Trong khi Nỗ Nhĩ còn đang suy tương như vậy thì cả bọn đã bước tới cửa Tiểu Hồng Môn. Trước mặt mọi người phong cảnh bỗng mở rộng: đó là một hồ nước lớn, bát ngát. Trên hồ có một cái cầu dài bằng gỗ sơn son khúc khuỷu quanh có chạy ngang trên mặt nước, hai bên có bao lơn cũng sơn đỏ viền mép cầu. Thư Nhĩ Cáp Tề đi lên trên mặt cầu, miệng không ngót tán dương. Nỗ Nhĩ quay lại, trừng mắt nhìn em, khiến Thư Nhĩ ngậm miệng, im bặt không dám ho he thêm tiếng nào nữa.
Chẳng mấy chốc, cả bọn đã vượt khỏi chiếc cầu dài. Đối diện họ là một toà lâu đài cao rộng làm bằng ván sơn đỏ, phía trước viết ba chữ "CỬA DOANH ĐÀI". Đi qua toà lầu này thì tới một con đường đá rộng dài, hai bên có những cây cổ thụ mọc cao chót vót đến tận mây xanh. Bên cạnh đường là một toà đại sảnh, từ trong đó chạy ra vài tên thái giám mời khách vào uống trà. Vừa uống trà vừa nghỉ ngơi lấy sức. Bọn Nỗ Nhĩ Cáp Tề hỏi các viên quan hướng đạo thêm nhiều chi tiết đặc biệt của Doanh đài. Họ lại quành về sau sảnh để ra ngoài, xuyên qua một khu rừng thông. Ngoài mép rừng xây một kè đá trắng dài làm bến. Bọn Nỗ Nhĩ vừa ra khỏi rừng vừa thấy một chiếc thuyền lớn. Thế là cả bọn xuống thuyền. Thuyền từ từ trôi ra giữa hồ. Quay đầu nhìn lại mé bờ, bọn Nỗ Nhĩ thấy lâu đài san sát; thật là những điện ngọc lầu quỳnh, vàng son tráng lệ ẩn hiện trong rừng xanh lá cây bóng rợp. Nỗ Nhĩ Cáp Tề ngự trên mui thuyền, lòng bất giác xúc động, bụng bảo dạ: Địa phương này quả thật đẹp như cành tiên, ví thử cho ta sống ở đây một năm thì dù có phải chết đi cùng cam tâm. Hai mắt ông đăm đăm nhìn mặt hồ, suy ngẫm.
Nỗ Nhĩ còn đang xuất thần thì thuyền đã tới bờ. Cả bọn rời thuyền ra khỏi cửa lên xe trở về khách quán. Lý Thành Lương lúc đó cũng đã về tới nơi. Yến tiệc lại được bày ra ngay tại khách quán. Giữa lúc đang ăn nhậu say sưa, mọi người lại thấy mấy ả phấn son ở đâu tới, rồi điệu múa tiếng ca nổi lên chen với những tiếng nhạc du dương êm ái. Các nàng, nước da trắng như tuyết, giọng hát ấm như oanh, đã làm cho hai anh em Nỗ Nhĩ Cáp Tề đâm ra ngây ngất say mê.
Ngày hôm sau, thánh chỉ giáng xuống, phong Nỗ Nhĩ Cáp Tề làm Long hổ tướng quân, em ông là Thư Nhĩ Cáp Tề cũng được thưởng khá nhiều đồ vật quý giá. Tạ ơn xong, họ thu xếp hành lý lên đường trở về quê.
Hai anh em Nỗ Nhĩ diễu võ giương oai suốt dọc đường về tới quan ngoại. Bộ lạc các nơi được tin Nỗ Nhĩ có điều vinh hiển, ai cũng kéo tới Hưng Kinh chúc mừng. Trong câu chuyện hàn huyên, Nỗ Nhĩ tả lại cảnh hoa lệ ở kinh đô nhà Minh, rồi đến sắc đẹp tuyệt trần của phụ nữ Trung Quốc khiến ai cũng ca tụng và thèm thuồng ước muốn.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề bắt chước xây cất cung điện cao rộng ngay tại Hưng Kinh, định lễ tiết cho anh em bối lặc khiến dần dần mọi người phải công nhận cái địa vị tôn quý của ông.
Qua năm thứ hai, ông thường đem quân ra khỏi thành, nói rằng đi săn, có khi đến hai ba tháng không về, thật ra là đem quân đi đánh chiếm thành trì cướp bóc ruộng đất của ke khác. Ông còn phân chia tướng sĩ thủ hạ cùng anh em thân thích tản mạn đi khắp nơi cũng để đánh thành chiếm đất.
Vào năm thứ hai mươi sáu niên hiệu Vạn lịch nhà Minh, Nỗ Nhĩ Cáp Tề cho người con trai là Chử Anh và mấy người em tên Ba Nhã Tề Hoà, Cát Cái, Phí Anh Đông đem một ngàn quân đi đánh Chữ Lạp Khố lộ, lấy được hơn hai chục đồn trại bắt được đến hơn một vạn người dân bách tính.
Qua năm sau, ông lại sai Ngạch Diệc Đô, Phí Anh Đông, Hỗ Nhĩ Hán đem một ngàn tinh binh đi đánh Ác Rập bộ ở Đông Hải của Hách Tịch Hắc lộ. Nga Mạc cùng Tô Khoái lộ, Phật Nạp Hách Tháp Khắc Sách lộ, bắt sống được đến hai ngàn người đem về.
Đến năm ba mươi bảy, Nỗ Nhĩ Cáp Tề sai thị vệ Hỗ Nhĩ Mạc đem một ngàn quân tiến đánh Thuần Dã lộ, bắt được một số dân, ước đến hai ngàn, đem về Hưng Kinh.
Năm thứ ba mươi tám, ông sai Ngạch Diệc Đô chỉ huy một ngàn quân sĩ tinh nhuệ đánh Mộc Độ Lỗ, Tuy Phương, Ninh Cổ Tháp, Ni Mã Sát, bốn lộ cả thảy, áp giải bốn tay lộ trưởng cùng gia quyến của họ trở về. Khi hành quân qua miền Nhã Lan, lại đánh phá thành trì của họ, cướp được đến hơn một vạn người đem về.
Sang năm thứ ba mươi chín, ông lại sai con trai thứ bảy là A Ba Thái cùng Phí Anh Đông, An Phí Dương Cố, đem một ngàn quân sĩ tấn công Ô Nhĩ Cổ, Thần Mộc Luân, bắt sống được một ngàn người đem về.
Rồi một năm sau, ông lại tấn công Hà Hoà Lý, Ngạch Diệc Đô Hỗ Nhĩ Hán, đích thân chỉ huy đánh phá Hỗ Nhĩ Cổp Lộ với hai ngàn binh sĩ, vây hãm Trát Khố Tháp ba ngày liền, cuối cùng phá vỡ thành, giết chết hơn một ngàn người, bắt sống hơn hai ngàn.
Các lộ trưởng của các lộ về phía tả, thảy đều sợ hãi quay lại đầu hàng Nỗ Nhĩ. Khắp vùng Kiến Châu, Nỗ Nhĩ dụng binh hết năm này qua năm khác, so với trước tăng gấp bội. Thế mà ông vẫn chưa lấy làm vừa ý, kẻ khiến ông căm giận nhất là Ngô Nhĩ Cổ Đạt, tù trưởng bộ lạc Cáp Đạt mà cũng là con rể ông. Hồi đó, ngoài thì bị thế ép của Minh triều, trong lại chịu cảnh kiềm chế của Phú Sát thị, ông bất đắc dĩ phải đem con gái gả cho Ngô Nhĩ Cổ Đạt. Từ đó, hai vợ chồng ông đâm ra bất hoà kịch liệt. Mãi đến khi đi cống trở về, được Thần Tông hoàng đế cho phép thống trị người Nữ Chân, ông mới lấy danh nghĩa bảo vệ Cáp Đạt, đích thân đem quân thẳng tới bộ lạc này, buộc Ngô Nhĩ Cổ Đạt phải giao cho mình bức tỷ thư đời đời truyền lại do Minh triều cấp. Hồi đó Cáp Đạt bộ có tới bảy trăm đạo địa phương. Nỗ Nhĩ Cáp Tề bèn vây chặt thành trì của Ngô Nhĩ Cố Đạt, đến con chuột cũng không chạy thoát được, mục đích chỉ để lấy chiếc tỷ thư.
Ngô Nhĩ nhất định không chịu, bèn mở cửa thành đích thân đem quân đối địch với nhạc gia. Nỗ Nhĩ thấy thế giận sôi gan, liền cho gọi hai đại tướng tay chân tên gọi Hỗ Nhĩ Mạc, Phí Anh Đông, luân phiên đánh phá. Ông còn sai người chạy về Hưng Kinh lấy thêm hai ngàn binh trợ chiến.
Ngô Nhĩ Cổ Đạt tử thủ Cổ thành được đến hơn hai chục hôm, lương hết viện tuyệt: Vào quãng nửa đêm đó, binh Kiến Châu đánh thốc vào thành, bắt trói hết toàn gia Ngô Nhĩ. Nỗ Nhĩ vào thành, một mặt sai người áp giải vợ chồng Ngô Nhĩ về Hưng Kinh, mặt khác ra lệnh cho tướng lĩnh đi khắp nơi để thu phục thuộc địa.
Dưới trướng của Ngô Nhĩ, có một tên bộ tướng tên gọi Sát Thai Chẩm. Chẩm được tin Cáp Đạt bộ bị Kiên Châu tiêu diệt mất rồi, liền đem hai trăm đạo địa phương tới đầu hàng Diệp Hách bộ, để cầu xin Bố Dương Cổ bảo hộ cho mình. Cổ tham đất của Chẩm, bèn đích thân đem đại đội người ngựa dàn trận để đợi. Nỗ Nhĩ được tin đó giận lắm nói:
- Ta với Diệp Hách vừa mới đính ước hôn nhân. Em gái Bố Dương Cổ, ta đã hỏi lấy nhưng chưa cưới, thế mà nay Cổ lại dám cả gan đối đầu với ta thì láo thật!
Nói đoạn, Nỗ Nhĩ sai Đại Thiện đem quân đồn trú tại Cáp Đạt, thân tự điều động đại binh đến Diệp Hách bộ.
Bố Dương Cổ thấy Nỗ Nhĩ tới bèn trách Nỗ Nhĩ đã phản bội minh ước tiêu diệt Cáp Đạt. Nỗ Nhĩ cười nói:
- Đây là việc của gia đình ta, có quan hệ gì tới ngươi đâu mà ngươi nói. Hiện nay, ngươi đã thâu hai trăm đạo địa phương của Cáp Đạt, hỏi ngươi có phản bội minh ước hay không? Một việc nữa là em gái ngươi đã hứa gả cho ta làm vợ, ta hiện vẫn chưa lấy được nàng đem về. Thế mà ngươi lại đem quân đánh nhau với ta, như thế có phải ngươi đã có ý từ hôn rõ ràng rồi không?
Bố Dương Cổ nghe xong, tức như điên, răng nghiến kèn kẹt đến muốn vỡ ra. Cổ quát lớn:
- Lời nói của mi thối lắm! Có thể để cho mi hoành hành bất pháp mà không thể cho ta trượng nghĩa chấp ngôn được sao? Ta nay quyết thoái hôn, không thèm gả em gái cho mi nữa, nghe chưa?
Nỗ Nhĩ Cáp Tề vừa nghe xong câu nói "Không thèm gả em gái", tức giận sôi gan, vì điều đó vốn là một điều phạm kỵ đối với ông. Nỗ Nhĩ liền khoát tay một cái tức thì binh tướng của ông nhất tề xông lên chém giết. Hai bên trống trận vang gầm, tiếng hò hét kêu la inh ỏi. Cuộc ác đấu càng lúc càng kịch liệt. Hai bên đánh nhau mãi tới lúc mặt trời đã gác núi mà vẫn chưa phân thắng bại. Hai bên cùng đánh trống khua chiêng thu quân. Qua ngày hôm sau, hai bên lại đánh nhau.
Rồi cứ như thế, đánh nhau suốt một hơi sáu hôm liền. Quân binh Diệp Hách bộ coi mòi yếu dần, khó bề chống nổi, bèn lùi vào trong thành, đóng chặt cửa không xuất chiến nữa mà cho người ngày đêm đưa tin cấp cứu tói Phủ Thuận quan.
Quảng Ninh tổng binh của Minh triều là Trương Thừa Am, đi tuần cảnh tới miền Phủ Thuận, được tin đó lập tức điều động ba ngàn binh mã tiến tới cứu viện cho Diệp Hách bộ. giữa lúc Nỗ Nhĩ Cáp Tề đang thúc quân kiệt lực đánh thành, bỗng phía sau chiêng trống vang ầm, rồi một chi quân đông đảo ùn ùn kéo tói đi đầu là một cây cờ lớn trên viết hai chữ "Đại Minh".
Nỗ Nhĩ Cáp Tề tự nhủ: Mình vừa được Minh triều phong chức vậy thì quân mã này tới đây ắt để giúp ta. Ông liền hạ lệnh cho quân mã tách làm hai hàng, rồi tự mình tiến lên đón.
Chẳng ngờ, viên tướng Minh đi đầu im lặng chẳng nói lời nào, khi tói gần liền giơ cao ngọn cờ lệnh phất phất mấy cái. Tức thì chi quân Minh xông tới tấn công như bão táp. Nỗ Nhĩ trở tay không kịp, đành phải quay lui. Trận cuộc rối loạn. Nỗ Nhĩ đem hết dũng cảm áp trận, rồi thúc quân tiến tới chiến đấu.