- Kẻ nào nấp bên ngoài? Đã tới đây rồi tại sao không dám tiến vào? Ta sắp ra đây. Bọn ngươi có dám đối địch cùng ta chăng?
Nói đoạn ông dùng cây kiếm đập mạnh vào cánh cửa số, lấy chân đạp tung ra, làm bộ như muốn nhảy qua cửa số mà ra ngoài, nhưng thực ra ông đã quay lẹ mình sang trái, nhảy vèo qua cửa chính ra. Bọn thích khách bên ngoài không ngờ ông lại khôn ngoan và mau lẹ đến thế, hoảng hốt co giò chạy vội. Ông nhìn kỹ thì ra đó là một tên thị vệ trong phủ của ông tên gọi Mạnh Hải. Ông giận sôi gan hạ lịnh tất cả thị vệ đóng kín cổng thành rồi chia nhau đi lùng bắt thích khách.
Qua ngày hôm sau có một người chú họ tên Lang Đôn từ thành Ma Thích lại. Đôn bảo Nỗ Nhĩ Cáp Tề:
- Cả họ đều là cừu địch của mày. Mày bắt ai bây giò chứ?
Nỗ nghe xong bất giác hoảng sợ, chẳng dám bắt hung thủ nữa. Hôm đó, ông dọn sang ngủ bên phòng bà trắc phi Y Nhĩ Căn Giác La. Ngủ tới nửa đêm, bỗng nghe ngoài phòng có tiếng động "rắc rắc" ông vội mặc áo trỗi dậy. A Ba Thái, con trai của Giác La, theo mẹ ngủ tại phòng đó. Thái cũng cầm đao theo cha, lặng lẽ lẻn ra ngoài. Hai cha con Nỗ Nhĩ Cáp Tề nấp kín vào một góc kẹt của lò sưởi.
Trời đêm đó tối quá, tất cả khu nhà như chìm trong bể mực, không thể nhận ra được bất cứ ai, dù chỉ trong khoảng một thước. Thích khách sờ soạng mãi mới mò tới gần lò sưởi.
Bỗng trên không trung có tiếng sấm nổi dậy. Rồi một tia chớp loé lên, chiếu sáng khắp cả khu nhà. Nỗ Nhĩ Cáp Tề nhờ lúc trời chớp, giơ cao sống đao đánh xuống thật mạnh, khiến thích khách ngã lăn xuống đất. Nỗ Nhĩ nhảy tới, đưa chân trái đè chặt ngực tên thích khách xuống đất, miệng kêu "Lạc Mạc" liền mấy tiếng. Lạc Mạc là một tên thị vê thân cận, nghe đại bối lặc kêu vội xách đao chạy lên. Nỗ Nhĩ sai trói tên thích khách. Mạc nói:
- Tên ác tặc này đã xúc phạm tới đại giá của đại bối lặc. Giết quách là hơn!
Nỗ Nhĩ Cáp Tề sợ mang tội với họ mạc, bèn làm bộ hỏi tên hung thủ:
- Thằng kia? Có phải mi tới trộm ngựa không?
Hung thủ nghe đoạn gật đầu. Nỗ Nhĩ bật cười khanh khách, bảo Lạc Mạc cởi trói thả ra. Hung thủ vội quỳ xuống đất lậy Nỗ Nhĩ rồi quay mình bỏ đi.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề cho rằng mình khoan thứ cho người ắt người phải hối cải. Nào ngờ, mấy ngày sau lại xảy ra một chuyện nữa. Đêm đó, Nỗ Nhĩ lúc cởi áo đi nghỉ, nhác thấy một đứa thị nữ ở phòng bên vò đầu bứt cổ, đã đi nằm rồi lại dậy đốt đèn lên, đốt đèn xong lại tắt, tắt rồi lại đốt…
Linh tính báo cho ông biết thế nào đêm nay cũng có chuyện.
Ông bèn lẳng lặng ngồi dậy, mặc nhuyễn giáp, đeo cung tên lẻn ra ngoài phòng.
Trời tối như mực. Bên cạnh bức rèm, một bóng đen lao vút lại. Nỗ Nhĩ Cáp Tề vội rút tên giương cung bắn một phát.
Thích khách quả thật nhanh nhẹn, tung người lên cao tránh thoát mũi tên. Ông đuổi tới, phóng liền ba phát tên, trúng ngay gót chân hung thủ. Hắn la lên một tiếng rồi té huỵch xuống đất. Bọn thị vệ lúc đó đã biết tin, nhất tề ồ tới trói gô thích khách, khảo đả. Hắn khai tên Nghĩa Tô. Nhưng rồi Nỗ Nhĩ cũng lại tha cho hắn đi.
Từ đó về sau, người trong phủ ai cũng lưu ý đề phòng từng phút. Hoàng Thái Cực tuổi tuy còn nhỏ, nhưng là người rất có kiến thức. Cực nói nhỏ với cha:
- Hiện nay, kẻ thù rất đông, phụ thân đề phòng khó lắm. Chi bằng phụ thân tạm thời ra ngoài đề tránh bất trắc.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề gật đầu nghe kế. Một ý nghĩ bỗng vụt tới. Ông nghĩ Lý Thành Lương, xưa kia đã thông đồng với Ni Kham Ngoại Lan giết hại ông và cha, mãi tới nay thù còn chưa báo mà thi hài ông cha cũng chưa đem về được. Thiết tưởng nay đem quân xuất thành hướng tới Minh triều hỏi tội, lúc đắc thắng trở về vừa có thể áp phục được anh em họ hàng, lại hoàn tất được ý muốn của ông cha đã khuất. Nỗ Nhĩ nghĩ vậy xong cho dựng một cây cờ trắng lớn, trên viết bốn chữ "Báo thù rửa hận". Ông lại điểm năm ngàn tinh binh, cho mặc hiếu phục. Việc trong nhà ông giao cho người em thứ là Thư Nhĩ Cáp Tề rồi chuẩn bị xuất quân. Tất cả họ hàng nghe Nỗ Nhĩ Cáp Tề xuất sư lần này để báo thù rửa hận cho ông cha, ai cũng đều cảm phục, kéo nhau tiễn ra khỏi thành Hưng Kinh.
Lại nói đến Lý thành Lương sau khi giết chết hai cha con đô đốc Giác Xương An, trong lòng lúc nào cũng tâm niệm đề phòng Nỗ Nhĩ Cáp Tề tìm cách báo thù. Quả nhiên hôm nay Nỗ đã tới vấn tội. Được tin này, Lương mất cả chủ ý. May thay dưới trướng ông có một viên quan vốn đa mưu túc kế, liền hiến một kế sách, nhưng đợi tới khi quân địch tới chân thành mới nói.
Chẳng mấy ngày, thám mã liên tiếp đưa tin:
- Binh mã Kiến Châu còn cách thành mười dặm.
- Binh mã Kiến Châu chỉ còn cách thành năm dăm.
- Binh mã Kiến Châu đã hạ trại sát chân thành.
Lý Thành Lương được tin vẫn không thèm để ý tới, chỉ dặn dò quân sĩ giữ vững cửa thành, không được giao chiến với giặc.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề tới ngoài thành Phủ Thuận, khiêu chiến suốt ngày mà vẫn chẳng thấy quân trong thành xuất chiến, Nỗ Nhĩ cũng đành vô kế khả thi. Qua ngày thứ tư, Nỗ Nhĩ lại đem quân tới chân thành khiêu chiến. Bỗng từ trên thành, một phong thư bắn xuống. Nỗ Nhĩ bóc ra xem, chẳng ngờ lòng uất hận bỗng tiêu tan, trái lại hết sức cảm kích đối với Lý Thành Lương, y theo lời lẽ trong thư, lui binh xa thành mười dặm.
Hôm sau, Nỗ Nhĩ mình mặc áo nhũn, chỉ đem theo có bốn, năm chục tên quân tiến thẳng vào thành. Vừa tới chân thành, Nỗ Nhĩ thấy cửa thành mở rộng, từ bên trong Lý Thành Lương thân ra đón tiếp. Hai người cưỡi ngựa song hành, vào tới dinh quan tồng binh mới xuống ngựa.
Một bàn rượu được đặt ra, hai người ngồi đối ẩm. Lý Thành Lương dần dần nói đến chuyện ngộ sát ông và cha Nỗ Nhĩ, cuối cùng đưa ra ý kiến:
- Nay để bảo toàn giao tình giữa hai bên, tình nguyện trả thi hài của hai vị gia tiên. Đồng thời xin cấp sắc thư ba mươi đạo, ngựa ba mươi con.
Nói đoạn, Lương sai thị vệ bưng sắc thư ra đặt trên án thư rồi dắt ngựa đến xếp hàng ngay giữa viện. Nỗ Nhĩ nhìn kỹ thì thấy ngựa đều là thứ tuấn mã, không thể nào không thích. Quay đầu lại, Nỗ còn thấy đèn đuốc sáng trưng, khói hương nghi ngút, càng làm tôn nghiêm thêm ba mươi đạo sắc thư bằng vải đoạn màu vàng. Nỗ cảm thấy đôi chân như nhũn ra, muốn quỳ xuống đất mà lạy. Lương tiến lên, ngăn lại nói:
- Thong thả hãy tạ ơn, ba ngày trước tại hạ đã thế Đại bối lặc xin được thánh chỉ tại đây. Hoàng thượng vẫn phong bối lặc làm Kiến Châu đô đốc như cũ.
Nói đoạn, Lương lớn tiếng hô:
- Xin mời ra đây!
Chỉ nghe bên trong có bát âm nổi dậy. Rồi hai vị văn quan đầu đội thánh chỉ, từ từ bước ra ngoài.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề đã mấy năm nay mơ tưởng chỉ duy có một việc phục lại nguyên chức đô đốc. Nay đã thấy trước mặt một sự thực hiển nhiên. Bởi vậy bèn bò rạp xuống đất, dập đầu tung hô:
- Vạn tuế vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Nỗ Nhĩ vừa tạ ơn xong thì Lương cùng các quan viên thủ hạ nhất tề tiến ra chúc mừng.
Đêm hôm đó Lương lại bày tiệc. Tiếng bát âm nối dậy nhà trên thì đàn sáo, nhà dưới thì trống phách. Cuộc vui kéo mãi suốt đêm. Nỗ Nhĩ nghỉ lại phủ quan tổng binh. Sáng hôm sau thức dậy, Nỗ Nhĩ đã thấy khắp phủ đệ treo toàn màu trắng. Trước cổng lớn, một cây cờ trắng đang phất phơ trước gió. Tất cả đều màu trắng chẳng khác gì một toà lâu đài bằng ngọc.
Nỗ Nhĩ lấy làm kỳ, bèn hỏi ra mới biết rằng Lương đứng việc tổ chức ngày lễ điếu hai cha con cố đô đốc Giác Xương An. Bữa cơm trưa đã xong, người ta thấy đưa vào hai cỗ quan tài, Nỗ Nhĩ biết đó là thi hài của cha và ông, bò lăn xuống đất kêu khóc thảm thiết.
Lý Thành Lương vội chạy tới nâng Nỗ Nhĩ dậy cho dựng hai chiếc quan tài giữa sảnh. Toàn thành văn võ quan viên khăn áo chỉnh tề đều tới phúng điếu. Cuộc hành lễ đã xong, Nỗ Nhĩ mới hỏi Lương xem ai là người giữ gìn cấn thận thi hài cha, ông của mình. Lương chỉ một người đứng cạnh và bảo:
- Y cũng là một vị bộ chủ tên gọi ước Xước. Thi hài cha, ông của túc hạ chính nhờ y gìn giữ lâu nay đó.
Nỗ Nhĩ tiến lên vài bước chắp tay lạy tạ ơn.
Qua ngày hôm sau, Nỗ Nhĩ mang hai cỗ quan tài ra khỏi thành trở về, có Lý Thành Lương tiễn đưa. Khi từ biệt, Nỗ Nhĩ tặng Lương một con ngựa tên gọi Tam Phi, có tài leo núi như chạy trên đồng bằng, vốn một loại ngựa quý hiếm có. Lương cũng lấy làm cảm kích đối với Nỗ Nhĩ. Lương bèn viết tấu chương về triều tàu với Minh hoàng đế rằng Nỗ Nhĩ rất cảm kích đối với thánh ân.
Chẳng mấy ngày, thánh chỉ từ Bắc Kinh tới nói mỗi năm thưởng cho đô đốc Kiến Châu tám trăm lạng bạc, mười lăm tấm đoạn hoa.
Tờ thánh chí này tới thành Hưng Kinh, đã làm cho Nỗ Nhĩ Cáp Tề mặt mũi vẻ vang. Quả nhiên, từ đó toàn thể họ hàng chẳng còn ai dám khinh nhờn ông nữa.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề mong mỏi lập nhiều công nghiệp lớn khác để khoe khoang với bà con họ hàng. Đại Thiện nghĩ ra một kế sách giúp cha. Thiện nói:
- Phụ nhân nên tới Bắc Kinh tiến cống một phen. Khi trở về nếu được điều may mắn, thì vừa có thể khoa trương oai vũ đối với thân tộc vừa có thể chế phục các bộ lạc khác.
Nỗ Nhĩ cho lời con là phải, lập tức truyền lệnh cho người tới các bộ lạc sưu tầm: ngọc châu, đà điểu và nhiều đồ quý khác nữa. Lại chọn một trăm con ngựa tốt đem theo. Sửa soạn xong, Nỗ nhờ chọn ngày tốt khởi hành với một ngàn vệ binh kiêu dũng.
Bối lặc các bộ lạc cũng như các anh em thân thuộc, tất nhiên, có một cuộc vui nhộn tưng bừng để tiễn đưa quan đô đốc lên đường.
Đô đốc Nỗ Nhĩ Cáp Tề trên đường đi chẳng mấy ngày đã tới Phủ Thuận quan.
Ninh Viễn Bá được tin Kiến Châu đô đốc tiến kinh triều cống, lấy làm vui mừng lắm. Ông liền sai quân sĩ thu dọn phòng trại sạch sẽ cho Nỗ Nhĩ tạm trú. Rồi chọn ngày tốt cùng Nỗ Nhĩ tiến kinh. Ý Nỗ Nhĩ muốn đem theo vào kinh ba trăm vệ binh, nhưng Lý Thành Lương bảo theo quy củ tiến cống thì không được mang nhiều nên chỉ cho Nỗ Nhĩ mang theo bốn mươi tên mà thôi. Người em thứ hai cũng theo Nỗ Nhĩ tiến kinh triều cống.
Hai anh em Nỗ Nhĩ Cáp Tề chưa từng tới Bắc Kinh bao giờ cho nên khi tới nơi, thấy kinh đô hoa lệ phồn thịnh, nhân vật thanh tú, trong lòng lấy làm mến thích. Rồi những cung điện cao lớn hiện ra trước mắt khiến họ sinh ra sợ hãi.
Hai anh em vào thành tới ở trong một toà khách quan. Ngay đêm đó, có hai vị công công tói dạy cho họ những lễ tiết khi vào triều. Nỗ Nhĩ tạ ơn hai vị công công khá nhiều lễ vật, ngoài ra còn biếu xén khắp các gia môn.
Ba hôm sau, đã đến ngày vào triều. Nửa đêm hôm trước, hai anh em Nỗ Nhĩ ngồi trên xe lừa đi thẳng vào tới cửa triều đình. Họ xuống xe, theo người dẫn đạo, tiến vào nội nha trong hoàng thành. Đêm còn khuya, đường xá vắng lặng, họ chỉ thấy hai bên tường cao vòi vọi, đứng sừng sững trong bóng đêm dày đặc. Những góc điện nhô ra ngoài trời, chênh vênh trên đầu các bức tường, chỗ cao chỗ thấp không biết bao nhiêu mà kể.
Càng ngắm, càng nhận họ càng thấy mới lạ. Đi quanh đi quẩn một lúc lâu, hai anh em Nỗ Nhĩ mới tới triều phòng, trong có rất nhiều quan viên túc trực từ lâu, tiến ra ngoài đón rước. Một vị quan thông dịch chuyển ngữ cho đôi bên.
Ngưng một lát, mọi người bỗng nghe vọng ra tiếng chuông vang vang từ Cảnh Dương cung. Ai nấy đều sửa lại mũ áo rồi xếp thành hàng nối đuôi nhau tiên thắng lên điện. Dưới bệ ngọc, hai bên chia ban đứng xếp hàng thứ tự, nghiêm cẩn.
Trời đã rạng đông. ánh nắng đã soi rực góc trơi đông, nhuộm hồng những khuôn mặt của bá quan văn võ đứng trong điện, đang lặng lẽ đợi chờ, thỉnh thoảng tiếng sột soạt của các tà áo mới bị gió thổi tung rồi lại im bặt.
Mọi người đứng đã khá lâu. Bỗng nghe tiếng nhạc trỗi dậy, vừa lúc trời đã sáng to. Trên điện, màu sắc rực rỡ, lấp lánh làm choá cả mắt, khó nhìn rõ mọi thứ. Bọn thị vệ ngự tiền đi qua đi lại hai bên tả hữu trước mặt. Lại còn thái giám mỗi người tay cầm cây đèn lồng "sa cung đăng" diễu qua diễu lại trước ngự toạ, nhảy xong múa điệu nhạc, khi khoan thai, khi dồn dập, họ chia ra đứng hai bên, lặng lẽ, nghiêm trang, tiếng nhạc cũng ngừng bặt.
Lúc đó Thần Tông hoàng đế đã ngồi ngay ngắn trên ngai vàng cao ngất ở phần cuối điện. Điện đình lặng lẽ thêm.
Bỗng trên thềm đá, có tiếng roi gõ mạnh ba tiếng. Tức thì Tán lễ quan đứng hai bên cạnh điện, xướng lễ. Sau đó là các văn thần võ tướng chia ban tiến lên từng đợt rồi quỳ xuống dập đầu gục lạy. Ninh Viễn Bá Lý Thành Lương cũng nối gót trăm quan bò dài xuống đất, trịnh trọng tâu mấy điều. Rồi, trong giây lát, từ bên trên có lệnh truyền xuống. Lương thụt lùi lui ra. Lúc đó, hướng đạo quan mới đưa hai anh em Nỗ Nhĩ lên điện. Một tấm thảm nhung trải ngang hình chữ nhật suốt từ bên tả sang bên hữu trên thềm điện. Hai anh em Nỗ Nhĩ tới đây, ngừng lạy quỳ mọp xuống làm lễ "Tam quy cửu khấu". Tán lễ quan hô lớn một tiếng "Lui" tức thì hai anh em đứng dậy, lui xuống mé dưới điện, tâm thần bấn loạn đến nỗi dung nhan đức hoàng đế như thế nào cũng chẳng rõ nữa.