Điền Quang Tĩnh lúc còn trẻ là môn đệ Bạch Hạc phái. Nhờ có kiến thức và đức hạnh, Điền Quang Tĩnh được sư phụ đặc biệt yêu mến, truyền hết các bí quyết cho mà chính con ruột tiên sinh cũng không biết. Theo truyền thuyết thì sau khi sư phụ qua đời, Điền Quang Tĩnh đến lập nghiệp tại bang Kuwana, mở trường dạy võ. Sư huynh ông tới thăm, dùng mẹo hỏi về những chiêu kiếm kỳ bí ấy, Điền Quang Tĩnh chỉ điểm cho hết, song vì tư chất kém cỏi, vị sư huynh này không lý hội được, chỉ học có cái kỹ thuật bên ngoài còn cái tâm vốn là tinh hoa của Bạch Hạc kiếm thì lại sao lãng, nên Bạch Hạc kiếm miền đông nam không sao bằng được kiếm thuật của Điền Quang Tĩnh. Vì thế khi nói đến Bạch Hạc kiếm là phải đến bang Kuwana. Tiếc rằng từ sau khi Điền Quang Tĩnh chết đi, môn học ấy cũng thất truyền và bây giờ thì không còn mấy ai nhớ rõ những yếu quyết ấy nữa.
Trên đây là một trong những truyền thuyết cư dân vùng Kawana ưa kể lại cho khách vãng lai nghe khi học đặt chân đến vùng sơn cước này. So với các chuyện truyền ký khác nhuộm đầy vẻ thần bí phát sinh từ óc tưởng tượng của những người dân rất nặng lòng với mảnh đất quê hương trên đó họ đã cư ngụ hàng mấy mươi đời thì truyền thuyết này cũng không có gì xa sự thật mấy. Đền thời Điền Quang Tĩnh còn kia và danh ông vẫn còn lưu lại hậu thế như một nhà cai trị sáng suốt và một kiếm sĩ lỗi lạc.
Thạch Điền Đạt Lang nghe chuyện trên đây qua miệng người mã phu kể lại sau khi rời thị trấn Kuwana. Hắn chỉ gật đầu và thỉnh thoảng đáp vài tiếng nhát gừng lấy lệ.
Trời gần cuối năm, đang tiết đại hàn, gió tây bắc thổi lạnh buốt như cắt da thịt.
Thạch Đạt Lang mặc phong phanh có cái kimono mỏng, ngoài choàng một tấm áo khoác đã cũ nhàu nát và cáu bẩn, nhiều chỗ bụi đường bám loang lổ. Mặt hắn đen sạm, chiếc nón nan đội trên đầu tơi tả, giá có đánh rơi cũng không ai thèm nhặt. Tóc hắn buộc túm về phía sau, trông rõ ra cung cách kẻ giang hồ khất cái. Tuy nhiên đôi mắt sáng như sao, hàm răng trắng bóng, mỗi khi hắn ngước lên nhìn hay cười nghe chuyện người mã phu kể, khóe miệng cũng như tia mắt ấy có một cái gì ngây thơ tương phản hẳn với khuôn mặt khắc khổ sạm đen vì phong sương của hắn. Một cái gì rất hấp dẫn mà cũng rất quyền uy làm người đối thoại phải kính nể.
Người mã phu, khi nghe hắn gọi dẫn ngựa đến, đã có vẻ e ngại nhưng không cưỡng được. Bây giờ hắn đã ngồi trên lưng ngựa rồi, đi đã quá nửa đường, gã mã phu càng thấy khó có hy vọng đòi được tiền thuê của ông khách lại này! Gã rụt rè nhắc:
- Thưa khách quan...
- Gì thế?
- Chiều nay thì tới Kameyama, nhưng đến đêm chưa chắc đã tới làng Ujii được!
- Hừ...
Thạch Đạt Lang tuy nghe nhưng không để ý. Dường như hắn mãi ngắm cảnh vật xung quanh. Thực ra về mùa đông, rừng núi tiêu điều chẳng có gì đáng ngắm. Vài gốc cổ thụ trơ trọi đưa những cành đen khẳng khiu lên trời tựa những cánh tay gầy guộc, lá úa rụng đầy lối đi, những mảng rêu trên các tảng đá nứt nẻ đã đổi màu, chỗ vàng chỗ nâu sẫm. Duy chỉ có hàng tùng bách là vẫn xanh tốt, tàn lá sum sê không coi gió lạnh ra gì cả. Hàng tùng bách này hợp với tâm trạng hắn chăng mà sao hắn cứ quay đầu nhìn mãi?
- Ujii là một xóm nhỏ ở lưng chừng núi, vắng teo vắng ngắt, khách quan đến đấy làm gì?
- Ta đến thăm một người.
- Chỉ có hai ba nông dân nghèo khổ ở đó làm rẫy cùng với mấy lão tiều phu già, chặt củi đốt than chứ có ai đâu...
- Tại Kuwana, ta nghe nói ở đó có tay giỏi nghề sử loại võ khí đặc biệt lắm.
- Chắc khách quan muốn nói Chu Kế Phong...
- Phải rồi, Chu Kế Phong. Nhưng đấy là họ, tên hắn là gì?
- Tất Đạt.
- Ờ! Chu Kế Phong Tất Đạt! Phải rồi!
- Y làm nghề thợ rèn liềm và lưỡi hái. Y có chế ra một thứ võ khí giống như cái hái, lợi hại vô cùng, làm nhiều kẻ mất mạng. Thế ra khách quan cũng là kiếm sĩ đấy!
- Hừ... hừm...
- Khách quan là kiếm sĩ, hay để tiểu nhân dẫn đi Matsuzaka. Nơi đó có nhiều tay giang hồ hảo hán kiếm thuật nổi tiếng lắm.
- Những ai, kể ta nghe thử?
- Trúc Vô Công Tử Hãn, Dương Nguyên Sinh chẳng hạn.
Thạch Đạt Lang gật đầu:
- Ta cũng có nghe tên những người ấy.
Hắn không nói gì thêm nữa khiến người mã phu tưởng ông khách lạ biết rõ, nhưng không lưu tâm. Cả hai, kẻ dẫn ngựa và người cưỡi ngựa theo đường núi gập ghềnh lầm lũi tiến về phía trước.
Đến Kameyama, Thạch Đạt Lang xuống ngựa, vào một quán ven đường ăn lót dạ.
Hắn bước khập khiểng vì vết thương ở gan bàn chân do cái đinh hắn dẫm phải khi còn ở trấn Kuwana bây giờ nung mủ làm hắn nhức nhối khó chịu. Hắn phải thuê ngựa cưỡi chứ không dám đi bộ. Thạch Đạt Lang xin chủ quán chậu nước, tháo dép ra coi, thấy chỗ vết thương đỏ ửng như quả hồng sắp chín, sờ vào nóng và đau lắm. Hắn rửa sạch, dùng vải buộc lại và tự trách đã vô ý để xảy ra chuyện đáng tiếc ấy.
Theo tiêu chuẩn của hắn thì như vậy là hắn thua cái đinh. Là kiếm sĩ, hắn đã không cảnh giác đến nỗi cái đinh nằm nhô đầu lên rõ ràng như vậy mà không tránh nổi:
giác quan của hắn chưa đủ linh mẫn. Tệ hơn nữa, sự phản ứng lại chậm chạp để đầu đinh xuyên qua dép và sâu trong gan bàn chân. Đáng lý ra hắn phải nhảy tránh ngay khi cảm thấy mũi đinh chạm vào da mới phải.
Thạch Đạt Lang bực bội về sự non kém ấy. Óc và toàn thân hắn chưa đồng nhất thì nội lực hắn dù có dồi dào đến đâu chăng nữa, những cảm nhận vẫn còn chậm chạp, xuất thủ không đủ thần tốc, chiêu kiếm sẽ vì thế mà kém phần uy mãnh.
Trên đường theo đuổi kiếm đạo, Thạch Đạt Lang luôn luôn bị ám ảnh bởi sự tận thiện tận mỹ, và những ám ảnh ấy đã làm hại đến lòng tự tin của hắn. Không lúc nào hắn không lo tự tu tự kiểm. Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua, nếu không được như thế, hắn cho là mình đang xuống dốc. Mặc dầu trong những năm gần đây, từ khi rời khỏi căn thạch thất, hắn đã giao đấu với nhiều người, một số là cao thủ võ lâm, nhưng vẫn chưa tìm được ai đáng gọi là người có khí phách, một người đủ nhân, trí, dũng xứng đáng là đối thủ của hắn.
Võ lâm tuy đông đảo, nhưng sự thiếu vắng mẫu người lý tưởng làm Thạch Đạt Lang thất vọng. Đôi khi hắn chỉ còn biết tự an ủi cho là vì mình chưa đủ từng trải nên chưa gặp. Những lúc ấy, hắn lại liên tưởng đến Đại Quán, nhà sư lạ lùng đã hé mở cánh cửa thiền, chỉ cho hắn thế nào là cái tâm của người cầm kiếm. “Đời người có số mệnh. Nếu số mệnh đã run rủi ta gặp Đại Quán thì ta phải cố gắng đừng để những lời ông chỉ bảo ta không mang lại kết quả”.
Thạch Đạt Lang tự nhủ. Đại Quán là một người khác thường. Không thể bảo ông là người bất trí. Quan niệm về nhân và dũng của ông cũng khác lạ. Nghĩ đến đây, hắn cảm thấy đau nhói ở cổ tay và cảm giác ấy lan dần ra khắp thân thể như cơn đau hắn cảm thấy khi bị treo lủng lẳng trên cành đại bách sau chùa Tiểu Sơn dạo nào. Cảm giác ấy phát sinh hoàn toàn trong cõi vô thức, hắn dùng ý chí dẹp đi và tự nhủ sau này sẽ tìm cách lừa và bắt Đại Quán trói vào cây đại bách như ông đã trói mình khi trước. Nghĩ như vậy, tuyệt nhiên hắn không có ý gì muốn trả thù, có lẽ chỉ muốn giải tỏa những ẩn ức. Nhưng ý nghĩ ấy khiến Thạch Đạt Lang mỉm cười. Đại Quán chắc không tức giận đâu, có lẽ ông chỉ mỉm cười mà nói:
“Đồ ngu. Cũng tiến bộ đôi chút đấy, nhưng làm thế để làm gì hở thằng ngốc?.
Thạch Đạt Lang lạc trong những ý nghĩ mung lung ấy. Trong những lúc suy tư khắc khoải hoặc nghi ngờ khả năng của chính mình, hắn thường lên núi cao sống cảnh cô đơn tịch mịch giữa thiên nhiên. Hắn sống ra sao, chỉ có cây rừng, đá núi và hắn biết.
Lúc trở về, má hắn hõm, mặt hắn sạm đen, tóc cứng như rễ tre, quần áo lôi thôi lem luốc, nhưng mắt hắn sáng hơn, tựa như những hòn than hồng trong lò sẵn sàng tung ánh lửa ra xung quanh, thiêu đốt. Bấy giờ hắn không khác gì một con thú với sức mạnh vô biên, hung hãn, chỉ có hắn mới chế ngự được. Hắn ra đi, đông tây nam bắc, bất kỳ chỗ nào nghe nói có những quái nhân hay kiếm khách hơn người là hắn cũng tìm đến cho bằng được. Để tự chứng minh tài năng. Để củng cố lòng tự tin gần như ngạo mạn. Và cũng vì thế mà hắn có mặt tại sơn đạo ngày hôm nay.
Còn nửa tháng nữa mới đến tiết thượng nguyên, Thạch Đạt Lang không dằn lòng được khi nghe người ta nói đến Chu Kế Phong Tất Đạt nên nhất quyết đến vùng núi này tìm con chim lạ ấy:
Tất Đạt, một con người khí phách hay chỉ là giá áo túi cơm như muôn ngàn giá áo túi cơm khác hắn đã gặp trên bước đường hành hiệp?
Thạch Đạt Lang và gã mã phu đến xóm Ujii thì trời đã khuya. Hắn cảm ơn, trả công xong, định vào trong xóm thì người mã phu giữ lại, rụt rè hỏi:
- Khách quan đến nhà ai?
- Chu Kế Phong.
- Bây giờ khuya rồi, từ đây về đến trấn cũng hết đêm. Khách quan cho tiểu nhân theo được không? Tiểu nhân ngủ ngoài hiên, tìm cái gì cho ngựa ăn, rồi sáng mai kiếm mối trở lại trấn, cũng được thêm chút tiền.
Nhìn gã mã phu, Thạch Đạt Lang thương hại. Thân thể gã gầy yếu, chiếc áo chẽn với sợi giây thừng thắt ngang lưng đã sờn rách, đôi dép cỏ mòn vẹt gót. Đêm nay lạnh, có thể có tuyết rơi, đi tắt đường nào thì cũng không về đến Kuwana trước khi trời sáng.
Hắn gật đầu:
- Vậy theo ta. Nếu không tìm được nhà Chu Kế Phong thì mình tìm chỗ khác!
Chu Kế Phong mở một lò rèn. Giá trời chưa tối, hỏi thăm quanh đấy chắc họ chỉ đường cho ngay, nhưng khuya khoắt thế này bất tiện quá. Trong thôn yên lặng, ngoài tiếng chày gỗ đập thình thịch đều đều, không còn nghe tiếng gì khác.
Thạch Đạt Lang đồ chừng có người còn giã gạo hay đậu gì đó, bèn cùng với người mã phu theo hướng tiếng chày mà đi tới. Một lúc sau thấy lập lòe ánh sáng qua lùm cây, rồi cả hai đến trước một căn nhà ngoài hiên than củi xếp ngổn ngang và lù lù một đống sắt vụn. Cánh cửa hé mở, ánh sáng vàng vọt của bếp lửa đặt giữa nhà bập bùng vẽ lên vách lem nhem mồ hóng những hình thù cổ quái đang nhảy múa. Trước bếp lửa, một người đàn bà ngồi xoay lưng ra ngoài, tay áo xắn cao, đang dùng một cái chày gỗ ra sức đập vào mớ quần áo để trên phiến đá.
Thì ra họ đã đến đúng cửa hàng lò rèn của Chu Kế Phong. Gã mã phu đẩy cửa bước vào. Người đàn bà giật mình kêu lên một tiếng ngắn.
- Chào bác. Trong này ấm quá nhỉ, bác cho sưởi nhờ chút.
- Ngươi là ai? Hỏi gì?
Gã mã phu đến ngồi xổm bên bếp, xòe hai tay ra đưa đi đưa lại trên ngọn lửa:
- Tôi là mã phu ở trấn dưới. Có khách quan đây muốn gặp bác Tất Đạt.
Người đàn bà quay ra, vừa lúc Thạch Đạt Lang bước vào. Nhìn y phục và dáng khập khiễng của hắn, thiếu phụ hơi cau mặt, giọng hách dịch:
- Đóng cửa lại! Gió lùa làm thằng bé cảm bây giờ!
Thạch Đạt Lang lùi lại khép cửa rồi ra ngồi trên khúc gỗ cạnh vách. Phòng trong có tiếng động, thiếu phụ bỏ đống quần áo đang giặt, chạy vội vào. Thạch Đạt Lang nhìn theo thấy bà ta lật chăn, bế một đứa trẻ nhỏ lên cho bú.
Hắn đảo mắt nhìn quanh. Căn phòng hắn ngồi có lẽ là cửa hàng vì ở góc thấy có một cái bễ bỏ không, trên vách treo la liệt những lưỡi liềm, cuốc, dao phát và một vài nông cụ lặt vặt khác. Trần nhà mồ hóng bám đen, rủ xuống lòng thòng như thạch nhũ.
Gần cửa vào phòng trong, có treo một nông cụ hình thù quái dị hắn đoán chừng là món võ khí người mã phu nói đến hồi nãy. Mắt Thạch Đạt Lang sáng lên. Hắn để ý quan sát, quả là một thứ võ khí kỳ lạ, giống như cái gậy ngắn, rất tiện giắt thắt lưng, đầu có khoen, móc sợi dây xích sắt. Cuối sợi xích là một quả đầu tròn không biết làm bằng gì nhưng trông có vẻ nặng. Tiếng người đàn bà trong phòng vọng ra.
- Chắc khách quan cũng là một trong những lãng nhân giang hồ đi khất cái để tìm thầy học võ chứ gì! May mà trượng phu ta đi vắng chứ nếu không thì hẳn không toàn thây ra khỏi chỗ này đâu!
Người mã phu tỏ vẻ bất bình. Gã nhìn vào phòng trong rồi liếc xéo Thạch Đạt Lang thấy hắn vẫn giữ vẻ điềm tĩnh. Thiếu phụ cười hích hích ra vẻ tự mãn và bằng lòng với câu nói này lắm. Không muốn để mất lòng người đàn bà, Thạch Đạt Lang hỏi:
- Thế ra Chu gia đi vắng hả? Đi đâu vậy?
- Đền Arakida.
- Đền Arakida ở đâu?
- Đến Ise mà không biết đền Arakida thì lạ thật!
Tiếng thằng bé cựa quậy và khóc. Người đàn bà ru khe khẽ:
À ơi cái ngủ mày ngủ cho say Đừng theo những trẻ quấy ngày khóc đêm Cái ngủ mày ngủ cho bền Quấy nhiều khóc lắm chỉ phiền mẹ cha...
Tiếng ru nghe không rõ nhưng điệu ru thật quen thuộc. Nó gợi cho Thạch Đạt Lang nhớ lại những ngày tháng xa xôi thuở nào, khi hắn còn bé, bé lắm. Hắn ngồi im nhìn ngọn lửa bập bùng, lòng mềm hẳn lại, thèm khát một mái nhà êm ấm, một mối tình dịu dàng chưa bao giờ được hưởng.
Người đàn bà đặt đứa bé nằm yên, bước tới bên bếp lửa từ bao giờ và móc lên cái móc trên bếp một ấm nước rồi hỏi hai người:
- Uống trà nhá!
Thạch Đạt Lang không đáp, chỉ hất hàm về phía món võ khí treo bên cửa, hỏi thiếu phụ:
- Cái này của lệnh phu vẫn dùng đấy ư?
- Phải! Người đàn bà đáp với giọng hãnh diện. Trượng phu ta tự chế ra đấy.
- Ta coi một chút được không?
- Được!
Thiếu phụ với tay tháo món võ khí trao cho Thạch Đạt Lang. Hắn nhấc thử quả cầu đúc bằng sắt to bằng quả cam thấy nặng chừng hai cân. Trong lúc giao đấu, vung cầu này lên trúng đầu địch thủ có thể làm vỡ sọ, trúng tay chân thì gãy tay gãy chân như chơi. Dọc cán cầm, có một cái rãnh và một nút bấm. Thạch Đạt Lang bấm nút, một cái lưỡi như lưỡi hái bật ra, cong cong tựa càng bọ ngựa, móc cũng được mà chém cũng được, thật là lợi hại.
- Loại võ khí này ghê gớm quá, nhưng không biết sử dụng ra sao!
Hắn cầm võ khí tay trái, tay phải giữ quả cầu sắt.
Tiếng người đàn bà cười hinh hích:
- Không phải thế! Đưa ta chỉ cho.
Thiếu phụ nắm cán võ khí, thu sợi dây xích và quả cầu vào một tay, quay mình rồi xuất kỳ bất ý tung giây xích ra đánh rẹt. Sợi dây xích móc vào cây dao phát treo trên giá, cuốn luôn cây dao giật trở lại. Trong nháy mắt, cây dao đã nằm gọn trong tay trái thiếu phụ.
Thạch Đạt Lang và gã mã phu trố mắt nhìn. Gã mã phu xuýt xoa:
- Ghê thật!
Vợ Tất Đạt treo võ khí lên vách, nói:
- Công dụng của sợi dây xích là thế. Nó dùng để đoạt kiếm địch thủ. Nếu cần, bật lưỡi hái ra cắt tay địch thủ nếu hắn không chịu buông kiếm.
Thạch Đạt Lang trân trân nhìn người đàn bà. Đối với hắn, giờ đây thiếu phụ này là một người khác. Sau thủ pháp vừa rồi, bà ta không còn là một người tầm thường, đần độn nữa.
Vợ Tất Đạt ở lứa tuổi trung niên, da ngăm ngăm đen lại lùn, bình thường kể như vào hạng xấu. Nhưng sự khéo léo và nhanh nhẹn vừa qua, cách tung quả cầu ra và thu lưỡi dao về có một cái gì linh động, uyển chuyển khác thường làm hắn ngạc nhiên như vừa được xem một điệu vũ đặc biệt. Hắn hùa theo người mã phu:
- Ghê thật!
Và trong lòng hắn nghĩ không biết Tất Đạt ra sao, kỹ thuật sử dụng võ khí của y cao đến mức nào mà vợ y lành nghề như thế! Ý tưởng này làm hắn càng háo hức muốn gặp Tất Đạt. Lợi dụng lúc thiếu phụ vào nhà trong lấy trà, hắn hỏi nhỏ người mã phu:
- Đền Arikida là đền gì, ở đâu?
- Đó là đền xử nữ, thờ thần Thái Dương, ở cách đây mấy dãy núi. Dòng họ Arikida trông nom đền, trồng trọt lấy thóc lúa và hoa quả dùng vào việc cúng lễ.
- Vậy ta tìm Tất Đạt chắc cũng không khó.
Họ uống trà đến khuya. Khi vợ Tất Đạt vào nhà trong rồi, cả hai chia phiên nhau canh bếp lửa tới sáng.
Hôm sau, Thạch Đạt Lang trở dậy sớm. Vết thương ở chân hắn sưng to. Hắn lên cơn sốt không đi bộ được nữa nên lại phải thuê ngựa cưỡi đến trấn Yamada nghỉ tạm. Ở đó có chỗ trọ tử tế và may ra có lương y chữa trị. Thạch Đạt Lang ngỏ lời với người mã phu, được gã bằng lòng ngay vì thấy ông khách lạ này cũng sòng phẳng tử tế, và nhất là ở Yamada dễ tìm được khách thuê ngựa đi ngược trở lại trấn Kuwana hơn.
Qúa trưa, Thạch Đạt Lang đến Yamada, tìm chỗ trọ, trả tiền mã phu, rồi mượn người đến đền xử nữ hỏi thăm tin tức Tất Đạt.
Yamada là một thị trấn nhỏ hẻo lánh, về mùa đông lại càng vắng vẻ. Vài chục ngôi nhà gỗ nghèo nàn bên một sơn đạo, tuyết rơi đêm trước còn phủ trắng mái nhà và lấp kín những gốc cây đổ sau trận bão vừa rồi. Quán Thạch Đạt Lang ở trọ là một trà thất đơn sơ, hắn cũng lại là người khách duy nhất trong quán. Rủi cho Thạch Đạt Lang, trấn này trước đây vẫn có tiệm thuốc, nhưng nay vì vắng khách, không còn ai ở lại hành nghề nữa. Người hắn mướn đi hỏi tin tức cũng đã về, nói không có ai tên Tất Đạt ở đền Arikida cả, Thạch Đạt Lang thất vọng, đành ngồi trong phòng chuyên tâm vào việc trị thương. Nghe nói dùng quả muồng muồng giã nhỏ đắp vào chỗ đau có thể khỏi, hắn cũng làm theo. Mùi muồng muồng xông lên hắc và ngái khiến hắn buồn nôn và hối hận đã rẽ vào vùng này mà chẳng được việc gì. Chỉ còn vài ngày nữa hết năm, Thạch Đạt Lang đã viết thư gửi đi, hẹn tiết Nguyên tiêu trở lại Kyoto gặp Hoa Sơn phái, không lẽ bây giờ hủy bỏ cuộc gặp gỡ ấy chỉ vì cái chân đau. Lại còn việc hội ngộ với Mãn Hà Chí ở đại kiều đường Gojo nữa. Suy đi tính lại, việc quan trọng nhất bây giờ là phải làm sao cho vết thương ở chân được lành đã rồi rời nơi này ngay để đi Kyoto thì mới kịp.
Đêm ấy Thạch Đạt Lang sốt nặng. Chủ quán đến săn sóc cho hắn, lột bỏ lớp đậu muồng muồng đi và rửa sạch chỗ chân đau, buộc lại cẩn thận. Sáng hôm sau cơn sốt lui nhưng vẫn còn sưng và đau lắm. Hắn có cảm tưởng như đeo một cục chì. Trong đời, Thạch Đạt Lang chưa bao giờ bị bệnh nặng đến phải nằm liệt giường ba ngày liền, ngoại trừ một lần, lúc còn nhỏ bị cái nhọt trên đỉnh đầu.
“Bệnh hoạn thật là một kẻ thù đáng sợ mà ta không làm gì được! Kẻ thù bên ngoài còn dễ đối phó, chứ kẻ thù từ trong ra, nó ăn ruỗng cơ thể và tâm hồn mình lúc nào không hay, khó mà lường nổi”. Nhưng nghĩ như thế, hắn lại thấy tâm thần khích động cho đó là một thách đố. Hắn tung chăn ngồi dậy, lẩm bẩm:
“Một vết thương nhỏ như thế này mà mình không quyết tâm khắc phục thì làm sao đương đầu với cả Hoa Sơn phái?”.
Hắn nghiến răng chịu đau, thu chân lại ngồi theo thế kiết già, nước mắt chảy ràn rụa, tưởng ngất đi ngay trong lúc ấy. Nhưng sau một khắc tự chủ, hô hấp trở lại điều hòa, hắn thấy mắt bớt hoa, mạch máu hai bên thái dương dường như bớt đập mạnh và trong người thư thái hơn trước. Trước ý chí mãnh liệt của hắn, con quỷ đau đớn đã nhường bước, hắn nghĩ vậy. Thạch Đạt Lang nhắm mắt, hai tay để lên đùi, tập trung hết ý chí vào việc điều hòa kinh mạch, đẩy máu độc ra ngoài. Mồ hôi vã ra như tắm, hắn cảm thấy vết thương dưới chân đang nứt ra, lần vải buộc ướt nhớp nháp.
Một lúc sau dừng lại, hắn duỗi chân. Lại lần nữa sự đau đớn làm mặt hắn co rúm.
Thạch Đạt Lang thong thả cởi lần vải ngoài, quả nhiên máu mủ đã loang đầy mấy lần vải trong, ướt đẫm. Máu đen và mủ đặc vẫn tiếp tục ri rỉ chảy từ miệng vết thương ra, nhưng máu mủ chảy đến đâu, hắn thấy nhẹ người đi đến đấy. Hắn gọi người hầu lấy chậu nước, rửa sạch chỗ đau, buộc lại bằng vải mới, rồi ngồi xếp bằng nhìn ra ngoài.
Trước cửa sổ, rừng bách trải dài trên tuyết, gần đấy là đồi Mi Sơn, xế về phía đông, đồi Thạch Ấn nhô đầu khỏi hàng bách tuyết phủ trắng xóa. Giữa hai quả đồi là một ngọn núi cao, sườn dốc và trên đỉnh một tảng đá lớn nhô ra trông tựa mỏ chim. Trái núi giống con đại bàng nghiêng đầu nhìn cánh rừng trước mặt. Thạch Đạt Lang càng nhìn càng thấy giống, không ngờ chính ngọn núi ấy mang tên Đại Bàng sơn, một tên do dân địa phương đặt cho không biết tự bao giờ.
Trông ngọn núi ngạo nghễ, hắn nghĩ đến Trúc Mộ tiên sinh, từ trên mây nhìn xuống, chế giễu sự yếu đuối, vô dụng của hắn. Thạch Đạt Lang nóng nảy muốn đi ngay, làm một cái gì, không phải vì hiếu thắng mà vì muốn chứng tỏ với chính mình sự quyết tâm và ý chí khắc phục trở ngại. Nhu cầu ấy cấp thiết, từ trong cõi sâu kín nhất của tâm thức thôi thúc, không cho hắn trì hoãn, mặc dầu cơ thể hắn đang trải qua cơn đau đớn ê chề. Hắn gọi chủ quán đến tính tiền, gói cho một ít lương khô để ngày hôm sau đi sớm.
Hôm sau, mới đầu giờ mão, Thạch Đạt Lang đã trên đường dẫn đến đền Arikida.
Mỗi bước chân đi là một khó nhọc vô cùng, cơn đau dày vò làm hắn có cảm tưởng như chân sắp rời ra từng mảnh. Thạch Đạt Lang biết rõ chuyện đó từ khi rời khỏi quán, nhưng hắn nghiến răng mà đi vì đây là một thử thách. Lội qua nước suối lạnh buốt, sang đến bờ bên kia thuộc địa phận đền Arikida, hắn gục xuống bên gốc cổ tùng rễ nổi cao trên mặt đất. Không khí trong lành, phong cảnh tịch mịch quanh ngôi đền và từ xa, xa lắm mơ hồ vẳng lại tiếng sáo theo một điệu nhạc cổ làm hắn thiếp đi. Trong giấc mơ, dướng như hắn nghe tiếng chim hót và cả tiếng nghẹn ngào đứt quãng của những thiếu nữ hát đệm trong những buổi tế lễ xưa.
Thạch Đạt Lang tỉnh dậy, nắng đã chan hòa đổ trên các mảng tuyết chưa tan. Hắn chỏi mắt, lấy tay sửa lại chiếc nón rồi men theo bờ suối đi ngược lên, khó nhọc trèo qua những tảng đá rêu phủ trơn trượt. Được một quãng thấy bức tường đất chắn ngang, chỉ còn để lại một lối đi nhỏ, và gần đấy có cửa khép kín, Thạch Đạt Lang tháo kiếm và hành trang dựa cửa ngồi nghỉ. Hắn lấy lương khô ra ăn, múc nước suối uống rồi ngồi trên bờ suối cởi vết thương ra xem. Vết thương tuy còn đau nhưng đã đỡ nhiều, không sưng tấy lên như trước. Thò chân xuống nước lạnh, hắn lại thấy dễ chịu, nên nghĩ sao, cởi luôn quần áo nhảy xuống tắm. Hắn vùng vẫy, ngụp lặn dưới nước, tưởng như muốn để cho dòng nước trong sạch này rửa hết mọi nhơ bẩn của tâm hồn và thân thể cho hắn được thanh khiết hơn.
Nghe tiếng chim véo von, hắn cũng hòa theo mà ca hát. Giá có ai đi qua nhìn Thạch Đạt Lang tắm vào lúc này tất cho hắn là một thằng điên, vì hỗn hào bị thần linh quở phạt như trước đây đã phạt hóa điên một tên thợ săn vào bắn trộm chim trong đền.
Đối với Thạch Đạt Lang, sự tắm nước lạnh và dự định trèo lên đỉnh Đại Bàng sơn ngày hôm nay có một ý nghĩa đặc biệt. Cuộc giao đấu với Hoa Sơn phái là cuộc giao đấu sinh tử. Hắn không sợ chết, cũng không muốn chết anh hùng. Hắn muốn thắng một cách anh hùng nên hắn phải chuẩn bị. Để có một ý chí vững chắc như sắt đá. Để có một lòng tự tin không gì lay chuyển.
So sánh với Trúc Mộ tiên sinh, Ngộ Không lão tăng và Đại Quán thiền sư, rõ ràng hắn còn yếu đuối, chưa đủ trưởng thành để biết phải làm gì và làm vào lúc nào. Cho nên hắn phải học cái dũng của họ, cái dũng của kẻ chiến thắng bản thân trước khi chiến thắng ngoại vật.
Thạch Đạt Lang bơi sang bên kia suối, chui qua ngọn thác nhỏ, nước đổ xuống như trăm ngàn lưỡi dao bén chém vào da thịt. Da hắn đỏ au. Dưới chân hắn là vực sâu, bên kia, ngọn Đại Bàng sơn lừng lững đè lên hắn. Thạch Đạt Lang đã quyết tâm chưa, đủ nghị lực chưa? Bây giờ là lúc quyết định. Hắn hét to, vang động cả sơn cốc:
- Ta sẽ thắng!
Tiếng vọng từ khắp các vách đá dội lại, thôi thúc, cổ võ:
- Ta sẽ thắng! Ta sẽ th... ắng! Ta sẽ th... ắng...
Nắm một dây leo dài, Thạch Đạt Lang đánh đu xuống vực rồi chuyền cành nọ sang cành kia, chẳng mấy chốc đã đứng dưới chân núi. Nhìn hắn trần truồng leo qua những cành cây, bám vào ghềnh đá mới thấy sự táo bạo vô biên của hắn. Chỉ một cái xẩy tay hay trượt chân là tan xác. Không khác một người tiền sử ra sức chế ngự thiên nhiên để tìm sự sống. Gió núi thổi ào ào, tai hắn ù đi. Mỗi lần bám vào vách đá cao để leo lên, hắn lại gọi tên người hắn muốn tranh thắng. Này Đại Quán này! Này Ngộ Không này! Này Trúc Mộ này! Hắn trèo. Hắn đạp. Hắn bấu. Chỉ còn vài trượng nữa là tới đỉnh. Da hắn gai cào sứt đến rướm máu. Một chút cố gắng nữa! Một chút nữa thôi!
Nói thì dễ nhưng làm thật khó. Chút cố gắng ấy chính là để phân định sự khác biệt giữa lưỡi gươm chiến thắng và lưỡi gươm chiến bại.
Thạch Đạt Lang và trái núi bây giờ là một, nhưng trái núi ngạc nhiên và không muốn người ta làm rộn nên thỉnh thoảng lại đổi xuống rào rào sỏi với đá, không kiên trì bám vào những bụi cây mọc chồi ra, có lẽ đã bị kéo văng xuống vực rồi!
Đột nhiên, trong một cố gắng phi thường, Thạch Đạt Lang rướn mình đi lên bám vào một phiến đá. Hắn nằm sấp trên phiến đá ấy, trông ra bốn bề không có gì ngăn cản, chỉ thấy trời xanh biếc. Bên dưới, mây nhẹ như khói bao phủ cả một vùng.
- Thắng rồi! Ta thắng rồi!
Hắn đã lên tới đỉnh, bao nhiêu sức lực như sợi dây cung căng quá độ đứt phựt, bỏ hắn. Thạch Đạt Lang thở hắt ra, nhắm mắt, bất tỉnh.
Khi tỉnh dậy, hắn nhìn xuống chân. Máu mủ ở vết thương tuôn ra, Thạch Đạt Lang tưởng như đang kéo trôi tất cả những nhu nhược và mặc cảm của hắn. Trong cái thanh khiết chốn cao sơn dường như có mùi tinh lực con người, mùi dịu ngọt của phiền não đang tiêu tán.