- Đi về phía nào?
- Phía cầu gỗ, nhưng không qua cầu. Hình như rẽ vào hàng bán đồ sắt.
Bọn đồ đệ Hoa Sơn hấp tấp bỏ đi, quên cả cám ơn bác nông phu làm bác ngạc nhiên nhìn theo, không hiểu chuyện gì.
Trời đã về chiều. Đường chân núi vắng vẻ ít người qua lại, hàng quán ven đường lục tục đóng cửa nhưng may làm sao gian hàng bán đồ sắt và lò rèn vẫn thấy còn người kéo bễ. Cả bọn ùa vào. Nhìn đoàn khách lạ Ồn ào, có dáng giận dữ, binh khí đeo bên sườn kêu rổn rảng, gã kéo bễ chột dạ, ngưng tay chạy vội ra.
- Hồi trưa có ai đến đây không?
- Dạ có.
- Người thế nào?
- Một thanh niên cao lớn mang bào tía, đeo trường kiếm, nhưng đầu không cạo như các kiếm sĩ khác thường thấy.
- Hắn ẵm một con khỉ nhỏ phải không?
- Dạ phải.
- Đúng rồi! Hắn có hỏi gì không?
- Có. Thanh niên đòi xem võ khí chế tạo tại bổn tiệm, nhưng hình như không được vừa ý, vì thấy ý chỉ lắc đầu...
- Hừ...
- Lại tháo cả trường kiếm đeo trên vai xuống và hỏi ý kiến tiểu nhân nhưng tiểu nhân không dám đáp, vì thật ra tiểu nhân chỉ là thợ phụ không chuyên nghề rèn kiếm...
- Vậy bây giờ tên đó đâu?
- Dạ, bỏ đi ngay sau khi biết chủ nhân bổn tiệm đi vắng.
- Đi về phía nào?
- Về phía bến đò Temma.
Cả bọn lại ùa ra cửa, theo đường bờ sông trực chỉ bến đò Temma. Họ rảo bước, chẳng ai nói với ai lời nào, lầm lũi đi không nghỉ vì trời đã chạng vạng tối. Trăng hạ tuần chưa mọc, sương chiều bắt đầu bao phủ mặt nước làm mờ những ngọn cỏ lác ven sông và run rẩy các đốm lửa chài lúc ẩn lúc hiện tít tận đằng xa, phía bên kia bờ.
Gần đến bến, một người trong bọn kêu lên:
- Thôi rồi! Nó trốn rồi!
- Sao ngươi biết?
- Thì quán vắng ngắt, người ta đang xếp dọn bàn ghế. Vậy là thuyền mới nhổ sào, ta lỡ chuyến đò này rồi!
Thất vọng, cả bọn tản ra quanh bến, hỏi thăm người xung quanh thì được biết hồi chiều quả có một thanh niên với con khỉ lên thuyền đi đã hơn một khắc rồi. Tuy nhiên, theo họ, cũng chưa phải là trễ.
- Mùa này nước chảy xiết. Thuyền đi ngược dòng chậm lắm. Chư vị vào quán nghỉ chân một lúc đã, rồi cứ theo đường ven sông này đuổi theo đến bến Kurushi ắt là gặp vì thế nào thuyền cũng cập bến này đón khách.
Đồ đệ Hoa Sơn cho là phải, vào quán gọi bánh trà ăn uống, một lúc sau mới lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình.
Sông Temma là một phụ lưu của đại hà Yodo, về mùa nước lớn, ngã ba sông rộng mênh mông như biển. Bọn đồ đệ Hoa Sơn cứ cắm cúi theo đường mòn mà đi, răng nghiến chặt chống lại cái rét căm căm của gió bấc cuối năm. Trăng mọc đã lâu, trắng như sữa trên nền trời trong xanh không một vẩn mây và lạnh buốt. Bên đường, lá sậy khô đóng giá ánh lên dưới ánh trăng chẳng khác gì những lưỡi kiếm thép tí hon sáng lóng lánh.
Giữa sông, lẩn trong màn sương trắng đục, một khối xám lừ lừ tiến ngược dòng nước, ánh đèn chai thấp thoáng ẩn hiện.
- Thuyền kia rồi! Đấy! Thuyền ấy đấy!
Cả bảy người không ai bảo ai cùng rảo bước mau thêm. Sự khích động khiến họ quên cả lạnh. Chẳng bao lâu con thuyền hiện ra rõ hơn trước, tiếng mái chèo khua nước rào rào. Một người trong bọn nóng nảy bắc loa tay gọi lớn:
- Bớ thuyền ngoài kia! Dừng lại!
Trên thuyền có tiếng đáp:
- Ai đó?
- Dừng lại!
- Nhưng các vị là ai? Muốn gì?
- Ta muốn nói chuyện với một người khách mặc áo đỏ!
Lời nói vừa thốt ra, bọn Hoa Sơn thấy thật là dại dột. Đằng nào thuyền cũng ghé bến sắp tới. Thà cứ để yên như thế, bọn hắn chia nhau ra phục kích, chờ cho thuyền đậu, rồi bất ngờ nhảy lên tấn công, nếu không bắt sống thì cũng giết được tên trẻ tuổi xấc láo đó. Bây giờ làm náo động lên, nó nhảy xuống sông trốn mất hay ít ra cũng đã đề phòng. Sự tấn công thành ra mất một yếu tố quan trọng, khó khăn thêm! Người đứng tuổi nhất trong bọn xem ra giận dữ lắm, bứt tóc giậm chân, tự trách mình ngu xuẩn.
Nhưng đã trót rồi, chỉ còn cách dọa và làm chủ đò sợ hãi.
- Chủ đò đâu? Ghé thuyền vào bờ!
Không nghe tiếng đáp, chỉ thấy mái chèo vẫn đều đặn khua nước. Hiển nhiên trên thuyền, chủ và khách cho bọn này là thảo khấu bày chuyện để ăn cướp. Muốn an toàn, cách tốt nhất là cứ giữ cho thuyền đi giữa sông, gươm giáo nào đến gần được!
- Nếu không ghé vào bờ, đến bến ta lấy đầu chủ đò. Báo cho mà biết trước!
Trên đường mòn, cả bọn theo nhau đuổi con thuyền sát nút, thỉnh thoảng dừng lại nghe động tĩnh. Họ mang giầy cỏ, bước chân tuy êm nhưng vẫn làm đứt quãng những tiếng côn trùng kêu ri rỉ đều đều trong đám lau sậy.
Trời đã khuya lắm. Trăng sáng vằng vặc mà sương cũng bớt dần. Đò đến gần bến Kurushi, bọn Hoa Sơn chạy trước ra cầu tàu đón. Nhưng kìa lạ quá, sao thuyền không vào mà dừng lại ở giữa sông, quay hai ba vòng như do dự. Có lẽ trên thuyền đang có sự bất đồng ý kiến giữa hai phe hành khách, một phe muốn cập bến và một phe muốn thuyền đậu giữa sông chờ sáng hoặc đợi lính tuần đến bảo vệ.
- Gã tiểu tử hỗn láo mặc áo đỏ có đó không?
Một người trong bọn Hoa Sơn hỏi lớn.
Tức thì thanh niên ôm con khỉ bước ra mũi thuyền:
- Bọn ngươi là ai? Nếu không là giặc cướp thì cũng là đồ vô lại tùng tam tụ ngũ để làm bậy bắt nạt kẻ qua sông. Trong thuyền không có ai mặc áo đỏ, chỉ có ta. Vậy chắc bọn ngươi muốn gặp ta. Muốn cái gì?
Tiếng xì xào nổi lên. Trẻ em và phụ nữ ngồi thu vào góc khoang niệm Phật. Trên bờ, một hai quán vội thổi tắt đèn, đóng cửa. Thời buổi nhiễu nhương, người dân thấp cổ bé miệng chỉ mong yên thân; đao thương không có mắt, kinh nghiệm đã dạy cho họ biết chẳng dại gì mà dính vào những chuyện tranh chấp không đâu.
- Tiểu tặc! Hãy giữ mồm miệng. Chúng ta là người của Hoa Sơn đến hỏi tội ngươi đây!
- Muốn sống thì ghé thuyền vào bến, đừng để cho chúng ta phải trèo lên!
Thanh niên cười gằn:
- Đồ ngu! Không biết tự lượng!
Chưa dứt lời, gã giật ngay cây sào trong tay người lái đò và chỉ đẩy vài cái, thuyền đã phăng phăng rẽ nước vào bờ. Con thuyền lướt tới càng lúc càng nhanh tưởng như sắp đâm sầm vào chân cầu gỗ. Mạn thuyền cọ vào chân cầu kêu rắc rắc, tiếng người la hét cùng với tiếng quang quác của những giống thủy cầm thấy động bay lên làm huyên náo cả khúc sông vắng.
Thình lình, một vật tròn đen xẹt qua ngọn lau, bắn thẳng vào vai tên đồ đệ Hoa Sơn đứng trước. Tên này luống cuống giật lùi vung gươm chém loạn. Cả bọn la hoảng.
Cầu tàu thì hẹp, bọn chúng lại đông, sự tháo lui vô trật tự khiến một tên trượt chân ngã lăn tòm xuống nước. Khi định thần nhìn kỹ lại thì mới biết đó là con khỉ. Chúng tức giận chửi bới om sòm.
Thanh niên áo đỏ đứng trên mui thuyền cười ha hả:
- Đây là chư vị kiếm sĩ Hoa Sơn đấy ư? Giỏi quá! Giỏi quá! Ta chưa ra tay mà đã có kẻ uống nước rồi.
Nói vừa dứt câu, nhanh như cắt, thanh niên đã nhảy xuống cầu tàu, áo bào xòe rộng và lưỡi kiếm rút đánh soạt, lóe sáng dưới ánh trăng. Tên đệ tử Hoa Sơn đứng gần nhất chưa kịp trở tay đã bị lưỡi kiếm đâm suốt ngực. Rút kiếm ra, thân người chưa kịp đổ, thanh niên đã nghiêng mình né nhát gươm bổ xuống mạnh như vũ bão của tên Hoa Sơn thứ hai, đồng thời lia trường kiếm chênh chếch theo đường vòng cung từ trên xuống.
Một tiếng thét hãi hùng nhưng đứt quãng, đầu tên môn đệ Hoa Sơn thứ hai đã rơi tõm xuống nước. Mình gã còn quỳ trên cầu, hai tay nắm chặt chuôi kiếm và lưỡi kiếm chém vào thành gỗ vẫn bị giữ chặt ở đó. Máu từ cổ gã phun ra có vòi. Trước hai chiêu kiếm nhanh như chớp xẹt và chính xác cực độ của thanh niên áo đỏ, năm tên còn lại biết gặp phải tay ghê gớm, tản ra chung quanh như năm cánh hoa vây thanh niên vào giữa.
Chúng định lấy số đông áp đảo.
- Gi... ết!
Tiếng hét xung trận vừa được tung ra như sấm động, một tên đã nhắm hướng thanh niên đứng, chĩa kiếm đâm thẳng vào tựa tên bắn. Chỉ tiếc kỹ thuật còn kém lại không lường kịp phản ứng thần tốc của đối phương nên đường kiếm không trúng đích. Hắn quá đà chúi về đằng trước, chưa kịp gượng dậy đã bị thanh niên nhảy lên lưng đạp cho ngã sấp và dùng chiêu trảm nhạn hớt đầu tên đứng bên hữu khi tên này chưa kịp xuất thủ.
May sao, gã nhanh mắt, trầm mình xuống tránh khỏi, nhưng cũng bị thanh kiếm dài quá khổ chém xả vai. Tiếng rú thê thảm của hai đệ tử Hoa Sơn bất hạnh làm sởn gai ốc ba tên còn lại. Chúng hoảng hốt múa bậy vài chiêu rồi hè nhau bỏ chạy.
Thanh niên áo đỏ nhìn theo lắc đầu:
- Không biết Hoa Sơn còn cao nhân nào nữa không chứ nếu ai cũng thế này cả thì bất xứng quá! Chả trách làm trò cười cho thiên hạ!
Vừa lúc đó, tiếng vó ngựa từ xa vẳng đến rồi thấy xuất hiện trên đê một kỵ mã, theo sau là một tên hầu chạy bộ. Ánh trăng khuya vằng vặc chiếu rõ trang phục của người cưỡi ngựa:
chiến bào màu vỏ dà viền kim tuyến, nón nan trên đầu, trường kiếm bên hông. Con ngựa ô khỏe mạnh đi nước kiệu, hơi thở phì ra đằng mũi như hai luồng khói trắng.
Ba đệ tử Hoa Sơn tháo thân chạy lên đê suýt đâm phải kiếm sĩ. Chúng khựng lại kịp, rồi đột nhiên cùng reo lên vui mừng:
- Đại ca!
Vì kiếm sĩ cưỡi ngựa đó chẳng ai khác hơn là Hoa Sơn Sĩ Khánh.
- Đi đâu thế này? Sao lại ở đây? Ta tưởng các ngươi phải còn ở nhà trọ chứ?
- Dạ, xin đại ca xá lỗi. Bọn tiểu đệ ra đi từ sáng.
- Hừ! Lại rượu chè ở đâu rồi! Thật đáng phạt.
- Trình đại ca không phải thế. Vì bọn tiểu đệ được tin có một tên trẻ tuổi xấc láo phạm đến uy danh của bản phái, nên họp nhau truy nã.
- Đúng vậy không?
- Bọn tiểu đệ đâu dám nói láo. Tiểu tặc đó ở gần đây. Nó tuy còn nhỏ tuổi nhưng dũng mãnh lắm. Đường kiếm của nó thần sầu quỷ khốc...
- Nói bậy! - Tên tiểu đồ chạy theo ngựa của Sĩ Khánh vội cướp lời - Để mất lòng tự tin thì lâm trận thắng sao được! Không đường kiếm nào thần sầu quỷ khốc bằng đường kiếm của đại ca!
Ba tên kia định kể thêm thì Sĩ Khánh ngăn lại:
- Thôi! Ta biết rồi. Bây giờ tên đó đâu?
- Dạ, ở đằng kia!
Và chúng chỉ tay về phía bến đò.
Vừa hay thanh niên áo đỏ đi tới. Dáng hắn lênh khênh, tay còn lăm lăm thanh trường kiếm mà hắn mệnh danh là “cây sào phơi”. Ánh trăng chiếu bóng và kiếm hắn đổ dài trên cỏ.
Ba tiểu đồ Hoa Sơn đưa mắt nhìn nhau, tên hầu ngựa Sĩ Khánh chạy vội tới trước, rút gươm quát lớn:
- Tiểu tặc này phải không?
Và phóng chiêu ra liền. Thanh niên áo đỏ chỉ khẽ quay mình né tránh rồi thuận tay bổ xuống một nhát, tên hầu ngựa chúi về phía trước tưởng chết đến nơi, may sao chỗ đó gần bờ sông, đất lở khiến hắn rơi tòm xuống nước thoát được thế kiếm cực kỳ nguy hiểm. Lóp ngóp dưới sông, bùn và nước lạnh tràn cả vào mũi và miệng, hắn vừa sợ vừa tức. Nhìn lên thấy ba bạn đồng môn đang bị gã áo đỏ đánh tơi bời, hắn nằm im thin thít không dám chửi to, chỉ rủa thầm trong bụng. Kiếm hắn rơi đâu mất mà lòng tự tin của hắn cũng bỏ hắn rồi!
Trên bờ, bọn đệ tử Hoa Sơn chạy tán loạn không rõ về hướng nào. Thanh niên áo đỏ mắt sáng quắc lừ lừ tiến lại phía Sĩ Khánh. Tình thế khẩn cấp quá, Sĩ Khánh không ngờ cục diện thay đổi nhanh như thế. Lúc đầu hắn không sợ, vì dù sao phía Hoa Sơn cũng có tới bốn người không kể hắn. Bây giờ chỉ còn một mình hắn phải đơn độc chống với gã thanh niên dũng mãnh kia mà kiếm thuật của gã, hắn vừa được dịp quan sát, không phải là hạng tầm thường. Nhìn thanh trường kiếm dài quá khổ gã thanh niên áo đỏ sử dụng, đột nhiên Sĩ Khánh như sực nhớ ra điều gì. Một ý nghĩ vụt hiện, hắn gọi lớn:
- Giang Biên Liễu!
Rồi rút một chân khỏi bàn đạp để lên yên, tay hắn vỗ nhẹ vào đầu ngựa. Con ô câu hí một tiếng dài, co cẳng trước phóng qua đầu thanh niên trong khi Sĩ Khánh uốn mình như con tôm, lộn ngược lại phía sau đồng thời rút kiếm ra khỏi vỏ, đứng vững vàng cách thanh niên áo đỏ chừng non một trượng.
- Tuyệt hảo!
Lời khen nhiệt thành phát xuất từ một tấm lòng tri đắc, ngưỡng mộ làm Sĩ Khánh hả dạ. Là chưởng môn nhân một môn phái lớn, hắn quen được xưng tụng nhiều rồi, nhưng những lời xưng tụng ấy đều do thuộc cấp của hắn nói ra nên hắn coi thường. Giờ đây đứng trước một đối phương mà thành tích vừa qua làm hắn phải kiêng nể, đối phương ấy lại tỏ ra tâm phục hắn vì một xảo kỹ hắn vẫn thường tự hào thì bảo sao hắn không vui lòng cho được! Và dĩ nhiên, Sĩ Khánh nắm ngay lấy lợi thế ấy. Bằng một giọng vui mừng, hắn gọi:
- Giang Biên Liễu Cát Xuyên Mộc!
Thanh niên áo đỏ ngạc nhiên:
- Đại hiệp là ai, sao biết đến ngoại hiệu của tại hạ?
Tiếng cười ha hả vang dội trong đêm vắng, tiếng cười vui vẻ, đắc thắng và pha chút hợm hĩnh. Sĩ Khánh vỗ đùi:
- Đại danh thiếu hiệp ai mà không rõ. Tại hạ được nhiều người cho biết uy danh đã lâu, bây giờ mới may mắn được gặp. Thật là đại hạnh!
- Nhưng đại hiệp là ai?
- Tại hạ là Sĩ Khánh, chưởng môn phái Hoa Sơn, tri hữu của Y Tô khi ngài còn ngụ tại một căn nhà nhỏ ở ngoại thành Kyoto.
- Ồ thế ư? Vậy đại hiệp là bạn của sư huynh tại hạ đấy!
- Đúng vậy!
- Nếu thế chúng ta là đồng đạo rồi, còn chống nhau làm gì nữa!
Và không chờ Sĩ Khánh phản ứng, thanh niên tra kiếm ngay vào vỏ.
Sĩ Khánh chỉ đợi có thế. Hắn cũng đút gươm vào bao, mở rộng tay nói:
- Hôm nay tại hạ hết sức vui mừng được gặp thiếu hiệp lại là huynh đệ của một bạn cố tri. Phải mời thiếu hiệp đến thăm tệ xá ở Kyoto mới được!
- Sẵn lòng lắm. Tiểu đệ hiện nay chưa có chủ đích gì, hơn nữa cũng muốn viếng Kyoto để cho sửa lại thanh kiếm. Vậy xin theo đại huynh.
- Thế thì còn gì bằng.
- À, có điều muốn hỏi sao đại huynh đoán được tiện danh, lại còn biết cả ngoại hiệu nữa?
- Có gì đâu. Trong những lúc mạn đàm với Y Tô, ngài thường nhắc đến tên thiếu hiệp. Lại thường nói ngoại hiệu “liễu ven sông” do Cổ lệnh sư đặt cho thật đã lột tả được hết cái phong thái và kiếm thuật của thiếu hiệp nên tại hạ mới trông nhận ra ngay...
Giang Biên Liễu Cát Xuyên Mộc vui vẻ cười thích thú. Lòng tự ái tuổi thanh niên được những lời ca tụng văn hoa của Sĩ Khánh thổi phồng lên bay bổng tựa diều gặp gió.
Hắn vỗ vai Sĩ Khánh cười ha hả:
- Hảo tri kỷ! Hảo tri kỷ!
Thế là cả hai sánh vai nhau trở lại bến sông. Bọn đồ đệ bị đánh tan tác thấy tình thế đã yên, chưởng môn chúng cùng với thanh niên áo đỏ đi bên nhau ý hợp tâm đầu như đôi bạn lâu ngày thì lấy làm lạ nhưng yên bụng lắm. Cát Xuyên Mộc quay qua hỏi Sĩ Khánh:
- Tiểu đệ vẫn không hiểu chuyện gì làm quý phái sai người đuổi theo và tấn công tiểu đệ. Trộm nghĩ chắc chỉ do việc xích mích nhỏ trên thuyền buôn mà ra. Có phải thế không.
Sĩ Khánh vội gạt ngang để trấn an Cát Xuyên Mộc:
- Phải đấy. Nhưng đó là chuyện nhỏ. Tại hạ thật rất ân hận về thái độ của Hồ Định. Để về Kyoto, tại hạ sẽ quở hắn.
- Không sao. Tiểu đệ nghĩ họ có một điểm hay là biết bảo vệ danh dự cho môn phái. Cái đó mới là chính. Kỹ thuật chưa cao thì trau dồi thêm, có gì đáng trách? Thôi ta quên chuyện đó đi là hơn.
- Phải rồi, chẳng nên nói đến nữa.
Bèn hô bộ hạ tìm ngựa dẫn lại. Cát Xuyên Mộc cũng huýt sáo gọi. Con khỉ không biết từ đâu nhẩy đến ngồi trên vai. Cả bọn đến bến đò.
Nhìn thấy bọn đàn em, đứa nằm vắt trên cầu gỗ, đứa mắc vào đám sậy ven bờ, thân thể đã cứng đơ, lòng Sĩ Khánh thắt lại. Dẹp nỗi đau, hắn bảo bọn bộ hạ sống sót ở lại chữa thương và chôn cất những người xấu số, rồi cố lấy vẻ tươi cười mời Cát Xuyên Mộc lên ngựa. Nhưng Cát Xuyên Mộc từ chối:
- Đa tạ đại huynh, tiểu đệ đâu dám. Đại huynh chức vụ cao trọng xin cứ ngồi. Tiểu đệ niên kỷ cũng như danh phận đều kém đại huynh một bực, được đi cạnh cầm cương cũng đã hân hạnh lắm rồi!
Thấy không nài được Cát Xuyên Mộc, vả lại nghe hắn nói cũng phải, Sĩ Khánh trè o lên lưng ngựa nói:
- Vậy ta ngồi một lúc. Khi nào thiếu hiệp mỏi thì ta thay thế.
Trong thâm tâm, hắn mừng như mở cờ. Từ nay đến tiết nguyên tiêu không còn bao lâu nữa. Được tay kiếm tuyệt luân này giúp sức, Thạch Đạt Lang đâu còn là một đối thủ đáng sợ.