III. Tấm lưới: Mohammed
Vài giờ sau khi Amjrus rời những vòng tròn màu đỏ tỏa ra từ những chiếc đèn bập bềnh lên xuống, Mohammed cũng rời tàu. Ngày hầu như đã rạng hẳn, và những tấm khăn bàn màu đỏ tròn tròn do ánh đèn hắt xuống cứ co rút dần cho đến khi khuất gọn trong những chiếc hộp nhỏ bằng thủy tinh thắp sáng. Những ngọn đèn kêu lanh canh khi Mohammed bước xuống cầu tàu.
Tay Mohammed đang đi theo lối này không phải là Mohammed bán vải, không phải Mohammed làm chum lọ bằng đất sét, không phải Mohammed chăn dê, không phải Mohammed ở hàng bán rượu, không phải Mohammed lấy bà dì anh ta làm vợ, không phải bất cứ ai trong số nhiều Mohammed khác mà người ta có thể gặp ở Mogador. Anh là một trong các Mohammed làm nghề chài lưới, nhưng không phải Mohammed đã toan quấy nhiễu Fatma ngoài phố rồi sau đó nổi khùng với Amjrus. Anh là kẻ chẳng bao giờ dám ném cho nàng một cây cầu ở ngoài phố. Khi muốn gặp nàng sau khi nhìn thấy nàng nơi cửa sổ, anh liền nói chuyện với mẹ, và mẹ anh, nhờ có người hàng xóm vốn quen biết với hàng xóm của bà Fatma, liền thu xếp cho anh gặp nàng trong gian phòng khách dùng cho những cuộc thăm viếng vì nghĩa vụ gia đình, đằng sau chiếc bàn dọn mấy cái bánh dừa mà trên đó Mohammed giờ đây không ngần ngại bắc những cây cầu rộng của anh.
Trong khi đi trên cầu tàu, khuấy động âm thanh từ những ngọn đèn, Mohammed nghĩ đã đến lúc anh lập gia đình và tìm người lấy làm vợ. Thật là bất tiện mỗi khi từ nhà chứa trở về nhà mẹ và phải gánh chịu cái nhìn chê trách cùng những lời mắng mỏ của người đàn bà vốn luôn luôn biết anh vừa ở đâu về. Hơn nữa, anh nghĩ, nhất định là sẽ dễ chịu hơn nếu tối tối, khi từ chỗ con tàu đỏ hay đi đánh cá trở về, anh đều lại bước vào một nơi trở nên dịu êm hơn nhờ giấc mơ về một người vợ chờ đợi anh vô điều kiện mà cũng không nổi cơn tam bành. Nhìn thấy sự dịu dàng trong phong thái của Fatma, anh ngày càng nghiêm túc đặt nàng vào trung tâm kế hoạch xây tổ ấm của anh.
Anh muốn đến Hammam nhưng phải gần bốn tiếng đồng hồ nữa chỗ đó mới mở cửa cho đàn ông. Trong khi đợi vào nhà tắm, anh xuống bếp để mẹ cho ăn sáng sau khi bà lên lớp cho anh một bài. Anh hy vọng dành vài giờ sau đó để sửa đồ nghề đánh cá. Mẹ anh hỏi liệu anh có muốn gặp Fatma nữa không. Anh không muốn thừa nhận rằng người đàn bà nơi cửa sổ đã chạy trốn anh; anh chỉ muốn nghĩ rằng những lẩn tránh của Fatma được nuôi dưỡng bằng sự khiêm nhường hơn là sự gớm ghét. Anh kể với mẹ về sự im lặng không ngừng của Fatma, gợi ý rằng nỗi xốn xang câm nín của nàng, sự bối rối của nàng mỗi khi anh đứng trước mặt nàng, là triệu chứng rụt rè cho thấy nàng rất mực chú ý đến anh.
Mẹ anh đồng ý với anh, bà muốn đoan chắc rằng lời cầu hôn của con bà sẽ có vô vàn giá trị đối với một thiếu nữ giống bà đến thế và nhất định sẽ xây đắp một gia đình giống hệt như bà đã xây đắp trước khi góa bụa. Điều khiến bà khiếp sợ khi thấy con bà thích người đàn bà nơi cửa sổ là cái lời nguyền treo trên đầu cô ta từ khi cha mẹ cô mất tích.
Bà sợ một ngày nào đó Fatma sẽ cùng con bà lên thuyền tới xứ sở mà từ đó không có lối quay về. Nơi người ta cho là cha mẹ Fatma đang ở, đợi nàng và cất tiếng gọi nàng. Mohammed trấn an bà, anh bảo rằng cái chuyện gọi ghiếc kia chắc chắn là bịa tạc, rằng nỗi buồn của Fatma là do nàng bí mật phải lòng anh. Tuy nhiên, anh hứa sẽ không bao giờ đặt chân lên thuyền nếu có nàng đi cùng, chỉ để phòng xa.
Anh rời nhà mẹ, nghĩ bụng rằng nên đẩy nhanh việc chuẩn bị cho đám cưới thì hơn. Anh tin chắc rằng nếu anh chọn đúng hướng, Fatma sẽ nhanh chóng đồng ý chia sẻ các mùa cùng anh. Anh bắt đầu sửa chữa vài chỗ nhỏ trên con thuyền, chắc mẩm rằng chẳng bao lâu nữa anh sẽ được Fatma khao khát. Anh lý giải các cử chỉ của nàng dựa theo đôi ba câu họ trao đổi với nhau vào một chiều nọ. Anh bảo nàng điều anh muốn, theo kiểu của anh: “Tôi xiết bao mong mỏi đêm nào cũng thấy đôi giày em đặt dưới giường tôi.” Nàng cảm thấy điều đó còn xúc phạm nàng hơn cả cái lần tay ngư dân nọ cố chạm vào nàng ở ngoài phố. Thay vì sờ soạng nàng, kẻ này lại muốn neo chặt nàng bên cạnh anh ta, vây bọc nàng mãi mãi. Nhưng nàng không đáp lại bằng vũ lực. Đỏ mặt, nàng bảo anh ta rằng nàng luôn luôn để giày trong tủ của chính nàng, rồi bỏ chạy mất. Mohammed muốn đọc thấy trong câu trả lời đó một tiếng vâng vô cùng bẽn lẽn và biến điệu.
Ngồi trên bến tàu, anh thanh thản bắt tay vá mấy tấm lưới rách, vừa làm vừa để cho những hình ảnh của Fatma nơi cửa sổ đến trong tâm trí anh, theo nhịp mũi kim. Mohammed càng lúc càng khăng khăng tin chắc rằng cái nhìn u sầu của nàng đang tìm kiếm anh chứ chẳng phải ai khác. Trí tưởng tượng dân chài của anh khiến anh dong buồm về phía tương lai mình, lôi tất cả mọi người theo trong lưới của anh với sự tự tin kỳ quặc. Đôi khi, ngắm bầu trời xế chiều, anh tự thuyết phục mình rằng mặt trời đang chờ được anh để mắt đến thì mới lặn.
Giờ thì trong khi may lại mớ lưới rách, anh lại để mình đắm vào những tính toán của dục vọng mình. Anh thấy Fatma là vợ mình, đang đợi anh bên cạnh mẹ anh giữa đám đàn bà vận đồ đen đứng chật bến tàu vào giờ cánh ngư dân trở về. Anh thấy có mấy đứa bé nắm tay Fatma. Anh thấy mình bước xuống từ một con thuyền lớn hơn con thuyền anh hiện có.
Trong khi anh sơn đi sơn lại mấy tấm vách cũ màu cam của con thuyền vốn trước đây là của cha anh, cứ mỗi lượt sơn, những màu sắc và hình dáng con thuyền mới của anh lại lẫn vào nhau trong mắt anh. Anh tính toán xem lợi nhuận của anh sẽ tăng bao nhiêu nhờ có thuyền lớn hơn và tin chắc rằng uy tín của anh sẽ tăng lên tương ứng trong mắt các ngư dân khác và hàng xóm. Thậm chí người ta còn sẽ cư xử với anh tử tế hơn trong nhà chứa, và người đàn bà của anh, mang gương mặt Fatma, cũng sẽ được thiên hạ ở Mogador kính nể; nàng sẽ là vợ của Mohammed, chủ nhân con tàu lớn màu cam.
Cách đó không xa lắm, giữa những tảng đá gần bến tàu, Fatma đang cho trí tưởng tượng của mình nổi trôi trên biển. Nàng ngắm nhìn bình thản như mọi khi, ngồi ở nơi nàng cũng hay ngồi như bên cửa sổ. Chân nàng đang giẫm trong nước khi nàng thấy một mẩu gỗ trôi về phía nàng, trôi tới đâu là sơn ướt loang ra tới đó như những giọt dầu trên ao nước. Khi nàng nghĩ ra rằng màu cam đang trôi về phía nàng có thể có liên hệ với Mohammed, kẻ đang sơn thuyền của mình bằng chính màu ấy ở phía bên kia bến tàu, nàng rụt phắt hai chân ra khỏi nước hồ như có cái gì đó cực tởm vừa buộc nàng phải co rúm lại. Nàng cảm thấy như vị sơn đắng ngắt đang ở ngay trong miệng nàng, như thể những ý nghĩ của Mohammed đang rón rén bò lên người nàng. Nàng chạy về nhà, không tránh được nên đành phải băng qua bến tàu nơi Amjrus rồi sau đó Mohammed thấy nàng chạy qua. Fatma nhìn thấy gã béo và thở phì ra sự dửng dưng phình đại nhất của nàng, song khi nhìn thấy anh ngư dân, nàng cảm thấy kinh tởm giống như cây kim cắm đống cứt tươi. Với những đòi hỏi của cả hai người đàn ông trong tâm trí, đòi hỏi của Mohammed dường như là một sự tục tĩu không thể nào chịu nổi. Có lẽ vì rất có thể tương lai nàng nằm ở đó.
Khi Amjrus thấy nàng chạy ngang qua y một cách dửng dưng, y nghĩ tới chuyện đêm đó sẽ quay lại chỗ nhà chứa, còn từ giờ tới lúc ấy thì cần phải đến Hammam. Nhưng khi Mohammed thấy nàng chạy qua, anh nghĩ chẳng bao lâu nữa anh sẽ lấy được nàng làm vợ, và rồi nàng sẽ chạy lại phía anh, có thể là để mang thức ăn cho anh. Anh tin chắc rằng khi đem tặng nàng thảm cưới, ấy là anh đang đưa nàng ra khỏi một hoàn cảnh mà nàng thấy không dễ chịu. Anh muốn tin, cũng như những người khác trước anh, rằng anh đang cứu nàng thoát khỏi mối cùng nguy cực biến nào đó và do vậy nàng luôn luôn nợ anh toàn bộ cuộc đời nàng - mọi ngóc ngách của cuộc đời nàng. Vậy nên Mohammed có thể tin chắc Fatma mang nợ anh trên bình diện cao hơn: một trong những món nợ không bao giờ trả dứt được.
Anh hối hả vá cho xong mấy tấm lưới rồi chạy tới Hammam. Giờ đã đến lúc nhà tắm mở cửa, và khi thấy Amjrus đang tiến về phía trung tâm thành phố, khăn tắm trong tay, anh cố đuổi kịp y để cả hai cùng sánh bước tới nhà tắm. Nếu như rốt cuộc anh sẽ mua thuyền mới, ấy sẽ là lợi thế để anh có thể làm thân với tay phụ trách bán đấu giá, và, vốn biết rõ đồng tiền khiến cho mắt Amjrus sáng rỡ lên thế nào, Mohammed tính toán rằng mua được sự ưu ái của y chẳng phải là việc khó. Bởi không kịp cất đi mấy hộp sơn và xếp gọn đống lưới, anh quyết định mình sẽ gặp Amjrus bên trong nhà tắm, có thể là cạnh cái vòi lớn phun nước nóng hoặc trong vườn. Nhưng rồi anh nhác thấy tấm thân to bè đó lần đầu tiên là nơi một hành lang, thế là anh liền rảo bước để hai người cắt lối nhau. Amjrus chẳng lạ gì những tham vọng của chàng ngư dân và biết sớm muộn gì chàng ta cũng sẽ đề nghị y vụ làm ăn nào đó, và quả thật chưa đầy hai phút sau anh ta đã bắt đầu nói về tương lai bằng những con số. Amjrus để mặc cho Mohammed phô ra tầm cỡ lớn lao các dự định của anh ta, và chàng ngư dân càng nói, gã nhà buôn càng định giá hời. Mohammed vẽ ra các phép tính của mình càng lý thú và táo bạo bao nhiêu thì chúng lại càng có vẻ đầy không khí và nước dãi bấy nhiêu đối với tay chuyên gia về giá cả. Y gần như phá lên cười khi nghĩ rằng có một khoảnh khắc y đã xem những kế hoạch của chú dân chài kia là nghiêm chỉnh và nghĩ cách kiếm chác từ đó.
Amjrus đã bắt đầu lơ là không chú ý đến bài nói chuyện của anh dân chài tay mơ nữa thì, đột nhiên, y nghĩ ra nên làm cách nào để bắt anh chàng trả giá cho việc bước đầu dấn vào mặt tối của các giao dịch trên thị trường cá. Anh chàng sẽ phải trả gấp trăm lần cái giá hứng chịu nỗi vỡ mộng. Gã béo im lặng đợi cho anh ngư dân kể ra kỳ hết những nét hay ho hấp dẫn nơi đề nghị của mình, cho tới khi anh cảm thấy mình chẳng còn gì khác để nhử Amjrus nữa. Vậy đó y làm cho Mohammed đã sốt sắng lại càng thêm sốt sắng, giờ thì anh ta sẵn sàng nhận cho gã béo bảo vệ mình dù với giá nào đi nữa. Anh ta bắt đầu mời chào nhiều hơn đã định ban đầu. Thấy rằng lợi nhuận có thể thu từ tay dân chài thậm chí còn mảnh hơn cái bụng trẻ trung, cơ bắp của anh ta, Amjrus béo ị chuyển sự chú ý từ tiền bạc sang da thịt rắn chắc của Mohammed. Amjrus cảm thấy dường như đôi hông của anh dân chài có phần nào giống hông của Fatma, thế là y dẫn anh ta đến chỗ những tấm thảm mềm ở cuối Hammam.
Toàn bộ cuộc trò chuyện diễn ra nơi một hành lang bị những đám hơi nước nghi ngút tỏa ra từ các phòng xẻ thành nhiều đoạn, ánh sáng tuôn xuống lọc qua hơi nước biến thành từng đợt sóng thay vì từng tia. Amjrus chú mục vào những giọt nước gặm nhấm tấm lưng Mohammed, và không ngăn nổi mình khi chợt muốn choàng cánh tay bè bè của y lên đôi vai ẩm ướt kia. Y ôm Mohammed, vờ thân ái kiểu cha chú, nhưng ấy cũng là cho chàng kia biết rằng ngoài tiền bạc ra, anh ta sẽ còn phải trả bằng cách trao thân thể anh ta. Chẳng mấy chốc, Mohammed sẽ mất chiếc thuyền và toàn bộ đồ nghề đánh cá của mình.
Họ đi bên nhau, để lại đằng sau một bức tường trắng mà trên đó một hình trang trí arabesque bằng gạch gốm tráng men nói về số phận kỷ hà của loài người và về những công thức đại số bí mật mà, dưới bàn tay Allah, chi phối những gặp gỡ và chia ly của những ai trong chúng ta sống dưới vầng trăng.
Amjrus và Mohammed vẫn tiếp tục bước bằng dáng đi ra chiều thân ái. Trong khi anh dân chài nói chuyện rất nghiêm túc với y về vụ làm ăn, một nụ cười lặng lẽ hiện lên trên mặt Amjrus: một nụ cười triển nở vào trong không khí, càng lúc càng sắc bén hơn cho tới khi, trong trí y, nó trở thành sợi chỉ chân trời dài dặc và xa xăm.