Tên Của Khí Trời

I. Cửa sổ: Fatma

I. Cửa sổ: Fatma

Sáng hôm đó Fatma về nhà mà không ngờ nàng sẽ chẳng bao giờ được cái nhìn của Kadiya chạm tới một lần nữa. Fatma sẽ chẳng bao giờ gặp Kadiya ở Hammam, mặc dù nàng quanh quẩn hàng giờ chỗ căn phòng nơi họ đã gặp nhau, cặm cụi hít thở mùi hương thấm nhuần trong lần vải mà trên đó họ đã xâm phạm bề mặt nhìn thấy được của thời gian. Khi nàng hỏi về Kadiya, ai nấy đều khăng khăng họ không biết cô ta là ai, một số người với vẻ thờ ơ, những người khác thì như thể họ đang giấu giếm một nỗi ô nhục mà Fatma không lý giải được. Khi nàng tản bộ qua các phố dáo dác tìm Kadiya, điều đó chỉ càng tô đậm thêm sự vắng mặt của cô. Nàng không thể hiểu tại sao Kadiya trốn tránh nàng.

Trước kia nàng thấy mãn nguyện bao nhiêu thì bây giờ nàng thấy mình bơ vơ trơ trọi bấy nhiêu; trước kia nàng sẵn sàng dâng mình cho Kadiya bao nhiêu thì giờ đây nàng cảm thấy mình bị khước từ một cách bất công bấy nhiêu; trước kia nàng ngạc nhiên đến ngần nào trước niềm vui nhân đôi của mình thì giờ đây nàng cô đơn một cách bí hiểm cũng bằng ngần ấy. 

Những cảm xúc đó bện vào nhau trong nàng như những sợi chỉ trong một thứ vải thật dày. Đồng thời, nàng cảm thấy mọi thứ nàng nhìn thấy từ cửa sổ phòng nàng cũng được làm nên bằng thứ vải sâu thẳm đó. 

Mấy tiếng đồng hồ nàng ở bên Kadiya đã lùi xa trong thời gian song không tan biến mất. Thế nhưng, niềm vui của những khoảnh khắc đó đã trở nên vi tế đến độ vô cùng dễ vỡ. Nỗi buồn nhẹ nhõm nàng vừa mới có kia được tạo thành từ những cú sốc bất ngờ đó, những cú sốc vốn không nhất thiết là những nỗi buồn đen tối nhất: một tầng trung gian khiến nàng mất hết nhiệt tình với đời sống hàng ngày; mặt khác, một tầng vốn là nơi che chở những hình ảnh sống động của niềm phấn khích mãnh liệt nhất của nàng, giấu nó khỏi mắt người đời, cầm giữ nó cho riêng nàng thôi. Cái tầng che phủ nàng này trở thành một dòng chảy tối trong những giấc mơ của nàng, một dòng sông bằng vải sũng nước chuyển động bên dưới và phía trước nàng, nhẹ nhàng cuốn nàng theo.

Nhưng nàng phó mặc cho sức mạnh của linh hồn mình lèo lái bằng một cú trượt dài chẳng phải là trong những giấc mơ. Nàng phó mặc như vậy là ở trong vùng trung gian nơi nàng không hoàn toàn tỉnh thức cũng chưa hoàn toàn ngủ, nơi mà màu sắc, hình thể, âm thanh đến với nàng bằng một tiếp xúc tinh tế hơn, mới mẻ và ôm chứa. Nàng ở trong vùng nửa-ngủ nơi mà mọi thứ ở gần, thay vì đơn giản là tĩnh tại, đều dẫn đến những chiều sâu xa xăm nơi không có gì tồn tại biệt lập, nơi mọi vật đều chuyển động và bị làm cho chuyển động.

Ở những nơi đó nàng sẽ đi vòng quanh cái bất khả một cách dễ dàng, sẽ mơ trong khi thức. Trạng thái nửa mở mắt này là cái đã hồi sinh nhiều nhất cho lòng khao khát của nàng và cho phép nàng đặt nó một cách thư thái vào mọi vật quanh nàng. Bởi trong giấc nửa ngủ của nàng, ngay cả cái cây trong phòng nàng cũng có những cử động của Kadiya trú ngụ. 

Lá của cây đó có hình thù như những giọt nước thuôn mảnh, như những móng tay của Kadiya, như vùng bụng dưới của cô. Màu xanh lục của mắt cô thì quá hiển nhiên không cần so sánh nữa nhưng Fatma vẫn cứ so sánh; cũng vậy là vị trí của một số cành vươn về phía cửa sổ như đôi tay dang rộng. Nàng không biết so sánh những đóa hoa màu trắng và đỏ với cái gì, nên nàng chỉ ngắm chúng một cách bồn chồn.

Nhưng cái khiến nàng sửng sốt nhất là cái đặc tính rõ rệt của cây này, vốn được người ta bán ngoài chợ phố với cái tên Nôn nóng: mấy cái cuống mỏng mảnh và bề mặt những chiếc lá nhọn của nó hướng về phía ánh sáng với sự mau lẹ và mềm dẻo hiếm thấy ở cây cối. Fatma nhìn thấy ở cái xu hướng quay về phía cửa sổ đến mức quá đáng này một sự trùng hợp tàn nhẫn với cuộc sống của chính nàng: nàng nhìn mọi vật cũng giống như thế, dẫu cho nhất định là Kadiya không nhìn khắp nơi để tìm nàng như vậy. 

Vì lý do nào đó nàng đau lòng khi thấy ở cây này sự hết mình quá đáng nhường kia đối với bầu không khí đầy ánh sáng tràn vào qua cửa sổ, và từng chặp, nàng lại tức tối xoay hướng cái chậu đất, cho những chiếc lá chĩa vào trong bóng tối. Trong vòng chưa đến một giờ, nếu là ban ngày, toàn bộ cây đã lại vặn hết cuống về phía cửa sổ với một nỗ lực trông thấy rõ, khiến Fatma càng thêm đau lòng. Thiết tha muốn làm cho mọi vật thấm đẫm sự vắng mặt của Kadiya, nàng khiến cho mọi vật tràn đầy sự có mặt của nàng, làm đầy một vùng chân không bằng cách tự nói với mình về Kadiya. Và nàng khiến cho mọi vật dự phần vào cuộc đàm thoại bí mật đó. Vật duy nhất kháng cự là một cái cây, cây Nôn nóng của nàng, nó phủ nhận cái giấc mơ làm dịu lòng của Fatma bằng những cử động hối hả và mạnh mẽ. Vậy, trong khi các vật xung quanh nàng có thể nói với nàng về Kadiya, thì Nôn nóng của nàng chỉ cho phép nàng lặp lại cái câu tuôn ra từ môi nàng trong những lần tỉnh thức đầy đau đớn của nàng: 

“Hãy thôi mơ về ta trong giấc mơ của ta”. 

 

Đôi khi nàng ngồi nơi cửa sổ tay cầm sách, nhưng các con chữ in bị neo quá chặt không cho nàng dễ dàng dong buồm vượt qua sự vắng mặt chúng. Khi khác nàng lại gặp một bản văn mà ít nhất đôi phần nào đó buộc nàng tiếp tục nhìn thấy trong những giấc nửa-mơ của nàng hình dáng khác của thế gian. Nhưng số sách nàng có thể cầm trên tay chẳng lấy gì làm nhiều, và nhiệt tình của nàng dành cho một bài thơ, bài hát hay nhân vật nào đó không chịu kéo dài. 

Một đêm, xúc động vì một đoạn văn vẫn nán lại với nàng ngay cả sau khi nàng gấp sách, nàng bắt tay viết một bức thư dài vô tận gửi Kadiya. Câu này tiếp sau câu nọ đổ xuống như những con sóng. Nàng muốn nói với Kadiya tất cả, đồng thời lại tin chắc rằng tất cả sẽ vừa khớp trên đầu ngọn bút bé tẹo của nàng.

Ngay cả những gì trước kia nàng chưa hề nghĩ tới cũng được viết ra trong cơn phấn khích. Nhưng, đột nhiên, cái ảo tưởng rằng Kadiya sẽ đọc những dòng đó bắt đầu lùi xa cũng nhanh như khi nó đến. Nàng thôi không viết các con chữ nữa, nhưng không thôi nghĩ về chúng. Hẳn nàng đã muốn ném chúng ra không khí để sự tình cờ sẽ bày chúng ra trước mắt Kadiya, dán chúng lên tường dọc các phố để ai cũng biết tới cơn khẩn thiết của nàng đặng nhắc lại về nó cho Kadiya biết. Nàng hẳn đã muốn thấy chính mình bị ai đó dõi theo từ ô cửa sổ nào kia, được ai đó viết ra bằng bàn tay xao xuyến.

Có một tấm gương trong phòng nàng và khi thấy hình chiếu của mình trong đó, nàng thấy nó dường như quá mong manh, như thể tấm gương vốn hay phòng thủ nên không cho thấy hình ảnh phần quan trọng nhất của nàng, vốn là hình ảnh của một phụ nữ khác. Nàng lại bắt đầu đi khắp các phố, bất chấp điều luật về gặp gỡ tình cờ. Ngày càng trôi qua và nàng càng ý thức hơn về tấm vải dệt bao quanh nàng thì nàng lại càng cảm thấy không thể chịu nổi nếu cứ ngắm nhìn mãi. Nhưng trong những khoảnh khắc bao quanh các giấc mơ nàng, khi nàng không còn chờ đợi và cặp mắt nàng mất đi sức căng của chúng, thì từ chiếc ghế trống nàng để trước mặt mình, một bàn tay lại chìa ra giằng mất sự bình tâm của nàng.

Trong một cơn lốc xoáy không ai thấy, mọi áo choàng của không khí đều bị xé toang hết chiếc này đến chiếc kia trước mắt nàng, và từ chúng bàn tay của Kadiya xuất hiện, mời mọc nàng chìa tay cầm lấy nó. Trong tất cả những chuyển động mà giấc nửa-mơ của Fatma về sự phong nhiêu của Kadiya có thể nhờ cậy đến, cử chỉ đó - bàn tay của dục vọng chìa cho nàng - là cử chỉ độc nhất quay trở lại, đơn độc và riết róng, trượt qua cái bóng sự khẩn thiết của làn da mà dâng lên đến Fatma thông qua khe hở cặp mắt khép hờ của nàng.

Trong khoảnh khắc mà Fatma nhớ lại, hai người đang nằm trên đệm ở Hammam thì Kadiya ngừng mơn trớn mà ngồi dậy, nhìn Fatma bằng một trong những cái nhìn chằm chặp hầu như nhập vào trong thân thể. Kadiya vươn tay phải về phía Fatma như một lời hiệu triệu đầy uy quyền, một lời “đến đây với ta” tuyệt đối, rồi nắm lấy vai nàng, lại ôm nàng, nhưng lần này đào sâu hơn những vuốt ve mơn trớn bằng một cơn thịnh nộ đầy chiếm hữu tuy nhiên không hề nhận chìm những biểu hiện vi tế nhất của sự dịu dàng.

Cũng bàn tay đó tìm kiếm nàng ngoài phố, hoặc khi nàng ngồi trên ụ tàu dưới ánh nắng hay đứng ngoài chợ đợi người ta trả tiền mua trái cây. Bàn tay đó cầm sợi chỉ làm cử động chân nàng và bện nên những con đường nàng đi. Đó là một bàn tay nhìn ngắm, chìa ra để chạm vào nàng từ đằng sau khi nàng ngồi xuống, từ đằng trước khi nàng cất bước, từ phía trong khi nàng ở bên cửa sổ. Đôi khi nàng để cho những dối lừa của bàn tay đó dẫn nàng đến những thân thể khác. Một chàng trai trạc tuổi nàng, dưới bóng cây, đã xuyên vào nàng đầy vội vã, mơn trớn nàng một cách vụng về và không lắng nghe nàng. Một phụ nữ trông giống Kadiya hôn nàng mà không tinh tế, đòi hỏi từ các ngón tay và đôi hông nàng những cử động của một người đàn ông.

Bằng cách đó, nàng thường xuyên để dục vọng mình xóa mờ khuôn mặt các cư dân đích thực của nó và không chỉ một lần đã phải chạy trốn giữa chừng một nụ hôn, hoặc sau khi đã cởi quần áo mà không hiểu nổi cơn ghê tởm bất chợt của mình.

Thế nên nàng giam mình trong nhà, đối diện những bức tường thành phố đang kìm lại những ngọn sóng không thôi khẩn thiết van nài. Ban đêm, tiếng vỗ ầm ào không dứt lọt đến tai nàng, và trong khi nàng nằm trên giường, âm thanh đó mở cánh cửa dẫn vào những giấc mơ của nàng.

Fatma bước vào đêm giống như ai đó khởi đầu một nhiệm vụ bí mật khi thấy một dấu hiệu sắp xếp từ trước. Người ta có thể nói nàng ngủ hầu như vì nghĩa vụ. Nàng làm như thể, trong khi ngủ, nàng làm một công việc ban ngày đơn điệu mà nàng chán ghét. Người ta có thể cho rằng, về đêm, nàng thực hiện tất cả các hoạt động mà nỗi sầu muộn khiến nàng không làm được lúc ban ngày. Nàng lên giường ngủ đầy sinh lực còn khi thức dậy thì mỏi mệt, mồ hôi rịn trên trán còn cử chỉ thì như của người bị tước đoạt mọi thứ. Dường như trong góc nào đó những giấc mơ của nàng, Fatma tạo ra những vật bí mật mà cứ hễ nàng thức dậy là chúng lại bị giật đi. Việc thức dậy đối với nàng là vậy đó: nỗi ngạc nhiên thấy mình bị trắng tay. 

 

Khi đến trên những bến bờ đầu tiên của buổi sáng, Fatma thấy bà đang đợi nàng, bà luôn dậy sớm hơn nàng để ban cho nàng những lời nói và nụ cười hầu giúp nàng dễ hạ mình xuống những nghĩa vụ phải làm trong ngày. Hai bà cháu sống trong căn nhà vốn trước kia là của cha mẹ Fatma cho đến cái ngày hai vợ chồng quyết định xuống thuyền sang bên lục địa để giải quyết vụ làm ăn dang dở nào đó ở đấy. Họ đã chẳng bao giờ cập cảng đến, mặc dù họ ra đi vội vã cứ như đang trễ hẹn. Người ta chẳng bao giờ nghe nói tới con tàu ấy nữa. Nhiều người cho rằng nó vẫn đang dong buồm ở một chốn trung gian nào đó, của một vùng biển mà khoa địa lý chưa biết tới, được dẫn đường nhờ những ngôi sao mà ngay các nhà chiêm tinh cũng giấu giếm hoặc quên mất. 

Những ai thấy Fatma nơi cửa sổ phòng nàng và biết chuyện gia đình nàng đều tưởng tượng rằng ấy là nàng đang tìm kiếm cha mẹ mình trong không khí, và một ngày nào đó nàng cũng sẽ xuống thuyền làm cuộc hành trình cùng họ bên ngoài thời gian. E rằng chuyện đó có thể xảy ra, nhiều người ở Mogador cự tuyệt lên cùng một thuyền với Fatma. Vài người thậm chí sợ đến gần nàng trong khi nàng thả bước quá gần biển. Có những bà góa lo ngay ngáy, cứ hễ thấy Fatma đang nhìn đăm đăm nơi chân trời là họ liền quay lại, căng mắt cố nhìn cho được những điểm xa xăm nàng đang nhìn rồi tuyên bố rằng đã thấy cha mẹ nàng đang gọi nàng. Họ cũng thề rằng đã thấy một cánh buồm căng phồng nhờ hơi thở những hồn ma.

Nhưng Fatma, thậm chí cha mẹ nàng là ai nàng cũng không biết. Khi họ ra đi, nàng mới sáu tháng tuổi, thành thử nàng có biết cha mẹ mình để mà nhớ họ thì cũng chỉ qua những câu chuyện do bà kể cho nàng; mỗi khi thức nàng dậy, bà luôn kể cho nàng về những cuộc nói chuyện giữa bà với cha mẹ nàng khi bà nằm mơ. Aisha, bà của nàng, lấp đầy những khoảng trống của chính mình bằng cách hoàn toàn phó mặc bản thân cho những trầm tích ban đêm của mình, chúng cho phép bà sống được trọn ngày mà chỉ than khóc ít hơn một chút hoặc chỉ phải mang một sắc đen nhẹ hơn, cái sắc đen không đè nặng linh hồn bà. Khi bà thức dậy, bà có thể ban cho chính mình những nụ cười mà Fatma chỉ tự cho mình vào ban đêm, khi nàng ngủ.

Aisha trò chuyện lâu, cẩn trọng với người chết. Hàng đêm một người nào đó lại đến thăm bà, ngời sáng gương mặt không tì vết của tuổi trẻ, gương mặt mà nỗi hoài niệm ban cho. Về đêm, bà cho sự trống rỗng lúc ban ngày của mình trở thành nơi trú ngụ của những hồn ma hạnh phúc, những hồn ma bị mắc bẫy trong những khoảnh khắc niềm vui được kiến tạo tốt đến nỗi, khi buổi sáng đến, sự vắng mặt mới và tạm thời của họ không lưu lại vết sẹo nào. Đôi khi, sự đãng trí và trí nhớ khó nắm khiến bà trò chuyện với những người ở xa nhưng chưa chết. Những lúc như vậy, thay vì giải tỏa sự nhầm lẫn của bà, Fatma lại thích thú thấy bà nàng muốn cho ai vào ngụ trong nghĩa trang nụ cười của bà thì cho, tùy ý bà. Trong thâm tâm, nàng cũng muốn tin những cuộc viếng thăm đó, muốn nghĩ rằng Kadiya cũng có thể đến vào một đêm nào đó để thì thầm vào tai nàng.

Có những giây phút Fatma cảm thấy nỗi u buồn của nàng không có người đến ngụ bởi vì khuôn mặt Kadiya không còn đến dễ dàng như vậy cùng mỗi ngọn sóng. Nàng quan sát những đám mây gợi lên một nụ cười đôi khi giống nụ cười của Kadiya. Nàng thường đăm đăm nhìn chẳng một cái gì, nhìn cái khoảng nhỏ trống không mà lúc này bị những đám mây tản ra che khuất. Nàng chẳng hề thôi ngắm những lỗ hõm của biển trôi qua không khí đến cửa sổ phòng nàng. Nàng ngắm.

Quanh cửa sổ nàng, Fatma sốt ruột đan những tấm trải bàn của dục vọng mà trên đó ai kia đang dọn ra, ăn rồi vung vãi cuộc đời nàng.