Không ngờ Kim tri phủ xem thư của Lưu Dung xong liền bảo Văn Thừa:
- Các người đi đường vất vả, trước hãy nghỉ ngơi đã, đợi ta xét xem thực giả, rồi sẽ hợp súc.
Văn Thừa nghe vậy, vội nói:
- Tiểu nhân không mệt đâu. Huống chi Lưu đại nhân đang đợi tin bọn chúng tôi, nếu tin này lọt ra ngoài, thủ phạm lại sẽ trốn mất, xin quan lớn sớm bắt cho.
Kim tri phủ nghe xong, vẫy tay bảo:
- Chớ nói nhiều, ta sẽ định đoạt. Lui ra!
Văn Thừa dành chịu lui, đợi hai ngày vẫn chẳng thấy gì rất sốt ruột.
Số là Kim tri phủ vốn là học trò của Ngô Ngự Sử, khi Lưu Dung về Hồ Châu, ông đã được Ngô Ngự Sử cho biết. Tuy họ Kim chẳng phải là phe cánh của Hòa Thân, nhưng đất Chiết Giang, đâu chẳng do Hòa Thân nắm giữ. Ông dẫu muốn nhắc chân nhắc tay, nhưng thân cô thế cô, chưa dám manh động, khinh suất. Nay được thư của Lưu Dung trong lòng rất mong, bụng nghĩ người này quả nhiên lợi hại mới đến Hồ Châu có vài ngày, đã dám đụng chạm ngay đến đất xới của Hòa Thân, ta chưa thấy ai như thế. Lại nghĩ Hòa Thân vốn chẳng phải lành hiền, nếu như lần này hắn thoát được các thứ dính líu, đâu có chịu yên, lúc đó lấy ai giải thoát cho ta, làm sao đây?
Bởi tri phủ họ Kim nghĩ thế nên chưa nhúc nhắc. Nếu như không giúp Lưu Dung, bị người đời bàn tán chê cười, còn mặt mũi nào thấy ân sư Ngô ngự sử. Ông nghĩ suốt hai ngày vẫn chưa tìm được cách nào.
Đến sớm ngày thứ ba, một viên nha lại lên bẩm công việc, nói vài hôm nay trong thành các nhà giầu nâng giá lương thực, có mưu toan trong việc buôn bán, xin đại nhân xem nên như thế nào!
Kim tri phủ nghe xong, giận lắm, bảo:
- Bọn con buôn này to gan, ắt là có kẻ đằng sau sai khiến, ngươi có biết đứa nào không?
Viên thuộc lại thưa:
- Bẩm đại thân, tiểu nhân nghe nói phong thanh rằng việc nộp cống lên nhà vua tăng thêm, các nhà giầu đều hoảng hốt, nhân thấy cửa hàng lương thục nhà Thôi Nhân Minh nâng giá, thế là họ đều nâng giá gạo theo, do đó mà việc mua bán cứ dội lên mãi.
Kim tri phủ nghe được vỗ án, quát to:
- Vào cả đây.
Các nha thuộc trong phủ vội chạy vào. Kim tri phủ nhìn họ liền bảo:
- Bọn các người đi lấy các giá gạo ở các cửa hàng báo về ngay, đi nhanh, về nhanh, không được lầm lẫn. Thôi đi đi.
Làm sao Kim tri phủ lại làm như vậy, số là ông thấy các nha thuộc nhất tề đều đến, liền nảy ra một ý, sai luôn họ đi. Tri phủ họ Kim nghĩ, tên Thôi Nhân Minh kia ta đã sớm muốn trị tội, nhưng chúng cớ chưa đủ, mấy lần hắn liền thoát cả. Lần này Lưu đại nhân, tri phủ Hồ Châu báo cho ta biết hắn cất dấu tội phạm, thì nhân việc này nhà ngươi có tội, ta nhất cử làm cả hai việc: đến hỏi chuyện người nâng giá gạo vụ lợi quên cả pháp luật, nhân đó bắt luôn cả thủ phạm mà Lưu đại nhân cậy nhờ há chẳng hay sao! Nghĩ thế liền báo ngay cho Văn Thừa và Tưởng Kỳ.
Văn Thừa, Tưởng Kỳ đang lo sốt vó, nay thấy Kim đại nhân mời tới, lập tức đến ngay. Sau khi gặp lại Kim tri phủ cười bảo hai người:
- Hai anh nhất định là chờ sốt ruột, cho rằng họ Kim này sợ sói, sợ hổ không dám động đến Thôi Nhân Minh.
Thực ra, hai anh cũng biết đấy, ta chỉ tính sao cho thật chu đáo, vào nhà bắt hung thủ phải có bằng cớ. Nếu như vào nhà người ta lại ra tay không, thì có phải vớ vẩn không? Nay thì ta đã có kế vạn toàn rồi, không biết hai vị có chịu làm theo không?
Hai người nghe rất vui, vội nói:
- Chỉ mong sao bắt được hung thủ, để tiểu nhân về Hồ Châu giao lại, thì ơn đại nhân lắm.
Kim tri phủ nói:
- Kế bắt hung thủ của ta là “khua núi xua hổ". Hai vị hôm nay đến ngay bên ngoài nhà Thôi Nhân kia phục sẵn, ta sẽ sai người đi khắp bốn cửa thành dán thông báo bắt hung thủ Thi Mẫn như thế, tên tội phạm ngồi không yên, nếu như nó ra khỏi phủ nhà họ Thôi hai vị chẳng cần phí sự cũng tóm được tên giặc ấy. Nếu như hai ngày sau, hắn không ra khỏi phủ họ Thôi, ta vào phủ tóm cổ Thôi Nhân Minh, hỏi tội nâng giá gạo. Vào phủ tra xét, lúc ấy hai vị có thể theo họ Kim này đi tìm hung thủ, không biết kế này thế nào?
Văn Thừa, Tưởng Kỳ nghe xong, mừng lắm liền nói:
- Quan lớn thật cao minh mới có cách này.
Lại nói về Thi Mẫn, thấy người Hồ Châu tới, biết mọi thứ đã sắp đặt yên ổn, tạm yên tâm, nên có vài ngày lơi lỏng. Bữa nay lại thấy bốn cửa thành đều dán giấy truy bắt hắn, lại được người hé cho biết tin, run sợ liền tìm Thôi Nhân Minh bàn bạc:
- Em này, sợ ta không ở mãi Thái Thương Châu đã nên nghĩ đến một chỗ khác mà tới thôi.
Thôi Nhân Minh nhăn mặt cười bảo:
- Anh ạ, anh đi đâu bây giờ cũng không ổn, tờ cáo thị kia buộc anh phải rời Thái Thương Châu, chỉ sợ anh ló mặt ra thì bị tóm mất, theo em thì hãy ở trong phủ của em vài bữa, chờ cơ hội thoát ra, anh xem thế nào?
Thi Mẫn đành nghe theo, trốn trong Thôi Phủ, vài hôm liền, không xẩy ra chuyện gì. Thôi Nhân Minh lúc ấy lại đâm ra suy nghĩ: Nếu như người người đã biết Thi Mẫn ở Thái Thương Châu, nhất định biết trốn ở nhà ta. Sở dĩ không có ai đến bắt là không có chứng cớ, như thế thì càng không nên để Thi huynh lộ mặt, lại phải tìm cách cho anh ấy trốn nhanh khỏi Thái Thương Châu. Kim tri phủ kia mấy lần định hỏi tội ta, do không có chứng cớ nên không có cách gì ra tay, nếu lần này mà bị hắn ta nắm được chứng cớ, hóa ra để hắn được toại nguyện ư? Nghĩ đến thế, Thôi Nhân Minh toát mồ hôi, tự mắng mình ngu xuẩn, sớm không nâng giá gạo, chiều không nâng giá gạo, thì làm gì đến nỗi giá gạo mấy bữa nay tăng vùn vụt. Cái ông anh họ Thi này cũng đáng giận, sớm không đến, muộn không đến, nhằm đúng ngày ta tăng giá gạo, lại mò đến làm rối tinh cả lên. Người ta gọi ta là “Thôi Nhân Mệnh" ta thế này chẳng là đẩy mình đến chỗ chết ư?
Nghĩ thế, Thôi Nhân Minh hốt hoảng đến bàn với Thi Mẫn:
- Anh ơi, không phải em không muốn giữ anh, nhưng em xem ra hai ngày nay có chuyện.
Thi Mẫn nào có thấy gì xẩy ra đâu liền hỏi:
- Có gì không ổn ư?
Thôi Nhân Minh đem nhũng điều băn khoăn ra nói. Thi Mẫn nghe xong trong lòng như lửa đốt, bồn chồn. Thôi Nhân Minh thấy ông anh thế, liền cố trấn tĩnh nói:
- Anh bất tất phải hốt hoảng, em sẽ nghĩ cách, một mặt anh hãy chuẩn bị thoát nhanh ra khỏi đất này, một mặt ta chờ tin ở trên tỉnh và ở kinh đô, nếu như có tin về, thì anh cứ việc gối cao ngồi yên chẳng lo. Nếu không có tin gì cả, thì thoát càng nhanh đất này càng tốt, chỉ chờ xem vài hôm thôi, anh sẽ chẳng sao đâu! Nếu đi khỏi đây thì anh định ở đâu?
Thi Mẫn nói:
- Ta cũng còn một chỗ, phải lên tỉnh ở tại nhà thầy học họ Cù thôi.
Hai ngươi đang bàn bạc, thì nghe trong viện có tiếng ồn ào, đèn đuốc chiếu vào nhà sáng như ban ngày. Có thấy người to tiếng quát:
- Người trong nhà không được nhốn nháo. Ta vâng lệnh quan tri phủ đến đây bắt tội phạm, khám nhà, dám trái lệnh thì cũng bị tội đồng lõa.
Thôi, Thi hai gã ở trong nhà hồn vía lên mây.
Người ập vào, không chần chừ, bắt luôn hai người lập tức trói giải về phủ.
Không cần nói Kim tri phủ xuống lệnh bắt hai người thế nào, chỉ nói Văn Thừa, Tưởng Kỳ một bọn, bắt giải phạm nhân Thi Mẫn, liền đi gấp người ngựa về Hồ Châu.
Lưu Dung thấy Văn Thừa, Tưởng Kỳ đã giải được Thi Mẫn về, cả mừng. Hôm sau thăng đường thẩm vấn Thi Mẫn. Thi Mẫn dầu gan liền, đành không thể không nhận tội. Lưu Dung lập túc công bố tội trạng, treo bảng an dân. Dân chúng Hồ Châu thấy vậy, ai cũng vui sướng, lập tức có người đến tố cáo tội ác của Thi Mẫn.
Lưu Dung nhận đơn, hẹn sẽ xét kỹ. Chợt, có tin báo, trên tỉnh phái mấy vị quan về, đó là do các bộ, viện bí mật phái đến.
Lưu Dung không biết làm thế nào, truyền đón khách vào phủ. Hỏi ra, mấy vị kia nói rằng:
“Họ thừa lệnh các quan đài phủ trên tỉnh sai đi, cũng là từ vụ án của Thi Mẫn. Vụ án này Lưu đại nhân, thi hành, nhanh, gọn, rất được lòng dân, các quan trên phủ, đài có lời khen. Nhưng vụ án Thi Mẫn, không chỉ xẩy ra trên đất Hồ Châu, lại có liên quan tới nhũng vụ án khác ở trên tỉnh, giờ thủ phạm đã thề thụ án, các quan đài, phủ có ý để Lưu đại nhân xem sao, hãy đưa thủ phạm và toàn bộ hồ sơ vụ án lên tỉnh để hội thẩm".
Lưu Dung nghe, thầm nghĩ: Vụ án họ Thi, hãy còn chưa báo lên trên, làm sao trên tỉnh đã biết hết? Lại việc qui án chính phạm còn là việc ngày trước, vậy mà tỉnh cũng biết. Ví bằng án có liên quan đến các vụ án ở tỉnh thì cũng nên để ở đây xét cho rõ ràng đã, rồi mới báo lên trên xét chứ! Xem ra, ở trên tỉnh có tay chân của Thi Mẫn. Dĩ nhiên nếu như giao cho tỉnh thủ phạm bắt được, thì công lao bấy lâu mất hết còn gì! Lưu Dung cười bảo:
- Việc này e khó đấy! Vì việc đầu tiên là Thi Mẫn bức người chết chưa kết thúc vụ án, việc thứ hai hắn liên lạc với ngoại phiên, một việc phạm thượng cũng chưa được tra xét, việc thứ ba là hắn gây ác ở Hồ Châu nhiều, còn rất nhiều nghi án khác phải hỏi đến, tất cả những thứ ấy ở đây xem xét xong, sẽ xin chuyển phạm nhân lên tỉnh. Nếu không còn gì nghi vấn, sẽ chuyển đi, như thể có phải hay hơn không!
Người được phái đến biết không cãi nổi Lưu Dung. Lại nghe bên ngoài phủ có tiếng huyên náo. Lưu Dung cho người ra xem có việc gì, được bẩm lại rằng: "Dân chúng trong thành không biết nghe tin tức ở đâu, bảo rằng thấy quan tỉnh bảo giải Thi Mẫn lên trên ấy, họ liều chết đến xin, dù thế nào cũng không được đưa Thi Mẫn đi".
Mấy vị quan tỉnh nghe thấy tình hình chẳng hay ho gì, nhưng vẫn kiên trì, xem dân chúng đang nhao nhao ngoài kia yêu sách, Lưu Dung xử sự ra sao?
Lưu Dung vội sai người ra nói rõ cho dân đến phủ rằng: Thi Mẫn người Hồ Châu là can phạm án giết người ở Hồ Châu, các quan tỉnh sai đến chỉ là để xem tiến trình xét án, chứ không có ý mang can phạm đi, xin mời người hãy về.
Bên ngoài lại nhao nhao: Chỉ cần đại nhân xử cho đúng tội thôi, nếu xử sai, chúng tôi nhất định ném đá tơi bời vào thủ phạm cho chết đấy!
Nghe nói vậy, các quan không thể làm gì khác nữa, liền phải nói:
- Thôi khỏi phiền đại nhân nhọc nhằn suy nghĩ, chúng tôi đành về tỉnh nói rõ các việc ở đây.
Nói rồi lẳng lặng ra về.
Dân chúng gọi nhau về cả.
Lưu Dung thấy việc đã tạm dịu đi, vừa nghỉ ngơi được một chút, thấy Văn Thừa cười cười tiến vào thưa:
- Quan lớn, quan lớn, nếu như chẳng được như ý dân chúng thì làm sao đây?...
Thì ra, Lưu Dung mới hay là Văn Thừa đã loan tin để dân chúng kéo nhau đến phủ...
Vài ngày tiếp theo, Lưu Dung luôn luôn xem xét những lời tố cáo của dân Hồ Châu với Thi Mẫn, lại càng nóng ruột, sao lại để hắn nghênh ngang đến tận giờ. Ngày hôm ấy, Hà Liên vào mật báo rằng quản gia của Thi mẫn là Thi Quý đã tìm anh, hứa sẽ tặng nhiều vàng, bảo rằng ngay đêm nay sẽ hành sự, xin được giúp đỡ, nói với bọn lính ngục có thể tiếp tay. Nếu việc mà thành, xin hậu tạ. Xem ra chúng có thể đến cướp ngục.
Lưu Dung cười bảo:
- Đúng là "Lưới trời lồng lộng, thưa mà không để sót". Hai hôm nay ta đang lo, nếu vụ án chưa xử xong, trên tỉnh sai người bảo rằng can phạm có liên quan với các vụ trên tỉnh, nhất định đòi người thì ta biết làm sao. Bây giờ lại là chuyện cướp ngục đây!
Liền hỏi Hà Liên:
- Anh đã trả lời họ thế nào?
Hà Liên nói:
- Tôi nói với họ, việc này rất hệ trọng, bọn lính ngục vốn là tình anh em với tôi, nhưng mà nhận cái việc phá cửa ngực đánh tháo tù, nếu không có kế vạn toàn, làm không nên thì gay. Thi Quý bảo: Tôi và ông Dương đã nghĩ đến chuyện này, đã lo sao cho mọi thứ có thể làm được, nếu như không xong, thì sẽ cấp tiền bạc cho bọn anh xa chạy cao bay, tạm lánh đi một thời gian, chờ cho sóng gió lặng yên, các anh lại về Hồ Châu, đến ngày ấy thì mọi việc cũng đã qua cả rồi, tôi thấy hắn nói thế liền nhận lời, bẩm quan lớn, sự việc thế bây giờ nên lo liệu thế nào đây?
Lưu Dung cười bảo:
- Chẳng khó gì! Thứ nhất ta phải chém Thi Mẫn, thứ hai phải bắt giữ Dương Thăng, mọi việc cứ phải như thế như thế!
Hai người lại bàn mưu tính kế thêm.
Đến một bữa, Lưu Dung coi việc vẫn tỏ ra bình thường nhưng lại ngầm bảo quản gia chuẩn bị. Trước hết, ông sai Tưởng Kỳ đem lính phủ bí mật phục ở bốn xung quanh nhà Dương Thăng, nửa đêm được lệnh phải giữ Dương Thăng ngay lập tức. Tiếp đó ngầm sai quân mã Hồ Châu, vây chặt trại giam, nếu bọn cướp ngực kéo đến, nghe mệnh lệnh thì chém luôn Thi Mẫn, không được lẫn lộn.
Mọi việc sắp đặt xong, chỉ chờ đêm tới là hành động. Nửa đêm, quả nhiên họ Thi, họ Dương, đem ba, bốn chục gia nhân do Thi Quý cầm đầu, ào ào tiến vào nhà ngục. Chỉ nghe thấy những tiếng hô vang, bọn người cướp ngục không đứa nào thoát, Thi Mẫn thì bị thi hành án ngay, Dương Thăng bó tay bị bắt tại nhà.
Ngày hôm sau, Lưu Dung thăng đường, xét hỏi những kẻ đến cướp trại giam. Ông liền làm tờ trình rằng Thi Mẫn rắp tâm mưu vượt ngục đã bị chém ở ngay nơi xung đột, Dương Thăng tham gia cướp ngục cũng bị bắt để xét hỏi. Lưu Dung biết rằng tỉnh không làm gì được, liền chẳng chờ trên tỉnh phê duyệt án, lập tức thẩm vấn Dương Thăng.
Dân chúng Hồ Châu nghe thấy, các đơn tố cáo đưa đến như mưa, vạch trần tội trạng, Lưu Dung chẳng phải chờ lâu, tức tốc quyết đem Dương Thăng lên công đường xử án.
Cũng trong thời gian này, tỉnh phái người xuống chuyển một bức công văn khẩn, từ bộ lại ở kinh đô tìm tới báo cho Lưu Dung để việc chính sự ở Hồ Châu cho người khác tạm thay, lập túc về kinh đô, để cùng bàn việc xử lý vụ án, không được trù trừ.
Số là khi Trương Thiên Hoành về đến kinh đô, đem việc ở Hồ Châu bẩm lại với Hòa Thân, nghe xong, Hòa Thân ngồi không yên chỗ, mắng hai nhà Thi, Dương không coi cái chết là gì, cứ như câu chuyện thì tội chết là nắm chắc, sao mà Lưu Gù lại tha cho chúng được. Ta phải lột da bọn bây mới đáng, lại mắng lớn Trương Thiên Hoành, là thứ người vô dụng, ta sai ngươi tức tốc đi vì biết tính nết của hai đứa này, mà ngươi ngăn không nổi, lại còn để chúng làm bậy. Việc đã đến vậy, bây giờ ta phải tính sao đây?
Chu Y Viên nói:
- Bẩm quan lớn, như hiện nay, thì túc giận cũng chẳng ích gì, phải nghĩ cách cứu người mới được.
Hòa Thân nói:
- Ông có kế hay gì vậy.
Chu Y Viên nói:
- Kế hay thì chưa dám nói, nhung theo ý nghĩ của tiểu nhân, trong chuyện này, cứu nổi người ra chỉ đại nhân mới làm nổi.
Hòa Thân nói:
- Vòng vo làm gì mãi, nói thẳng vào việc đi!
Chu Y Viên nói:
- Theo ý tôi, trong chuyện này chỉ có hai cách, một là bắt Lưu Dung chết, hai là gọi Lưu Dung về.
Hòa Thân nghe, thấy có vẻ được được, liền hỏi:
- Thế là thế nào?
Chu Y Viên thủng thẳng nói: Nếu Lưu Gù chết, thì mọi chuyện chấm dứt, nếu Lưu Gù về, thì nhân lúc ở địa phương vắng ông ta, mình liên hệ để biến chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ như không có gì. Hai cách này tùy đại nhân lựa chọn.
Hòa Thân cười bảo:
- Bắt Lưu Dung chết, chẳng dễ đâu, nhưng gọi Lưu Dung về thì có thể được, để ta nghĩ xem.
Lại nói, ngay hôm Trương Thiên Hoành về kinh, thì người nha thuộc tin cậy của Lưu Dung là Nghiệp Dỹ cũng vào kinh. Anh ta liền đến ngay phủ Ngô Ngự Sử, tự tay trình lên bức thư của Lưu Dung viết. Ngô Ngự Sử xem xong, nghĩ thầm: Lưu Dung giỏi thật, làm ra làm, nếu ta không thay ông trình lên trên, thật cũng uổng nhiều năm đi lại thân thiết. Về chuyện riêng, việc công mà nói, nhìn chung nếu ta không tâu lên, thì phụ ơn vua, lại xấu hổ với dân trăm họ khốn khổ, còn mặt mũi nào trông thấy tổ tông nữa.
Ngày vào chầu đầu tiên, Ngô Ngự Sử thay Lưu Dung nâng lên một tờ tấu rằng Thần là Lưu Dung, xét vụ án giết người ở Hồ Châu, từ nhà tội phạm, thu được một số thư từ, nội dung nói về việc tư thông với ngoại phiên nhân việc triều cống, sách nhiễu địa phương. Việc này liên quan đến người nhà Hòa Thân là Trương Thiên Hoành, Chu Y Viên, cùng bọn phạm tội là Thi Mẫn, Dương Thăng. Thần cho rằng phía sau họ ắt có người chủ mưu việc này. Xin thánh thượng soi xét.
Vua Càn Long nghe xong, nghĩ bụng: “Đúng là Lưu Gù mà, lúc ngươi ở kinh đô, với Hòa Thân như nước với lửa nay ra ngoài rồi vẫn chưa chịu buông tha cho hắn, lại còn cho người nhà lên tố cáo, ta xem thử sao đây!".
Càn Long vốn dĩ vẫn bù trì cho Hòa Thân, nhưng thấy đây là chuyện lớn không thể đùa. Vã lại chuyện kết liên với bọn ngoại phiên, là việc Càn Long rất ghét, vẫn thường lưu ý. Đã có người tâu lên, thì phải tra hỏi cho rõ. Càn Long lúc này cũng giận Hòa Thân, liền nghĩ:
- Ta vốn ban ơn cho ngươi ngày càng nhiều, sao lại để đến việc như thế này? Nếu như việc này có thật, ta sẽ không để yên cho ngươi đâu, còn như Lưu Gù, bé xé ra to, thì ta sẽ có cách.
Càn Long nghĩ thế, truyền cho Hòa Thân ra trước sân rồng. Khi Hòa Thân đến, Càn Long đập án nói:
- Hòa Thân to gan thật, ngươi dung túng cho người nhà liên kết với ngoại phiên, việc này ra sao?
Hòa Thân sớm đã dự liệu, chẳng phải chờ nhà vua phải đợi lâu, tuy trong bụng cũng sợ rụng rời, song vội trả lời:
- Tâu hoàng thượng, tuyệt không có tiếc này. Nô tài có ba đầu sáu tay cũng không dám làm chuyện bậy ấy. Huống chi, thần chịu ơn dầy của hoàng thượng, lẽ nào cũng chỉ mong đền đáp, sao lại dám làm chuyện tầy trời ấy! Chẳng hiểu đâu lại phao tin này, nếu đúng như thế, thì nô tài xin chịu chém đầu!
Càn Long nói:
- Chính là bản tấu của Lưu Dung đấy!
Hòa Thân khóc lóc tâu:
- Xin hoàng thượng soi xét, Lưu Dưng đối với thần đây như thế nào, văn võ triều đình đều biết. Vả lại chuyện Lưu Dung và nô tài đâu chỉ có một vài lần, mà lần này đâu đã nghe được hết lời của ông ta. Huống chi Lưu Dung thân hiện ở Hồ Châu, mà tin đồn thì cứ thêm bớt, ông ta thấy gió lại tưởng là mưa, làm tờ tấu lên, nếu để cho rành mạch, xin để nô tài xem thế nào?
Ngô Ngự Sử đứng bên, thấy Hòa Thân biện bạch giảo hoạt, liền tiến lên tâu:
- Bẩm đức Vạn Tuế, Lưu Dung vốn là người không nói vu cho ai bao giờ, làm việc rất nghiêm túc, đứng đắn, không bao giờ nói lời hàm hồ. Nghe Hòa đại nhân nói, cứ y như thư của Lưu Dung đều phải bỏ đi vậy. Thế thì Lưu Dung chẳng mắc vào tội khi quân ư? Thần nghĩ Lưu Dung đâu đến nỗi mơ hồ như thế!
Hòa Thân nghe lời Ngô Ngư Sử, liền vội vàng tâu:
- Khải tâu hoàng thượng, dù rằng Lưu Dung tố cáo nô tài dung túng cho người nhà đi lại với ngoại phiên, nhưng ít ra cũng phải xem là đó có phải do nô tài thảo thư ấy, thứ hai nữa là, có phải là người nhà nô tài viết, như thế mới gọi là dung túng. Những việc ấy Lưu Dung làm sao biết được. Ngay chỉ hai chữ "dung túng” xem ra còn nói dè chừng không xác thục, chưa hẳn là đúng sự thật, mà mới là Lưu Dung phỏng đoán.
Càn Long thấy Hòa Thân nói thế, liền nói:
- Chuyện thư từ để Trẫm xét đã, chỉ xem việc, nhân chuyện triều cống, có đòi hỏi thêm, thì thế nào?
Hòa Thân vội tâu rằng:
- Người nhà của nô tài đều do quản gia cai quản, nô tài thực cũng không biết, họ tiến hành những công việc liên hệ với các ngoại phiên ra sao? Dẫu gan mấy, nô tài đâu dám làm việc động trời này, nhưng cái bọn người nhà ỷ thế lộng hành thì thần cũng chưa được biết. Nếu có những việc không được tra xét rõ ràng như thế, nô tài cũng thấy muối mặt rồi, cớ sao Lưu Dung lại cứ đổ bừa người nhà nô tài là kẻ gây tội, nô tài chỉ còn cách là giáp mặt với Lưu Dung mà hỏi cho ra, xin hoàng thượng cứu xét.
Càn Long nghĩ cứ một mực bênh Hòa Thân thì các quan sẽ không vừa ý, huống chi chưa tra xét kỹ, thì cho là chưa hay, do đó liền nói:
- Ta chuẩn y lời tâu, Lưu Dung phải về kinh ngay cùng bộ lại xét việc này.
Càn Long cứ tưởng mình công tâm trước việc của Hòa Thân, nào ngờ trúng luôn kế của gã.
Lại nói ngay khi Lưu Dung chưa về kinh đô, Hòa Thân đã biết chuyện Thi Mẫn bị Lưu Dung chém. Chuyện này đâu có nhỏ, nếu không có những mưu mô sợ Dương Thăng không toàn được tính mệnh.
Còn Lưu Dung cũng được người ở kinh là Ngô ngự Sử gửi cho một bức thư trong đó viết:
Gửi Lưu Dung đại huynh nhã giám,
Từ ngày chia tay ở đô thành, kể đã vài tháng, như lời nhắn nhủ của huynh bữa trước, luôn nhớ kỹ ghi lòng, không ngày nào dám quên. Những việc làm của Trương Thiên Hoành, Chu Y Viên ở đây, đệ đã biết, dã lại dám chẳng để tâm, những lời chúng bịa đạt về huynh ở đây chẳng nói làm gì, chỉ lo những việc chúng báo cáo về kinh dễ thật giả lẫn lộn. Những điều đại huynh căn dặn đều thấy rất đúng, đệ càng phải chu đáo làm việc đến nơi đến chốn. Từng việc từng việc của bọn chúng, đệ đều xem xét kỹ càng. Nay vua đã giáng chỉ gọi huynh về, sợ việc dân ớ đấy sẽ rối bời hết cả. Nghe nói đại huynh ra coi việc Hồ Châu, những việc bọn xấu gây ra, lại càng thận trọng, đệ mừng lắm. Thư huynh gửi về, đệ đã thay làm bản tấu, hoàng thượng đã xem, đang được xét kỹ, nhưng còn cho là cho có chứng cớ. Hoàng thượng triệu huynh về kinh cũng là để cho rõ việc này, do đó huynh phai lo việc ở nơi trị nhậm cho ổn thỏa, về kinh ngay, để cùng các quan ở đây thẩm xét. Hành trình lên đường ra sao, việc phía nam lo cho vẹn toàn, huynh nên lưu ý.
Đệ là Ngô Đông Đồ kính thư.
Lưu Dung xem thư xong, đã rõ chuyện mình nhờ Ngô Đông Đồ tâu lên đã có tác dụng. Tuy trong thư có nói điều tâu lên còn chưa có bằng chứng, nhưng hoàng thượng cũng đã động đến việc này rồi, ta sẽ phải lo tiếp.
Lưu Dung vội sắm sửa hành trang mang theo Tưởng Kỳ, ngày đi đêm nghỉ, lúc đường bộ, lúc đường sông, sớm đến kinh thành.
Lại nói trong thành Hồ Châu, nghe nói Lưu Dung vâng mình về kinh, Dương Thăng đang không biết làm thế nào, nghe được tin này, chắc là Hòa Thân ở kinh thành đã ra tay. Thế là bọn chúng lại bảo nhau, từ phủ đến tỉnh, đều lại khuấy động đối phó. Chuyện chạy chọt không hết bao nhiêu tiền bạc, đều do Dương Thăng nói ra, lại chuyện trên tỉnh chưa dám động đậy gì, chờ các quan ở kinh đô xét sau hãy hay, rồi sẽ giao tỉnh, tỉnh sẽ định đoạt. Có người lại nói, Dương Thăng lại giở thói tiểu nhân, cho người tạo chứng cớ, cho rằng quan phủ vu khống Thế là thời gian này, phủ tỉnh cũng chẳng còn ai là người nghị án, đành chờ tin tức ở kinh đô... Khi tin này truyền đến tai Dương Thăng, gã rất đắc ý. Dương Thăng ở trong ngục, không còn khổ như trước, cứ y như ở nhà, muốn ăn thứ gì, uống thứ gì, bên ngoài đều cung phụng đủ. Văn Thừa không biết làm gì, nén lòng chờ quan phủ Lưu Dung trở về vậy.
Lại nói Lưu Dung về kinh, tâu việc lên vua Càn Long. Càn Long biết Lưu Dung đã về, liền xuống chỉ gọi Ngô Đông Đồ ở viện Đô sát, cùng hội đồng bộ lại xét tờ tấn của Lưu Dung buộc tội Hòa Thân dung túng cho người nhà.
Hòa Thân biết cũng tâu rõ với vua Càn Long:
- Muôn tâu hoàng thượng, Lưu Dung kia bảo nô tài dung túng người nhà, thánh chỉ giao xuống cho Viện Án Sát xử lý xem xét, quả là sáng suốt, nhưng Ngô đại nhân với Lưu Dung vẫn là chơi thân với nhau, khó tránh khỏi trong khi xem xét, bỏ qua sự thực, lại xét đoán không bằng cớ, nô tài dẫu có căng mồm nói cũng không lại!
Càn Long nghe thầm nghĩ: Điều này cũng có lý, hẳn Hòa Thân một mình đối chất với Lưu Dung khó thắng huống chi lại có Ngô Đông Đồ chủ trì, bèn nói:
- Miệng Lưu Dung dẫu có ghê thật, nhưng hắn cũng không thể nói không thành có, nếu ái khanh ngại, ta sẽ sai Cửu vương gia chủ trì việc này.
Cửu Vương gia là chú vua Càn Long, người đã có tuổi nếu như nhà vua không vời gọi, ông không vào chầu lên điện, chỉ thích vui với hoa, chim, cá, cây cảnh, tính cũng cao nhã, vẫn thường hay chơi thăm Lưu Dung. Không phải là vương gia đi nữa, thì trong triều ngoài nội, ai cũng kính trọng ông. Dù trong tay dẫu không nắm quyền, ngược lại các quan trong triều cũng không dám coi thường. Với một người như thế, Hòa Thân còn biết nói năng chi.
Hòa Thân nghe nhà vua nói, vội thưa:
- Hoàng thượng thật sáng suốt!
Lại nói Lưu Dung được biết, Càn Long đã giáng chỉ cho Đô Sát viện và hội đồng Bộ Lại xét vụ án này, trong lòng đã quyết, vội vào triều dâng tờ tấu rằng:
- Muôn tâu đức Vạn Tuế, vụ án này có liên quan đến Hòa đại nhân, sao lại cho hội đồng Bộ Lại xét xử được?
Thế chẳng hóa ra cho Hòa đại nhân lại xét chính án của mình ư? Như thế thật không thỏa đáng, xin hoàng thượng minh xét.
Số là Hòa Thân đã từ Lại bộ thị lang vừa thăng lên Lại Bộ Thượng Thư nên Lưu Dung mới tâu thế.
Càn Long thấy Lưu Dung tâu vậy, trong lòng chẳng thích thú gì, liền nghĩ, người nói thế, ý cho là ta muốn nâng dỡ Hòa Thân chứ gì? Nhưng ta đã xuống chiếu rồi, rút lại được sao nữa? Huống chi, người chẳng ưa gì Hòa Thân, không làm như thế thì người lại xử quá cho Hòa Thân ư? Thế thì khác gì để người muốn làm gì thì làm.
Do đó, vua nói:
- Ta đã mời Cửu Vương gia đến xem xét việc này, làm sao Hòa Thân có thể ỷ thế làm càn được? Bọn ngươi định làm đến nơi đến chốn như thế, hay là có ý gì vậy?
Lưu Dung nghe Càn Long nói như vậy, thấu rõ là vua có ý giải thoát cho Hòa Thân, nhưng thấy mặt vua cau lại, liền chỉ dám nói:
- Muôn tâu hoàng thượng, thần muốn tránh cho Hòa đại nhân tránh được một việc không hay, nếu để Hòa đại nhân là người vô ý, đứng ở đằng sau, thì chuyện "sa chân xuống ruộng dưa”(1) hiềm sẽ xảy ra. Huống chi lại là quan xét án vụ này, nếu lại có liên can, thì sao tránh khỏi vòng vo được. Sở dĩ thần tâu như thế, là muốn Hòa đại nhân nên tránh thì hơn.
Càn Long nghe, càng tức, nghĩ: đúng là gã Lưu gù, năm trước đã gây chuyện đòi hai vạn lạng bạc vinh phong của ta, nay lại định bầy vẽ cho ta kế sách này ư? Người nói không nên để Hòa Thân xét xử vụ án này, lại sợ Hòa Thân khi xét thì vòng vo ư? Ngươi bắt người ta phải tránh mặt đi, thế là chưa chi đã nghi người ta rồi, ta không nghe ngươi đâu.
Vua Càn Long chỉ nói:
- Lưu Dung, người đã định thế nào là sẽ làm nhất thế phải không? Sao không nhìn trước, ngắm sau một chút? Hay là ngươi cho là Trẫm sẽ làm cho việc xử án này không nên chuyện?
Lưu Dung thấy nhà vua tức giận liền nghĩ: Tôi đã biết vua có ý nâng đỡ Hòa Thân, thì tôi tội gì chuốc lấy khổ đau vào mình? Thế mà nhà vua lại còn tức giận nói bảo tôi "định thế nào là sẽ làm như thế” ư? Thế rồi lại để bảo “Vui thú trên tai họa của người khác, bụng dạ thiên lệch" chứ gì! Nếu như tôi không tra xét đến nơi đến chấn, thế là vua lại được dịp nhận xét ngược trở lại, lại bảo tôi là "bé xé ra to, việc không có dựng nên thành có!" Đến lúc này thì tôi vẫn mắc phải “bụng dạ thiên lệch" rồi!
Nghĩ thế, Lưu Dung liền tâu:
- Xin Đức vua nguôi giận, việc này chẳng nên để thánh giá phải khó nhọc. Lại nói, việc này có thư từ qua lại trao đổi, nhưng đã được tra hỏi kỹ càng gì đâu, thần vốn chịu ơn sâu của hoàng thượng đâu dám lấy việc riêng lấn việc công, sở dĩ nói thế, là cũng do thực tâm, không coi nhẹ việc xử án, chẳng lẽ hoàng thượng lại không xét cho tấm lòng này! Vả lại, việc này là việc trọng đại, các triều thần trong ngoài đều đã biết, há chẳng nên cẩn thân sao? Xin cho thần đem hết sức xem xét vụ án này, khi đã rõ ràng, sẽ xin tâu lại.
Vua Càn Long không nghe không đành, mà nghe thì, lại càng thêm bị tức, thầm nghĩ: Lưu gù ơi Lưu gù! Ngươi vốn dĩ vẫn chưa buông tha ta đây mà! Ta chẳng qua dùng lời để răn đe ngươi, không dè ngươi lại nhân đó quá đà, tương kế, tựu kế, hay lại định đòi thượng phương bảo kiếm nữa sao? Người nói như trong mơ vậy? Ta không nghe đâu?
Nghĩ thế, Càn Long liền nói:
- Lưu Dung, ngươi bất tất phải nhiều lời, việc đến như thế này, để ta thân xét xử. Ngươi đem đám thư từ đến đây cho Trẫm xem, rồi sẽ định đoạt. Thôi đi đi!
Lưu Dung không ngờ Càn Long lại nói thế, chẳng còn cách nào, đành vâng mệnh đem đám thư từ kia dâng lên. Trong lòng nghĩ, mình tự để cho việc xoay chuyển khác mất rồi, thế này là để cho Hòa Thân tuột mất. Việc đến như thế chỉ còn chờ xem biến động ra sao.
Hòa Thân được biết đức vua thân xử vụ án này, trong lòng hoảng sợ, lo đến ngày vua hỏi tội, sẽ ăn nói sau đây?
Chỉ thấy Chu Y Viên đứng bên, cười bảo:
- Xin mừng cho quan lớn!
Hòa Thân quay lại bảo:
- Sao Chu tiên sinh lại nói thế?
Chu Y Viên nói:
- Đại nhân thật có số "Cát nhân thiên tướng", việc này rồi dữ sẽ thành lành. Việc nhà vua đứng ra thân xử án, là có ý nâng đỡ đại nhân, nếu hoàng thượng không có ý ấy, thì nhận xét xử để làm gì. Cái việc "thân xét xử, này chính là không để cho bọn Lưu Dung xét đoán lung tung, nếu không có ý nâng đỡ đại nhân, thì mặc cho bọn Lưu Dung xử xong sẽ trình lên, thì còn chuẩn tấu hoặc không chuẩn gì nữa! Giờ thì ván đã đóng thuyền lòng hoàng thượng không nỡ, nên mới có ý thế, cho nên đại nhân khỏi lo.
Hòa Thân nghe xong, cười khà khà:
- Tiên sinh nói chí phải!
Quả nhiên, chỉ mấy ngày sau, vua Càn Long hạ chiếu gọi Lưu Dung, Hòa Thân vào chầu. Lưu Dung vẫn mong rằng việc cho chóng xong để mau còn trở lại Hồ Châu, nên vào chầu không thể là chuyện xem nhẹ. Còn Hòa nhân, dẫu trong lòng còn sợ, song tám phần thì bẩy phần hi vọng, vào chầu với ý "sự việc cũng chỉ đến thế thôi". Cả hai đều vào chầu.
Càn Long thấy hai người bèn nói:
- Bản tấu và thư tín của Lưu ái Khanh trình lên,.rẫm đã xem, Trẫm cho rằng việc này gia nô vượt quyền ra chủ, ỷ thế làm những chuyện gian dối, lừa lọc, không ảnh hưởng đến đại cục, cũng nên xét xử cho đúng với sai phạm. Hòa Thân ơi, ngươi là gia chủ mà không hay biết gì, hoặc thấy mà không quản lý chặt chẽ, nói cũng không được, trọng trách càng lớn, song Trẫm nghĩ ngươi cũng bận rộn nhiều việc, nên thể tình. Chỉ mong sau này ngươi làm việc cho vào quy củ. Do đó tội sẽ bị phạt bổng lộc một năm không được hưởng, phải coi sóc người nhà cho tử tế
Hòa Thân vội vàng tiến lên, xưng tụng:
- Tạ ơn hoàng thượng!
Càn Long lại nói:
- Lưu ái khanh, làm việc cần mẫn, lời lẽ thận trọng, nhưng cũng nên xử việc to, nhỏ cho thỏa đáng, cẩn trọng, sâu sắc hơn. Ta ban thưởng cho một áo khoác hoa vàng, một ngàn lạng bạc, việc đã xong, về triều nhận việc mới.
Còn những thư từ giao thiệp với ngoại phiên kia, giữ chẳng bõ phiền, trẫm đã cho đốt đi rồi! Từ nay về sau, không bàn đến việc này nữa. Thôi cho lui.
Lưu Dung lạy tạ:
- Xin đa tạ hoàng thượng! Hòa Thân và Lưu Dung ra khỏi cung điện lớn, Hòa Thân như trút được gánh nặng, lau mồ hôi trán, bảo Lưu Dung:
- Lưu đại nhân, hoàng thượng thật sáng suốt!
Lưu Dung cũng cười bảo:
- Vâng đúng thế! Thế là Hòa đại nhân ăn ngủ yên rồi, về phủ mà nghỉ đi!
Hòa Thân về phủ, Chu Y Viên lưu ý rằng:
- Hòa đại nhân, việc đã xong rồi, nên cho người lo giải thoát cho Dương Thăng không Lưu Dung chém y mất.
Câu nói làm Hỏa Thân chợt tỉnh, vội hỏi:
- Chu tiên sinh có cao kiến gì không?
Chu Y Viên nói:
- Muốn bảo toàn được Dương Thăng phải dùng kế, “phủ đất hãm mầm" thôi, chỉ có giữ Lưu Dung ở kinh đô mới khiến Dương Thăng khỏi chết.
Hòa Thân cười bảo:
- Ta đã có cách rồi! Ngày mai ta vào chầu, tâu cho Lưu Dung làm Tả Đô Ngự Sử!
Lại nói Lưu Dung về đến nhà, đang thu thập hành trang về đất đang trấn giữ. Chợt Ngô Ngự Sử đến chơi. Hai người thi lễ. Ngô Ngự Sử nói:
- Lưu đại nhân, hôm nay vào triều, Hòa Thân đã xin cho huynh được thăng Tả Đô Ngự Sử, hoàng thượng đã chuẩn tấu. Việc này huynh chưa biết sao? Việc này là ý thế nào đây.
Lưu Dung nghe nói, liền bảo:
- Chắc là hắn vì chuyện Dương Thăng! Việc này mà xong, chỉ thương dân chúng già trẻ đất Hồ Châu thôi!
Liền đem chuyện Dương Thăng kể lại một lọat cho Ngô Ngự Sử và hỏi: Huynh thấy việc này nên xử trí ra sao?
Ngô Ngự Sử nghĩ rất lâu, rồi vỗ đùi bảo:
- Có rồi đây! Việc thăng tiến này, giấy tờ sẽ phải chuyển về Chiết Giang, Hồ Châu, báo cho quan tuần phủ và các ty chức Hồ Châu. Mà văn thư từ kinh đô chuyển đến cũng mất 10 ngày. Nên nếp làm việc ở kinh đô, huynh cũng đã biết đấy; từ bộ chủ quản, dấu má thủ tục nhanh nhất cũng phải mươi hôm. Đặc biệt việc điều động các quan ở châu phủ, lại càng chậm hơn. Thế thì từ việc này, huynh sao chẳng rời kinh đô về Hồ Châu trước đi!
Lưu Dung nghe ra, liền bảo:
- Ý đó thật hay, thay mặt dân chúng Hồ Châu, đệ xin cảm ơn Ngô Ngự Sử!
Ngô Ngự Sử nói:
- Cảm ơn gì! Việc của huynh vì dân mà làm, có hiểm nguy, khó khăn, đã là anh em thì phải ghé vai gánh vác chứ!
Lưu Dung nói:
- Làm không xong, bất quá là mất quan, bãi chức, tôi cũng chẳng cần, ông đừng sợ!
Hai người từ biệt nhau. Lưu Dung vội đem Tưởng Kỳ rời kinh, về Hồ Châu luôn.
Lại nói Lưu Dung về đến Hồ Châu, sau hai ngày thảo xong án quyết nhà họ Dương. Ngày thứ ba thăng đường xét xử, đem toàn bộ chứng cớ, nhân chúng ra, lấy khẩu cung cuối cùng, định án, và cho thi hành án ngay.
Những kẻ cùng Dương Thăng liên quan đến vụ chết người ở Cửa Tây đều đem ra ngoài phố chém.
Đến khi văn thư đến Hồ Châu, Lưu Dung báo cho người đưa văn thư rằng vụ Dương Thăng đã xử chém rồi!
Sau này Hòa Thân biết chỉ đành giậm chân mà chửi thôi!
Chú thích:
(1) Sa chân bước xuống ruộng dưa. Dẫu ngay cho chết vẫn ngờ oan (Kiều). Ở đây mượn điển tích để nói.