Liên dậy, cười bảo:
- Chẳng phải lần gặp nhau này mà thi lễ, ta đã là người biết nhau cũ, lại cùng làm việc với nhau. Xin cứ tự nhiên, mời ngồi.
Hà Liên bấy giờ chưa chịu ngồi, Lưu Dung lại mời tiếp mới chịu kéo ghế lùi ra một chút ngồi hầu chuyện.
Lưu Dung hỏi:
- Anh ở Hồ Châu đã nhiều năm, lại là người gốc ở đây dân tình chắc đã hiểu kỹ, theo ý kiến anh thì cai trị Hồ Châu, việc nào nên làm trước.
Hà Liên cười, thưa:
- Bẩm đại nhân, tiểu nhân đâu dám thế. Tiểu nhân ngầm quan sát đại nhân nhiều ngày, biết đại nhân đã có phương lược đối với họ Thi, họ Dương. Theo ý kiến tiểu nhân thì nên chọn việc lớn mà làm, không biết có phải là quá lời không.
Lưu Dung gật đầu, nói:
- Ta tuy mới đến Hồ Châu, với một số việc đã rõ vài phần, cái khó là hai nhà kia dẫu đã gây nhiều tội ác nhưng dân chúng lại không tố cáo, ta đến nhậm chức không lâu, không có thể không có chứng cớ mà xử án làm thế nào cho được đây!
Hà Liên nói:
- Quan lớn soi xét! Dân chúng thường thì không dám nghĩ đến tố cáo, cũng là bất đắc dĩ. Trải bao nhiêu quan tri phủ Hồ Châu, đều lấy tiền bạc của họ Thi và họ Dương tiêu dùng, lại nữa, ai cũng sợ Hòa Thân, huống chi một số ông tri phủ lại do Hòa Thân dìu dắt. Nên khi gặp có việc, họ thường đem chuyện to cho là chuyện nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có, kết quả làm giống hệt nhau. Do đó, dân đây có oan không nơi để mà tỏ oan ức, cơ khổ không biết nói với ai, đi tố cáo thì chẳng có cửa nào, đành ẩn nhẫn không nói thôi. Nói xa xôi gì, chỉ một việc họ Trịnh ở cửa thành, ai là người chẳng biết, khắp Hà Châu đâu chẳng rõ chuyện mà khổ chủ vẫn không dám đi tố cáo, thế có phải hỏng chuyện rồi không!
Lưu Dung nghe xong hỏi:
- Vậy thì anh có kế gì hay không?
Hà Liên nói:
- Theo tôi thấy, đại nhân đã quyết tâm trừ ác an dân, thì trong một lúc chẳng vội, người ta thường nói: “Lưới trời lồng lộng, thưa mà không sót”. “Kẻ nào làm chuyện bất nghĩa, tất sẽ chết!", thế nào cũng có báo ứng. Bây giờ thời chưa đến, chỉ cần đại nhân lưu tâm, chẳng bao lâu sẽ có cơ hội. Tôi sẽ lục lại đám hồ sơ dân Hồ Châu tố cáo tội trạng của hai họ Thi, họ Dương sẽ chọn ra một số, để đại nhân xem, sẽ biết được tình hình hiện nay ở Hồ Châu, rồi sau này sẽ bổ xung.
Lưu Dung liền nói:
- Tốt lắm! Anh nên lưu tâm rồi đưa cho ta xem. Từ nay nếu có việc gì cứ tìm ta để bàn bạc.
Hà Liên vâng lời. Nói đến đó, trời dã khuya, Hà Liên lấy đám giấy tờ xét án để lại, cáo từ rồi ra về.
Tiễn Hà Liên, Lưu Dung gọi Văn Thừa vào, dặn như thế, như thế, sớm mai đến cửa hàng của ông già Trịnh dạo một lượt, khuyên ông ta nên đến phủ tố cáo, Văn Thừa vâng lời rồi lui.
Lại nói, tốt hôm ấy ở sân trong nhà Thi Mẫn, sau miếu, có một vài người trước đèn bàn việc kín. Số là ở mé tây nhà có một gian phòng kín, trong nhà có ván dầy ghép, một chút ánh sáng không lọt ra ngoài. Hai ngọn đèn sáng chiếu ở một cái nền, bốn người đang chụm đầu to nhỏ, gian ngoài có hai đứa đầy tớ hầu trà.
Ngồi trên có một người cao to, mặt trắng râu vàng, trạc tuổi trung niên, người đó là ai? Đó chính là người tin cẩn của Hòa Thân, tức Trương Thiên Hoành.
Tại sao Trương Thiên Hoành lại ở đây? Vốn từ khi Lưu Dung rời kinh thành, Hòa Thân ngày đêm không yên lòng, lúc nào cũng lo ngay ngáy. Ông ta nghĩ, thằng cha Lưu Dung thường ngày vốn vẫn bực ta, lần này đi Hồ Châu, một bữa nào nghe biết đó chuyện, ắt hắn để tâm huống chi đám nhà họ Thi, họ Dương xưa nay đã thế, vạn nhất để sơ xảy một điều gì, để Lưu Dung nắm được thì hỏng hết việc lớn. Nếu hắn lại biết ta tư thông văn quan ở đất Phiên vơ vét triều cống, thì việc liên lụy đến ta càng rắc rối. Hòa Thân nghĩ đến những việc này, không thể không cẩn thận, liền gọi Trương Thiên Hoành, đi ngay đến Hồ Châu, dặn bọn nhà họ Thi, họ Dương, đề phòng bất trắc, rồi tức tốc về kinh bẩm báo.
Trương Thiên Hoành không dám chậm trễ, vội đáp ngựa phóng ngay đến Hồ Châu. Đến Hồ Châu, anh ta lại biết Thi, Dương hai người lại mới gây tội, Trường Thiên Hoành rất sợ, nghĩ quả không ngoài trù tính của quan lớn hai thằng họ Thi, họ Dương này muốn chết hay sao? Lại nghĩ sự việc đã đến thế, cũng chẳng nên ngồi trách giận ai, nên mau tìm cách, để lo liệu. Do đó đêm nay cùng họ Thi, họ Dương bàn bạc. Ngồi trong đó còn có một người gầy cao, mặt ngựa là Dương Thăng, lại có một người èo uột là Thi Mẫn. Lại có tên tay chân của họ Thi ngồi ở dưới dẩu mỏ mà nghe ngóng, đó chính là Thi Quý, là quản gia cho Thi Mẫn.
Trường Thiên Hoành hỏi Thi Quý:
- Đem lễ đến quan tri phủ, có phải do Thi quản gia đưa đến không? Ông ta bảo sao?
Thi Quý trả lời:
- Vâng, tiểu nhân đem đi ạ! Nhưng không gặp được quan tri phủ. Chỉ thấy một người họ Văn, là nhân vật thứ hai, bảo là "quan tôi dặn, ngân khoản xin được trả lại còn giấy kê lễ vật thì để lại! Đưa tôi tờ giấy có in chữ: "trả lại lễ biếu” rồi bảo tôi về.
Thi Mẫn tiếp lời:
- Lưu Dung trả lại lễ, hay là cho rằng ta biện lễ sơ sài!
Dương Thăng cũng bảo:
- Thu lấy tờ giấy kê lễ vật, trả lại bạc có thể là lần đầu tiên ngại ngần chăng, hay là ông ta tỏ vẻ khiêm nhường. Người ta nói: Quan nào lại chê quà biếu. Mấy bữa trước quan lớn nhà ta đã cho người từ kinh đô về dặn dò, giờ lại phiền thêm đến anh Trương, tôi sợ quá cẩn thận đấy. Vả lại anh em ta làm chuyện này đâu chỉ có một vài lần.
Trương Thiên Hoành nghe nói, cười nhạt bảo:
- Hai bác nghĩ sai rồi, quan lớn sai tiểu đệ trước hết là để cho hai bác yên lòng. Cũng chẳng phải là tiểu đệ được ban ân gì, chẳng qua mấy lần đều do Chu Tiên Sinh đi trước rồi, nay ở trong triều gần đây lại có việc, quan lớn không rời được Chu Y Viên, mới sai tôi đến. Nếu hai bác bảo Lưu Dung chê là lễ bạc thì sai lầm lớn đấy! Thằng cha Lưu Dung này, lúc ở kinh thành, quan lớn nhà ta lúc nào cũng muốn bẩy đi. Ông ta nào có chịu, lại ra mặt chống lại Hòa đại nhân. Lần này ông ta đến Hồ Châu, Hòa đại nhân ở trước mặt vua ngăn không nổi. Hoàng thượng nói, ngươi nhiều lần chẳng tiến cử Lưu Dung ra làm quan ở bên ngoài, lần này trẫm cho ông đi Hồ Châu chẳng đúng như ý của người sao? Sao lại nói không ổn? Chẳng lẽ con người ấy làm phản được hay sao? Hòa đại nhân nghe vua nói, không dám thưa Hồ Châu chính là sân sau của nhà mình, người ngoài không đến được! Thằng cha Lưu Dung này mưu mẹo lắm, mấy lần trong triều đã làm khó dễ cho Hòa đại nhân. Các bác lấy tiền dâng cho ông ta, thật là vô bổ, khác nào đưa gậy cho đập vào lưng. Ông ta, một là chẳng chịu Hòa Đại nhân, hai là có danh vọng, lần này tóm được việc là quyết ra tay, các bác liệu có ngăn nổi không?
Anh chàng Thi Mẫn nghe đâm sợ, tuy vậy vẫn nói cứng:
- Tôi xem chưa chắc hắn đã làm được gì! Thứ nhất chúng ta phải biết lo liệu, thứ hai có Hòa đại nhân nắm quyền trong triều, một gã tri phủ như ông ta làm quái gì được!
Trương Thiên Hoành thấy hai người vẫn ỷ thế, liền nghiêm sắc mặt nói:
- Hai vị tuy trên trời dưới nước gì đi nữa, với tri phủ Lưu Dung, những việc sắp tới, đừng tưởng ông ta không làm to chuyện được đâu. Hai vị chưa biết đó thôi, Lưu Dung không phải là bọn ưa nhàn, thứ nhất Đức vua rất coi trọng ông ta, thứ hai ông ta ở kinh đô đã lâu, quen biết các quan rất nhiều, thứ ba Lưu Dung là người làm việc nghiêm cẩn, thanh liêm, Hòa đại nhân mấy lần trước mặt hoàng thượng đã chực đánh quỵ ông ta, mà chẳng có cách, Hòa đại nhân không yên tâm, cho tôi đến lưu ý đặc biệt hai bác. Theo tôi được biết cửa thành phía tây, quán hàng nhà họ Trịnh đang xẩy ra một việc, Lưu Dung đã biết rồi. Cho dù chuyện hôm qua, ông ta chưa biết đi nữa, hai bác cũng chưa biết được thủ đoạn của Lưu Dung đâu! Nếu như chuyện ở đó mà qua đi thì thôi, chứ nếu lộ ra để ông ta biết, sợ là Hòa đại nhân lo cho hai bác cũng chẳng kịp. Hai bác há lại không cẩn thận ư?
Thi, Dương nghe mặt trắng bệch. Nếu như chuyện này mà bung ra, một ngày nào đó Hòa Thân hay, thì Hòa Thân liệu có tha cho họ không? Thấy việc nghiêm trọng, họ liền bảo Trương Thiên Hoành:
- Theo ý bác, thì nên làm thế nào cho tốt.
Trương Thiên Hoành nói:
- Hai vị bất tất hoảng hốt, các bác vốn là ngừơi biết lo, theo ý của tôi, trước hết phải ngăn lại. Đầu tiên là bịt miệng đám dân đen, mềm nắn rắn buông, đừng để cho chúng tố cáo lên trên, rồi vung tiền ra, tìm lấy một vài người trong phủ, giao việc cho mà theo dõi. Họ Thi, họ Dương nghe cùng nói: hay lắm! Bấy giờ đã khuya, họ thôi không bàn gì thêm, cùng tự bỏ đi.
Bữa ấy sau buổi trưa, Lưu Dung ngồi ở giữa công đường, xem và phê án. Văn Thừa tiến đến, Lưu Dung hỏi:
- Ngươi đã đi chưa, sự việc có hé ra chút nào không?
Văn Thừa lắc đầu nói:
- Không xong rồi, ông Trịnh nói thế nào cũng không chịu tố cáo. Hai ông ấy nói. Người thì đã chết rồi, không sống lại được, người sống thì làm sao sống qua ngày đây! Gây Chuyện chỉ thêm rầy rà! Họ nghĩ rằng, người khác đã từng tố cáo, ai mặc người ta, chứ họ mà tố cáo, vạn nhất mà...
Lưu Dung nghe bảo Văn Thừa:
- Ý nghĩ của họ như thế, chẳng có gì là lạ. Nói lại thử đi lần nữa, nghe ngóng tin tức, rồi tìm thêm xem ai là kẻ đã gây chuyện.
Văn Thừa vâng dạ đi ngay, đang đi được mấy bước lại hạ giọng khẽ nói:
- Bẩm quan, trưa hôm nay, trên các phố đột nhiên lại có dán những tờ giấy, viết nhũng lời khá lếu láo, việc này chắc là có mưu mô gì đây?
Lưu Dung hỏi:
- Tờ giấy dán viết gì?
Văn Thừa nói:
- Con có bóc một tờ, xin quan lớn xem qua. Nói xong rút trong ống tay áo lấy ra một tờ giấy mỏng đưa liền cho Lưu Dung.
Lưu Dung mở ra đọc, thấy trên giấy không có tên người viết, chỉ viết bốn câu thơ như sau:
Hộ hộ, nhà nhà trố mắt nhìn,
Hồ Châu trong phủ ối quan tham,
Dân đây chỉ muốn sống yên ổn.
Diệt bọn quan đi ắt được nhàn.
Lưu Dung xem xong, lặng đi một lúc rồi bảo Văn Thừa:
- Tờ giấy nói rõ ý tứ rồi đấy!
Văn Thừa hỏi:
- Con nghĩ cả nửa ngày, mới hiểu lơ mơ. Cứ xem thì hai nhà Thi, Dương đích thục làm việc ác độc, sao quan lớn không ra oai đi!
Lưu Dung cười nói:
- Chúng nó rất ác, mươi phần ác cả mười, nhưng chúng là mười phần sợ ta.
Văn Thừa hỏi:
- Bẩm quan, như thế nghĩa là sao?
Lưu Dung nói:
- Bởi chúng sợ có người vạch tội, nên mới cho dán cái tờ giấy phao ngôn này lên, mọi nguời thấy thì đều cho là chết rồi còn tố với cáo gì nữa, thế thì muốn tố cáo ở đất này ít nhất là phải có ba trăm lạng đấy!
Hai người đang nói thì Hà Liên vội vội vàng vàng tới.
Lưu Dung vội hỏi Hà Liên:
- Có việc gì gấp phảì không?
Hà Liên nói:
- Vâng, đúng là có chuyện lớn đây.
Rồi đưa mắt nhìn Văn Thừa. Lưu Dung biết ý bảo Văn Thừa lui ra, rồi bảo Hà Liên ngồi xuống có gì cứ từ từ mà nói:
Hà Liên ngồi rồi, liền thưa với Lưu Dung:
- Hai ngày trước đây, đại nhân còn buồn bã chưa có cách nào để xét xử Thi Mẫn, nay cơ hôi đã có rồi đây?
Lưu Dung vội nói:
- Người thử nói xem nào!
Hà Liên cười bảo:
- Bẩm quan, trong thành Hồ Châu lại vừa xẩy ra một vụ án lớn chết người, với con mắt riêng, chỉ tôi biết được việc này, thế mới biết trời có mắt. Liền đem trình tự của vụ án kể lại theo đúng trình tự.
Nguyên do, Hà Liên có người chị ở thanh Hồ Châu, trước đây vài năm, bà chị, người anh rể, có giữ lại một ngôi nhà của tổ tiên, cho người cháu gọi Hà Liên bằng cậu ở. Căn nhà đó ở Phố Hà Đường ở bên cạnh một hộ buôn bán ở Hồ Châu, chồng thường năm vẫn đi buôn, chỉ lưu lại một người vợ và một đứa ở, bên mình không có con cái! Người đàn bà này mới khoảng hai mươi tuổi, rất xinh đẹp, dáng điệu đoan trang, phấn son vào lại càng đẹp. Từ khi người chồng đi khỏi thành, dần dần, ở không yên ổn, lại thêm đứa ở gây chuyện, ả cũng chẳng để ý. Không hiểu sao ả lại dan díu với họ Thi, họ Dương. Có hai đều mê ả.
Người đàn bà này cũng có thủ đoạn, một mồi mong câu được cả đôi. Hai gã đều biết, cũng chẳng tranh giành lẫn nhau, liền từng gã tư thông với ả. Ả với hai gã đàn ông đi lại, không gì không chiều, không gì là không nghe. Tuy hai gã này đeo đuổi ả, nhưng tên nào cũng thêm một đống bệnh: thứ nhất lưng thêm đau, thứ hai mắt thêm mờ, thứ ba, tai càng thêm điếc, thứ tư mũi càng khụt khịt, thứ năm da càng thêm chảy. Tuy vậy cả hai vẫn cứ lao vào.
Tại sao cô gái lại được mê mẩn như thế? Thứ nhất về dáng vẻ: tóc đen mượt, mi cong như trăng đầu tháng, mắt long lanh, môi chúm chím như hoa anh đào, mũi dọc dừa thật duyên, son phấn thơm tho, mặt hoa bừng bừng, người yểu điệu, tay thon, lưng thắt đáy, đùi trắng ngần...
Cô ta lại có nhiều trò, người lúc nào cũng thơm phức, khiến đàn ông đến gần là bị hút vào ngay. Thế thì họ Thi, họ Dương sao chẳng lạc vía, mê hồn.
Chồng cô tuy đôi khi về nhà chẳng để ý. Một thời gian, tiếng đồn cũng loang đến, trong lòng tức giận, song anh chàng vẫn chẳng có gì làm bằng. Hỏi đứa ở gái, thì nó chẳng nói đến cái điều muốn hỏi. Khi hỏi đến vợ anh ta ả chỉ trời thề đất, làm um lên, khóc lóc một hồi, thế là lại thôi.
Ai biết đâu, một hôm, người đàn ông đang đêm trở về thấy trong phòng sáng đèn, cứ tưởng là lúc này hai cô cháu thức khâu vá gì. Anh ta liền gõ cửa. Tự nhiên ánh đèn trong nhà tắt nhóm, mãi không thấy thắp lên. Đến khi mở được cửa, thời gian dễ uống đến tàn ấm trà, người chồng hỏi:
- Làm sao lâu thế mới mở cửa?
Người vợ bảo ngủ quên mất không nghe tiếng. Ngươi chồng lại hỏi: Thế bên trong có ánh đèn, sao lại nói là ngủ quên, chắc là phải có nguyên do chứ?
Nói xong, người chồng xông vào trong buồng, nhìn lên trên giường, thấy chiếu chăn tung bành, dưới gối lại để lộ ra một chiếc khăn đàn ông. Người chồng thấy thế, rất tức giận, tát cho vợ một cái, lôi chiếc khăn dưới gối ra bảo:
- Bây giờ cô ăn nói thế nào đây? Cứ tưởng tôi ù ù cạc cạc, không biết gì chuyện các người hả?
Người đàn bà đứng trân trân, rất bình tĩnh, nói:
- “Bà" nói thực cho mày biết. Người đến bữa nay là ông Thi đấy, mày có biết, thì có mở mắt cũng nên nhắm mắt lại, chúng ta vẫn còn là vơ chồng. Nếu như mày đừng có ra oai với bà ở nhà này. Đợi sáng mai, bà sẽ nói cho ông Thi, ông Dương để mày với họ bàn cho ra nhẽ, được chứ?
Người vợ nói rồi, đắc ý nhìn chồng, quay lưng định lên giường nằm. Người chồng tức lắm, thấy vợ mình nói nhũng lời vô liêm sĩ, không thể nén giận được. Thuận ta túm lấy đánh luôn vào mặt. Sau trận đánh này, nguồn vợ khóc um lên. Người chồng càng tức, mắng nhiếc đến sáng dọa sẽ giết đứa ngủ với vợ mình. Chẳng ngờ, người vợ lòng dạ đã dính chắc với hai thằng gian phu, hôm sớm liền bảo với họ Thi, họ Dương rằng. Chồng em về rồi, hắn đã biết chuyện, tối qua nó đánh em một trận, lại dọa giết hai anh, các anh bảo làm sao bây giờ?
Hai gã Thi, Dương, trợn mắt lên bảo: Ta không thèm sờ đến, để cho nó đỡ bẽ mặt, nào ngờ cây muốn lặng gió chẳng muốn dừng, lại còn nói bậy, nói càn, để anh em ta dậy cho hắn một bài học. Rồi chúng sai người nhà đi trị cho người chồng của người đàn bà dâm đãng kia một trận ra trò.
Bọn chúng làm ầm ĩ ở trong sân, làm kinh động đến phòng nghỉ của Trương Thiên Hoành, Hoành liền bước ra hỏi, biết rõ đầu đuôi, liền dậm chân nói:
- Làm sao hai ông cứ làm om sòm lên như thế? Những gì Hòa đại nhân dặn dò quên hết cả rồi sao?
Họ Dương, họ Thi chợt hiểu ra, mới chịu im. Người đàn bà thấy có vị khách ở đâu đến, nói một câu khiến hai người đang cơn giận cũng phải xẹp xuống liền nói dỗi:
- Biết thế này, thì còn nói để làm gì!
Họ Thi, họ Dương bí quá. Đợi Trương Thiên Hoành về phòng, vội cười cười, bảo:
- Đó là vị quan mới từ trên kinh đô về, hai chúng ta không tiện nói, bây giờ ông ta đi rồi, bất tất phải nói nhiều, tối nay, cứ như thế, như thế...
Người đàn bà nghe rồi, cứ theo lời mà làm.
Hai tên họ Thi, họ Dương nghĩ, dù cho có người đang làm cho chúng giận điên lên, song đến nay đã có lời dặn của Hòa đại nhân, ắt là không thể hành động gì được nhưng đến tối nay xem, ta quyết không để cho thằng chồng này yên. Do đó, hai đứa bàn bạc với nhau: đến lúc này bọn hắn cũng không được lộ mặt ở đất này, lại không được gặp gỡ cô ả, chi bằng trừ béng thằng chồng của ả đi, thứ nhất là nguôi được giận, thứ hai lại đi lại được với cô gái trẻ kia, há chẳng lợi sao?
Hai đứa đã quyết. Đêm ấy, không cho Trương Thiên hoành biết, chúng tập hợp một lũ vô lại, nửa đêm xông vào nhà kia, dùng chân tay, gậy gộc đánh chết người chồng. Con đàn bà thấy chồng chết, chờ đến sáng khóc ầm lên, nói chồng mình đêm qua bị chết đột ngột. Kêu khóc chán, thấy có người đem quan tài đến, người vợ vô vàng khâm liệm người chết, ả thấy người đến, lại khóc lóc kể lể chồng chẳng may chết để ả không nơi nương tựa xin ông Dương hết lòng giúp đỡ v.v... Người chồng không có ai thân thích ở Hồ Châu, nhũng người láng giềng biết anh ta, thấy người chồng chết không minh bạch, trong bụng cũng cố đoán xem, nhưng chỉ thấy người nhà họ Thi, họ Dương ra vào lo liệu, họ thấy tìm hiểu kể cũng dễ bị phiền hà, nên không một ai dám nói ra.
Việc của người vợ kia người không biết, quỷ thần không hay, nào ngờ việc này, không khéo, khiến người cháu họ của Hà Liên biết được.
Số là đêm ấy người cháu của Hà Liên không ngủ được, thấy vách nhà bên có tiếng cãi cọ, rồi thấy vợ chồng họ đánh nhau, ồn ào quá, nhưng càng nghe càng không rõ, vốn tính cũng tò mò, liền nấp ở đầu tường xem thế nào? Thế là nhất cử, nhất động ở nhà láng giềng cũng không qua mắt nổi với anh ta, ngày hôm sau, liền đem sự việc nói với Hà Liên.
Hà Liên nghe được, vội đi tìm Lưu Dung.
Lưu Dung nghe rồi, nghĩ một lúc rồi tự nhủ: "Tưởng là không có cách gì nữa, ta chỉ biết chúng mày đã để lộ dấu vết rồi! Cho rằng lão phu này, không dò ra ư?”. Liền quay lại bảo Hà Liên:
- Nếu như vụ án giết người ở trong tay ngươi, ngươi nghĩ thế nào? Không biết cái đám người ra tay tối hôm qua, cậu cháu họ của ngươi có nhận mặt được một vài thằng không?
Hà Liên vội nói nhỏ:
- Bẩm quan, đừng vội, cháu ngoại của tôi tuy không nhận được mặt cái đám ra tay, nhưng biết được chắc tên Địa Bảo trong đêm ấy. Người cháu ngoại tôi biết rõ người vợ sai đi bắn tin ra ngoài mà!
Lưu Dung nói:
- Hay lắm, việc lớn chắc là xong! Chỉ sợ tên Địa Bảo không khai lại chưa bắt được hung thủ, việc đó không thể chần chừ, ngay hôm nay phải làm cho đến nơi đến chốn.
Ai biết đâu Hà Liên lại nói:
- Tôi có một việc nữa xin được bẩm lại. Vừa rồi quản gia nhà họ Thi là Thi Quý vừa uống trà trong quán. Tôi với Thi Quý xưa nay chơi với nhau không nhiều, thế mà hắn lại nói hắn thích tôi, muốn kết làm bạn bè, bảo tôi thiếu thốn gì, hắn sẽ giúp đỡ lại còn hứa sẽ giúp cho cả nhà tôi.
Lưu Dung bảo:
- Ta nghĩ ngươi nên cùng hắn đừng để đứt mối, cứ ầm ừ mà nhận.
Hà Liên nói:
- Tôi hiểu. Quả là tôi không từ chối, mà chỉ nói để xem xem thế nào đã!
Lưu Dung cười bảo.
- Bọn chúng tìm ngươi, là để dò xem trong phủ này động tĩnh ra sao đấy! Sao lại không tương kế tựu kế, đành bữa này không thể vội với vụ án này được, sợ chúng lại ngờ ngươi.
Hà Liên nói:
- Tiểu nhân đã rõ, xin đại nhân nhanh chóng xử vụ án này!
Lưu Dung, do vậy, sắp đặt như sau: bắt lấy người đàn bà, khai quật tử thi. Nếu chứng cớ xác thực thì lập tức truy cứu hình sự bắt thủ phạm.
Rất nhanh, nha thuộc đã bắt Địa Bảo và người đàn bà về. Hai người liền biết là không giấu được nữa liền đem việc bàn bạc đêm đó khai ra hết, tiết lộ Thi Mẫn, Dương Thắng, mưu giết người, mà thủ phạm chính là Thi Mẫn, cùng những tên người nhà của hai họ Dương, họ Thi đã hành sự. Sau khi lấy cung, những người khai quật tử thi cũng về, lấy tờ biên bản trình lên, Lưu Dung đọc qua thấy quả như lời khai, liền quyết định, bắt giặc thì phải bắt đầu sỏ, liền cho bắt Thi Mẫn, kết vào tội trói người hành hung, bức người con gái thường dân phải chết. Dương Thăng thì chẳng trốn đi đâu nổi. Ý đã quyết, Lưu Dung cho người đi bắt Thi Mẫn và bọn hành hung.
Nhưng, lúc các ban, bệ của phủ vây nhà Thi Mẫn vào ban đêm, bắt thủ phạm, trời kia đất nọ, tất cả như tên đều sa lưới, duy chỉ thiếu có Thi Mẫn. Số là, tên cáo già này biết tình hình không ổn, ngay trưa hôm đó, đã lén khỏi nhà, trốn đi, giờ này ở đâu không rõ.
Vì kẻ chủ mưu còn lẩn trốn ở bên ngoài, tìm không ra, Lưu Dung hạ lệnh tìm khắp sân, nhà của hắn. Lục lọi khắp, tuy không tìm ra dấu vết của Thi Mẫn, nhưng lại tìm được nhiều thứ ngoài ý định. Trong phòng kín của Thi Mẫn, lôi ra từ trong một chiếc hòm, mở xem, đều là giấy tờ nhà họ Thi nhiều năm, ỷ thế chiếm đoạt của cải, gồm rất nhiều văn tự bán đất. Trong hòm cũng cất giấu một số thư từ, mở ra toàn là thư của Chu Y Viên, Trương Hoành Thiên dặn dò bọn Thi Mẫn, Dương Thăng, mượn cớ nhũng nơi phải lo nộp cống phẩm hàng năm nên đòi hỏi thêm nhiều thứ nữa, lại có cả thư từ gửi đám vua phiên (những lãnh chúa các dân tộc ít người, thường bị coi là đám mọi rợ) được giữ lại. Theo luật lệ nhà Đại Thanh, liên kết với ngoại phiên, đều bị hỏi tội.
Lưu Dung đã rõ, bọn này đã liên kết với các vua phiên như thế nào. Chọn đồ cống lên triều đình đều qua tay Hòa Thân, nếu Hòa Thân không bảo, thì chẳng kẻ nào dám làm. Do đó bảo phải giữ ngay nhũng giấy tờ đó thật cẩn thận làm vật chứng, cùng bọn gây án, đem về phủ.
Lưu Dung, ngay sau đó, lập tức thăng đường xét xử với án giết người này, không phải hỏi lâu, đám gia nô nhà họ Thi đều khai việc Thi Mẫn, Dương Thăng bàn chuyện giết người, người đàn bà cũng khai nhận tội mưu gian hại chồng. Án đã coi như xong về đại thế, nhưng thủ phạm vẫn còn trốn ở ngoài, cho nên chưa quyết được, bọn can phạm kia đều bị tạm giam. Sau khi công việc tra xét xong, Văn Thừa hỏi:
- Bẩm quan, Thi Mẫn trốn mất, sao không đi bắt Dương Thăng.
Lưu Dung cười bảo:
- Văn Thừa, ngươi làm việc với ta nhiều năm, không biết là "muốn bắt được là lại phải lỏng lẻo ư!"
Văn Thừa nói:
- Tiểu nhân đã rõ.
Lưu Dung nói:
- Thằng Thi Mẫn này là thủ phạm chính còn đang trốn tránh ở đâu, nếu như nhân đấy mà bắt Dương Thăng, thì Dường Thăng sẽ trút hết tội lên đầu Thi Mẫn. Việc này sẽ không hay. Trước hãy đừng bắt, ắt hẳn hắn sẽ lại cùng Thi Mẫn thông đồng. Đến lúc ấy mới bắt, ắt là hắn không trốn nổi.
Văn Thừa cười nói:
- Quan lớn thật sáng suốt.
Lại nói, Trương Thiên Hoành thấy Lưu Dung đã bắt tay vào vụ án làm khuấy động cả Hồ Châu, biết là tình hình chẳng hay ho gì, liền vội về kinh bẩm lại với Hòa Thân.
Lưu Dung sau khi lấy được nhũng vật chứng quan trọng ở nhà họ Thi, liền thân viết thư gửi cho Ngô ngự sử, thay mình tâu lên Đức vua, nói là người nhà Hòa Thân, tư thông với ngoại phiên, lấy ra rất nhiều cống phẩm của triều đình. Một kẻ gia nhân đâu dám lộng hành, chắc là có người ở phía sau sai khiến mọi việc sắp đặt đâu vào đấy, Lưu Dung lại bảo Hà Liên chú ý theo dõi bắt Thi Mẫn về xử án.
Hà Liên nói:
- Tất cả phố to, ngõ nhỏ nên trương bảng truy tìm 1 hung thủ, để Thi Mẫn nghe mà sợ, thứ nhất là dân chúng đều biết hung thủ đã trốn thoát, thứ hai khiến họ Thi, to Dương hoảng hốt mà lộ dấu vết, chẳng biết ý quan lớn thế nào.
Lưu Dung cười to mà bảo:
- Đúng là phải như thế.
Do thế, Lưu Dung sắc cho các huyện, yết bảng tìm hung thủ. Thế là khắp Hồ Châu, ai cũng biết số mệnh Thi Mẫn đến ngày tàn, đều lấy làm vui thích.
Vậy thì Thi Mẫn đang trốn ở đâu. Lưu Dung nghĩ: Thằng cha Thi Mẫn này rất giảo quyệt: thứ nhất, không thể trốn ở nhà họ Dương được, vì Thi Mẫn biết rõ, ví như người nhà Dương Thăng bị bắt, thì Dương Thăng cũng liên can, thế thì hai bên chẳng có thể giúp nhau nổi, thứ hai, cũng không thể trốn ở đất Hồ Châu, vì ở đây ai cũng ghét Thi Mẫn đến xương tủy, việc yết bảng tìm hung thủ trước sau cũng sẽ đến tai họ. Nhân Lưu Dung kiểm kê, phát hiện thấy ở nhà Thi Mẫn thiếu một con ngựa nòi. Hỏi người nhà bảo là mấy hôm trước đã bán cho người ở ngoài làng rồi.
Lưu Dung đoán là Thi Mẫn đã trốn khỏi làng. Nhưng không biết phải đến đâu truy tìm, mãi không nghĩ ra, ruột nóng như lửa đốt, đúng là "đêm dài nhiều mộng”, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện bắt Thi Mẫn.
Hôm ấy Văn Thừa vội vội vàng vàng chạy vào trong phòng, Lưu Dung nhìn thấy chắc là anh ta có được tin từ gì mới, liền hỏi:
- Có tin về truy tìm tội phạm hả?
Văn Thừa nói:
- Đúng như điều quan lớn đã trù tính, Thi Mẫn đã đến Đại Thương Châu!
Số là anh cùng với Tưởng Kỳ theo lời Lưu Dung dặn dò, quanh quẩn ở cửa hàng ông Trịnh dò xét. Sáng sớm hai người dã tới, chẳng bao lâu, quản gia của Thi Mẫn là Thi Quý tới, liền tìm ông Trịnh em, bảo ông chuyển lời ông anh họ Trịnh, rằng chớ có tin vị quan mới đang làm sôi sùng sục, chẳng qua là cho ra vẻ đắc lực thôi, chẳng bao lâu ông Thi Mẫn sẽ quay về, nếu như anh em họ Trịnh mà nhiễu sự thì chờ đấy sẽ biết. Hai người cho có gây sự, nên biết rằng, nhà họ Dương vẫn còn ở đây. Vả lại ở trên kinh thành, quan lớn họ Hòa cũng đã biết sẽ có cách đối phó... Có việc gì gay đến đâu cũng đừng có can dự vào. Nói rồi quay ra khỏi cửa mà đi.
Thi Quý vừa ra khỏi cửa, thì có một người lừng lững đến trước mặt, hai bên cùng dừng lại, nhìn chằm chằm vào nhau một lúc, người kia bèn nói:
- Quản gia họ Thi dạo này có khỏe không?
Nghe thế, Thi Quý liền nói:
- Ông Vương từ đâu tới thế? Tôi vẫn bình thường, đàn em chưa biết để đón tiếp, xin tha tội, tha tội! Xin mời đến nhà chơi.
Người vừa được gọi là ông Vương nói:
- Khỏi phiền, hai chúng ta đến hàng Lục Cát Hiên đi! Anh Thi đã đến đó chưa? Đến thử xem, thế nào!
- Khỏi phiền!
Thế là hai người liền đến Lục Cát Hiên. Văn Thừa, Tưởng Kỳ thấy người kia không nói tiếng ở đây, liền chú ý, vội đi theo ngay.
Đến Lục Cát Hiên, Thi Quý và vị khách họ Vương ngồi ở một phòng khách, nhìn vào phòng, nửa ngày vẫn chẳng thấy động tĩnh gì, Văn Thừa Tưởng Kỳ tưởng là mình chẳng còn trông chờ được quái gì nữa thì bỗng thấy một người to lớn dữ dằn, đi thẳng vào phòng. Văn Thừa Tưỡng Kỳ thấy thế, liền hỏi chủ quán: Trong phòng kia có hai người không phải người châu ta, chẳng hay ở đâu vậy?
Vị chủ quán định bảo, nhưng trước là Thi Quý đã cho tiền, thứ hai là lần đầu tiên thấy Văn Thừa, Tưởng Kỳ, một người thì cau có, một người thì vụng thô, như là thuộc lại nhà quan, nên chỉ bảo: "Hai vị ấy vốn là người ở Thái Thương Châu người có tuổi là mưu sĩ, người sau là gia nhân nhà họ Thôi, ông Thôi là một nhà giầu ở Thái Thương Châu, nhận họ Thi, họ Dương làm anh em kết nghĩa.
Văn Thừa biết, liền gọi Tưởng Kỳ dặn ở đấy tiếp tục theo dõi, còn mình thì về phủ báo với Lưu Dung.
Lưu Dung nghe xong, liền nhớ là khi hỏi bọn gia nô của Thi Mẫn, được biết Thi Mẫn có một người rất thân thiết ở Thái Thương Châu. Mấy năm trước có chuyện gì không biết, giờ không thấy đi lại, Thi Mẫn cũng rất ít khi đi Thái Thương Châu. Lúc tra hỏi, Lưu Dung không để ý. Nghe Văn Thừa nói, hối rằng trước bỏ qua, nay thì tốt rồi đây. Hắn ta có người ở Thái Thương Châu thân thiết, chắc phải là người khá giả, lại thấy gã kia cũng giầu, gần đây không thấy đi lại, chắc là phải đến bàn việc gì cần, thế thì rất có khả năng hắn ẩn náu ở đấy.
Lưu Dung đang nghĩ ngợi thì thấy Tưởng Kỳ hớt hải chạy vào nói:
- Dối người ta đến thế là cùng! Quan lớn, xin lấy ngựa ngay cho!
Lưu Dung hỏi:
- Có gì mà người giận dữ thế?
Số là, khi Văn Thừa về phủ, Tưởng Kỳ ở quán hàng theo dõi thêm, không lâu, ba người nhất tề đi ra, nhắm hướng miếu sau nhà họ Thi mà tới. Ba người chưa vào tới sân, chỉ thấy người nhà đã đem tới ba con ngựa hay. Ba người nhảy lên bảo: "Gặp nhau ở Thái Thương Châu”, liền chia nhau phóng đi. Tưởng Kỳ vẫn lẽo đẽo ở đằng sau, không biết theo đứa nào cho tốt, lại nghĩ Văn Thừa giao cho mình sống chết phải theo dõi cái vị là ông Vương kia, do đó mà anh ta đuổi theo, nhưng theo mướt mồ hôi mà chẳng thấy dấu tích cái ông họ Vương kia đâu, Tưởng Kỳ bực lắm bụng nghĩ: Chúng bay khinh ông không có ngựa hả, ta phải về bảo quan lớn nhà ta cho ngựa, đuổi theo chúng mày ngay lập túc, do đó mà hò hét chạy vào.
Lưu Dung, Văn Thừa nghe thấy cười ầm lên.
Ba người kia đi đâu? Họ Vương sau khi biết được một số tình hình liền đi thẳng đến dinh tuần phủ trên tỉnh, vị cao to kia biết rõ chuyện liền về luôn Thái Thương Châu để thuật lại, còn Thi Quý thì đến nhà Dương Thăng báo tin. Ba đứa đi ba nẻo, Tưởng Kỳ có đứt hơi cũng không theo kịp. Nguyên là Thi Mẫn đúng là đang ẩn náu ở nhà Thôi Nhân Minh, người này được mệnh danh là “Thôi nhân mệnh" (1), cũng là một ác bá ở Thái Thương Châu, tuy không phải có dây nhợ với Hòa Thân từ xưa, nhưng từ khi chơi bời với họ Thi, họ Dương liền kết làm anh em. Hôm đi thấy Thi Mẫn một người một ngựa sang, biết là có chuyện to tát, khi hỏi ra, rất kinh hãi. Nhung nghĩ Thi Mẫn vốn là anh em với ta, nay hắn gặp khó khăn, chẳng lẽ lại khoanh tay không giúp. Huống chi ở kinh đô, lo gì quan lớn họ Hòa, đâu chịu ngồi yên. Do đó, bình tĩnh lại, bảo Thi Mẫn:
- Anh Thi bất tất phải lo, trước hết hãy nương náu ở đây vài ngày, sau đó cho người về nhà dò xét, một mặt cử người lên tỉnh đánh động. Quan lớn họ Hòa ở kinh đô xa, không phải ngày một ngày hai biết được tin, chỉ có cách báo lên quan tuần phủ làm sao báo tin về kinh đô được, mới có thể bình yên vô sự.
Thi Mẫn đang hoang mang, nghe Thôi Nhân Minh nói thế liền dần bình tâm lại. Vài hôm sau lại nghe ở Hồ Châu trương bảng truy tìm hung thủ, không dám ho he gì, đến giờ đã ra vẻ không còn sợ nữa, liền xin Thôi Nhân Minh cho người về Hồ Châu dò xét, phái người lên tỉnh đánh động. Gã nói:
- Tiền bạc không cần tính, sau này, xin báo đền hậu hĩnh.
Vì thế mới có chuyện họ Vương đến Hồ Châu. Lại nói Lưu Dung, Văn Thừa nghe Tưởng Kỳ nói, lại càng tin ở nhà họ Thi ở Thái Thương Châu. Lưu liền viết ngay cho Kim tri phủ ở Thái Thương Châu một bức thư xin hiệp đồng cùng vụ án này, để bắt thủ phạm, nếu bắt được xin giao cho Văn Thừa, Tưởng Kỳ giải về.
Do đó Văn Thừa, Tưởng Kỳ mỗi người một ngựa, phóng như bay đến Thái Thương Châu, dò thêm tin túc. Lưu Dung dặn đi đường phải hết sức cẩn thận, đến đó, thân đưa thư của Lưu Dung cho Kim tri phủ.
Chú thích:
(1) Tức là "đẩy người vào chỗ chết”.