Thế nhưng, Tần Thủy Hoàng tuyệt đối không làm sao nghĩ được rằng, ông ta đối với thần linh đã tỏ ra sùng kính chân thành như thế, cũng như đối với công đức của mình đã từng tuyên dương, nhưng tất cả đều không thể giúp cho ông ta đi hết tuyến đường dự định. Lần đi thị sát này chính là một hành trình đi vào cõi chết của ông ta.
Vào tháng 11 năm đó, Tần Thủy Hoàng trên đường đi có đi ngang qua Ngô huyện. Sau đó nhà vua đã vượt sông tại bến Giang Thừa, rồi men theo bờ biển đi về phía bắc tới Lang Nha. Lang Nha là quận lỵ của quận Lang Nha. Bên trong quận này có núi Lang Nha nằm sát bờ biển, cảnh sắc rất xinh đẹp. Chín năm trước trong lần thị sát thứ hai, Tần Thủy Hoàng từng đi ngang qua đây và ở lại đến ba tháng. Nhà vua ra lệnh xây một "Quan Hải Đài" trên núi Lang Nha, đồng thời, cho khắc bia đá để kỷ niệm. Nay trở lại vùng đất cũ, Tần Thủy Hoàng không khỏi nhớ lại câu chuyện trước kia: Lần đi thị sát đó ông có gặp một phương sĩ tên là Từ Phước, dâng thư lên cho biết, ngoài biển cả có ba hòn đảo thần tiên tên là Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu. Trên ba hòn đảo này có tiên ở và có thuốc trường sanh bất tử. Tần Thủy Hoàng nghe thế hết sức mừng rỡ, bèn phái Từ Phước dẫn mấy nghìn đồng nam đồng nữ đi ra biển để tìm thuốc tiên. Tương truyền do sóng to gió lớn nên không thể lên được ba hòn đảo tiên, mà chỉ nhìn thấy từ xa mà thôi. Nhớ lại chuyện cũ, Tần Thủy Hoàng nghĩ rằng câu chuyện trên đã trôi qua mấy năm, vậy không rõ Từ Phước có thể tìm được thuốc tiên hay không. Vừa lúc đó, Từ Phước xuất hiện và tâu báo với nhà vua rằng, thuốc tiên trên hòn đảo Bồng Lai vốn có thể lấy được, nhưng vì họ gặp một con cá mập quá to tấn công đoàn thuyền, nên họ không thể đổ bộ lên đảo kia được. Có một bác sĩ giải thích, con má mập to đó chính là hiện tượng các Hung Thần và đại vương ở dưới biển muốn chống lại nhà vua, vậy giết chết con cá mập đó, thì Thiện Thần sẽ xuất hiện. Tần Thủy Hoàng liền ra lệnh chuẩn bị dụng cụ bắt cá, để sẵn sàng mở một trận đại chiến, với Hung Thần. Đoàn thuyên của Tần Thủy Hoàng sau khi tới Chi Phù, quả nhiên bắt gặp một con cá mập to đang bơi trên biển, nhà vua vội vàng ra lệnh cho xạ thủ bắn chết con cá mập. Thé là Tần Thủy Hoàng cảm thấy rất vui mừng: Hung Thần đã trừ xong, vậy Thiện Thần tất nhiên sẽ tới, thuốc tiên trên đảo Bồng Lai cũng tất nhiên sẽ lấy được, như vậy là niềm mong muốn được trường sinh bất lão để làm chủ vĩnh viễn thiên hạ sẽ trở thành sự thật!
Tần Thủy Hoàng cảm thấy hết sức vui mừng và ra lệnh cho đoàn thị sát tiếp tục đi tới. Vào tháng 6 họ tới được Bình Nguyên Tân. Lúc bấy giờ Tần Thủy Hoàng cảm thấy khắp cả thân người đều ê ẩm. Vào tháng 7 khi tới Sa Khâu thì bệnh tình của Tần Thủy Hoàng càng nặng, nhà vua bắt đầu nằm liệt giường. Món thần dược cũng như Thiện Thần mà nhà vua luôn luôn chờ mong không thấy tới, nhưng Tử Thần thì lại vô tinh xuất hiện, trước mặt nhà vua. Bình thời Tần Thủy Hoàng rất kỵ nói tới chữ Chết, các đại thần không bao giờ dám bàn bạc về cái chết trước mặt nhà vua. Nhưng hôm nay bệnh tình ngày càng nặng, khiến Tần Thủy Hoàng không thể không nghĩ tới chữ Chết đáng sợ đó. Nhà vua bắt đầu an bài hậu sự. Ông gởi một phong thư có đóng ấn nhà vua cho người con trai trưởng là thái tử Phù Tô đang trông nom việc sửa chữa Trường Thành, gọi thái tử này nhanh chóng trở về Hàm Dương để chủ trì tang lễ và lên nối ngôi vua. Sau khi viết bức thư và đóng ấn xong thì Tần Thủy Hoàng cảm thấy sức khoẻ dần dần kiệt quệ, lâm vào cảnh nửa tỉnh nửa mê. Trong khi chập chờn, ông thấy một tấm đá to xuất hiện trước mặt mình, bên trên có khắc bảy chữ lớn "Tần Thủy Hoàng chết, lãnh thổ bị phân chia". Tiếp đó, nhà vua lại nghe tiếng nói văng vẳng: "Năm nay Tổ Long chết!" Tấm đá mà nhà vua thấy không phải tấm đá trong năm qua mọi người đồn đại là từ trên trời rơi xuống Đông quận đó sao? Tại sao bây giờ ta lại trông thấy nó? Chả lẽ đúng như lời bói toán đã nói là ta đang bị vì sao tai họa chiếu mệnh và năm nay ta chết đó sao? Khi Tần Thủy Hoàng suy nghĩ đến những điều đó, trong lòng không khỏi phát run. Cũng ngay lúc đó, trước mặt nhà vua lại xuất hiện một đám đông vong hồn. Đó là vong hồn của những phu dịch sửa chữa Trường Thành, làm thi đạo, xây cất A Phòng Cung, làm lăng mộ ở Ly Sơn vì quá mệt mỏi nên đã kiệt sức mà chết; ngoài ra, còn nhwuxng vong hồn mà trước đây bị chết oan ức qua sự thi hành những luật pháp khắt khe của nhà vua. Trước mặt nhà vua đang hiện lên không biết bao nhiêu là vong hồn. Tần Thủy Hoàng sợ hãi, thét lên một tiếng to rồi đứt hơi mà chết. Nhà chính trị từng đem toàn bộ sức lực của mình ra để hoàn thành việc thống nhất, xây dựng chế độ phong kiến trung ương tập quyền; vị bạo chúa một thời từng tỏ ra là người có hùng tài đại lược, nhưng lại tự làm theo ý mình, không chịu nghe theo bất cứ một lời can ngăn của ai và cuối cùng không được sự giúp đỡ của thuốc tiên trường sinh bất tử, cũng không thể tránh khỏi phải đi đến tận cùng của con đường sinh mệnh, để cho người đời sau bình phẩm, đánh giá khen chê đủ điều.
Vì lo sợ xảy ra biến loạn, thừa tướng Lý Tư và Trung xa phủ lệnh Triệu Cao, cũng như công tử Hồ Hợi quyết định giữ kín tin Tần Thủy Hoàng đã chết, rồi đưa xác nhà vua nằm vào một cỗ xe thông gió mát mẻ, phái những hoạn quan thân tín ngồi đánh xe, mỗi ngày tới một địa phương nào, vẫn theo thường lệ dâng cơm dâng nước cho nhà vua, các đại thần tùy tùng cũng đến tận cỗ xe tâu việc. Tất cả mọi người trong đoàn tùy tùng đều tưởng Tần Thủy Hoàng vẫn còn sống, vẫn còn ngồi trong cỗ xe của nhà vua. Họ cũng không ngờ rằng trong khi "cỗ xe của thần chết" đang tiếp tục đi tới, thì âm mưu làm chính biến trong cung đình cũng đang được tiến hành một cách khẩn cấp.
Hoạn quan Triệu Cao với tâm địa quỷ quyệt, mà tham vọng đang làm mờ ám lương tâm, đã khống chế công tử Hồ Hợi là người mà ông ta từng thương yêu, cũng như uy hiếp và dụ dỗ thừa tướng Lý Tư để những người này chịu mở phong thư gởi cho Phù Tô ra, rồi nguỵ tạo một di chiếu khác để đưa Hồ Hợi lên làm Nhị Thế Hoàng Đế. Đồng thời, cũng viết lại một tờ di chiếu giả kể tội người con cả Phù Tô và Mông Điềm, đang ở trong quân đọi xa tận miền bắc và ban chết cho họ. Phù Tô là một đứa con hiếu thảo gần như khờ dại, sau khi đọc tờ chiếu chỉ giả, ông ta nói với Mông Điềm, cha tôi đã ban chết cho con vậy cần chi phải tìm hiểu tờ chiếu chỉ này là thật hay giả nữa? Cho nên Phù Tô sau khi đọc xong tờ chiếu, liền tự sát ngay. Nhưng, Mông Điềm không bằng lòng chịu chết oan ức như vậy, nên đã bị giam vào ngục Dương Châu. Sau khi đã biết tin tức như trên, bọn người của Triệu Cao mới ra lệnh cho đoàn xe đi nhanh về Hàm Dương. Do khí hậu nóng bức nên thi thể của Tần Thủy Hoàng đã bắt đầu thối. Cho dù số người của Triệu Cao đã mua một số lượng cá lớn gánh theo, để che giấu hơi thối từ xác chết của Tần Thủy Hoàng bay ra.
Sau khi "Thánh Giá" của Tần Thủy Hoàng về tới Hàm Dương, số người của Triệu Cao liền công bố tin tức nhà vua đã băng hà, và phát tang chuẩn bị đưa đi chôn cất. Kế đó, Hồ Hợi liền lên ngôi vua, còn Triệu Cao thì được thăng lên chức Lang Trung Lệnh. Thế là "Cuộc Chính Biến Sa Khâu" nổi tiếng đã thành công hoàn toàn. Đáng buồn cho Tần Thủy Hoàng, người đã từng nghĩ rằng "tự nghìn xưa không ai bằng mình", quyền lực và sự uy nghiêm của mình không ai dám xúc phạm, cũng như luật pháp kỷ cương do ông ta tạo ra sẽ vĩnh viễn không bao giờ bị thay đổi, thì ngay khi ông ta vừa mới nhắm mắt, đứa con yêu quý cũng như người sủng thần của ông ta đã xem ông ta không ra gì nữa. Di chiếu của ông ta bị sửa chữa. Ý muốn của ông ta bị họ chà đạp, những lời nói vàng ngọc của ông ta không còn ai thèm để ý tới nữa. Cũng giống như ông ta luôn hy vọng được trường sinh bất tử, nhưng cuối cùng cũng vẫn không thể nào thoát được cái chết, niềm hy vọng uy quyền của mình sẽ vĩnh viễn tồn tại, truyền lại vô cùng vô tận cho con cháu đời sau, nay đã trở thành ảo tưởng. Đây quả thật là một sự mỉa mai, chua xót khôn cùng!
Hồ Hợi, người thống trị tối cao lên nối ngôi vua của đế quốc đại Tần lại là một chàng công tử u mê và tàn bạo. Ông ta không có tài trị nước, không có chí xây dựng một quốc gia cường thịnh, đem tất cả chuyện quốc sự giao cho một mình Triệu Cao xử lý, còn ông ta thì suốt ngày chỉ biết hưởng lạc. Ông ta nói với Triệu Cao: "Con người sống ở đời cũng ngắn ngủi như bóng câu qua cửa, chỉ trong chớp mắt là đã trăm năm, nay ta lên làm vua, có quyền muốn làm chi thì làm, vậy ta sẽ nghĩ hết cách để tìm thú vui cho tới ngày mãn tuổi thọ, ông thấy thế nào?" Triệu Cao liền nói những lời nịnh bợ: "Chỉ có những nhà vua là bậc thánh hiền thì mới làm như vậy, ý nghĩ của bệ hạ như thế là rất đúng!" Triệu Cao lại hiến kế: "Để đảm bảo cho bệ hạ được sống vui vẻ suốt đời, cần phải diệt trừ những tai họa đang tồn tại ngấm ngầm ở chung quanh. Âm mưu tại Sa Khâu mặc dù rất bí mật, nhưng các công tử và các đại thần nay đã bắt đầu sinh nghi, đặc biệt alf những người anh em của bệ hạ. Họ tỏ ra không phục bệ hạ, nếu cứ để tình hình này kéo dài e rằng sẽ xảy ra những biến cố bất lợi. Cho nên hạ thần giờ phút nào cũng lo lắng cho bệ hạ!" Hồ Hợi hỏi Triệu Cao phải làm sao. Triệu Cao lại bày mưu khác: "Phải sửa đổi luật pháp cho thật nghiêm khắc, rồi dựa vào đó giết sạch các đại thần và các tôn thất, chọn lựa những người thân tín để thay thế họ. Làm được như vậy thì bệ hạ sẽ ăn no ngủ yên, tha hồ đi tìm thú vui và an nhàn hưởng lạc."
Tần Nhị Thế Hồ Hợi là người rất đa nghi, nghe qua lời của Triệu Cao, ông ta hoàn toàn tin tưởng. Thế là ông ta bắt đầu sửa đổi luật pháp vốn đã khắc khe của Tần Thuỷ Hoàng cho càng khắc khe hơn, đồng thời, dùng chiếc áo luật pháp đó để tiến hành cuộc chém giết đẫm máu. Mông Điềm, Mông Nghị, và những nguyên lão triều thần đều bị xử tử, mười hai vị vương công bị giết chết rồi vứt xác ra đường, mười vị công chúa thì bị dùng xe xé xác. Người anh của Hồ Hợi là công tử Cao muốn bỏ trốn, nhưng lại sợ gia tộc mình gặp tai họa, nên buộc phải xin được tuẫn táng với Tần Thủy Hoàng. Riêng những người bị dính líu với những vụ án trên, bị bắt bớ thì vô số kể. Thừa tướng Lý Tư cũng không thể thoát nạn. Ông và gia tộc của mình đều bị giết hết. Hồ Hợi còn khôi phục chế độ tuẫn táng vốn đã bị hủy bỏ, ra lệnh cưỡng bách rất nhiều cung nhân phải tuẫn táng theo Tần Thủy Hoàng. Đồng thời, nhằm đề phòng những cơ mật trong việc xây mộ Tần Thủy Hoàng tại Ly Sơn, Hồ Hợi ra lệnh đem tất cả những người xây mộ chôn sống xuống lòng mộ của Tần Thủy Hoàng. Thế là cả thành Hàm Dương bị phủ lên một bầu không khí rùng rợn.
Tần Thuỷ Hoàng lúc sinh thời, do cung điện không đủ chứa cung nữ và cất giữ châu báu nên đã xây dựng cung điện mới tại vùng Phong Cảo. Trước tiên xây dựng phần tiền điện của cung A Phòng. Cung A Phòng quy mô rất lớn, chiều đông tây rộng năm trăm bộ (tương đương với 166,65m - ND), chiều nam bắc rộng năm chục trượng (tương đương với 166,665m - ND), phần trên có thể ngồi được cả vạn người, phần dưới có thể xây ngũ trượng kỳ. Để xây dựng cung điện này, triều đình nhà Tần đã huy động đến mấy vạn tù nhân, sử dụng vật tư và thợ thuyền ở khắp địa phương trong nước nhiều vô số kể, tốn hao nhân lực vật lực không sao tính xuể. Tần Thủy Hoàng vốn có ý định dời đến ở tại ngôi cung điện này để khoe khoang công đức, thuyết phục các chư hầu như việc nhà vua đã đi thị sát khắp trong thiên hạ. Nhưng, cung điện chưa xây xong thì Tần Thủy Hoàng đã chết, để lại toàn bộ thành quách cho đứa con bất tài. Hồ Hợi đi khắp cung A Phòng với một tâm trạng vui thích, đồng thời, ông ta lại tiếp tục khởi công xây dựng toàn bộ cung A Phòng. Những công trình mà vua cha chưa hòa thành, ông ta đã tiếp tục hoàn thiện và xây dựng những con đường giao thông kiểu mới như trực đạo, thi đạo, giống như kế hoạch của vua cha. Chế độ của nhà Tần có quy định: các gia đình giàu có thì xây dựng nhà cửa ở phía tay phải của cổng làng, còn các gia đình nghèo thì xây dựng nhà cửa ở phía tay trái. Phàm khi huy động người đi làm xâu, thì trước tiên bắt những quan lại phạm tội, những người ở rể, những người làm nghề buôn bán, rồi sau hết mới huy động những gia đình nghèo khó sống ở phía tay trái của cổng làng. Hồ Hợi quy định rõ những công trình lớn nói trên phải do dần nghèo sống ở "tay trái cổng làng" ra sức xây dựng tiếp. Để chứng tỏ uy nghi của một vị "Chúa Vạn Thặng", Hồ Hợi ra lệnh mở rộng chuồng ngựa, khiến cho lương thực vả cỏ nuôi ngự ở Hàm Dương bắt đầu thiếu hụt. Thế là ông ta ra lệnh cho các địa phương chuyển vận lương thực và cỏ nuôi ngựa đến cung cấp cho đô thành, ngoài ra, còn ra lệnh cấm bá tánh có nhiệm vụ vận chuyển lương thực và cỏ không được mang theo lương khô, và lúa gạo trong phạm vi ba trăm dặm xung quanh Hàm Dương không được tự ý sử dụng. Trong khi đó thì sưu thuế ngày càng nặng nề, khiến bá tánh đói kém phải bỏ nhà ra đi lang thang không biết bao nhiêu mà kể. Những điều xấu xa nhất của Tần Thủy Hoàng, một nhà vua nghìn năm chưa từng thấy, đã được người kế thừa của ông ta tiép nhận toàn bộ và phát huy lên, còn những điều hay, điều tốt của Tần Thủy Hoàng thì đứa con yêu quí của ông ta lại không hề kế thừa được. Chính vì vậy, vương triều nhà Tần chỉ trong vòng hơn mười năm đã xuất hiện một nguy cơ nghiêm trọng là lòng dân ngày càng thán oán. Một đại đế quốc phong kiến được Tần Thủy Hoàng khổ tâm xây dựng lại do chính ông ta và người kế nghiệp của ông đẩy về hướng sụp đổ.
Vào tháng 7 năm Tần Nhị Thế nguyên niên (tức năm 209 Tr.CN), một toán dân nghèo sống ở "phía trái cổng làng" gồm chín trăm người bị trưng dụng đi đồn thú tại Ngư Dương, một địa điểm xa tít ngoài biên cương. Chính đội ngũ này là người đào mồ chôn vương triều nhà Tần trước tiên. Họ đã dùng những loại vũ khí thô sơ để phát động một cuộc chiến tranh nông dân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Đây là một cuộc bạo động mang đậm nét truyền kỳ. Người lãnh đạo đội ngũ này là hai đồn trưởng Trần Thắng và Ngô Quảng. Trần Thắng tự Thiệp, người Dương Thành, có thân hình cao lớn, khôi ngôi, là người ngoại hình oai phong hiếm thấy trong tầng lớp dân nghèo. Thời nhỏ Trần Thắng từng đi làm ruộng thuê cho người ta. Ông đã có lời hẹn với những người bạn cùng làm thuê là mai sau nếu trở thành người phú quý, thì sẽ không quên tình bạn ngày hôm nay. Các bạn cùng làm thuê với ông đều cười, bảo ông là điên, vì những người dân nghèo sống ở "phía trái của cổng làng" đã nghèo từ trong bụng mẹ nghèo ra, vậy làm thế nào trở thành phú quý được? Trần Thắng thở dài, nói: "Chim yến, chim sẻ thì làm sao hiểu được chí lớn của chim hồng, chim hộc!"
Đúng vậy, người nông dân nghèo này đang ôm ấp chí lớn của loài chim hồng, chim hộc, không cam tâm làm thuê mãi trên mảnh đất của người ta. Ông tin số mệnh không bao giờ chỉ biết nghiêng về phía những người giàu có.
Cuối cùng, một trận mưa to đã tạo cơ hội cho ông. Trận mưa hết sức lớn, cả bầu trời xám xịt như hạ thấp xuống đến các ngọn caya, tiếng sấm sét vang lên bốn phía, khắp bầu trời đâu đâu cũng thấy mưa gió thét gào. Đây chừng như không phải là một cơn mưa, mà là những con thác từ trong mây đen trên bầu trời đã liên tục trút nước xuống, giống như con sông trên trời đã bị vỡ đê. Tất cả những vùng đất thấp đều chứa đầy nước mưa đục ngầu, rồi tiếp tục chảy lan ra bốn phía, trở thành một trận lụt dữ tợn chưa từng thấy.
Chín trăm lính thú bị cơn mưa to cầm chân tại thôn Đại Trạch, không có cách nào tiếp tục cuộc hành trình. Họ phải ẩn nấp trên một đồi nhỏ, trong khi chung quanh nước lụt bao vây. Mưa lạnh làm cho tất cả đều phát run, nhưng những quy định khắt khe lại làm cho tâm trạng của họ nóng ran như bị thiêu đốt: nếu tới nơi trễ hạn thì bị chém. Trần Thắng, Ngô Quảng cùng bàn bạc nho nhỏ với nhau: nay đã trễ hạn rồi, nếu bỏ trốn khi bị bắt cũng chết, mà đứng lên khởi nghĩa bị thất bại thì cũng chết, như vậy tại sao lại không đứng lên khởi nghĩa để chết vì đất nước của mình?
Trần Thắng càng mạnh dạn tiến lên một bước, bàn bạc kế hoạch: trong thiên hạ từ lâu đã chịu nổi khổ dưới chính quyền tàn bạo của vua Tần, lòng oán hận đã sâu sắc, Tần Nhị Thế hiện nay nguyên là con nhỏ của Tần Thuỷ Hoàng, đúng ra không phải do ông ta nối ngôi, mà người được nối ngôi chính là công tử Phù Tô. Phù Tô do khuyên can Tần Thủy Hoàng nên bị phái đi ra biên khu trấn thủ và đã bị Trần Nhị Thế sát hại. Bá tánh ai ai cũng biết Phù Tô là một bậc anh hùng sáng suốt, nhưng không biết ông ta đã chết. Riêng tướng quân Hạng Yến ở nước Sở, cũng là người có công trạng tuyệt vời, lúc sinh thời bao giờ cũng tỏ ra thương yêu binh sĩ, người nước Sở ai cũng nhớ đến ông. Trong dân gian có người bảo ông đã chết, nhưng cũng có người bảo ông đã trốn đi. Hiện giờ chúng ta nếu lấy danh nghĩa Phù Tô và Hạng Yến để khởi binh, lên tiếng hiệu triệu khắp thiên hạ, thì mọi người chắc chắn sẽ hưởng ứng đông đảo.
Ngô Quảng cho là phải. Ông liền đi xem bói, thầy bói hiểu được ý định của họ, bèn nói: Sự việc này chắc chắn sẽ thành công, chỉ nhờ vào quỷ thần là được. Trần Thắng và Ngô Quảng bừng hiểu ra: thầy bói bảo họ nên dựa vào sức mạnh của quỷ thần để kêu gọi đám đông. Thế là họ cùng nhau bàn bạc kỹ lưỡng từng chi tiết, và bắt đầu trù hoạch việc sử dụng sức mạnh thần bí.
Đêm đến, mưa vẫn còn tiếp tục rơi, tiếng mưa rơi đi kèm với tiếng gió rít, nghe như tiếng trống thúc quân, và cũng giống như tiếng kèn tiến binh của người Hồ mà cũng giống như tiếng hò reo sát phạt của thiên binh vạn mã. Giữa những âm thanh hỗn tạp đó, bỗng từ xa truyền lại tiếng tru dài của loài hồ ly, khiến cho bầu không khí lạnh lẽo giữa đêm khuya càng thêm thê lương rùng rợn, ai ai cũng nơm nớp lo sợ, đến nổi da gà. Bọn lính thú nín thở lắng nghe, chừng như giữa tiếng hồ ly kêu đứt quãng lại có những lời nói văng vẳng đưa tới: "Đại Sở Hưng... Trần Thắng vương..." Đám lính thú đưa mắt nhìn về phía xa thấy có từng đốm lửa chập chờn, khi ẩn khi hiện giống như đôi mắt của những hồ ly hiện lên giữa bóng tối. Bọn lính thú càng sợ hãi hơn khe khẽ cùng bàn luận với nhau về những hiện tượng mà họ vừa chứng kiến, nhất là tiếng nói văng vẳng "Đại Sở hưng, Trần Thắng vương" của loài hồ ly, khiến họ càng thêm suy nghĩ: chả lẽ vương triều nhà Tần tới đây là chấm dứt, và Trần Thắng sẽ xưng vương trong thiên hạ đó sao?
Qua ngày hôm sau, lại có một sự kiện quái lạ xảy ra: bọn lính thú mua cá về để nấu cơm thì phát hiện trong bụng cá có một mảnh lụa, bên trên viết ba chữ: "Trần Thắng vương", liên hệ tới tiếng nói của loài hồ ly nghe văng vẳng trong đêm qua, họ càng kinh ngạc hơn, lén đưa tay chỉ vào Trần Thắng thầm thì bàn tán và họ càng tỏ ra kính sợ Trần Thắng hơn.
Giữa lúc đám lính thú còn hoang mang chưa hiểu sự thật ra sao, thì bỗng có người la to: "Đồn trưởng Ngô Quảng bị đánh!" Bình nhật Ngô Quảng luôn tỏ ra thương yêu người chung quanh, có mối quan hệ thật tốt với tất cả bọn lính thú, cho nên vừa nghe ông bị đánh thì tất cả đều ùn ùn chạy tới. Quả nhiên, họ thấy Ngô Quảng đang bị một Doanh úy của triều đình phái tới để hướng dẫn họ quật ngã xuống đất, rồi vừa mắng chửi vừa tung quả đấm đấm liên hồi vào Ngô Quảng. Mùi rượu từ viên Doanh úy này xông ra nồng nặc. Tất cả bọn lính thú trông thấy thế đều giận dữ. Trong những ngày qua họ đã chịu đựng sự hành hạ của viên Doanh úy này nhiều rồi, cho nên ai ai cũng rất căm thù hắn. Nay thấy hắn hành hung Ngô Quảng, tất cả đều la to: "Không cho phép đánh người!" Ngay lúc đó Ngô Quảng từ dưới đất vùng đứng lene, rồi thuận tay tuốt lấy thanh kiếm đeo bên sườn của tên Doanh úy, chém chết hắn ngay tại chỗ. Trần Thắng hay tin cũng vội vàng chạy tới, và đã giết chết một tên Doanh úy còn lại. Tiếp đó, họ hiệu triệu tất cả bọn lính thú tới, nói: "Hiện nay chúng ta bị mưa to cản trở, không còn đủ thì giờ để đến Ngư Dương đúng kỳ hạn. Theo luật lệ hiện hành, thì chúng ta đến trễ đều bị chém đầu, cho dù họ không giết chúng ta thì thử hỏi từ xưa tới nay người đi lính thú có đến sáy bảy phần mười không còn ai sống sót trở về. Tráng sĩ không chết thì thôi, nếu chết thì phải lập cho được đại công. Công hầu khanh tướng ở trên đời nào phải trời sinh ra là có được!"
Tất cả thuộc hạ nghe qua đều đồng thanh đáp: "Chúng tôi sẵn sàng nghe theo lệnh sai khiến!" Thế là họ chặt cây làm binh khí, lấy trúc làm cán cờ, để trần cánh tay phải làm dấu hiệu, lấy danh nghĩa của công tử Phù Tô và tướng Sở là Hạng Yến, tự xưng "Đại Sở", mở đầu cuộc khởi nghĩa. Họ xây đàn để tuyên thệ, và dùng thủ cấp của hai tên Doanh úy làm lễ cáo tế trời đất. Sau đó, đội quân quần áo xốc xếch này đã xông đến thôn Đại Trạch với một khí thế như có thể lấp biển, dời núi. Thế là một cuộc nông dân khởi nghĩa trong xã hội phong kiến của Trung Quốc đã mở màn giữa tiếng mưa gió ồn ào.
Cuộc bạo động mang màu sắc thần bí lần này, hoàn toàn là kết quả của một sự chuẩn bị rất chặt chẽ, qua đó có thể thấy được sự khôn ngoan sáng suốt và tài thao lược của hai lãnh tụ nông dân là Trần Thắng và Ngô Quảng. Một cuộc vận động như thế từ trước đến nay chưa từng xảy ra. Bản thân họ cũng chưa biết sẽ thành bại ra sao, chưa đoán được điều lành dữ như thế nào, và càng không biết phải chăng có thể tổ chức được chín trăm lính thú này thành một đội ngũ. Cho nên họ mới nhét mảnh lụa có viết chữ vào bụng cá, vả cho người lợi dụng đêm khuya vào miếu thờ thần trong rừng để giả dạng tiếng kêu của loài hồ ly, và thắp đèn cầy để làm đôi mắt của loài chồn. Đó là giai thoại "Chữ son trong bụng cá", "Tiếng tru của loài chồn" được truyền tụng sau này. Tất cả việc làm đó chứng minh sự thông minh và tài trí của các lãnh tụ nông dân khởi nghĩa, giúp cho uy tín của Trần Thắng, người đầu tiên mở màn cho cuộc khởi nghĩa càng được sáng ngời.
Nghĩa quân của Trần Thắng sau khi đánh chiếm được thôn Đại Trạch, lại tiếp tục đánh chiếm vùng đất nằm về phía đông của Kỳ huyện, tức chiếm được vùng đất Trần huyện cũ của nước Sở. Lúc bấy giờ họ đã có trong tay sáu bảy trăm chiến xa, hơn một nghìn kỵ binh, và mấy vạn bộ binh. Một đội ngũ chống Tần đã được thành lập. Vương triều nhà Tần đang chao đảo như sắp sửa sụp đổ giữa tiếng hò reo vang dậy của họ.
Trận mưa to đã tạo cơ hội cho Trần Thắng, Ngô Quảng, cũng như nước lụt mênh mông tại thôn Đại Trạch đã tạo cơ hội cho những người nối tiếp sau này. Bám sát theo họ có mấy tổ chức nghĩa quân đứng lên, bắt đầu mở những cuộc tấn công có tính chất hủy diệt vào vương triều nhà Tần.