Hôm nay kinh đô cũ của nước Tần vẫn phồn hoa như xưa, nhưng bước tới một vùng đất xa lạ này, Hạng Lương bỗng cảm thấy thật là chua xót. Lịch Dương là nơi khởi điểm đi lên con đường cường thịnh của nước Tần, khi quân Tần cử binh tiến về phía đông để bình định sáu nước, thì chiến xa của họ cũng khởi hành từ đây. Lịch Dương là niềm kiêu hãnh của người nước Tần, nhưng đối với chú cháu của họ Hạng là những người dân vong quốc của nước Sở, là một quý tộc lưu vong, thì sự có mặt của họ ở đây quả là một điều sỉ nhục, một sự mỉa mai.
Hạng Lương có một người bạn đang làm nghề buôn bán tại thành Lịch Dương. Ông này đã dựa vào việc buôn bán cũng như việc chăn nuôi mà phát tài. Người này rất trọng khí tiết, có tình nghĩa, đối với bạn bề và tri kỷ một khi đã nói thì chắc, một khi đã làm thì bao giờ cũng có hiệu quả cụ thể, luôn luôn lấy lòng dạ chân thành để cư xử với bạn bè, có phong cách là một người nghĩa hiệp, chứ không giống như bọn con buôn láu cá gian xảo thường thấy, chính vì vậy mà ông ta đã kết giao với rất nhiều bằng hữu ở khắp mọi nơi. Hai năm trước Hạng Lương quen biết với ông trong dịp ông đến Thọ Xuân, thủ đô của nước Sở. Người này cũng có tinh thần thượng võ, biết ít nhiều về kiếm thuật, cho nên đôi bên khi gặp nhau đàm đạo rất hợp ý; từ đó trở thành bạn chí thân. Giờ đây Hạng Lương là người nước mất nhà tan, nhớ tời tình bạn cũn nên mới tìm đến để nương nhờ. Người bạn này tuy là người Tần, một quốc gia chiến thắng, giờ đây lại càng được danh giá hơn; nhưng đối với chú cháu của họ Hạng, tuy là người dân vong quốc, ông ta vẫn không hề có ý xem khinh, mà trái lại có thái độ chân thành hơn lúc trước. Chú cháu họ Hạng hết sức cảm kích, nên dự định ở lại đây một thời gian rồi sau đó sẽ tìm cách trở về cố hương.
Không mấy chốc thời gian đã trôi qua bốn năm năm. Trong khoảng thời gian này, chú cháu họ Hạng có một đời sống rất vui vẻ. Có khi uống rượu, có khi đọc sách, có khi còn ra con đường đông tây buôn bán sầm uất trong thành Lịch Dương để dạo phố, hoặc đến bờ sông Vị để xem người ta câu cá, hoặc ngắm cảnh ghe thuyền buôn bán vào ra tấp nập. Cứ mỗi lần đến đây thì họ liền nghĩ tới quê hương lắm gạo nhiều cá ở nước Sở của mình, cho nên nỗi niềm nhớ quê hương không khỏi làm cho họ cảm thấy rất bùi ngùi. Thế là Hạng Lương liền cùng cháu nhắc lại đủ thứ chuyện ở quê nhà để vơi bớt nỗi niềm của người đang sống phiêu bạt tại đất khách. Như vậy âu cũng là một điều an ủi.
Hạng Võ nay đã là một thanh niên 17, 18 tuổi. Cậu ta có một thân hình cao to, ngực nở vai rộng, sắc mặt màu nâu trông rất khoẻ mạnh, lại có đôi chân mày lưỡi kiếm và đôi mắt sáng rực, có khí khái của một bậc anh hùng. Tính tình của cậu bộc trực, hào phóng, hai cánh tay rắn chắc hơn hẳn mọi người. Đối với binh pháp cậu cũng từng một thời quan tâm học hỏi, nhưng về sau thì lại tỏ ra lạnh nhạt dần. Cậu là người rất sùng bái lòng can đảm, trong khi sức khoẻ của cậu không ai sánh bằng. Cậu cho rằng vũ lực có thể chinh phục được thiên hạ, vậy một người anh hùng chân chính thì phải vừa có sức khoẻ vừa có lòng can đảm, vừa phải gan dạ, vừa phải có kiến thức. Có một hôm cậu cùng đấu vật với một người bạn trẻ, và nhân đó đã dùng hai cánh tay lực lưỡng của mình nhấc bổnng một chiếc đỉnh đồng to làm cho mọi người chung quanh kinh ngạc đến há mồm trợn mắt. Đất Tần là nơi từ lâu có tinh thần thượng võ. Tần Võ Vương là người rất thích trò chơi đấu vật, bên cạnh ông có những người như Nhâm Bỉ, Ô Hoạch, Mạnh Thuyết, nhờ có sức khoẻ hơn người mà được làm quan to. Sau khi nhà vua lên nối ngôi được bốn năm (tức tháng 8 năm 307 Tr. CN), nhà vua cùng thi đua trò cử đỉnh với lực sĩ Mạnh Thuyền, do dùng sức thái quá nên vỡ mạch máu mà chết. Mấy chục năm, tại vùng đất cũ của nước Tần trước kia, lại xuất hiện một dũng sĩ có thể cử đỉnh qua khỏi đầu, tất nhiên việc đó đã trở thành giai thoại truyền tụng khắp nơi ở Lịch Dương. Nhưng người có thể cử đỉnh như Võ Vương trước kia không phải là người Tần, mà chính là một người nước Sở một nước đã từng bị nước Tần tiêu diệt, một quý tộc lưu vong. Khi anh ta đưa cao chiếc đỉnh khỏi đầu, thì trong khoảnh khắc đó không phải anh ta nghĩ tới Tần Võ Vương bị đứt mạch máu chết, mà đang nghĩ tới người anh hùng của nước Sở, từng hỏi thăm chiếc đỉnh đồng tượng trưng cho quyền lực ở Trung Nguyên, từng xưng bá trước chư hầu, đó là Sở Trang Công. Trong tâm hồn của anh đang tràn ngập một thứ hào khí của người nước Sở, trong đầu óc của anh đang hiện lên hình ảnh một ngày nào đó mình sẽ đưa cao chiếc đỉnh tượng trưng quyền lực của nước Tần rồi ném mạnh xuống đất cho nó vỡ tan!
Về sức mạnh có thể cử đỉnh của Hạng Võ, cũng như lòng dũng cảm phi thường của anh ta đã trở thành một giai thoại lưu truyền tự cổ chí kim. Ngày nay phía trước di tích Ý Mã Đài của Hạng vương tại thành phố Từ Châu mà thời xưa gọi là Bành Thành, vẫn còn để một chiếc đỉnh to. Trên chiếc đỉnh sắt này vẫn còn những dòng chữ nổi ca ngợi sức khoẻ phi thường của Hạng Võ: "Vĩ tai Hạng Võ! Khí quán trường hồng. Bạt sơn cái thế, uy chấn cửu trùng..." (Vĩ đại thay Hạng Võ! Hào khí bốc tận trời, nhổ núi sức trùm đời. Rung chuyển khắp nơi nơi...)
Nhờ sự giúp đỡ của người bạn, nên đời sống của chú cháu họ Hạng tại Lịch Dương có thể gọi là rất ổn định. Nhưng vào mùa thu năm đó, một tai họa đã giáng xuống đầu họ. Đầu đuôi câu chuyện là như thế này: Tần Thủy Hoàng khi đi vi hành tại Hàm Dương, đã gặp phải thích khách. Mặc dầu, các cận vệ theo hầu Tần Thủy Hoàng đã bắt và giết chết được thích khách đó, nhưng một cuộc lục soát khắp toàn quốc liền được tiến hành. Mục tiêu lục soát để tìm bắt là các quý tộc của sáu nước cũ. Vì Tần Thủy Hoàng cho rằng chỉ có họ mới có mối thù khắc cốt ghi xương đối với ông ta. Sau khi lệnh lục soát bắt bớ đến Lịch Dương, chú cháu họ Hạng bắt đầu cảm thấy không yên tâm, hơn nữa, lúc bấy giờ Hạng Lương lại do một nguyên nhân ngẫu nhiên đã phạm tội giết người, cho nên trở thành đối tượng bị tìm bắt. Mặc dù có sự che chở của bạn bè nhưng cũng không thể thoát được. Thế là Hạng Lương bị bắt giam vào ngục. Đứng trước tình cảnh dữ nhiều, lành ít đó, Hạng Lương chợt nhớ đến Tào Cửu là một ngục lại trước kia ở Kỳ huyện, giữa họ từng có dịp qua lại với nhau. Hạng Lương bèn nhờ người nhắn tin cho Tào Cửu, nói rõ tình trạng của mình đang bị bắt giam. Tào Cửu không quên tình bạn cũ, liền viết cho viên ngục lại tại Lịch Dương là Tư Mã Hân một phong thư, nhờ ông ta tìm cách giúp đỡ Hạng Lương. Bức thư của Tào Cửu sau khi đến tay Tư Mã Hân, ông này liền suy nghĩ trong giây lát, rồi quả nhiên đã làm đúng theo lời nhờ cậy của Tào Cửu, ra lệnh thả Hạng Lương. Nhưng sau đó, Hạng Lương cảm thấy không thể ở lâu được tại Lịch Dương, nên đã tạ won Tư Mã Hân, Tào Cửu, và những người từng giúp đỡ mình rồi lặng lẽ rời khỏi Lịch Dương trong một đêm tối trời, để bắt đầu một cuộc sống lưu lạc mới.
Nơi dừng chân tiếp đó của chú cháu họ Hạng là Ngô huyện. Ngô huyện trong thời Xuân Thu nguyên là thành Hạp Lư của nước Ngô. Vào năm Châu Kính Vương thứ sáu (tức năm 514 Tr. CN) được Ngô vương Hạp Lư và viên đại thần của ông ta là Ngũ Tứ Tư xây dựng. Thời bấy giờ có quy mô rất to lớn, tường thành cao lại dày, bên ngoài lẫn bên trong tường thành đều có hào sâu, và có tám cửa đfuogn bộ lẫn đường thủy. Trong đó có một cửa được mệnh danh là "Phá Sở Môn", vì quân Ngô từng từ cửa này xuất phát đánh bại nước Sở. Ngôi thành Hạp Lư này trong lịch sử của nước Ngô, vào thời vua Hạp Lư từng xây dựng sửa chữa, cải tiến việc triều chính với ý đồ đưa nước Ngô bước lên con đường cường thịnh, cho nên đã tích tụ rất nhiều lực lượng hùng hầu, "Uy danh lan ra xa ba nghìn dặm, là đệ nhất kinh đô của vùng Giang Nam", một thời xưng hùng, xưng bá tại phía đông nam. Đến khi người con của Hạp Lư là Ngô Phù Sai lên nối ngôi, đã quên mất công lao đời trước, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, khiến đất nước ngày càng suy nhược, cuối cùng bị Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt, từ đó thành Hạp Lư bị đưa vào bản đồ của nước Việt. Sau khi tiến vào thời Chiến Quốc, nước Việt bị nước Sở là một đại quốc ở phương nam đánh chiếm, thế là ngôi thành này trở thành thuộc địa của nước Sở. Hiện nay nó là Ngô huyện, tức một trong hai mươi sáu huyện thuộc quận Hội Kê của nước Tần.
Ngô huyện mặc dù không phồn hoa bằng Lịch Dương, nhưng sống ở đây thì chú cháu họ Hạng có thể nghe được tiếng nói của quê hương nước Sở, thấy được tập quán cũ của nước mình, cho nên họ cảm thấy hết sức thân thiết và sung sướng. Họ Hạng có tiếng tăm rất lớn trong người Sở. Việc Hạng Yến liều chết bảo vệ nước Sở là việc mà ai ai cũng biết. Chính vì vậy mà mọi người đều ngưỡng mộ gia tộc họ Hạng, cho rằng họ có công lớn với nước Sở, là rường cột của nước Sở. Cho nên khi tin tức chú cháu họ Hạng đến Ngô Trung, thì các nhà giàu có, các bận hiền sĩ danh lưu ở địa phương đều đua nhau tới ra mắt. Có những người còn sẵn sàng giúp đỡ về mặt đời sống cho họ, cũng có những người đến nương tựa vào họ. Những thanh niên khoẻ mạnh háo thắng, có lòng yêu nước sôi nổi tại vùng Ngô Trung khi nghe nói Hạng Võ là người vừa dũng cảm vừa có sức mạnh hơn người, lại có một tinh thần nghĩa hiệp, càng tỏ ra sùng kính. Chú cháu họ Hạng cũng hết sức vui vẻ kết giao với họ, cho nên chỉ trong một thời gian ngắn, chung quanh họ đã tập trung những người hào kiệt hảo hán, và họ trở thành một lãnh tụ có uy danh rất lớn tại vùng Ngô Trung. Bất cứ ở địa phương có chuyện nhỏ chuyện lớn gì xảy ra, bao giờ họ cũng tìm chú cháu họ Hạng để xin ý kiến giải quyết. Một khi gặp phải vấn đề sưu thuế hoặc chuyện ma chay, thì những người giàu có đều xin họ đứng ra chủ trì. Hạng Lương là người làm việc rất giỏi, có tài tổ chức, nên được họ rất kính phục, ngay đến quan quyền tại địa phương cũng tỏ ra nể mặt một phần nào đối với họ. Đứng trước tình hình đó, Hạng Lương cảm thấy rất hết sức đắc ý. Trên sắc mặt màu nâu của ông ta không khỏi hiện lên một nét vui mừng.
Nhưng, Hạng Lương là người xuất thân trong gia đình danh tướng của nước Sở, là thành viên của gia tộc họ Hạng, nay đã trở thành một quý tộc lưu vong, chả lẽ chỉ biết lấy nghề giải quyết sưu thuế và tang sự trong địa phương để làm nghề sinh nhai hay sao? Ông có chí hướng riêng, có hoài bão riêng. Vậy chả lẽ lại chịu mai một trong những sự vụ tầm thường đó hay sao? Ông có kế hoạch riêng của mình. Cho nên trong khi làm những công việc, sự vụ đó, ông thường khôn khéo dùng binh pháp để phân phối và khống chế những tân khách, những tử đệ ở chung quanh cùng làm việc, rồi chú ý quan sát tính tình và năng lực của họ. Tỏng quá trình chỉ huy họ làm việc, ông tạo điều kiệu để cho họ phát triển tài năng, đồng thời, cũng từ đó xây dựng thành một lực lượng do chú cháu của họ làm nòng cốt. Trong đời sông hằng ngày, họ thường truyền thụ binh pháp cho các tử đệ Ngô Trung, và dùng thao lực của binh gia để hun đúc họ. Ông bí mật đào tạo chín chục tráng sĩ wor chung quanh mình, rồi huy động tiền bạc để mua binh khí, chỉ đạo họ thường xuyên luyện tập võ công. Trong khi luyện tập thường nghi trang thành những trò chơi, nhưng trong thực tế thì đó lại là những buổi sinh hoạt có ý nghĩa sâu xa. Trong số các tử đệ đó có người sức khoẻ rất phi thường, với hai tay không họ có thể nhổ một thân cây to bằng miệng bát lene khỏi mặt đất, rồi nắm gốc cây múa vun vút và đập xuống mặt đất nghe ào ào. Cứ mỗi lần trông thấy cảnh tượng đó Hạng Lương bao giờ cũng hò reo tán thưởng, và dùng tiền bạc của cải làm phần thưởng để khuyến khích họ. Chừng như trước mắt ông hiện lên cảnh tượng thiên binh vạn mã đang đứng lên khởi nghĩa cũng như trông thất từng đợt tấn công đang ồ ạt diễn ra!
Hạng Võ cũng đoán biết ít nhiều tâm trạng của người chú. Cho dù Hạng Võ không phải là một con người tế nhị, nhưng ông có chung một tình cảm, một tâm trạng với chú, cho nên có một sự sự việc không cần phải nói rõ ra, nhưng tiếng lòng của họ vẫn có thể giao lưu được. Ông nghĩ rằng chú mình chắc hẳn không phải can tâm chịu sống mãi cuộc đời trôi nổi bồng bềnh và quên đi mối hận thù của đất nước. Ông biết chú mình xông xáo lo việc sưu thuế, giúp đỡ mọi người làm ma chay là nhằm che giấu sự nghiệp lớn lao đang ấp ủ. Một lực lượng có thể làm rung chuyển cả đất trời đang được người chú tìm cách tập hợp, tuy bề ngoài đâu đó vẫn bình yên vô sự, nhưng kỳ thực thì ngọn lửa ngầm đang âm ĩ ở trong lòng đất. Hạng Võ cảm thấy hết sức phấn khởi mà cũng cảm tháy hết sức kích động, ông phải gúp chú mình một tay và phải đồng cam cộng khổ với người chú. Năm Tần Thủy Hoàng thứ 37 (tức năm 210 Tr. CN), vào một ngày mùa xuân, trong thành Ngô Trung bỗng thấy tăng cường nhiều lính canh gác. Chúng luôn đi tuần rôn khắp các nẻo đường, đối với người lạ mặt xét hỏi một cách chặt chẽ, khiến cho bầu không khí trong thành Ngô Trung căng thẳng hẳn lên. Cùng một lúc đó, quan quyền địa phương truyền xuống mệnh lệnh cho biết: Vào mùa đông năm nay Tần Thủy Hoàng sẽ đi thị sát khắp thiên hạ, và trên đường đi sẽ ghé ngang qua địa phương này, vậy bá tánh trong cả thành cần phải giữ nghiêm luật lệ, để bảo đảm cho cuộc thị sát của hoàng đế được thành công!
Đây không phải là lần đầu tiên Tần Thủy Hoàng đi thị sát trong thiên hạ. Trước đó nhà vua này từng đi thị sát bốn lần. Lần thứ nhất cách đây mười năm về trước, tức vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 27 ( cũng tức là năm 220 Tr. CN). Lúc bấy giờ vua Tần vừa thống nhất toàn quốc, chuẩn bị đi thị sát ở vùng tây bắc Quan Trung và vùng biên giới phía trong Trường Thành. Nhà vua xuất phát từ Hàm Dương, đi về hướng tây bắc quận lỵ của quận Bắc Địa, rồi lại chuyển sang phía tây đi tới Kê Đầu sơn, lại quay trở lại về đi đến quận lỵ của quận Lũng Tây, sau đó thì trở về Hàm Dương. Qua năm sau thì nhà vua lại bắt đầu chuyến thị sát lần thứ hai. Lộ trình của chuyến đi này rất dài, phía đông tới Hàm Cốc Quan, qua Lạc Dương đến Trần Lưu nằm về hướng đông nam kinh đô cũ của nước Nguỵ là Đại Lương. Sau khi tới Định Đào chỗ hai con sông Tế Thủy và Hà Thủy gặp nhau, rồi lại lên núi Trâu Dịch và đi núi Thái Sơn để cử hành lễ phong thiện, sau đó mới tiếp tục đi Lâm Trì, tới khu Thành Sơn ở phía đông. Từ đó nhà vua quay về Chi Phù, rồi tới Lang Nha, lại từ Lang Nha lên đường tới Bành Thành. Sau đó nhà vua đi thị sát vùng đất Sở ở phía nam, và gần như đi khắp vùng lãnh thổ của nước Sở từ đông sang tây, cuối cùng lại từ Nam quận lên bộ đi theo đường Đạo Võ Quan trở về Hàm Dương. Lần đi thứ ba vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 29 (tức năm 218 Tr. CN). Nhà vua lại xuất phát từ Hàm Dương đi tới Hàm Cốc Quan ở phía đông, vượt qua Dương Võ, Bộc Dương, Lâm Tri, Chi Phù, Lang Nha rồi trở lại con đường cũ để đi qua Lâm Trí, Bình Nguyên Tân, Cự Lộc, Hoàn Sơn, Hàm Đan, Lô Quan, Thượng Đảng, An Ấp, Bồ Châu Tân, rồi trở về Hàm Dương. Lần đi thứ tư vào năm 32 (tức năm 215 Tr. CN). Sau khi từ Hàm Dương đi đến Hàm Cốc Quan ở phía đông rồi đến Mạnh Tân, vượt qua sông Hoàng Hà đến quân Hà Nôi, sau đó tiếp tục đi tới Kiệt Thạch và từ Kiệt Thạch đi thị sát vùng biên cương ở phía bắc. Tiếp đó, nhà vua từ quận Vân Trung vượt qua sông Hoàng Hà xuống phía nam, đi ngang Thượng Quận trở về Hàm Dương.
Trong lời văn của các bia đá đã nói lên sự tàn bạo của sáu nước cũ trước kia, từng mang đến cho nhân dân bao nhiêu tai hoạ, cho nên tiêu diệt sáu nước là để chấm dứt tai họa cho dân, chấm dứt những cuộc chiến tranh liên miên bất tận, nói rõ việc thống nhất quốc gia, thống nhất chế độ, chữ viết, phong tục, pháp lệnh có thể giúp cho nhân dân được hòa bình và giàu có, người người tự lo việc làm ăn của mình. Trong lời văn khắc trên bia còn nói rõ việc xóa bỏ hủ tục, xây dựng tập quán mới là có ích cho việc ổn định trật tự xã hội. Nội dung của những tấm bia đá này đã thể hiện ý chí của Tần Thủy Hoàng, thể hiện quốc sách vủa vương triều nhà Tần, và cũng nói lên mục đích chân thật trong việc đi thị sát của nhà vua.
Giờ đây nhà vua tiến hành chuyến đi thị sát lần thứ năm. Nhà vua và đoàn tùy tùng khởi hành tại Hàm Dương từ đầu tháng 10 (Tần lấy tháng 20 làm tháng đầu tiên của năm). Đến tháng 11 thì tới Vân Mông, và tổ chức lễ cúng tế vua Thuấn đã chết ở núi Cửu Nghi tại một địa điểm gần đầm Vân Mông, rồi mới đáp thuyền xuôi theo sông Trường Giang đi xuống, đến Đương Dương thì lên bờ, sau đó đến sông Tiền Đường để xem thủy triều, một kỳ quan của con sông này. Nhà vua từ Tiền Đường tiếp tục đi đến bến đò Hiệp Trung để vượt sông Phú Xuân, sau đó lên núi Hội Kê để tế vua Vũ. Trên đường trở về Hàm Dương nhà vua từng đến Ngô huyện. Trước đó các quan viên địa phương tại Ngô huyện đã đốc thúc nhân dân lo việc "cung nghinh" đến kiệt sức vì mỏi mệt: người dân phải gánh đất vàng mới đem trải trên mặt đường, phải kiểm tra và gia cố tất cả các cây cầu, phải sơn phết trang trí nhà cửa hai bên đường đi, tất cả mọi nhà đều phải quyên tiền để chi cho công việc làm nói trên, còn những người trai tráng khoẻ mạnh phải đi làm xâu không công, khiến bá tánh đều rất khổ sở, tiếng than oán đầy đường.
Ngày xa giá của hoàng đế tới thì tất cả mọi sự chuẩn bị đều phải hoàn thành. Do lòng hiếu kỳ thôi thúc, bá tánh đau nhau kéo ra vệ đường, đứng xa xa để nhìn. Hạng Võ từ xưa tới nay chưa từng thấy Tần Thủy Hoàng cho nên ngày hôm đó cũng rủ người chú của mình là Hạng Lương đi xem. Họ chen chúc giữa đám đông cũng giống như mọi người khác.
Dẫn đầu là đội kỵ binh và đội nghi trượng. Vũ khí của họ che khuất cả mặt trời, áo giáp của họ sáng ngời dưới ánh nắng, trông thật uy phong lẫm liệt. Đội ngũ đông đảo đó đi cả một tiếng đồng hồ mới qua khỏi, và cuối cùng là ba mươi sáu chiếc xe đặc biệt của hoàng đế, các quan viên đi theo chuyến thị sát này gồm có tả thừa tướng Lý Tư, trung xa phủ lệnh Triệu Cao, ngoài ra còn có đứa con nhỏ mà Tần Thủy Hoàng rất yêu mến là Hồ Hợi. Riêng hữu thừa tướng là Phùng Khứ Tật thì ở lại Hàm Dương để lưu thủ.
Chiếc xe đặc biệt của Tần Thuỷ Hoàng do sáu con ngựa kéo, mui xe được trang hoàng bằng vàng và bạc, trên màn che có vẻ dấu hiệu mặt trời, mặt trăng. Tần Thủy Hoàng đầu đội vương miện có tua, mình mặc áo cẩm bào, ngồi ngay ngắn trông hết sức uy nghiêm đáng sợ. Nhưng, sắc mặt của nhà vua có vẻ mệt mỏi, tinh thần có vẻ căng thẳng. Trước đấy mấy hôm, khi xem thủy triều ở sông Tiền Đường, do gió mạnh, sóng to đã làm cho Tần Thủy Hoàng có cảm giác đây là điềm bất tường. Nhà vua chợt nhớ lại trong chuyến đi thị sát tám năm về trước đã gặp phải một sự nguy hiểm mà đến nay vẫn còn thấy ghê sợ. Đó là khi cỗ xe của nhà vua đi tới Bác Lăng Sa thuộc huyện Dương Võ, và khi cỗ xe đang chạy trên đường, thì bỗng từ trong núi đá bên vệ đường có một trái chùy to bằng sắt bay ra và đánh trúng mui xe đi kèm theo. Sau một tiếng "ầm", mui xem bị đánh thủng một lỗ to, và trái chùy sắt đã rơi thẳng vào trong xe. Tình hình đó làm cho Tần Thủy Hoàng hết sức sợ hãi, cũng may là nó đánh trúng một cỗ xe phụ đi kèm, nếu đánh trúng cỗ xe của nhà vua thì không biết tính mạng của nhà vua sẽ ra sao? Nhà vua kêu to thất thanh: "Có thích khách!", đồng thời ra lệnh cho thị vệ đuổi bắt nhưng không hề bắt được ai. Tiếp theo sau đó là một cuộc lục soát trên mười ngày trong cả nước, nhưng vẫn không có kết quả gì. Về sau mọi người mới biết đó là do Trương Lương thuê một lực sĩ để hành thích Tần Thủy Hoàng. Nhưng Trương Lương thì đã trốn đi biệt tăm biệt tích từ lúc nào.
Qua bài học hành thích nói trên, chung quanh cỗ xe của Tần Thủy Hoàng trong chuyến đi này đã tăng cường thêm nhiều thị vệ, canh phòng rất cẩn mật. Thế nhưng trong lòng Tần Thủy Hoàng vẫn phập phồng lo sợ. Nhà vua cố giữ vẻ uy nghiêm bất khả xâm phạm, nhưng một mặt khác thì luôn đưa ánh mắt quan sát đám đông đứng hai bên vệ đường, cảnh giác mọi bất trắc có thể xảy ra.
Riêng bá tánh đứng xem đều trố đôi mắt hiếu kỳ nhìn đội nghi trượng của hoàng gia. Thỉnh thoảng còn nghe có tiếng tặc lưỡi của người ít có dịp nhìn thấy sự dàn binh bố trận uy nghiêm và xa hoa lộng lẫy. Họ chưa bao giờ được chứng kiến đội nghi trượng của hoàng gia và nhất là chưa bao giờ được nhìn thấy mặt Tần Thủy Hoàng, một vị vua uy danh lừng lẫy khắp thiên hạ. Tất nhiên, cũng có người lén thì thầm bàn tán, nhắc lại những hành động tàn bạo của Tần Thủy Hoàng, cũng như những mẩu chuyện vui về ông.
Khi ánh mắt của Hạng Võ chăm chú nhìn cỗ xe của Tần Thủy Hoàng, và từ từ nhìn đến chiếc vương miện có tua và khuôn mặt xa lạ nhưng trong thâm tâm đã tưởng tượng từ lâu của nhà vua, thì ông cảm thấy một luông máu nóng từ dưới dâng lên, khiến ông suýt nữa ngạt thở, trong khi đôi mắt thì sáng quắc như nẩy lửa. Sắc mặt của ông bị tái xanh, hai hàm răng cắn chặt, đôi môi tím ngắt đến rướm máu. Đây phải chăng là tên bạo chúa đã mang đến cho nước Sở cũng như cho gia tộc họ Hạng cảnh nước mất nhà tan? Đây có phải là tên hung thủ đã từng giết chết ông nội và bao nhiêu tướng sĩ của nươc Sở? Đây có phải là Doanh Chính đã phá hoại cuộc sống tốt đẹp của họ và khiến cho họ ngày nay phải lưu lạc khắp nơi? Ông cảm thấy bánh xe đang lăn nhanh trên mặt đường như đang nghiến lấy quả tim của mình, khiến vết thương trong lòng ông đau nhói. Niềm uất hận tích tụ từ lâu trong lòng như đang chạm mạnh vào từng sợi thần kinh khiến cho ông cảm thấy vừa miệt thị vừa phẫn nộ đối với vua Tần. Bất giác ông rít qua kẻ răng: "Ta có thể giết nó để thay thế!"
Lúc bấy giờ có một bàn tay to lớn vội vang bụm lấy miệng ông. Hạng Lương nói khẽ bên tai người cháu: "Đừng lên tiếng, bị giết cả họ đấy!" Hạng Võ chừng như không để ý tới lời cảnh báo của người chú, vẫn siết chặt hai quả đấm, vẫn tròn xoe đôi mắt, nhìn theo bóng dáng cỗ xe của nhà vua cho tới khi nó đã đi thật xa.
Đội xe ngựa khổng lồ đã đi qua, nhưng hận thù vẫn còn âm ỉ. Ngọn lửa ngầm đang chuyển động dưới lòng đất, chắc chắn rồi đây sẽ có ngày nó bùng lên để đốt cháy tất cả mặt đất đang phủ đầy cỏ khô!