Tôi đi tìm Cư. Qua cái ao nhỏ, xanh cứng những đám sen Nhật. Một gốc cây gạo to chắn giữa ngõ càng thêm chật chội lối đi Những chiếc hoa gạo đỏ chói mắt, những con quạ, con sáo rỉa hoa rụng xuống, làm cái ngõ lầy lội thêm. Đấy là cuối phố Ngọc Lâm bên kia sông, lối vào nhà Cư.
Thằng Cư ở nhà một mình. Nó cởi trần, đánh cái quần đùi đen. Tôi chưa biết mặt bố nó, mà sao tôi trông nó thật giống hệt bố nó. Sự kỳ lạ đó xảy ra chỉ vì mặt nó vẫn bạnh quai hàm như thằng Cư năm trước, nhưng trên mép nó lại lún phún tý ria. Nói cho đúng, những sợi râu ngô hoe đỏ mọc loăng quăng. Nó già hẳn đi, tiếng nó vỡ, ồm oàm, rề rà, chậm rãi. Không còn cái vẻ thoăn thoắt lúc nó dá cầu, đá bóng đứng “arie"(1), đạp cái nào thì gãy "tybịa"(2) người ta như chơi.
Tôi kể với nó là tôi định đi Hải Phòng tìm việc.
Cư bảo:
- Không phải đi đâu cả, mày cứ ở đây. Ơn trên xuống khắp hoàn vũ xa gần. Ơn trên...
Tôi chưa hiểu câu cách ngôn hóc hiểm nọ. Cư đã lại nói:
- Chúa Giêhôva sẽ cứu mày. Vì lỗi tôi ngài phải hạ trần mày biết không?
Nghe đặc giọng đạo, như thày giáo Đặng Đình Hướng.
Tôi đã hơi hiểu.
- Chủ nhật này mày đi với tao. Mày lĩnh sách nhà thờ đem bán ăn tiền hoa hồng, lấy cái sống đã.
Tôi ngờ ngợ, hỏi:
- Đi có xa không?
- Hàng Da.
Đấy là cái nhà thờ đạo Tin Lành cạnh chợ Hàng Da, trên đầu tường có xây quyển sách to bằng gạch, ai đi qua cũng trông thấy. Tôi chưa vào bao giờ. Nhưng tôi biết cái nhà thờ ở đấy. Lại cũng biết nó là cái nhà đạo, vì nhiều khi đi ngoài bờ tường hay nghe bên trong có tiếng hát than vãn ề à lẫn tiếng dàn. Thằng Viên bạn lớp tôi ở trường Yên Phụ cũng được đi kéo đàn viôlông ở đấy.
Tôi cũng biết những người bán sách đạo Tin Lành thường gặp họ trên xe điện. Người bán sách đạo nào cũng có nước da mai mái, gấu quần và cửa tay áo cáu ghét về vệt, tóc gọng kính, mặt đăm đăm. Khi nói huyên thuyên ba ngôi trời đất cao siêu xong đâu đấy, người bán sách dạo lần lượt đi chìa sách ra hai bên hàng tàu nài người mua. Ít khi lắm mới nhặt được vài ba xu. Khách đi tàu đường Bưởi, đường Hà Đông người đeo đãy tơ, người gánh rau muống, gánh giấy, gánh nước vo gạo, còn tất bật lo chen lên chen xuống, chẳng ai rỗi tai mà nghe rao sách đạo. Bây giờ Cư rủ tôi đi bán sách đạo.
Thằng Cư còn nói như đọc lảm nhảm, thì thầm mắt nhìn đi đâu cho đến lúc tôi về. Ra đường, tôi vẫn còn băn khoăn.
Tôi không tưởng được sao thằng Cư lại đi đạo Tin Lành chóng thế. Tôi không thể nghĩ một cái gì đứng đắn về việc ấy bởi vì xưa nay tôi cứ ngỡ việc đi đạo là việc của mấy người lẩn thẩn, bí hiểm thế nào ấy. Lớp bét trường tôi năm trước, thầy giáo Đặng Đình Hướng cũng đi đạo Tin Lành. Đến giờ ra chơi, thầy đứng một góc sân, quyển sách che miệng, cứ thì thào nói một mình.
Thầy giáo Hướng hiền lành thế mà một hôm cũng có người vào tận trường đuổi đánh thầy rách cả cái áo the. Đấy là người bên đạo Gia Tô, đạo có cố tây, họ bảo thằng đạo Tin Lành là đạo dối họ đến “đánh chết thằng đạo dối"(3).
Tôi cứ nghĩ tôi ôm một chồng sách nhảy lên tàu, kể lể những câu bên đạo rồi chào mọi người hai bên mua sách, mà phần nhiều là bà con trong làng tôi xuống Kẻ Chợ. Tôi thà chui đâu thì chui.
Thế là hết, thế nào tôi cũng phải đi Hải Phòng. Bạn bè cũng đương giúp tôi chuyến đi. Các bạn vừa muốn tôi tìm được công ăn việc làm, vừa đỡ phải cưu mang. Bởi ai cũng đại khái túng kiết sơ mướp như nhau cả.
Lại Phú Cương cho tôi một đồng bạc lấy vé đi tàu. Trước hôm đi, tôi đến phố Bắc Ninh tìm Hồ. Hồ mơ màng nhìn ra đường, nói một câu kiểu cách quen thuộc. Nếu mọi khi nghe dễ ghét, nhưng hôm ấy tôi lại thấy cảm động.
Hồ nói:
Lên đường thôi! Thời đại này quả là thời đại của những người lên đường!
Chẳng qua vì tôi không bấu víu vào đâu được nữa tôi phải “lên đường” đi cầu may. Hồ biết cả. Cái tật của anh hay nói khuếch trương thế thôi. Nói xong câu bóng bẩy ấy, Hồ lấy trong cái hòm gỗ khoá chuông ra, đếm được hai mươi quyển Ái tình luận. Đưa cho tôi, Hồ nói:
- Cái này là cẩm nang tràng sinh. Bao giờ cần, đem nó ra, nó cứu được mình.
Tôi đã hiểu câu nói theo lối sấm Trạng Trình ấy của Hồ.
Hồ đã thường cắt nghĩa cho tôi nghe về cái thuốc tràng sinh này. Ái tình luận là sách của Hồ viết. Ái tình luận, tác giả Song Hồ. Quyển sách tám trang in, kể cả tờ bìa mỏng như tờ giấy thường. Sách giấy màu xanh, trong có những câu châm ngôn của danh nhân đông tây mà Hồ sưu tầm, in lẫn với những câu nhạt như nước ốc của Hồ bàn về tình yêu. Làm thế nào Hồ in được quyển Ái tình luận và in bao giờ, tôi không biết. Quyển sách không đề ngày tháng soạn, ngày tháng in.
Do vậy, lúc nào nó cũng mới. Tôi biết giá trị của Ái tình luận là lương ăn như bánh dày khô. Mỗi lần đi xa, anh giắt lưng theo ít quyển. Có lần anh mang một trăm quyển Ái tình luận, chỉ bán cho khách trên tàu, mà đủ tiền vé tiền ăn vào tận Sài Gòn. Như bán sách bên đạo ấy mà...
Hồ cho tôi hai chục quyển Ái tình luận để hộ thân. Tôi cảm động câu nói văn hoá của anh là vì thế.
Một ngày nọ, thế là tôi đi Hải Phòng. Nhiều bạn lên tiễn ở Đầu Cầu. Kẻ ở người đi đều hao hao cái hào hùng bi tráng rất tuồng về tâm sự Kinh Kha và người vĩnh biệt Kinh Kha mà cái ga Đầu Cầu này là bờ sông Dịch.
Thái tử Đan và tân khách mặc áo trắng đưa Kinh Kha đến bờ sông Dịch. Cao Tiệm Ly gảy dàn trúc. Kinh Kha cất tiếng hát, ai nấy khóc, hát rằng:
Gió hắt hiu chừ sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ ra đi chừ không bao giờ về.
Những người đi tiễn đều trợn mắt, tóc dựng đứng xiên lên mũ. Thế rồi Kinh Kha lên xe, không ngoảnh lại.
Kinh Kha ngày xưa sang Tần để giết người và biết trước không bao giờ về nữa. Còn Kinh Kha - Tôi chỉ đi Hải Phòng không giết ai, nhưng ra đi không có tiền về. Cho nên phải quyết tìm được cách sống ở đấy. Quả tình, Cương cũng muốn xoay cho tôi thêm đồng bạc giữ mình mà không đào đâu ra. Chỉ đủ tiền mua vé tàu đi và đi chân tay không mà thôi.
Thế mà cũng có thơ đi thơ tiễn. Tôi nhớ hai câu trong bài thơ hơi hướng Thế Lữ của tôi gửi lại các bạn ở ga Đầu Cầu:
Nắng mưa thuộc xém da lưu lạc
Vành mũ phong sương cát bụi đầy
(Nhưng thật thì đi đầu trần không có mũ).
Lúc tàu sắp chạy, thấy Cư đến. Thằng Cư ôm một bọc sách, chắc là sách bên đạo. Dáng hẳn Cư muốn cho tôi đem đi những quyển sách Tin Lành. Cũng để làm lương ăn đường.
Lúc ấy Hồ cũng vừa đến, Hồ đem cho thêm mấy quyển Ái tình luận. Thằng Cư đứng im đằng kia không bước lại. Đến lúc tàu chuyển bánh, Cư vẫn xa xa một góc, không ai biết đấy là người quen tôi. Chồng sách ôm trên ngực, tay Cư che miệng, lẩm nhẩm, mắt lờ đờ, sao hệt thầy giáo Hướng trường tôi làm vậy.
Tôi hỏi thăm đến đường Cát Dài, tìm được nhà Cần.
Cần là bạn đã làm ít lâu với tôi ở nhà giày Bata trên Hà Nội. Năm ngoái, tình cờ gặp lại. Cần nói bây giờ Cần làm ga Hải Phòng. Lương công nhật, ngày chín hào, thôi thế đã gấp ba lương hiệu giày Bata. Mơ ước cao nhất của chúng tôi cũng đến thế là chót vót rồi.
Câu rủ rê ấy khiến bây giờ tôi xuống Phòng với Cần đây.
Sau này, mỗi khi nhớ đến vợ chồng bạn, bao giờ tôi cũng bồi hồi và nghẹn ngào không biết chữ nào nói hết được cuộc sống chúng mình ngày ấy. Trong nghề viết của tôi, ví như ai khuyên tôi dựng nhân vật phải theo quy luật cuộc sống - họ nói thế, nhân vật phải gồm hai mặt tốt và mặt xấu. Nếu có khi nào viết về Cần, về một người như Cần, tôi đành chịu có muốn cũng không thể làm theo lời khuyên ấy được. Lòng tốt của Cần và tình thương của vợ chồng anh đối với tôi không biết có “quy luật hai mặt” ấy.
Cần cười hề hề, bảo tôi:
- Nhà chúng mình đây, cứ ở. Bao giờ kiếm được việc hẵng tính sau.
Thuý - vợ Cần, nói:
- Anh đừng lo, có thế nào ở thế ấy, có gì ăn nấy.
Nhưng tôi đã thực sự lo. Không lo sao được! Có gì ăn nấy thì chưa biết, nhưng có thế nào ở thế ấy thì tôi không hiểu ra sao.
Vào nhà, lên đến chỗ Cần ở phải đi suốt cái gác hai, rồi qua một hành lang nhiêu khê lắm mới tới. Có lẽ đây là cái buồng tắm cũ. Kê vừa vặn được chiếc giường nhỏ. Thò chân ra ngoài thành giường, đã đụng vào tấm cánh sáo che hiên.
Vợ chồng Cần có hai hòm khoá chuông để dưới gầm. Mọi thứ, quần áo và cả gạo, thức ăn đều đựng trong hòm. Cái hoả lò thổi cơm cũng nhét gầm phản. Buồng không cửa, chỉ có chiếc cánh sáo mà tối đến, lúc ngủ mới buông xuống được.
Bấy giờ đã sang tháng tám, đêm se se lạnh.
Tôi đã ở với vợ chồng Cần trong cái xó xỉnh tí tẹo như thế, thật kỳ lạ và oái oăm, thật gian nan mà mỗi lần nghĩ lại bao giờ cũng ngậm ngùi.
Ngày ngày tôi đi dạo trong thành phố tha thẩn tìm việc rồi cứ liệu đến bữa về ăn cơm, tối thì rúc vào nằm trong cùng cái giường ấy. Cần nằm giữa. Vợ Cần nằm ngoài. Những tháng sau, khi trời rét hẳn rồi tôi kéo ghé một tí cái chăn dạ.
Ngày lại ngày, tôi đi tìm việc. Thấy cái giấy dán ở đầu tường nào tôi cũng đến đọc, thấy cửa hiệu to, tôi ghé nghiêng nhòm vào rồi hỏi. Chẳng đâu ăn thua.
Đôi khi, quẫn quá, tôi không dám về. Tôi ngủ đêm ngoài bến tàu Tây Điếc, chỗ vườn hoa chợ Sắt hay ngay ở Sáu Kho - hôm sau, sĩ diện, nói phét là gặp bạn nó rủ về nhà chơi và mời chén cơm cẩn thận.
Tôi đã ăn hết tiệt cả hơn hai chục quyển Ái tình luận. Mà ngủ đêm ngoài đường thì rồi cũng có ngày đội xếp bắt. Mỗi hôm mỗi lo. Trong thành phố, ở các vườn hoa hay bất cứ một bãi cỏ rộng nào, đều đen ngòm những thùng tông ét xăng.
Hồi ấy, người Pháp để cho Tưởng Giới Thạch đưa ét xăng vào Hải Phòng, rồi lại cho thuê đường tải lên phía bắc. Trên biên giới, từ các cửa quan Chi Ma, Pò Mã, Phục Hoà, Tà Lùng hay Bình Mãng, Bình Nghi trở ra đất Trung Quốc, các xe ô tô chở ét xăng cho Tưởng Giới Thạch bị máy bay Nhật đuổi, bom bắn suốt ngày đêm. Lái xe từ Hải Phòng lên, rồi vượt biên giới là những tay cảm tử, nhưng kiếm bẫm. Cô đầu, nhà thổ tiệm nhảy, cao lâu ở Hải Phòng bấy giờ, người ăn chơi những chốn ấy chỉ riêng có hai hạng lắm tiền, là các tay tài xế chí tử và những nhà giàu bên Tàu chạy loạn Nam Kinh, Thượng Hải sang.
Loanh quanh, tôi lại về nhà Cần. Tôi cứ ngần ngại, chứ Cần thì bao giờ cũng chỉ cười hề hề. Vài hôm, Cần lại khoe với tôi: "Thế thì đúng mình là cháu cụ Đặng Trần Côn, chi mình là Đặng Khắc, cụ là Đặng Trần”. Nhưng nghe tôi cắt nghĩa thế, Cần biết thế, chứ Cần cũng chẳng biết Chinh phụ ngâm là quyển sách gì - tôi đoán vậy.
Ngày nào Thuý cũng đi chợ. Suốt tháng chúng tôi ăn toàn giá luộc, rau luộc. Thỉnh thoảng, đi dạo phố. Có khi Thuý hẹn mấy cô bạn, hình như làm gái nhảy ở tiệm nhảy nào đấy, cùng đi chơi. Tận khuya mới về và mỗi người làm một bát phở thay cơm. Hôm ấy là tiệc chủ nhật.
Ở tầng hai có nhà ông phán Quý, đối diện cái hang của chúng tôi. Nhà ông Quý rộng gấp mười nhà chúng tôi. Ông ở ba buồng, một buồng để làm bàn thờ tổ tiên oai nghi những đồ đồng và các thứ sơn son thếp vàng. Ông lại chiếm thêm cái hành lang đi vào bếp với hai buồng xép con con như cái cũi đựng củi. Những nhà ở trong cùng, khi ra phải đi qua hành lang và trước cửa nhà ông phán.
Hàng ngày tôi ra vào qua nhà ngoài, qua hiên, trông xuống sân sau nhà dưới, đi trên những đám khói bếp bốc đặc sệt, cay đến chảy nước mắt, trong tiếng dội nước ào ào, mọi người các nhà cãi nhau liên miên, tưởng không bao giờ ngớt nghe mãi hoá nhàm tai vì tiếng chửi bới cũng giống tiếng nước chảy rào rào mà thôi.
Tôi đi đều đặn giờ giấc như người đi làm - chỉ khác là chẳng đi làm gì. Đầu tiên, tôi dạo một lượt khắp các phố. Bao nhiêu lần mà vẫn không nhớ phố nào phố nào. Trong lòng rối như tơ vò, còn biết được đi đâu về đâu. Tôi có cảm tưởng đây không phải thành phố Hải Phòng trong tưởng tượng, khi tôi chưa đến. Cả đến cái nhà ông phán Quý cũng chẳng có gì lạ.
Đường phố Hải Phòng cũng như quang cảnh nhà ông phán Quý chẳng bận đến tôi.
Nhưng rồi tôi cũng phải để ý nhà ông phán Quý, vì những chuyện kỳ quái. Trước nhất, hai cái buồng xép để củi đối diện trước cửa bếp không có cánh cửa. Ông phán Quý đã đặt ở đấy những cái dõi dài như dõi cửa cũi. Khoá cẩn thận. Y như thế, mỗi lần đi qua, nếu nghe phía sau cái mành trúc nhà ông phán Quý có tiếng cãi nhau, chửi nhau, có khi là tiếng thét, tiếng đập phá đồ đạc gì đó, thì lúc về thế nào tôi cũng trông thấy trong hai cái buồng đối mặt có người ngồi trong đấy. Mỗi bên có một cụ già, gầy gò, nhăn nheo không biết tuổi thế nào. Hai cụ đều đầu trọc nhẵn. Nếu một cụ không có bộ râu bạc tua tủa, chẳng thể biết cụ ông hay cụ bà ở cũi bên nào. Cụ bên này ngồi nhìn ra, cụ bên kia quay mặt vào tường. Chưa bao giờ thấy được hai cụ ngồi nhìn sang nhau. Như xấu hổ với người qua lại, lại vừa như ghét nhau.
Ông phán Quý đi làm, có xe nhà đưa đến sở. Rồi anh xe quay về, kéo bà phán đi chợ. Ngày nào cũng thế, mỗi khi bà phán Quý đi chợ hay đi đâu, bà lại đưa gửi Thuý hai cái chìa khoá.
Bà phán nói:
- Có ai gọi đi ỉa đi đái thì tôi nhờ mợ mở hộ.
"Ai" đây tức là hai cụ già. Biết tôi mới đến, ông phán Quý cắt nghĩa cho tôi nghe:
- Người già lẩm cẩm chúa hay cãi nhau đánh nhau, loạn quá. Bây giờ các “luý" đương cơn tức nhau, “moa" mà thả các "luý" ra thì lung tung, đố các “vu" ở nổi cái buồng ấy. Cứ phải tống vào nhà pha vài hôm thế mới xong.
Tôi được biết đấy là hai cụ thân sinh của ông phán và ông phán đã nghĩ ra mẹo ngăn các cụ cho khỏi cãi nhau đánh nhau bằng cách phạt giam bố mẹ mình vào cũi như vậy.
Tôi vẫn mải miết đi tìm việc.
Con đường Cát Dài dài dặc. Bụi bốc trắng bay là là mặt đường đá trắng. Mỗi hôm gió may càng thổi sâu vào mùa đông. Trở giấc, tôi nghe gió quét rào rào ngoài kia. Cái lạnh cứ tê dần từ các ngón chân lên hai đầu gối.
Những lúc ấy không thể ngủ được. Có khi chúng tôi còn thức, nói huyên thuyên đủ các thứ chuyện.
Cần bâng khuâng hỏi trong bóng tối:
- Không biết đời chúng mình cứ thế này đến bao giờ?
Tôi không hiểu Cần băn khoăn về cuộc đời theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, còn tôi thì đương nghĩ đến một cái gì mơ hồ buồn lắm. Ngoài bến Sáu Kho, đậu những con tàu trắng toát, những con tàu xám ngắt, thỉnh thoảng những con tàu ấy từ ngoài biển vào đỗ giữa những đám thuyền tam bản rách nát, đen xỉn, lờ đờ bơi quanh bờ nước. Vài hôm, con tàu đại dương lại rời cảng ra khơi. Tôi đứng trông theo, ước cái thân được như con tàu. Viển vông thế thôi, chứ mình đương khác nào đám thuyền buồm rách, cuộc đời ngập trong vũng nước của bến sương mù buổi sáng từ mặt đất bốc lên, không trông xa quá vài bước.
Mỗi ngày qua, chồng chất những nghĩ và nghĩ. Làm sao ở yên mãi được trong cảnh cái giường một mà ba người nằm thật oái oăm này. Bây giờ còn lạnh, ít nữa, mùa hè nóng nực tới thì sao. Vợ chồng Cần lặng lẽ và bình thường đến nỗi tôi tưởng tôi có thể ở một cách thản nhiên thế mãi và tôi chỉ giật mình khi tự xét thấy làm người mà phải nằm ngồi rúc ráy đến như thế thì tủi nhục quá. Tôi có cảm tưởng mọi người ở nhà dưới, nhà trong đang căng mắt nhìn "cái thằng ba người một giường" đi qua... Làm sao không tò mò và kinh tởm nữa.
Mà Thuý thì bụng đã khạng nạng gần tới tháng đẻ. Tôi nóng ruột, phấp phỏng, như một việc gì ghê gớm có thể xảy ra.
Tôi vẫn may rủi hàng ngày vẩn vơ đi tìm việc, mà việc vẫn xa lắc xa lơ đâu không biết.
Một buổi sáng, chúng tôi còn ngồi cả trên giường, nghe tiếng bà phán Quý léo nhéo ngoài đầu tường.
Cần nói:
- "Sừ" phán nhà ta lại thua bạc rồi.
Đã thành lệ, đầu tháng nào ông phán thua bạc không đủ tiền lương đem về, bà phán lại chửi dong suất mấy ngày, chửi dong như thế, như chửi, lại như hát, không biết chửi ai, chửi người hay chửi ma, lúc giọng cao lúc giọng thấp. Tôi trông xuống thấy ở đầu cầu thang có một đống giấy đương cháy trong khi, bà phán, mặt xám ngắt, khểnh chân bước lại bước qua đống lửa.
Thuý cũng nhìn xuống, rồi quay lại, che miệng, cười khẽ:
- Bà ấy đốt vía?
Buổi trưa, tôi ở ngoài phố về đến đầu hiên, ông phán Quý đột ngột gọi tôi lại, sừng sộ:
- Nói thế này "vu"= Vous ( các ông,) đừng giận nhé, làm cái giống tôm cứt lộn lên đầu như các “vu" thì đến bên Tây cũng chưa có thế đâu?
- Ông nói gì tôi không hiểu.
- Vợ "moa" ( moi = tôi) nó đã nổi tam bành lên đấy. Nó bảo các “vu" chơi trò quái quỷ thế, đâm ra súi quẩy nhà "moa", "moa" thì thua rền, hai cụ nhà "moa" lớp này giở chứng nện nhau luôn thiệt hại quá lắm.
- Ông nói cái gì chứ?
- Vả lại, "en" to bụng, các "vu" phải...
Lúc ấy, chắc mặt tôi tái đi, tôi run lên:
- Ông không được nói...
Phán Quý cười nhạt:
Nếu các "vu" cứ "phớt" thì đây đã có cách. Báo trước cho mà biết.
Vợ chồng Cần nghe to tiếng đã chạy ra, Thuý khóc bíu lấy Cần, mới can được Cần khỏi xông vào đánh phán Quý.
Mấy hôm, Cần gác sẵn thanh củi tạ lên thành hiên. Tôi biết ý, lại vứt vào gầm giường. Chúng tôi bỗng buồn hẳn đi.
Cần không hay cười hề hề, không hay nhắc lại cho tôi biết Cần là cháu ông Đặng Trần Côn nữa. Những lời nghi kỵ và xúc phạm kia không gây một điều nghĩ ngợi nào trong chúng tôi nhưng đã khiến chúng tôi đau đớn, nhức nhối trong lòng.
Tôi vẫn miên man mải miết, qua từng phố. Thấy cửa hiệu nào có quầy trả tiền, có người đứng bán hàng, hay có người ngồi ghi ghi, chép chép, tôi hiểu là ở đấy có việc làm, có thể mượn người làm, tôi vào hỏi.
Nhưng vẫn không có việc ở đâu đợi tôi.
Bà phán càng quá hơn, ngày nào cũng chửi. Bây giờ ai cũng biết là bà chửi chúng tôi. Bà lên xuống, giọng thánh thót. Bà réo thẳng bọn "ba thằng ngô con đĩ ", không úp mở nữa.
Tôi càng bồn chồn. Trong cung cảnh đáng điên tiết như vậy, tôi cứ tưởng như bất chợt có thể phải đổ máu gãy chân gãy tay không biết chừng. Càng sốt ruột, càng lo.
Một hôm, giữa phố Khách chật chội chen chúc người đi có cái xe bò chở rác lộc cộc qua. Người phu lục lộ lắc chiếc chuông đồng buộc bên càng xe. Hai bên phố nghe tiếng chuông, chạy xô ra, xúm xít bíu quanh xe đổ rác. Người phu lắc chuông lúc nãy đứng cầm cái rĩa sắt, thấy tý rác nào dùng được, một miếng vải cũ, một cọng rau muống còn chiếc lá tươi, một cái lọ con con, người ấy xọc rĩa, nhấc lên, lấy ra, bỏ vào cái giỏ riêng của mình treo dưới thành xe.
Tôi để ý một anh đương khom khom trong nhà bưng sọt rác chạy qua. Anh mặc bộ quần áo nâu bạc. Sao mà giống cái thằng Tường hồi cùng học lớp tư trường Yên Phụ với tôi. Giống đến nỗi tôi phải buột miệng gọi:
- Tường?
Nó quay lại. Tường thật. Tường cũng nhận ngay ra tôi.
Nó hất vội sọt rác lên xe rồi bước lại trước mặt tôi, hỏi:
- Mày đi đâu xuống đây?
Tôi không đáp, tôi hỏi lại nó:
- Nhà mày dưới này à?
Tường nói:
- Không, tao xuống đây làm thôi.
Tôi hỏi:
- Mày làm gì?
- Đấy?
Nói xong, Tường chép miệng:
- Cũng là trợ thời qua ngày để tìm việc khác.
Tôi đã nhận ra câu hỏi hớ, khiến Tường phải che đậy sang chuyện đường xa. Tôi vội chữa:
- Tao cũng đương chết dở, cần việc chẳng có đấy!
- Thế thì mày cứ đến cửa hiệu, tao đem trình chú ấy xem xem. Làm với người Khách chỉ phải cái việc tạp, nhưng mà được ăn vặt cũng no. Chịu khó vậy.
Tôi còn nhiều lần đi qua cái phố Khách. Mấy phố khách lủng củng người và xe hàng, toàn những hiệu buôn của người Trung Quốc. Tôi trông thấy Tường ở trong cái cửa hàng chất đầy bao bì phồng to. Đấy là cửa hàng đường. Suốt ngày rậm rịch những người phu khuân vác, đầu trọc, cả đến vuông vải lót vai cũng ướt đường và đẫm mồ hôi. Những bì dường cao hơn đầu nằm nghiêng trên vai, họ chạy rầm rầm vào kho, ong bay theo à à, ai trông thấy cũng phải tránh dạt ra.
Tôi thấy Tường, khi quét nhà, khi quẩy nước, có khi cởi trần bổ một đống củi tạ ngay trên bờ đê - công việc hàng ngày của thằng nhỏ hầu hạ chủ nhà.
Có lúc tôi đi vòng quanh cửa hiệu ấy mấy lần rồi quả quyết vào. Nhưng cứ sắp bước sang hè đường, tôi lại thôi. Có lần bạo hơn, đã sang hẳn bên thềm, đặt chân vào nhà rồi, tôi trông thấy thằng Tường chăm chú lúi húi trước cái chậu đựng nước bẩn và cái giẻ lau để rửa quầy đặt những cái cân tạ, mà ruồi, nhặng, ong cứ vù vù bay. Tôi toan gọi Tường, nhưng rồi tôi lại hốt hoảng lủi ngay vào đám người đang nhốn nháo qua trên hè phố, chốc chốc lại xiên ngang một tốp phu hùng hục khuân những bì đường.
Tôi đã tự thấy tôi không dám bắt chước thằng Cư đi đạo Tin Lành. Tôi cũng không theo được Tường đi ở cho hiệu Khách. Không phải tôi chỉ xấu hổ, mà tôi không đủ can đảm.
Một hôm Thuý hỏi tôi:
- Anh đã tìm ra việc gì chưa?
Từ ngày đến ở nhà bạn, chưa bao giờ Thuý hỏi tôi như thế. Tôi chợt hiểu. Thuý có điều gì nghĩ về tôi. Tôi sợ sệt như một kẻ có lỗi. Bấy lâu, vì tôi mà vợ chồng Thuý mang tiếng.
Tôi bặm môi, ngượng nghịu thở dài. Nhưng Thuý đã cười vẻ nghịch ngợm:
Tôi bảo anh cái này nhé. Mấy cô bạn tôi làm "cavalie"(4), anh biết đấy, chủ nhật này ta đến chơi chỗ chúng nó, chúng nó nghèo, nhưng tốt. Cứ tán sát sạt nhé. Cô nào mà bằng lòng "bao" thì cũng được, đỡ hơn cái cảnh thất nghiệp nhiều. Phải chịu khó thế. Đến lúc có việc hãy hay, anh ạ. Nhưng anh phải mạnh bạo lên. Chúng nó tự nhiên lắm. Mình "alaxô"(5) gấp đôi mới ăn thua.
Tôi sẽ mạnh bạo lên. Alaxô! Alaxô! Vâng, tôi sẽ mạnh bạo lên. Ô hay, tôi đã cảm kích về cái kế xoay xoả cho tôi có thể sống tạm như thế, của Thuý. Tôi sẽ làm... Thuý đã dạy khôn cho tôi nhiều lắm. Mạnh bạo lên, xông vào, mạnh bạo lên.
Tiếng thúc giục, rền rĩ.
Chiều chủ nhật, vợ chồng Cần và tôi ra phố. Họ dẫn tôi đến chỗ phải thử thách. Tôi nhớ mang máng cái gác nhà các cô bạn Thuý ở gần chợ Cột Đèn. Vừa nhô lên khỏi mấy bậc thang gỗ ở góc nhà, đã trông thấy bốn năm cô nằm ngổn ngang, ngay đầu sàn. Trước mặt tối om, suýt bước qua mà không biết. Đến lúc trông đã tường thì thấy có cô ngủ, cô cởi trần, cô mặc coócsê. Có cô chỉ có cái xi-lip nồng nỗng. Mới vào tự nhiên là thế đấy. Tôi cũng bình tĩnh, chẳng lo lắng quái gì.
Tôi đã quyết rồi.
Các cô ngóc đầu như tằm đợi dâu và reo lên, rồi lao xao hỏi rất ngổ:
- Chú em nào thế này?
Thuý cười:
- Biết rồi còn vờ. Anh đây trông thế mà tài lắm nhé.
- Tài gì nào?
- Tài lấy cái ghẻ.
Lập tức, các cô nháo nhào xông đến trước mặt tôi và cả mấy cô xoè tay cùng một lúc "Anh nhể cho em con cái... Anh làm ơn... Em trước... Em trước...". Thế là, tuy mới chân ướt chân ráo, nhưng đã được các cô vật nài, khẩn khoản như thân tình từ bao giờ. Thuý cứ cười nháy nháy mắt nhìn tôi, ý giả Thuý đương đánh giá cho điểm và thấy được bước đầu như vậy là khá thuận buồm. Tôi vẫn tự nhiên, lặng lẽ, bình thường. Bởi vì tôi cũng thạo tìm đường ghẻ ăn trên bàn tay, ở cả kẽ chân, tôi biết nhể cái ghẻ thật.
Sau lúc các cô ồn ào xếp hàng tay để tôi mượn cái đanh ghim lần lượt khêu ghẻ cho cả hai bàn tay năm cô, mọi việc êm ả trong căn buồng nhỏ giáp mái, bí hơi nặng trịch những mùi phấn sáp, mùi biăngtin “Con voi” ba hào, mùi mồ hôi, hôi nách và mùi quần áo trong thay chưa giặt, khai nồng.
Tôi vẫn biết Thuý có quen mấy cô gái nhảy. Hay Thuý trước cũng làm nghề ấy, tôi không biết. Trong con mắt người đói việc, nhảy đầm cũng là nghề làm ăn bình thường. Và khi Thuý nói, tôi nghĩ đến những tiệm nhảy Pagốtđông hay Phêgát, Pécgôla hoặc xoàng ra, cũng Tài Á hay Lục Cảnh ở giữa thành phố mà đêm đêm các cô gái mỹ miều trong ánh đèn xanh đỏ với tiếng nhạc rập rình. Nhưng những cô gái nhảy nhà gần chợ Cột Đèn này không có được cái tốt mã và tốt số (Hay là tại tôi chưa được trông thấy giữa ban ngày một cô gái nhảy nào). Tôi có cảm tưởng các cô này cười cười nói nói đấy, nhưng sau tiếng cười, nét mặt đã ủ ê ngay lại. Cô nào cũng hốc hác hoặc sệ ra, vẻ mệt mỏi. Cô nào cũng già úa. Lúc nãy, họ gọi tôi là "chú em" cũng có lý. Những cô này đích thị gái điếm, không phải gái nhảy. Hoặc có làm tiệm nhảy cũng chỉ đến châm đèn, bưng nước, sai vặt. Chứ ai mà nhảy nhót với các cô nhày nhụa như thế. Nghĩa là, tôi cứ nhận xét chơi thế, trong khi lời Thuý dặn, tôi vẫn đinh ninh. Tôi đương một xu không dính túi, đương định “làm tiền" lại của cô gái làm tiền. Ví với cái giẻ lau tôi cũng chưa dáng, cành cao lá dài đâu mà khen chê ai.
Tôi ngồi đối diện một cô gầy nhất bọn - như cái que đóm lưng cũng cong cong như cái dòm mỏng. Hình như Thuý muốn sắp tôi gần cô khác, nhưng tôi đã ngồi vào đấy rồi không tiện đổi chỗ. Cô này chắc có bệnh gì. Mặt cô xanh lướt:
Cô nói, miệng thở hơi rất tanh và cứ chốc lại nhăn mặt ợ, rồi nắm tay đấm trên bụng áo vài cái. Nhưng tình thế trước mắt cũng không để tôi kén chọn nữa. Con mắt lúc nào cũng giục giã gấp gáp của Thuý. Tôi thấy tôi phải quả quyết làm ngay một việc ghê quá đối với tôi để đáp lại lòng sốt sắng của Thuý.
Tôi nhớ có lần có đọc quyển truyện gì của Muytxê(6) tả cảnh đám đông ngồi ăn hai bên cái bàn, có người con trai tỏ tình với người con gái, người con trai đặt nghiêng chân mình lên chân bạn ở dưới gầm bàn. Nhớ thế, và bắt chước ngay. Tôi đoán ước phỏng ra cái chỗ chân cô gầy guộc ngồi trước mặt tôi, tôi nhẹ nhàng đặt chân tôi xuống.
Ăn ốc bao giờ cũng vui nhộn vì những tiếng húp soàn soạt, tiếng xuýt xoa ớt cay. Các cô nghề này chỉ thích bún ốc.
Chân tôi đã đụng gấu quần nàng. Tôi bèn ý tứ đưa lui lại một chút để đầu ngón chân tôi chạm vào gót. Mọi việc đều xảy ra ngầm dưới gầm do trí óc tôi điều khiển và tưởng tượng làm gì thì mắt tôi cũng không trông thấy, và tôi vẫn điềm đạm húp bát dấm ốc cay. Chân tôi đã chịn mạnh vào rồi mà sao tôi vẫn thấy nàng ta thản nhiên gỡ một lớp bún lá xuống bát. Tôi cứ để yên chân tôi như thế. Cái chân tôi đụng phải mà nàng vẫn lặng im, thế là bằng lòng rồi. Tôi bỗng bàng hoàng nửa mừng nửa sợ như thấy cái giao kèo bí mật của đôi bên đã xong. Rồi cuộc đời tôi sẽ như thế nào, từ đây.
Bỗng nhiên, suỵt một cái, nếu không nhanh tay, tôi đã bị ngã tụt xuống gầm bàn. Cái chân cô kia đột ngột thúc gót một cái mạnh quá. May tôi chỉ để sánh ít nước ốc và cái bàn hơi rung. Khi đó, mọi người chợt cười vang và có lẽ không ai hiểu mình cười gì. Tôi thì tôi đương chín cả người. Tôi nghĩ họ cười tôi Cái cô kia vừa đá ngầm tôi cũng cười như mọi người và cô vẫn tuần tự gỡ từng con bún xuống bát mình.
Từ đấy đến lúc về, tôi câm hẳn, không nói được câu nào nữa.
Vừa ra đến đường, Thuý đã nhận xét:
- Sao trông anh cứ lầm lầm thế nào ấy?
Tôi cười ngẩn ngơ:
- Thuý không biết, suýt chết.
Hôm sau tôi mới kể Thuý nghe câu chuyện ngoắt ngoéo đã xảy ra dưới gầm bàn.
Thuý cười ngặt nghẽo:
- Công tử Hà Nội mà hớ ở là hớ. Hất đi mà lại là bằng lòng, cứ làm bừa nữa đi chứ.
Tôi không tin. Và tôi ơi là tôi, tôi cũng không nghĩ được ra nếu cứ dấn vào thì nên làm những như thế nào. Thuý không bị suýt ngã nên Thuý không tưởng được cái hất cáu kỉnh đã khiến tôi đau điếng cả trong lòng và cả bàn chân.
Nhưng khi nghe Thuý nói thế, trong tôi lại nảy một nhận xét và mong manh một hy vọng khác. Hay là mình đã quặp nhầm chân cái cô bên cạnh, cô khác, không phải cô gầy gầy trước mặt. Nó thế nào chứ mình có thò chân sang đường đột lắm đâu. Có lẽ vậy, vì thấy mặt nó vẫn bình thản, và nó vẫn gỡ bún. Nhầm thật. Nếu thế phải làm lại, một dịp khác, sẽ làm...
Tôi nghĩ loăng quăng xa gần cả đêm. Sáng hôm sau, tôi ra đường sớm. Nhưng không phải tôi đến cái gác gần chợ Cột Đèn để tìm cách làm lại cái quặp chân. Tôi chỉ mạnh bạo lúc nghĩ vẩn vơ. Chưa mấy khi đêm nghĩ hung hăng thế, sáng hôm sau lại đi làm thế được. Trời sáng, tôi có cảm tưởng mặt tôi đã bệch ra vì nỗi lo, và lại tủi thân. Tôi không thể làm thế.
Thuý rất tốt. Nhưng chết thôi, chết thì thôi tôi không thể thảm hại đến vậy.
Tôi lại đi vẩn vơ qua những phố Trung Quốc, phố Đông Kinh, các phố có nhiều cửa hiệu, tôi lại vào hỏi xem có hiệu nào mượn người làm không. Mà trước khi hỏi đã biết khó lòng có. Tâm sự người hỏi việc càng nẫu ruột. Những nhà tây cao đẹp, nhưng cửa đóng, tôi không dám vào. Tôi đã nhiều lần vào hết các hiệu khách ở phố buôn bán. Không còn chỗ mới nào hỏi nữa. Mỗi đêm, nghe tiếng còi tàu thuỷ rống "tun tun" ngoài cảng, như nghe tiếng gọi của hy vọng. Những cái tàu kéo còi chào bến để nhổ neo, niềm hy vọng vu vơ chưa đến đã ra đi rồi.
Từ sớm, bà phán Quý đã bắc ghế ngồi trong nhà chửi vóng ra. Tiếng bà rin rít vi vút trên đầu tường. Lúc đi qua, tôi đã biết thế.
Đến trưa ông phán Quý đứng trước hiên, vén bức mành, nhổ toẹt miếng nước súc miệng ngay trước chân tôi vừa bước tới, rồi nói:
- Này, này? Tối nay mà "vu" còn về đây tụ bạ vô luân lý sẽ có đội con gái đến điệu các “vu" về bóp. Là "moa" có tính làm phúc hay thương người, "moa" bảo trước cho mà biết.
Tôi không trở lại nhà Cần tối hôm ấy. Tôi cũng không nói cho vợ chồng Cần biết tôi đi đâu.
Trong túi không còn một chinh. Nhưng tôi lại trở về Hà Nội. Kinh Kha không kiếm được việc cũng không dám chết ở đất khách, đành cuốc bộ về Hà Nội, Kinh Kha cuốc bộ về...
1970, Hải Phòng
Chú thích:
(1) Tiếng Pháp: hậu vệ bóng đá.
(2) Tiếng Pháp: cẳng chân.
(3) Thời thuộc Pháp, người theo đạo Gia Tô bỉ báng người đạo Tin Lành là đạo giả.
(4) Tiếng Pháp: gái nhảy.
(5) Tiếng Pháp: đại ý là xông vào.
(6) Tiểu thuyết Bệnh thời đại của A. Muytxê.