Tập tự truyện - Tô Hoài

3. Đi làm

Cuộc mít tinh lớn ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5 năm 1938 ở nhà Đấu Xảo, tôi đi trong đoàn những người thất nghiệp. Có chăng băng đỏ, đề như thế hẳn hoi.

Đoàn thất nghiệp chúng tôi đông nhất, dài nhất, rầm rập gấp trăm các đoàn thể có nghề. Nếu các đoàn khác trương các khẩu hiệu đòi lập hội Ái hữu tiến lên nghiệp đoàn - những quyền lợi về tổ chức và chính trị của người thợ, thì đoàn thất nghiệp đòi công ăn việc làm. Thiết thực và cũng thảm thương dữ dội biết bao nhiêu. Đoàn thất nghiệp xếp hàng mười, cứ một khối vài chục hàng lại có một anh đeo băng đỏ. Tôi cũng được đeo cái băng đỏ làm trật tự đầu hàng. Đen ngòm những người là người, dài ngập đầu suốt phố Găm bét ta(1) kéo vào khu Đấu Xảo(2).

Bấy giờ thất nghiệp là một sự vô cùng. Nhiều học sinh còn đi học cũng đi sẵn trong đoàn thất nghiệp như tôi. Mà cũng chẳng lạ. Cái gương tôi đấy, từ lớp học đến thấp nghiệp, tự nhiên như bước trong nhà ra cửa, không có quãng giữa nào khác.

Người ta chẳng thể nhai được chữ ra ăn. Huống chi chỉ có một vài chữ, huống chi ở những làng ngoại ô làm thủ công nghề giấy, nghề dệt lĩnh dệt lụa quê tôi trẻ con đã phải làm giúp nhà sớm. Bởi vậy, không ai thiết cho con cái đi học làm gì.

Dù sao tôi cũng có dăm bảy chữ giắt lưng, khác những đứa trong xóm cùng lứa không hề biết mặt chữ. Cho nên tôi phải xoay cho ra công việc chữ nghĩa mà làm, chứ lại đành chui xó nhà, đâm đầu vào dệt cửi như chúng nó chẳng cần đi học cũng làm được thì nhẻm quá.

Nhưng đào đâu ra việc?

Có người mách nhà sách Tôpanh đương cần người. Tôi chưa nói được gãy gọn một câu tiếng Tây. Học trường Yên Phụ, ở lớp bét được đứng đầu, lên đến lớp nhất thì tôi đội sổ. Có học hành gì đâu? Nhưng cũng không sợ bằng phải làm bài thi ấy. Vào làm nhà in, nhà bán sách cũng phải thi. Đầu bài thi của ông Tây chủ nhà in Tôpanh chỉ độc có một câu hỏi quái quỉ: “Anh thích nhất cô đào chiếu bóng nào? Tại sao?”.

Mấy chục cái đầu hí húi làm bài. Người ngồi chật cả gian phòng rộng, mà chủ nhà in chỉ lấy có hai người làm.

Tôi nghĩ mướt mồ hôi mà không viết được một chữ. Cũng chẳng ân hận gì. Vì đến năm ấy, tôi cũng chưa lần nào được biết cái cửa rạp chiếu bóng, làm sao mà thích được cô đào chiếu bóng nào. Tôi mới chỉ được xem hai bộ phim câm chiếu thí phim Bà Đế, phim Kim Vân Kiều, từ lúc còn bé, ở giữa sân đình làng Thọ.

Những ngày thất nghiệp dài đằng đẵng.

Mỗi phiên chợ, người ta đeo trĩu vai năm bảy chục thước một hai trăm thước hàng đi chợ, nhà tôi có một khung cửi mà cọc cạch dệt ba chục thước lụa một phiên không xong.

Nhà người ta, phiên chợ bán được hàng thì vui, nhà tôi ngày chợ, không sinh chuyện này thì chuyện khác. Hàng ít lại xấu, không đều, mặt hàng gùn gút lên, không ai mua. Thế là xảy ra những trận xô xát giữa bà ngoại tôi và các dì tôi.

Ông ngoại tôi ngồi uống rượu. Cuối cùng, bao giờ ông tôi cũng vác gậy đuổi đánh tất cả. Mọi người chạy tán loạn, đến đêm mới về. Có khi cả nhà cãi nhau vào khi ông tôi chưa uống rượu. Lúc chưa uống rượu, thì ông tôi không nói một câu. Thế là lúc ấy tôi lại thay ông, tôi vác gậy vừa khóc vừa đuổi đánh tất cả. Cũng tạm yên được một lúc. Sáng hôm sau, lại vẫn cãi nhau làm ầm cả xóm.

Cũng đã lắm phen tôi thử xốc vác lo lắng. Tôi quyết làm ăn và dọn dẹp mọi việc trong nhà. Nhưng nhà tôi cũng như người ốm sài mòn không thể chữa khỏi. Nhà tôi còn êm ấm làm sao được, trong khi sự túng thiếu càng gò cổ mỗi con người lại, mỗi người cứ ngày càng bẳn gắt hơn, càng lúc thương lúc ghét nhau, hết sức thất thường.

Vả chăng, sức vóc tôi cũng không ngồi dệt cửi nổi hàng tháng. Nói sao thì cũng là tôi có một ít chữ rồi. Tôi không thể làm thợ dệt. Dệt cửi thì không cần biết chữ và chẳng bao giờ cần học hết lớp nhất. Dù tôi biết rằng với dúm chữ ấy, bây giờ chạy chọt một chân hương sư dạy trẻ con trong xóm cũng không được.

Nhưng tôi vẫn hy vọng một cái gì khác cái thoi giắt đít của những đứa đi dệt cửi mướn.

Tôi vào thành phố lang thang lẩn thẩn suốt ngày đêm không muốn về. Đêm khuya chỉ còn sương xuống ẩm vai áo.

Những đàn chuột chạy rào rào qua mặt đường, trút xuống cống. Đến gần sáng, tai nghe đồng hồ quả lắc đánh liền liền cùng giờ tường nhà này sang tường nhà khác suốt dãy Hàng Ngang, Hàng Đào đóng cửa im ỉm. Dần dần trời sáng, thế là qua một đêm.

Trong quyển Sách dạy 40 nghề ít vốn của Thư quán Nhật Nam xuất bản có nói đến nghề đánh máy chữ. Sách bảo học ba tháng đã có thể thành nghề.

Tôi đi học đánh máy chữ ở căn gác một góc phố gần chợ Cửa Nam.

Lớp học đánh máy, một cái gác ngoài ọp ẹp mươi cái máy chữ, đặt thành ba hàng. Mỗi người đến học, mặt ai cũng vậy hễ ngồi vào bàn, cứ đăm đăm hầm hầm, không dời mắt khỏi cái máy. Họ cố học vì xót tiền. Mỗi buổi một giờ, mỗi tháng mất một đồng hai. Chạy tiền học đánh máy một tháng gần bằng lo suất thuế thân cả năm, phải tập cho nó ra nhẽ đồng hai bạc. Dạy chúng tôi đánh máy, một thày người còm nhom mặt choắt chéo như hai ngón tay kẹp. Tuy thày có để hai sợi ria nhọn ngạnh trê trên mép, nhưng trông chỉ buồn cười và thật khó biết thày ấy chạc tuổi bao nhiêu.

Nhìn ông thày lần thứ hai, tôi nhận ra hai cửa tay áo ông ta đã sờn tròn và cái múi cà vạt đen nhờn bóng mồ hôi chỗ tay nắn. Bộ quần áo “phô tích xo”(3) là thẳng nếp. Giữa lưng áo đã bị ăn mấy vết mực tím - chắc lại mấy ông học đánh máy đánh dấu xem thày có mấy bộ đồ thay đổi. Tuy thày ấy bé và gầy, nhưng vẻ mặt đạo mạo, trịnh trọng, không nhếch mép cười bao giờ. Lại hay nói tiếng Tây, cái chúng tôi ghét nhất là cứ hết giờ, ai còn đánh dở vài dòng, ông ta như cái máy biết đi, lạnh lùng, lẳng lặng đến khoá tách ru lô lại rồi vẫy tay ra hiệu cho người đứng đợi ngoài cửa, - những người học lớp giờ sau chen ngay vào.

Tôi tập ở cái máy ngoài cùng - vài hôm sau mới biết dãy bàn máy ngoài cùng này cà khổ nhất. Ba cái máy tồi hạng bét dành cho người mới tập. Chiếc máy chữ như cái cũi mèo lụ khụ cao to, lại như cái trạn gácmănggiê chẳng nâu chẳng đen, đã tróc hết sơn. Năm đầu ngón hai bàn tay tôi chỉ mới một ngày ấn một hàng chữ a z e r mà đã sưng vù. Người ta bảo thoạt đầu tập đánh năm ngón, đừng mổ cò, cố chịu đau thì sau sẽ đánh được mười ngón, mới có thể đi thi đánh máy nhanh nhất Đông Dương tranh chân thư ký đánh máy phủ Toàn Quyền. Lời an ủi tưởng tượng ấy nhiều chua chát với tôi, hơn là sự thật.

Tôi nghĩ tôi khó lòng học được đánh máy. Mới vài hôm mà đã chối lắm, thấy mình quả tối dạ và chân tay vụng về.

Tôi ước tính không thể ba tháng, như trong sách bảo, mà phải nhiều tháng, hoạ may mới leo được vào hàng trong, được tập những cái cùm máy nhẹ hơn. Mà chạy tiền được ba tháng ăn học đã là quá rồi. Trong khi ấy, mỗi sáng sớm thò tay xuống mặt bàn chữ, rợn như châm kim. Những cái chân con chữ cao quá, ấn xuống đau thót đầu ngón, mà nào nó có chịu tụt xuống hết cỡ cho.

Cái tay tôi - mỗi ngày phải quật một giờ vào máy, chỗ đau chưa kịp dịu, đã phồng hơn hôm trước. Hai người ngồi bàn máy cạnh, đại để cũng như tôi. Một anh quấn giẻ vào ngón tay rồi ngồi ngắm nghía, nhăn nhó, chốc chốc rón rén mổ một phát rồi lại im. Nhưng rồi chợt nhớ ra, sốt ruột vì một phút một tiền, anh lại cắm cổ, bặm môi đập, đập, đập ráo riết, đập... Cái máy chữ rên lên thình thịch... thình thịch... cái máy chữ... cái máy chữ, ôi cái cùm máy chữ, nó đích thực là cái cùm máy chữ. Cái máy chữ già lão cũng khổ. Chúng tôi đập nó, nó rền rĩ thình thịch... thình thịch...

Nhưng băm bổ cũng chỉ được một chốc. Đau quá, anh đứng phắt lên, văng ra:

- Tiên sư nhà máy!

Chửi xong, tưởng thế nào, lại hầm hầm ngồi xuống, lại nhăn, lại đập, đập gò cả hai ngón út, cho đúng “phương pháp mười ngón”. Biết làm sao, mỗi phút là một tiền. Và có nghề đánh máy thì mới có thể thấy được công việc làm, những công việc tốt có lương tháng đương chờ ngoài kia.

Tiếng chuông leng keng báo hết loạt một giờ tập. Thày máy chữ lắc chuông. Suốt giờ, chỉ thấy thày đi bách bộ, bây giờ lắc chuông. Dạy mình thì mỗi hôm chẳng bảo quá hai lần. Cái anh đau tay lúc nãy, tuy đau, nhưng nỗi tiếc của còn đau hơn, anh mắm môi hí húi, đập máy.

Thày máy chữ lừ đừ đến thò tay đóng máy. Anh kia đứng phắt lên, lưng khum khum, trợn ngược mắt, hai nắm tay buộc giẻ to xù giơ ra, làm kiểu đánh “bốc”. Anh sừng sộ:

- Mày nói gì nào?

Thày máy chữ lý nhí. Anh ấy quát to:

- Này tiếng Tây! Này tiếng Tây? Vulêvu đờ la bốc avếc moa(4).

Anh ta tiến lên, đưa nghiêng đầu gối giữ thế thủ, rồi giơ tay quạng thày máy chữ. Cứ mỗi nhịp câu “này tiếng Tây” thày lại ăn một cái quai hàm. Thày lểu đểu, thày chẳng có mấy nả sức, thày ngã chúi xuống. Tiện đầu gối, anh ấy hất đổ luôn cái máy. Những người xung quanh xôn xao, như đã tức sẵn, xông lên, đánh đòn hội chợ. Ông thày chưa kịp ngóc đầu cứ kêu váng: Ối, ông đội xếp ơi, kẻ cướp, kẻ cướp...

Phần tôi, tôi cũng cúi xuống cái cùm máy chữ, tôi lẳng nó lăn chiêng xuống sàn. Bao nhiêu thù ghét, bao nhiêu căm giận, và cay đắng của nỗi cùng-thì-làm-người-đội-trời-đạp-đất mà sao khổ ải thế, những oán hờn đâu đâu, chúng tôi trút vào cái máy khốn nạn, trút cả vào lão thày máy chữ ma tịt...

Tôi quyết phá cái máy chữ rồi tôi cũng cho lão thày bắng nhắng một quai hàm, một quả tống đích dáng vào mạng mỡ.

Giữa lúc ấy, từ buồng trong bước ra, một mụ lặc lè, mặt xam xám như mặt những mụ béo ngồi trước những thúng nhòi đổi tiền ở cửa chợ Đồng Xuân. Mụ hất cái mành lửng. Hằng ngày mụ vẫn ngồi từ trong buồng ấy trông ra. Bước chân vào nhà này, mắt mũi chăm chú luôn sáu mươi phút vào máy chữ, tôi không để ý có người ngồi trong ấy.

Mụ rít:

- Này anh ba, anh biết điều thì chắp tay lạy sống các ông ấy đi, không có thì tôi tống cổ anh ra khỏi nhà này ngay lập tức.

Mặt thày dạy máy chữ xám đen như cái mặt sàn gỗ. Hai con mắt, vì sợ quá, đã trắng bóng lên như mắt mèo. Không không phải thày sợ những người học đánh máy vừa choảng thày, mà trông hai con mắt thất kinh và thấy thày lồm cồm bò dậy đứng run phần phật hai ống quần nhìn bà chủ, đến nỗi quên cả chống đỡ những người còn xông đến đánh mình thì chúng tôi hiểu sự thể đau khổ thế nào rồi.

Lập tức, quang cảnh khác ngay. Tôi động lòng nỗi đau đớn của ông thày. Cả cái anh buộc giẻ vào tay đã đánh quai hàm thày, bây giờ cũng ỉu mặt xuống. Những người khác đứng xa, có người đã lủi ra, nhường chỗ cho bọn đến học giờ sau đương đứng ùn lại ngoài hiên vì cuộc ẩu đả trong này..

Tôi không ngờ trên thày lại còn có cái bà chủ béo mà chắc chắn bà không biết đánh máy chữ tý nào. Tôi đâm ra thương thày máy chữ.

Mọi người lẳng lặng xuống thang gác trong tiếng quát chửi thày máy chữ của bà chủ mỗi lúc một hung hăng, không biết té tát đến bao giờ và còn xảy ra việc gì thêm.

Tôi không đến học đánh máy chữ. Tôi không nỡ nhìn thày dạy máy chữ một lần nữa. Đành bỏ nửa tháng đóng tiền trước.

Ít lâu sau, tôi xin được chân bán hàng ở hiệu giày Bata số nhà 89 phố Hàng Đào.

Những người bán hàng trong cửa hiệu gọi ông quản lý cửa hàng còn trẻ này là cậu Quáng. Người nịnh thì gọi nhẹ nhàng là cậu chủ. Cậu Quáng đẫy đà, mặc sơ mi lụa mỡ gà.

Một bên cổ tay cậu lúc nào cũng xắn, để khoe của, vì tay ấy có quấn cái dây xích vàng. Ngực cậu Quáng đeo một chữ “Phúc”, có lẽ to đến hơn cái bao diêm, cũng bằng vàng. Mặt cậu Quáng trắng bềnh bệch và hơi bệu, nom cậu như người khách lai.

Cậu Quáng thích ăn bún chả. Cứ xế trưa, quãng giờ nghỉ cuối tầm làm, bà hàng bún chả quảy gánh đến, chúng tôi lại bưng vào cho cậu Quáng ba mẹt hai lượt chả miếng, một gắp chả băm.

Cậu Quáng nhận tôi vào làm, xem vẻ không vui, không buồn. Như nhận về loại giày vải đế da lúc ấy không đắt khách nhưng cũng không đến nỗi bán câu dầm.

Ở cửa hàng Hàng Đào có ba người đứng bán hàng. Các anh ấy mặc áo the dài, quần vải ta tàu tàu và đội cái mũ phở.

Bán giày mà mỗi anh lại thắng một đôi guốc mộc. Đấy là ba anh em ruột quê ở Nam Định. Một điều lạ là ba anh em nhà này đều không biết chữ. Họ thuộc mặt mười con số, thế mà ký hiệu mã số giày toàn bằng con số dài dằng dặc. Và họ đã bán hàng cả ngày, đọc số hàng vạn rất thành thạo.

Người anh Cả, gầy kheo khư, mắt toét, lúc nào cũng hó háy, nhìn lên. Anh xấu mã, nhưng có duyên. Anh chạy đi chạy lại, từ giá bày giày tới ghế khách ngồi, anh thử giày, rồi gói, rồi đưa hàng, rồi nhận tiền. Ngày nào anh cả cũng bán được nhiều nhất. Chỗ anh Cả bán cứ như có ma khôn đưa khách, khách chỉ vào đấy. Anh đứng đâu thì y như rằng khách đến chỗ anh. Ngoài số giày bán mà cửa hiệu đã quy định, ai khéo bán bội lên thì được thưởng tiền hoa hồng. Anh Cả bảo tôi: “Chú là người có chữ nghĩa, cứ chịu khó vài hôm thì thạo ngay đấy mà”.

Nhưng thật ra cái vốn liếng dăm ba chữ cộng với sự bỡ ngỡ lóng ngóng của tôi khi cầm đến đôi giày cho khách thử lại là trò cười, làm mọi người thương hại.

Hàng ngày, tôi nhờ các anh dạy những ký hiệu bằng số giày to, giày bé, giày da, giày vải, giày màu nâu hay màu đen.

Ví dụ: từ số 5 trở xuống mà hàng cuối là giày trẻ con. Số 4 hàng hai là chỉ giày da. Số 6 màu trắng, số 8 màu ghi. Và vô vàn các con số rắc rối nữa. Các anh ấy vừa bảo tôi vừa chế nhạo: “Chữ của chú cất kho à?”. Chữ nghĩa của tôi không để làm gì trong công việc thế này thật. Chẳng bao giờ tôi có thể bán hàng nhanh và khéo như anh Cả. Chẳng bao giờ tôi được lương, được hoa hồng bằng anh Cả. Buổi trưa nghỉ, chúng tôi ở lại cửa hiệu. Anh Năm chạy sang Hàng Buồm mua một gói lá sen tú ụ thịt lợn quay và xá xíu. Tôi vờ đi chơi, lỉnh ra ngồi Bờ Hồ, mở gói cơm nắm với cua mặn ra ngoạm. Làm sao mà tôi bằng được họ.

Cơ chừng cậu Quáng cũng thấy tôi vụng về. Tay chân tôi cứng quều, và tuy tôi đọc thạo con số, nhưng lại hay quên. Hoặc vì cớ gì khác tôi không rõ, cậu Quáng đã sai tôi làm kèm một việc chẳng dính gì đến nghề bàn giày.

Cậu Quáng bảo:

- Bây giờ anh còn đương tập bán hàng.

- Thưa vâng.

- Việc bán hàng dễ mà lại khó. Nó như nghề thợ mộc, có bắt đầu từ phó nhỏ rồi mới thành phó hai, phó cả. Phải từ từ. Tôi cũng bán hàng mãi rồi có tiền ký quỹ mới lên được ông chủ.

- Thưa vâng.

- Phải ngoan, phải kiên gan, đừng nhấp nhổm nóng đít. Đấy anh Cả, anh Năm, anh Sáu kia, làm năm bảy năm rồi mà cũng chỉ mới biết bán. Tôi đứng cửa hàng trên mười năm mới thành ông chủ, anh biết không?

- Thưa vâng.

- Tôi khuyên anh chịu khó, sai việc gì làm việc ấy. Người ngoan ngoãn thì ai, cũng mến.

- Vâng ạ.

- Thế này nhé.

- Vâng.

Thế này nhé, anh cứ bán hàng như mọi hôm. Nhưng từ giờ anh phải đứng góc này. Khi có khách đông, anh không cần phải bán. Tôi sẽ chia thêm tiền hoa hồng cho anh. Đã có các anh Năm, anh Sáu đứng trong. Còn anh phải để ý kỹ đến những người ra vào. Lúc bề bộn là lúc lắm kẻ cắp, lúc ấy ông phật cũng như con ma. Phải trông từng người một, trong nách trong bụng có thu thu cái gì không.

- Vâng ạ.

- Vắng khách thì anh cũng cứ đứng đấy, anh để ý ra cửa. Lại có việc khác.

- Vâng ạ.

Cậu Quáng cười:

- Là tôi nói để anh để ý sang cửa nhà bên kia phố. Cái nhà bán tơ lụa trước cửa hiệu mình ấy.

Tôi còn ngơ ngẩn chưa hiểu cậu Quáng đã lại tươi cười cắt nghĩa mạch lạc, vui, rành rõ, cứ xưng xưng như lúc chào bán giày:

- Các cô bên ấy mê cậu Quáng lắm. Nhưng sức cậu Quáng chỉ kham nổi một cô thôi. Đấy, đấy... cái cô Bích mặc áo dài lụa Vân lại vừa lượn ra. Nỡm chưa, cứ ưỡn ẹo ra liếc trộm người ta cả ngày. Mê gái tốn tiền lắm. Bô xu hay vắt cổ chày ra nước thì không chơi được. Bắc thang lên hỏi ông giời. Đem tiền cho gái có đòi được không. Anh đứng chỗ này, vừa trông hàng vừa trông sang bên ấy, lúc nào thấy cái cô Bích áo dài lụa Vân ra cửa thì anh huýt sáo khẽ một tiếng cho ở trong này tôi biết chừng.

Lần này, tôi không buông nổi một nhịp “vâng ạ” quen miệng. Vì tôi hiểu mọi công việc cậu chủ đương giảng cho tôi nghe ấy là vào cái loại công việc của bọn bồi xăm dắt gái, của thằng hề đồng của chàng Kim Trọng trong vở Kiều cải lương mà tôi là người tập bán hàng, lại kiêm cả những việc thằng bồi xăm và thằng hề đồng, cậu Quáng dặn thêm:

- Còn việc nữa.

Tôi khe khẽ thở dài, lặng im.

- Đây là việc làm ăn trong nghề. Vào làm ở đây, anh phải học cho thuộc nền nếp làm ăn và sự tích gốc gác hãng giày Bata. Ai cũng phải thế. Ông chủ người Tây Tiệp là chúa hay hỏi vấn đáp bất thình lình. Phải cố học. Còn như ăn cơm nhà Bata thì phải hùn vốn cho hãng và thuộc sự tích hãng, bất kế ai cũng phải thế.

Từ hôm ấy, tôi đâm ra nhiều việc phải nghĩ.

Bán giày thì anh Cả và các anh Năm, anh Sáu thạo quá. Học hết được các mánh khoé của họ cũng còn khuya, tôi chưa thể thạo ngay thế được. Vậy phải từ từ, như cậu Quáng nói. Nhưng trước sau gì rồi cũng học được.

Còn việc huýt sáo ra hiệu cho cậu Quáng biết mỗi lần cô Bích ra cửa hàng thì cũng dễ. Chắc cậu Quáng tưởng tôi lù đù nên sai tôi việc này. Nhưng chỉ vài hôm thôi, tôi đã đánh giá được cái mối tình một vế có thể tính thành đồng xu đồng hào của cậu Quáng ấy rồi.

Toà nhà sâu tun hút trước cửa hàng bên kia là một nhà giàu sụ, kiểu nhà giàu lâu đời ở Hà Nội. Chiều thứ bảy, ô tô về đậu đầy hè. Con cháu họ, những tri huyện, tri phủ các tỉnh về chơi. Mấy cô gái cấm cung tuy tuổi tác cũng có phần hiu hiu rồi, nhưng giá các cô có ế thật, mà bố mẹ họ phải gả bán hạ giá đến thế nào, chắc cũng chẳng phần đâu đến cậu Quáng hiệu giày, dù cậu đã nạm vàng ở ngực và cổ tay.

Tôi trông cậu Quáng, đã thấy giàu, đã thèm, thế mà đem đối chiếu với nhà trước cửa vẫn rõ ra một sự chênh hàng mấy con sào. Cho nên, nghe cậu Quáng dặn việc, tôi cũng dửng dưng, tôi không giận, không xấu hổ, không thiết tha. Cái thế của tôi không tiện bày tỏ niềm vui ra làm sao cả. Và thế là hôm ấy, mỗi lần cô Bích ra cửa, tôi lại chúm miệng khẽ huýt một cái. Chẳng ngượng nghịu, cũng coi như mình vừa đi đường vừa huýt sáo chơi mà thôi.

Lần thứ nhất, tôi huýt.

Cậu Quáng xổ ra. Cô Bích vừa bước lên chiếc xe nhà kiểu “Ô mích” sơn đen lùn tịt. “Người mê cậu Quáng” ấy không biết cậu Quáng đứng trơ mắt ếch ra ngó theo cho đến lúc cái xe bóng nhoáng lẫn vào đám đông xuống phía Bờ Hồ. Các anh Cả anh Năm, anh Sáu lại nhìn tôi, nháy mắt. Họ đã tỏ tường cái mê gái của cậu Quáng. Trông vẻ mặt tinh nghịch và cái bĩu môi của họ, tôi hiểu trong bụng họ đương nghĩ đũa mốc chòi mâm son. Có lẽ cũng chẳng đặc biệt riêng cho tôi, chắc anh Sáu, anh Năm đã nhiều phen làm chân huýt sáo báo hiệu cho cậu Quáng như vậy.

Rồi mỗi lần cô Bích áo lụa Vân ra cửa, tôi huýt sáo, lại coi như mở màn kịch mà trong đó kẻ buồn người vui, người hồi hộp và riêng tôi hay buồn vẩn vơ, khi thấy anh Cả nói mỉa cậu Quáng, tôi lại nghĩ thương hại cậu Quáng. Cậu Quáng chủ hiệu trả lương tôi và có quyền thải tôi mà còn có những người không thèm để cái đuôi mắt tới, rồi mọi kẻ ăn người làm đều cười cậu, chửi cậu, tôi cũng lạ và lại đâm ra bùi ngùi cho sự hớn hở của cậu ta.

Còn chuyện học sự tích làm giàu của nhà Bata cũng là việc hàng ngày. Tôi chăm chỉ đọc. Có cả quyển sách in nói về việc ấy Tôi đọc như đọc truyện, thuộc ngay, cũng dễ dàng thôi.

Tôi học thấy dại khái rằng ở bên nước Tiệp, chủ nhất hãng giày Bata bây giờ là cháu nội ông Bata ngày trước. Đại chiến thế giới 1914-1918, ông tổ Bata nghĩ ra nhiều kiểu giày đi êm chân lính. Rồi ông được đấu thầu giày lính của nước Tiệp và cả nhiều nước châu Âu đương đánh nhau. Thế là ông trở nên nhà triệu phú, được khắp nơi suy tôn là vua giày, có cửa hiệu bán giày trên năm châu, nổi tiếng ở nước Tiệp và cả thế giới.

Tôi lại phải học cho biết vua giày Bata giàu sụ mà cũng lắm mẹo vặt thần tình. Cái tên nó đặt là giày Bata cũng chẳng phải tiếng dân tộc nào ở nước Tiệp. Nó chỉ là cái tiếng đặt ra cho dễ đọc, người không biết chữ dễ nhớ, người bất cứ nước nào, chỉ cần biết mặt chữ cũng đọc ngay được, trẻ con mới bập bẹ đã đọc đúng. Còn cái giá hàng nhà Bata bao giờ cũng lẻ 9 hoặc lẻ 1, cùng lắm lẻ 5. Mua đôi giày đồng chín người mua không nghĩ đến sắp mất hai đồng. Và nếu giá đôi giày là năm đồng mốt, người ta cũng coi như nó chỉ quanh quẩn năm đồng. Triệu phú mà láu vặt, giỏi thật.

Tôi lại phải học cho biết hãng Bata có một đội tàu bay riêng để tải hàng, có mấy cái tàu bay sang trọng để ông chủ đi kinh lý các cửa hàng trên toàn cầu. Ông chủ Bata có cả một thành phố nhà máy làm giày, thành phố Zlin ở nước Tiệp. Nhiều nước, như nước Pháp, ông chủ Bata cũng có nhà máy. Tư sản Pháp hùn vốn, thế là giày Bata vào nước Pháp và thuộc địa Pháp chỉ trả thuế theo hàng nội địa, không phải thuế nhập khẩu. Cái giày vải Bata làm ở Pháp. Cái giày da là giày Bata làm ở Tiệp. Hãng Bata có chi nhánh trên khắp trái đất. Tiền lãi nó thu chẳng cần biên giới nước nào. Trụ sở chi nhánh ở Hồng công và Tân gia ba có chân rết cửa hàng ra khắp các nước Viễn Đông. Ở Đông Dương, từ Huế trở vào, cả Sài Gòn và Nông Pênh, thuộc chi nhánh Tân gia ba, Hà Nội và Viêng Chăn thì sở chính đóng ở Hồng công.

Tôi lại phải học cho biết cả đến một nhân viên bán hàng còm mạt hạng như tôi tháng chỉ được sáu đồng bạc lương lĩnh xé ra làm bốn lần, tôi cũng “được” vua giày Bata bên nước Tiệp cho phép “vui lòng” hàng tháng trích phần trăm tiền lương của tôi để góp vào vốn cho hãng, làm giàu cho hãng chính. Cứ đến kỳ lĩnh hơn một đồng bạc lương của tuần lễ sau cùng, ông Xá chánh kế toán lại khấu của tôi năm xu để đóng góp vào quỹ hãng Bata bên tận thành phố Zlin nào ở nước Tiệp xa xôi. Hàng triệu con người làm nhà Bata trên thế giới đều bị vui lòng hùn vốn thế. Người ta cắt nghĩa đấy là tiền của thợ góp vốn vào nhà máy, rồi sau này thợ cũng thành chủ và khi về hưu có lương hưu to? Ở bên nước Anh bây giờ đã có nhiều thợ có cổ phần thành chủ - trong sách lịch sử nhà Bata bảo thế. Những chuyện xa quá với tôi.

Được ba tháng, tôi rời cửa hàng cậu Quáng, về cửa hàng giày ở phố Hàng Khay - chỗ hiệu ảnh Quốc Tế bây giờ.

Ông chủ nhất người Tiệp thấy tôi võ vẽ tiếng Tây bèn cho xuống bán hàng dưới ấy. Đây là một cửa hàng sang, nhà lát đá hoa và khách hàng phần nhiều là tây đầm.

Tôi đi khỏi Hàng Đào, cũng như khi đến, chẳng gây xúc động gì cho cậu Quáng và mọi người. Cậu Quáng cười cười bước ra, giơ cái cổ tay có chiếc xích vàng choé. Tưởng cậu tiễn tôi, kỳ thực mắt cậu ấy lạc sang cửa nhà cô Bích và cậu ấy cố chìa cái xích vàng cho cô ấy trông thấy. Ba anh em nhà bán hàng vẫn thế. Con mắt toét nheo nheo của người anh Cả. Vẻ mặt ái ngại nhìn tôi của người em út. Họ vẫn nửa thương nửa chế nhạo tôi, mặc dầu tôi đã được lên làm việc ở cửa hàng chính.

Quả thực, cửa hàng này nhiều khách sang. Những người bán hàng đều ăn mặc lịch sự, thắt “nơ” hay đeo cà vạt cẩn thận. Không ai đóng áo the, đi guốc gỗ mộc như các anh dưới Hàng Đào, như tôi.

Cái khó nhất cũng không phải chỉ có một việc ấy. Đến chỗ mới, tôi lại phải có bài học mới. Bài học nghề là cách đi giày, cách buộc dây giày và gói hàng cho khách - khách sang trọng phần đông là người nước ngoài.

Cửa hiệu Hàng Đào lắm khách, nhưng khách tạp, chỉ mua giày vải. Dưới Hàng Khay toàn khách nhiều tiền sắm giày da.

Một “bà đầm” khệ nệ bước vào. Bà đến thẳng ghế ngồi kê chân lên, đợi thử. Tôi chạy vào dãy bầy giày nữ. Có đến hơn ba chục kiểu giày nữ bốn mùa khác nhau. Nếu tôi giỏi biết lựa ý khách, tôi chỉ mới bưng ra một thứ có thể bà khách đã ưng liền. Biết bao giờ cho tôi được cái giỏi ấy. Tôi không thế biết cách nào, tôi cứ cầm hộp văng mạng ra.

Bà khách nọ muốn thử đôi giày trắng da “pô đờ đanh” gót thót có một hoa nhỏ viền đầu mũi mà tôi vừa mở hộp giơ cho bà xem. Bà toét miệng cười bằng lòng. Tôi hồi hộp quá.

Bây giờ đến cái khó thử giày.

Tôi ngồi chiếc ghế đẩu thấp nhỏ trước cái ghế bành khách ngồi. Tôi đã được anh Cả ở Hàng Đào dạy cho cách bán và thử giày cho Tây đầm. Phải ngồi ý tứ, khép nép và ky nhất, không được cúi xuống, nhìn ngược váy. Bà khách đã từ cái ghế bành tựa lưng, giơ thẳng bàn chân nung núc sang miếng cao su đệm nghiêng trước ghế tôi, để cho tôi, tay cầm sẵn cái đót nhẹ nhàng đặt giày xuống, khéo sao cho cái đót chưa đụng đến gót mà chân khách đã lọt êm vào chiếc giày thử, khéo sao bàn tay dường như chưa mó đến cái cổ chân béo hay gầy, trơn mịn hay mụn lở của khách mà đã thử xong. Rồi cách buộc dây giày chéo cánh bướm mà không tụt, cách dứt sợi dây gai buộc gói hàng cho gọn như không. Đây là những việc quan trọng của nghệ thuật bán giầy mà hai bàn tay lẩy bẩy của tôi lúc nào cũng ngần ngại lắm.

Và cao hơn nữa là cách tán, gạ khéo léo đến độ dù giày chật hay giày rộng, dù mép có vướng chai chân mà khách cũng phải thích mua. Tài nghệ đến thế thì vô cùng.

Tôi chưa dám mơ màng chút nào tới nghệ thuật cao siêu vậy. Tôi còn ở mức lo đưa giày cho khách ưng, thử giày, thắt dây giày, dứt dây gai buộc hàng. Mới chỉ vài cái vặt ấy đã làm tôi lo rũ cả người ra và chỉ trông chờ ở may rủi nhiều hơn.

Tôi càng phục ba anh em bán hàng ở cửa hàng Hàng Đào. Tôi đâm ra oán tay chân tôi vụng dại. Tới mà đi bán giày thế này từ những năm trước, ví như tôi bỏ học từ năm lớp ba lớp tư mà đi bán giày, chắc giờ tôi cũng đeo cà vạt, thắt nơ, mặc quần tây là cứng nếp, đứng bán hàng chính giữa cửa hiệu.

Tôi lúng túng và tủi thân.

Một hôm, bà chủ hiệu giày - chủ hiệu giày Hàng Khay là một bà, bà Hiếu gọi tôi đến bàn giấy.

- Tôi bảo anh nhé.

- Vâng ạ.

Tôi hồi hộp. Tôi mang máng một điều không may đương chờ. Tôi ngợ lại có một việc lờm lợm tương tự việc cậu Quáng bảo đứng huýt sáo ngoài cửa cũng nên. Cứ lo lắng cho cái thân phận mình bấy lâu, tôi đâm ra có thói quen mê tín hay đoán, hay xem tướng. Trông nét mặt, dáng người hoặc chuyện với ai mà câu đầu đã ngắc ngứ vớ vẩn, tôi cảm thấy là sái rồi.

Lúc này, nét mặt bà chủ nghiêm lắm. Làn da trát phấn mà vẫn nhợt nhạt, cặp môi bà đỏ dữ.

- Thường ngày anh mặc quần áo ta?

Tôi không hiểu bà Hiếu hỏi thế là ý thế nào. Tôi không trả lời được. Bà lại nói:

- Thôi thế anh lại cứ mặc áo ta như thường ngày. Ở đây tây thì ra tây, đừng mặc thế này mà bẩn mắt khách hàng của tôi. Mà cũng không phải vì anh mặc áo ta mà tôi đuổi anh đâu!

Tôi ngượng quá, chắc trông cái quần tây tôi đi mượn, bà Hiếu chán lắm.

Chỉ vì tưởng lên đây phải mặc tây nên tôi mới phải cố thế.

Cái thắt lưng lỏng, lúc lúc lại tụt, lại phải xoay người, núc lại. Gấu quần đã xổ hết, lại lấm và lướt mướt - thật bẩn, thật không lịch sự với khách và có lỗi với bà chủ.

Đến lúc về nhà soi gương, tôi mới biết tôi còn phải xấu hổ cả vì hai cái tai cổ áo. Nó vốn là áo cánh, dì Niêm đã nhanh chóng biến thành áo sơ mi, chỉ việc khâu vào cổ áo hai cái tai vắt vẻo.

Rồi tôi cũng không đậu lâu ở cửa hàng phố Hàng Khay.

Vì tôi ăn mặc làm bẩn mắt bà chủ hay vì bán hàng vụng cũng không biết. Tôi chỉ biết tôi được gọi về làm ở bàn giấy hãng ở phố Giăng Sô le - Hàng Bông Thợ Nhuộm. Làm cậu ký thì có vẻ, nhưng không được tiền hoa hồng như đứng cửa hàng.

Công việc bàn giấy ở hãng của tôi khá buồn tẻ.

Bàn giấy hãng có ông Xá chánh kế toán, ông Dị chánh thủ kho, ông phó thủ kho và một lũ phụ kế toán, phụ quản trị, cái kho và lão Tây đen gác kho. Ông Xá có cái xe nhà sơn cánh gián đi làm. Chắc ông ấy giàu, mà nom ông ấy gầy nhom. Thỉnh thoảng, ông hay khạc ra đờm lẫn máu quệt vào một mảnh giấy, xong ông giơ lên nhìn tận mắt rồi mới vứt vào sọt rác. Ông bảo không phải ông ho lao. Còn ông khạc ra máu vì bệnh gì thì không biết.

Khuất trong nách tường ngoài phòng, đối mặt vào một cánh cửa đã đóng đinh vít kín, tôi ngồi vào một cái bàn ở trong xó.

Hôm mới về làm ở sở chính, tôi đã thấy đầu bàn có một gã trạc tuổi tôi. Nhưng mặt nó sừng sỏ, đen rám. Bên thái dương, có một cái sẹo to bằng đồng bạc đồng. Thoạt trông cũng biết là một thằng bướng. Nó ngồi làm theo kiểu mà không bao giờ tôi dám bắt chước.

Hai chân Long ghếch ngược lên, cao hơn cái máy tính như hai cái cọc. Lưng Long ngả ra như người nằm. Một tay Long đen đét vỗ muỗi, một tay Long ung dung và trễ nải y cái máy cộng. Giống muỗi trong xó tối bụng vằn, to lắm, đốt đau như người ta châm diêm làm “muỗi Sà goòng” vào bẹn.

Hàng ngày ông Độ phụ kế toán đưa cho Long một chồng những giấy chi chít lòng bòng từng cột số. Long làm việc phụ của ông phụ kế toán, cả buổi chỉ có việc ngồi quay cái máy cộng. Cộng chưa khớp con số đúng thì cộng lại. Nó cởi trần rút chân xuống. Tưởng Long mải làm, nhưng Long hạ chân vạch đùi ra, bẫy muỗi đến đậu để đập cho khoái tay.

Việc càng túi bụi, Long càng làm mọi cách cho ung dung.

Nó bảo: “Phải thế chứ? Mày bắt ông khổ suốt đời vì cái thằng Bata à?”. Long còn dạy tôi quay máy, đưa tôi cộng hộ để nó chống tay lên má ngồi ngủ mà không ai biết.

Tôi đến sớm, tưởng Long cũng đến sớm. Nhưng tôi ngồi hì hụi làm một lúc vẫn chưa thấy Long. Lệ đi làm ở sở Tây rất chặt. Đi chậm giờ phải phạt tiền, có khi bị đuổi, tôi ngỡ nó ốm. Tôi lại ngỡ nó láu cá, xỏ tôi, bắt tôi đến trước làm hộ.

Bỗng nghe ngoài cánh cửa vẳng tiếng gõ “cạch, cạch”. Rồi tiếng gọi khẽ: “Mở cửa tao. Nhấc cái đinh ra? Nhấc sẵn rồi đấy? Nhấc ra?” Tôi kéo nhích bàn rồi hạ cái máy cộng và sổ sách xuống. Thì ra cái đinh vít cửa đã tụt nõ từ bao giờ. Long đã nạy sẵn.

Từ đấy, chúng tôi có cái cửa bí mật, thật tiện. Không cần qua cửa chính, chúng tôi thay nhau đi muộn. Không cần lo đi làm trễ bị Tây đen gác cửa kho hay bô báo, cứ trông giờ muộn cúp lương.

Việc của tôi khác Long. Tất cả việc tôi nằm trong một đệp dầy những chiếc bìa cứng. Vác hai ba vác bìa lên bàn, chồng đống, lấp cả mặt, vẫn chưa hết. Mỗi ngày tôi ôm ngoài bàn giấy vào từng tập các thứ báo ta, báo Tây, báo Tàu, báo Anh ở Hà Nội, ở Hồng công. Tuy nhiều báo các thứ tiếng vậy mà công việc tôi chẳng dính đến chữ nghĩa nào cả. Hễ số báo nào đăng quảng cáo của nhà Bata (nhận ra, vì thấy hình vẽ hoặc ảnh đôi giày và chữ Bata) thì tôi cắt ô quảng cáo ra, đề ngày tháng lên mép giấy rồi dán vào tập bìa. Hết bìa này bìa khác, ngày nào cũng có báo mới, ngày nào cũng cắt và dán dán hàng chục quyển dầy cộp, để gửi đi Hồng công, để gửi về nước Tiệp, đại khái biết thế.

Cắt và dán vậy không cần khéo tay, tôi không phải học ai. Chỉ riêng nấu hồ dán, Long dạy tôi một mẹo. Buổi sáng tôi đi lĩnh bột, cho muối vào, đun một xoong hai thằng cùng ăn như ăn bánh khoái. Đến xoong thứ hai mới cho phèn vào bột, xoong ấy mới là hồ dán.

Tiếng ve mùa hè kêu long óc trong hàng sấu âm u quanh cái vườn cây nhỏ tựa lưng tường nhà Hoả Lò trước mặt tôi.

Công việc càng nhạt nhẽo, nếu không thỉnh thoảng có ông chủ Tiệp ở trên gác xuống bảo đi lấy quần áo giặt hoặc sai dắt con chó của ông ra ỉa đái ngoài vườn hoa.

Việc tôi làm không gấp rút gì cả, tôi thường được ông Độ phụ kế toán cho đi lấy, đi đưa đồ giặt là và dắt con chó lài ra vườn hoa ngửi cỏ.

Đi lấy quần áo thì dễ, nhưng lại tay xách nách mang, rất lỉnh kỉnh. Thường một tay bưng chồng nệm trải giường, khăn bàn, khăn tắm, cả sơ mi và quần áo ngủ, một tay cầm nạm mắc quần áo, trên treo từng bộ. Tôi cứ phải giơ thẳng cánh tay lên như bà vãi cầm phướn đi cầu ở cái đám ma, đám rước tháng bảy.

Dắt chó thì tôi đã có phép. Con chó tây này cao lêu đêu ngang lưng tôi. Suốt ngày nó bị nhốt trong xó cạnh nhà tắm, chỉ khi chủ dắt đi chơi mới được theo. Hôm nào chủ không đi, tôi phải giải chó ra vườn hoa ngay trước cửa, cho chó dạo vài vòng ngửi cỏ và cho khỏi cuồng chân rồi chó ghếch chân đái vào gốc cây.

Tôi cứ cầm hờ hờ cái xích dong con chó đi. Giống chó hãm cũi thường hung hăng lắm? Tôi khiếp con chó hãm cũi. Coi chừng! Chó có thể cắn lòi mỡ, què gãy ngay lập tức. Nhưng tôi đã có mẹo của tôi. Tôi định hễ con chó nổi giận sắp độp tôi thì tôi buông mẹ nó cái xích ra. Cho nó chạy đâu thì chạy, còn tôi sẽ ra sao thì ra. Tuy vậy, con chó to mà lại đần. Việc tôi lo không xảy ra lần nào.

Dần dần những công việc sai bảo trên đâm ra buồn chán cũng không gợi hứng thú thay đổi chút nào cho tôi. Mà càng tẻ nhạt, mỉa mai, chua xót.

Rồi ngày ngày còn lại đối với tôi và thằng Long, hai con người thừa ngồi trong xó nhà và quả là chúng tôi chỉ thấy cuộc đời ở đâu ngoài đường phố, chứ không phải ở xó tổ muỗi này.

Hình ảnh quyến rũ khơi gợi nhất đối với chúng tôi vẫn là ông còmprado của hãng. Ông còmprado đi chào hàng tên là Cung. Ông chạy hàng xách, không lương, sống bằng tiền hoa hồng. Chào bán giày, đặt giày ở hiệu tạp hoá các nơi. Luôn luôn đi, ông Cung quanh năm đi chào hàng các tỉnh ngoài Bắc - không vào Nam, vì trong Nam, các cửa hàng thuộc chi nhánh hãng ở Tân gia ba, đã có bao nhiêu còmprado khác.

Ông Cung cắp cái cặp da màu nước dưa đã cũ, toạc cả bốn mép, trong đựng mươi đôi giày vải cùng ít sách quảng cáo kiểu giày. Ông Cung thắt cà vạt đen, đeo kính đen, như kiểu cách ăn mặc thời ấy của những người hay chơi chua, coi đời không bằng nửa con mắt, cà vạt và kính đen để tang cuộc đời.

Mỗi lần về hãng, quần áo nhầu bẩn, đôi giày trắng đen xỉn và sờn lỗ ngón út. Nhưng sự xuất hiện của ông Cung như một làn gió đổi mùa. Tất cả những cái xấu xí nghèo túng ở mẽ ông, từ nơi xa xôi nào đến trong con mắt tôi, trở thành sức lôi cuốn khác thường.

Những kẻ chưa bước chân đi đâu bao giờ như tôi, đã trông thấy trên người ông Cung những thứ không ai trông thấy. Cặp kính đen bí mật, vẻ khinh khỉnh, cũng như đôi giày thủng vẹt gót giang hồ hay tờ giấy đi dường của ông Cung nộp cho sở để lấy lộ phí ứng trước, bao nhiêu tên thị trấn, tên thành phố bao la “gió bụi dọc đường” mà tôi thèm biết. Chúng tôi mơ ước được thấy Hải Dương, Hải Phòng, được đi Móng Cáy hay tới Luang Prabang, Viêng Chăn, Tà Khét trên bờ sông Mê công và thị trấn Sầm Nưa trong rừng thẳm, mà ông Cung chào hàng vừa ở đấy về đây. Mới nghĩ đã thích rồi.

Long hoan nghênh cái thích ấy theo cách riêng. Một hôm Long đến bắt tay tôi.

- Tớ đi đây.

- Đi đâu?

- Vào lính.

- Đi lính? Sao lại đi lính?

- Đi cho nó biết đó biết đây.

Long không nói nhưng tôi biết Long còn đói khát lần hồi hơn cảnh tôi. Trả lời chớt nhả và mỉa mai thế thôi. Long tính phải làm bước liều hơn sống mòn mỏi thế này. Rồi Long có vào lính hay không, vào lính chào mào khố đỏ hay khố xanh chân chì không biết. Cũng không bao giờ tôi gặp lại Long.

Ngoài kia, khắp nơi trên đất nước đâu đâu cũng nhốn nháo đổi thay. Long đã bỏ đi rồi. Chỉ còn một tôi ngồi lại.

Không đi muộn được vì không ai mở cửa hậu hộ. Không ai nhìn đến tôi, tự mình cũng cảm thấy người ta càng coi mình rẻ rúng hơn, vì mình không đủ can đảm bay nhảy đi đâu (ít nhất cũng như Long). Cho nên mới đành phải chịu ngồi đóng đinh câu rút trong cái xó này.

Ông chánh kế toán bảo tôi đi các tỉnh tính sổ đại lý. Đại lý nhà Bata đặt ở những hàng tạp hoá tại nhiều tỉnh. Lệ thường, thỉnh thoảng có người của hãng đến tính sổ hàng bán được, xem xét giày xấu, giày hỏng, để loại ra bán “xon” rồi thu tiền gửi nhà băng ở đấy.

Tôi ra bàn kế toán xem qua loa cách tính sổ, làm anhvăngte. Rồi nhiều lần đi Hải Dương, Thanh Hoá, Vinh và Móng Cáy. Nhưng chỉ đi tính sổ ít lâu, tôi đã thấy tất bật chán ngắt. Ô hay, dạo trước chỉ mong được bay nhảy như ông Cung còmprado, bây giờ được đi như ông Cung, mà sao tôi lại vẫn nhớ một ông Cung giang hồ nào đó như con bướm mơ hồ kia.

Mỗi chuyến đi, tôi cắp bọc quần áo, xách một lô báo Tiểu thuyết thứ bảy mua ở cửa hàng sách cũ, nhà Hương Sơn phố Hàng Bông. Những số báo Tiểu thuyết thứ bảy năm ngoái năm kia, từ số 1, số 2 ra năm 1933, khi tôi còn mài đũng quần ở lớp ba trường Yên Phụ. Báo đã hỏng, mất bìa, rách ruột, nhà báo đem bán cân làm lề giấy. Mua báo cân thì rẻ chỉ kém vui là phải đọc chậm vài năm trở ra. Báo mới, báo cũ cũng thế thôi, tôi mải mê đọc, không để ý điều đó.

Trên tàu hoả tốc hành đi Vinh hay trong khoang tàu thuỷ Tây Điếc đi Móng Cáy, qua đường đồi Đồng Giao tràn lan cỏ tranh hay vào vùng bể Bái Tử Long đêm trăng sáng, tôi nghiến ngấu hàng chồng báo Tiểu thuyết thứ bảy bán cân.

Không phải tôi ham những chuyện tình nước mắt mộng sầu của Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng hay cái “xã hội ba đào ký” của Nguyễn Công Hoan, mà tôi mải đọc Hoang Giang nữ hiệp, in đều kỳ ở báo. Bởi tôi cũng đương viết truyện “kỳ tình võ hiệp”. Tôi muốn xem cách người ta làm truyện kiếm hiệp thế nào. Tôi còn học cách viết “trường thiên ái tình tiểu thuyết” chống xã hội của Chàng Sếu (Nguyễn Đức Quỳnh) đăng trên báo Loa mà tôi thích nhất chương “Bọt bể”, nhật ký của người lính thuỷ.

Tôi vừa viết xong một truyện võ hiệp. Viết theo lối nửa Thuỷ Hử, nửa Càn Long du Giang Nam. Đúng ra là tôi bắt chước truyện kiếm hiệp ba xu một số, quyển Người đẹp mài gươm của Tân Hiến và truyện Gươm cứu khổ mà tôi mê từ hồi học trường Yên Phụ. Các tay kiếm khách giang hồ của tôi không phép thuật hoang đường. Truyện của tôi có quán rượu có đánh chén, có trọng nghĩa khinh tài, các kiếm khách nhảy từ trên gác tửu lâu xuống đánh nhau, rồi nhận nhau, rồi kết nghĩa, hẹn nhau cùng đi trừ gian làm phúc cho đời...

Tôi không nhớ cuốn truyện kiếm hiệp của tôi tên là Tráng sĩ Rừng Thông hay Sơn Lâm hiệp khách nhưng tôi nhớ đã viết nhiều đoạn giang hồ mãi võ trong lúc tôi còn ngồi dán quảng cáo giày Bata lưu trữ ở góc buồng bàn giấy, từ hôm vắng Long.

Tôi đem bản thảo quyển Tráng sĩ Rừng Thông đưa cho cửa hiệu nhà thuốc Đại Quang dược phòng phố Hàng Ngang.

Năm trước tôi đã đọc truyện Gương vỡ lại lành và vở cải lương Kiều đi Thanh Minh in trong sách quảng cáo của các nhà thuốc Nhị Thiên Đường, Đại Quang dược phòng. Tôi chưa nghĩ đem truyện đi đăng báo, đăng báo chắc khó. Tôi đoán đưa in kèm ở các sách quảng cáo thuốc có thể dễ hơn.

Một chú khách xệ bụng, áo may ô trắng, quần ngủ kẻ sòng sọc, đứng trong quầy hàng, bốn phía tủ gương choáng lộn, hỏi tôi:

- Mua gì?

- Tôi gửi chú cái này.

- Cái gì?

- Cái quyển in sách quảng cáo.

Nửa tháng sau, tôi lại qua phố Hàng Ngang. Vẫn chú khách béo bệu nhợt nhạt ấy. Trông thấy tôi - gớm, chú khách nhớ thế, chú rút ngay cuốn truyện vẫn cuộn tròn nhét ở khe tủ, và nói:

- Cái “lày” không được, cái “lày” không được đâu.

Không hiểu vì sao không được, không bao giờ tôi hiểu.

Rồi ông Xá chánh kế toán lại không cho tôi đi các tỉnh làm sổ. Chỉ vì số tiền đi đường đã quy định cho người đi tính sổ, tôi thường tiêu mức nhiều nhất. (Là bịa thêm ra vài ba hào để mua báo bán cân) có thằng Sửu ở bàn giấy cũng đi làm sổ thế nhưng tiêu ít hơn tôi. Thế là tôi bị thằng Sửu đoạt mất chân lông bông các tỉnh.

Nhưng tôi cũng không phải trở về ngồi xó buồng dán giấy lưu trữ quảng cáo... Tôi đổi sang chạy đi tính sổ cho các hàng tạp hoá bán kèm giầy Bata ở Hà Nội. Có độ mươi nhà. Mỗi đại lý có vài chục đôi giày, hàng tháng đảo qua, lên sổ một lần, nhoáng một cái đã xong.

Tôi đi dong phố cả ngày. Thì giờ nhiều nhất tôi cuốc bộ lên ngồi dưới bóng những cây sấu âm u, trong tiếng ve sầu ảo não vườn Bách Thảo. Tôi lại đọc những tờ Tiểu thuyết thứ bảy bán cân, đọc báo Loa, xem truyện Sống mà yêu, tiểu thuyết ái tình chống xã hội của Chàng Sếu. Đọc hết lại nghiền lại Không phải vì thích, mà chỉ vì không có báo mới, mà tôi thì lúc nào cũng khát đọc.

Ông chánh kế toán gọi tôi:

- Ông chủ cho anh xuống làm cửa hàng Nam Định.

- Nhưng tôi không có tiền ký quỹ.

- Cứ đi! Hãng đương cần. Cũng là dịp may cho anh.

Chao ôi, thế là tự dưng mà tương lai tôi có thể bước tới chỗ của cậu Quáng chủ hiệu Hàng Đào, của bà Hiếu sang trọng cửa hàng Hàng Khay. Tôi sắp được đi làm chủ cửa hàng Bata ở Nam Định. Người quản lý cũ, lão Quế, là một gã chơi bời. Lão ta ăn cắp bằng cách đánh tráo sổ sách. Sở chính biết mà chịu. Chỉ có cách đuổi lão đi.

Nhưng tôi cũng chỉ có số ở Nam Định làm chủ hiệu chưa được nửa năm, rồi lại lủi thủi về. Chỉ vì, mỗi lần, trên sở chính xuống soát sổ, khám hàng, thấy trong giá nhiều hộp giày chỉ còn một chiếc. Người ta làm biên bản. Tôi ăn cắp giày hay người quản lý cũ? Cái tội tôi đã vô ý, những cái hộp đựng một chiếc giày ấy vẫn thế, lúc nhận bàn giao của lão Quế tôi chưa đếm đến. Nhưng tình ngay lý gian. Hay vì tôi bán hàng bị mất cắp. Hay vì sao, vì sao... Tôi chỉ biết thế là tôi mất tong chân chủ hiệu hờ và phải về nai lưng ra đi làm đền.

Tôi về Hà Nội, ngày ngày đi làm. Tôi không được ở bàn giấy nữa. Tôi phải phạt, phải vào làm kho, khuân vác nhặt nhạnh, cũng từa tựa cu-li kho. Mỗi tháng sáu đồng tiền lương, chủ Tiệp trừ ba đồng. Có lẽ phải vài ba mươi năm mới hết nợ.

Ông chánh kế toán bảo tôi:

- Anh ăn cắp hay anh mất cắp, người ta không biết, không cần biết. Đằng nào thì hãng cũng mất của. Nhưng ông chủ không bỏ tù, lại cho đi làm trừ nợ, thế là phúc nhà anh to lắm.

Ông ấy kể suýt nữa ông ấy cũng phải vạ. Vì đã có công bầu chủ cho tôi. Ông chánh kế toán cốt cho tôi hiểu cái tử tế của ông chủ, ông ấy không đánh tôi, ông ấy chỉ vặn tay tôi một cái và tôi không bị tù. Tôi may lắm, nhờ được ông kế toán, che, đỡ cho. Nhưng tôi cũng hiểu cứ tháng bị khấu nghiến đi nửa lương thế, phải bao nhiêu năm nữa mới đủ bù hết nợ chỗ tiền giày hụt. Không biết rồi làm thế nào?

Ngày lại ngày.

Tôi vùi đầu trong kho. Bên trong cánh cửa nào cũng toàn những đống giày xếp chất ngất áp trần nhà. Giày ôi là giày mùi cao su, mùi hộp giấy của các loại giày cao su, giày vải giày dế kếp, giày nhựa giả cao su, giày da, giày giả da, giày than đá giả da, dầu lửa giả da, miên man các thứ giày đang dìm người ta chết ngạt trong những nhà kho dài như con đường hầm tức hơi kín bưng từ bên phố Hàng Khay đâm sang phố Ca-rô. Những người cu-li vùi mình nằm ngủ lén trong đống giày chẳng khác những người chết đói trên đống rác.

Giày ôi là giày, thế nhưng ở giữa lù lù những gò giày, núi giày, cái hơi sơn, hơi da, hơi thuốc kỳ quái và những hàng con số, những chữ lạ lùng, tôi lại nhìn ra trong bóng mờ mờ ngập đầu, hiện hình những đất nước và sông núi xa xôi quá. Tôi thấy thành phố Zlin tấp nập thợ đóng những đôi giày khổng lồ phải đến ba bốn người trèo lên mũi giày mới khoan được một lỗ kim để xỏ dây khâu, kỳ quái như trong truyện Du ký Guylive, thành phố Zlin bên nước Tiệp có những khoảng trời xanh và những cột ống khói phun ra cả nghìn vạn đôi giày.

Không bao giờ có thể tưởng được ngót ba mươi năm sau có lần cái người làm công hạng bét cho hãng Bata ở xó xỉnh Đông Dương này tôi được có dịp đặt chân đến thành phố Zlin thủ đô giày, có trường đại học giày ở nước Tiệp.

Những ý nghĩa và tưởng tượng vừa kỳ quặc, vừa đau khổ những truyện thế giới đại đồng rất say sưa hồi trước, bấy giờ chúng tôi lại ngồi kể lại với nhau trong cái kho giày tối om.

Bởi vì tôi gặp lại trong kho giày nhiều anh em thợ, những phu khuân vác có chân Ái hữu thợ giày hồi phong trào Bình dân. Chúng tôi nghiễm nhiên coi như đã hiểu nhau, mặc dầu trước kia không quen biết. Chúng tôi cảm thấy những chuyện thế giới đại đồng bây giờ mờ mờ như chuyện cổ tích, không còn sôi nổi như năm trước. Xã hội tương lai của người ta ở đâu trước mắt chỉ thấy chiến tranh tứ phía rồi ai cũng cảm thấy và không biết còn nhiều chìm nổi đến thế nào.

Một hôm, tôi đương dọn kho, vớ được tờ báo Đông Pháp. Tin nói bên Tây quân Pháp đương đánh nhau với phát xít Đức ở vùng chiến luỹ Maginô. Tin từ bao giờ mà tưởng mới hôm qua.

Tôi bâng khuâng, mừng mừng lo lo. Chiến tranh lan rộng nghĩa là một cái gì đổ vỡ, đổ vỡ lung tung, có thể làm tan biến những cái tù túng, cái khốn khổ khốn nạn này. Có lẽ thế. Có lẽ thế.

Từ dạo còn ở dưới Nam Định, tôi đã thấy ban đêm có bóng đèn xanh phòng thủ, có tàu bay bay tuần, thế mà ở đây có thay đổi gì đâu. Cuộc đời trong kho hàng cứ ngày một rúc ráy... Một tháng trừ nợ ba đồng, mất đứt nửa lương.

Tôi ngao ngán quá. Một chiều kia, tôi quyết trốn khỏi cái kho giày phố Hàng Khay hắc xì mùi cao su và mùi giày hộp.

Tôi bỏ việc. Nhưng tôi chỉ bỏ việc được mấy ngày, rồi lại loanh quanh lẩn thẩn nghĩ “Không có ba đồng một tháng đưa cho nhà thì cũng chết dở, thế là tôi lại lù lù đến. Hôm ấy tôi mới thấm cái lo của người mất việc. Ông chánh kế toán đẩy tôi ra tận thềm hè, xua xua tay:

- Tôi xoá sổ lương anh rồi. Ông chủ mà trông thấy bây giờ thì anh tù mọt gông. Anh còn phải ra toà nữa. Cút ngay đi!

Thế là tôi mất việc, có khi còn phải ngồi nhà đá nữa. Hai chữ “mất việc” rùng rợn ùng ục trong đầu. Đầu tiên tôi không dám nghĩ rõ ra thế.

Không phải ông chánh kế toán doạ tôi. Mà lão Tây Tiệp chủ hãng còn gửi giấy đòi tiền và báo sẽ đưa ra toà vì thiếu nợ. Bấy nhiêu lâu tôi làm nhà Bata, có góp vốn sang tận Tiệp cho hãng chính mỗi tháng năm xu trừ vào lương cẩn thận, mà tôi cũng chưa tường hẳn mặt lão chủ Tây Tiệp ở đây. Cái thư doạ bỏ tù ấy là kỷ niệm cuối cùng.

Tôi không sợ. Tôi không sợ bị kiện bằng sợ mất việc. Tôi đương phải đối phó trăm nghìn cái lo khác, chỉ vì mất việc.

Bởi vì sự thực là đương mất việc rồi.

Cái lúng túng nhất là mất việc mà không dám nói với ai ở nhà. Vẫn đóng vai đi làm, ngày hai buổi vẫn đi đều.

Ngày ngày, tôi cuốc bộ vào thành phố, tha thẩn các vườn hoa. Tôi xem kiến bò đến tận hôm tôi có thể phân biệt rạch ròi ra từng loại kiến xây tổ khác nhau. Quả sấu từ ngày rụng mắt cho tới khi vàng vàng, quả sấu chín. Nước phun ở vòi và nước phun ở mõm con cóc ra có khác nhau tý nào không. Tôi ngồi chơi cách cái lưới sắt với hổ, với khỉ. Nhìn ông hổ nhe răng gầm ghè mà không làm gì mình được. Tôi thấm thía người ta đặt tên cho người thất nghiệp lang thang là thằng “xỉa răng cọp”. Có lần tôi trông thấy người thắt cổ buông chân lơ lửng trên ghế xi măng ở vườn Bách Thảo. Tôi đứng xem cái xác một người đàn bà mặc áo the dài trẫm mình chết nổi dưới những tàu lá sen Hồ Tây, cho đến lúc người ta khiêng đi.

Ở vườn hoa Con Cóc, vườn Canh Nông, vườn Bôn Be vườn Đầm Xoè lượn lờ ngồi cả buổi cả ngày thì chỉ có là mật thám hoặc người thất nghiệp mới thong dong ngoài đường vào lúc đương giờ làm như thế.

Tôi lại muốn viết truyện kiếm hiệp. Nhưng trong lòng bối rối không yên. Có hôm ngồi cả buổi trên đỉnh cái núi đất vắng vẻ trong Bách Thảo cũng không viết được một chữ. Thì giờ trống rỗng, không nghĩ ra điều gì, cũng không đọc được. Dần dần chỉ còn chồng chất lại những lo sợ, những hốt hoảng không đâu. Nhưng lo thế nào cũng chẳng nảy ra đồng tiền và chẳng đổi khác nổi những ngày rỗi rãi đằng đẵng đi được.

Buổi chiều ấy tôi vừa về đến nhà, ông lý Sùng đem tờ giấy sức gọi tôi lên hầu phủ.

Cả cái xóm nhỏ xôn xao. Quan phủ có trát đòi việc gì.

Đến chỗ công môn bao giờ cũng chỉ là có chuyện bất trắc - xưa nay vẫn thế. Bà ngoại tôi đã lại kêu khóc lu loa lên rồi. Có người ngờ là giấy bắt lính. Có người đoán: dạo trước bên Tây đánh nhau, bên ta cấm các hội Ái hữu. Bây giờ quan phủ mới bắt những đứa trước làm Ái hữu lên hỏi tội.

Tôi cũng băn khoăn tất cả các việc ấy như mọi người.

Nhưng tôi lại cũng không nghi ngờ gì cả. Tôi đương như người trôi sông, không còn sức quẫy, trôi đến đâu thì trôi.

Vào đến phủ Hoài, mới biết là giấy sức gọi lính thật. Bây giờ, các nơi đương bắt lính sang Tây. Lính khố đỏ, lính “bị ban”(5), lính “thợ không chuyên môn” lũ lượt kéo đi đã nhiều chuyến rồi. Chuyến này gọi đến người có học lớp nhất ra đi lính “thợ không chuyên môn” ONS, ôenet.

Mấy chục người các làng trong phủ đến. Quan phủ ra vừa hiểu dụ vừa rũ tay:

- Trên tỉnh bảo tôi sức giấy gọi các anh, chứ tôi chẳng biết việc gì đâu nhé. Đây là việc quan giám binh. Các anh có muốn kêu cầu thì vào tỉnh mà xin quan giám binh. Không muốn đi, người ta cũng tha về thôi. Không có việc gì ở đây.

Xe ô tô vận tải có lính áp giải chúng tôi đi ngay. Không ai để ý những câu thoái thác mập mờ của tri phủ Nguyễn Hữu Trí ấy đâu. Có lẽ người ta đã nhàm với cách quan dưới sợ việc đổ cho quan trên và quan ta quan Tây đẩy việc như thế rồi.

Vào đến tỉnh, vừa bước chân xuống bãi cỏ, đã thấy ông Tây giám binh ria vểnh cầm chiếc roi da, từ trong cổng bước ra đến trước mặt, tuôn một tràng tiếng Tây, tôi nghe đại khái:

- Các anh vào lính đương lúc Nhà nước cần. Dịp tốt cho chúng ta bày tỏ lòng biết ơn Tổ quốc Đại Pháp. Và cũng là một cái may. Ở Đông Dương bây giờ kiếm việc làm không phải dễ. Các anh ra đi, khỏi mắc nạn thất nghiệp, khỏi phải về quê làm ruộng. Các anh có chữ, các anh sẽ được làm thông ngôn. Thông ngôn là một nghề có tương lai. Các quan An Nam ngày trước xuất thân đều làm thông ngôn cả.

Nói xong, lão giám binh vểnh ria, đi thẳng. Mọi người bị lùa ra ngoài sân đứng xúm xít ăn bữa cơm nhà binh đầu tiên thổi bằng chảo, thức ăn chỉ có thùng nước xuýt luộc lòng và muối trắng.

Hôm sau, nhà thương Hà Đông vào khám sức khoẻ.

Người ta đồn chiều mai đi ngay Hải Phòng. Một tuần đợi dưới Phòng rồi xuống tàu thuỷ sang Tây. Cứ rối rít cả lên.

Tôi gầy quá. Hai bên mạng sườn vêu vao như sườn tượng ông Phật “nhịn ăn” trên chùa, nhưng tôi vốn gầy thế thôi.

Ông “đốc tờ” bắt tôi cởi trần ra. Mới chỉ nghiêng mắt kính lên nhác nhìn tôi, ông ta đã cúi xuống, đánh cái gạch chéo chì xanh vào hồ sơ. Tôi đoán thế là tôi được loại.

Nhưng tôi tò mò và tinh nghịch hỏi:

- Gạch chì xanh thế là tôi vào loại gì ạ?

Lão “đốc tờ” già, có bộ ria “ghi đông” nhọn, bỏ kính ra:

- Mày hỏi ai? Thằng này ở đâu nhâng nháo vào đây?

- Thưa ông...

- Ông cái tiên sư mày à?

Một người thì thào vào gáy tôi:

- Bẩm cụ lớn... Nói đi...

Thật tình, tôi không biết người ta hàng ngày ở đây gọi lão bác sĩ này là cụ lớn đốc tờ. Làm sao mà tôi biết được người bệnh nào cũng cung kính “bẩm cụ lớn đốc tờ”. Tôi còn ngượng miệng lúng túng chưa nhắc lại được như người ta mách, lão “đốc tờ” đã dồn luôn:

- Mày muốn đi à?

- Không... không...

- Thì tao cho mày đi. Cho chết bỏ mẹ mày!

Rồi vẫn cầm cái bút chì ấy, ngược đầu đỏ lại, lão từ từ khuyên một khuyên tròn thật to lên trên cái gạch chéo ở tờ hồ sơ sức khoẻ có tên tôi.

Tôi bị đưa ra cạo trọc đầu ngay giữa bãi cỏ rồi được phát một bộ quần áo vàng. Cánh tay tôi đeo cái băng vàng. Cái băng ấy chỉ tôi là lính thông ngôn. Người ta chia cho tôi bảy người lính. Một lính thông ngôn cho bảy lính. Không ai bảo tôi hiểu thế, lại cũng không biết có phải thật thế không. Chỉ biết rồi đi Hải Phòng, rồi ở đấy xuống tàu thuỷ sang Tây.

Xung quanh trại lính khố xanh, bên ngoài mấy tầng mắt cáo dây thép gai, lố nhố người kêu khóc, người lách rào đưa nải chuối, gói cơm nếp, lại có người treo lủng lẳng cả cút rượu trên sợi dây thép cho người nhà ra lấy. Trong này ném ra bọc quần áo cuộn tròn vừa cởi lúc nãy, cho người nhà đem về.

Lính khố xanh gác ngay ở bờ rào. Chốc chốc, người cứ xô đến, lính đánh túi bụi. Đám người nhà lại kêu khóc, lại chửi rủa ầm ĩ. Mỗi hôm người kéo tới mỗi đông. Đến tối, thì có hàng nước chè tươi và đám hát xẩm mò ra kiếm ăn. Như cái chợ con quanh đám bị bắt lính.

Một buổi chiều, tôi trông ra, thấy bà ngoại tôi đã chen được vào tận hàng rào dây thép gai.

Thấy tôi, bà tôi gọi to:

- Cháu ơi! Cháu ơi! ông Tây chủ nhà giày có xin được cho cháu về không? Ông Tây chủ nhà giày ấy mà...

Tôi sắp khóc mà phải mếu máo cười. Cái cửa hiệu Hàng Khay, Hàng Đào, cái kho giày kín hơi hắc xì, cái lão chủ Tây Tiệp mà tôi chưa bao giờ tường mặt lắm, cái thành phố Zlin xa vời, cậu Quáng và con chó tây bị hãm cũi. Tất cả, mờ mờ trong đầu tôi. Lâu nay họ có còn vướng víu gì đến đời tôi đâu.

1969

Chú thích:

(1) Phố Trần Hưng Đạo hiện nay.

(2) Khu vực quảng trường 1-5 bây giờ.

(3) Một thứ vải thô, rẻ tiền.

(4) Một câu tiếng Pháp ý là: Ông muốn đánh bốc với tôi không?

(5) Lính bị ban: lính đã giải ngũ, lại gọi ra.