Tào Tặc

Chương 566

Mọi người nghe vậy, ai nấy cũng đều hết sức vui mừng…

Vũ Âm, huyện Giải.

Trong đại sảnh, Giả Hủ đang thảo luận sự tình với Ngụy Diên từ phương xa mới tới.

Hiện nay Ngụy Diên đang trấn thủ Diệp huyện, cùng với Điền Mãn, Hứa Nghi tạo thành thế chân vạc, khiến cho binh mã của Lưu Bị không có cách gì tiến tới thêm được một bước, hai bên tạm thời đang ở trong thế giằng co. Nghe nói Tào Bằng nhậm chức Thái thú Nam Dương, lại cho thiết lập trung tâm hành chính của quận ở huyện Vũ Âm, bất luận xét về công hay tư, Ngụy Diên cũng nên đến thăm hỏi. Về công, Ngụy Diên là Trung lang tướng, còn Tào Bằng là Thái thú, xét cấp bậc thì y là thuộc cấp dưới trướng Tào Bằng. Về tư, năm xưa thành Cửu Nữ có mối kết giao hữu nghị, đến nay đã gần được mười năm. Cho nên, từ sớm Ngụy Diên đã từ Diệp huyện vội tới, muốn gặp mặt Tào Bằng một chuyến…

-Hữu Học tạm lưu lại trấn Trung Dương?

Giả Hủ ngạc nhiên buông tờ công văn trên tay xuống, thần sắc lộ vẻ suy tư.

-Dạ, Tào thái thú cho người đưa tin đến, nói là mùng một tháng giêng sẽ khởi hành từ trấn Trung Dương, đến tối sẽ đến huyện Vũ Âm, chỉ có điều…

-Chỉ có điều cái gì?

-Người của Tào thái thú đang thu mua một lượng lớn lương thực thực phẩm và rượu ở trong huyện thành, khiến thị trường có chút hỗn loạn.

Hơn nữa, Tào thái thú còn ra lệnh cho người đưa hết các đầu bếp trong thành đến trấn Trung Dương, khiến cho lòng người hoảng hốt… Nghe người của Tào thái thú nói, thì Tào thái thú định mở tiệc ba ngày ở trấn Trung Dương, cũng không biết rốt cục là có dụng ý gì. Thái trung, hay là cho người đi hỏi xem?

Giả Hủ đột nhiên bật cười!

-Không cần, truyền lời xuống dưới nói, chẳng qua là Tào thái thú áo gấm về quê, muốn chung vui với bà con mà thôi, không cần lo lắng.

-Vâng!

Đợi người truyền tin lui đi rồi, Giả Hủ mới quay đầu lại, hỏi:

-Ta biết ngay mà, tên tiểu tử đó đúng là ứng cử viên thích hợp cho chức Thái thú Nam Dương.

Ngụy Diên nghe nói ngạc nhiên:

-Lời này của Thái trung là sao?

-Văn Trường có biết là tại sao tên tiểu tử đó lại phải ở lại trấn Trung Dương hay không?

-Điều này… rất bình thường mà.

Đi xa trở về quê cũ đương nhiên là phải ăn mừng. Năm xưa, hồi mạt tướng trấn thủ Hồ Dương, lúc trở về quê nhà cũng cũng bày tiệc rượu chung vui với bà con vậy. Lệ thường khi người ta áo gấm về quê, ai mà không thế?

Giả Hủ lắc đầu, cười nói:

-Nếu chỉ có như vậy, thì ngươi đánh giá Tào Hữu Học quá đơn giản rồi.

Theo ta được biết, tuy nhà hắn mấy đời truyền nối ở trấn Trung Dương, nhưng không phải là gia tộc xuất chúng gì.

Lúc trước ta đã cho người đi dò la qua, rất nhiều người thậm chí còn quên mất cả sự tồn tại của gia tộc họ Tào rồi. Nói thật ra, nếu nói hắn có tình cảm sâu đậm với trấn Trung Dương, thì ta chẳng tin lắm.

Nam Dương, kể từ thời Quang Vũ hoàng đế phục hưng đến nay, đều là vùng đất trọng yếu của Xã Đảng.


Tào Hữu Học đến trấn thủ Nam Dương, đương nhiên là phải nhập gia tùy tục. Theo như ta thấy, việc hắn làm ở trấn Trung Dương, không chỉ đơn thuần là ăn mừng “áo gấm hồi hương” đâu, chỉ e là còn ẩn chứa tâm ý muốn liên kết với Xã Đảng để tạo chỗ đứng nữa đó. Như vậy cũng vừa hay phù hợp với phong tục của quận Nam Dương, chí ít ra thì hắn cũng có được yếu tố căn bản để đứng trụ ở Vũ Âm.

Xã Đảng, là nói về quê hương.

Người xưa lấy năm trăm nhà kết thành một Đảng, mười hai ngàn năm trăm nhà kết thành một Xã, gộp chung lại gọi là Xã Đảng.

Tuy nhiên, trong một số hoàn cảnh riêng, Xã Đảng còn ẩn chứa một ý nghĩa rất đặc biệt nữa… quận Nam Dương là một nơi mà làn gió Xã Đảng hết sức lớn mạnh. Mỗi một vùng đất đều có sự tồn tại của Xã Đảng, mặc dù bị quan phủ quản chế, nhưng lại cơ hồ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của quan phủ.

Ví như Sầm Thụy và Thành Mã hồi trước.

Sầm Thụy lấy danh nghĩa đánh Tào mà thống trị Nam Dương. Thành Mã tuy là mệnh quan triều đình, nhưng lại không cách gì khống chế được Nam Dương, ngược lại còn phải chịu sự khống chế của Sầm Thụy.

Trong đó chính là sự tráo đổi sức mạnh của Xã Đảng, có thể nói Xã Đảng chính là một kiểu “chủ nghĩa địa phương” mà đời sau thường gọi.

Tuy nhiên, phàm là những người đặt chân dựng nghiệp ở Nam Dương, nếu không có được sự ủng hộ của Xã Đảng thì rất khó thành công. Tuy Tào Bằng là người Nam Dương, nhưng dù sao cũng rời đi từ lâu, nên không có căn cơ gì ở Nam Dương, cho nên nếu hắn muốn đứng vững ở quận Nam Dương, nhất định phải có được sự ủng hộ của Xã Đảng. Mà Xã Đảng của Tào Bằng lại chính là nằm ở chỗ Trung Dương Linh, trấn Trung Dương, với sức mạnh của hơn ba ngàn bảy trăm con người.

Tuy nhiên đây chỉ mới là con số thống kê nhân khẩu những người đang sinh sống ở trấn Trung Dương. Trên thực tế, con số những người quê ở trấn Trung Dương ra ngoài sinh sống ở huyện Vũ Âm, hay những địa phương khác còn rất nhiều. Con số này nếu cộng lại thì phải lên đến sáu bảy ngàn người, có thể coi là một lực lượng rất lớn ở huyện Vũ Âm.

Nhưng, do vì từ trước tới giờ, trấn Trung Dương chưa có nhân vật kiệt xuất nào xuất hiện, cho nên nhân số dù đông như vậy, nhưng cũng không đủ để tạo thành một nguồn sức mạnh. Điều này cũng khiến cho địa vị của trấn Trung Dương ở huyện Vũ Âm không được cao. Năm xưa Thành gia có thể hoành hành ở trấn Trung Dương, một mặt đương nhiên bởi vì Thành Nghiêu là huyện lệnh huyện Vũ Âm, mặt khác, là vì trấn Trung Dương không có một nhân vật nào khác có thể chống lại Thành gia.

Cũng giống như kiểu một lá cờ lãnh tụ.

Lại lấy một ví dụ khác, mọi người đều biết, cường hào ở quận Nam Dương rất nhiều.

Nhưng phần lớn những cường hào này đều được sự ủng hộ của Xã Đảng. Ví dụ như nhà họ Sầm và họ Đặng ở Cức Dương. Sở dĩ nhà họ Sầm có thể đè đầu cưỡi cổ nhà họ Bang, là vì họ có một Sầm Khap. Nhưng bất luận nhà họ Sầm có lớn mạnh đến cỡ nào đi nữa, trước sau cũng không có cách gì tống cổ được nhà họ Đặng, chính là bởi vì lực lượng Xã Đảng của nhà họ Đặng.

Nam Dương, từ thời Đông Hán đến nay, có mười cường hào lớn.

Nhưng bất luận là nhà họ Đặng, họ Sầm ở Cức Dương, hay nhà họ Tông, họ Dã ở Nhương thành, phía sau đều có một lực lượng Xã Đảng hết sức hùng mạnh.

Khi xưa, Hạ Hầu Thận ở Nam Dương, tuy năm binh mạnh trong tay, nhưng trước sau không thể dung nhập vào Nam Dương. Nguyên nhân chính vẫn là nằm ở hai chữ Xã Đảng. Trái lại, hãy xem Lưu Bị, sau khi ra ngoài Trấn Dã, đã mãnh mẽ mời chào một lượng lớn nhân sĩ bản địa. Hàn sĩ có Trương Tồn, Vương Liên, cao sĩ có Mã Thị, Ngũ Thường. Lại cộng thêm có Gia Cát Lượng đứng ở giữa điều phối, Tuân Kham ở một bên phụ trợ, cho nên mới có thể có được sự ủng hộ của rất nhiều cường hào…

Mà nay, Tào Bằng trở về Nam Dương, nhất định phải có được sự ủng hộ của một Xã Đảng thực sự đủ mạnh.

Bất luận là việc Tào Bằng chọn Vũ Âm làm trung tâm hành chính, hay việc hắn dừng chân ở trấn Trung Dương, không có điều nào là không nói lên rằng, hắn có ý muốn kết thân với Xã Đảng để tự lập.

Giả Hủ loáng thoáng đoán ra được tâm ý của Tào Bằng, cũng không khỏi âm thầm gật đầu.

Không nghi ngờ gì nữa, Tào Bằng đã thông qua trấn Trung Dương mà truyền đi một tin tức đến khắp toàn quận Nam Dương, rằng: ta là người Nam Dương, ta đương nhiên sẽ coi trọng lợi ích của Nam Dương.

-Có mạt tướng.

-Tào thái thú đã bắt đầu sắp đặt ván cờ, phỏng chừng đã có tính toán cả rồi.

Ta nghĩ, tiếp theo hắn chắc chắn sẽ còn có động thái khác. Bọn ta không cần đợi hắn nữa, ngươi hãy lập tức trở về Diệp huyện, sẵn sàng đợi lệnh. Hà hà, chuyến này chắc Nam Dương sẽ được một phen náo nhiệt đây. Sau khi ngươi về Diệp huyện rồi, phải cẩn thận đề phòng nhất cử nhất động của Lưu Bị.

Ngụy Diên là một người thông minh.

Trên sử sách có ghi, y từng dám bạo miệng nói với Lưu Bị rằng: “nếu Tào Tháo dùng binh để khuynh đảo thiên hạ, thì mạt tướng kháng cự cho chủ công; nếu Tào Tháo thống lĩnh một trăm ngàn đại quân, mạt tướng sẽ nuốt trọn hắn cho chủ công”.


Có thể, sẽ có người cho rằng Ngụy Diên ăn nói ba hoa.

Nhưng, có thể nói ra những lời như vậy, cũng cho thấy bản thân Ngụy Diên là một người rất có năng lực.

Một người có năng lực, thì phản ứng sẽ nhạy bén. Có thể ngay lúc đầu y vẫn còn có chút không hiểu, nhưng cùng với lời nói tiếp theo của Giả Hủ y liền phản ứng kịp. Tào Bằng đang bắt đầu bày thế trận rồi sao? Vậy tiếp theo đây sẽ phải là một trận long tranh hổ đấu rồi, trò náo nhiệt bắt đầu đến nơi rồi!

Đêm đã khuya, nhưng trấn Trung Dương vẫn đèn hoa rực rỡ, ồn ào náo nhiệt.

Khắp trong trấn, nơi nào cũng thấy những ngọn đuốc bằng nhựa thông, chiếu sáng như ban ngày.

Trên con phố dài trước cửa nhà Trần Thức, bày một dãy bàn ăn, to nhỏ lớn bé phải có đến mấy trăm bàn. Rượu liên tục được đưa lên, mấy mươi đầu bếp từ huyện Vũ Âm đến bận rộn không ngưng tay, nấu chín thức ăn, rồi mang lên. Cái gọi là tiệc cơ động, chính là bữa tiệc rượu mà đồ ăn thức uống được đưa lên không dứt. Ngươi có thể ăn no rồi về ngủ một giấc, ngủ dậy lại đến ăn, tóm lại là không có hạn chế gì cả.

Thường thì, tiệc cơ động thường được bày biện khi có việc vui gì hết sức to lớn, khiến gia chủ xuất vốn.

Tào Bằng đương nhiên là một gia chủ giàu có, còn đối với người trấn Trung Dương mà nói, hiện nay Tào Bằng nhậm chức Thái thú Nam Dương, sau này tất sẽ trở thành niềm kiêu ngạo của người dân trấn Trung Dương. Nhà của Trần Thức cũng không đến nỗi quá tệ, có một sân viện lớn, lại còn có cả mấy gian nhà ngang. Tào Bằng đang ở trong sảnh của Trần phủ, không ngớt chúc rượu mọi người. Trong tiệc rượu hắn chuyện trò rất vui vẻ, lúc thì kể lại với mọi người về cuộc sống hồi còn ở trấn Trung Dương, lúc thì lại bàn đến tương lai của trấn Trung Dương. Trong lúc vô tình, việc xây sửa lại nhà tổ Tào gia và nhà của Vương Mãnh đã được sắp xếp thỏa đáng.

-Trương lão!

Tào Bằng bưng chung rượu, cười ha hả đi đến bên cạnh Trương Thành.

Trương Thành là một trong tam lão của trấn Trung Dương, tuy trong lòng thấp thỏm lo âu, nhưng tiệc rượu này lại buộc phải tham gia.

Thấy Tào Bằng bước đến, ông ta bèn vội vã đứng lên, cúi người, nặn ra một nụ cười xun xoe.

-Thái thú đại nhân.

-Ôi dào, ta với lão là chỗ bà con chòm xóm, chớ xưng hô như vậy, nghe xa cách quá.

Những chuyện đã qua thì cứ để cho nó qua đi. Bây giờ cục thế Nam Dương hỗn loạn, ta lần đầu trở về quê hương, vẫn mong được các vị hương thân đồng tâm hiệp lực, cùng nhau xây dựng. Nam Dương của chúng ta, nói thế nào đi nữa cũng là kinh đô thứ hai của Quang Võ hoàng đế, sao có thể để bọn người ngoài chiếm cứ, tác oai tác quái ở đây, đúng không?

-Đúng vậy, đúng vậy!

Trương Thành không khỏi gật đầu lia lịa, những bô lão khác trong sảnh cũng nhao nhao tỏ ý tán đồng.

Những người có thể ngồi trong sảnh này, phần lớn đều là những bậc đức cao vọng trọng ở trấn Trung Dương, hoặc là những người có chút năng lực. Tào Bằng thấy mọi người gật đầu, nụ cười trên mặt càng thêm tươi.

-Vừa rồi, Trương lão nói với ta xin từ chức Tam lão, ta đã đồng ý rồi.

Bao nhiêu năm nay, Trương lão đã vất vả và lập nhiều công lao cho trấn Trung Dương rồi, bây giờ cũng đã đến lúc an dưỡng tuổi già. Nhưng, về việc tìm kiếm ứng viên bổ nhiệm Tam Lão thì vẫn mong các vị quan tâm, cho ta một ứng viên. Không biết Trương lão có đề cử ai không? Để tiểu bối tiện giúp.

Trương Thành sống lâu thành tinh rồi.

Ông ta hiểu rõ, mình năm xưa từng đắc tội với gia đình Tào Bằng.

Đến nay, tuy Tào Bằng không làm khó ông ta, nhưng cũng không có nghĩa là ông ta vẫn có thể nắm quyền quản lý ở trấn Trung Dương.

Ứng viên cho vị trí Tam Lão của trấn Trung Dương tất sẽ có thay đổi. Phụ tá của Tào Bằng là Đặng Chi lúc trước cũng từng nói, là ông ta không thể nào tiếp tục đảm nhiệm Tam Lão nữa. Cho nên, từ trước khi tiệc rượu được bắt đầu, Trương Thành đã đến nhà Trần Thức, thỉnh tội với Tào Bằng, xin từ chức Tam Lão.

Đây là vấn đề thái độ!

Xin từ chức Tam Lão tuy có thể khiến cho địa vị của gia đình Trương Thành sụt giảm.

Nhưng lại có thể bảo toàn gia tộc… Hơn nữa, Trương Thành cũng hiểu rõ, cùng với sự quật khởi của nhà họ Tào, vận mệnh của trấn Trung Dương nhất định sẽ có biến đổi cực lớn. Trước kia, Trương Thành dựa vào vận may, dựa vào gia sản, có thể ngồi vững ở vị trí Tam Lão. Nhưng hiện nay, đã không đến lượt ông ta ngồi tiếp nữa rồi.

So với việc bị Tào Bằng đuổi xuống, thì chẳng bằng chủ động một chút.

Có thể thấy rõ, Tào Bằng có vẻ rất tán thưởng đối với cách cư sử biết điều của Trương Thành.

Cho nên sau khi tiệc rượu được bắt đầu, thái độ của hắn đối với Trương Thành cũng hết sức ôn hòa, có cười có nói.

Tam Lão là một cấp bậc quan viên trực thuộc huyện, gần giống như chức vụ chủ tịch xã của đời sau. Phụ trách kiểm chứng, điều đình tranh cãi, tiến hành giáo dục cảm hóa, đồng thời đảm bảo các khoản trưng thu thuế má. Loại chức vụ như thế này, thường là phải chọn người có nhiều kinh nghiệm đảm nhận. Quyền lợi và nhiệm vụ của chức vụ này, cũng giống như tộc trưởng của một gia tộc. Chỉ có điều, đối tượng của tộc trưởng là tông tộc, còn Tam Lão, lại mang tính chất khu vực rất lớn, phụ trách cả một khu vực.

Trương Thành và các bô lão trên sảnh đường đưa mắt nhìn nhau, trong lòng không khỏi nén một tiếng cười khổ.

Kể từ giờ khắc này trở đi, cục diện rời rạc của trấn Trung Dương sẽ có thay đổi. Từ nay về sau, trấn Trung Dương sẽ được gắn nên dấu ấn đậm nét của nhà họ Tào.