— Tôi đang tưởng tượng ra những “tít” ngày mai trên các báo New York Time, Var Mitin République, Nice Martin Le Meilleur: “Nhà tài chính lớn nhất của Saint Tropez bị bắt cóc ở Đại lộ số 5.”
— Và với sự đồng ý của ông ta - Olliphan cười mỉm nhận xét thêm.
Đôi mắt xanh của hắn rời khỏi tôi để nhìn chòng chọc vào người ngồi bên phải tôi, rồi vào người ngồi đằng trước, cạnh tài xế - người này cũng không thèm quay lại khi tôi bước lên xe, và từ đó đến giờ vẫn giữ một sự im lặng dầy đặc - Lời cảnh cáo của Olliphan gửi cho tôi là rất rõ: “Cẩn thận về những gì anh nói ra trước mặt hai tên này", và có lẽ cả điều này nữa: “Cimballi, chớ có đề cập đến những vấn đề gì khác ngoài nội dung của cuộc gặp gỡ hôm nay, chẳng hạn chớ có nêu tên của Korber lên hay đừng nói với tôi về chuyến đi của anh sang Nam Phi" (mà chắc hắn, Gia Đình phải biết qua tên Korber này). Nhưng có lẽ tôi có quá nhiều trí tưởng tượng chăng, nhất là bây giờ lại đến lượt tôi được hắn nhìn. Hắn tiếp tục cười với tôi:
— Bởi vì chính ông đã đồng ý, có phải không, ông Cimballi?
— Về cuộc đi dạo chơi này ấy à? Tôi mơ ước nó. Tôi có thể đi bằng đầu gối để đến đây kia.
Tôi mệt muốn chết. Trong đêm hôm qua tôi ngủ tất cả không đến một tiếng đồng hồ. Lúc Olliphan gọi điện đến tối qua thì Lavater và Rosen còn đang ngồi với tôi. Vandenbergh và Lupino thì vừa đi ra, tôi chỉ gọi được Vandenbergh và bảo anh trở lại. Và tất cả cùng nhau, chúng tôi đã nghiên cứu trong hàng giờ, hàng giờ những đặc điểm không lấy gì làm phấn khởởi lắm của tình hình: Cùng công nhận với nhau là cú điện thoại của Olliphan và lệnh triệu tập ấy là nằm trong diễn biến của sự việc. Đến nỗi gần như chúng tôi chờ đợi sự triệu tập ấy. Và tôi đã biết ngay từ bấy giờ là Olliphan (và bọn Caltani) sẽ nói gì với tôi. Nghĩa là tôi chờ đợi một tối hậu thư, mà tôi không thể nào vứt bỏ đi được.
Vì cái lý do đơn giản là tôi đã nói dối những người của hãng bảo hiểm, và cả Lavater nữa. Tôi lại ký cả vào một bản khai man, thì tất nhiên tôi đã đưa cho Olliphan cái thừng để treo cổ tôi. Đó là kết luận của Rosen và Vandenbergh, của Marc nữa, cả ba đều cùng lo sợ về hoàn cảnh này. Tôi đã trả lời họ là tôi chưa bị treo cổ. Và ngay cả sáng nay nữa, mặc dầu mệt đến muốn chết, tôi vẫn tiếp tục tin vào những hy vọng có thể thoát ra được.
Để rồi xem.
***
Và người ta đã xem. Chiếc xe đi về hướng Bắc, ngược lên Manhattan, xuyên qua Bronx hướng về New Rochelle, đâm ra xa lộ Nouvelle Angleterre. Chúng tôi đã đi qua lối ra của New Rochelle, Larchmont và Mamaroneck, tôi nhớ đã có lần đến đây đi chơi thuyền buồm với gia đình Rosen. Ở bên trái tôi, Olliphan phá sự im lặng bằng cách nói một mình với cái giọng dễ nghe và có học thức của hắn. Hắn ta nói về mình, tất cả: Nào những kỷ niệm thời niên thiếu, tham vọng đầu tiên trở thành một nhạc sĩ vĩ cầm độc tấu, rồi phát hiện ra rằng mình không đủ tài năng, và sẽ chỉ được cầm đàn trong một dàn nhạc mà thôi. Rồi thì, thời gian trôi qua, và có lẽ để ngăn không cho tôi nói về tôi, hắn ta đi đến chỗ luận bàn về tên Cimballi, về những gì hắn đã đọc được trên các báo chí về cái nhân vật hay ho này từ cái khẩu hiệu đắc thắng I’m Happy (Tôi sung sướng) khi lần đầu tiên tôi đánh bại Martin Yahl về tài chính, cho đến những quảng cáo nổi tiếng trên các màn ảnh truyền hình Mỹ, vào cái thời chưa xa lắm, khi tôi còn đang bị ngập trong vụ kinh doanh cà phê.
— Ông quả là tất cả, chỉ trừ không phải là một nhà tài chính theo ước lệ mà thôi, ông Cimballi. Thực ra, ông có coi tài chính là một lĩnh vực quan trọng không?
— Cũng chỉ như ông thôi.
Anh ta phá lên cười.
— Nói thế là đủ tất cả rồi.
Sự căng thẳng dâng lên trong tôi. Lại căng thẳng hơn nữa, khi xe rời xa lộ vào quãng ngang cái thành phố nhỏ Harrison. Bây giờ chúng tôi đang đi vào một con đường nhánh khá đẹp hai bên san sát những biệt thự lộng lẫy. Chúng tôi đi vào trong một biệt thự này, căn nhà xây bằng đá chứ không phải bằng gỗ, đó là một điều không thông thường. Ở cuối một lối đi dài, sau một bức màn dầy đặc cây cối và bụi rậm, hai chiếc xe khác đã đến trước chúng tôi. Ba người đàn ông đang đi đi lại lại, chờ đợi, họ theo dõi chúng tôi bằng một con mắt bình thản.
— Xin mời đi lối này.
Ba chúng tôi cùng bước xuống, ba người ngồi ở ghế sau, nhưng chỉ có Olliphan và tôi là đi vào nhà. Cửa được mở ra bởi một người chắc chắn là sếp bảo vệ, hắn có một đôi mắt chuột cống, một bộ râu xanh, và những lông mày của một tên đảng viên đảng Carbonari ở Ý.
Tôi tặng hắn một nụ cười tươi. Giết mướn hay nghệ sỹ nhảy clacket đây?
Đôi mắt chuột cống lướt qua tôi dường như không nhìn thấy tôi, trong khi Olliphan mỉm cười trách tôi một cách thân thiện.
— Thôi nào, Ông Cimballi...
Chúng tôi bước vào một gian buồng khách rộng được trang hoàng bằng một lò sưởi nguy nga xây bằng đá bazan. Phần lớn các đồ đạc trong phòng đều được phủ vải che. Có hai người đàn ông chờ chúng tôi. Tôi chưa gặp họ bao giờ nhưng đã được xem các bức hình của họ và nhận ra họ ngay: Joseph tức Jos và Larry Caltani với những bộ mặt của người Sicile, và những bộ quần áo bằng len trải mà giá tiền bằng số cân nặng giấy bạc ngang với số cân của quần áo. Bọn Caltani tiếp đón tôi bằng một cái gật đầu đơn giản, người ta cảm thấy tất cả tình bạn mà tôi đã gây ra cho chúng. Chúng để tôi ngồi vào một chiếc ghế fauteuil trước một màn ảnh nhỏ di động của cinema nghiệp dư. Cũng gần giống như những gì đã xảy ra cho tôi ở Macao, nhưng về mặt hình thể, thì tôi thích nàng Miranda hơn.
Người ta kéo màn che các cửa trông ra vườn và bật một đèn chiếu lên. Hai anh em Caltani, và chỉ có chúng thôi, sẽ tiến hành cuộc bàn cãi, không có Olliphan tham gia vào. Anh ta sẽ chỉ dự như một khán giả, với đôi mắt xanh Ireland bao giờ cũng sáng rực lên trong bóng tối. Cũng thế đối với tên đảng viên Carbonari có đôi mắt chuột cống, người thứ năm ở trong phòng.
— Hãy nhìn đi, Cimballi.
Ngay từ những hình ảnh đầu tiên, tôi hiểu rằng người quay phim phải đứng ở một cửa sổ của một tòa nhà ở bên cạnh Con Voi Trắng (Nhưng không phải sòng bạc của bọn Caltani). Phim đã được quay bằng một ống kính tele từ xa và trên cao xuống: Toàn cảnh đường hào, với ba cửa cấp cứu của hầm chống nguyên tử. Rồi cận cảnh của mỗi cửa với tấm gỗ cắm xuống đất chặn cánh cửa.
— Hết cảnh thứ nhất, Cimballi. Đây là cảnh thứ hai.
Marc Lavater là diễn viên chính. Người ta thấy anh chạy vào vòng chu vi của Con Voi Trắng, ngược chiều với đám đông đã được hình thành gồm có những người bảo vệ mang võ khí, cảnh sát và những người tò mò lẫn lộn. Anh đi thẳng đến đường hào - anh nhấc tấm gỗ thứ nhất lên, kéo nó đi, cố sức nâng nó lên rồi ném ra xa - Lại chạy, và lại diễn lại cảnh đó với tấm gỗ thứ hai.
— Cảnh ba, Cimballi. Cảnh hay nhất.
Hình ảnh và những hình ảnh sau nữa, là cận cảnh của cửa cấp cứu số 1, mà tôi đã sử dụng. Người ta thấy cánh cửa bị tấm gỗ chặn lại, và sau đó tấm gỗ biến đi, cũng cánh cửa đó đang được mở ra. Trong khuôn hình thấy cả Lavater, nhìn đằng lưng, nhưng rất dễ nhận. Thấy hai tay tôi giúp Marc Andréa rồi Heidi nhảy xuống đất. Người ta nhận ra tôi khi tôi vừa chui ra, và bắt đầu nói với Lavater. Một nhà chuyên môn chắc có thể biết được những tiếng đầu tiên của cuộc nói chuyện bằng cách đọc trên môi của chúng.
Nhưng cuốn phim đã ngừng lại một cách đột ngột vào đúng giây phút tôi sắp nói với Marc về tên bảo vệ, tên này không lúc nào thấy xuất hiện trong phim. Cuốn phim được dựng như vậy đã cho thấy rõ là chỉ có một mình Lavater đã can thiệp vào, đã vứt bỏ mấy tấm gỗ và cứu mạng tôi và mấy đứa trẻ.
Tên Carbonari lại kéo màn che cửa và ánh sáng trở lại.
— Ông nghĩ thế nào, Cimballi?
Giọng nói của Jos Caltani rất dịu dàng, và rất dễ nghe. Tôi tìm đôi mắt của Olliphan, nhưng anh ta hoàn toàn thản nhiên. Tôi trả lời:
— Phim hay lắm! Tôi khen phục nhất là chất lượng dựng phim. Một nhà đạo diễn lớn trước hết là một nhà dựng phim lớn! Chính Hitchcock đã nói thế.
Nhưng tôi không thể nào làm trò hề mãi được. Tôi nhún vai:
— Cứ theo như các ông trình bày, thì những hình ảnh này chứng minh một cách không còn nghi ngờ gì nữa, là có người đã tìm cách định giết tôi cùng những đứa trẻ đi theo tôi. Và nếu không có sự can thiệp rất đúng lúc của Lavater, đã không quan tâm đến đám cháy mà đi thẳng đến cửa cấp cứu, thì cả ba chúng tội đã bị chết ngạt rồi.
— Nó cũng chứng minh một điều khác nữa.
Trông thái độ của Lavater không chú ý gì đến đám cháy, người ta có thể tường là Lavater đã biết trước có đám cháy này, và anh ta và tôi đồng lõa với nhau định thi lấy bằng chuyên môn đốt nhà. Cũng chưa phải là tất cả đâu. Tôi cố cười được, và đó không phải là một điều dễ dàng trong đời tôi.
— Nó còn chứng minh rằng tôi đã nói dối, cả Lavater nữa, nói dối cảnh sát, các nhà báo..
— Và hãng bảo hiểm.
Tôi gật đầu. Phút im lặng ngắn.
— Câu hỏi cuối cùng, Cimballi (Jos Caltani đọc tên tôi theo giọng Ý “Tchimbâlli” đó là điều mà không bao giờ tôi nghĩ tới). Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu hồ sơ này được đưa đến tay những người đi điều tra của hãng bảo hiểm?
— Tôi sẽ vui lòng dùng một chút cà phê - tôi nói - và không có sữa nhé. Sữa làm tôi mập ra.
Một cái gật đầu. Tên Carbonari đi về phía mà tôi cho là nhà bếp.
— Cimballi, nếu tài liệu này đến được hãng bảo hiểm, thì hy vọng được bồi thường một trăm năm mươi triệu tiền thiệt hại sẽ thành số không. Đồng ý không?
— Đồng ý.
— Thậm chí ông còn có thể vào tù nữa, ông với Lavater.
Mặc dù đã chuẩn bị kỹ cho cuộc hội kiến này, tôi vẫn thấy đây là một trong những lúc đau buồn nhất trong đời tôi. Viên thuốc đắng thật khó nuốt. Tôi cười:
— Đó là một giả thuyết rất gần sự thật.
Tên Carbonari vẫn với cái vẻ nhiệt tình và đáng yêu, đã trở lại cùng với cà phê. Tôi nếm một chút: Muốn mửa ra được. Đúng, hôm nay là ngày xấu đối với tôi. Tôi đặt cái ca bằng sành xuống:
— Thế tôi phải trả bao nhiêu tiền, tất cả những cái ấy?
— Năm mươi mốt phần trăm những cổ phần của Con Voi Trắng. Không hơn, không kém.
Kỳ lạ thật, tôi lại thấy gần như dễ thở rồi. Tôi đã chờ đợi những yêu sách quá quắt hơn thế nữa kia. Và cái tồi tệ nhất là mấy cha nội này có đủ phương tiện để đòi cho được những yêu sách đó.
Ngày chủ nhật 27 tháng Hai 1977, khi tôi cùng với Marc Andréa và Heidi đến Con Voi Trắng, tôi cho rằng không có lý do nào để sợ có một phản ứng bạo lực của bọn Caltani. Cuộc điều tra của Lavater về Baumer chắc đã làm cho chúng tức giận. Nhưng những kết quả do Marc thu được là khá nghèo nàn. Cái việc tôi không có hành động gì đủ chứng minh cho điều đó, nên cuối cùng cũng êm đi. Người Anglais nghĩ thế và tôi cũng đồng ý với anh ta. Mối nguy hiểm duy nhất cho tôi là việc điều tra mới của Người Anglais. Nhưng tôi tin vào sự giữ hoàn toàn bí mật của anh ta.
Thế mà bọn Caltani đã phản ứng lại, theo cách bạo hành của chúng. Chúng không tìm cách giết tôi, điều ấy là rõ ràng: Nếu cái tên bảo vệ (không ở trong kíp sáu người của Chance) đã đến giải cứu cho tôi sau khi chính hắn đã đặt những phiến gỗ thì chỉ có thể là do lệnh của bọn Caltani thôi. Kết luận: Người ta chỉ muốn làm chúng tôi phải sợ hãi, và vừa làm chậm ngày mở cửa cửa một sòng bạc cạnh tranh, người ta trước hết là muốn khiến chúng tôi làm công chuyện của mình và đừng có dính mũi vào chuyện của Baumer.
Đó là phân tích của Marc và của tôi vào tối hôm chủ nhật. Chúng tôi đã đào óc để cố gắng hiểu xem cái gì là nguyên nhân gây ra sự cảnh cáo bi thảm này - vô ích - Chúng tôi đã không nhìn thấy cái gì chọc vào mắt và chỉ mãi sau này tôi mới hiểu được. Chúng tôi lại có sai lầm là không nghiên cứu kỹ lý do của hai cú điện thoại đến Lavater. Tại sao trong một kế hoạch được chuẩn bị tỷ mỷ như vậy, người ta đã mất công làm cho Marc phải chạy đến nơi? Mà không phải đến bất cứ nơi nào đó: Đến rất đúng trước cửa số 1. Phải mất hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi mới có lời giải đáp. Những phóng viên của hãng truyền hình C.B.S đã đến tại chỗ chỉ vài phút sau khi đám cháy bắt đầu (sự có mặt của họ ở Atlantic City là hoàn toàn ngẫu nhiên). Những người quay phim vớ được món bở đã quay lia lịa. Không phải ngày nào cũng có dịp tốt được in lên phim hình ảnh của một sòng bạc đang bốc cháy ngùn ngụt thế này. Nhưng vào ngày thứ hai thì tôi thấy ớn lạnh cả sống lưng: Thế ngộ, vì một sự xui xẻo cực đen đủi, họ cũng đã lấy vào phim được cả hình ảnh của Lavater đang vứt bỏ những tấm gỗ đi thì sao? Tôi đã được xem cuốn phim ở New York và tôi thấy yên tâm: Không chỗ nào thấy hình ảnh của Marc. Nhưng tôi bỗng có một ý nghĩ trực giác: “Marc, chắc người ta đã chụp được ảnh của anh đang vứt bỏ những tấm gỗ. Chính vì thế mà người ta đã kéo anh đến chỗ ấy!” Từ đó, tưởng tượng ra những gì sẽ xảy ra là một chuyện đơn giản: Olliphan hay bọn Caltani, sớm hay muộn sẽ gọi tôi, hẹn trước một cuộc gặp gỡ, để đọc cho tôi nghe những điều kiện của một cuộc đầu hàng hoàn toàn.
Nhưng hiểu được cơ cấu của một cái bẫy mà tôi đã sa vào là một chuyện, còn tìm được một cách chống lại, nhất là chống lại vĩnh viễn, lại là một chuyện khác. Trong lúc này, uống cái thứ cà phê không thể gọi tên là gì ấy, tôi chưa tìm ra được cách chống ấy. Tôi nói:
— Tôi không thể nào bán cho các ông năm mươi mốt phần trăm cổ phần của Con Voi Trắng được. Bản thân tôi cũng chỉ có năm mươi thôi.
— Việc thuyết phục những người Tầu hùn vốn là chuyện của ông.
Giọng nói của Jos Caltani vẫn bình tĩnh. Hắn không đe dọa, hắn bàn cãi công việc, hắn đưa cho tôi một đề nghị mà tôi không thể từ chối được. Olliphan đã đổi chỗ: Vừa nãy hắn ta ngồi ở bên phải tôi, tôi chỉ cần hơi quay đầu là nhìn thấy. Bây giờ hắn ta đến ngồi trong một chiếc ghế fauteuil ở đằng sau tôi. Đó là cách để cho tôi hiểu rằng: “Tôi hoàn toàn đứng ngoài câu chuyện này, vai trò của tôi chỉ giới hạn ở chỗ đưa ông đến đây thôi”.
— Hãy cứ cho là thế! - tôi nói với Jos Caltani - Hãy cứ cho là tôi chịu nhượng bộ trước sự đe dọa của ông.
— Ông không có chọn lựa nào khác.
— Nếu những bức ảnh này đến tay hãng bảo hiểm, chắc chắn là tôi sẽ có nhiều phiền toái. Nhưng không phải chỉ một mình tôi. Hãng bảo hiểm sẽ đưa hồ sơ cho cảnh sát. Và cảnh sát sẽ mở một cuộc điều tra. Cái thuyết về một vụ âm mưu gây hỏa hoạn sẽ được hoàn toàn công nhận. Thì chính các ông, Caltani, là những người đã chủ mưu đốt nhà. Tôi sẽ la hét điều này lên, sớm hay muộn rồi người ta cũng sẽ tìm ra chứng cớ.
Cả hai anh em nhìn tôi một cách thản nhiên. Lời hù dọa của tôi vẫn làm cho họ lạnh như tiền. Thực ra họ cũng cóc sợ. Tôi chắc những tên đốt nhà thực sự không phải là những thằng nghiệp dư. Thì đó, những người điều tra của hãng bảo hiểm hình như cũng đã bị lừa rồi đấy! Tôi tiếp tục.
— Thêm nữa...
Và tôi ngừng lại. Ngừng bặt như bị sét đánh. Tôi vừa định vung lên sự đe dọa là sẽ phanh phui hết mọi chuyện về Baumer, thế nhưng tôi nhớ lại là phải tuyệt đối không được đả động gì đến cuộc điều tra mà Người Anglais đã làm một lần, và tôi yêu cầu làm lại lần thứ hai, lần này tập trung vào Olliphan và Walcher, tôi có thể mất mạng như chơi. Nếu tôi có một hy vọng nào thoát ra khỏi được cái cạm bẫy này, thì hy vọng đó đã nằm ở hai yếu tố sau đây: Một mặt là những tìm tòi phát hiện của Người Anglais, và hai là có thể tôi sẽ hành động chống Olliphan bằng con đường Nam Phi. Trong cả hai trường hợp, tôi đều phải giữ miệng im lặng.
Hai anh em Caltani nhìn tôi chòng chọc, ngạc nhiên về sự im lặng đột ngột của tôi. Đằng sau lưng, tôi nghe thấy Olliphan đứng dậy đi lại trong phòng, hắn vào trong tầm nhìn của tôi, đi ra phía một cửa sổ, và mải mê ngắm cảnh khu vườn. Tôi tự hỏi không biết hắn có hiểu những gì đang xảy ra trong tôi không. Tôi có trực giác kỳ lạ và không thể giải thích được là: Có đấy.
— Thế nào, Cimballi?
Câu hỏi là của Jos Caltani. Tôi vẫn không thể nói được lời nào. Và có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi bị như vậy. Tôi biết cái quang cảnh của tôi lúc ấy như thế nào, mồm thì há hốc ra, người ngồi chết cứng trong chiếc ghế fauteuil, hai tay thì run lẩy bẩy. Để cố định thần lại, tôi cũng đứng dậy đi lại trong buồng như một người đang bị một cơn giận làm cho nghẹt thở và đang có những ý muốn giết người. Tôi đi qua đi lại trước mặt tên Carbonari có đôi mắt chuột, trong một sự im lặng hoàn toàn. Và bao giờ cũng thế, chính vào một lúc bất ngờ nhất một ý nghĩ trực giác bỗng vụt sáng lên. Trong một ván cờ ý nghĩ này cho thấy trước đến cả tám, chín nước đi. Nó chói lọi và thoáng qua ngay, đến nỗi sau đấy phải mất hàng giờ, hàng giờ mới lại tìm lại được đường dây của nó. Tôi đến phải kêu thét lên mất, vì tôi vừa cảm thấy nó, thì nó đã gần tuột đi và tôi phải đấu tranh kịch liệt để giữ được nó trên bề mặt tri giác của tôi.
Tôi đã gần tự chủ lại được. Tôi đối mặt với những người đang nhìn tôi. Tôi nói bằng một giọng âm thầm.
— Đồng ý! Tôi sẽ thử thuyết phục những người Tầu bán lại phần của họ cho tôi.
— Thử thì không đủ.
— Tôi phải có một ít thời gian. Tất nhiên là tôi sẽ phải đi Macao.
— Hai tuần lễ.
— Một tháng.
— Hôm nay là mùng 4 tháng Ba. Ông có đến ngày 20.
Đang xảy ra trong tôi một chuyện thật ngộ: Trong cùng một lúc tôi thương lượng ráo riết, thì cái mầm ý kiến vừa đột ngột hiện ra, vẫn tiếp tục quay cuồng trong đầu tôi, lúc thì hấp dẫn một cách kỳ lạ, lúc thì lại như một trò trẻ con.
— Một tháng. Cùng lắm, thì ngày 31 tháng Ba. Không thể trước được. Bởi vì tôi phải có thời gian để thuyết phục những người Tầu... (tôi bịa thêm ra) và cũng bởi vì tôi phải đợi những kết luận của hãng bảo hiểm. Nếu họ không chịu bồi thường các thiệt hại thì chẳng có gì để mua bán nữa. Con Voi Trắng sẽ chỉ hoạt động được với sự đầu tư bổ sung một trăm năm mươi triệu nữa. Mà tôi không có, và các ông cũng không có.
Lời khẳng định cuối cùng này cũng chỉ là một giả thuyết của tôi. Hồi đó tôi chỉ có được những thông tin không đầy đủ về khả năng tài chính thực sự của bọn Caltani - Tôi biết rằng đã đầu tư vào cái sòng của chúng, chúng cũng đã như tôi, phải vay ngân hàng hơn ba trăm triệu - Nhưng không phải vì thế mà chúng không có tiền. Jos Caltani đưa mắt thăm dò em hắn. Và chắc hẳn đã nhìn thấy cái gì làm cho hắn yên lòng nên hắn nói:
— Thôi được. Thứ tư 30 tháng Ba, mười hai giờ trưa...
— Với điều kiện là từ nay đến đó, hãng bảo hiểm chấp nhận nguyên tắc bồi thường.
— Đồng ý.
Lại im lặng. Olliphan vẫn ngắm cảnh vườn, ho khẽ. Có thể đây là một ám hiệu vì Jos Caltani nói tiếp:
— Chúng tôi đều là những nhà kinh doanh, Cimballi. Chúng tôi là những nhà kinh doanh đáng kính. Cái gì mà ông bán cho chúng tôi, thì chúng tôi sẽ trả tiền ông. Chúng tôi sẽ chịu cái phần nợ của ngân hàng ở Philadelphie, và chúng tôi sẽ trả cho ông năm mươi mốt triệu dolars về năm mươi mốt phần trăm mà ông bán cho chúng tôi…
Thật là quá đẹp để có thể là sự thực được. Tất nhiên không phải là sự thực được rồi. Quả nhiên hắn nói tiếp:
— Nghĩa là năm mươi mốt triệu dolars ấy chỉ là số tiền ghi trong giấy bán, về chúng tôi chỉ coi việc mua bán kết thúc là khi nào ông nộp trả lại cho chúng tôi ba mươi triệu vào một ngân hàng ở Panama, mà chúng tôi sẽ cho ông địa chỉ. Chúng tôi cũng phải có lãi chứ, ông Cimballi.
Tôi thế là đã được lên chức, và bây giờ trở thành “Ông Cimballi”. Nhưng việc thăng chức này vẫn không che đi một sự thực: Tất tần tật, cuối cùng tôi sẽ nhận được hai mươi mốt triệu dolars cho năm mươi mốt cổ phần của Con Voi Trắng. Và trước đó tôi lại còn phải làm sao để mua lại được của Miranda cái phần mà tôi không chắc là cô ta muốn nhả ra. Và nếu tôi không lãnh đủ một lưỡi dao dài một thước rưỡi cắm vào giữa hai vai, thì tôi sẽ có sự vui thích là được mất ba mươi triệu (và hơn nữa, vì tôi còn phải trả cho Macao nữa chứ). Công việc của tôi như thế là cứ mỗi phút lại khấm khá hơn lên. Tôi giơ tay lên.
— Tôi chấp nhận với ba điều kiện.
— Không có điều kiện nào cả.
Tôi làm bộ đứng dậy để đi ra khỏi nhà:
— Trong trường hợp ấy, ông có thể gửi cuốn phim cho bất cứ ai mà ông muốn. Tôi đành chịu ép, nhưng đến một giới hạn nào thôi, và giới hạn ấy đã đến.
Im lặng! Tôi không bịp đâu, tôi thực sự sẵn sàng phá vỡ cuộc thương lượng, nếu người ta có thể gọi đó là một cuộc thương lượng được. Larry Caltani, đứa thông minh nhất trong hai anh em, hình như thế, hỏi tôi bằng một giọng còn êm dịu và khàn khàn hơn là của anh nó.
— Những điều kiện ấy thế nào?
— Một: Giấy nhượng sẽ làm thành hai bản. Trong một thời điểm thứ nhất vào ngày 30 tháng Ba hay chậm nhất bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau khi hãng bảo hiểm đã cho ý kiến thuận, tôi sẽ nhượng cho các ông bốn mươi chín...
— Chúng tôi nói năm mươi mốt kia mà...
— Các ông cuối cùng sẽ có đủ. Tôi sẽ nhường cho các ông hai phần trăm bổ sung.
— Bao giờ?
— Ba tháng đúng, tính từng ngày sau khi Con Voi Trắng bước vào hoạt động.
— Một tháng.
— Hai.
— Đồng ý.
— Đấy là điều kiện thứ nhất của tôi. Tôi đã nói với các ông là có ba điều kiện. Điều kiện thứ hai là thế này: Tôi muốn cuốn phim này, và tất cả các bản sao, phải ngay từ hôm nay, để vào một két sắt trong một ngân hàng tùy các ông lựa chọn, nhưng phải là một ngân hàng thực sự. Cái két phải được khóa lại trước mặt tôi, và chỉ được mở ra với sự đồng hiện diện của chính tôi và của một trong hai ông hoặc của một người đại diện của các ông. Tất nhiên, bắt đầu từ giây phút tôi đang nói với các ông đây, chúng ta sẽ không rời nhau ra cho đến khi nào cuộn phim chưa được cất vào nơi an toàn.
Có tiếng nói của Olliphan, vẫn quay lưng lại chúng tôi:
— Cái loại két, mà mặc dầu muốn quyết định thế nào đi nữa, cũng có thể được mở ra bất cứ lúc nào bởi một lệnh ủy thác do một quan tòa phát ra.
— Tôi biết.
— Và có thể có những bản sao khác đã được dấu đi.
— Tôi liều mạo hiểm vậy. Tôi không tin rằng các ông đã mất công cho làm các bản sao khác. Thế các ông có làm không đấy?
— Lời đáp là không, trong tất cả các trường hợp - Larry Caltani dịu dàng nói lại.
Rồi Olliphan tiếp ngay, mặt vẫn quay ra nhìn cảnh tượng mùa đông ở ngoài vườn.
— Và chỉ cần các thân chủ của tôi đâm một lá đơn kiện ông, nhất là khi họ đã là những cổ đông của Con Voi Trắng là cái két ấy có thể được cảnh sát mở ra, và các tài liệu chứa trong đó, đưa nộp cho công lý.
Ôi! Trời đất quỷ thần, Olliphan đang tìm cách giúp đỡ cho tôi đây. Tôi chắc chắn là thế! Tôi nói:
— Vậy thì những thân chủ của ông có thể chấp nhận điều kiện của tôi mà không có gì phải lo ngại.
— Đúng thế.
Một lát, Larry Caltani nói:
— Nhưng tại sao lại phải để trong một cái két? Ông Cimballi, chỉ riêng một việc chúng tôi trở thành những người hợp tác với ông cũng bảo đảm cho ông là những tài liệu này sẽ không tái xuất hiện do chúng tôi.
— Tôi lại không muốn là cuốn phim này bị mất đi. Và tôi cũng muốn rằng cuốn phim ấy và tất cả các bản sao mà người ta có thể tìm được, được hủy đi trước mặt tôi, cái ngày mà tôi nhượng cho các ông thêm hai phần trăm bổ sung. Còn điều kiện thứ ba của tôi...
Hai bàn tay tôi ướt đẫm mồ hôi.
— Tôi muốn rằng giấy nhượng bốn mươi chín phần trăm đầu tiên, và giấy hứa sẽ nhượng hai phần trăm bổ sung mà tôi sẽ ký vào ngày 30 tháng Ba, tất cả các tài liệu đó sẽ lùi lại thời điểm và sẽ được ghi là ngày 25 tháng Hai năm 1977. Ngày 25, bởi vì ngày 24 và những ngày trước đó tôi không có mặt ở Hoa Kỳ.
— Ngày 25, tức là hai ngày trước khi xảy ra vụ cháy.
— Đúng thế. Như thế tôi sẽ chắc chắn là những cuốn phim, hay cuốn phim này nếu chỉ có một mình nó, sẽ không bao giờ tái xuất hiện, do các ông.
Im lặng. Tôi không dám nhìn về phía Olliphan, mặc dầu anh ta vẫn cứ tiếp tục quay lưng lại chúng tôi. Tôi đang tự hỏi không biết anh ta đoán được ý đồ của tôi đến mức độ nào. Tôi sẽ rất ngạc nhiên, vì chính tôi cũng chưa biết là rồi tôi định sẽ đi đến đâu. Tôi nói thêm:
— Các ông sợ gì? Các ông khẳng định với tôi là sẽ không sử dụng cuốn phim này, nếu tôi chịu theo những điều kiện của các ông, mặt khác các ông lại hầu như tuyệt đối chắc chắn là hãng bảo hiểm không bao giờ có thể phát hiện ra nguyên nhân hình sự của vụ cháy.
Lại im lặng. Tiếng nói của Olliphan:
— Tôi muốn trao đổi riêng với những thân chủ của tôi, ông Cimballi. Xa đôi tai của ông.
Mạch của tôi có lẽ phải lên đến gần một trăm bốn mươi, nhưng tôi vẫn phải hết sức cố gắng để làm ra vẻ vẫn tự chủ được.
— Tôi muốn người ta lấy cuộn phim ở trong máy chiếu ra...
Tên Carbonari thực hiện ngay sau một dấu hiệu của Joe Caltani, Gã cho cuộn phim vào trong một cái hộp đặt trên một cái bàn thấp. Tôi nói với Olliphan:
— Đồng ý để ông thảo luận với những thân chủ của ông. Với điều kiện là các ông đứng ở trong tầm nhìn của tôi và không được tiếp xúc với bất kỳ một ai khác. Các ông có thể chẳng hạn ra ngoài vườn, còn tôi ở trong căn buồng ấm này để nhìn các ông, dưới sự canh chừng của vị tráng niên này.
Tôi chỉ tay vào tên Carbonari. Olliphan và hai anh em Caltani ra vườn, phía đằng sau nhà, đi ra xa khoảng hai mươi thước và bắt đầu bàn cãi. Tất nhiên tôi không nghe thấy gì cả. Tôn trọng điều kiện tôi đề ra, không lúc nào họ làm lộ ra khỏi con đường đi và tôi trông thấy họ rất rõ. Họ cũng không tìm cách tiếp xúc với những người khác, bảo vệ và tài xế, vả lại bọn này đều ở tất cả đằng phía trước nhà. Đằng sau lưng tôi, không cần phải quay lại, tôi vẫn cảm thấy cái nhìn nặng nề của tên Carbonari, không phải là một cảm giác dễ chịu, và tôi tin rằng gã hoàn toàn có thể hạ tôi bằng một viên đạn vào gáy nếu tôi có ý định sờ vào cuốn phim.
Cứ mỗi phút trôi qua, mạch tôi lại chạy nhanh hơn và đã tiến đến một nhịp kỷ lục. Jos Caltani giơ chân múa tay và bàn cãi rất hăng, dù rằng tôi không nghe thấy một tiếng nào của hắn. Gần như hắn luôn luôn quay lưng lại tôi, nên tôi cũng không thể đọc được trên môi của hắn, vả lại tôi cũng hoàn toàn không có chuyên môn về cái phép này. Larry em hắn, can thiệp ít hơn vào cuộc bàn cãi. Olliphan thì nói nhiều hơn, nét mặt bình thản và nhìn nghiêng đối với tôi.
Tôi lo sợ.
Một trong những quân cờ đầu tiên mà tôi chơi là Olliphan, hay đúng hơn là thái độ của hắn trong lúc này. Những điều kiện mà tôi đề ra để chấp nhận tối hậu thư của bọn Caltani không che đậy một cạm bẫy nào. Trong lúc này. Chủ yếu là bởi vì tôi chưa đến lúc giương cái bẫy ra: Tôi cũng chưa tưởng tượng ra nó, chưa biết nó sẽ như thế nào, cũng không biết cả là nó có không nữa. Nhưng tôi biết rằng tôi sẽ không thể làm gì được nếu những địch thủ của tôi không chịu chấp nhận những lý lẽ của tôi. Và tôi cầu là Olliphan đừng có chống lại tôi.
Hai mươi đến ba mươi phút đã trôi qua. Cuối cùng ba người trở về. Tôi đã tự hứa với mình là không đi tìm đôi mắt xanh lục của người luật sư, nhưng thật quá sức tôi: Đúng lúc anh ta bước qua ngưỡng cửa từ ngoài vườn vào, những gì tôi nghĩ rằng đã đọc được trên mặt anh ta suýt nữa thì làm tôi mất hết cái phần bình tĩnh còn lại trong tôi...
Những câu nói đầu tiên của Jos Caltani đã xác nhận linh tính của tôi:
— Đồng ý, Cimballi. Chúng tôi chấp nhận.
Với một sự sửa đổi nhỏ, hay đúng hơn, thêm một chút thận trọng nữa về phía họ: Cuốn phim sẽ được để vào trong một cái hộp bằng các tông, cái hộp này sẽ thực sự được để trong một két sắt của ngân hàng. Két này chỉ được mở ra khi có sự hiện diện đồng thời của hai người: Người thứ nhất là tôi, nhưng người kia không phải là anh em Caltani cũng không phải là Olliphan: Bọn Caltani đã chọn một tên Kowals nào đó, Pete Kowalki. Tôi hiểu rõ mục đích của động tác này: Bọn Caltani hoàn toàn không ra mặt, nếu một ngày nào đó, vì bất cứ một lý do nào, cuốn phim phải tái xuất hiện ra giữa thanh thiên bạch nhật và đến tay cảnh sát, thì bọn Caltani có thể cãi rằng chúng chưa bao giờ biết đến nó, và như vậy về mặt pháp lý, chúng có thể quay lại chống tôi.
— Thế cái anh Kowalski này đâu?
— Chúng tôi sẽ gọi điện cho anh ta trước mặt ông, và ông sẽ cùng với anh ta đi đặt cái hộp này vào trong tủ sắt.
Tôi đồng ý. Tôi kiểm tra lại một lần nữa cuốn phim cho chắc chắn là đúng nó. Tự tay tôi cho vào hộp và bọc trong một băng dính. Olliphan nói:
— Ông có thế giữ cái hộp đó trên giường ông, ông Cimballi. Trong khi chờ đợi đi ra ngân hàng.
— Sự tin cậy của ông là một vinh dự cho tôi.
Nhưng cả bọn chúng không có ý định rời mắt khỏi tôi. Tôi tự hỏi không biết có hay không, một hay nhiều bản sao. Nếu ở địa vị của chúng, thì tôi đã cho làm bản sao rồi.
Về những điều kiện khác của tôi, chúng chấp nhận tất cả. Tôi không biết Olliphan có giữ vai trò nào không trong việc chấp nhận này. Nhưng tôi tin chắc rằng: Anh ta đã thúc đẩy bọn Caltami thuận cho tôi những gì mà tôi đòi hỏi, đúng như tôi hy vọng là anh ta sẽ làm thế. Quân cờ thứ nhất mà tôi đi, đã đem lại cho tôi tất cả sự thỏa mãn.
Tôi nhắc lại những điều kiện mà chúng đã chấp nhận: Ngày 30 tháng Ba sắp tới, nghĩa là trong hai mươi sáu ngày nữa, với điều kiện là hãng bảo hiểm bật đèn xanh cho sự bồi thường một trăm năm mươi triệu, tôi sẽ nhượng cho một “hội bình phong" bốn mươi chín phần trăm phần của tôi trong Con Voi Trắng. Trong thời gian đó, tôi phải chứng minh được là tôi đã mua lại được phần của những người Tầu ở Macao. Và cũng trong ngày 30 tháng Ba này, tôi sẽ ký một giấy hứa bất khả kháng nhượng thêm hai phần trăm bổ sung nữa, hai tháng, tính từng ngày một, sau ngày mở cửa hoạt động của Con Voi Trắng. Giấy nhượng và giấy hứa nhượng sẽ ghi ngày lùi lại: Chúng sẽ hoàn toàn có giá trị bắt đầu từ ngày 25 tháng Hai trước. Và cái ngày thực hiện lời hứa nhượng của tôi, cái hộp phim sẽ được lấy từ ngân hàng về và cuốn phim sẽ được hủy đi trước sự hiện diện của đích thân bọn Caltani và của tôi.
Thật rõ ràng: Dù rằng không thấy có một cạm bẫy nào lộ ra, nhưng rất có thể là bọn Caltani sẽ không chịu nhượng bộ, nếu vì một lý do nào đó mà tôi chưa biết, Olliphan không can thiệp vào nước đi của tôi.
***
Tôi rất có thể, trong lúc còn chưa trễ, xây dựng một kế hoạch huyễn hoặc nào đó để thu hồi lại cuốn phim trước khi nó được cất vào ngân hàng (đã vào đấy rồi thì chịu, không thể một mình tôi lấy ra được nữa). Tôi có thể cho một đội biệt kích đánh thuê, một Đội Quân Cứu Thế, hay gì gì nữa đại khái cũng ngộ nghĩnh như thế, tấn công can thiệp vào. Người ta không cho tôi có thì giờ, vả lại có thể là có những bản sao. Và lúc đó thì tính mạng tôi chắc cân lên không nặng ký lắm đối với bọn Caltani!
Cũng có một lý do thứ ba nữa, và lý do này mới là thật: Tôi hoàn toàn cóc cần đến cuộn phim. Tất nhiên với điều kiện là nó đừng có đến tay hãng bảo hiểm!
Chiếc xe đã đưa tôi đến Harrison, lại đưa tôi trở về Manhattan. Olliphan không trở về cùng với tôi. Tôi chỉ có quyền được hưởng sự đưa đón của ba người, một tài xế, và hai người ngồi kèm hai bên tôi ở ghế sau. Một trong hai người đó là tên Carbonari.
Trên bờ hè, trước cửa phòng vào ngân hàng, có hai người đàn ông chờ chúng tôi. Một, tự giới thiệu “Pete Kowalski”. Hắn với tôi cùng vào ngân hàng. Theo sau là tên Carbonari, lúc nào cũng giữ một tay trong túi phải của chiếc áo khoác hắn mặc. Trong túi chắc không phải là cái ống điếu rồi.
Các thủ tục được làm rất nhanh, và mười phút sau, chúng tôi đã đi ra ngoài.
—Tạm biệt, ông Cimballi.
Vài giây đồng hồ sau, tôi đã đứng một mình. Cái quầy rượu đầu tiên là được việc rồi, tôi vào uống một ly rượu mạnh. Tôi không có thói quen ấy, nhưng tình thế không phải như bình thường. Ly rượu Whisky không làm yên những rạo rực trong bao tử của tôi. Thực ra lúc đó tôi như người sống trong một trạng thái xuất thần, kỳ lạ, do nhiều cảm xúc lẫn lộn tạo nên: Lo sợ, nhưng cũng có cả một sự phấn khởi lạ lùng, và một sự hung dữ hiếm có. Người ta vừa bắt tôi phải quy hàng, chịu nhận một cuộc tống tiền có tính toán nhất, và vô liêm sĩ một cách băng giá nhất. Cuộc tống tiền đã được dựng lên và thực hiện với gần đầy đủ lịch sự: “Chúng tôi là những nhà kinh doanh đáng kính, ông Cimballi”. Tên Jos Caltani đã nói với tôi như thế.
Đồng ý.
Người ta đã trấn lột tôi đến mức độ cuối cùng, không còn tiếng nói nào đúng hơn thế nữa. Nhưng trong vài giây đồng hồ, khi tôi ngồi chết dí, câm lặng, kẹt cứng dưới con mắt ngạc nhiên của “những nhà kinh doanh đáng kính”, thì một tia chớp chói lòa đã vụt qua trong những tế bào chất xám của tôi. Chưa phải là một sự chống đỡ, chưa phải là Cách Chống Đỡ. Chỉ mới là một mầm ý kiến thôi, mà bây giờ tôi phải làm cho chín, và theo đuổi nó đến tận cùng, nếu còn sống được.
Lúc đó sẽ thấy rõ ai trấn lột ai.