VÀ HỌ SỐNG HẠNH PHÚC MÃI MÃI VỀ SAU
500 năm qua đã chứng kiến một loạt những thay đổi ngoạn mục từ các cuộc cách mạng. Trái đất đã được thống nhất thành một khối duy nhất về mặt sinh thái và lịch sử. Nền kinh tế đã tăng trưởng theo cấp số nhân, và nhân loại ngày nay tận hưởng sự giàu sang chỉ xuất hiện trong chuyện cổ tích. Khoa học và Cách mạng Công nghiệp đã đem lại cho nhân loại những quyền lực siêu việt cũng như nguồn năng lượng gần như vô biên. Trật tự xã hội đã được thay đổi hoàn toàn, cũng như trong chính trị, cuộc sống hằng ngày và tâm lý con người.
Nhưng chúng ta có hạnh phúc hơn? Phải chăng sự giàu có của con người được tích lũy qua năm thế kỷ đã chuyển hoá thành một sự mãn nguyện kiểu mới? Liệu rằng việc khám phá ra những nguồn năng lượng vô tận đã mở ra trước mắt chúng ta nguồn hạnh phúc vô tận? Trở lại xa hơn, liệu 70 thiên niên kỷ đầy náo động tính đến cái mốc Cách mạng Nhận thức, có biến thế giới thành một nơi đáng sống hơn không? Liệu Neil Armstrong quá cố, người có dấu chân vẫn còn nguyên vẹn trên Mặt trăng, có hạnh phúc hơn một người săn bắt hái lượm vô danh từ 30.000 năm trước với dấu tay vẫn còn in trên bức tường trong hang Chauvet? Nếu không, lý do nào cho việc phát triển nông nghiệp, các thành phố, chữ viết, tiền đúc, các đế quốc, khoa học và công nghiệp?
Các nhà sử học hiếm khi đặt câu hỏi như vậy. Họ không bao giờ đặt câu hỏi rằng công dân của các thành phố Uruk và Babylon có hạnh phúc hơn so với tổ tiên săn bắt hái lượm của họ, liệu sự trỗi dậy của Hồi giáo đã khiến cho người Ai Cập hài lòng hơn với cuộc sống của mình, hoặc sự sụp đổ của các đế quốc châu Âu ở châu Phi đã ảnh hưởng thế nào tới hạnh phúc của hàng triệu người. Tuy nhiên, đây vẫn là những câu hỏi quan trọng nhất mà người ta có thể đặt ra đối với lịch sử. Hầu hết các tư tưởng hiện nay và cương lĩnh chính trị đều dựa trên những ý niệm khá mong manh, liên quan đến nguồn gốc thực sự của hạnh phúc con người. Các nhà ái quốc tin rằng tự quyết chính trị là cần thiết cho hạnh phúc của chúng ta. Người cộng sản tin rằng mọi người sẽ được hạnh phúc dưới nền chuyên chính vô sản. Nhà tư bản lại cho rằng chỉ có thị trường tự do mới có thể đảm bảo hạnh phúc lớn nhất cho số đông lớn nhất, bằng cách tạo ra tăng trưởng kinh tế và giàu có vật chất, cũng như bằng việc dạy cho mọi người có thể tự lực cánh sinh và dấn thân lập nghiệp.
Điều gì sẽ xảy ra, nếu các nghiên cứu nghiêm túc bác bỏ những giả thuyết này? Nếu tăng trưởng kinh tế và tự chủ không làm cho mọi người hạnh phúc hơn, vậy lợi ích của chủ nghĩa tư bản là gì? Giả như, người dân bị các đế quốc lớn đô hộ hoá ra lại hạnh phúc hơn người dân ở những đất nước độc lập, ví dụ người Algeria hạnh phúc dưới sự cai trị của Pháp hơn là với chính phủ của họ? Chúng ta có thể nói gì về quá trình giải phóng thuộc địa, và giá trị của sự tự quyết dân tộc?
Đây đều là những khả năng mang tính giả thuyết, bởi cho đến nay các nhà sử học luôn tránh đưa ra những câu hỏi như thế – chứ chưa kể đến việc trả lời chúng. Họ đã nghiên cứu lịch sử về mọi khía cạnh: chính trị, xã hội, kinh tế, giới tính, bệnh tật, tình dục, thực phẩm, thời trang – nhưng họ ít khi dừng lại để hỏi những điều này ảnh hưởng đến hạnh phúc của con người như thế nào.
Mặc dù rất ít người từng nghiên cứu lịch sử lâu dài về hạnh phúc, nhưng hầu hết các học giả và dân không chuyên đã có một số nhận định mơ hồ về nó. Theo quan điểm phổ biến, năng lực của con người đã tăng lên trong suốt lịch sử. Vì con người thường sử dụng năng lực ấy để giảm bớt khổ đau và lấp đầy những khát vọng, nên suy ra chúng ta hẳn phải hạnh phúc hơn so với tổ tiên thời trung cổ, và người trung cổ chắc chắn phải hạnh phúc hơn so với người săn bắt hái lượm Thời kỳ Đồ đá.
Nhưng lời giải thích tiến bộ này không thuyết phục. Như chúng ta đã thấy, những khả năng, hành vi và kĩ năng mới không nhất thiết phải làm cho cuộc sống tốt hơn. Khi con người học trồng trọt trong Cách mạng Nông nghiệp, sức mạnh tập thể giúp định hình môi trường sống đã phát triển hơn, nhưng số phận của nhiều cá nhân lại trở nên khắc nghiệt hơn. Nông dân phải làm việc chăm chỉ hơn người săn bắt hái lượm để góp nhặt số thực phẩm ít đa dạng và bổ dưỡng hơn, họ dễ mắc các loại bệnh và bị bóc lột kiệt sức hơn. Tương tự như vậy, sự lan rộng của các đế quốc châu Âu đã làm gia tăng sức mạnh tập thể của nhân loại lên nhiều lần, thông qua việc truyền bá các ý tưởng, công nghệ và cây trồng, mở những tuyến đường thương mại mới. Tuy nhiên, điều này lại khó lòng là tin tốt cho hàng triệu người châu Phi, thổ dân châu Mỹ và châu Úc. Từ những bằng chứng về xu hướng lạm dụng quyền lực của con người, thật ngây thơ khi tin rằng con người càng có nhiều sức mạnh hơn thì họ càng hạnh phúc hơn.
Một số người phản đối quan điểm này lại đưa ra góc nhìn hoàn toàn trái ngược. Họ tranh luận về mối tương quan tỉ lệ nghịch giữa năng lực của con người và hạnh phúc. Họ nói khi quyền lực tha hoá và nhân loại ngày càng có nhiều quyền lực hơn, điều đó sẽ tạo ra một thế giới cơ học lạnh lùng không thích hợp với những nhu cầu thực tế của chúng ta. Tiến hoá đã nhào nặn nên tâm trí và cơ thể chúng ta để phù hợp với cuộc sống săn bắt hái lượm. Tiến trình chuyển đổi đầu tiên sang nông nghiệp, rồi sau đó đến công nghiệp đã buộc chúng ta sống cuộc đời không tự nhiên, thiếu sự quan tâm đầy đủ đến những khuynh hướng cố hữu và bản năng của chúng ta, do đó không thể đáp ứng những khao khát sâu thẳm nhất của chúng ta. Không điều gì trong cuộc sống thoải mái của tầng lớp trung lưu thành thị có thể so sánh được với sự phấn khích và niềm vui hoang dã tuyệt vời của một bộ lạc săn bắt hái lượm, khi họ săn được một con voi ma-mút. Mỗi phát minh mới chỉ càng tạo thêm khoảng cách giữa chúng ta với Vườn Địa đàng mà thôi.
Tuy nhiên, quan điểm cố hữu lãng mạn này chỉ thấy bóng đen đằng sau mỗi phát minh, nó cũng giáo điều như niềm tin vào sự tất yếu của tiến bộ. Có lẽ chúng ta đã không còn dính líu gì tới con người săn bắt hái lượm trong mỗi chúng ta, nhưng điều này không hoàn toàn tồi tệ. Ví dụ, trong hai thế kỷ qua, y học hiện đại đã giúp giảm tỉ lệ tử vong của trẻ em từ 33% xuống dưới 5%. Liệu ai có thể ngờ rằng điều này không chỉ đóng góp rất lớn cho hạnh phúc của những đứa trẻ được cứu sống, mà còn cho gia đình và bạn bè của chúng?
Một quan điểm phức hợp hơn lại chọn cho mình con đường trung gian. Trước Cách mạng Khoa học, không có mối tương quan rõ ràng nào giữa quyền lực và hạnh phúc. Những nông dân trung cổ thực sự có thể chịu nhiều đau khổ hơn tổ tiên săn bắt hái lượm của họ. Nhưng trong vài thế kỷ qua, con người đã học được cách sử dụng năng lực một cách khôn ngoan hơn. Thành tựu của y học hiện đại chỉ là một ví dụ. Những thành tựu chưa từng có khác bao gồm tình trạng bạo lực giảm mạnh, sự biến mất rõ ràng của các cuộc chiến tranh quốc tế, và việc xóa sổ gần như hoàn toàn nạn đói quy mô lớn.
Tuy nhiên, quan điểm này cũng chỉ là một sự đơn giản hoá. Thứ nhất, sự đánh giá lạc quan này được dựa trên một mẫu thời gian rất ngắn ngủi. Chỉ sau năm 1850, đa phần nhân loại mới bắt đầu tận hưởng những thành quả của y học hiện đại, và tỉ lệ tử vong ở trẻ em sụt giảm mạnh mới chỉ là hiện tượng của thế kỷ 20. Những nạn đói lớn tiếp tục giết hại phần lớn nhân loại cho đến giữa thế kỷ 20. Trong suốt thời kỳ Đại nhảy vọt của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ 1958-1961, đã có từ 10 đến 50 triệu người chết đói. Những cuộc chiến quốc tế chỉ tàn lụi dần sau năm 1945, phần lớn là nhờ vào mối đe dọa mới của bom hạt nhân hủy diệt. Do đó, mặc dù vài thập kỷ qua được coi là thời hoàng kim chưa từng có đối với nhân loại, nhưng vẫn còn quá sớm để biết liệu điều này đại diện cho sự chuyển biến cần bản trong các trào lưu của lịch sử, hay chỉ là một dòng xoáy vô thường của sự may mắn. Khi đánh giá thời kỳ hiện đại, thật quá hấp dẫn khi chọn quan điểm của một người trung lưu phương Tây ở thế kỷ 21. Chúng ta không được quên những quan điểm của một thợ mỏ than xứ Welsh ở thế kỷ 19, một tay nghiện thuốc phiện Trung Hoa, hoặc một thổ dân Tasmania. Truganini cũng quan trọng không kém gì Homer Simpson.
Thứ hai, ngay cả thời hoàng kim ngắn ngủi của nửa cuối thế kỷ này có thể cũng đã gieo mầm thảm họa cho tương lai. Trong vài thập kỷ qua, chúng ta đã phá hoại sự cân bằng sinh thái của Trái đất theo vô vàn cách, với những hậu quả dường như sẽ rất thảm khốc. Rất nhiều bằng chứng cho thấy chúng ta đang phá hủy những nền tảng thịnh vượng của con người trong một bữa tiệc tiêu thụ điên cuồng, vô trách nhiệm.
Cuối cùng, chúng ta có thể chúc mừng bản thân bởi những thành tích chưa từng có của Sapiens hiện đại, chỉ khi chúng ta hoàn toàn bỏ qua số phận của tất cả các loài động vật khác. Phần lớn sự giàu có vật chất vốn được ca tụng, che chắn chúng ta khỏi bệnh tật và đói nghèo, đã được tích lũy bằng sự hy sinh của những con khỉ trong phòng thí nghiệm, những con bò sữa và gà trên băng chuyền sản xuất. Trong hai thế kỷ qua, hàng chục tỉ con vật đó đã phải chịu một chế độ khai thác công nghiệp với sự tàn ác chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Trái đất. Nếu chúng ta chỉ cần công nhận một phần mười những gì các nhà hoạt động bảo vệ động vật đang khẳng định, thì nền nông nghiệp hiện đại hoá đã có thể được coi là tội ác lớn nhất trong lịch sử. Khi đánh giá hạnh phúc toàn cầu, thật sai lầm khi chỉ tính hạnh phúc của tầng lớp thượng lưu, của dân châu Âu, hoặc của đàn ông. Và có lẽ cũng là sai nếu chúng ta chỉ xem xét hạnh phúc của con người.
Đong đếm hạnh phúc
Đến nay chúng ta vẫn thảo luận về hạnh phúc như thể nó chủ yếu là sản phẩm của các yếu tố vật chất, chẳng hạn như sức khỏe, chế độ ăn uống và sự giàu có. Nếu người ta giàu hơn và khỏe mạnh hơn, thì họ cũng phải hạnh phúc hơn. Nhưng có thực sự là như vậy? Triết gia, linh mục và nhà thơ đã nghiền ngẫm về bản chất của hạnh phúc trong hàng thiên niên kỷ, và nhiều người đã kết luận rằng, yếu tổ xã hội, đạo đức và tinh thần tác động đến hạnh phúc của chúng ta nhiều như tác động của điều kiện vật chất. Có thể những người trong các xã hội giàu có, hiện đại cũng phải chịu đựng sự xa lánh, cảm giác trống trải vô nghĩa, cho dù họ rất giàu có. Trong khi ông bà của chúng ta tuy nghèo khó hơn, nhưng lại cảm thấy viên mãn về cộng đồng, tôn giáo, duy trì sợi dây gắn kết với thiên nhiên.
Trong những thập kỷ gần đây, các nhà tâm lý học và sinh học đã chấp nhận thách thức: nghiên cứu một cách khoa học những gì thực sự làm con người hạnh phúc. Liệu rằng đó có phải là tiền, gia đình, gen di truyền, hay đức hạnh? Bước đầu tiên là xác định điều gì cần đo đếm. Định nghĩa được chấp nhận phổ quát về hạnh phúc là “trạng thái khỏe mạnh về thể chất/tinh thần một cách chủ quan”. Hạnh phúc, theo quan điểm này, là điều mà tôi đang cảm thấy bên trong con người mình, một cảm giác sung sướng nhất thời hoặc mãn nguyện kéo dài với cuộc sống đang diễn ra của tôi. Nếu hạnh phúc là điều cảm nhận từ bên trong, làm thế nào ta có thể đo được nó từ bên ngoài? Cứ cho là chúng ta có thể làm như vậy, bằng cách yêu cầu mọi người nói cho chúng ta biết về các cảm nghĩ của họ. Vì vậy, khi các nhà tâm lý hay sinh học muốn đánh giá thang hạnh phúc của mọi người, họ sẽ đưa cho họ bảng câu hỏi để họ tích vào, rồi sau đó tính toán kết quả thu được.
Một bảng câu hỏi điển hình về hạnh phúc chủ quan sẽ yêu cầu những người được hỏi cho điểm trên thang điểm từ 0 đến 10 đối với các nhận định như “Tôi cảm thấy hài lòng với con người hiện tại của tôi”, “Tôi cảm thấy cuộc sống là rất thỏa mãn”, “Tôi lạc quan về tương lai” và “Cuộc sống thật tốt”. Nhà nghiên cứu sau đó tổng hợp các câu trả lời và tính toán mức độ hạnh phúc chủ quan chung của người được phỏng vấn.
Bảng câu hỏi như vậy được sử dụng để đối chiếu hạnh phúc với các yếu tố khách quan khác nhau. Trong một nghiên cứu, hai đối tượng được so sánh là: 1000 người kiếm được 100.000 đô-la một năm với 1000 người kiếm được 50.000 đô-la. Nếu nghiên cứu phát hiện ra rằng nhóm đầu tiên có một mức độ hạnh phúc chủ quan trung bình là 8,7, trong khi nhóm sau có mức độ trung bình chỉ là 7,3, nhà nghiên cứu có thể đi đến kết luận thỏa đáng rằng có một mối tương quan tích cực giữa sự giàu có và hạnh phúc chủ quan. Nói một cách đơn giản, tiền bạc mang lại hạnh phúc. Phương pháp tương tự có thể được sử dụng để kiểm tra xem liệu những người sống trong các xã hội dân chủ có hạnh phúc hơn những người sống trong chế độ độc tài, và liệu người kết hôn có hạnh phúc hơn người độc thân, ly hôn hoặc góa vợ hay không.
Điều này cung cấp một nền tảng cho các nhà sử học: họ có thể kiểm tra sự giàu có, tự do chính trị và tỉ lệ ly dị trong quá khứ. Nếu con người hạnh phúc hơn trong một xã hội dân chủ và người còn bạn đời hạnh phúc hơn những người ly dị, nhà sử học có cơ sở để lý luận rằng tiến trình dân chủ hoá trong vài thập kỷ qua đã góp phần gia tăng hạnh phúc của nhân loại, trong khi đó tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng chỉ ra xu hướng ngược lại.
Lối suy nghĩ này không phải là không có khiếm khuyết, nhưng trước khi chỉ ra một số lỗ hổng trong đó, cũng đáng để chúng ta xem xét những kết luận kể trên.
Một kết luận thú vị là tiền thực sự mang lại hạnh phúc. Nhưng chỉ đến một cái mốc nào đó và vượt qua mốc đó, nó lại gần như không mấy giá trị. Đối với những người bị mắc kẹt ở nấc thang kinh tế thấp nhất, nhiều tiền hơn đồng nghĩa với việc cảm thấy hạnh phúc hơn.
Nếu bạn là một bà mẹ Mỹ đơn thân, có thu nhập 12.000 đô-la một năm với công việc dọn dẹp nhà cửa, và bạn đột nhiên trúng số 500.000 đô-la, có thể bạn sẽ thấy một cơn sóng hạnh phúc chủ quan dâng trào bất tận. Bạn sẽ có thể nuôi con, mua quần áo cho con mà không chìm thêm vào nợ nần. Tuy nhiên, nếu bạn là một tổng giám đốc điều hành hàng đầu, với thu nhập 250.000 đô-la một năm, trúng số 1 triệu đô-la, hay hội đồng quản trị công ty của bạn đột nhiên quyết định tăng lương gấp đôi cho bạn, hạnh phúc thăng hoa của bạn có thể chỉ kéo dài vài tuần. Theo một kết quả thực nghiệm, nó gần như chắc chắn sẽ không tạo ra một sự khác biệt lớn trong tâm trạng của bạn về lâu dài. Bạn sẽ mua một chiếc xe sang, chuyển vào sống trong một ngôi nhà nguy nga, thường xuyên uống loại vang thượng hạng Chateau Pétrus thay vì loại California Cabernet, nhưng rồi tất cả dường như sẽ trở thành thông lệ và không có gì đặc biệt.
Một phát hiện thú vị khác là bệnh tật chỉ làm vơi đi hạnh phúc trong một thời gian ngắn, nhưng là nguồn gốc đau khổ lâu dài nếu tình trạng của một người vẫn không ngừng xấu đi, hoặc nếu bệnh đó gây ra đau đớn triển miên và suy nhược. Những người được chẩn đoán mắc bệnh mạn tính như tiểu đường thường sầu não trong một thời gian, nhưng nếu bệnh tình không trầm trọng thêm, họ sẽ thích nghi với tình trạng mới của mình, và cũng tự thấy mình hạnh phúc như những người hoàn toàn khỏe mạnh. Hãy tưởng tượng rằng Lucy và Luke là cặp song sinh thuộc tầng lớp trung lưu, cùng đồng ý tham gia vào một nghiên cứu về hạnh phúc chủ quan. Trên đường trở về từ phòng thí nghiệm tâm lý học, xe của Lucy bị một xe buýt đâm trúng, khiến cho Lucy bị gãy mấy cái xương và một chân thì bị tàn tật vĩnh viễn. Vừa khi đội giải cứu đưa cô ra khỏi đống đổ nát, chuông điện thoại reo và Luke la tướng lên rằng anh vừa trúng giải xổ số độc đắc trị giá 10 triệu đô-la. Hai năm sau, cô sẽ vẫn đi khập khiễng và anh thì giàu có hơn rất nhiều, nhưng khi nhà tâm lý học lại đến để thực hiện nghiên cứu triển khai tiếp theo, rất có khả năng là cả hai người đều đưa ra cùng những câu trả lời giống như những câu họ trả lời vào buổi sáng định mệnh đó.
Gia đình và cộng đồng dường như có tác động nhiều đối với hạnh phúc của chúng ta hơn là tiền bạc và sức khỏe. Những người có gia đình gắn kết, sống trong các cộng đồng gần gũi và hỗ trợ nhau thì hạnh phúc hơn khá nhiều so với những người có gia đình bất thường và chưa bao giờ tìm được (hoặc chưa bao giờ tìm) một cộng đồng để gia nhập. Hôn nhân cũng là điều đặc biệt quan trọng. Những nghiên cứu lặp đi lặp lại đã phát hiện ra rằng có một mối tương quan rất chặt chẽ giữa các cuộc hôn nhân hạnh phúc với hạnh phúc chủ quan cao, và giữa những cuộc hôn nhân tồi tệ với đau khổ. Điều này vẫn đúng bất kể điều kiện kinh tế hay thậm chí thể chất ra sao. Một người tật nguyền, lại túng quẫn, nhưng bên cạnh là một người vợ hoặc chồng yêu thương, một gia đình tận tâm và một cộng đồng ấm áp, thì có thể cảm thấy hạnh phúc hơn một tỉ phú cô độc, với điều kiện cái nghèo của con người tật nguyền kia chưa tới nỗi cùng cực và bệnh tật của anh ta cũng không phải là quá nặng hay quá đau đớn.
Điều này đặt ra giả thuyết, rằng những cải thiện to lớn về điều kiện vật chất trong hai thế kỷ qua đã bị trung hòa bởi sự sụp đổ của gia đình và cộng đồng. Nếu vậy, một người bình thường ngày nay cũng có khi chẳng hạnh phúc hơn so với năm 1800. Ngay cả sự tự do mà chúng ta đánh giá rất cao cũng có thể chống lại chúng ta. Chúng ta có thể chọn bạn đời, bạn bè và hàng xóm, nhưng họ có thể chọn rời bỏ chúng ta. Với một cá nhân sử dụng quyền lực chưa từng có để quyết định con đường riêng của mình trong cuộc sống, chúng ta thấy ngày càng khó duy trì các cam kết. Do đó chúng ta sống trong một thế giới ngày càng cô đơn hơn của những cộng đồng và gia đình ngày càng lỏng lẻo.
Nhưng phát hiện quan trọng nhất là hạnh phúc thật sự không phụ thuộc vào các điều kiện khách quan của sự giàu có, sức khỏe hoặc thậm chí là cộng đồng. Thay vào đó, nó phụ thuộc vào tương quan giữa điều kiện khách quan và mong đợi chủ quan. Nếu bạn muốn có một con bò đực chở hàng và có một con bò đực chở hàng, bạn đã được thỏa mãn. Nếu bạn muốn một chiếc Ferrari mới cóng và chỉ nhận được chiếc Fiat đã cũ, bạn sẽ cảm thấy thiếu thốn. Đây là lý do mà theo thời gian, việc trúng số có tác động đến hạnh phúc của con người tương tự như một vụ tai nạn xe hơi gây thương tật. Khi mọi thứ được cải thiện, những kỳ vọng sẽ gia tăng, và do đó những cải tiến đáng kể trong điều kiện khách quan có thể khiến chúng ta không hài lòng. Khi mọi việc xấu đi, kỳ vọng thu hẹp lại, và kết quả là ngay cả một căn bệnh nghiêm trọng vẫn có thể khiến bạn hạnh phúc như khi còn hoàn toàn khỏe mạnh trước đây.
Bạn có thể nói rằng chúng ta không cần một loạt các nhà tâm lý học với các câu hỏi của họ để khám phá điều này. Các nhà tiên tri, nhà thơ và triết gia nhận ra từ hàng ngàn năm trước đây, rằng hài lòng với những gì bạn đã có quan trọng hơn nhiều so với việc nhận được nhiều hơn những gì bạn muốn. Tuy nhiên, thật tốt khi nghiên cứu hiện đại – được hỗ trợ bởi khá nhiều con số và biểu đồ – cũng đi đến những kết luận tương tự như người xưa từng nhìn nhận.
Những kỳ vọng quan trọng của con người mang các hàm ý sâu sắc để hiểu về lịch sử hạnh phúc. Nếu hạnh phúc phụ thuộc chỉ vào các điều kiện khách quan như giàu có, sức khỏe và quan hệ xã hội, sẽ khá dễ dàng để điều tra lịch sử của nó. Phát hiện rằng hạnh phúc còn phụ thuộc vào kỳ vọng chủ quan đã khiến nhiệm vụ của các sử gia khó khăn hơn nhiều. Con người hiện đại có hẳn một kho các thuốc giảm căng thẳng mệt mỏi và thuốc giảm đau mỗi khi cần đến, nhưng những kỳ vọng của chúng ta về sự dễ chịu và niềm vui, và sự không khoan dung của chúng ta về sự bất tiện và khó chịu, đã tăng lên đến mức chúng ta có thể phải chịu nỗi đau lớn hơn nhiều so với tổ tiên của mình.
Thật khó để chấp nhận dòng tư duy này. Vấn để là một sự lừa dối về lý luận đã ăn sâu trong tâm thức của chúng ta. Khi chúng ta cố gắng đoán hoặc tưởng tượng người khác đang cảm thấy hạnh phúc ra sao ở hiện tại hoặc quá khứ, chúng ta chắc chắn đã tưởng tượng mình ở vị trí của họ. Nhưng điều này không có tác dụng, bởi nó sẽ áp đặt những kỳ vọng của chúng ta vào các điều kiện vật chất của người khác. Trong các xã hội giàu có hiện đại, việc đi tắm và thay quần áo của bạn mỗi ngày đã là một thông lệ. Nhưng người nông dân thời trung cổ lại không hể rửa ráy trong hàng tháng trời, và hầu như không bao giờ thay quần áo. Ý nghĩ về một cuộc sống như thế, bẩn thỉu và dơ dáy đến tận xương tủy, với chúng ta thật đáng ghê tởm. Tuy nhiên, nông dân trung cổ dường như không để tâm. Họ quen với việc cảm nhận và ngửi mùi một chiếc áo lâu ngày không được giặt giũ. Không phải vì họ muốn thay quần áo nhưng không thể, mà bởi họ đã có những gì mình muốn. Vì vậy, ít nhất trong chuyện quần áo, họ đã mãn nguyện.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn nghĩ về nó. Suy cho cùng, người họ hàng tinh tinh của chúng ta cũng ít khi tắm rửa và chẳng bao giờ thay quần áo. Chúng ta cũng không cảm thấy kinh tởm bởi thực tế rằng con chó và mèo cưng của chúng ta cũng không tắm hoặc thay quần áo hằng ngày. Chúng ta vẫn vỗ về, ôm ấp và hôn hít chúng suốt ngày. Những đứa trẻ trong xã hội giàu có thường không thích tắm, phải mất vài năm cùng với sự giáo dục và áp dụng kỷ luật của cha mẹ để chúng có thói quen được cho là hấp dẫn này. Tất cả chỉ là vấn đề của những kỳ vọng.
Nếu hạnh phúc được quyết định bởi những kỳ vọng, vậy thì hai trụ cột trong xã hội của chúng ta – phương tiện truyền thông đại chúng và các ngành công nghiệp quảng cáo – có thể vô tình làm suy kiệt các kho chứa sự mãn nguyện trên toàn thế giới. Nếu bạn là một thanh niên 18 tuổi sống trong một ngôi làng nhỏ 5.000 năm trước đây, bạn có lẽ sẽ nghĩ mình đẹp trai, bởi chỉ có 50 người đàn ông khác trong làng của bạn và hầu hết họ hoặc là già yếu, đầy sẹo và nhân nheo, hoặc là trẻ nhỏ. Nhưng nếu bạn là một thiếu niên hiện đại ngày nay, khả năng cao là bạn sẽ cảm thấy không hài lòng. Ngay cả khi những kẻ khác ở trường là một lũ xấu xí, bạn cũng không so sánh mình với chúng mà là với các ngôi sao điện ảnh, vận động viên và siêu mẫu mà bạn thấy hằng ngày trên truyền hình, Facebook và các biển quảng cáo khổng lồ.
Vì vậy, có lẽ sự bất mãn của Thế giới Thứ ba đang bị kích động không chỉ đơn thuần bởi nghèo đói, bệnh tật, tham nhũng và đàn áp chính trị, mà còn đơn thuần bởi việc tiếp xúc với các chuẩn mực của Thế giới Thứ nhất. Một người Ai Cập bình thường ít có khả năng chết vì đói, bệnh dịch hoặc bạo lực dưới thời Hosni Mubarak hơn là dưới thời Ramses II hay Cleopatra. Chưa bao giờ các điều kiện vật chất của hầu hết dân Ai Cập lại tốt như vậy. Bạn nghĩ rằng họ sẽ nhảy múa trên đường phố vào năm 2011, cảm tạ Allah vì sự may mắn của họ? Không, họ đã vùng lên dữ dội để lật đổ Mubarak. Họ không so sánh mình với những tổ tiên thời các Pharaoh, mà là với những người đương đại ở Mỹ dưới thời Obama.
Nếu rơi vào trường hợp đó, thậm chí sự bất tử cũng có thể dẫn đến sự bất mãn. Giả sử khoa học nghĩ ra các phương pháp chữa trị cho mọi loại bệnh tật, các liệu pháp chống lão hoá hiệu quả và các phương pháp tái sinh giữ cho người ta trẻ mãi. Dù thế nào đi nữa, kết quả lập tức sẽ dẫn tới sự lan tràn chưa từng thấy của một bệnh dịch tức giận và lo lắng.
Những người không đủ tiền để mua những liệu pháp thần kỳ mới – tức là đại đa số người dân – sẽ nổi cơn thịnh nộ. Trong suốt lịch sử, người nghèo và bị áp bức an ủi mình với suy nghĩ rằng ít nhất cái chết sẽ tạo ra sự công bằng – rằng người giàu có và quyền lực rồi cũng sẽ chết. Người nghèo sẽ không thoải mái với ý nghĩ rằng họ phải chết, trong khi người giàu sẽ vẫn trẻ và đẹp mãi.
Hình 45. Trong thời kỳ trước, những tiêu chuẩn của Đẹp được những nhóm nhỏ gồm những người sống bên cạnh bạn đã thiết lập. Ngày nay, truyền thông đại chúng và kỹ nghệ thời trang trưng bày cho chúng ta một tiêu chuẩn về Đẹp hoàn toàn không thực tế. Họ tìm chọn ra những người đẹp nhất trên hành tinh, và sau đó liên tục diễn hành những người này trước mắt chúng ta, triển lãm không ngưng nghỉ. Không gì phải ngạc nhiên nếu chúng ta ít hài lòng với cách chúng ta được nhìn ngắm..
Nhưng một bộ phận rất nhỏ đủ khả năng trả cho phương pháp mới cũng sẽ không hề sung sướng. Họ sẽ có nhiều điều để lo lắng. Mặc dù phương pháp mới này có thể kéo dài tuổi thọ và thời thanh xuân, nhưng chúng lại không thể hồi sinh xác chết. Thật khủng khiếp làm sao khi nghĩ rằng tôi và những người thân yêu của tôi có thể sống mãi, nhưng chỉ khi chúng tôi không bị một chiếc xe tải tông phải hoặc bị nổ tan xác thành từng mảnh vụn bởi một tên khủng bố! Khả năng cao là một người không-chết-già sẽ ngày càng không dám chấp nhận ngay cả những rủi ro nhỏ nhất, và sự thống khổ của việc mất vợ, chồng, con hoặc bạn thân sẽ là không thể chịu đựng nổi.
Hạnh phúc hoá học
Các nhà khoa học xã hội phân phát những bảng hỏi có tính chủ quan về hạnh phúc, và so sánh kết quả với các yếu tố kinh tế-xã hội như sự giàu có và tự do chính trị. Các nhà sinh học cũng sử dụng những bảng hỏi tương tự, nhưng so sánh câu trả lời với các yếu tố sinh hoá và di truyền. Những phát hiện của họ gây sốc.
Các nhà sinh học cho rằng thế giới tinh thần và tình cảm của chúng ta được điều hành bởi các cơ chế sinh hoá định hình qua hàng triệu năm tiến hoá. Giống như tất cả các trạng thái tinh thần khác, hạnh phúc chủ quan của chúng ta không được quyết định bởi các thông số bên ngoài như tiền lương, các quan hệ xã hội hoặc các quyền chính trị. Thay vào đó, nó được xác định bởi một hệ thống phức tạp các dây thần kinh, các neuron, các synapse, và nhiều hợp chất sinh hoá khác như serotonin, dopamine và oxytocin.
Không ai có thể có hạnh phúc bằng cách thắng xổ số, mua nhà, nhận được một chương trình khuyến mãi, hoặc kể cả tìm thấy tình yêu đích thực. Mọi người cảm thấy hạnh phúc bởi một thứ và chỉ một thứ – cảm giác dễ chịu trong cơ thể họ. Một người vừa trúng số hoặc tìm thấy tình yêu mới và nhảy lên vui sướng không thực sự phản ứng với số tiền hoặc với người họ yêu. Anh ta đang phản ứng với các loại hoóc-môn chảy trong mạch máu mình, và với cơn bão các tín hiệu điện đang nhấp nháy giữa những phần khác nhau của não bộ.
Thật không may cho tất cả hy vọng tạo ra thiên đường trên Trái đất, hệ thống sinh hoá trong cơ thể của chúng ta dường như được lên chương trình để giữ hạnh phúc ở mức độ tương đối ổn định. Không có chọn lọc tự nhiên cho hạnh phúc như vậy – dòng di truyền của một người ẩn dật hạnh phúc sẽ bị tuyệt chủng vì các gen của cha mẹ lo lắng mới được truyền cho thế hệ sau. Hạnh phúc và đau khổ đóng vai trò tiến hoá chỉ trong mức độ chúng khuyên khích hay kìm hãm sự sống sót và sinh sản. Do vậy, có lẽ chẳng có gì ngạc nhiên rằng tiến hoá đã đổ khuôn chúng ta, sao cho con người không quá đau khổ cũng không quá hạnh phúc. Điều này cho phép chúng ta thưởng thức sự bùng phát nhất thời của cảm giác dễ chịu, nhưng không bao giờ kéo dài mãi. Sớm hay muộn nó cũng sẽ giảm dần và nhường chỗ cho cảm giác khó chịu.
Ví dụ, sự tiến hoá cung cấp cảm giác dễ chịu như phần thưởng cho người đàn ông nào lan truyền gen của họ bằng cách quan hệ tình dục với những con cái hữu thụ. Nếu quan hệ tình dục không đi kèm với khoái cảm như vậy, rất ít con đực sẽ bận tâm. Đồng thời, quá trình tiến hoá cũng phải chắc chắn rằng cảm giác dễ chịu đó sẽ nhanh chóng giảm xuống. Nếu cảm giác cực khoái kéo dài mãi, con đực vô cùng hạnh phúc sẽ chết đói vì không quan tâm tới đồ ăn, và sẽ không mệt mỏi để tìm thêm con cái hữu thụ khác.
Một số học giả so sánh sinh hoá của con người với một hệ thống điều hòa không khí luôn giữ cho nhiệt độ không đổi, dù nắng nóng hay bão tuyết. Các hiện tượng trong giây lát có thể thay đổi nhiệt độ, nhưng hệ thống điều hòa không khí luôn trả nhiệt độ về điểm cố định ban đầu.
Một số hệ thống điều hòa không khí được đặt ở 25°c. Những hệ thống khác lại được đặt ở 20°c. Hệ thống điều hòa hạnh phúc của con người cũng khác biệt giữa mọi người. Trên thang điểm từ 1 đến 10, một số người được sinh ra với hệ thống sinh hoá vui vẻ cho phép tâm trạng của họ có thể lên xuống giữa 6 và 10, ổn định theo thời gian ở 8. Một người như thế khá hạnh phúc ngay cả khi sống trong một thành phố lớn xa lạ, mất sạch tiền trong một vụ mua bán chứng khoán thua lỗ, và được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Những người khác bị nguyền rủa bởi một nền tảng hoá sinh ảm đạm, lên xuống giữa 3-7 và ổn định ở 5. Một người không hạnh phúc như vậy vẫn cảm thấy chán nản, dù cho anh ta được hưởng sự hỗ trợ từ một cộng đồng chặt chẽ, thắng hàng triệu đô-la xổ số và khỏe mạnh như một vận động viên Olympic. Thật vậy, ngay cả khi người bạn ảm đạm của chúng ta có thắng 30 triệu đô-la vào buổi sáng, phát hiện ra liệu pháp chữa trị cả bệnh AIDS và ung thư vào buổi trưa, giải quyết xong vấn đề hòa bình giữa Israel và Palestine vào chiều hôm đó, và rồi vào buổi tối đoàn tụ với người con đã mất tích từ rất lâu – anh ta vẫn không thể trải qua bất cứ điều gì vượt quá mức độ hạnh phúc 7. Não của anh ta chỉ đơn giản là không được xây dựng cho sự vui sướng quá mức, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra.
Hãy suy nghĩ về một khoảnh khắc của gia đình và bạn bè. Bạn biết một số người luôn tương đối vui vẻ, bất kể chuyện gì xảy ra. Và cũng có những người luôn bất mãn, cho dù có bất kỳ loại quà tặng nào mà thế giới này đặt dưới chân họ. Chúng ta có xu hướng tin rằng nếu chúng ta có thể thay đổi nơi làm việc của mình, kết hôn, viết xong một cuốn tiểu thuyết, mua chiếc xe mới hoặc trả hết tiền nhà, chúng ta sẽ ở trên đỉnh của thế giới. Tuy nhiên, khi chúng ta có được những gì mình mong muốn, chúng ta dường như lại không thấy hạnh phúc hơn. Mua xe hơi và viết tiểu thuyết không thay đổi nền tảng sinh hoá của chúng ta. Chúng có thể khiến cho mức độ sinh hoá thay đổi đột ngột trong một khoảnh khắc thoáng qua, nhưng nó sẽ sớm trở lại điểm mốc của mình.
Làm thế nào điều này có thể cân bằng với những phát hiện về tâm lý và xã hội học được nêu trên, ví dụ xét trung bình thì liệu người đã lập gia đình có hạnh phúc hơn người độc thân? Đầu tiên, các phát hiện này mang tính tương quan – đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả có thể đối nghịch với những gì mà một số nhà nghiên cứu đã giả định. Đúng là người đã lập gia đình thì hạnh phúc hơn người độc thân và ly dị, nhưng điều đó không nhất thiết cho thấy hôn nhân tạo ra hạnh phúc. Có thể hạnh phúc sinh ra hôn nhân. Hay đúng hơn, đó là các chất serotonin, dopamine và oxytocin giúp gây dựng và duy trì một cuộc hôn nhân. Những người được sinh ra với một mức độ hoá sinh vui vẻ nhìn chung thường hạnh phúc và mãn nguyện. Những người như vậy sẽ là người vợ hoặc chồng hấp dẫn hơn, và do đó họ có cơ hội kết hôn cao hơn. Họ cũng ít có khả năng ly hôn, bởi sống với một người bạn đời hạnh phúc và mãn nguyện sẽ dễ hơn là sống với một người luôn chán nản và không hài lòng. Do đó, đúng là xét trung bình thì người đã lập gia đình sẽ hạnh phúc hơn người độc thân, nhưng một phụ nữ độc thân dễ bị buồn chán vì bản chất hoá sinh của chính cô sẽ làm cô không nhất thiết trở nên hạnh phúc hơn nếu gắn bó với một người chồng.
Ngoài ra, hầu hết các nhà sinh học không phải là những kẻ cuồng tín. Họ cho rằng hạnh phúc được xác định chủ yếu bằng cơ chế sinh hoá, nhưng họ cũng đồng ý rằng các yếu tố tâm lý và xã hội học cũng có chỗ đứng của chúng. Hệ thống điều hòa về mặt tinh thần của chúng ta có một chút tự do di chuyển trong giới hạn được xác định trước. Gần như không thể vượt quá giới hạn trên và dưới của tình cảm, nhưng kết hôn và ly dị có thể có tác động giữa hai thái cực đó. Một người sinh ra với mức hạnh phúc trung bình ở mức 5 sẽ không bao giờ nhảy điên cuồng trên đường phố. Tuy nhiên, một cuộc hôn nhân hạnh phúc có thể khiến anh ta tận hưởng hạnh phúc mức 7 trong một khoảng thời gian dài, và tránh được sự chán nản của mức 3.
Nếu chúng ta chấp nhận cách tiếp cận sinh học về hạnh phúc, thì lịch sử hoá ra chỉ có tầm quan trọng thứ yếu, vì hầu hết các sự kiện lịch sử đều không tác động lên nền tảng sinh hoá của chúng ta. Lịch sử có thể thay đổi kích thích bên ngoài làm serotonin tiết ra, nhưng nó không làm thay đổi kết quả nồng độ serotonin, và do đó nó không thể làm mọi người hạnh phúc hơn.
So sánh một nông dân Pháp thời trung cổ với một chủ ngân hàng ở Paris hiện đại. Người nông dân sống trong một túp lều bằng bùn lạnh lẽo nhìn ra chuồng lợn gần đó, trong khi người chủ ngân hàng trở về nhà là một căn hộ áp mái lộng lẫy với tất cả các cải tiến công nghệ mới nhất và nhìn ra đại lộ Champs-Elysées. Về mặt trực quan, chúng ta mong chờ người chủ ngân hàng sẽ hạnh phúc hơn người nông dân. Tuy nhiên, túp lều đầy bùn đất, căn hộ áp mái và đại lộ Champs-Elysées không thực sự xác định tâm trạng của chúng ta. Chất serotonin mới thực sự làm điều này. Khi người nông dân trung cổ hoàn thành việc xây dựng túp lều bằng bùn của mình, tế bào thần kinh não tiết ra serotonin, đưa nó lên đến mức X. Trong khi vào năm 2013, người chủ ngân hàng thực hiện việc thanh toán lần chót với căn hộ áp mái tuyệt vời của mình, tế bào thần kinh não bộ tiết ra một lượng tương tự của serotonin, đưa nó lên đến mức độ tương tự, X. Không hề có sự khác biệt với bộ não khi cho rằng căn hộ áp mái thoải mái hơn nhiều so với túp lều. Điều duy nhất quan trọng là tại thời điểm đó, mức serotonin đều là X. Do đó, người chủ ngân hàng sẽ không hề mảy may hạnh phúc hơn người cụ kị của mình, một nông dân nghèo thời trung cổ.
Điều này không chỉ đúng trong cuộc sống riêng tư, mà còn trong các sự kiện tập thể lớn. Lấy ví dụ như Cách mạng Pháp. Các nhà cách mạng đang rất bận rộn: họ xử tử vua, chia đất cho nông dân, tuyên bố các quyền con người, xóa bỏ đặc quyền quý tộc và tiến hành chiến tranh chống lại toàn bộ châu Âu. Song, không ai trong họ thay đổi được sinh hoá của người Pháp. Do đó, bất kể tất cả các biến động chính trị, xã hội, tư tưởng và kinh tế do cách mạng mang lại, tác động của nó đối với hạnh phúc của người Pháp vẫn rất nhỏ bé. Những người giành được một nền tảng sinh hoá vui vẻ trong cuộc xổ số di truyền đều được ghi nhận là hạnh phúc như nhau trước và sau cách mạng. Những người có một nền tảng hoá sinh ảm đạm phàn nàn về Robespierre và Napoleon với sự cay đắng cũng như những gì họ phàn nàn trước đó về Louis XVI và Marie Antoinette.
Nếu vậy, Cách mạng Pháp có gì tốt đẹp? Nếu mọi người không trở nên hạnh phúc hơn, vậy mục đích của tất cả những hỗn loạn, sợ hãi, máu và chiến tranh đó là gì? Các nhà sinh học sẽ không bao giờ xông vào phá ngục Bastille. Mọi người nghĩ rằng cuộc cách mạng chính trị này hay cải cách xã hội kia sẽ khiến họ hạnh phúc, nhưng những đặc tính hoá sinh của họ đã lừa dối họ hết lần này tới lần khác.
Chỉ duy nhất một sự phát triển lịch sử mới có ý nghĩa thực sự. Ngày nay, khi cuối cùng chúng ta cũng nhận ra rằng chìa khoá hạnh phúc nằm trong tay hệ thống sinh hoá của mình, chúng ta có thể ngừng lãng phí thời gian của mình vào các cải cách chính trị và xã hội, vào những nỗ lực lật đổ chính phủ và ý thức hệ, và tập trung vào điều duy nhất có thể làm cho chúng ta hạnh phúc thật sự: thao túng hệ thống sinh hoá của mình. Nếu chúng ta đầu tư hàng tỉ đô-la để hiểu bản chất hoá học trong não bộ và phát triển các phương pháp điều trị thích hợp, chúng ta có thể làm cho mọi người hạnh phúc hơn bao giờ hết mà không cần đến các cuộc cách mạng. Ví dụ chất prozac không làm thay đổi cơ chế hoạt động, nhưng bằng cách gia tăng nồng độ serotonin, nó khiến người ta thoát khỏi chứng trầm cảm.
Không gì có thể nắm bắt được lập luận sinh học tốt hơn câu khẩu hiệu Thời đại Mới nổi tiếng: “Hạnh phúc bắt đầu từ bên trong”. Tiền bạc, địa vị xã hội, phẫu thuật thẩm mĩ, những ngôi nhà đẹp, các vị trí quyền lực – không điều gì trong số này sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc. Hạnh phúc lâu dài chỉ đến từ serotonin, dopamine và oxytocin.
Trong cuốn tiểu thuyết về tương lai u tối của Aldous Huxley mang tên Brave New World (Thế giới mới dũng cảm), xuất bản năm 1932 trong giai đoạn đỉnh cao của Đại suy thoái, hạnh phúc là giá trị tối cao, và các loại thuốc tâm thần thay thế cho cảnh sát và lá phiếu chính là nền tảng chính trị. Mỗi ngày, mỗi người dùng một liều “soma”, một loại thuốc tổng hợp khiến mọi người đều hạnh phúc mà không làm tổn hại đến năng suất và hiệu quả của họ. Quốc gia Thế giới chi phối toàn bộ thế giới, không bao giờ bị đe dọa bởi các cuộc chiến tranh, các cuộc cách mạng, đình cống hay biểu tình, vì mọi người đều vô cùng mãn nguyện với những điều kiện hiện tại của họ, cho dù chúng là gì đi nữa. Tầm nhìn tương lai của Huxley còn đáng âu lo hơn nhiều so với tác phẩm 1984 của George Orwell. Thế giới của Huxley có vẻ quái dị với hầu hết độc giả, nhưng thật khó để giải thích tại sao. Mọi người lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc – vậy điều này có gì là sai lầm?
Ý nghĩa cuộc sống
Thế giới chao đảo của Huxley dựa trên giả định sinh học rằng hạnh phúc tương đương với khoái cảm. Được hạnh phúc chính xác là trải nghiệm về cảm giác cơ thể dễ chịu. Do hệ thống sinh hoá của chúng ta hạn chế số lượng và thời gian của cảm giác đó, cách duy nhất để làm cho mọi người trải nghiệm một mức độ hạnh phúc cao hơn trong một thời gian dài là thao túng hệ thống sinh hoá của họ.
Nhưng định nghĩa về hạnh phúc này đã bị một số học giả thách thức. Trong một nghiên cứu nổi tiếng, Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel kinh tế, yêu cầu mọi người liệt kê lại một ngày làm việc điển hình, xem xét từng sự việc một, và đánh giá xem họ thích hay không thích mỗi thời điểm như thế nào. Ông phát hiện ra một điều dường như nghịch lý trong quan điểm của hầu hết mọi người về cuộc sống của họ. Thử nói về việc nuôi con. Kahneman thấy rằng khi đếm những khoảnh khắc vui vẻ và những khoảnh khắc cực nhọc, nuôi một đứa trẻ hoá ra là một chuyện khá khó chịu. Nó bao gồm phần lớn các việc thay tã, rửa chén và đối phó với cơn giận dữ của trẻ, điều mà không ai thích làm. Tuy nhiên, hầu hết các cha mẹ tuyên bố rằng con cái là nguồn hạnh phúc lớn nhất của họ. Liệu điều đó có nghĩa là người ta không thực sự biết những gì là tốt cho mình?
Đó là một lựa chọn. Một lựa chọn khác là những phát hiện cho thấy hạnh phúc không phải là việc có nhiều thời điểm vui vẻ hơn những thời điểm khó chịu. Thay vào đó, hạnh phúc bao gồm việc coi toàn bộ cuộc sống của mình là có ý nghĩa và đáng giá. Nhận thức và đạo đức là nhân tố cấu thành hạnh phúc. Các giá trị của chúng ta tạo ra mọi sự khác biệt trong cách chúng ta thấy mình là “một kẻ nô lệ khốn khổ trước một nhà độc tài bé bỏng” hoặc là “âu yếm nuôi dưỡng một cuộc sống mới”. Như Nietzsche đã viết, nếu bạn hiểu tại sao phải sống, bạn gần như có thể sống bất kỳ cách sống nào. Một cuộc sống có ý nghĩa có thể cực kỷ thỏa mãn ngay cả giữa lúc khó khăn, trong khi một cuộc sống vô nghĩa là một thử thách khủng khiếp, bất kể nó thoải mái thế nào.
Mặc dù mọi người trong tất cả các nền văn hoá và thời đại đều cảm thấy cùng một loại lạc thú và đau đớn, nhưng ý nghĩa mà họ đã gán cho những trải nghiệm của mình có thể rất khác nhau. Nếu vậy, lịch sử của hạnh phúc có thể hỗn loạn hơn rất nhiều so với những gì các nhà sinh học tưởng tượng. Đó là một kết luận rằng không nhất thiết phải ủng hộ thời hiện đại. Đánh giá cuộc sống theo từng phút một, người trung cổ chắc chắn sẽ cảm thấy nó khó khăn. Tuy nhiên, nếu họ tin lời hứa về hạnh phúc mãi mãi ở thế giới bên kia, họ cũng có thể đã xem cuộc sống của họ ý nghĩa và đáng giá hơn nhiều những người thế tục hiện đại, mà về lâu dài chẳng thể mong đợi điều gì ngoài một sự lãng quên hoàn toàn và vô nghĩa. Khi được hỏi “Bạn có hài lòng với toàn bộ cuộc sống của mình không?”, người trung cổ có thể sẽ chấm điểm khá cao đối với câu hỏi về hạnh phúc chủ quan.
Vậy có phải tổ tiên thời trung cổ của chúng ta cảm thấy hạnh phúc, vì họ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong những ảo tưởng tập thể về thế giới bên kia? Đúng. Miễn là không ai phá tan những mộng mơ của họ, thì tại sao không nên làm như vậy? Theo đó, chúng ta có thể nói từ quan điểm thuần khoa học, cuộc sống con người là hoàn toàn vô nghĩa. Con người là kết quả của quá trình tiến hoá mù, hoạt động không theo một mục tiêu hay mục đích nào. Những hành động của chúng ta không phải là một phần của một vài kế hoạch vũ trụ thần thánh, và nếu hành tinh Trái đất có bị nổ tung vào sáng mai, vũ trụ có lẽ sẽ vẫn tiếp tục những hoạt động của nó như bình thường. Theo như chúng ta có thể nói vào thời điểm này, tính chủ quan của con người sẽ không được nhớ đến. Do đó bất kỳ ý nghĩa nào mà mọi người gán cho cuộc sống của họ chỉ là ảo tưởng mà thôi. Những ý nghĩa về thế giới bên kia mà người trung cổ tìm thấy trong cuộc sống của họ cũng chẳng ảo tưởng hơn so với những ý nghĩa mà người hiện đại theo chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tư bản tìm thấy. Nhà khoa học nói rằng, cuộc sống của anh có ý nghĩa bởi anh làm gia tăng kho tàng tri thức nhân loại, người lính tuyên bố rằng cuộc sống của mình có ý nghĩa bởi anh ta đã chiến đấu để bảo vệ quê hương mình, và các doanh nhân tìm được ý nghĩa trong việc xây dựng một công ty mới, tất cả đều ảo tưởng không kém một con người trung cổ đã tìm thấy ý nghĩa trong việc đọc thánh kinh, tham gia một cuộc thập tự chinh hoặc xây một nhà thờ mới.
Vì vậy, có lẽ hạnh phúc đang đồng bộ hoá ảo tưởng cá nhân của một người với những ảo tưởng tập thể hiện hành. Miễn là câu chuyện cá nhân của tôi còn phù hợp với các câu chuyện của những người xung quanh tôi, thì tôi có thể thuyết phục bản thân rằng cuộc sống của mình có ý nghĩa, và tìm thấy hạnh phúc trong niềm tin đó.
Đây là một kết luận khá buồn. Liệu hạnh phúc có thực sự phụ thuộc vào sự ảo tưởng?
Hiểu chính mình
Nếu hạnh phúc dựa trên việc cảm thấy những cảm giác dễ chịu, vậy thì để hạnh phúc hơn chúng ta cần phải tái cấu trúc hệ thống sinh hoá của mình. Nếu hạnh phúc dựa trên cảm giác rằng cuộc sống có ý nghĩa, vậy để hạnh phúc hơn chúng ta cần phải lừa dối mình hiệu quả hơn. Có lựa chọn thứ ba không?
Cả hai quan điểm trên chia sẻ giả định rằng hạnh phúc là một dạng cảm giác chủ quan (hoặc về khoái lạc hay ý nghĩa), và rằng để đánh giá hạnh phúc của mọi người, tất cả chúng ta cần phải làm là hỏi họ cảm thấy thế nào. Đối với nhiều người trong chúng ta, điều đó có vẻ hợp lý vì tôn giáo chiếm ưu thế của thời đại chúng ta là chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa tự do thánh hoá những cảm giác chủ quan của mỗi cá nhân. Nó xem những cảm xúc như là nguồn gốc tối thượng của quyền lực. Điều gì tốt và điều gì xấu, điều gì đẹp đẽ và điều gì xấu xa, điều gì nên làm và điều gì không nên làm, tất cả đều được quyết định bởi những gì mà mỗi chúng ta cảm nhận.
Chính trị tự do dựa trên ý tưởng rằng các cử tri hiểu biết rõ nhất, và không cần Anh Cả nói cho chúng ta biết điều gì là tốt cho chúng ta. Kinh tế tự do dựa trên ý tưởng rằng khách hàng luôn đúng. Nghệ thuật tự do tuyên bố rằng cái đẹp nằm trong mắt của kẻ quan sát. Người học trong các trường trung học và đại học khai phóng được dạy để nghĩ về bản thân. Thương mại thúc giục chúng ta “Cứ làm đi!” Những bộ phim hành động, kịch sân khấu, tiểu thuyết và nhạc pop liên tục nhồi sọ chúng ta rằng: “Hãy thành thật với chính mình”, “Lắng nghe chính mình”, “Làm theo điều trái tim bạn mách bảo”. Jean Jacques Rousseau đã phát biểu quan điểm này một cách rất cổ điển rằng: “Những gì tôi cảm thấy tốt – sẽ là tốt. Những gì tôi cảm thấy xấu – sẽ là xấu .
Những người được nuôi dạy từ bé thơ bằng những khẩu hiệu như vậy, sẽ dễ dàng tin rằng hạnh phúc là một cảm giác chủ quan và mỗi cá nhân biết rõ khi nào mình hạnh phúc hay đau khổ. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ tồn tại với chủ nghĩa tự do mà thôi. Hầu hết các tôn giáo và ý thức hệ trong suốt lịch sử nói rằng có những thước đo khách quan cho sự tốt lành và cái đẹp, cho cách mọi thứ nên diễn ra. Họ nghi ngờ những tình cảm và sở thích của người bình thường. Tại lối vào của đền thờ thần Apollo ở Delphi, khách hành hương sẽ được chào đón bởi dòng chữ: “Hiểu chính mình”. Hàm ý là một người bình thường không biết gì về con người thật của anh ta, và do đó có thể sẽ không biết gì về hạnh phúc thật sự. Freud có lẽ sẽ đồng tình với quan điểm đó.*
Và các nhà thần học Ki-tô giáo cũng vậy. Thánh Paul và Thánh Augustine biết rõ rằng nếu bạn hỏi mọi người về hạnh phúc, hẩu hết đều muốn quan hệ tình dục hơn là cầu nguyện Thiên Chúa. Điều đó liệu có chứng minh rằng quan hệ tình dục là chìa khoá để hạnh phúc? Không phải theo Paul và Augustine. Nó chỉ chứng minh nhân loại sinh ra đã mắc tội, và mọi người có thể dễ dàng bị quyến rũ bởi quỷ Satan. Từ quan điểm Ki-tô giáo, đại đa số người dân khá giống với những tên nghiện heroin. Hãy tưởng tượng rằng một nhà tâm lý học bắt tay vào một nghiên cứu hạnh phúc đối với người sử dụng ma túy. Ông thăm dò ý kiến của người nghiện và nhận thấy tất cả họ đều đồng tình rằng họ chỉ hạnh phúc khi sử dụng thuốc phiện. Liệu nhà tâm lý học sẽ xuất bản một công trình nghiên cứu, tuyên bố rằng heroin là chìa khoá của hạnh phúc?
Y tưởng cho rằng chúng ta không nên tin vào những cảm giác không chỉ giới hạn trong Ki-tô giáo. ít nhất là khi nói đến giá trị của những cảm giác, thậm chí Darwin và Dawkins có thể tìm thấy điểm chung với Thánh Paul và Thánh Augustine. Theo lý thuyết gen vị kỷ, chọn lọc tự nhiên khiến cho mọi người, giống như các sinh vật khác, chọn những gì là tốt cho sự sinh sản các gen của họ, thậm chí nếu nó có hại cho họ với tư cách những cá nhân. Hầu hết nam giới dành cuộc sống của họ để làm việc cực nhọc, lo lắng, cạnh tranh và chiến đấu, thay vì vui hưởng hạnh phúc bình yên, bởi ADN của họ thao túng họ cho những mục đích ích kỷ riêng mình. Giống như quỷ Satan, ADN sử dụng những thú vui thoáng qua để cám dỗ con người và đặt họ dưới sức mạnh của nó.
Do đó, hầu hết các tôn giáo và triết học đã chọn cách tiếp cận hạnh phúc rất khác biệt với chủ nghĩa tự do. Quan điểm của Phật giáo là đặc biệt thú vị. Phật giáo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của câu hỏi về hạnh phúc có lẽ nhiều hơn bất kỳ tín ngưỡng nào khác của con người. Trong suốt 2.500 năm, các Phật tử đã nghiên cứu có hệ thống bản chất và nguyên nhân của hạnh phúc, đó là lý do dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng trong cộng đồng khoa học về triết học và những bài thực hành thiển định của họ.
Phật giáo chia sẻ nhận thức cơ bản với phương pháp tiếp cận sinh học về hạnh phúc, cụ thể là hạnh phúc bắt nguồn từ các quá trình xảy ra trong cơ thể của một người, không phải từ những sự kiện ở thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, khởi đầu từ quan niệm giống nhau, Phật giáo đã đưa ra những kết luận rất khác.
Theo Phật giáo, hầu hết mọi người xác định hạnh phúc với những cảm giác dễ chịu, trong khi xác định đau khổ với cảm giác khó chịu. Do đó, con người dần gắn tầm quan trọng to lớn cho những gì họ cảm thấy, thèm muốn được trải nghiệm nhiều và nhiều hơn nữa những thú vui, trong khi trốn tránh đau khổ. Bất cứ điều gì chúng ta làm trong đời mình, như gãi chân, hơi thấp thỏm trên ghế, hoặc chiến đấu trong các cuộc chiến tranh thế giới, chúng ta đều đang cố gắng để có được cảm giác dễ chịu.
Theo Phật giáo, vấn đề ở đây là cảm xúc của chúng ta không khác gì những rung động thoáng qua, thay đổi từng giây phút, như những con sóng đại dương. Nếu năm phút trước, tôi cảm thấy vui vẻ và có mục đích, thì bây giờ khi những cảm xúc đã qua đi, tôi có thể cảm thấy buồn và chán nản. Vì vậy, nếu tôi muốn trải nghiệm cảm giác dễ chịu, tỏi phải liên tục theo đuổi nó, trong khi đuổi đi những cảm giác khó chịu. Ngay cả nếu tôi thành công, thì tôi ngay lập tức phải bắt đầu tất cả lại từ đầu, mà không nhận được bất kỳ phần thưởng lâu dài nào cho những rắc rối của tôi.
Có gì quan trọng mà phải theo đuổi những phần thưởng phù du như vậy? Tại sao phải đấu tranh vất vả để đạt được một cái gì đó biến mất gần như ngay khi nó xuất hiện? Theo Phật giáo, gốc rễ của đau khổ không phải là cảm giác đau đớn, không phải là nỗi buồn, cũng không phải do không tìm được ý nghĩa. Thay vào đó, cái gốc thực sự của đau khổ là sự theo đuổi những cảm giác nhất thời không bao giờ kết thúc và vô nghĩa, làm cho chúng ta ở trong một trạng thái liên tục căng thẳng, bồn chồn và bất mãn. Chính bởi cuộc đuổi bắt này, tâm trí sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Ngay cả khi trải qua niềm vui, nó cũng không cảm thấy mãn nguyện, vì nó sợ cảm giác này có thể sớm tan biến, và khao khát rằng cảm giác này mãi ở lại và còn được nhân lên.
Những người được giải thoát khỏi đau khổ không phải khi họ trải nghiệm niềm vui thoáng qua này hay kia, mà là khi họ hiểu được bản chất vô thường của mọi cảm xúc, và ngừng thèm khát chúng. Đây là mục tiêu của những bài thực hành thiền định trong Phật giáo. Trong thiền định, bạn cần phải quán chiếu thật kĩ tâm trí và cơ thể, chứng kiến sự sinh diệt không ngừng của mọi cảm giác, và nhận ra việc theo đuổi chúng vô nghĩa đến mức nào. Khi bạn dưng theo đuổi, tâm trí trở nên rất thoải mái, rõ ràng và hài lòng. Mọi cảm giác cứ sinh rồi diệt – niềm vui, giận dữ, buồn chán, ham muốn – nhưng một khi bạn ngừng khao khát những cảm giác này, bạn có thể chấp nhận chúng như chúng vốn là. Bạn sống trong giây phút hiện tại thay vì mơ mộng về những gì có thể có được.
Sự thanh thản đạt được sâu sắc đến mức những người dành cả cuộc đời theo đuổi điên cuồng những cảm giác dễ chịu khó có thể tưởng tượng ra. Nó giống như một người đàn ông đứng bên bờ biển trong nhiều thập kỷ, ôm ấp những con sóng “tốt” và cố gắng giữ chúng không bị tan biến, trong khi đồng thời đẩy lùi sóng “xấu”, ngăn cản chúng tới gần. Ngày này qua ngày khác, người đàn ông đứng trên bãi biển, tự làm mình phát điên vì hành động vô nghĩa này. Cuối cùng, anh ta ngồi trên bãi cát và cứ để cho những con sóng đến và đi như chúng thích. Thật yên bình làm sao!
Ý tưởng này xa lạ với văn hoá tự do hiện đại tới mức, khi phong trào Thời đại Mới ở Tây phương bắt gặp những hiểu biết của thế giới Phật giáo, họ diễn giải chúng thành các thuật ngữ tự do, do đó làm lẫn lộn mọi khái niệm. Những nhóm Thời đại Mới thường lập luận rằng: “Hạnh phúc không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài. Nó chỉ phụ thuộc vào những gì chúng ta cảm thấy bên trong. Mọi người nên ngừng theo đuổi những thành tựu bên ngoài như sự giàu có và địa vị, và kết nối với cảm xúc bên trong của mình”. Hoặc ngắn gọn hơn: “Hạnh phúc bắt đầu từ bên trong”. Đây chính xác là những gì các nhà sinh học luôn tâm niệm, nhưng ít nhiều đối lập với những gì Phật đã nói.
Phật đồng ý với sinh học hiện đại và các phong trào Thời đại Mới rằng hạnh phúc độc lập với các điều kiện bên ngoài. Tuy nhiên, cái nhìn sâu sắc, quan trọng hơn là hạnh phúc thật sự cũng độc lập với những cảm giác bên trong của chúng ta. Thật vậy, chúng ta càng gắn nhiều ý nghĩa cho các cảm giác của mình, chúng ta càng khao khát chúng và chúng ta lại càng đau khổ. Lời khuyên của Phật là không chỉ ngừng theo đuổi những thành tựu bên ngoài, mà còn ngừng theo đuổi những cảm giác nội tâm.
Tóm lại, những câu hỏi về hạnh phúc chủ quan xác định hạnh phúc bằng cảm xúc chủ quan của chúng ta, và xác định việc theo đuổi hạnh phúc bằng sự theo đuổi trạng thái cảm xúc đặc biệt. Ngược lại, đối với nhiều triết lý và tôn giáo truyền thống, như Phật giáo, chìa khoá của hạnh phúc là biết rõ về bản thân mình – để hiểu mình là ai, hoặc mình thực sự là gì. Hầu hết mọi người sai lầm khi đánh đồng bản thân với những cảm giác, suy nghĩ, điều thích và không thích của họ. Khi họ cảm thấy tức giận, họ nghĩ, “Tôi tức giận. Đây là sự tức giận của tôi”. Do đó, họ dành phần lớn cuộc sống của mình để trốn tránh một số loại cảm xúc và theo đuổi những cảm xúc khác. Họ không bao giờ nhận ra rằng họ không phải là những cảm xúc của họ, và rằng việc theo đuổi không ngừng của những cảm xúc đặc biệt này chỉ khiến họ kẹt trong đau khổ.
Nếu đúng như vậy, thì toàn bộ hiểu biết của chúng ta về lịch sử của hạnh phúc có thể đã bị lạc hướng. Có lẽ việc những kỳ vọng của người dân có được đáp ứng, hay liệu họ có được tận hưởng những cảm giác dễ chịu hay không, chẳng phải quá quan trọng. Câu hỏi chính là liệu mọi người có thực sự biết rõ về bản thân mình hay không. Chúng ta có bằng chứng nào về việc con người ngày nay hiểu được sự thật này tốt hơn so với người săn bắt hái lượm cổ đại hoặc những người nông dân trung cổ?
Các học giả mới chỉ bắt đầu nghiên cứu lịch sử của hạnh phúc một vài năm trước đây, chúng ta vẫn đang xây dựng những giả thuyết ban đầu và tìm kiếm các phương pháp nghiên cứu thích hợp. vẫn còn là quá sớm để nghe theo những kết luận cứng nhắc và kết thúc một cuộc tranh luận hầu như chưa bắt đầu. Điều quan trọng là cần biết được càng nhiều cách tiếp cận khác nhau càng tốt và đặt ra những câu hỏi đúng.
Hầu hết sách lịch sử tập trung vào những ý tưởng của các nhà tư tưởng vĩ đại, sự dũng cảm của các chiến binh, sự từ tâm của các vị thánh và sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Những cuốn sách đó có nhiều điều để nói về sự đan xen và tháo gỡ các cấu trúc xã hội, về sự thăng trầm của các triều đại, về sự khám phá và lan tỏa của những công nghệ. Tuy nhiên, chúng không hề để cập tới cách mà tất cả những điều này ảnh hưởng đến hạnh phúc và đau khổ của mỗi cá nhân. Đây là khiếm khuyết lớn nhất trong sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử. Tốt hơn là chúng ta nên bắt đầu bổ sung những kiến thức này.