Sapiens: Lược Sử Loài Người

CÁI KẾT CỦA HOMO SAPIENS

CÁI KẾT CỦA HOMO SAPIENS

Cuốn sách này bắt đầu bằng việc trình bày lịch sử như là giai đoạn tiếp theo trong sự liên tục từ vật lý, tới hoá học, rồi sinh học. Sapiens đang chịu các tác động vật lý, phản ứng hoá học và quá trình chọn lọc tự nhiên như nhau vốn chi phối tất cả các loài sinh vật. Chọn lọc tự nhiên có thể đã cung cấp cho Homo sapiens một sân chơi lớn hơn nhiều so với những gì nó đã trao cho bất cứ sinh vật nào khác, nhưng sân chơi này vẫn có giới hạn của nó. Qua đó thể hiện rằng, cho dù những nỗ lực và thành tích của con người có lớn tới đâu chăng nữa, Sapiens cũng không có khả năng đột phá những giới hạn xác định về mặt sinh học của họ.

Nhưng vào buổi bình minh của thế kỷ 21, điều này không còn đúng nữa: Homo sapiens đang vượt qua những giới hạn này. Hiện họ đang bắt đầu phá vỡ các quy luật của chọn lọc tự nhiên, thay thế chúng bằng các quy luật thiết kế thông minh.

Trong gần 4 tỉ năm, mọi sinh vật trên hành tinh đều tiến hoá dưới ảnh hưởng của chọn lọc tự nhiên. Không một loài sinh vật nào được thiết kế bởi một thực thể sáng tạo thông minh. Ví dụ, hươu cao cổ có được chiếc cổ dài nhờ vào sự cạnh tranh giữa các con hươu cao cổ cổ xưa, chứ không phải là ý tưởng bất chợt của một thực thể siêu thông minh. Giống hươu này có cái cổ rất dài, nên có thể tiếp cận nhiều thức ăn hơn, và kết quả là sinh ra được nhiều con cháu hơn hơn so với những con có cổ ngắn. Không một ai, và chắc chắn không phải là loài hươu cao cổ, nói rằng: “Một chiếc cổ dài sẽ cho phép hươu cao cổ nhai được nhiều lá trên ngọn cây. Hãy kéo nó dài thêm”, vẻ đẹp của học thuyết Darwin là nó không cần phải giả định về một người thiết kế thông minh để giải thích lý do hươu cao cổ có chiếc cổ dài.

Trong hàng tỉ năm, thiết kế thông minh thậm chí không phải là một lựa chọn, bởi không có thứ trí tuệ nào có thể thiết kế nên mọi thứ. Cho đến gần đây, vi sinh vật là những sinh vật duy nhất tồn tại trên Trái đất, có các khả năng vô cùng tuyệt vời. Một vi sinh vật thuộc loài này có thể kết hợp các mã di truyền từ một loài hoàn toàn khác vào tế bào của nó, do đó có được khả năng mới, chẳng hạn như khả năng kháng thuốc kháng sinh. Song, theo những gì mà chúng ta biết, các vi sinh vật không có ý thức, không có mục tiêu trong cuộc sống, và không có khả năng lập kế hoạch trước.

Ở một giai đoạn nào đó, một số sinh vật như hươu cao cổ, cá heo, tinh tinh và Neanderthal phát triển ý thức và khả năng lập kế hoạch trước. Nhưng thậm chí, nếu một Neanderthal mơ đến những con gà béo và chậm chạp đến mức mỗi khi đói anh ta chỉ cần vung tay là bắt được, anh ta không có cách nào để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Anh ta buộc phải đi săn các loài chim đã được chọn lọc tự nhiên.

Vết rạn nứt đầu tiên trong cơ chế cũ đó xuất hiện từ khoảng 10.000 năm trước đây, trong Cách mạng Nông nghiệp. Sapiens, mơ ước về con gà béo núc và chậm chạp, phát hiện ra rằng nếu họ cho một con gà mái béo nhất giao phối với một con gà trống chậm chạp nhất, con của cặp gà trên sẽ có cả hai đặc điểm béo và chậm chạp. Nếu bạn cho đám con cái này giao phối với nhau, bạn có thể tạo ra một giống gà béo và chậm chạp. Đây là giống gà không có trong tự nhiên, được tạo ra từ thiết kế thông minh của con người chứ không phải từ một vị thần.

Tuy nhiên, so với một vị thần toàn năng, Homo sapiens chỉ có những kĩ năng thiết kế rất hạn chế. Sapiens có thể sử dụng gây giống chọn lọc để đi tắt và đẩy nhanh quá trình chọn lọc tự nhiên, thường tác động tới loài gà, nhưng họ không thể mang lại những đặc điểm hoàn toàn mới, chưa từng có từ nguồn gen của những con gà hoang dã. Theo một cách nào đó, mối quan hệ giữa Homo sapiens và gà giống như nhiều mối quan hệ cộng sinh tương tự khác, thường tự phát sinh theo cách của riêng chúng trong tự nhiên. Sapiens đã gia tăng những áp lực chọn lọc đặc biệt lên các giống gà, khiến cho những con gà béo ú và chậm chạp sinh sôi nảy nở, giống như việc ong thụ phấn lựa chọn những bông hoa, khiến cho hoa có màu sắc tươi sáng hơn dễ có cơ hội được thụ phấn.

Ngày nay, cơ chế 4 tỉ năm tuổi của chọn lọc tự nhiên đang đối mặt với một thách thức hoàn toàn khác. Trong các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới, giới khoa học đang thiết kế nên những sinh vật sống. Họ phá vỡ các quy luật chọn lọc tự nhiên mà không bị trừng phạt, không bị kiểm chế, kể cả bởi đặc tính ban đầu của một sinh vật. Vào năm 2000, Eduardo Kac, một nghệ sĩ đồng thời là nhà sinh vật học người Brazil, đã quyết định tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mới: một con thỏ màu xanh huỳnh quang. Kac liên lạc với một phòng thí nghiệm của Pháp và cấp cho họ một số tiền để thiết kế một con thỏ có màu lông phát sáng đúng theo yêu cầu của ông. Các nhà khoa học Pháp đã lấy một cái phôi của loài thỏ trắng bình thường, cấy vào ADN của nó một gen được lấy từ một con sứa phát sáng màu xanh lá cây, và thế là, họ cho ra đời một con thỏ phát sáng màu xanh lá cây! Kac đặt tên con thỏ là Alba.

Không thể giải thích sự tồn tại của thỏ Alba theo các quy luật chọn lọc tự nhiên. Nó là sản phẩm của thiết kế thông minh. Nó cũng là một điểm báo trước về những gì sắp đến. Nếu tiềm năng mà Alba báo hiệu được hiện thực hoá đầy đủ – và nếu nhân loại không tự hủy diệt mình trong khoảng thời gian đó – thì Cách mạng Khoa học có thể chứng minh rằng nó lớn hơn nhiều so với một cuộc cách mạng lịch sử đơn thuần. Nó có thể trở thành cuộc cách mạng sinh học quan trọng nhất kể từ khi xuất hiện sự sống trên Trái đất. Sau 4 tỉ năm chọn lọc tự nhiên, Alba bước vào buổi bình minh của một kỷ nguyên vũ trụ mới, trong đó cuộc sống sẽ được điều hành bởi thiết kế thông minh. Nếu điều này xảy ra, với sự nhận thức muộn màng, toàn bộ lịch sử nhân loại đến thời điểm đó có thể được diễn giải lai như một quá trình thử nghiệm và học hỏi nhằm cách mạng hoá trò chơi cuộc sống. Quá trình này cần được hiểu từ góc nhìn qua nhiều tỉ năm của vũ trụ, thay vì từ quan điểm của con người trong hàng thiên niên kỷ.

Các nhà sinh học trên thế giới đang bị khoá chặt trong trận chiến với phong trào thiết kế thông minh, họ phản đối việc giảng dạy thuyết tiến hoá Darwin trong các trường học, và tuyên bố rằng sự phức tạp sinh học chứng tỏ phải có một đấng sáng tạo, người nghĩ ra tất cả các chi tiết sinh học từ trước. Các nhà sinh học có thể đúng về quá khứ, nhưng trớ trêu thay những người ủng hộ thiết kế thông minh lại suy luận đúng về tương lai.

Tại thời điểm viết cuốn sách này, việc thay thế chọn lọc tự nhiên bởi thiết kế thông minh có thể xảy ra theo một trong ba cách sau: qua kĩ thuật sinh học, kĩ thuật cyborg (cyborg là những thực thể kết hợp các bộ phận hữu cơ với phi hữu cơ) hay các kĩ thuật về sự sống vô cơ.

Của chuột và người

Kĩ thuật sinh học là sự can thiệp cố ý của con người trên cấp độ sinh học (ví dụ cấy một gen) nhằm thay đổi hình dạng, khả năng, nhu cầu hay mong muốn của một sinh vật, hiện thực hoá một số ý tưởng văn hoá đã có từ trước, chẳng hạn lòng yêu thích nghệ thuật của Eduardo Kac.

Xét về bản chất thì chẳng có điều gì mới mẻ về kĩ thuật sinh học. Con người đã sử dụng nó trong nhiều thiên niên kỷ nhằm định hình lại bản thân và các sinh vật khác. Một ví dụ đơn giản là chuyện thiến. Con người đã thiến bò đực khoảng 10.000 năm trước để tạo ra bò nhà ít hung hăng, do đó dễ huấn luyện để kéo cày hơn. Con người cũng thiến thanh niên nam để tạo ra ca sĩ giọng nữ cao với tiếng hát mê hoặc và hoạn quan, những người có thể được giao việc giám sát hậu cung của nhà vua một cách an toàn.

Nhưng những tiến bộ gần đây trong sự hiểu biết của chúng ta về cách thức các sinh vật hoạt động, tới tận cấp độ tế bào và hạt nhân, đã mở ra những khả năng mà trước đây không thể hình dung nổi. Ví dụ, ngày nay chúng ta có thể không chỉ đơn thuần thiến một người đàn ông, mà còn thay đổi giới tính của anh ta thông qua những phương pháp phẫu thuật và thay đổi hoóc-môn. Nhưng đó không phải là tất cả. Hãy xem xét sự bất ngờ, ghê tởm và kinh hoàng xảy ra vào năm 1996, khi bức ảnh dưới đây xuất hiện trên báo chí và truyền hình.

 

Hình 46. Trên lưng con chuột này, các nhà khoa học đã cấy lên đó một “cái tai” từ tế bào xương sụn bò. Nó là một tiếng vang kỳ lạ từ bức tượng nhân sư từ hang Stadel. 30.000 năm trước, con người đã mơ tưởng về việc kết hợp các loài khác nhau. Ngày nay, họ thực sự có thể tạo ra được những con lai như vậy.

Đây không phải là hình ảnh Photoshop. Đây là hình ảnh nguyên bản của một con chuột thật mà các nhà khoa học cấy tế bào xương sụn bò lên lưng nó. Họ đã có thể kiểm soát sự phát triển của các mô mới, và trong trường hợp này định hình nó thành một thứ trông giống như một cái tai người. Quá trình này có thể sớm cho phép họ tạo ra những cái tai nhân tạo mà sau đó có thể cấy cho con người.

Thậm chí nhiều kỳ tích đáng chú ý hơn nữa có thể được thực hiện với kĩ thuật di truyền, đó là lý do mà nó đặt ra một loạt các vấn đề về đạo đức, chính trị và tư tưởng. Và không chỉ một người độc thần ngoan đạo, luôn phản đối việc con người không nên chiếm đoạt vai trò của Thiên Chúa mới thấy có vấn đề. Nhiều người vô thần cũng khẳng định rằng họ bị sốc bởi ý tưởng rằng các nhà khoa học đang xỏ chân vào chiếc giày của tự nhiên. Các nhà hoạt động về quyền của động vật phê phán các phòng thí nghiệm kĩ thuật di truyền đã gây ra đau khổ cho động vật, và cả những con vật trong trang trại bị công nghệ hoá mà không đếm xỉa gì đến nhu cầu và mong muốn của chúng. Các nhà hoạt động nhân quyền e rằng kĩ thuật di truyền có thể được sử dụng để tạo ra siêu nhân, những người sẽ biến phần còn lại của nhân loại thành nô lệ. Họ đã đem tới cái nhìn khải huyền về chế độ độc tài sinh học có thể nhân bản những người lính không biết sợ và những công nhân biết vâng lời. Nhận định phổ biến là có quá nhiều cơ hội đang mở ra nhanh chóng, và kĩ nâng biến đổi gen theo cách nhân tạo vượt xa khả năng vận dụng kĩ năng này một cách khôn ngoan về lâu về dài.

Kết quả là hiện nay chúng ta mới chỉ sử dụng một phần nhỏ tiềm năng của kĩ thuật di truyền. Hầu hết các sinh vật hiện đang được thiết kế là những loài có vai trò chính trị thấp kém nhất – thực vật, nấm, vi khuẩn và côn trùng. Chẳng hạn như, dòng vi khuẩn E. coli, một loài vi khuẩn sống cộng sinh trong ruột của con người (và sẽ gây lo lắng khi nó thoát khỏi ruột và gây nhiễm trùng chết người), đã được biến đổi gen để sản xuất nhiên liệu sinh học. E. coli và một số loài nấm cũng đã được thiết kế để sản xuất insulin, do đó làm giảm chi phí của việc điều trị bệnh tiểu đường. Một gen được chiết xuất từ một loài cá Bắc cực đã được đưa vào khoai tây, khiến giống khoai tây này chống được sương giá.

Một vài loài động vật có vú cũng trở thành đối tượng của kĩ thuật di truyền. Hằng năm ngành công nghiệp sữa bị thiệt hại hàng tỉ đô-la do bệnh viêm vú, một căn bệnh tấn công bầu vú bò sữa. Các nhà khoa học đang thử nghiệm với bò sữa biến đổi gen có chứa lysostaphin trong sữa, một chất được tổng hợp sinh hoá có khả năng tấn công vi khuẩn gây bệnh. Ngành công nghiệp chế biến thịt lợn đã bị ảnh hưởng nặng về doanh thu, bởi người tiêu dùng cảnh giác với các chất béo không lành mạnh trong giảm bông và thịt xông khói, giờ lại có hy vọng đối với những giống lợn đang được thử nghiệm cấy ghép với vật liệu di truyền từ một con sâu. Các gen mới sẽ giúp cho những con lợn chuyển hoá axit béo omega 6 không tốt thành người anh em họ khỏe mạnh của nó là omega 3.

Thế hệ tiếp theo của công nghệ di truyền sẽ tạo ra những con lợn với hàm lượng chất béo tốt cho sức khỏe dễ như trò chơi trẻ con. Các nhà di truyền học đã không chỉ đơn thuần làm tăng gấp sáu lần tuổi thọ trung bình của các loài sâu, mà còn thiết kế nên những con chuột thiên tài có bộ nhớ tiến bộ vượt bậc và có kĩ năng học tập. Loài chuột đồng là loài gặm nhấm mình nhỏ, béo mập, và hầu hết chúng đều có quan hệ lăng nhăng. Nhưng có một loài mà trong đó chuột đực và chuột cái hình thành các mối quan hệ đối ngẫu lâu dài. Các nhà di truyền học tuyên bố đã phân lập được gen chịu trách nhiệm cho mối quan hệ đối ngẫu này. Nếu việc bổ sung một gen có thể biến một gã Don Juan thành một người chồng chung thủy và yêu thương, chẳng phải chúng ta không còn xa mấy với việc có thể thiết kế di truyền không chỉ khả năng cá nhân của các loài gặm nhấm (và con người), mà còn cả cấu trúc xã hội của chúng?

Sự trở lại của Neanderthal

Nhưng các nhà di truyền học không chỉ muốn biến đổi những loài động vật đang tồn tại. Mục tiêu của họ còn là làm sống lại các sinh vật đã tuyệt chủng. Và không chỉ những con khủng long, như trong Công viên kỷ Jura. Một nhóm các nhà khoa học Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đã lập được bản đồ gen của voi ma-mút cổ đại, được tìm thấy bị đông cứng trong băng giá ở Siberia. Giờ đây họ đang lên kế hoạch lấy một trứng đã thụ tinh của một con voi hiện đại, thay thế ADN của con voi đó bằng ADN của voi ma-mút đã được tái tạo, và cấy phôi này vào tử cung của một con voi bình thường. Sau khoảng 22 tháng, họ mong chờ một con voi ma-mút sẽ được sinh ra lần đầu tiên sau 5.000 năm.

Nhưng tại sao chỉ dừng lại ở loài voi ma-mút? Giáo sư George Church thuộc Đại học Harvard mới đây cho rằng, với việc hoàn thành Dự án Bộ gen Neanderthal, chúng ta giờ đây có thể cấy ghép nguồn ADN tái tạo của Neanderthal vào một trứng của Sapiens, từ đó sẽ sinh ra Neanderthal đầu tiên sau 30.000 năm. Church tuyên bố rằng ông có thể làm công việc này với một số vốn ít ỏi là 30 triệu đô-la. Một số phụ nữ đã tình nguyện làm người mang thai hộ.

Vậy chúng ta cần Neanderthal để làm gì? Một số người cho rằng nếu chúng ta có thể nghiên cứu Neanderthal còn sống, chúng ta có thể trả lời một số câu hỏi dai dẳng nhất về nguồn gốc và sự độc đáo của Homo sapiens. Bằng cách so sánh một bộ não Neanderthal với một Homo sapiens, và chỉ ra những khác biệt trong cấu trúc của họ, có lẽ chúng ta có thể xác định những thay đổi sinh học tạo ra ý thức như chúng ta đã biết. Còn một lý do đạo đức nữa – có người cho rằng nếu Homo sapiens chịu trách nhiệm về sự tuyệt chủng của Neanderthal, chúng ta có nghĩa vụ đạo đức phải phục hồi họ. Và việc này có thể hữu ích. Nhiều nhà tư bản sẽ vui vẻ trả lương cho một Neanderthal để làm những công việc tầm thường của hai Sapiens.

Nhưng tại sao lại phải dừng lại, kể cả đối với Neanderthal? Tại sao không quay lại bản vẽ của Chúa và thiết kế nên một Sapiens hoàn hảo hơn? Các khả năng, nhu cầu và mong muốn của Homo sapiens có một cơ sở di truyền, và bộ gen của Sapiens không hề phức tạp hơn so với chuột đồng và các loài gặm nhấm. (Bộ gen chuột chứa khoảng 2,5 tỉ cặp nucleotide, bộ gen của Sapiens chứa khoảng 2,9 tỉ cặp – nghĩa là chỉ lớn hơn chuột có 14%). Trong tương lai không xa – có lẽ trong một vài thập kỷ – kĩ thuật di truyền và các hình thức kĩ thuật sinh học khác có thể cho phép chúng ta tạo ra những sự thay đổi sâu rộng không chỉ đối với đặc điểm sinh lý, hệ thống miễn dịch và tuổi thọ, mà còn với cả năng lực trí tuệ và tình cảm. Nếu kĩ thuật di truyền có thể tạo ra những con chuột thiên tài, thì tại sao không phải là những con người thiên tài? Nếu chúng ta có thể tạo ra chuột đồng đối ngẫu, tại sao không phải là con người chung thủy với bạn đời của mình?

Cách mạng Nhận thức, từng biến Homo sapiens từ một loài vượn tầm thường thành chủ nhân của thế giới, không yêu cầu sự thay đổi đáng chú ý nào trong sinh lý học hay kể cả trong kích thước và hình dáng bên ngoài của bộ não người. Dường như chỉ có một vài thay đổi nhỏ trong cấu trúc bên trong của não bộ. Có lẽ một sự thay đổi nhỏ khác sẽ đủ để khơi mào cho Cách mạng Nhận thức lần thứ hai, tạo ra một dạng ý thức hoàn toàn mới, và biến đổi Homo sapiens thành một thứ gì đó hoàn toàn khác.

Thật ra chúng ta vẫn chưa đủ khả năng làm được điều này, nhưng có vẻ như không có bất cứ rào cản kĩ thuật nào không thể vượt qua, ngăn cản chúng ta trong việc tạo ra những siêu nhân. Những trở ngại chính là các phản đối đạo đức và chính trị đã làm chậm lại những nghiên cứu trên con người. Và cho dù những lý lẽ đạo đức có thuyết phục thế nào đi nữa, thì họ vẫn khó có thể kìm lại các bước tiến tiếp theo trong thời gian tới, đặc biệt nếu điều đang được mong chờ là khả năng kéo dài tuổi thọ con người đến vô hạn, chinh phục bệnh nan y, nâng cao khả năng nhận thức và cảm xúc của con người.

Điều gì sẽ xảy ra, ví dụ nếu chúng ta phát triển một phương pháp điều trị bệnh Alzheimer, đi kèm một tác dụng phụ là có thể cải thiện đáng kể trí nhớ của người khỏe mạnh? Liệu ai có thể ngăn chặn các nghiên cứu liên quan đến vấn để này? Và khi phương pháp chữa bệnh được phát triển, liệu có bất kỳ cơ quan thực thi pháp luật nào có thể hạn chế phương pháp đó chỉ dành cho bệnh nhân Alzheimer và ngăn những người khỏe mạnh sử dụng nó để có trí nhớ siêu phàm?

Không rõ với công nghệ sinh học thì có thể thực sự hồi sinh được Neanderthal hay không, nhưng rất có thể nó sẽ là sự hạ màn với Homo sapiens. Táy máy với gen của mình không hẳn sẽ giết chúng ta. Nhưng chúng ta có thể nghịch ngợm với bộ gen của mình đến mức chúng ta sẽ không còn là Homo sapiens nữa.

Sự sống nhân tạo

Một công nghệ mới có thể thay đổi các quy luật của cuộc sống chính là kĩ thuật cyborg. Cyborg là những thực thể kết hợp giữa các phần hữu cơ và vô cơ, chẳng hạn như một người với đôi tay nhân tạo. Theo nghĩa nào đó, gần như tất cả chúng ta đều là người nhân tạo (bionic) ngày nay, bởi các giác quan và chức nâng tự nhiên của chúng ta được hỗ trợ bởi các thiết bị như kinh mắt, máy tạo nhịp tim, nẹp chỉnh hình, thậm chí là những chiếc máy tính và điện thoại di động (giảm tải việc lưu trữ và xử lý dữ liệu cho bộ não). Chúng ta đứng trước khả năng trở thành những cyborg thật sự, với các đặc điểm vô cơ không tách rời cơ thể chúng ta, các tính năng như có thể thay đổi khả năng, mong muốn, tính cách và bản sắc của chúng ta.

Cơ quan Quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng (DARPA), một tổ chức nghiên cứu quân sự của Hoa Kỳ, đang phát triển cyborg từ những con côn trùng. Ý tưởng là cấy ghép các chip điện tử, những máy dò và bộ xử lý trong cơ thể ruồi hay gián, từ đó cho phép con người hoặc máy móc tự động có thể kiểm soát sự di chuyển của côn trùng từ xa, nhận và truyền thông tin. Một con ruồi như vậy có thể đậu trên bức tường ở trụ sở đối phương, nghe trộm các cuộc đàm thoại bí mật nhất, và nếu nó không bị một con nhện ăn thịt, nó có thể thông báo chúng ta chính xác những gì kẻ thù đang lên kế hoạch. Năm 2006, Trung tâm Tác chiến dưới biển của Hải quân Mỹ (NUWC) thông báo về ý định phát triển cá mập cyborg, rằng “NUWC đang phát triển một tấm thẻ gắn vào cá với mục tiêu kiểm soát hành vi của vật chủ qua việc cấy ghép thần kinh”. Các nhà phát triển hy vọng sẽ xác định các trường điện từ dưới nước do tàu ngầm và bom mìn tạo ra, bằng cách khai thác khả năng phát hiện từ tính tự nhiên của cá mập, vượt trội so với bất kỳ máy dò nhân tạo nào.

Sapiens cũng đang bị biến thành những cyborg. Thế hệ máy trợ thính mới nhất đôi khi được gọi là “tai nhân tạo”. Thiết bị bao gồm một phần cấy ghép có khả năng hấp thụ âm thanh thông qua một microphone nằm ở phần tai ngoài. Phần cấy ghép lọc các âm thanh, nhận dạng giọng nói con người, chuyển chúng thành tín hiệu điện được gửi trực tiếp đến các dây thần kinh thính giác trung ương và từ đó đến não.

Retina Implant, một công ty Đức được chính phủ tài trợ, đang phát triển võng mạc nhân tạo có thể cho phép người khiếm thị nhìn thấy được phần nào. Nó liên quan đến việc cấy một con chip nhỏ trong mắt bệnh nhân. Tế bào quang điện hấp thụ ánh sáng chiếu vào mắt và biến nó thành năng lượng điện, kích thích các tế bào thần kinh còn nguyên vẹn trong võng mạc. Các xung thần kinh từ các tế bào này kích thích não bộ, não bộ chuyển hoá chúng thành hình ảnh. Hiện nay công nghệ này cho phép bệnh nhân tự định hướng trong không gian, đọc được chữ, và thậm chí nhận diện được khuôn mặt.

Jesse Sullivan, một thợ điện người Mỹ, bị cụt cả hai tay đến vai trong một tai nạn vào năm 2001. Giờ đây ông sử dụng hai cánh tay nhân tạo do Viện Phục hồi chức năng Chicago sản xuất. Tính năng đặc biệt ở hai cánh tay mới của Jesse là chúng được điều khiển hoàn toàn bởi suy nghĩ. Tín hiệu thần kinh xuất phát từ não Jesse được những thiết bị vi tính siêu nhỏ chuyển thành mệnh lệnh điện tử và khiến cho hai cánh tay di chuyển. Khi Jesse muốn nâng cánh tay của mình, ông thực hiện như người bình thường một cách vô thức – và cánh tay được giơ lên. Đôi cánh tay này chỉ có thể thực hiện các chuyển động rất hạn chế so với một cánh tay thực sự, nhưng vẫn cho phép Jesse thực hiện được chức năng đơn giản hằng ngày. Một cánh tay nhân tạo tương tự gần đây đã được cấy ghép cho Claudia Mitchell, một người lính Mỹ bị mất cánh tay trong một tai nạn xe máy. Các nhà khoa học tin rằng chúng ta sẽ sớm có cánh tay nhân tạo, không chỉ cử động theo ý muốn mà còn có thể truyền tín hiệu trở lại não, vì thế cho phép người tàn tật lấy lại cảm giác tiếp xúc trực tiếp!

 

Hình 47. Jesse Sullivan và Claudia Mitchell nắm tay nhau. Điều tuyệt vời về những cánh tay nhân tạo của họ là chúng được điều khiển bởi suy nghĩ.

Hiện nay, những cánh tay nhân tạo này vẫn chưa thể tốt bằng cánh tay gốc của chúng ta, nhưng chúng có tiềm năng phát triển vô hạn. Ví dụ, những cánh tay nhân tạo có thể khỏe hơn nhiều lần cánh tay bình thường, khiến cho ngay cả một nhà vô địch quyền anh cũng phải cảm thấy mình yếu đuối. Hơn nữa, lợi thế của cánh tay nhân tạo là có thể thay được cứ vài năm một lần, hoặc tách khỏi cơ thể và hoạt động từ xa.

Các nhà khoa học tại Đại học Duke ở Bắc Carolina gần đây đã chứng minh điều này bằng những con khỉ nâu có bộ não được cấy ghép các điện cực. Chúng thu thập tín hiệu từ não và chuyển đến các thiết bị bên ngoài. Những con khỉ trên đã được huấn luyện để kiểm soát bằng suy nghĩ tay và chân nhân tạo tách rời. Một con khỉ tên là Aurora đã học điều khiển cánh tay nhân tạo bằng suy nghĩ, đồng thời di chuyển hai cánh tay bình thường của nó. Giống như một số vị thần Hindu, Aurora hiện có ba cánh tay, chúng có thể được đặt trong các phòng khác nhau – thậm chí ở mấy thành phố khác nhau. Nó có thể ngồi trong phòng thí nghiệm của mình ở Bắc Carolina, gãi lưng bằng một tay, gãi đầu bằng tay thứ hai, và đồng thời lấy trộm một quả chuối ở New York (mặc dù khả năng ăn một trái cây được đánh cắp từ xa vẫn còn là một giấc mơ). Một con khỉ nâu khác tên là Idoya, nổi tiếng khắp thế giới vào năm 2008, khi nó tự điều khiển bằng ý nghĩ đôi chân nhân tạo của nó ở Kyoto, Nhật Bản, từ chỗ nó ngồi ở bang North Carolina. Đôi chân này nặng gấp 20 lần trọng lượng của Idoya.

Hội chứng khoá trong* một người mất hoàn toàn hoặc hầu hết khả năng cử động bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể mình, nhưng khả năng nhận thức vẫn còn nguyên vẹn. Bệnh nhân mắc hội chứng này cho đến nay chỉ có thể giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua cử động hạn chế của mắt. Tuy nhiên, một số bệnh nhân đã được cây các điện cực thu tín hiệu vào não của họ. Các nỗ lực đang được thực hiện để chuyển tín hiệu như vậy không chỉ đơn thuần thành cử động mà có thể thành ngôn ngữ. Nếu thí nghiệm thành công, bệnh nhân bị hội chứng này cuối cùng có thể nói chuyện trực tiếp với thế giới bên ngoài, và cuối cùng chúng ta có thể sử dụng công nghệ này để đọc suy nghĩ của người khác.

Song, trong tất cả các dự án đang được phát triển, nỗ lực cách mạng nhất là tạo ra một giao diện tương tác trực tiếp hai chiều giữa bộ não và máy tính, cho phép máy tính có thể đọc các tín hiệu điện não đồ, đồng thời truyền các tín hiệu mà não có thể đọc được quay trở lại. Nếu như những giao diện như vậy được sử dụng để trực tiếp liên kết bộ não với Internet, hoặc liên kết trực tiếp nhiều bộ não với nhau, do đó tạo ra một loại mạng internet của não bộ thì sao? Điều gì có thể xảy ra với bộ nhớ con người, ý thức con người và bản chất con người nếu não có quyền truy cập trực tiếp vào một ngân hàng bộ nhớ tập thể? Trong tình huống như vậy, ví dụ, một cyborg có thể lấy kỷ niệm của người khác – không chỉ được nghe, được đọc về họ trong cuốn tự truyện, mà trực tiếp nhớ lại chúng như thể đó là kí ức của mình. Điều gì xảy ra với các khái niệm như bản ngã và giới tính, khi trí tuệ trở thành tập thể? Làm thế nào bạn có thể hiểu về bản thân hay theo đuổi giấc mơ của mình, nếu giấc mơ không chỉ tồn tại trong tâm trí bạn mà còn tồn tại trong một số bể chứa tập thể những khát vọng?

Một cyborg như vậy sẽ không còn là con người, hoặc kể cả là một thực thể hữu cơ. Nó sẽ là một cái gì đó hoàn toàn khác. Về cơ bản, nó sẽ là một thực thể hoàn toàn khác lạ mà chúng ta thậm chí không thể nắm bắt được những hàm ý triết học, tâm lý hay chính trị của nó.

Một cuộc sống khác

Cách thứ ba để thay đổi các quy luật của cuộc sống là thiết kế một thực thể hoàn toàn phi hữu cơ. Một ví dụ rõ ràng nhất là các chương trình máy tính và virus máy tính có thể trải qua quá trình tiến hoá độc lập.

Ngày nay, lĩnh vực lập trình di truyền là một trong những điểm thú vị nhất của thế giới khoa học máy tính. Nó cố gắng mô phỏng các phương pháp tiến hoá di truyền. Nhiều lập trình viên mơ ước tạo ra một chương trình có thể học hỏi và tiến hoá hoàn toàn độc lập với người tạo ra nó. Trong trường hợp này, lập trình viên sẽ giống như một động lực đầu tiên, người di chuyển đầu tiên, nhưng sáng tạo của anh ta sẽ được tự do tiến hoá theo những hướng mà không phải nhà sản xuất cũng như bất kỳ ai khác hình dung nổi.

Một nguyên mẫu cho một chương trình như vậy đã thực sự tồn tại – đó chính là một virus máy tính. Khi lây lan qua Internet, virus tự sao chép thành hàng triệu triệu lần, trong khi vẫn bị truy đuổi bởi các chương trình diệt virus và cạnh tranh với các virus khác để có một vị trí trong không gian mạng. Một ngày kia, khi virus sao chép chính nó, một sai sót đã xảy ra – một đột biến vi tính. Có lẽ đột biến xảy ra vì các kĩ sư lập trình cho con virus đó để thỉnh thoảng nó tự tạo ra các sao chép sai lầm ngẫu nhiên. Có lẽ đột biến là do lỗi ngẫu nhiên. Nếu tình cờ virus đột biến có thể trốn tránh các chương trình chống virus tốt hơn mà không làm mất khả năng xâm nhập các máy tính khác, thì virus mới sẽ được lan truyền qua không gian mạng. Nếu vậy, các đột biến sẽ sống sót và nhân lên nhiều lần. Thời gian trôi qua, không gian mạng sẽ tràn ngập các loại virus mới vốn không do con người thiết kế, và trải qua quá trình tiến hoá phi hữu cơ.

Liệu chúng có là những sinh vật sống? Điều đó còn phụ thuộc vào việc bạn hiểu thế nào là một “sinh vật sống”. Chúng chắc chắn đã được sản xuất bởi một quá trình tiến hoá mới, hoàn toàn độc lập với các quy luật và giới hạn của quá trình tiến hoá hữu cơ.

Hãy tưởng tượng một khả năng khác – giả sử bạn có thể sao lưu bộ não của mình vào một ổ cứng di động, và sau đó chạy nó trên laptop của mình. Liệu laptop ấy sẽ có thể suy nghĩ và cảm nhận giống như một Sapiens? Nếu vậy, nó sẽ là bạn hay một người nào khác? Điều gì xảy ra nếu những lập trình viên máy tính có thể tạo ra một trí tuệ kĩ thuật số hoàn toàn mới, bao gồm các mã máy tính, chứa đựng một cảm giác hoàn chỉnh về bản ngã, ý thức và trí nhớ? Nếu bạn chạy chương trình này trên máy tính của mình, liệu nó có phải là một con người? Và nếu bạn xóa nó, bạn có thể bị buộc tội giết người không?

Chúng ta sẽ sớm có câu trả lời cho những câu hỏi như vậy. Dự án Bộ não Người, được hình thành vào năm 2005, với hy vọng sẽ tái tạo một bộ não người hoàn chỉnh bên trong một máy tính, với các mạch điện tử trong máy tính mô phỏng mạng lưới thần kinh của não. Giám đốc dự án đã tuyên bố rằng, nếu được tài trợ đầy đủ, thì trong vòng một hoặc hai thập kỷ, chúng ta có thể có một bộ não người nhân tạo bên trong một máy tính, nó có thể nói chuyện và cư xử như một con người thực sự. Nếu thành công, điều đó có nghĩa rằng sau 4 tỉ năm vận động trong thế giới nhỏ bé của các hợp chất hữu cơ, sự sống sẽ đột nhiên bùng phát trong cõi vô cơ bao la, sẵn sàng biến hình và vượt ra ngoài ước mơ ngông cuồng nhất của chúng ta. Không phải tất cả các học giả đều đồng ý rằng trí tuệ con người làm việc theo cách tương tự như máy tính kĩ thuật số hiện đại, nếu không máy tính hiện đại đã có thể mô phỏng nó. Tuy nhiên, sẽ thật ngu ngốc nếu bác bỏ mọi khả năng trước khi thử. Năm 2013, dự án đã nhận được một khoản tài trợ 1 tỉ Euro từ Liên minh châu Âu.

Điểm độc nhất

Hiện, chỉ một phần rất nhỏ những cơ hội mới này đã được hiện thực hoá. Song, thế giới năm 2014 đã là một thế giới trong đó văn hoá đang tự mình tháo gỡ những xiểng xích của sinh học. Khả năng thiết kế không chỉ thế giới xung quanh, mà trên hết là thế giới bên trong cơ thể và tâm trí của chúng ta, đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Ngày càng có nhiều lĩnh vực đang bị khuấy động khỏi những cách hoạt động xưa cũ của chúng. Các luật sư cần suy nghĩ lại về vấn đề riêng tư và danh tính; các chính phủ đang đối mặt với việc suy nghĩ lại về các vấn để chăm sóc sức khỏe và bình đẳng; các hiệp hội thể thao và cơ sở giáo dục phải định nghĩa lại sự công bằng và thành tích; các quỹ hưu trí và thị trường lao động nên điều chỉnh lại cho phù hợp với một thế giới trong đó người 60 tuổi mới chỉ như 30. Tất cả đều phải đối đầu với các câu hỏi hóc búa của công nghệ sinh học, cyborg và đời sống vô cơ.

Đã phải mất tới 13 năm và 3 tỉ đô-la để lập bản đồ gen đầu tiên của loài người. Hiện nay bạn có thể lập bản đồ ADN của một người trong vòng vài tuần với chi phí vài trăm đô-la. Thời đại của y học cá nhân hoá – nền y học với những phương thuốc điều trị phù hợp với ADN – đã bắt đầu. Bác sĩ gia đình có thể sớm nói với bạn một cách chắc chắn rằng bạn phải đối mặt với nguy cơ cao về ung thư gan, trong khi bạn không cần phải lo lắng nhiều về các cơn đau tim. Ông ta có thể xác định được một loại thuốc phổ biến giúp ích cho 92% bệnh nhân khác là vô ích đối với bạn, và thay vào đó bạn nên dùng thuốc khác, gây tử vong cho nhiều người nhưng lại phù hợp với bạn. Con đường dẫn đến nền y học gần như hoàn hảo đang hiện ra trước chúng ta.

Tuy nhiên, những cải tiến về kiến thức y tế sẽ kéo theo các câu hỏi hóc búa về đạo đức mới. Các nhà đạo đức học và các chuyên gia pháp lý đang phải chiến đấu với vấn đề gai góc về quyền riêng tư vì nó liên quan đến ADN. Các công ty bảo hiểm có được quyền yêu cầu quét ADN của chúng ta và nâng phí bảo hiểm nếu họ phát hiện ra một xu hướng di truyền liên quan đến hành vi liều lĩnh? Liệu chúng ta sẽ được yêu cầu gửi fax ADN của mình, thay vì sơ yếu lý lịch, cho các nhà tuyển dụng tiềm năng? Liệu một nhà tuyển dụng có thể yêu thích một ứng viên vì ADN của anh ta nhìn có vẻ tốt hơn? Liệu chúng ta có thể khởi kiện trong những trường hợp đó bởi có sự “phân biệt đối xử về di truyền”? Và liệu một công ty phát triển một sinh vật mới hoặc một cơ quan mới có thể đăng ký bằng sáng chế về những chuỗi ADN nào đó hay không? Rõ ràng là một người có thể sở hữu một con gà, nhưng liệu người đó có thể sở hữu toàn bộ một loài?

Những tình huống khó xử như vậy vẫn vô cùng nhỏ bé so với ý nghĩa đạo đức, xã hội và chính trị của Dự án Gilgamesh, và của các khả năng mới mang tính tiềm năng của chúng ta trong việc tạo ra những siêu nhân. Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, các chương trình y tế của chính phủ trên khắp thế giới, các chương trình bảo hiểm y tế quốc gia và các hiến pháp quốc gia trên toàn thế giới nhận ra rằng, một xã hội nhân đạo phải cung cấp cho mọi thành viên của mình sự chăm sóc y tế công bằng, và giữ cho mọi người có sức khỏe tương đối tốt. Điều này rất tốt, miễn là y tế chỉ tập trung vào việc phòng và chữa bệnh. Điều gì có thể xảy ra nếu y tế trở nên ám ảnh với việc tăng cường năng lực của con người? Liệu mọi người sẽ được hưởng thứ năng lực vượt trội như vậy, hay sẽ có một giới tinh hoa siêu nhân mới?

Thế giới hiện đại gần đây của chúng ta tự hào về việc lần đầu tiên trong lịch sử, có sự công nhận quyền bình đẳng cơ bản của tất cả mọi người, tuy nhiên nó lại có thể tạo ra sự bất bình đẳng kinh khủng nhất trong tất cả các xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử, tầng lớp trên luôn được cho là thông minh hơn, mạnh hơn và nói chung là tốt hơn các tầng lớp dưới. Họ thường tự lừa dối bản thân. Một em bé sinh ra trong gia đình nông dân nghèo hoàn toàn có khả năng thông minh như một hoàng tử. Với sự giúp đỡ của năng lực y tế mới, sự giả tạo của tầng lớp thượng lưu có thể sớm trở thành hiện thực khách quan.

Đây không phải khoa học viễn tưởng. Hầu hết phim khoa học viễn tưởng mô tả một thế giới trong đó Sapiens – giống hệt chúng ta – tận hưởng công nghệ cao cấp như phi thuyền không gian với tốc độ ánh sáng và súng laser. Các tình huống khó xử về đạo đức và chính trị chủ yếu từ các kịch bản này được lấy từ thế giới của chúng ta, và chúng đơn thuần tái tạo những căng thẳng về tình cảm và xã hội của chúng ta với một bối cảnh tương lai. Tuy nhiên, tiềm năng thực sự của công nghệ tương lai là thay đổi bản thân Homo sapiens, bao gồm cả cảm xúc và mong muốn của chúng ta, chứ không chỉ là các phương tiện và vũ khí. Một con tàu vũ trụ có nghĩa lý gì so với một cyborg trẻ mãi không già, không sinh sản và không tình dục, có thể chia sẻ suy nghĩ trực tiếp với người khác, người mà có khả năng tập trung và ghi nhớ lớn hơn chúng ta cả ngàn lần, không bao giờ tức giận hay buồn, nhưng lại có những cảm xúc và khát vọng mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi?

Khoa học viễn tưởng hiếm khi mô tả tương lai như vậy, vì đó là một mô tả chính xác, mà theo định nghĩa là không thể hiểu nổi. Sản xuất một bộ phim về cuộc đời của những siêu cyborg giống như trình diễn vở Hamlet dành cho khán giả Neanderthal. Thật vậy, những chủ nhân tương lai của thế giới có lẽ sẽ khác biệt rất nhiều so với chúng ta hơn là chúng ta khác biệt so với Neanderthal. Trong khi chúng ta và Neanderthal ít nhất vẫn là người, thì thế hệ tương lai của chúng ta sẽ giống như những vị thần.

Các nhà vật lý định nghĩa Big Bang (Vụ nổ Lớn) là một điểm độc nhất. Đây là thời điểm mà tất cả các định luật của tự nhiên được biết đến không tồn tại. Thời gian cũng không tồn tại. Vì vậy, thật vô nghĩa khi nói về bất cứ điều gì tồn tại “trước” Big Bang. Chúng ta có thể nhanh chóng tiếp cận một đặc trưng mới, khi tất cả các khái niệm mang lại ý nghĩa cho thế giới chúng ta – tôi, bạn, đàn ông, đàn bà, tình yêu và thù hận – đều trở nên không liên quan. Bất cứ điều gì xảy ra sau thời điểm đó đều vô nghĩa với chúng ta.

Lời tiên tri Frankenstein

Năm 1818, Mary Shelley xuất bản cuốn Frankenstein, câu chuyện về một nhà khoa học tạo ra một thực thể nhân tạo thoát khỏi tầm kiểm soát và gây ra sự tàn phá. Trong hai thế kỷ qua, câu chuyện này đã được kể đi kể lại với nhiều phiên bản khác nhau. Nó trở thành trụ cột trung tâm trong huyền thoại mới về khoa học của chúng ta. Ngay từ đầu, câu chuyện Frankenstein đã xuất hiện để cảnh báo rằng nếu chúng ta cố gắng đóng vai Chúa và thiết kế nên sự sống, chúng ta sẽ bị trừng phạt nặng nề. Song, câu chuyện còn có một ý nghĩa sâu sắc hơn.

Huyền thoại Frankenstein đẩy Homo sapiens đối mặt với thực tế là những ngày cuối cùng đang đến rất nhanh. Trừ phi có một vài can thiệp của thảm họa hạt nhân hoặc sinh thái, thì cùng với câu chuyện, tốc độ phát triển khoa học kĩ thuật sẽ sớm dẫn đến sự thay thế Homo sapiens bằng những con người hoàn toàn khác, sở hữu không chỉ đặc điểm thể chất khác biệt, mà còn cả thế giới nhận thức và cảm xúc cũng rất khác. Đây là điều khiến cho phần lớn Sapiens cảm thấy vô cùng bối rối. Chúng ta muốn tin rằng trong tương lai, những người giống hệt chúng ta sẽ đi từ hành tinh này đến hành tinh trên các phi thuyền siêu tốc. Chúng ta không muốn nhìn nhận khả năng là trong tương lai, những thực thể có cảm xúc và đặc điểm như chúng ta sẽ không còn tồn tại, và vị trí của chúng ta sẽ được thay thế bởi các dạng sống xa lạ, với khả năng hoàn toàn lấn át chúng ta.

Bằng cách nào đó, chúng ta tìm thấy niềm an ủi trong ý tưởng rằng Tiến sĩ Frankenstein đã tạo ra một con quái vật khủng khiếp, kẻ mà chúng ta phải tiêu diệt để tự cứu mình. Chúng ta muốn kể câu chuyện như vậy, bởi nó ngụ ý rằng chúng ta là tốt nhất trong muôn loài, rằng sẽ không bao giờ có được loài nào tốt hơn chúng ta. Bất kỳ nỗ lực nào để cải thiện con người đều chắc chắn sẽ thất bại, vì ngay cả khi cơ thể chúng ta có được cải thiện, bạn cũng không thể chạm vào linh hồn con người.

Chúng ta sẽ có một khoảng thời gian khó khăn để chấp nhận một thực tế là các nhà khoa học hoàn toàn có thể thiết kế được linh hồn cũng như cơ thể, và do đó trong tương lai Tiến sĩ Frankenstein có thể tạo ra một cái gì đó thực sự vượt trội so với chúng ta, nó sẽ nhìn chúng ta với sự thương hại như cách chúng ta nhìn vào những Neanderthal.

Chúng ta không thể chắc chắn khi nào thì Frankenstein của hiện tại sẽ thực sự thật hiện lời tiên tri này. Tương lai là vô định, và thật ngạc nhiên nếu những dự báo ở mấy trang cuối này sẽ được hiện thực hoá hoàn toàn. Lịch sử dạy chúng ta rằng những gì có vẻ sắp xảy đến lại không bao giờ trở thành hiện thực, do những rào cản không lường trước được, và rằng những kịch bản khó lường khác sẽ xảy ra trong thực tế. Khi kỷ nguyên hạt nhân nổ ra vào những năm 1940, nhiều dự báo đã được đưa ra về thế giới hạt nhân tương lai vào những năm 2000. Khi vệ tinh sputnik và phi thuyền Apollo 11 công phá trí tưởng tượng của thế giới, mọi người bắt đầu dự đoán rằng vào cuối thế kỷ này, con người sẽ sống trong các thuộc địa vũ trụ trên Sao Hỏa và Sao Diêm Vương. Rất ít dự báo trên trở thành sự thật. Mặt khác, không ai thấy trước được Internet.

Vì vậy, đừng vội ra ngoài mua bảo hiểm trách nhiệm để bồi thường cho bạn khi phải chống lại vụ kiện của những thực thể kĩ thuật số. Những tưởng tượng trên – hoặc những cơn ác mộng – chỉ là những chất kích thích cho trí tưởng tượng của bạn. Những gì chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc là ý tưởng rằng giai đoạn tiếp theo của lịch sử sẽ bao gồm không chỉ những biến đổi về mặt công nghệ và tổ chức, mà còn cả những biến đổi cản bản trong ý thức và bản sắc của con người. Và những biến đổi này có thể căn bản tới mức họ sẽ đặt nghi vấn với chính cụm từ “con người”. Chúng ta còn tồn tại trong bao lâu? Không ai thực sự biết. Như đã đề cập, một vài người nói rằng vào năm 2050 một số ít người sẽ không chết vì già. Những dự báo ít cực đoan hơn thì nói điều này sẽ xảy ra vào thế kỷ tiếp theo hoặc thiên niên kỷ tiếp theo. Song, từ quan điểm 70.000 năm lịch sử Sapiens, một vài thiên niên kỷ đã là gì?

Nếu bức màn thực sự sắp hạ xuống với lịch sử Sapiens, chúng ta là thành viên của một trong những thế hệ cuối cùng nên dành chút thời gian để trả lời một câu hỏi cuối cùng: chúng ta muốn trở thành gì? Câu hỏi này, đôi khi được gọi là câu hỏi Đề cao Nhân loại, đẩy những tranh luận hiện đang làm bận tâm các chính trị gia, triết gia học giả và người bình thường sang một bên. Sau tất cả, cuộc tranh luận hiện có giữa các tôn giáo, ý thức hệ, quốc gia và giai tầng về những vấn đề của hôm nay có khả năng lớn sẽ biến mất cùng với Homo sapiens. Nếu các thế hệ sau của chúng ta thực sự hoạt động trên một cấp độ ý thức khác (hoặc có thể sở hữu thứ gì đó vượt ra ngoài ý thức mà chúng ta thậm chí không thể hình dung), khó có thể tin được rằng Ki-tô giáo hay Hồi giáo sẽ được họ quan tâm đến, rằng tổ chức xã hội của họ có thể là cộng sản hay tư bản chủ nghĩa, hoặc rằng giới tính của họ có thể là nam hay nữ.

Tuy nhiên, các cuộc tranh luận lớn của lịch sử vẫn rất quan trọng, bởi ít nhất thế hệ đầu tiên của các vị thần này sẽ được định hình bởi tư tưởng văn hoá của người thiết kế ra họ. Liệu rằng họ sẽ được tạo ra theo hình ảnh của chủ nghĩa tư bản, của Hồi giáo, hay của chủ nghĩa nữ quyền? Câu trả lời cho câu hỏi này có thể đẩy họ đi theo các hướng khác nhau hoàn toàn.

Hầu hết mọi người không muốn nghĩ về nó. Ngay cả lĩnh vực đạo đức sinh học cũng chỉ muốn giải quyết một câu hỏi khác: “Điều này bị cấm để làm gì?” Có thể chấp nhận được khi làm thí nghiệm di truyền trên con người đang sống? Trên bào thai bị phá hủy? Trên tế bào gốc? Liệu có hợp đạo đức khi nhân bản cừu vô tính? Còn tinh tinh? Và con người thì sao? Tất cả đều là những câu hỏi quan trọng, nhưng sẽ thật ngây thơ khi tưởng tượng rằng chúng ta đơn giản có thể nhấn phanh và dừng các dự án khoa học đang nâng cấp Homo sapiens thành một dạng sự sống khác. Bởi những dự án này đều gắn bó chặt chẽ, phức tạp với Dự án Gilgamesh. Hãy hỏi các nhà khoa học vì sao họ nghiên cứu về bộ gen, hoặc cố gắng kết nối bộ não với máy tính, hoặc nỗ lực tạo ra trí não bên trong máy tính. Chín trong số mười lần như vậy, bạn sẽ nhận được cùng một câu trả lời khuôn mẫu rằng: chúng tôi làm điều này để chữa bệnh và cứu sống con người. Kể cả có những tác động của việc tạo ra trí não bên trong máy tính mang kịch tính hơn rất nhiều so với việc chữa bệnh tâm thần, nhưng đây là lý do khuôn mẫu được đưa ra, bởi không ai có thể tranh cãi về điều đó. Đó là lý do khiến Dự án Gilgamesh vẫn là lá cờ đầu của khoa học. Nó được dùng để biện minh cho mọi thứ khoa học đang làm. Tiến sĩ Frankenstein đứng trên vai của Gilgamesh. Vì không thể ngăn chặn Gilgamesh, nên cũng khống thể ngăn chặn Tiến sĩ Frankenstein.

Điều duy nhất chúng ta có thể cố gắng làm là gây ảnh hưởng đến hướng đi mà các nhà khoa học đang chọn. Do chúng ta cũng có thể sớm thiết kế nên những khát vọng của mình, nên có lẽ câu hỏi chúng ta đang thực sự phải đối mặt không phải là “Chúng ta muốn trở thành gì?” mà là “Chúng ta muốn mình muốn gì?” Những ai nếu không hoảng sợ bởi câu hỏi này, thì có lẽ đã chưa suy nghĩ về nó đủ nhiều.